1Q84 (Tập 1)

Chương 8: Tengo



Đến nơi xa lạ gặp người xa lạ

Đối với rất nhiều người, buổi sáng chủ nhật tượng trưng cho sự nghỉ ngơi. Nhưng cả thời thiếu niên của mình, Tengo chưa bao giờ nghĩ rằng buổi sáng Chủ nhật lại vui vẻ. Ngày Chủ nhật thường khiến tâm trạng anh nặng nề, u ám. Cứ đến cuối tuần, cơ thể liền bắt đầu đờ đẫn, nặng trịch, chán ăn, mình mẩy chỗ nào cũng đau nhức. Đối với Tengo ngày Chủ Nhật giống như vầng trăng hình thù vặn vẹo lúc nào cũng hướng mặt sau tăm tối về phía anh. Nếu ngày Chủ nhật chẳng bao giờ đến thì tốt biết mấy! Hồi nhỏ Tengo vẫn thầm mong như thế. Giá như trường học ngày nào cũng mở cửa, và không có ngày nghỉ thì thật vui sao! Thậm chí anh còn từng khẩn cầu ngày Chủ nhật đừng đến! Đương nhiên lời khẩn cầu ấy không thể nào ứng nghiệm. Cho đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, Chủ nhật không còn là ngày đe dọa nữa, nhưng cũng có hôm, sáng Chủ nhật tỉnh dậy, chẳng hiểu sao anh lại thấy tâm trạng mình rất u ám, cảm giác từng đốt xương trên người kêu răng rắc, hơn nữa còn thấy buồn nôn. Phản ứng ấy có lẽ đã ngấm vào tâm trí của anh. Thậm chí đã tới vùng tiềm thức rồi không chừng.

Cứ đến Chủ nhật là người cha làm nhân viên thu phí của đài NHK lại dẫn Tengo khi ấy vẫn còn bé đi khắp nơi thu tiền. Chuyện ấy bắt đầu từ trước khi Tengo đi mẫu giáo, mãi đến thời anh học lớp năm mới chấm dứt, trừ phi nhà trường có hoạt động gì đặc biệt, còn không thì chưa hề gián đoạn. Bảy giờ sáng thức dậy, cha Tengo lấy xà phòng rửa mặt cho anh thật sạch, cẩn thận kiểm tra lỗ tai và các móng tay, mặc cho anh quần áo sạch sẽ nhất (nhưng chẳng đẹp chút nào), rồi hứa hẹn lát sau xong việc sẽ mua đồ ăn ngon cho anh.

Những nhân viên thu phí khác của đài NHK có làm việc ngày Chủ nhật hay không, Tengo không rõ. Nhưng trong kí ức của anh, chắc chắn cha anh có làm việc Chủ nhật, thậm chí còn gắng sức hơn ngày thường. Bời vì ngày Chủ nhật có thể tìm được những người ngày thường không ở nhà.

Việc ông dẫn cậu bé Tengo cùng đi thu tiền cước là có mấy lý do. Không thể mặc Tengo còn lúc bé xíu như thế ở nhà một mình là một. Ngày thường và thứ Bảy đều có thể gửi ở trường mầm non, trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học, còn Chủ nhật thì những nơi ấy đều nghỉ. Một lý do khác, là cần để con trai nhìn thấy cha làm việc như thế nào. Cuộc sống của chúng ta được duy trì, bởi điều gì, lao động là như thế nào, mỗi thứ ấy đều phải biết từ khi còn nhỏ. Bản thân cha anh từ khi bắt đầu có ký ức cũng đã bị xua ra đồng làm việc rồi, vốn chẳng có gì gọi là Chủ nhật. Những lúc đồng áng bận rộn, thậm chí còn phải xin nghỉ học ra ruộng làm việc. Đối với cha anh, cuộc sống như vậy là lẽ đương nhiên.

Lý do thứ ba, lý do cuối cùng, cũng là lý do có vẻ tính toán nhất, vì vậy cũng làm tổn thương Tengo nhiều nhất. Cha anh hiểu rất rõ rằng nếu dẫn theo trẻ con, thì ông thường rất dễ dàng thu được phí. Khi đối diện với nhân viên thu tiền dắt theo trẻ con, những lời kiểu như “Tiền này tôi không muốn trả đấy xéo đi” khó mà nói ra miệng được. Trước ánh mắt chăm chú của đứa trẻ, nhiều người vốn chẳng định trả tiền cũng đành phải móc hầu bao ra thanh toán. Thế nên ngày Chủ nhật của cha anh rất hay chọn tuyến đường có nhiều nhà khó thu tiền. Ngay từ đầu Tengo đã nhận ra được vai trò mà cha kỳ vọng ở mình, trong lòng cảm thấy hết sức khó chịu. Nhưng mặt khác để làm cha vui lòng, anh cũng không thể không vắt óc suy nghĩ để hoàn thành vai diễn mà ông mong đợi. Giống như con khỉ làm xiếc. Nếu có thể khiến cha vui lòng, cả ngày hôm ấy Tengo sẽ được đối xử rất dịu dàng.

Niềm an ủi nhất của Tengo là khu vực cha anh phụ trách thu tiền cách nhà khá xa. Nhà Tengo ở khu ngoại ô thành phố Ichikawa, còn khu vực cha anh phụ trách thu tiền lại ở trung tâm thành phố. Trường của anh cũng thuộc khu vực khác. Vì vậy có thể tránh tình huống đến nhà bạn học cùng trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học thu tiền. Tuy thế, trên đường phố đông đúc ở trung tâm, thi thoảng anh vẫn gặp các bạn học đi ngang qua. Những lúc như thế, anh thường nhanh nhẹn nấp sau lưng cha, không để các bạn phát hiện.

Cha đám bạn cùng lớp Tengo hầu như đều là dân công sở làm việc ở trung tâm Tokyo. Bọn chúng đều nghĩ thành phố Ichikawa là một phần của Tokyo, chẳng qua vì một nguyên nhân nào đó mới ngẫu nhiên bị biên vào địa chỉ giới tỉnh Chiba thôi. Sáng thứ Hai, lũ bạn liền sôi nổi tán chuyện Chủ nhật mình đã đi những đâu làm những gì. Chúng đi nào là công viên, vườn bách thú, sân bóng chày. Mùa hè đến biển Minamiboso bơi, mùa đông đi trượt tuyết. Hoặc không thì đòi cha mình lái xe đi hóng gió, hoặc đi leo núi. Chúng hào hứng bàn tán về các kinh nghiệm, trao đổi thông tin về các địa điểm khác nhau. Còn Tengo thì chẳng có gì để kể. Anh chưa từng đi du lịch, cũng chẳng bao giờ đến công viên giải trí. Từ sáng sớm đến tối mịt ngày Chủ nhật, anh chỉ theo cha đi ấn chuông cửa nhà những người không hề quen biết, khom lưng thu tiền của những người ra mở cửa, nếu người ta không chịu trả thì phải vừa dỗ dành vừa dọa nạt. Gặp phải người thích cãi lộn thì cũng phải lý luận tới cùng. Có lúc còn bị nhục mạ xua đuổi như chó. Những kinh nghiệm này không thể nào kể ra với các bạn cùng lớp được.

Năm lớp ba, ai cũng biết chuyện cha anh là nhân viên thu phí của đài NHK. Có lẽ lúc theo cha anh đi thu tiền anh đã bị ai đấy trông thấy. Phải biết là ngày Chủ nhật nào, từ sáng sớm đến tối mịt anh cũng lẽo đẽo theo cha đi khắp ngõ lớn ngõ nhỏ trong khu trung tâm thành phố, bị người quen trông thấy cũng là chuyện tất nhiên. (Lúc ấy anh đã lớn, không thể nấp sau cha được nữa). Mọi người còn ngạc nhiên hơn vì trước đó việc này chưa bao giờ lộ ra.

Vậy là, từ lúc đó đám bạn đều dùng biệt danh “NHK” để gọi anh. Trong xã hội của tụi trẻ con thuộc giai cấp tiểu tư sản cổ trắng, anh không thể không thành một thứ “dị chủng”. Nhiều chuyện vốn là lẽ đương nhiên với những đứa trẻ khác, thì với Tengo lại không phải vậy. Tengo ở trong một thế giới khác hẳn với thế giới của chúng, cuộc sống hoàn toàn dị biệt. Thành tích học tập của anh ở trường thuộc diện xuất sắc, môn thể dục cũng giỏi. Thân hình cao lớn, khỏe mạnh. Thầy cô giáo cũng đặc biệt chú ý đến anh. Vì vậy, tuy là một thứ “dị chủng” trong môi trường đó, nhưng ở lớp, anh không trở thành đối tượng bị bài xích, ngược lại gặp chuyện gì cũng được đối đãi đặc biệt. Song, cho dù có người rủ ngày Chủ nhật cùng đi đâu đó chơi, hoặc mời đến nhà, anh cũng không thể nhận lời. Bởi Tengo hiểu rõ, dẫu anh có nói với cha “Tuần này cả lớp đều đến nhà bạn nào đấy” thì ông cũng chẳng thèm để ý. Xin lỗi, Chủ nhật tuần này không được rồi. Anh chỉ có thể uyển chuyển từ chối như thế. Sau mấy lần liên tiếp, đương nhiên chẳng còn ai mời anh nữa. Đến khi nhận ra, thì anh đã chẳng thuộc về nhóm nào, luôn chỉ có một mình.

Ngày Chủ nhật, dù có xảy ra chuyện gì, anh cũng đều cùng cha đi theo một tuyến đường nhất định để thu tiền cước từ sáng sớm đến tối mịt. Đây là quy luật tuyệt đối, không thay đổi và cũng không có ngoại lệ. Cho dù anh bị cảm ho sù sụ không ngớt, hay sốt cao, hay đau bụng tiêu chảy, cha Tengo cũng không cho phép anh ở nhà. Những lúc như thế, anh thường loạng choạng đi sau ông, trong lòng thầm nhủ: giá ngã lăn ra đây chết luôn đi có phải tốt không. Như thế, có khi ít nhiều cha anh sẽ suy xét lại hành vi của mình … rồi nghĩ có thể ông đã quá nghiêm khắc với con trai. Nhưng chẳng rõ là may mắn hay bất hạnh, trời sinh ra Tengo rất khỏe mạnh, cường tráng. Dù bị sốt, đau dạ dày, buồn nôn cũng chưa bao giờ ngã, cũng không một lần ngất xỉu, luôn cùng với cha đi hết tuyến đường thu tiền dài dằng dặc. Chưa bao giờ oán thán nửa lời.

Vào năm chiến tranh kết thúc, cha Tengo không một đồng xu dính túi từ Mãn Châu trở về. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân Đông Bắc, là con trai thứ ba, cùng một đám bạn đồng hương gia nhập “Đoàn khai thác Mãn Mông”, vượt biển đến Mãn Châu. Ông không hề tin tưởng mù quáng vào sự tuyên truyền của chính phủ rằng Mãn Châu là cõi thiên đường hạ giới, đất đai phì nhiêu màu mỡ, đến đó là có thể sống giàu có sung túc. Ngay từ đầu ông đã hiểu rõ, trên đời này chẳng có nơi nào gọi là thiên đường hạ giới. Nhưng đói nghèo bức bách, ở lại quê hương thì chỉ có thể sống lay lắt chờ chết đói. Vả lại nền kinh tế lúc đó đã quá tiêu điều, người thất nghiệp đầy rẫy. Cho dù có lên thành phố cũng đừng hòng tìm được việc làm. Trong hoàn cảnh ấy, con đường sống duy nhất là đến Mãn Châu. Sau khi được huấn luyện cơ bản ở đoàn nông dân khai thác để có thể cầm súng những lúc hữu sự, nhét vào đầu chút kiến thức tối thiểu về tình hình nông nghiệp ở Mãn Châu, sau khi được tiễn đưa bằng ba tiếng hô vang vạn tuế, bọn họ bỏ lại quê hương phía sau, rồi từ Đại Liên đi xe lửa đến biên giới Mông Cổ. Ở đó, họ được phân ruộng đất, nông cụ và súng trường, bắt đầu chung tay mở mang nông nghiệp. Đâu đâu cũng là đất cằn cỗi bạc màu lổn nhổn đá vụn, đến mùa đông thì vạn vật biến thành băng. Vì không có gì ăn nên cả chó hoang họ cũng xơi tất. Mặc dù vậy, do mấy năm đầu vẫn có hỗ trợ của chính phủ, nên họ cũng có thể sống tạm qua ngày.

Tháng Tám năm 1945, khi cuộc sống cuối cùng cũng bắt đầu có dấu hiệu ổn định, thì Liên Xô phá bỏ hiệp ước trung lập, tấn công toàn diện vào “Đế quốc Mãn Châu”. Quân đội Liên Xô, sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu, dồn một lực lượng lớn sang Viễn Đông qua đường xe lửa Seberia, bày binh bố trận để chuẩn bị băng qua biên giới. Cha Tengo được ngầm cho biết tình thế cấp bách này từ một quan chức ông tình cờ quen biết, đã dự đoán trước việc quân Liên Xô sẽ tấn công. Quan chức kia còn nói nhỏ với ông rằng quân Quan Đông đã yếu thế tới mức không thể cầm cự với đối phương, cho nên tốt nhất là nên chuẩn bị tháo chạy, càng nhanh càng tốt, dù tay trắng cũng phải chạy. Vì vậy, tin tức quân đội Liên Xô vượt qua biên giới vừa truyền đi, ông đã cưỡi con ngựa chuẩn bị từ trước phi thẳng đến ga xe lửa, chen lên đoàn tàu cuối cùng chạy về Đại Liên. Trong số những người cùng đi năm đó, chỉ mình ông duy nhất sống sót trở về Nhật Bản.

Sau chiến tranh, cha Tengo tới Tokyo, buôn bán kiểu chợ đen, rồi học nghề mộc, nhưng chẳng việc nào thành công, chỉ là cố nhét cho đầy bụng. Mùa thu năm 1947, khi đang làm người giao hàng cho một quán ăn nhỏ Asakusa, tình cờ ông gặp lại người quen cũ ở Mãn Châu bên đường, chính là vị quan chức đã rỉ tai cho ông biết tin Nhật – Xô sắp sửa khai chiến năm đó. Ông ta được điều đến Mãn Châu và làm trong ngành bưu chính, giờ về Nhật Bản làm công chức trong Đệ tín tỉnh[1] nơi ông ta công tác từ trước. Có lẽ vì tình đồng hương, hơn nữa ông kia cũng biết cha Tengo là người chịu thương chịu khó, nên rất quý mến, bèn mời đi ăn cơm.

[1] Tiền thân của cục bưu chính Nhật ngày nay.

Biết chuyện cha Tengo không tìm được công việc nào ra hồn, cuộc sống rất khó khăn, người đó liền chủ động hỏi ông có muốn làm nhân viên thu cước cho đài NHK không. Ông ta có người bạn làm ở đấy, có thể giúp được. Nếu được vậy thì tốt quá, cha anh nói. Tuy không biết NHK là cái gì, nhưng chỉ cần có thu nhập cố định thì việc gì chẳng được. Người đó liền viết thư giới thiệu, thậm chí còn đứng ra bảo lãnh cho cha Tengo. Vậy là cha anh được nhận vào làm nhân viên thu phí của đài NHK mà không gặp khó khăn gì. Được đào tạo, lĩnh đồng phục, phân công định mức công việc. Mọi người cuối cùng cũng vượt qua được cơn chấn động vì thua trận, và tìm kiếm sự tiêu khiển trong đời sống nghèo nàn. Âm nhạc, truyện cười và tiết mục thể thao trên sóng phát thanh đã trở thành phương thức giải trí tiết kiệm nhất ở bên cạnh mỗi người, mức phổ cập của radio vượt xa so với thời trước chiến tranh. Đài NHK cần một lượng lớn nhân viên đến từng nhà để thu phí nghe đài.

Cha Tengo rất nhiệt tình hoàn thành công việc được giao. Điểm mạnh của ông là cơ thể cường tráng và giỏi chịu đựng. Phải biết rằng từ lúc cha sinh mẹ đẻ, chẳng mấy khi ông được ăn no. Đối với những người như thế, công việc thu cước cho đài NHK không hề vất vả. Bị người ta mắng chửi, ông cũng không để tâm. Hơn nữa, mặc dù chỉ là nhân viên quèn, ông vẫn lấy làm thỏa mãn khi được làm cho một tổ chức lớn. Ban đầu chỉ là nhân viên thu phí ngoài biên chế không có bảo hiểm xã hội, ăn lương khoán, sau một năm làm việc, vì thành tích và thái độ làm việc tốt, cha anh đã được nhận làm một nhân viên thu phí chính thức. Theo thông lệ của NHK thì đây là một quyết định khác thường. Có thành tích tốt ở khu vực khó thu cước cố nhiên là một nguyên nhân quan trọng, nhưng uy tín của người bảo lãnh làm quan chức trong Đệ tính tỉnh mới là có tác động lớn. Ngoài lương cơ bản cố định, còn có các khoản phụ cấp khác, lại được dọn vào nhà tập thể của công ty, được bảo hiểm y tế. So với nhân viên thu phí hợp đồng kiểu hàng sử dụng một lần thì khác một trời một vực. Cho dù thế nào, cuối cùng ông cũng kiếm được cho mình một vị trí ở bậc thấp nhất trên cây cột totem rồi.

Câu chuyện này anh được nghe từ cha mình không biết bao nhiêu lần. Cha anh không biết hát ru, cũng chưa từng kể chuyện cổ tích cho anh lúc đi ngủ. Thay vào đó, ông chỉ kể đi kể lại những trải nghiệm thực tế của đời mình cho con trai. Sinh ra trong một nhà nông miền Đông Bắc, lớn lên trong lao động và những trận ẩu đả, cuộc sống chẳng khác gì loài chó má, rồi gia nhập đoàn khai thác đến Mãn Châu, ở vùng đất đến nước đái cũng đóng băng giữa chừng ấy, vừa cầm súng đuổi thổ phỉ và sói hoang vừa khai khẩn canh tác, rồi tháo chạy ngay dưới bánh xích xe tăng của quân Liên Xô, may mắn không bị đưa vào trại tập trung tù binh chiến tranh ở Siberia mà lại về nước an toàn, nhẫn nhục chịu đựng đói rét qua thời kì hỗn loạn sau chiến tranh, rồi nhờ cơ hội ngẫu nhiên, trở thành nhân viên thu phí chính thức của đài NHK. Cả một câu chuyện dài. Trong câu chuyện ấy, việc trở thành nhân viên thu tiền của đài NHK là một kết thúc có hậu. Tới đây, câu chuyện của ông cuối cùng cũng có thể chấm dứt một cách vui vẻ.

Cha Tengo kể chuyện này rất giỏi. Tuy không thể xác nhận sự thực rốt cuộc ra sao, nhưng câu chuyện đại thể cũng hợp lý. Không thể coi là hàm súc, nhưng chi tiết thì tương đối sống động chân thực, giọng kể nhiều sắc thái. Vừa có việc vui, vừa có chuyện buồn, lại có cả bạo lực. Có những chỗ bất ngờ đến độ khiến người ta há miệng ngạc nhiên, song cũng có đoạn nghe nhiều lần vẫn khó lý giải. Nếu đời người có thể đánh giá bằng sự đa dạng của những mẫu chuyện, cuộc đời ông chắc có thể được coi là tương đối phong phú.

Song, khi nói đến sự việc sau khi trở thành nhân viên thu phí chính thức của đài NHK, không hiểu sao, câu chuyện của cha anh bỗng nhiên mất đi sắc thái và cảm giác chân thực. Lời kể của ông dần thiếu chi tiết, trở nên vụn vặt. Như thể đối với ông, đó chỉ là những chuyện sau này không đáng nhắc tới. Ông quen biết với một cô gái, kết hôn rồi sinh một đứa con… Chính là Tengo. Vợ ông sinh Tengo được vài tháng thì mắc bệnh qua đời. Sau đó, ông không lấy vợ mới, chỉ cố làm tốt công việc nhân viên thu phí, một mình nuôi Tengo, cứ như vậy đến bây giờ. Câu chuyện chấm dứt.

Ông đã gặp gỡ rồi kết hôn với mẹ của Tengo trong hoàn cảnh nào? Bà là người thế nào? Vì sao bà mất? (Cái chết của bà có liên quan đến việc sinh hạ Tengo hay không?) Bà ra đi trong bình yên hay đã phải đau đớn rất nhiều? Cha Tengo hầu như không nhắc đến điều này. Tengo có hỏi ông cũng lảng sang chủ đề khác mà không trả lời. Có nhiều lần, thậm chí ông còn tỏ ra không vui, chỉ im lặng. Mẹ anh không để lại tấm ảnh nào hết. Ảnh hôn lễ cũng không. Không có tiền tổ chức lễ cưới, mà cũng chẳng có máy ảnh, cha anh giải thích.

Nhưng nói chung Tengo không tin lời cha mình lắm. Cha anh đang che giấu sự thật, bịa ra một câu chuyện khác. Mẹ Tengo không qua đời sau khi sinh anh được mấy tháng. Trong ký ức còn sót lại của anh, tới khi anh một tuổi rưỡi, mẹ anh vẫn còn sống. Chẳng những vậy, lúc Tengo đang ngủ, bà còn đang ôm ấp, hôn hít một người đàn ông không phải chồng mình ở ngay bên cạnh.

Mẹ anh cởi áo sơ mi, buông quai chiếc váy lót màu trắng xuống, để một người đàn ông không phải cha anh mút vú. Tengo nằm ngủ bên cạnh, thở đều. Nhưng Tengo vẫn chưa ngủ. Anh đang nhìn mẹ chằm chằm.

Đối với Tengo, đây chính là tấm hình kỷ niệm về mẹ. Cảnh tượng kéo dài chừng mười giây ấy đã in vào trí óc anh. Đó là thông tin cụ thể duy nhất về mẹ mà anh có. Nhờ ấn tượng ấy, ý thức của Tengo mới có thể nối liền với mẹ, một cái cuống rốn giả tưởng gắn liền hai người với nhau. Ý thức anh dập dềnh trôi nổi trong bọc nước ối của ký ức, lắng nghe những âm thanh vọng về từ quá khứ. Nhưng cha Tengo hoàn toàn không biết trong tâm trí anh đã khắc sâu hình ảnh ấy, không biết anh đang không ngừng nhai đi nhai lại hình ảnh ấy, như con bò nhai cỏ trên đồng, nuốt lấy dinh dưỡng từ đó. Cả hai cha con đều ôm chặt trong lòng những bí mật tăm tối.

Đó là một Chủ nhật nắng ráo dễ chịu, nhưng cơn gió thổi qua vẫn mang theo chút lạnh, cảnh báo rằng tuy đã giữa tháng Tư, nhưng thời tiết vẫn có thể dễ dàng lạnh trở lại. Tengo khoác chiếc Jacket mặc từ thời còn đi học ra ngoài áo len lông cừu cổ tròn mỏng màu đen, phía dưới mặc quần kaki màu be, đi giày Hush Puppise màu nâu, đôi giày hãy còn khá mới. Đây là bộ đồ thoải mái nhất của anh.

Lúc Tengo đến ke tàu, trên toa đầu tiên của chuyến đi Tachikawa, ga Shinjuku tuyến Chuo, Fukaeri đã có mặt ở đó rồi. Cô ngồi một mình trên ghế dài, không nhúc nhích, nheo mắt nhìn chăm chú về phía trước. Ngoài bộ váy liền bằng vải bông in hoa giống trang phục mùa hè, cô khoác thêm chiếc áo len mùa đông dày sụ màu xanh lá, chân trần không bít tất xỏ trong giày thể thao màu xám đã bạc màu. Thời tiết này mà cô mặc đồ kiểu ấy thì cũng khó tưởng tượng. Bộ váy liền mỏng quá, áo len lại quá dày. Nhưng dù vậy, cô không khiến người khác chướng mắt. Có lẽ, cô muốn dùng sự không hài hòa này để diễn tả thế giới quan của mình. Không phải là không có khả năng này. Nhưng cũng có thể cô chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ tùy tiện chọn bừa vài món quần áo để mặc.

Cô không đọc báo, không xem sách, cũng không nghe Walkman, chỉ lặng lẽ ngồi đó, đôi mắt đen tròn ngước nhìn về phía trước. Như thể đang chăm chú nhìn gì đó, lại như chẳng hề có thứ gì hết. Vừa có vẻ như đang nghĩ ngợi, vừa có vẻ như đầu óc trống không. Từ xa trông cô như bức tượng theo trường phái tả thực được làm bằng loại chất liệu đặc biệt.

“Em đợi lâu chưa?” Tengo hỏi.

Fukaeri nhìn gương mặt anh, rồi lắc đầu sang bên rất khẽ, chỉ chừng vài xăng ti mét. Đôi mắt đen sáng bừng lên tươi tắn như dải lụa, nhưng cũng không khác gì lần gặp trước, nét mặt cô không hề biểu lộ cảm xúc. Như thể lúc này đây cô không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Vậy nên, Tengo thôi không cố gắng bắt chuyện, chỉ ngồi xuống bên cạnh, chẳng nói một lời.

Tàu tới, Fukaeri lẳng lặng đứng lên, hai người lên chuyến đó. Tàu điện tốc hành đến Tachikawa trong ngày nghỉ rất ít khách. Tengo và Fukaeri ngồi cạnh nhau trên ghế, im lặng ngắm nhìn quang cảnh phố xá lướt qua ô cửa sổ trước mặt. Fukaeri vẫn không nói một lời, Tengo cũng lặng thinh. Như để đối phó với đợt lạnh khủng khiếp sắp ập đến, cô khép hai vạt áo khoác len lại, mím môi thật chặt nhìn về phía trước.

Tengo lấy cuốn sách bỏ túi ra để đọc, nhưng do dự một lát, lại thôi không đọc nữa. Anh cất sách vào lại trong túi, hai tay đặt lên đầu gối, chỉ bâng quơ nhìn về phía trước, như muốn bắt trước Fukaeri. Anh muốn nghĩ ngợi một chút, nhưng chẳng nhớ ra chuyện gì. Sau một thời gian dài tập trung vào việc viết lại Nhộng không khí, đầu óc anh dường như không chịu suy nghĩ những vấn đề hoàn chỉnh nữa. Trong óc có cái gì đó giống như một nắm tơ vò.

Tengo ngắm nhìn phong cảnh chạy qua ngoài cửa sổ, lắng nghe âm thanh đơn điệu phát ra trên đường ray. Tuyến Chuo gần như một đường thẳng tắp vạch bằng thước kẻ trên bản đồ, vươn dài vô tận về phía trước. Không cần phải thêm những lối hình dung “gần như” hay “giống như” ấy làm gì, người thời đó nhất định đã xây tuyến đường này đúng như thế. Địa thế vùng đồng bằng Kanto này không có chướng ngại vật nào đáng nhắc tới, vậy nên mới có thể xây được một tuyến đường sắt thẳng tắp như vậy, người ngồi trên không có cảm giác uốn lượn hay gập ghềnh lên xuống, và cũng không có cầu hay đường hầm. Chỉ cần một cái thước kẻ là đủ. Xe điện chỉ nhắm đến đích mà chạy một mạch.

Tengo thiếp đi lúc nào chẳng hay. Lúc anh bị đánh thức vì một cú lắc thì tàu điện đang từ từ giảm tốc tiến vào ga Ogikubo. Một giấc ngủ ngắn. Fukaeri vẫn giữ nguyên tư thế ban nãy, chăm chú nhìn về phía trước. Nhưng Tengo không biết thực sự cô đang nhìn gì. Anh chỉ căn cứ dáng vẻ tập trung tinh thần ấy của cô mà đoán rằng cô chưa có ý định xuống tàu lúc này.

“Bình thường em hay đọc sách gì?” Tengo không chịu nỗi sự buồn chán, cất tiếng hỏi sau khi tàu điện chạy qua ga Mitaka. Anh đã định hỏi Fukaeri chuyện này từ lâu.

Fukaeri liếc nhìn Tengo một cái, rồi lại hướng mặt ra phía trước. “Em không đọc sách”, cô trả lời ngắn gọn.

“Không bao giờ đọc à?”

Fukaeri gật đầu dứt khoát.

“Không có hứng đọc sách à?” Tengo hỏi.

“Đọc tốn thời gian,” Fukaeri nói.

“Vì đọc sách tốn thời gian nên không đọc à?” Tengo không hiểu ý, nhắc lại câu hỏi.

Fukaeri vẫn nhìn về phía trước, không trả lời. Tựa hồ tỏ ý không phủ nhận.

Đương nhiên, đọc sách thường cũng phải tốn thời gian. Khác với xem tivi và truyện tranh, đọc sách là hành vi có tính liên tục trong thời gian tương đối dài. Nhưng kiểu nói “Tốn thời gian” của Fukaeri lại mang âm hưởng khác.

“Em nói tốn thời gian, tức là... tốn rất nhiều rất nhiều thời gian đúng không?” Tengo hỏi.

“Rất nhiều rất nhiều” Fukaeri quả quyết nói.

“Nhiều hơn người bình thường rất nhiều?”

Fukaeri gật đầu.

“Vậy ở trường học chẳng phải là phiền lắm sao? Lên lớp phải đọc bao nhiêu là sách. Nếu tốn thời gian như thế.”

“Em giả vờ đọc.” Cô nói như không.

Trong óc Tengo vang lên một tiếng gõ cửa mang theo điềm chẳng lành. Nếu có thể, anh rất muốn vờ như không nghe thấy âm thanh đó, để lờ đi. Nhưng không thế được. Anh cần phải biết sự thực.

Tengo hỏi: “Em nói đấy có phải là chứng khó đọc không?”

“Chứng khó đọc?” Fukaeri lặp lại lời anh.

“Tức là khó khăn khi đọc ấy.”

“Có người từng bảo thế rồi. Chứng khó…”

“Ai nói vậy?”

Cô gái khẽ nhún vai một cái.

“Cũng có nghĩa là…” Tengo lần mò tìm kiếm từ ngữ thích hợp, “Từ nhỏ em đã thế này rồi à?”

Fukaeri gật đầu.

“Tức là, cho tới giờ em chưa từng đọc tiểu thuyết hay thứ gì tương tự?”

“Không tự đọc”

Nếu là như vậy, thì có thể giải thích tại sao cô không chịu ảnh hưởng của bất cứ tác giả nào như thế. Đây là một lý do hợp tình hợp lý.

“Không tự đọc” Tengo nói.

“Người khác đọc cho nghe” Fukaeri nói.

“Bố mẹ đọc cho em nghe à?”

Fukaeri không trả lời.

“Không đọc được nhưng viết thì chắc không thành vấn đề chứ?” Tengo thấp thỏm hỏi.

Fukaeri lắc đầu. “Viết cũng tốn thời gian lắm.”

“Tốn rất nhiều, rất nhiều thời gian à?”

Fukaeri lại khẽ nhún vai một cái. Ý muốn nói đúng thế.

Tengo ngồi lại, điều chỉnh tư thế ghế. “Nói vậy, có lẽ tác phẩm Nhộng không khí ấy không phải do em tự viết đúng không?”

“Em không viết.”

Tengo mất mấy giây không nói được lời nào, mấy giây thực sự rất nặng nề. “Ai viết vậy?”

“Azami.” Fukaeri nói.

“Azami là ai?”

“Bé hơn em hai tuổi.”

Lại xuất hiện một khoảng lặng ngắn. “Cô bé ấy thay em viết Nhộng không khí.”

Fukaeri gật đầu hết sức ngạc nhiên.

Tengo vắt óc suy nghĩ. “Thế tức là, em kể chuyện, còn Azami viết lại. Phải thế không?”

“Đánh máy chữ, gõ ra.” Fukaeri nói.

Tengo cắn môi, sắp xếp lại trong óc những sự thực vừa biết được, điều chỉnh lại cho đúng thứ tự trước sau, rồi nói: “Có nghĩa là, Azami đã gửi tập bản thảo được in ra ấy đến tham gia giải Tác giả mới của tạp chí, và đã giấu không cho em biết, lại thêm nhan đề Nhộng không khí vào cho tác phẩm nữa.”

Fukaeri nghiêng đầu, không hiểu muốn nói “Đúng” hay “sai”. Nhưng cô không phản bác. có lẽ về đại thể là đúng.

“Azami là bạn em à?”

“Sống chung.”

“Em gái em à?”

Fukaeri lắc đầu. “Là con gái của Thầy giáo.”

“Thầy giáo,” Tengo nói. “Em muốn nói Thầy giáo đó cũng sống cùng với em à?”

Fukaeri gật đầu. Như thể muốn nói, sao đến giờ anh vẫn hỏi mấy câu đó làm gì.

“Người anh sắp gặp, chính là ông thầy giáo ấy phải không?”

Fukaeri nghoảnh mặt lại nhìn Tengo, ánh mắt tựa như đang quan sát áng mây trôi xa xa, hoặc cũng có thể nói là ánh mắt như thể đang nghĩ xem nên xử lý một con chó đầu óc lơ đễnh thế nào, sau đó mới khẽ gật đầu.

“Chúng ta đi gặp Thầy giáo,” cô đáp với giọng không chút cảm xúc.

Cuộc nói chuyện đến đây tạm thời kết thúc. Tengo và Fukaeri lại ngậm tăm không nói gì nữa, hai người ngồi cạnh nhau, chăm chú ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài hồi lâu.Trên mặt đất bằng phẳng và đơn điệu, những căn nhà không có chút gì đặc sắc cứ xếp thành một hàng dài vô tận. Vô số cột ăng ten vô tuyến vươn lên không trung như thể những cọng râu của lũ côn trùng. Những người sống ở đó liệu có nộp phí cho đài NHK đúng quy định không nhỉ? Hễ cứ đến Chủ nhật là Tengo lại hay nghĩ đến việc thu phí phát thanh truyền hình. Kỳ thực, anh không hề muốn nghĩ đến chuyện đó, nhưng chẳng cách nào thoát khỏi.

Hôm nay, một sáng Chủ nhật đẹp trời giữa tháng Tư, mấy việc không dễ chịu đã dần sáng tỏ. Trước tiên, Nhộng không khí không phải do Fukaeri tự viết. Nếu hoàn toàn tin vào những gì cô nói (lúc này anh vẫn chưa nghĩ ra lý do gì để không tin cô), Fukaeri chỉ kể lại câu chuyện, còn một cô bé khác đã viết lại thành văn. Quá trình hình thành tác phẩm ấy tương đồng với những tác phẩm văn học truyền miệng như “Cổ sự ký”[2] hay “Truyện kể Heike”[3]. Sự thực này tuy làm giảm bớt phần nào cảm giác tội lỗi của Tengo khi chấp bút viết lại Nhộng không khí, nhưng về tổng thể lại khiến sự việc càng phức tạp, nói trắng ra là đã đến mức tiến thoái lưỡng nan, không biết đường nào mà lần.

[2] Kojiki, hay Furukoto Fumi là ghi chép biên niên cổ nhất còn sót lại của Nhật Bản, được Yasumaro viết vào thế kỷ 8 theo thánh chỉ của Hoàng Gia. Kojiki tập hợp các thần thoại về nguồn gốc của nước Nhật và các vị thần.

[3] Heike monogatari: câu chuyện kể về cuộc chiến giữa hai gia tộc Taira và Minamoto để giành quyền kiểm soát Nhật Bản vào cuối thế kỷ 12 trong cuộc chiến Genpei (1180-1185)

Ngoài ra cô còn mắc chứng khó đọc, không thể đọc sách một cách bình thường. Tengo nhẩm lại những gì đã biết về chứng khó đọc. Thời đại học, khi học nghiệp vụ sư phạm, anh đã nghe bài giảng về chứng bệnh này. Về lý thuyết, người mắc chứng khó đọc vẫn có thể đọc và viết, về trí lực cũng được coi là bình thường, nhưng khi đọc thì tốn rất nhiều thời gian. Đọc những câu ngắn thì không khó, nhưng khi những câu ngắn ghép thành câu dài, năng lực xử lý thông tin sẽ không đáp ứng nổi, từ ngữ và ý nghĩa của từ khó liên kết được với nhau trong não. Đây là triệu chứng chung của người mắc chứng khó đọc. Đến giờ người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Tuy nhiên, ở trường, cũng chẳng có gì đáng kinh ngạc nếu mỗi khối lớp có một hai đứa trẻ mắc chứng khó đọc. Einstein từng mắc chứng này, Edison và cả Charles Mingus cũng vậy.

Tengo không biết người mắc chứng khó đọc liệu có cảm thấy viết văn cũng khó khăn như việc đọc hay không, nhưng trong trường hợp của Fukaeri, thì có lẽ là như vậy. Lúc viết, cô cũng cảm thấy khó khăn như lúc đọc.

Komatsu sẽ nghĩ gì khi biết chuyện này? Tengo bất giác thở dài. Cô thiếu nữ mười bảy tuổi này mắc chứng khó đọc bẩm sinh, cả đọc sách và viết văn đều không được như ý. Lúc nói chuyện với người khác (nếu không phải cố ý làm vậy) mỗi lần chỉ nói được một câu. Muốn biến một người như vậy thành nhà văn chuyên nghiệp, cho dù chỉ giả bộ, cũng hoàn toàn bất khả. Kể cả khi anh viết lại Nhộng không khí một cách thành công, tác phẩm giành giải Tác giả mới, có thể xuất bản, được đánh giá cao, thì cũng không thể lừa dối mọi người mãi được. Dù ban đầu tất cả đều thuận lợi, nhưng dần dà, chắc chắn người ta sẽ nhận ra “có gì đó bất thường.” Nếu lúc ấy sự thực bị vạch trần, những người liên quan sẽ khó mà tránh khỏi thân bại danh liệt. Sự nghiệp viết tiểu thuyết của Tengo cũng đứt đoạn trước cả khi kịp bắt đầu.

Kế hoạch đầy sơ hở ấy đương nhiên không thể tiến hành thuận lợi được. Ngay từ đầu anh đã có cảm giác như đi trên băng mỏng, nhưng đến giờ thì cả cách so sánh ấy cũng đã trở nên quá nhẹ. Còn chưa đặt chân giẫm lên, lớp băng ấy đã kêu răng rắc và nứt toác rồi. Về đến nhà, chắc anh đành phải gọi điện báo với Komatsu: “Xin lỗi, anh Komatsu ạ, vụ này tôi phải rút thôi. Thực sự quá nguy hiểm.” Đây mới là việc mà một người có thần kinh bình thường nên làm.

Nhưng hễ nghĩ đến Nhộng không khí, Tengo lại thấy lòng dạ giằng co, rối bời. Mặc cho kế hoạch của Komatsu có nguy hiểm thế nào, Tengo cũng không thể dừng việc viết lại Nhộng không khí lúc này. Trước khi bắt tay vào thì họa chăng có thể. Nhưng đã đi đến bước này thì không thể dừng lại được nữa. Anh đã ngập sâu trong tác phẩm ấy. Đã hít thở bầu không khí của thế giới ấy, thích nghi với trọng lực của nó. Tinh túy của câu chuyện đã thấm sâu vào đến nội tạng anh. Câu chuyện khẩn thiết yêu cầu chính tay Tengo viết lại, và anh cảm nhận được điều ấy một cách rõ rệt. Đây là việc mà chỉ anh mới làm được, là một việc đáng làm, là một việc nhất thiết phải làm.

Tengo nhắm mắt lại, không biết nên làm gì để đối mặt với tình huống này. Anh thử tìm một kết luận tạm thời, nhưng không được. Một kẻ đang giằng co, bối rối thì không thể nào đưa ra một kết luận hợp lý.

“Azami viết lại đúng những gì em kể à?” Tengo hỏi.

“Đúng những gì em kể.” Fukaeri trả lời.

“Em kể, cô ấy viết. Đúng không?” Tengo hỏi.

“Nhưng phải nhỏ tiếng thôi.”

“Tại sao phải nhỏ tiếng?”

Fukaeri đảo mắt nhìn khắp toa xe. Gần như không có hành khách, chỉ có một bà mẹ dắt theo hai đứa nhỏ ngồi ở hàng ghế cách khá xa trước mặt. Nhìn họ như ba người đang trên đường đến nơi nào đó rất thú vị. Trên đời vẫn còn những người hạnh phúc như vậy.

“Để không cho họ nghe thấy.” Fukaeri thì thầm nói.

“Họ?” Tengo nói, nhìn ánh mắt đảo liên hồi của cô, “họ” hiển nhiên không phải ba mẹ con nhà kia. Fukacri đang nói đến nhóm người cụ thể nào đó nhưng không có mặt ở đây lúc này, nhưng cô biết rất rõ, còn Tengo thì chẳng biết gì.

“Họ là ai?” Tengo hỏi. Giọng anh củng nhỏ dần.

Fukaeri không nói tiếng nào, giữa hai chân mày xuất hiện những nếp nhăn nhỏ, đôi môi mím chặt.

“Có phải Người Tí Hon không?” Tengo hỏi.

Vẫn không trả lời.

“Họ mà em nói ấy. Nếu câu chuyện này được xuất bản ra công chúng, tạo ra một hiện tượng, bọn họ có tức giận không?”

Fukaeri không trả lời câu hỏi này. Ánh mắt vẫn không cố định ở bất cứ chỗ nào. Đợi giây lát không thấy phản hồi, Tengo đặt một câu hỏi khác: “Có thể nói chuyện về Thầy giáo được không? Ông ấy là người như thế nào?”

Fukaeri ngạc nhiên nhìn Tengo, như muốn nói: Anh này đang nói cái gì vậy nhỉ! Sau đó bảo: “Bây giờ đi gặp Thầy giáo đây.”

“Thì đúng thế,” Tengo nói, “Đúng là như vậy. Đằng nào thì lúc nữa cũng gặp. Gặp rồi thì tự đánh giá vậy.”

Đến ga Kokubun, một nhóm người già vận đồ leo núi lên tàu. Họ có khoảng mười người, cả nam lẫn nữ. Tuổi chừng từ sáu lăm đến bảy lăm. Người nào cũng đeo ba lô, đội mũ, vui vẻ, rôm rả như học sinh tiểu học đi dã ngoại. Người đeo bình nước ở thắt lưng, người thì nhét trong túi sau ba lô. Tengo thầm nhủ, khi già, liệu mình có vui vẻ như bọn họ? Sau đó anh khẽ lắc đầu. Không, chắc là không. Anh tưởng tượng cảnh các ông bà già ấy vui vẻ cầm bình nước uống trên đỉnh núi nào đó.

Tuy cơ thể Người Tí Hon nhỏ bé, nhưng họ uống rất nhiều nước. Và họ không thích uống nước máy, chỉ uống nước mưa, và cả nước chảy trong con sông nhỏ gần đó nữa. Vì vậy ban ngày cô bé ra bờ sông múc nước vào xô cho Người Tí Hon uống. Lúc trời mưa, cô đặt xô dưới mái hiên để hứng nước. Vì tuy là nước tự nhiên, nhưng người tí hon thích uống nước mưa hơn nước sông. Họ cảm kích hành động tử tế này của cô bé.

Tengo nhận ra mình bắt đầu khó tập trung tinh thần. Đây không phải dấu hiệu tốt. Có thể vì hôm nay là Chủ nhật. Có gì đó hỗn loạn đang bắt đầu. Trên bình nguyên xúc cảm, đâu đó sắp bùng lên một trận bão cát chẳng lành. Chủ nhật thường xảy ra những chuyện như vậy.

“Sao thế.” Fukaeri hỏi anh bằng một câu nghi vấn không có dấu chấm hỏi. Hình như cô cảm nhận được Tengo đang căng thẳng.

“Liệu có suôn sẻ không?” Tengo hỏi.

“Gì cơ.”

“Liệu anh có thể nói chuyện suôn sẻ không?”

“Có thể nói chuyện suôn sẻ.” Fukaeri hỏi, có vẻ vẫn chưa hoàn toàn hiểu được anh đang nói gì.

“Với Thầy giáo.” Tengo nói

“Có thể nói chuyện suôn sẻ với Thầy giáo không.” Fukaeri lặp lại.

Tengo thoáng do dự, rồi thành thực thú nhận: “Tóm lại, anh có cảm giác như nhiều chuyện không ổn, như thể mọi chuyện đều sẽ hỏng cả.”

Fukaeri xoay tư thế, nhìn thẳng vào gương mặt Tengo. “Sợ gì.” Cô hỏi.

“Anh sợ cái gì ấy hả?” Tengo đối lại cách hỏi của cô.

Fukaeri im lặng gật đầu.

“Có lẽ là sợ gặp mặt người lạ. Đặc biệt là vào sáng Chủ nhật.” Tengo nói.

“Tại sao là Chủ nhật.” Fukaeri hỏi.

Nách Tengo bắt đầu rỉ mồ hôi. Lồng ngực cảm giác như đang thắt lại. Gặp mặt người lạ, xuất hiện những thứ xa lạ. Và những điều đó sẽ đe dọa sự tồn tại của anh.

“Tại sao là Chủ nhật.” Fukaeri hỏi lại lần nữa.

Tengo nhớ lại thời thiếu niên. Sau khi mất cả ngày trời đi hết tuyến đường thu tiền đã định, cha anh sẽ dẫn đến một quán ăn nhỏ trước ga, nói muốn ăn gì cứ gọi. Đó là phần thưởng dành cho anh. Đối với những người sống giản dị như họ, đây gần như là cơ hội duy nhất được ăn cơm ngoài. Đó cũng là những lần hiếm hoi cha anh gọi bia (bình thường cha Tengo không bao giờ nhấp môi giọt rượu nào). Vậy nhưng Tengo chẳng hề thấy thèm ăn. Bình thường thì đói khát, nhưng ngày Chủ nhật ăn gì cũng vô vị. Việc ăn hết sạch toàn bộ những thứ đã gọi ra (cha anh không bao giờ cho phép để thừa thức ăn) trở thành một cực hình. Có lúc thậm chí anh chỉ muốn nôn ra bằng hết. Đó chính là ngày Chủ nhật của Tengo thời niên thiếu.

Fukaeri nhìn gương mặt Tengo, tìm kiếm thứ gì đấy trong mắt anh, sau đó đưa bàn tay ra, nắm chặt lấy tay Tengo. Tengo giật thót mình, nhưng vẫn cố không lộ vẻ kinh ngạc.

Fukaeri cứ nắm nhẹ bàn tay anh mãi cho đến khi tàu điện đến ga Kunitachi. Bàn tay cô cứng hơn anh tưởng, không nóng không lạnh. Bàn tay ấy chỉ bằng nửa bàn tay Tengo.

“Không phải sợ, vì hôm nay không giống như những ngày Chủ nhật hồi trước.” Cô gái nói như đang công bố một sự thực mọi người đều biết.

Có lẽ đây là lần đầu tiên cô nói hai câu liền một lúc, Tengo thầm nghĩ.