Bình Sinh Tương Kiến Tức Mi Khai

Chương 9: Nếu không, sao có thể cùng người tương ngộ?



Sau đây hãy nghe kể về Tiểu Bình An hoạt bát đáng yêu của chúng ta nhé.

Bên cạnh cây tùng, công tử áo tím dựa lên tảng đá trên đài, bên hông treo một túi Tử Kim Ngư chứng tỏ thân phận. Hắn khua chân bắt chéo, tay trái cầm một quyển sách đã hư hỏng, mày nhíu lại.

Một đứa bé đứng ở một bên, mặc một bộ viên lĩnh thường màu xanh da trời. Dùng một cây trâm gỗ búi lên mái tóc dài đen như mực, vẫn có hai sợi tóc rơi xuống, phủ lên cổ áo trắng như tuyết. Là một đứa bé nhỏ xinh đáng yêu, đang nghiêng đầu sầu mi khổ kiếm.

Hai người này chính là Tạ Tử Ngọc cùng Hạ Bình An.

" Cư binh chi tiên, duy ky dữ thế. Năng thức trắc nhi hậu*, hậu, hậu..."

*Nằm trong quyển "Binh kinh bách ngôn", là một trong những cuốn sách quân sự cổ của Trung Quốc, tác giả Yết Huyên.

Bình An "hậu" nửa ngày cũng không thể hậu ra cái gì. Hơi khom lưng xuống, một đôi mắt phượng trộm nghiêng, ý đồ nhìn lén quyển sách trong tay Tạ Tử Ngọc, nhìn xem mặt sau viết những gì.

Tạ Tử Ngọc lật sách, ngẩng đầu trừng mắt nhìn cậu một cái.

Bình An cuống quít quay đầu nhìn về hướng khác, chốc lát lại lặng lẽ nhìn Tạ Tử Ngọc, đáng thương nói: "Không phải đã nói cho ngươi rồi sao, ta sẽ không đọc sách đâu..."

Tạ Tử Ngọc vỗ vào ót cậu: "Chỉ là một mục trích dẫn đơn giản mà ngươi cũng không thuộc nổi nữa, bảo ta làm sao dạy ngươi cách bày trận?"

Nếu bây giờ muốn hình dung được tâm tình Tạ Tử Ngọc lúc này, thì chỉ có thể là "Chỉ tiếc rèn sắt không thành thép".

Ngày ấy, hắn thấy tiểu hài tử này có thể dễ dàng phá "Đại ngàn" của hắn, vốn tưởng rằng đây là một kỳ tài trận pháp trăm năm khó gặp, còn muốn lôi hết sở học cả đời của mình ra giảng dạy.

Ai ngờ đâu hắn lại gặp được một tên ngu đần đúng nghĩa. Ngu đến nơi đần đến chốn, đừng nói đến trận pháp, Tam Tự Kinh còn không thể đọc hết.

Vậy thì bắt đầu học từ "Binh kinh bách ngôn" trước đi, tổng cộng một trăm chữ, hẳn là không khó. Buộc nó học thuộc, véo lỗ tai bắt nó học, lúc ra ngoài bắt bướm cũng xách trở về bắt học thuộc. Học đến mức nước mắt lưng tròng luôn, giống như tủi thân oan ức lắm vậy.

Mềm lòng, gọi thằng bé đến cơm nước xong rồi học tiếp.

Kết quả, ăn xong bữa cơm, mấy dòng chữ ban nãy cũng bị trộn vào cơm nuốt hết sạch rồi.

Ngươi vừa khẩn trương vừa tức giận hỏi hắn: "Thật sự một chút cũng không nhớ rõ?!"

Hắn nước mắt lưng tròng chớp chớp đôi mắt phượng, vô tội "Ừm" một tiếng...

—Thật sự quá uổng phí cho cái vẻ ngoài thông minh.

Hắn là Tạ Tử Ngọc, đệ tử thế gia, tại Đông Kinh nổi danh ăn chơi trác táng từ nhỏ. Vốn là mỗi ngày đều tiêu dao khoái hoạt mà trải qua.

Mà bây giờ hắn tận tình khuyên bảo, liên tục hết gọi lại lừa gạt tên hùng hài tử* này dạy nó học, vậy mà nó còn không chịu cảm kích. Mỗi ngày chỉ cần Tạ Tử Ngọc không chú ý một cái, lại y hệt con thỏ chạy biến mất dạng. Còn phải đi bắt nó giữa núi đồi bạt ngàn, xách cái lỗ tai mang trở về.

*Hùng hài tử: đại loại là chỉ trích, trách mắng.

Đôi khi thật sự nghĩ không thông, phụ thân Hạ Bình An năm đó cũng được xem là một đại nho nổi danh phía Nam, văn chương phẩm hạnh tiếng lành đồn xa. Ca ca ba tuổi biết chữ, bốn tuổi nằm lòng tứ thư ngũ kinh, bảy tuổi xuất khẩu thành thơ, là thần đồng nổi tiếng khắp Kim Lăng. Mà Tạ Tử Ngọc hắn, mang trong người học thuật tung hoành thiên hạ đã thất truyền trăm năm, bao nhiêu người dập đầu mong hắn chỉ dạy cũng không được...

Kể cả như vậy, có một vài người mỗi ngày đều giữ bên người, đâu chỉ mưa dầm thấm đất, quả thực đã dốc hết tâm huyết, Bình An vẫn như cũ cái gì cũng không biết, chính xác mà nói, thậm chí ngay cả chữ cũng chưa nhận mặt hết.

Nhưng mà Tiểu Bình An cũng có nỗi khổ tâm của Tiểu Bình An chứ, cậu từ nhỏ đã thề sẽ làm một thợ mộc. Vốn nghĩ rằng ở lại ngọn núi này sẽ không bị phụ thân cùng ca ca mỗi ngày ép đọc Luận ngữ, vì thế liền năn nỉ phụ thân phải ở lại trên Mặc Tử Sơn. Thật vất vả phụ thân mới đồng ý— không ngờ, không ngờ tới tên Tạ Tử Ngọc này so với ca ca cùng phụ thân lại càng đáng sợ hơn!

Nghĩ nghĩ, liền xoa xoa lỗ tai bị nhéo đến đỏ của mình, tuổi còn nhỏ mà đã thở dài.

Cuối cùng, Tạ Tử Ngọc giao Bình An cho Minh Dương Tán Nhân, để cho sư phụ mình tự dạy dỗ hắn. Thông thường, Minh Dương Tán Nhân năm nay đã một trăm ba mươi tuổi, sớm không hỏi đến thế sự. Có điều, Tạ Tử Ngọc thật sự là dạy nửa năm cũng không hề có chút khởi sắc, đành phải ngóng trông vào sư phụ, có thể khiến cho tên hùng hài tử này mưa dầm thấm lâu dính một chút tiên khí.

Minh Dương Tán Nhân đang bế quan tại thủy đàm trên Mặc Tử sơn, chỉ mỗi lúc đầu tháng, các đệ tử sẽ mang thức ăn tới.

Ban đầu Tạ Tử Ngọc đoán, Bình An nhất định sẽ không nhịn được dù chỉ một ngày, sẽ trộm chạy đến đây chơi. Lại không ngờ suốt một tháng cũng chưa từng gặp Bình An đi ra.

Đầu tháng này, Tạ Tử Ngọc tò mò mang theo đồ ăn vào, thuận tiện nhìn xem Bình An học thành cái dạng gì rồi.

Đứa nhỏ ghé vào bên cạnh can lan, ghé sát vào họa đống điêu lan*, lưng hướng về phía đầm nước xuân. Dáng vẻ tinh tế nho nhỏ, cuộn tròn trên mặt đất làm tổ. Hơn nữa đằng sau bộ y phục trắng đã bị giặt nhiều đến mức sờn vải, để lộ ra một con thỏ nhỏ. Nếu ngươi lặng lẽ tới gần, nhìn kĩ sẽ phát hiện, hai bàn tay nhỏ bé tới lui trước ngực, tay phải một cây dao khắc nhỏ, tay trái một khúc gỗ bạch dương, đang soàn soạt cố gắng tạo hình, cẩn thận phân rõ, thì ra là đang khắc một đôi thỏ con. Biểu tình còn vô cùng nghiêm túc, cứ như là một người đang làm đại sự.

*Gốc là Họa đống điêu lương (rường cột chạm trổ), ở đây tác giả chuyển "lương" (cột nhà) thành "lan" (lan can)

Không nói hai lời, Tạ Tử Ngọc nhéo tai Bình An xách thẳng tới chính đường.

"Đứng cũng thế ngồi cũng thế! Không chịu đọc sách cho tốt, cả ngày chỉ biết học...mấy thứ kĩ xảo vô dụng này!"

Bình An cả đầu óc trống rỗng, cậu không biết sao mình lại gặp phải tai bay vạ gió từ trên trời rơi xuống như vậy, chỉ có thể tội nghiệp mà kêu đau. . Truyện Khoa Huyễn

Minh Dương Tán Nhân đang ngồi ở chính đường chợp mắt nghỉ ngơi, lại bị tiếng trách mắng của Tạ Tử Ngọc đánh thức.

Tạ Tử Ngọc hầm hừ đem cặp thỏ con kia làm "chứng cứ phạm tội" giao cho Minh Dương Tán Nhân.

Minh Dương Tán Nhân thưởng thức tượng gỗ điêu khắc. Tỉ mỉ quan sát nửa ngày, ngẩng đầu nói với Bình An: "Vẫn chưa cân đối lắm, hơn nữa tai phải của con thỏ này nên dựng lên thì đẹp hơn."

"Vâng ạ." Đứa nhỏ gật gật đầu.

Minh Dương Tán Nhân trả lại con thỏ cho bé con, phẩy tay một cái: "Đi chơi đi!"

Bình An liếc Tạ Tử Ngọc một cái, chạy như bay ra ngoài.

Tạ Tử Ngọc trợn mắt há mồm.

Đúng là trợn mắt há mồm nghĩa đen.

Nếu như trí nhớ của hắn không sai, năm đó hắn theo sư phụ học nghệ thực sự gian khổ vạn phần! Từng chồng tàng thư hàng vạn quyển trùng trùng điệp điệp hắn đều phải nhanh chóng chép hết, không được sai một chữ. Khi đó tháng Chạp tuyết lớn đầy trời, tay bị cóng đến thương tổn. Mà tới tháng sáu mùa hạ oi bức dữ dội, mồ hôi ướt đẫm, mỗi ngày hắn đều phải bôn ba nơi rừng núi này. Có một lần hắn uống rượu làm lỡ giờ lên núi, Minh Dương Tán Nhân liền đem hắn trục xuất sư môn. Phải quỳ dưới cơn mưa lớn suốt bốn ngày bốn đêm sau đó ngất xỉu mới coi như được tha thứ...

Thế nhưng Bình An tới nơi này, cái gì cũng không cần học, có thể vui vẻ mà khắc con thỏ gỗ, Minh Dương Tán Nhân thậm chí còn nhiệt tình đưa ra loại ý kiến kiểu tai con thỏ này chưa được cân đối lắm chứ...

"Sư phụ người cũng quá—" Tạ Tử Ngọc miễn cưỡng đem mấy chữ "nhẹ bên này, nặng bên kia" nuốt xuống cổ họng.

"Ngươi là tên ăn chơi trác táng, tất nhiên phải nghiêm khắc." Minh Dương Tán Nhân giống như nhìn thấu tâm tư Tạ Tử Ngọc.

"Mà thằng bé à—" Lão nhân hơn một trăm ba mươi tuổi, lẳng lặng nhìn đứa nhỏ đang chơi bên hồ, chậm rãi nói: "Si, sân, tham, chỉ độc một chữ 'si'."

Hạ Bình An thích nhất là điêu khắc động vật nhỏ, hơn nữa bất luận khắc cái gì cũng đều có đôi có cặp.

Minh Dương Tán Nhân từng hỏi tại sao lại thế.

"Bởi vì một tuổi thọ của một khúc gỗ quá dài mà." Hạ Bình An cười tủm tỉm mà trả lời: "Phải đến trăm năm mới có thể già đi, năm tháng dài như vậy, cũng chẳng có lấy một ai để ý đến nó. Nếu như không có ai bầu bạn, vậy nên làm thế nào mới tốt đây?"

"Ta muốn dạy nó 'Cơ xảo'." Minh Dương Tán Nhân nói với Tạ Tử Ngọc.

" 'Cơ xảo' là tà thuật, chỉ một người cũng có thể chống đỡ hàng trăm vạn đại quân. Nhưng mà thứ sức mạnh như vậy sẽ làm lu mờ tâm trí con người. Chỉ có đứa ngốc như nó mới có thể yên tâm mà dạy."

Mặc gia chia làm hai phái, một bên là "Trận pháp", tiêu biểu như Tô Tần, Trương Nghi của phái Tung Hoành Gia*. Nghiên cứu xu hướng khắp thiên hạ, có thể bày binh bố trận chiến thắng quân địch, cũng có thể theo Hợp tung, Liên hoành* mà bài trí trận pháp trong thiên hạ, gây ảnh hưởng đến dòng chảy lịch sử suốt mấy trăm năm.

*Tung Hoành Gia: là một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc.

*Hợp tung (合縱) và Liên hoành (連橫) là hai kế sách liên minh giữa các nước chư hầu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Được Tô Tần và Trương Nghi sử dụng. Sách lược Liên hoành được đưa ra để đối phó với sách lược Hợp tung.

Một phái khác là "Cơ xảo", tiêu biểu như Gia Cát Lượng, có thể tạo ra "Mộc ngưu lưu mã*" tự động vận chuyển quân lương, cũng có thể hô mưa gọi gió "Mượn gió Đông*".

*Mộc ngưu lưu mã: Một trong những phát minh nổi tiếng của Gia Cát Lượng.

*Gia Cát Lượng đã phải lập đàn cầu gió Đông ba ngày ba đêm để có thể thực hiện được kế sách đánh bại Tào Tháo.

Hai phái này, kẻ trước có vẻ mạnh mẽ to lớn, người sau lại thần bí khó lường.

Mà Trung Hoa ta, tư tưởng nho gia đã khắc sâu gần ngàn năm nay, coi trọng lối tư duy biện luận, khinh thường kỹ xảo. Chính vì thế, kể cả các đệ tử Mặc gia cũng là học "Trận pháp" nhiều hơn "Cơ xảo". Dù sao thì hai từ "Cơ xảo" nghe cũng gần giống như một loại kỹ xảo không khác bình thường là bao.

Cho đến thế hệ của Minh Dương Tán Nhân, chỉ có mình ông cùng lúc học cả "Trận pháp" lẫn "Cơ xảo". Mà cả đời ông cũng chỉ dạy tổng cộng mười đồ đệ, nhưng mà tất cả đều chọn "Trận pháp" để học.

Mắt thấy phái "Cơ xảo" từ nay về sau sẽ tuyệt diệt.

Bỗng nhiên có một đứa bé đến Mặc Tử sơn này. Là người đầu tiên phá giải được vật của Cơ xảo phái mà Minh Dương Tán Nhân làm ra khi ông hai mươi tuổi.

—Tú cầu kia thật ra là thứ Minh Dương Tán Nhân muốn đưa cho người mà ông yêu thương.

Lão khi ấy, vẫn còn là một chàng thiếu niên kiêu ngạo đa tài.

Dốc hết tâm huyết làm ra một quả tú cầu, chàng muốn đem vạn vật trong thiên hạ đều lưu giữ ở đây. Mỗi một lần mở ra, sẽ thấy dòng thời gian đã trôi qua một ngàn năm, phải giải hết tổng cộng ba ngàn lần mới coi như hoàn thành. Cũng như cần chứng kiến đủ ba trăm vạn năm cảnh vật đổi dời.

Lúc ấy chàng còn khoe khoang rằng đây là vật xưa nay chưa từng có ai làm được, có lẽ bao nhiêu công tượng suốt ngàn năm cũng không thể với tới bóng lưng chàng.

Chàng cảm thấy, nếu như người ấy thấy được thứ này, ắt hẳn sẽ rơi lệ đầy mặt, sau đó nhất định sẽ cùng mình nắm tay đến bạc đầu.

Vì vậy chàng thiếu niên liền treo tú cầu trước cửa quán rượu nhỏ mà bọn họ yêu thích, sau đó tràn đầy tự tin chờ đợi trên Mặc Tử sơn.

Sau đó, cả đời này chàng cũng chưa bao giờ gặp được người ấy.

Thật lâu về sau, chàng tự giễu bản thân, tú cầu kia chẳng qua là thứ đồ chơi chàng làm ra chỉ để khoe khoang mà thôi. Cho nên mới treo ở tửu lâu đó, cũng chẳng một người hỏi han.

Sống trên cõi đời này cũng chỉ vỏn vẹn năm mươi năm, cảnh vật ba trăm vạn năm kia, có nên lưu tâm chăng?

Cứ như vậy, ngay cả Minh Dương Tán Nhân cũng dần dần quên đi mất sự tồn tại của tú cầu.

Mãi cho đến một trăm năm sau, có một đứa bé nho nhỏ, một bầu Tiền Triều tửu trong tay, tựa như gió thoảng mây trôi đưa đến cho lão.

Rồi sau đó bọn họ coi như thành bạn vong niên. Minh Dương Tán Nhân và Hạ Bình An cũng không thèm chú ý đến cái gì gọi là sư đồ, mỗi ngày đều ngồi một chỗ cùng tâm sự uống rượu. Bình An mặc dù chỉ là một đứa bé, Minh Dương Tán Nhân cũng không ngại mà dạy cậu uống rượu, hơn nữa còn huấn luyện ra tửu lượng vô cùng tốt. phụ thân Hạ Tranh của Bình An mà biết, nhất định sẽ ho ra một ngụm máu cho mà xem.

Minh Dương Tán Nhân chỉ bảo Bình An cũng là tùy theo tài năng tới đâu mới dạy, hướng dẫn từng bước một.

Đứa nhỏ này tuy rằng cầm kỳ thi họa không tinh, song năng lực thực hành lại rất cao. Trong tình huống Bình An cái gì cũng không biết, cậu đã lôi tất cả mọi vật trong《Mặc Kinh cơ xảo bộ》đều làm thử một lần.

Chuyện này Minh Dương Tán Nhân cũng rất ngạc nhiên, người bình thường nếu muốn học "Cơ xảo", nhất định phải hiểu được nguyên lí cơ bản, phải nằm lòng Mặc Kinh mới có thể từ từ suy diễn, ngoài ra cũng cần nắm vững hết những điều tinh diệu trong đó. Nếu muốn trở nên thông thạo từ một suy ra ba, trình độ học vấn dưới mười năm là điều không thể.

Mà Hạ Bình An, tuy rằng một chút nguyên lý cũng không hiểu, vậy mà lúc nào cũng có thể chuẩn xác nắm được điểm then chốt. Thế là cậu bắt đầu học《Mặc Kinh》 theo cách ngược lại với người khác, làm ra đồ vật trước rồi mới đi đọc lí thuyết sau.

Cứ như vậy, Hạ Bình An dành trọn bảy năm trên Mặc Tử sơn, từ lúc tám tuổi đến khi tròn mười lăm tuổi. Nhưng dịp lễ Tết vẫn sẽ trở về nhà, thế nhưng những thứ kì diệu tinh xảo quả thực khiến cậu mê mẩn không thôi, tuy rằng Tạ Tử Ngọc cũng luôn luôn bắt ép cậu học thuộc《Mặc Kinh》

Thời gian theo đó từng lúc trôi qua.

Có một áng thơ được viết rất hay—

"Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt,

Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết.

Nhược vô nhàn sự tâm đầu quải,

Tiện thị nhân gian hảo thì tiết."

"Xuân có trăm hoa, thu có trăng,

Hạ về gió mát, tuyết đông giăng.

Ví lòng thanh thản không lo nghĩ,

Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.*"

*Bài Kệ tụng của Thiền sư Vô Môn Huệ Khai (無門慧開禪師) ghi lại trong tác phẩm Vô môn quan (無門関), công án 19, cho hậu thế nếm vị của tịch tịnh (Trần Tuấn Mẫn dịch)

Ta liền lấy áng thơ này tóm lược cả thời ấu thơ của Bình An.

Tháng ngày tuổi thơ nhàn nhã êm đềm, thế nhưng vẫn còn một cuộc hành trình rất dài nữa đang chờ cậu.

Nếu không, sao có thể gặp được người ấy đây?

- HẾT CHƯƠNG 9-