Con Hồ Ly Đáng Yêu Với Muôn Ngàn Chiêu Trò

Chương 26: Chắc chắn là mày lạc đề rồi



Lí Nhạc tiếp tục nhìn xuống dưới.

"Tại sao ư? Một trong những nguyên nhân là từ thời xa xưa, tài bắn cung của người Việt đã được rất nhiều người ca ngợi.”

"Từ [Mạnh Tử]: “Nếu có người ở đây, người Việt giương cung mà bắn đấy”, đến [Hàn Phi Tử]: “Hậu Nghệ đeo cái vòng vào ngón tay, cầm cây cung giương lên bắn thì...", rồi đến [Việt Tuyệt Thư]: "Bắn người Phổ cũng là việc luyện binh của người Câu Tiễn..." và cả "Ngô Việt Xuân Thu", tất cả đều cho thấy người Việt rất giỏi bắn cung, cho nên việc họ có phải là tấm gương điển hình để phê phán hay không là điều dễ hiểu."

Sau khi đọc xong, Lí Nhạc chết lặng.

Dựa trên cách hành văn này thì cậu ta thực sự đã đọc "Mạnh Tử", "Hàn Phi Tử", "Ngô Việt Xuân Thu", và thậm chí là cả "Việt Tuyệt Thư" không mấy phổ biến?

Nếu đối phương chỉ đọc mỗi "Hoài Nam Tử” thì dù rất ngạc nhiên, nhưng Lí Nhạc vẫn thấy điều đó là có thể. Nhưng cậu trai trẻ trước mặt ông không chỉ thuộc một đoạn trong "Hoài Nam Tử mà còn biết cả nội dung trong "Mạnh Tử", "Hàn Phi Tử" và "Ngô Việt Xuân Thu", thật không thể tin nổi.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là "Việt Tuyệt Thư". Đó là một bộ sử sách hỗn hợp ghi lại lịch sử địa phương của nước Ngô Việt vào thời cổ đại, được mọi người gọi là "Biên niên sử địa phương". Nhưng đến cả bản thân Lí Nhạc cũng mới chỉ nghe tên chứ chưa từng đọc qua, bởi dù sao các tác phẩm quốc học kinh điển có quá nhiều, mà ông lại không có đủ sức để đọc hết từng bộ một.

Cuối cùng, thế mà... Chậc, nam sinh này tên là gì ấy nhỉ?

Lí Nhạc liếc nhìn nơi điền tên trên bài thi.

Trần Gia Ngư, lớp Ba.

Thế mà, chính cậu học sinh tên Trần Gia Ngư này lại có thể đọc vach vách những tác phẩm kinh điển hiếm thấy như "Việt Tuyệt Thư".

Làm sao một học sinh trung học mười bảy mười tám tuổi lại biết nhiều đến như vậy? Chẳng lẽ đã bắt đầu đọc từ trong bụng mẹ? Hay là một lão tú tài khi xưa chuyển thế?

Hàng ngàn con sóng đang vỗ bờ đê trong lòng Lí Nhạc, ông đang định đọc tiếp thì đúng vào lúc này, sau khi viết xong từ cuối cùng của bài thi, Trần Gia Ngư tiện tay nhét phần viết luận vào dưới đống giấy thi.

???

Tôi mới đọc có một nửa sao đã cất đi rồi!

Lí Nhạc tức đến mức ho khan một tiếng.

Mọi người đồng loạt nhìn sang.

Trần Gia Ngư cũng nhìn lên với vẻ mặt khó hiểu.

"..." Lí Nhạc nhìn cậu chằm chằm: "Làm xong rồi à?"

Trần Gia Ngư: "... Gần như là vậy ạ."

Lí Nhạc cố lắm mới dằn mấy từ "Làm xong thì nộp bài đi" xuống để nói: "Kiểm tra cho cẩn thận." Sau đó chắp tay sau lưng rời đi với vẻ mặt nghiêm nghị.

Đám người còn lại cứ tưởng Lí Nhạc đã phát hiện ra Trần Gia Ngư có vấn đề gì, kết quả là sau vài câu không đầu không đuôi đã kết thúc khiến ai cũng có biểu cảm kỳ quái.

Tuy đã làm bài xong nhưng nhà trường không cho nộp bài trước, mà nộp bài xong cũng chẳng có việc gì làm, hơn nữa còn không được ở lại phòng thi nên gần một tiếng đồng hồ còn lại, Trần Gia Ngư ngồi vẽ nguệch ngoạc trên giấy nháp.

Trong khoảng thời gian này, Lí Nhạc nhiều lần vô tình hoặc cố ý đi ngang qua chỗ Trần Gia Ngư nhằm tìm cơ hội để xem Trần Gia Ngư viết gì trong nửa sau của bài luận. Thế nhưng kết quả là ông chỉ thấy đủ thứ linh tinh được vẽ trên giấy nháp. Việc này khiến ông bực đến mức mặt đen như than, gián tiếp biến không khí trong phòng thi thành vô cùng căng thẳng.

Tiếng chuông nộp bài vang lên.

Bài kiểm tra môn ngữ văn kéo dài hai tiếng rưỡi cuối cùng cũng kết thúc.

Lí Nhạc: "Tất cả mọi người đặt bút xuống, những bạn nào chưa hoàn thành cũng không được viết tiếp. Đặt bài thi lên bàn với phiếu trả lời và bài luận ở trên. Giữ im lặng khi rời khỏi phòng kiểm tra, tuyệt đối không được chạy lung tung và gây ồn ào."

Mọi người lần lượt rời khỏi phòng thi.

Hầu Tử Phàm: "Đề thi lần này khó vãi nhái. Tao còn hai câu kiến thức chung về văn học chưa làm được. Lão Trần, mày thì sao, làm xong chưa?"

Trần Gia Ngư đáp: "Xong rồi."

Chu Thư cũng chung phòng thi với họ nên đi lại gần và hỏi: "Mà này, Trần Gia Ngư, bài luận cậu viết như thế nào đấy? Tớ không hiểu nghĩa của đoạn cổ văn đó lắm, với thấy sắp hết thời gian nên đành phải viết bừa vài trăm chữ."

Thẩm Niệm Sơ dừng mắt, đi chậm lại trong vô thức.

Hầu Tử Phàm cướp lời: "Tui viết là do người Việt không hiểu khoa học. Theo quy tắc parabol,

Để bắn tên đi xa, góc bốn mươi lăm độ là góc khoa học nhất, nhưng người Việt lại đi bắn lên trời, vậy nên mới chỉ bắn xa được năm bước. Bà thì sao?"

Chu Thư khá chán nản: "Tui nhìn thấy từ 'bất dịch nghi' thì cứ tưởng rằng đó là một nghi thức nào đó trước khi người Việt bắn tên, vậy nên mới viết rằng mặc dù xã hội hiện đại có nền công nghệ tiên tiến, nhưng nhiều nền văn hóa truyền thống đã bị lãng quên, chúng ta phải biết tôn trọng và tìm cách phục hồi văn hóa truyền thống... aaa, đến giờ mới thấy hơi lạc đề."

Hầu Tử Phàm: "Còn mày, lão Trần?"

Trần Gia Ngư nói: "Luận điểm của tao là chúng ta nên bắt chước người Việt và học hỏi từ tinh thần của họ."

Hầu Tử Phàm sốc đến tái mặt: "Tao không dám chắc bài của Chu Thư có lạc đề hay không, nhưng có thể chắc chắn là mày lạc đề rồi, lão Trần. Rõ ràng đây là tài liệu giảng dạy để phê phán mà!"

"Trời, không ngờ bài luận của cậu còn lạc đề hơn cả của tớ, xem ra ít nhất cũng phải bị trừ mười điểm.” Chu Thư lộ ra vẻ đồng tình, “Chả trách vừa rồi thầy Lý ở lớp Một cứ nhìn chằm chằm vào cậu, có lẽ là do phát hiện ra bị lạc đề."

Hầu Tử Phàm an ủi: "Không sao, có lẽ giáo viên chấm bài sẽ không nghiêm khắc như vậy, biết đâu lại trừ ít điểm."

Trần Gia Ngư mỉm cười: "Cũng có thể. Đằng nào cũng làm xong rồi, kệ đi không nghĩ nữa."

Nghe vậy, Thẩm Niệm Sơ khẽ mím môi nhưng vẫn tiếp tục tiến về phía trước.

Trong phòng học.

Ngay khi học sinh cuối cùng rời khỏi lớp học, Lí Nhạc vội sải bước đến bên bàn của Trần Gia Ngư và rút bài luận ra.

Lần theo chỗ vừa đọc để tiếp tục đọc.

“Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Và cho đến tận bây giờ, nó vẫn là thứ tốt nhất trong số hàng trăm vũ khí còn sót lại từ thời cổ đại của nước ta. Thời ấy, vũ khí của Ngô Việt tốt nhất thiên hạ là lẽ thường tình, từ đó có thể thấy sự thiện chiến của người Việt. Mà người vừa thiện chiến lại vừa giỏi bắn cung, sao lại có thể trở thành tài liệu giảng dạy mang tính phê phán về việc không biết bắn cung đây?"

"Lý do thứ hai: “tham thiên nhi xạ, ngũ bộ, bất dịch nghi dã”. Hàng ngàn năm trước, sở dĩ bắn cung được Khổng Tử liệt vào lục nghệ của quân tử chính là vì “bất dịch nghi dã”. Như đã đề cập sau đó: “âm không thể chiếm dương”, “cành không thể khỏe hơn gốc”, “ngón tay không thể lớn hơn cánh tay”, đây là để nhấn mạnh rằng quy tắc cơ bản không thể thay đổi, nếu không sẽ có nguy cơ bị ngã ngửa.”

"Tác giả muốn mượn câu chuyện của người Việt để nói cho chúng ta rằng."

"Trời đất tự nhiên, vạn vật trong vũ trụ đều có đạo, đạo sinh ra từ trời, nhưng học là việc của người, không luyện tập chăm chỉ há có thể tinh thông." (*)

“Không thay đổi cách ngắm không có nghĩa là ngoan cố không chịu thích ứng, mà có nghĩa là phải kiên định với chân lý của sự vật, không thay đổi, không dao động.”

"Tôi muốn gọi tinh thần này là "tinh thần của người Việt”."

"Không từ bỏ, không dao động, không lùi bước, giữ vững sơ tâm “tinh thần của người Việt”."

"..."

Sau hàng trăm từ, cuối cùng đã đến hồi kết.

"..."

"Vậy sơ tâm là gì? Từ xa xưa đã có Khuất Nguyên "dù chết chín lần vẫn không hối hận", Vương Xương Linh, người "một mảnh lòng sáng như băng trong chậu ngọc", gần hơn thì có lão tiên sinh Nam Nhân Đông "hai mươi năm tạo ra kho báu cho quốc gia”; hay Viên gia gia có "giấc mơ hóng mát dưới lúa non"... Mỗi người đều có “sơ tâm” của riêng mình, đó là quỹ đạo, là hình thù của cuộc sống, và là những câu trả lời tạo nên con người của chúng ta."

"Nhưng khi chúng ta lớn dần, xã hội phát triển, đại đa số người lại bắt đầu đánh mất khát vọng ban đầu của mình trong dòng chảy thế tục hỗn loạn. "Chúng ta đã đi quá xa đến mức quên mất lý do tại sao mình lại cất bước."

"Tuy nhiên, có một số ít người vẫn có thể nhớ sơ tâm, kiên quyết tuân theo tôn chỉ của mình. Họ giống như người Việt bắn tên, nhìn thì có vẻ ngoan cố và không chịu thay đổi, không chịu thích nghi, nhưng họ đáng được chúng ta tôn trọng."

"Những người cống hiến không biết mệt mỏi cho đất nước, những người từ bỏ công danh lợi lộc để theo đuổi chân lý, những người kiên định chiến đấu chống lại cái ác và thậm chí hy sinh mạng sống của mình... đều là những ví dụ tốt nhất cho tinh thần của người Việt."

"Tinh thần của người Việt mặc dù rất hiếm, rất quý giá, nhưng vẫn có ở khắp mọi nơi."

"Và chính nhờ tinh thần như vậy mà đất nước của chúng ta mới ngày càng lớn mạnh, dân tộc chúng ta mới không bao giờ lụi tàn."

"Vì bản thân, không được quên sơ tâm, vừa hát vang vừa tiến thẳng một đường."

"Vì dân tộc, không được quên sơ tâm, phải giữ vững cái hồn của văn hóa dân tộc."

"Vì quốc gia, không được quên sơ tâm, phải ra sức bảo vệ non sông tươi đẹp, quốc thái dân an."

"Sóng cuốn trăng đi, triều đưa sao tới. Thời gian sẽ không bao giờ dừng lại. Chỉ mong rằng nhiều năm sau, khi tôi và bạn nhìn lại, chúng ta vẫn là những chàng trai "bắn cung" không cầu vinh hoa, không đắm chìm trong thế tục, quyết tâm tiến về phía trước và không bao giờ thay đổi sơ tâm."

Lí Nhạc cầm giấy một lúc lâu không nói gì.

(*): Câu này trích từ "Ngô Việt Xuân Thu", gốc là: "Đạo xuất vu thiên, sự tại vu nhân, nhân chi sở tập, vô hữu bất thần", phía trên chỉ là bản tạm dịch, có thể còn sai sót