Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 91: Bé cá có "giá trị nhan sắc cực cao"



Lấy tro núi lửa là một công việc tốn nhiều công sức.

Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều so với việc lấy lưu huỳnh.

Núi lửa này là một ngọn núi lửa đang hoạt động và bất cứ lúc nào cũng có thể phun trào, nhưng quy mô phun trào của nó rất nhỏ, mỗi khi núi lửa phun trào, magma bốc hơi sẽ phân tán và nguội đi rồi đông đặc lại, sau đó trở thành tro núi lửa. Khi một vụ phun trào quy mô lớn xảy ra ở núi lửa, tro bụi có thể bay hàng trăm km, thậm chí hàng nghìn km xuống núi.

Trầm tích của tro núi lửa sẽ trở thành lớp thổ nhưỡng phì nhiêu. Có thể nói, khu rừng này, đồng bằng thung lũng sông dưới chân rừng, đều là do khói đặc của ngọn núi lửa trước mặt này phun ra tạo thành.

Sáng sớm hôm sau, Hà Điền và Dịch Huyền cho thức ăn vào túi vải, treo trên cây, mang theo Gạo và Lúa Mì, chèo thuyền một tiếng đồng hồ đến nơi gần chân núi nhất.

Trước khi xuống thuyền, họ có thể ngửi thấy mùi hương đặc biệt của núi lửa trên sông, đó là mùi sunfua cháy.

Sau khi xuống thuyền, Gạo mang theo hai cái sọt, được Hà Điền dẫn đi phía trước đội, cẩn thận tránh những chỗ suối có bọt trắng ra. Có một số con suối là mạch nước phun đứt quãng tỏa ra hơi nước nhiệt độ cao. Bởi vì áp suất cao, lúc cao nhất cột nước có thể phun lên tới gần chục mét, phạm vi phun ra cũng rất lớn, cho dù ở xa vẫn có thể bị giọt nước nóng bắn vào mặt.

May mắn thay, Hà Điền bọn họ đã có chuẩn bị từ sớm, khi xuống thuyền, họ đội món và che mặt bằng khăn vải.

Họ chậm rãi đi về phía ngọn núi lửa, dưới chân núi có những tảng đá lớn nhỏ, một số được làm nguội bởi magma, một số văng ra khi núi lửa phun trào. Do sức nóng địa nhiệt, xung quanh đây không có thực vật nào mọc cả, toàn bộ các khu vực có thể nhìn thấy đều là sỏi đen xám và một ít tuyết vẫn còn sót lại trong bóng râm, trong khoảng trống giữa một vài tảng đá lớn.

Những viên sỏi đen này là tro núi lửa giàu bazan, một số trong số chúng có thủy tinh núi lửa với các sắc thái khác nhau, từ đen sẫm đến xanh nước biển, nhưng chúng không phải là tro núi lửa mà họ đang tìm kiếm.

Tiếp tục đi lên phía trên, giống như đi trên cồn cát được tạo thành từ sỏi và đá, cứ mỗi bước chân, vô số viên sỏi đen sẽ lăn ra, vùi chân họ sâu vào.

Hà Điền và Dịch Huyền đều cầm gậy gỗ để có thể đi lại, lâu lâu họ lại phải kéo Gạo đi, khiến việc đi lại rất khó khăn.

Đây là con đường không ai đi, và họ chỉ có thể tự mình khám phá.

May mắn là sau khi đi bộ lên khoảng nửa tiếng, họ đã nhìn thấy tro núi lửa trắng xóa.

Dịch Huyền tháo bao tay ra, nhẹ nhàng lấy một nắm tro lên xoa, tro mịn rơi ra khỏi ngón tay rồi bay đi.

Tro núi lửa màu trắng đục này có các hạt mịn với đường kính trung bình nhỏ hơn hai mm. Bụi nhỏ nhất bay lên chỉ có đường kính vài micromet. Khoảng 60% trở lên là silica, là thủy tinh. Nếu hít vào khí quản và đi vào phổi, sau khi tiếp xúc với nước, khí sulfuric sẽ biến thành axit sulfuric thì tiêu tùng, vì vậy Hà Điền và Dịch Huyền đã sớm đeo mặt nạ phòng độc vào, họ cũng đeo một chiếc "khẩu trang" làm bằng vải có dây cột ở sau đầu.

Hai người lấy chiếc sọt mây to và cái xẻng trên lưng Gạo xuống, bắt đầu đào tro núi lửa.

Bên trong sọt lớn đã sớm lót một cái bao vải, bao được làm đặc biệt theo kích thước của sọt, miệng bao chỉ cần lật qua mép sọt, sau khi đổ đầy bao thì nhấc miệng bao lên, dùng dây thừng cột chặt mép bao lại, tro sẽ không bay ra ngoài.

Sau khi đổ đầy hai bao, Hà Điền và Dịch Huyền cùng nhau nâng chiếc sọt mây, đặt lên lưng Gạo rồi từ từ đi xuống núi.

Khi xuống đến chân núi, họ tìm một bãi cỏ, giẫm lên cỏ khô và bụi cây cho bằng phẳng, sau đó chuyển bao vải ra khỏi sọt mây, đặt cố định trên cỏ khô, rồi lại cho bao vải khác vào sọt, tiếp tục đi lên núi.

Đi tới đi lui ba lượt, cũng đã hơn hai giờ chiều.

Không chỉ mỗi Hà Điền và Dịch Huyền mệt mỏi cả người đầy mồ hôi, mà ngay cả Gạo cũng không muốn di chuyển nữa. Lần này, ngay khi đến bãi cỏ, nó nằm luôn trên mặt đất, đình công, bất động.

Hà Điền và Dịch Huyền tháo mặt nạ phòng độc ra, rửa tay bên sông rồi gọi Lúa Mì lại.

Lúa Mì là giống chó có kích thước nhỏ, chân cũng ngắn, tuy lúc đầu nó cứ một mực chạy theo bọn họ lên núi, về sau thì canh ở bên cạnh mấy bao tro núi lửa không chạy theo nữa, nhưng trên người nó đều toàn là bụi đất, lông vàng cũng biến thành màu vàng đất, cái bụng thì lại càng bẩn hơn nữa.

Sau khi rửa tay xong, Dịch Huyền túm Lúa Mì nhúng vào trong nước, rửa sạch từ đầu đến chân, sau đó dùng khăn vải lau khô cho nó.

Hà Điền lấy một miếng da hươu trên thuyền trải lên bãi cỏ, tìm một ít cỏ và cành cây khô gần đó nhóm lửa lên.

Đêm qua, Hà Điền lại lặp lại chiêu cũ là cột lưỡi câu và mồi vào cọc tre của thuyền, sáng nay ra sông rửa mặt, kéo dây câu thì bắt được một con cá rất to. Loài cá này trông hơi giống cá chạch, nhưng to hơn nhiều, dài bằng cẳng tay của Dịch Huyền, hơn nữa nhìn nó rất đẹp, toàn thân có nhiều vảy mịn màu xám bạc mờ, bụng màu trắng, vây lưng và mang, hai vây nhỏ ở phần đuôi trong mờ và có màu hồng nhạt.

Sau khi cắt bỏ vây mang và rửa sạch bụng, Hà Điền cắt con cá thành nhiều khúc rồi dùng thùng sắt chuyên dùng để múc nước đổ than vào ngập nửa thùng, dưới đống lửa trại đêm qua vẫn còn tro ấm, con cá đã được chôn trong đó, cá chín thì bỏ tro đi, bẻ vài cành thông trải ra, đặt cá lên trên, khi ăn thì gỡ phần da, lộ ra thịt cá trắng tinh.

Ngay cả khi không có muối thì cá này ăn vẫn rất ngon, có thể là do suối nước nóng giàu khoáng chất.

Hà Điền xỏ hai chiếc bánh nướng vào xiên tre, hơ trên bếp lửa cho nóng rồi kẹp thịt cá vào, vậy là đã có một bữa trưa tuyệt vời.

Bởi vì không có thêm muối, nên họ cũng cho Lúa Mì một miếng cá, Gạo làm việc chăm chỉ, tất nhiên là cũng được một miếng bánh đậu như một phần thưởng.

Hà Điền và Dịch Huyền vừa ăn trưa, vừa trò chuyện vừa nhìn ngắm cảnh vật xung quanh.

Dịch Huyền khen loại cá này ăn ngon, sau đó lại chứng nào tật nấy nói: "Nếu có thể mang về nuôi trong ao nhà mình thì hay biết mấy."

Đương nhiên là anh cũng biết chuyện này rất khó, loài cá này có lẽ cần chất lượng nước và nhiệt độ đặc biệt để tồn tại, vậy nên anh chưa từng nhìn thấy nó ở sông hồ gần nhà.

Lần này Hà Điền thỏa hiệp: "Trước khi rời đi chúng ta bắt thêm hai con nữa, nấu rồi mang theo ăn trên đường."

"Không biết ướp rồi có vị như thế nào nữa."

Phong cảnh dưới chân núi lửa không được tốt cho lắm, nhưng bởi vì địa nhiệt, nhìn từ xa cỏ cây có màu vàng úa, giống như đồng cỏ mùa thu, nhưng khi ngồi trên cỏ thì có thể nhìn thấy một lớp cỏ xanh mỏng nằm sát mặt đất. Buổi trưa, khi mặt trời mạnh nhất trong ngày, ánh nắng chiếu xuống trên lưng, ấm áp vô cùng, nếu như không phải ngước mắt lên nhìn thấy những lớp tuyết trắng trên đỉnh núi xa xa, thì cứ như là đang ở trong thời tiết cuối thu, đầu xuân vậy.

Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi đầy đủ, họ lại dắt Gạo lên núi một lần nữa.

Lần này lúc xuống núi, hai chân trước của Gạo run lên bần bật và suýt nữa là khuỵu xuống luôn.

Hà Điền vuốt ve đầu nó, biết rằng thể lực của nó đã đến cực hạn rồi.

Đã bốn giờ chiều, hai người cẩn thận chất tám bao tro núi lửa lên thuyền rồi chậm rãi chèo về. Lúc này nhất định phải thật cẩn thận, nếu bao vải bị ướt hoặc rơi xuống nước, vậy thì công sức bỏ ra coi như mất trắng.

Để an toàn, trên đường đi họ đã ghé vào ven sông cho Gạo nghỉ một lúc.

Sau khi trở về trại, tám bao tro núi lửa được cho vào rương gỗ, cột lại bằng dây thừng.

Sau một đêm nghỉ ngơi, Hà Điền và Dịch Huyền không còn thảnh thơi nhàn nhã như lần trước, thậm chí họ còn không đào củ sen mà chạy nhanh về nhà.

Tro núi lửa đã được lấy, bọn họ nóng lòng muốn kiểm tra xem vật liệu này có thật sự dùng được hay không.

Hành trình trở về vất vả hơn nhiều so với lúc đi, lều vải này nọ khẳng định là không thể bỏ rồi, mặc dù một số thức ăn đã được ăn bớt nhưng gánh nặng lại tăng lên rất nhiều. Tám bao tro núi lửa không hề nhẹ, chèo thuyền kéo trên sông hồ đóng băng thì không sao, nhưng nếu đi vào rừng thì rất khó. Gạo phải vác theo hai cái sọt trên người, còn phải kéo xe trượt và thuyền, trên thuyền chất bốn bao tro, lều và các đồ lặt vặt khác, Dịch Huyền thì mang trên lưng hai bao, nếu gặp chướng ngại vật, anh còn phải cùng Hà Điền khiêng thuyền lên.

Rất may là thời tiết trên đường những ngày này đều ổn, không có tuyết rơi nhiều.

Mặc dù vậy, sau khi về đến nhà rồi, Hà Điền đưa Gạo về lại chuồng, nó lập tức ngã quỵ. Lúc ấy Hà Điền đang lấy cỏ khô và bột đậu cho nó ăn. Nhìn thấy Gạo nằm sải lai như vậy, cô đột nhiên nảy lên cơn bốc đồng, cũng muốn ngã xuống đất nằm bất động.

Nhưng, cô không thể.

Nhiệm vụ của Gạo đã hoàn thành, nhưng của cô thì chưa.

Lúc cô đang ở cùng với Gạo thì Dịch Huyền đã đi dỡ số gạch tuyết trước nhà xuống. Chạm vào nóc lò, thấy còn hơi ấm, anh mở lòng lò ra, quét tro, chất củi và cỏ khô vào, đốt lửa rồi nấu một nồi nước lớn.

Sau đó, anh đi dọn dẹp chuồng vịt và thỏ.

Túi lương thực treo trên cây không còn nữa, không biết anh em nhà họ Phổ đã chăm sóc vịt và thỏ như thế nào.

Cũng may là sau khi bị Dịch Huyền đánh, hai anh em kia rất biết điều, tuy không cẩn thận lắm nhưng cũng không mắc sai lầm gì lớn. Dịch Huyền vẫn khá hài lòng.

Trước khi trở về, Hà Điền đã chuẩn bị tâm lý cho anh, thậm chí anh còn nghĩ đến cảnh khi anh mở cửa chuồng ra, gia cầm, gia súc đều bị nhiễm khí độc chết hết nữa kìa.

Họ đã nói rằng những quả trứng do vịt đẻ trong những ngày qua sẽ là của gia đình nhà họ Phổ. Khi Dịch Huyền thay cỏ khô cho ổ vịt, anh nhặt được mười ba quả trứng. Tính ra, hẳn là cứ cách hai ba ngày anh em nhà họ Phổ sẽ đến đây một lần.

Vui vẻ cất trứng vịt đi, vuốt ve vịt béo của mình, Dịch Huyền lại chạy đi nhìn thỏ cưng, nguyên một bầy thỏ béo nu, mấy con thỏ con trước đó giống như một nắm tuyết tròn giờ đã lớn rồi, cỡ hơn bàn tay anh một chút.

Dịch Huyền dọn dẹp chỗ ở của vịt và thỏ xong rồi lại đến nhà kính.

Tình hình trong nhà kính cũng vậy, đất hơi khô, Dịch Huyền múc nước từ thùng nước trong góc, tưới rau trước, sau đó dùng xẻng tre xới đất trong vườn.

"Nhà kính" của bọn họ thật ra chỉ là một phòng lạnh, bởi vì một nhà kính thực sự thì cần phải có một nguồn nhiệt. Nếu kết hợp được với nơi ở của vịt và thỏ thì mới có thể coi đây như một nhà kính thực thụ.

Ngay từ khi xây dựng nhà kính, Hà Điền đem nhiệt kế trong nhà treo ở đây để quan sát và ghi lại nhiệt độ. Nếu có nhiều nắng trong vài ngày, nhiệt độ trong nhà cao nhất có thể lên đến 14 độ C. Mặc dù ở nhiệt độ này, rau không thể phát triển tốt, nhưng nhiệt độ trong nhà kính luôn không đổi, đêm lạnh nhất là 5 độ, và hầu hết các loại rau trồng đều cứng cáp nên sinh trưởng rất tốt.

Trong góc nhà kính đặt hai vại nước lớn bọc cỏ khô, chỉ có lần đầu là lấy từ nước sông, sau đó thì đều dùng nước tuyết tan.

Ở cửa và trên mái nhà đều có tuyết, vào buổi chiều khi nhiệt độ nhà kính cao nhất, đào hai sọt tuyết bỏ vào vại nước, vài tiếng sau tuyết đều bị nước trong vại hòa tan.

Ngoài ra trong chuồng vịt và chuồng thỏ cũng có một vại nước, nước trong đó cũng lấy được bằng cách này.

Dịch Huyền còn nghĩ, mùa đông năm sau nếu xây dựng một nhà kính thực sự thì không cần phải đến lỗ băng bên sông lấy nước mỗi ngày nữa, còn thuyết phục Hà Điền trực tiếp dùng tuyết tan trong nhà kính để nấu ăn, giặt giũ. Thái độ của Hà Điền đối với loại nước này cũng giống như lần đầu tiên khi cô nhìn thấy sơ đồ căn nhà do anh vẽ, "cảm thấy không được tự nhiên."

Cô không thể chấp nhận cái ý tưởng

xây nhà vệ sinh trong nhà. Với lại, phòng tắm cũng xây luôn trong nhà được sao? Vậy thì sao có thể thoải mái như nhà tắm bên ngoài được? Ừ thì cô biết rằng trên đường từ nhà tắm trở về nhà tóc cô muốn đông cứng lại luôn, nhưng điều này thì có liên quan gì đến việc xây phòng tắm ở trong nhà?

Lúc nghe Dịch Huyền nói chi tiết về ngôi nhà mà anh sống từ thời thơ ấu được thiết kế theo cách này, khuôn mặt của Hà Điền hiện rõ sự đồng cảm "Ôi, anh thật là đáng thương."

Dịch Huyền nghĩ, nếu em mà dùng nhà vệ sinh và phòng tắm trong nhà quanh năm ấm áp, em sẽ không còn muốn sử dụng lại những cái ban đầu nữa đâu!

Chuyện bất đồng ý kiến này tạm gác qua một bên, tối hôm đó cả hai đều quá mệt, nói về nhà phải tắm cho sạch sẽ, nhưng tối hôm đó họ chỉ lấy khăn nhúng nước nóng ở trong phòng lau sơ. Sau khi nhét đầy bụng rồi thì leo lên gác ngủ.