Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 45: Bốc đồng



Bốc đồng tốt mà. Nếu không có bốc đồng thì đã chẳng có em và anh.

Hôm sau, hai người họ ngủ một giấc say sưa tới hơn mười giờ. Sau khi tỉnh dậy, Trần Gia Dư nhận được tin nhắn rủ đi ăn của Chu Kỳ Sâm. Chu Kỳ Sâm nhắc tới chuyện lần trước khi anh ta lái chuyến HU371 có gặp Trần Gia Dư trên tần số Tiếp cận, lúc xuống máy bay hai người hẹn đi ăn nhưng lại không thành, hôm sinh nhật Phương Hạo cũng không trò chuyện được mấy câu nên bữa này coi như bù lại hết.

Lần này Trần Gia Dư cũng không từ chối, hơn nữa còn bổ sung một câu: “Ăn trưa nhé? Để tôi dẫn Phương Hạo theo cùng.”

Chu Kỳ Sâm thật ra cũng chỉ hẹn vậy. Anh ta bình thường đi làm năm ngày, nghỉ hai ngày, rất hiếm khi được một nghỉ trọn vẹn mà không cần điều chỉnh tình trạng chênh lệch múi giờ. Trần Gia Dư biết Chu Kỳ Sâm bận rộn hơn mình, vậy nên thấy anh ta khó lắm mới có thời gian rảnh thì bèn chốt luôn vào trưa hôm ấy.

Phương Hạo còn đang nằm trên giường lướt điện thoại. Trần Gia Dư ngậm bàn chải đánh răng đi ra, nói với cậu ấy: “Trưa nay em muốn ăn gì? Anh Sâm của em mời đấy.”

“Hẹn anh chứ có hẹn em đâu.” Phương Hạo không ngẩng lên, trả lời anh ấy: “Em cũng không mang theo quần áo.”

“Đi cùng đi. Để anh kiếm quần áo cho em.” Trần Gia Dư nói xong, không cho Phương Hạo có cơ hội từ chối đã đi tới tủ quần áo, tìm mấy bộ đồ của mình cho cậu ấy. Chiếc quần thể thao dây rút màu xám mà Phương Hạo mặc tối qua thật sự không phù hợp để mặc ra ngoài.

Phương Hạo chợt nhớ ra, nhấp vào ảnh đại diện trên Wechat của Chu Kỳ Sâm, lướt xem trang Khoảnh khắc của anh ta.

Chu Kỳ Sâm vẫn không thích đăng ảnh bản thân như trước. Tuy nhiên, gần đây anh ta có đăng một bức hình với hai phần món chính cùng vang đỏ tại nhà hàng kiểu Âu, bên cạnh có thắp nến, bầu không khí có vẻ rất hoà hợp. Bức hình này của Chu Kỳ Sâm được để lẫn trong tám bức hình chụp bừa khác, chẳng qua Phương Hạo tinh mắt, nhìn thoáng qua đã thấy, còn đưa cho Trần Gia Dư xem: “Anh xem này, có phải anh Sâm có gì rồi không?”

Trần Gia Dư cũng đồng tình: “Cậu ta trước giờ không ăn đồ Âu bao giờ.”

Hai người nhìn nhau rồi cùng bật mỉm.

“Em cá với anh 10 tệ là Lang Phong.” Phương Hạo nói.

“Chắc chắn vậy sao?” Trần Gia Dư không rõ Phương Hạo có thông tin gì trong tay nhưng anh cũng sẵn sàng tin là Lang Phong. Cho tới tận bây giờ, Trần Gia Dư vẫn có chút không được thoải mái khi nghĩ tới Lang Phong. Ngày nào Phương Hạo còn chưa kể cho anh nghe vì sao cậu ấy từ chối Lang Phong thì ngày đó Trần Gia Dư vẫn có cảm giác nguy hiểm. Vậy nên anh mong mỏi Chu Kỳ Sâm mau chóng thu phục cậu công tử “rồng phượng giữa loài người” Lang Phong này đi, hoặc không thì Lang Phong thu phục Chu Kỳ Sâm, nói tóm lại là đừng lượn lờ trước mặt anh trong tình trạng độc thân nữa.

Ôm những suy nghĩ ấy trong lòng, hai người tới điểm hẹn. Sau cùng, Phương Hạo mặc chiếc quần màu kaki thoải mái của Trần Gia Dư cùng áo phông trắng từ hôm qua, choàng bên ngoài là áo len dài tay màu xanh sẫm của anh ấy. Phương Hạo vừa soi gương vừa nghĩ, nếu Trần Gia Dư mặc bộ đồ này nhất định sẽ rất đẹp, mà bản thân anh mặc không tệ chút nào.

Sau khi ngồi vào phòng VIP, câu đầu tiên của Chu Kỳ Sâm quả nhiên là hỏi hai người họ: “Đi cùng nhau à?” Trong ánh mắt anh ta là nét cười cùng chút chọc ghẹo.

Phương Hạo chào anh ta một tiếng “Anh Sâm”, sau đó thẳng thắn đáp: “Vâng, hiếm khi mới vào nội thành một chuyến.”

“Hai người thế này…” Chu Kỳ Sâm mở đầu câu chuyện.

Lần này Trần Gia Dư đã có thể công khai gác cánh tay lên lưng ghế của Phương Hạo, gật đầu nói: “Phải, như ông thấy đấy.”

Chu Kỳ Sâm nhớ lúc trước Phương Hạo còn bảo với anh ta là “Nói ra thì dài” mà, thế… “Yêu đương rồi?”

“Tạm thời thì chưa.” Trần Gia Dư nói. Phương Hạo cũng không có gì cần bổ sung thêm, chỉ mỉm cười với anh ta.

Chu Kỳ Sâm rất nắm bắt tình hình, lập tức bảo: “Vậy là nhanh rồi, Hôm nay có phải ông nên mời tôi không hả?”

Anh ta chỉ nói đùa, nhưng Trần Gia Dư lại không chút do dự: “Để tôi mời.”

Ba người tán gẫu một lúc, vẫn chưa chọn được món. Phương Hạo bèn bảo mình ra nhà vệ sinh để rửa tay.

Chờ khi Phương Hạo ra ngoài, Trần Gia Dư sực nhớ, hỏi Chu Kỳ Sâm: “Ông lái Airbus được bao lâu rồi?”

Chu Kỳ Sâm không cần suy nghĩ, lập tức trả lời: “2530 giờ.”

“…. Nhớ rõ vậy.” Trần Gia Dư có chút ngạc nhiên.

Chu Kỳ Sâm chỉ ậm ừ đáp. Anh ta có một quyển số lịch bay. Kể từ ngày đầu tiên chuyển từ bên quân đội sang làm phi công thương mại, mỗi buổi sáng anh ta đều sẽ tính toán cập nhật số giờ bay với từng loại máy bay của mình, đến nay đã hơn một nghìn ngày. Hôm nay trước lúc ra khỏi nhà anh ta cũng vừa mới tính. Đương nhiên, quyển số lịch này còn mang một ý nghĩa không được vẻ vang khác. Đó cũng là số ngày anh ta cắt đứt quan hệ với gia đình. Chẳng qua, anh ta chưa từng nói với bất kỳ ai về chuyện này.

Trần Gia Dư lúc này mới nói: “Hỏi ông chuyện này. Năm ấy ở Hồng Kông, ông nghĩ nếu tôi không nâng công suất động cơ lên 70% thì liệu có phải lúc hạ cánh sẽ không nguy hiểm như vậy không?”

Chu Kỳ Sâm mất một lúc lâu mới tiêu hóa được câu hỏi này. Anh ta không nói gì nhưng trong đầu đã bắt đầu nhảy số, nghĩ thầm cũng sắp tròn ba năm kể từ vụ hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông rồi mà. Phải một lúc sau, Chu Kỳ Sâm mới đáp: “Khi ấy lúc nâng, ông cũng đâu biết được rằng nó sẽ đứng im, ko thể giảm xuống, đúng chứ?”

Những gì Chu Kỳ Sâm nói không khác Trần Chính là bao, thế nhưng Trần Gia Dư lại thành thật với anh ta hơn là với Trần Chính: “Tôi có thể nâng tới mức 30% rồi thử giảm xuống, tới 50% lại thử giảm tiếp.”

“Nếu như ông giảm công suất khi tới mức 30%, đúng lúc ấy van lại bị kẹt thì ông có thể sẽ đứng im ở mức 30%, không về nổi tới sân bay Hồng Kông.” Chu Kỳ Sâm đặt ra một tình huống khác.

(Van ở đây là chỉ van điều chỉnh công suất động cơ)

“Hoặc tôi phát hiện ra chuyện van sẽ bị kẹt thì sẽ không nâng thẳng lên mức 70%, cũng không tiếp cận sân bay với tốc độ nhanh như thế.” Trần Gia Dư nói.

Bởi vì có rất nhiều khả năng cũng như rất nhiều tình huống, kết quả có lẽ khác biệt hoàn toàn, vậy nên việc thực hiện mô phỏng thực ra cũng không phải một ý kiến hoang đường. Chính vì nó không hoang đường nhưng bản thân Trần Gia Dư lại không biết kết quả sẽ thế nào nên trong lòng mới bồn chồn.

Chu Kỳ Sâm cũng là người thẳng tính nên nói thẳng: “Vậy thì tôi cũng có thể nói là hoặc ông có khả năng liệu sự như thần, tính được chuyện nhiên liệu bị lẫn tạp chất, dùng X-quang chẩn đoán vấn đề ngay tại chỗ. Khi gặp sự cố, phi công nào cũng phải đoàn mò, xử lý vấn đề. Nếu lập tức biết được nguyên nhân sự cố thì còn cần điều tra làm cái gì nữa. Vậy nên, trong tình huống đó, mấy ông ra quyết định trong tình trạng mù tịt, cũng chẳng ai là có đầy đủ thông tin cả, rất khó để nói “nếu như”.” Tuy Chu Kỳ Sâm nói thẳng nhưng mọi lời đều hướng tới Trần Gia Dư.

“Phải.” Trần Gia Dư không phủ nhận.

“Ông có kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay với Airbus A330 mà, sao lại hỏi tôi?” Chu Kỳ Sâm tự giễu.

“Về lý thuyết thì tôi hiểu cả.” Trần Gia Dư nói.

Chu Kỳ Sâm tiếp lời: “Trong lòng không thể chấp nhận?”

“Cũng không phải…”

Thật ra nếu không có chuyện buồng lái giả lập thì có lẽ cả đời này Trần Gia Dư cũng sẽ không nghĩ tới vấn đề “nếu như” nan giải này. Thế nhưng dù sao đây cũng là chuyện nội bộ của hãng bọn họ, Chu Kỳ Sâm thuộc hãng Hải Nam, có kể thì anh ta cũng không rõ mà cũng không giúp được gì nên Trần Gia Dư không nhắc tới chuyện đó.

Đúng lúc này, Phương Hạo đẩy cửa trở vào.

Trần Gia Dư liếc mắt qua cậu ấy rồi ném một quyển thực đơn cho Chu Kỳ Sâm: “Trước tiên xem xem ông muốn ăn gì đi.” Trần Gia Dư chuyển chủ đề, không muốn nhắc tới chuyện này trước mặt Phương Hạo.

Chu Kỳ Sâm là người có con mắt tinh đời, vừa nhìn qua là đã nhận ra. Mặc dù hai người họ đang trong giai đoạn tiến tới tình yêu nhưng đôi bên chắc chắn vẫn còn những ranh giới và những bí mật giữ kín. Chu Kỳ Sâm tất nhiên cũng không nhắc tới chủ đề này nữa.

Lúc sau, Phương Hạo chỉ đóng góp ý kiến mang tính tượng trưng, món ăn vẫn là do hai người Trần Gia Dư và Chu Kỳ Sâm chọn. Chọn món xong xuôi, Phương Hạo mới nhớ ra, hỏi Chu Kỳ Sâm: “Tôi thấy anh giờ đi ăn đồ Âu rồi đấy, hơn nữa còn không phải mấy nhà hàng kiểu Giovanni ở sân bay.”

Chu Kỳ Sâm đặt thực đơn xuống, liếc mắt qua Phương Hạo rồi cười bảo: “Có gì thì nói thẳng ra đi.”

Phương Hạo hỏi anh ta: “Có phải đi cùng Lang Phong không?”

Chu Kỳ Sâm nở nụ cười rất chi là gian xảo nhưng vẫn gật đầu thừa nhận: “Phải, đi cùng với cậu ấy.”

Phương Hạo vỗ Trần Gia Dư một cái: “Anh chuyển tiền đi, mau lên.” Sau đó hào hứng nói tiếp: “Xem ra vụ mai mối này của tôi cũng không đến nỗi quá thất bại.”

Trần Gia Dư rót nước cho hai người, cũng góp vui bảo: “Này cũng là nhờ anh Sâm của em nỗ lực giành được, phải không nào.” Nói rồi, anh còn hất cằm về phía Chu Kỳ Sâm.

“Một cây làm chẳng nên non.” Chu Kỳ Sâm nói vậy có thể coi như đã thừa nhận.

Ăn uống được một lúc, Chu Kỳ Sâm chợt nhớ ra chuyện này, bèn hỏi hai người Trần Gia Dư và Phương Hạo: “Tết năm nay hai người có dự định gì?”

Chuyện này thật ra Trần Gia Dư cũng từng nghĩ tới, nhưng anh không chủ động đề cập vì anh biết chuyện gia đình của Chu Kỳ Sâm không tiện nhắc tới. Tuy bầu không khí gia đình anh có chút ngột ngạt nhưng khi Tết đến mấy người cô bác họ hàng vẫn sẽ tụ tập ăn bữa cơm, có chút cảm giác năm mới. So với người có nhà nhưng không thể về như Chu Kỳ Sâm thì vẫn có sự khác biệt cơ bản.

Cả hai đều im lặng, vậy nên Phương Hạo lên tiếng trước: “Tôi có lẽ vẫn phải đi làm. Từ ngày 30 tới mùng 5 chắc chắn phải trực ba, bốn hôm, năm ngoái là như vậy. Hai người thì sao?”

Ngay cả khi tất cả các công ty khác đều cho nghỉ Tết thì nhóm phi công và kiểm soát viên không lưu vẫn không thể nghỉ làm. Bọn họ một năm 365 ngày, một ngày 24 giờ luôn phải có người làm việc, đảm bảo các chuyến bay hoạt động bình thường.

Chu Kỳ Sâm nói: “Hẳn là bay, bay và bay. Tôi đăng ký trực thay thêm mấy chuyến quốc tế, không muốn ở lại trong nước.”

“Tôi đi Nhật Bản với mẹ, có lẽ là trước khi sang năm mới.”

Trần Gia Dư là người trả lời cuối cùng. Phương Hạo bình thường không thấy Trần Gia Dư nhắc tới việc này, cũng không biết có chuyện như vậy, bây giờ là do Chu Kỳ Sâm hỏi thì anh ấy mới trả lời.

“Đã chốt rồi?” Phương Hạo quay sang hỏi Trần Gia Dư.

Trần Gia Dư đáp: “Đã chốt ngày, vé máy bay thì chưa đặt.” Nói xong, anh cũng nhìn sang Phương Hạo, dường như muốn giải thích nhưng lại không biết nên nói sao.

Chu Kỳ Sâm nói đùa: “Có thể đi chuyến của tôi. Dạo này tôi hay bay từ Đại Hưng Bắc Kinh tới Haneda Tokyo lắm.”

Trần Gia Dư cũng hùa theo nói đùa mấy câu. Chẳng qua Chu Kỳ Sâm cũng biết, Trần Gia Dư hẳn là sẽ chọn chuyến bay của Air China. Phi công mỗi năm đều được mười tấm vé máy bay miễn phí từ hãng mình làm để dùng cho bản thân và gia đình, có thể coi như một trong những phúc lợi hiếm hoi của mấy người bọn họ.

Sau khi rời khỏi nhà hàng, Chu Kỳ Sâm lái xe quay lại sân bay, tối nay anh ta còn có chuyến bay “mắt đỏ”.

(Chuyến bay “mắt đỏ”: red-eye flight, thuật ngữ hàng không, chỉ những chuyến bay dài khởi hành lúc đêm muộn, khiến phi hành đoàn phải thức trắng)

Phương Hạo chờ Trần Gia Dư thanh toán rồi hai người sánh vai nhau đi tới bãi đậu xe. Lúc này Phương Hạo mới hỏi anh ấy: “Trước Tết… là khi nào vậy? Anh đi bao lâu?”

Cả hai cùng lúc mở cửa xe, ngồi vào vị trí cầm lái và phụ lái rồi gần như cùng lúc đóng cửa lại, như thể được đồng bộ động tác. Trần Gia Dư nghiêng đầu qua nhìn Phương Hạo, khẽ mỉm cười rồi mới đáp: “Trung tuần tháng Một. Anh xin bên hãng nghỉ mười ngày.”

Phương Hạo yên lặng gật đầu, không nói gì.

Trần Gia Dư dường như biết được suy nghĩ của cậu ấy, chủ động nói: “Mới chốt chưa được bao lâu, tuần trước anh còn đang đôi co chuyện lịch trực. Số ngày nghỉ năm nay của anh thật ra cũng không nhiều đến thế, tới giờ mới được duyệt, vậy nên trước đó không nhắc tới với em.”

Phương Hạo ngẫm nghĩ cẩn thận. Một kỳ nghỉ mà thôi, anh cũng không quá để ý, bèn bảo: “Không sao đâu. Dù sao Tết em cũng không được nghỉ, chúng ta… cũng chẳng ở với nhau được.”

Trần Gia Dư nhìn thoáng qua Phương Hạo. Lúc này vừa đúng lúc tới ngã tư đường, anh chuyển số về mo rồi vươn tay, vỗ nhẹ lên cánh tay của Phương Hạo: “Em muốn đi du lịch cùng anh à?”

Kể ra cũng lạ, trước đây Phương Hạo thật sự chưa từng nghĩ tới chuyện này. Thứ nhất, hai người hiện tại chưa phải quan hệ yêu đương ràng buộc nghiêm túc, vẫn đang dừng ở giai đoạn thử tìm hiểu lẫn nhau, bàn chuyện tình yêu. Thứ hai, cuối năm cả hai đều khá bận rộn, mấy lần gần đây đều là tranh thủ thời gian để gặp nhau, không còn hơi sức để tưởng tượng khung cảnh yêu đương trong tình huống bình thường. Hôm nay nghĩ tới, Phương Hạo cảm thấy ý kiến này cũng rất hay, bèn hẹn: “Năm sau chúng ta tìm cơ hội đi cùng nhau đi. Anh muốn đi đâu? Chúng ta liệu có cần xin nghỉ trước một năm không nhỉ?”

Trần Gia Dư bật cười, sau đó nhìn về phía trước rồi bảo: “Anh cũng không thể bay mãi chặng nội địa được.”

Phương Hạo nghe ra ẩn ý trong lời của anh ấy, Trần Gia Dư bay chặng nội địa chỉ là để có thêm thời gian dành cho mẹ. Vậy nên đắn đo một lúc không biết có nên nói hay không, cuối cùng Phương Hạo vẫn chọn nói ra: “Nhắc tới chuyện này. Chuyện đi Nhật… anh cảm thấy thế nào?”’

Trần Gia Dư hỏi lại: “Cảm thấy thế nào là sao?”

Phương Hạo cố gắng giải thích: “Thì là, anh có vui không?”

Câu hỏi của Phương Hạo làm Trần Gia Dư sững người. Rất ít người trực tiếp hỏi anh về cảm nhận của anh giống như vậy. Thật sự là quá ít, đến nỗi anh thậm chí còn quên mất rằng bản thân mình cũng có quyền được vui vẻ hoặc đau khổ. Trong một khoảng thời gian dài sau vụ việc hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông, thế giới của Trần Gia Dư bị chia thành hai nửa, trở thành “nên làm” và “không nên làm”, thay vì “muốn làm” và “không muốn làm”, mãi đến gần đây mới có chút thay đổi. Hiện tại Phương Hạo đặt câu hỏi một cách đường đường chính chính, buộc anh cũng phải suy nghĩ về cảm xúc và thái độ của bản thân đối với chuyện này.

“Nói “vui” thì không chính xác, có thể nói là… trọn vẹn. Thế nhưng trong lòng không dễ chịu, cái này thì chắc chắn.” Trần Gia Dư chậm rãi nói, “Đây có thể coi là nguyện vọng cuối cùng của mẹ anh. Sau Tết, không biết bà ấy có thể cầm cự được bao lâu nữa.”

Phương Hạo an ủi anh ấy: “Em nghĩ dì chắc chắn rất vui… Hoàn thành được nguyện vọng, cũng không còn gì nuối tiếc nữa.”

Trần Gia Dư “Ừm” một tiếng. Anh trước giờ luôn ăn nói hùng hồn nhưng mỗi khi gặp phải chủ đề nặng nề là lại trở nên rất dè dặt.

Phương Hạo chịu đựng sự im ắng trong xe tầm hai phút. Đến khi Trần Gia Dư lái xe lên cao tốc, anh rốt cuộc vẫn không từ bỏ chủ đề này: “Thật ra… trước đây anh không nói với em không phải vì chuyện xin nghỉ.”

Trần Gia Dư cũng im lặng một lúc. Cuối cùng giữa sĩ diện và thành thật, anh lựa chọn thành thật: “Phải, không tiện nhắc tới.” Trong lòng Trần Gia Dư vẫn chưa quên bây giờ đang trong giai đoạn thử. Nếu trong giai đoạn thử mà anh còn không nói thật với Phương Hạo thì chắc chắn chẳng còn lòng tin vào một tình yêu chân chính.

Thế nhưng điều khiến Trần Gia Dư bất ngờ là Phương Hạo lại nhắc đến chuyện cũ: “Trước sinh nhật của em, anh đột ngột xin nghỉ rồi đi Hàng Châu, cũng là vì….”

Trần Gia Dư trước giờ luôn cảm thấy Phương Hạo không phải kiểu người tinh tế, tỉ mỉ giống như bản thân anh vì hầu hết thời gian cậu ấy luôn rất đơn giản và thẳng thừng. Thế nhưng, những chuyện liên quan tới Trần Gia Dư, trực giác của Phương Hạo lại chuẩn xác đến đáng sợ. Chuyện Trần Gia Dư đột ngột quyết định đi du lịch Hàng Châu cùng Tào Tuệ, tối hôm thổ lộ tình cảm với nhau cả hai đều không nhắc tới, đến tận mấy tuần sau đó cũng vẫn luôn không đề cập đến, thế nhưng Phương Hạo không hề quên.

“Phải, em đoán đúng rồi. Khi ấy anh chợt cảm thấy không thể tiếp tục trì hoãn được nữa, có một số chuyện muốn làm thì phải làm.” Trần Gia Dư đáp, sau đó quay sang nhìn Phương Hạo. Lúc này Phương Hạo không nhìn về anh mà đang nhìn con đường phía trước, vậy nên Trần Gia Dư được ngắm sườn mặt của cậu ấy. Những đường nét giản dị, sống mũi thẳng cùng đôi môi mỏng. Rồi anh nói tiếp: “Dạo này anh quá bốc đồng, song cũng không hẳn là chuyện xấu.”

Lần này Phương Hạo hiểu ý Trần Gia Dư, sau một hồi vòng vo thì lại quay về chuyện mối quan hệ giữa hai người bọn họ. Vậy nên anh cũng bằng lòng nói chút chuyện vui vẻ, phụ họa theo Trần Gia Dư: “Ừm, bốc đồng tốt mà. Nếu không có bốc đồng thì đã chẳng có em và anh.”

Trần Gia Dư nhìn cậu ấy, mím môi cười. Anh lại muốn bốc đồng rồi.