Diệp Trình

Chương 22



Buổi sáng trời còn chưa sáng hẳn, Diệp Trình đã dậy nấu cơm, nó lấy gạo ra, nhóm lửa, thêm hai thanh củi, rồi vội vàng đi ra sân đánh răng. Bởi vì dạo này thời tiết lạnh, cậu nó thấy hai đứa nó vẫn phải ngồi ngoài viện nấu cơm, liền tìm người tới giúp dựng cho tụi nó cái bếp lò trong phòng bếp.

Một lát sau Lục Minh Viễn cũng dậy, híp mắt đi ra chỗ bếp lò thêm lửa, chờ Diệp Trình đánh răng xong, nó thuận tay tiếp nhận bàn chải, bôi kem đánh răng, múc một cốc nước rồi đi ra ngoài.

Diệp Trình ngồi trước bếp lò một bên trông lửa một bên tách cải trắng, bóc từng lá từng lá cải ra, bỏ vào chậu rửa mặt. Tiểu Hôi cũng xán lại, sáng nào vừa mở cửa ra, nó cũng chạy vào nhà, chui đến phía trước bếp lò sưởi ấm, đôi khi còn ở trên đống củi lăn a lăn.

"Lại ăn chay à?" Lục Minh Viễn đánh răng xong trở về, thấy cải trắng cả mặt đều nhăn nhíu.

"Không còn món gì khác." Diệp Trình bưng cải trắng ra bể giặt, người thôn họ xưa giờ đều dùng nước ròng từ trên núi xuống, nhà Diệp Trình cũng thế, trong bếp có xây một cái bể, chừng nào dùng hết nước trong bể thì kéo vòi vào bơm, còn bình thường gác ở bên ngoài.

"Có muốn xào thêm hai quả trứng gà không?" Diệp Trình rửa xong rau, kéo một cái ghế đến trước bếp lò, đứng lên, một bên đảo cải trắng, một bên trò chuyện với Lục Minh Viễn.

"Tui muốn ăn thịt." Hai đứa nó đã vài ngày liền chưa được ăn thịt rồi. Từ khi Tiền Thủ Vạn giúp Lục Minh Viễn làm hộ khẩu tới giờ, bà ngoại cũng không còn hay mang đồ sang đây nữa. Bất quá gạo hai đứa ăn vẫn do nhà cậu cho.

"Vậy cậu mua đi, tối mang về ăn." Diệp Trình cũng muốn ăn thịt.

Lục Minh Viễn lấy một cái nồi khác ra đun nước, Diệp Trình thì thêm chút mỡ heo, đợi cải trắng xào chín rồi, cơm trong nồi cũng sắp được. Hai đứa đầu tiên đổ nước vừa đun ra chậu rửa mặt, sau đó mở vung nồi, lấy bánh bao đặt trên mặt cơm chưng ra, rồi lại lấy sữa bột từ trong tủ, dùng nước sôi pha.

Ăn sáng xong, lại chuẩn bị đồ ăn cho Tiểu Hôi, kế tiếp mỗi đứa lấy ra một cái cà men, tự bới chút cơm cùng cải trắng, liền xuất môn.

"Đồ của cậu cầm đủ cả chưa?" Diệp Trình một bên khóa cửa một bên hỏi Lục Minh Viễn.

"Rồi." Lục Minh Viễn đẩy xe đạp ra khỏi viện, Diệp Trình khóa kỹ cửa phòng xong cũng đi theo ra, xoa xoa đầu Tiểu Hôi, kêu nó ở nhà trông nhà, sau đó khóa cả cổng viện lại.

Lục Minh Viễn đỡ xe đạp đứng ở ven đường, chờ Diệp Trình đi qua liền để Diệp Trình chở, mình thì ngồi lên yên sau.

"Cậu sắp thi rồi à?" Bởi vì phía sau xe đạp cột hai thùng đồ nghề, ngồi dang chân hơi khó, nên Lục Minh Viễn ngồi nghiêng, một tay túm áo Diệp Trình, một tay bám vào yên sau xe.

"Ngày mai không có tiết, ngày kia thi." Diệp Trình bây giờ đạp xe đã vững lắm rồi.

"Thi xong đi Thập Bát Lĩnh không?"

"Không đi đâu, lạnh lắm." Dù sao hiện giờ lên trấn trên làm cũng kiếm được không tệ.

"Đi đi."

"Để làm gì?"

"Tui muốn ăn bánh bao canh." Lục Minh Viễn nói.

"Vậy thì đi." Hồi tháng mười một có kỳ nghỉ dài, Diệp Trình đã cùng Lục Minh Viễn đi thêm một chuyến đến Thập Bát Lĩnh, lúc về như thường lệ mua mười đồng tiền hồng bọc đường, hai đứa đều cảm thấy, nếu lần này lại đi thì mua hẳn hai mươi đồng đi.

Đến trước ngõ rẽ gần trường Diệp Trình, hai đứa dừng xe, Diệp Trình đi xuống, Lục Minh Viễn ngồi lên yên tự đạp đi.

Diệp Trình đi dọc theo con đường đất vào trường, lấy chìa khóa từ trong cặp sách ra mở cửa phòng học. Bởi vì ngày nào nó cũng đến trường sớm nhất nên chủ nhiệm lớp đã giao chìa khóa cho nó. Diệp Trình ngồi vào chỗ của mình, lôi sách giáo khoa ra xem một lúc thì bạn cùng lớp cũng lục tục đến.

Tiết tự học đầu giờ sáng, Diệp Trình bắt nhịp cho các bạn đọc bài. Nó được làm lớp trưởng bởi vì thoạt nhìn thành thục, ổn trọng hơn các bạn khác, giáo viên nếu có chuyện gì đều sẽ tìm nó, bất quá đối với học sinh tiểu học, công việc của ban cán sự vẫn rất ít, thế nên Diệp Trình cũng không có bao nhiêu việc.

Lục Minh Viễn đạp xe lên trấn trên, xuyên qua ngã tư, đi đến trước cửa một tiệm tạp hóa, chính là cửa tiệm lần trước đã giúp tụi Diệp Trình nhập chỉ lốp xe. Bây giờ tụi Lục Minh Viễn cần gì cơ bản cũng đều đến tiệm này mua, nếu trong tiệm không có bán thì lại nhờ bà chủ lần sau vào thành nhập hàng tìm giúp.

Bà chủ cửa tiệm này tên Phùng Bích Tùng, là một nữ cường nhân, chồng bà dạy trung học ở trấn trên, nhiều lần muốn dẫn bà tới trường học, nhưng Phùng Bích Tùng không chịu. Bà thà ở nhà trông tiệm tạp hóa còn hơn, vừa tự do tự tại vừa có đồng ra đồng vào.

Hồi đầu Lục Minh Viễn còn chưa dựng sạp trước cửa tiệm nhà bà, mà dựng ở chân cầu cách đó không xa, kế bên chân cầu có mấy cây liễu, nếu trời nắng thì còn che được chút đỉnh, chứ mưa thì chịu, không thể dựng sạp được. Nhưng lúc tụi Diệp Trình đến cửa tiệm của Phùng Bích Tùng mua lô chỉ lốp xe đầu tiên, bà chủ liền nói với Diệp Trình, mặt tiền cửa tiệm nhà bà khá rộng, bên cạnh còn một con ngõ nhỏ, ngày thường kêu Lục Minh Viễn dựng sạp ở đầu ngõ đi, lúc nào trời mưa thì ra trước cửa tiệm nhà bà mà ngồi, mái hiên chắn mưa nhà bà rộng lắm.

Vì thế Lục Minh Viễn liền dời qua đó, tính cách dì Phùng không tệ, thi thoảng nếu bà nhóm bếp thì cũng sẽ thuận tiện giúp Lục Minh Viễn hâm nóng cà men cơm. Nhưng mà có lẽ là vì từ nhỏ được sinh ra trong một gia đình tương đối có điều kiện, hoặc cũng có lẽ là vì chồng bà là tổ trưởng bộ môn duy nhất của trường trung học ở trấn trên, lúc bà nói chuyện với tụi Diệp Trình, giọng điệu chung quy vẫn không tự giác dẫn theo vài phần ưu việt.

Diệp Trình vốn dĩ rất mẫn cảm, mà Lục Minh Viễn cũng không ngốc, thế nên cho dù Phùng Bích Tùng biểu hiện nhiệt tình thế nào đi nữa, hai đứa cũng không sao thân được với bà. Bất quá chúng vẫn ghi nhớ những gì bà làm cho mình, lần trước lúc đi Thập Bát Lĩnh, chúng còn mua từ trên núi một ít nấm hương mang xuống cho bà nữa. Phùng Bích Tùng nhận được thì vui lắm, năm đó mấy thứ này ở quê chẳng đáng mấy tiền, nhưng mà dì Phùng đem đi biếu họ hàng trên thành phố thì lại rất hợp.

Lục Minh Viễn dựng sạp sửa giày ở trấn nhỏ này không bao lâu, công việc đã dần đi vào quỹ đạo, bây giờ ở trấn trên người nào cũng biết cạnh tiệm tạp hóa Bích Tùng có một đứa nhỏ sửa giày tay nghề không tồi, thu tiền cũng rất hợp lý, chỉ là tính tình không được tốt cho lắm, cũng không thích nói chuyện.

Buổi sáng từ bảy đến mười giờ là khoảng thời gian trấn trên náo nhiệt nhất, chủ yếu là vì lúc này người người đều đổ ra chợ mua thức ăn, thôn dân trên núi cũng lựa lúc này lên trấn trên mua này nọ. Đây cũng là lúc Lục Minh Viễn đắt khách nhất, thường thường bận đến không kịp trở tay.

Bày quán sửa giày nửa năm nay, tay nghề của nó cũng lên không ít, bây giờ làm việc nhanh hơn Diệp Trình nhiều. Làm đến khí thế ngất trời, Lục Minh Viễn tháo luôn cặp bao tay vướng víu quẳng sang một bên, bây giờ da tay nó đã dày lắm rồi, cơ bản sẽ không nổi bọng nước nữa. Bất quá da có dày thế nào cũng không thể chống chọi lại giá rét, ngón tay bị đông lạnh đến đỏ hồng, da tay cũng nứt nẻ, bị ánh nắng chiếu vào còn ngứa râm ran.

"Tiểu Lục, giày của bà đã sửa xong chưa?"

"Xong rồi ạ, ở kia kìa." Lục Minh Viễn chỉ vể phía chân tường kế bên con ngõ, ở đó bày một hàng giày đã sửa xong, chỉ chờ chủ nhân đến nhận.

"Hết bao nhiêu?" Bà lão nọ cầm một đôi giày da nhỏ màu đen lên, đây là giày của cháu nội bà, cháu bà đi phá lắm, một đôi giày da tốt như thế mà làm thế nào rách cả mõm. Chỗ rách ở vị trí tương đối đặc biệt, khá khó sửa, cơ mà Lục Minh Viễn vẫn sửa được khá tốt.

"Tám mao tiền."

"Tiểu Lục này, sáng nay ăn gì rồi?" Bà lão nọ hỏi xong liền thả vào cái hộp trước mặt Lục Minh Viễn một đồng tiền, cũng không cần thối lại. Lục Minh Viễn đã quen với chuyện này rồi, trấn trên có nhiều người mức sống không tệ, cũng không căn ke một hai mao tiền. Nó thả đồng tiền vào trong hộp tiền lẻ, người đến sửa giày đều tự trả tiền tự lấy tiền thối, nếu họ không cần thì Lục Minh Viễn cũng không quản.

"Bánh bao với sữa ạ." Lục Minh Viễn một bên mài đế giày, một bên quay đầu cười với bà lão, bà lão này tốt lắm, nó rất thích nói chuyện với bà.

"Phải uống nhiều sữa vào thì mới cao được." Bà lão nói xong lại đưa cho Lục Minh Viễn một cái gói to, "Cho mi này, nhà bà tối qua hấp bánh xốp, lát nữa đói thì lấy ra mà ăn."

"Con cảm ơn bà." Lục Minh Viễn mừng húm tiếp nhận túi bánh, điểm tâm nhà bà lão làm rất ngon, nó với Diệp Trình đều thích ăn.

Đến ba giờ chiều, Lục Minh Viễn đúng giờ dọn quán, ra chợ mua ba đồng thịt lợn còn nguyên bì, sau đó đạp xe hướng về thôn.

Đi đến chỗ buổi sáng cùng Diệp Trình tách ra, nó dựng xe đạp dựa vào gốc cây ven đường, lôi bánh xốp từ trong thùng sau xe ra, ngồi bên đường chậm rãi cắn, cắn một miếng nhai mười lần, lại cắn thêm một miếng nhai mười lần nữa. Hôm nay Diệp Trình hình như tan muộn hơn thì phải, Lục Minh Viễn nghĩ, nếu Diệp Trình còn không ra, bánh xốp sẽ bị nó ăn hết mất, bất giác cắn miếng nhỏ hơn rất nhiều, nhai cũng càng lúc càng chậm. truyen bjyx

Đợi đến khi học sinh trong trường ra về gần hết, Diệp Trình mới ôm cặp sách từ con đường đất chạy ra, vừa chạy còn vừa kéo khóa cặp.

"Cậu chậm quá đấy." Lục Minh Viễn đứng lên, phủi phủi đít quần.

"Hộp bút của Vương Lệ Lệ hỏng, sợ bị mẹ đánh nên nhờ tui sửa hộ." Diệp Trình nói xong thì leo lên yên xe đạp.

"Hừ, lại không trả tiền."

"Bạn ấy bảo lần sau sẽ mang cơm rang đi cho tui ăn." Diệp Trình học giỏi, lại còn là lớp trưởng, bộ dạng cũng đoan chính, nên mấy cô nhóc chẳng cần phải sửa hộp bút hộp biếc gì cũng sẽ mang cơm rang đi cho nó, bất quá lúc này nó còn chưa biết.

"Cơm rang thì có gì ngon chứ?" Lục Minh Viễn bất mãn rồi nha. "Hôm nay bà lão trấn trên cho bánh xốp đấy, ăn không?"

"Ăn." Diệp Trình vừa nói xong đã thấy Lục Minh Viễn đưa bánh xốp qua, tay nó còn đang cầm ghi đông, liền cắn luôn một ngụm từ tay Lục Minh Viễn.

"Ngon không?"

"Uhm, ngon." Điểm tâm bà lão trấn trên làm lúc nào cũng vừa thơm vừa mềm, ăn rất ngon.

"Ăn nữa không?" Lục Minh Viễn hỏi xong lại đưa bánh qua, cứ thế đút cho Diệp Trình ăn từng miếng từng miếng một, vừa đút vừa nói, "Hôm nay bà ấy cho tui miếng bánh to lắm, cậu mà còn không ra thì đã bị tui ăn hết rồi."

"Vậy à."

"Lần sau nhớ nhanh lên đấy." Đừng có sửa hộp bút cho cái gì mà Vương Lệ Lệ nữa.

"Biết rồi."

Chờ hai đứa về đến cổng thôn, Tiểu Hôi đã sớm chờ ở đó. Tường bao quanh tiểu viện nhà nó không cao, bên trong tường còn bày vài món tạp vật, Tiểu Hôi nhảy vài bước đã nhảy được ra ngoài. Lục Minh Viễn cao hứng chạy tới xoa đầu Tiểu Hôi, hai người một chó cùng nhau trở về nhà.

Lúc nấu cơm, Thái Kim Chi sang, mang cho hai đứa ít gạo, cộng thêm hai cây dưa muối, lại hỏi tụi nó gần đây có chuyện gì không, có thiếu thứ gì không, Diệp Trình đáp mình không thiếu gì. Thái Kim Chi nghe được thì thở dài, tâm tình xem ra không tốt cho lắm.

"Vừa nãy bà có nghe A Xảo trong thôn nói dượng mi sinh bệnh, bệnh viện địa phương không tốt lắm, nên cô mi liền cùng dượng lên tỉnh, nghe nói là bệnh khó chữa, có khả năng sẽ chuyển biến xấu, cô mi quyết định dẫn ổng lên thủ đô một chuyến." Diệp Trình vẫn còn nhớ rõ dượng, là một người gầy teo, cao cao, không hay nói chuyện nhưng bộ dạng rất ôn hòa, lần trước lúc mình đến chơi, dượng còn đi chợ mua không ít đồ ăn ngon về chiêu đãi.

"Diệp Bình em gái mi sắp không có người trông rồi. Đàm Tiểu Tùng không phải đang học trung học sao, ban ngày đi học, buổi tối còn phải lên lớp tự học nữa, em gái mi liền theo một con bé nhà hàng xóm tên San San chơi. Hai ngày trước không biết thế nào mà ngã bên bờ sông, đầu toác một mảng phải khâu vài mũi, còn phát sốt nữa. Đàm Tiểu Tùng biết được liền làm ầm một trận, nói lời không dễ nghe, người nhà San San cũng khó chịu." Diệp Trình lẳng lặng nghe, Diệp Bình cùng Đàm Tiểu Tùng nó cũng vẫn còn nhớ.

"Bà định đón con bé về đây một thời gian, nhưng mợ mi lại bảo bây giờ mà đón về thì sau này muốn đưa về đó rất khó. Nó nói cũng đúng, nhà cậu mi không dư dả mi cũng không phải không biết, mà hai đứa mi sống cũng không dễ dàng, mi nói xem...."

Thái Kim Chi nói đến đây hốc mắt liền đỏ, từ khi con gái con rể bà mất tới giờ, khó khăn cứ không ngừng ập đến, bà già như bà có muốn quản cũng không nổi, tâm tình khó chịu cũng chẳng thể làm được gì. Đứa nhỏ Diệp Bình này từ lần trước bà gặp đã thích vô cùng, bộ dạng rất giống đứa con gái đã mất của bà, từ gương mặt nhỏ nhắn cho đến cặp mắt linh động, không chỗ nào là không giống, nếu như không phải không có cách nào thì bà đã sớm đón nó về nuôi bên người mình rồi.

"Thế thì đón về hẳn đi, không đưa đi nữa." Diệp Trình biết bà ngoại nói không dễ dàng là ý gì. Nhưng theo cách nhìn của nó thì chỉ cần mỗi ngày đều có cơm ăn, mỗi bữa đều được ăn no, còn được đi học thì đã tốt lắm rồi.

"Bà biết ngay mi sẽ nói thế mà." Thái Kim Chi cười cười, đứa cháu ngoại này của bà từ trước tới giờ đều như vậy, chẳng biết trời cao đất dày là gì, chuyện gì cũng dám rước vào người, nhưng bà lại không dám để thế. "Bà ngoại đã nghĩ kỹ rồi, hai ngày nữa sẽ sang nhà cô mi một chuyến, xem tình hình bên đó thế nào, nếu không tốt lắm thì sẽ đón con bé về."

"Ngày kia tụi con định đi Thập Bát Lĩnh."

"Đi đi, trước khi đi nhớ lên trấn trên mua ít hoa quả biếu mẹ A Thanh nhé, đừng lần nào cũng đến tay không."

"Vâng ạ." Diệp Trình cũng đang cân nhắc có nên mua ít mía đường không, nếu mua thì có thể để vài khúc ở nhà, vài khúc mang qua biếu nhà mẹ A Thanh. Trấn họ còn chưa trồng được mía, hàng năm vào mùa đông, trấn trên sẽ có người đem mía đường từ nơi khác đến bán, có loại róc sẵn có loại còn nguyên cây, loại còn nguyên thì phải tự rửa tự róc, nhưng tiện hơn nhiều.

Bên này bà cháu hai người nói chuyện xong, bên kia Lục Minh Viễn cũng đã nấu xong cơm, hai đứa nhỏ mỗi đứa tự bới cho mình một chén cơm, ăn kèm với thịt đựng trong chén nhỏ trên bàn. Miếng thịt liền bì này tụi nó xắt miếng, nêm chút tương cùng gia vị đặt trên mặt cơm chưng, chưng xong thịt nạc không bị khô, thịt mỡ cũng không ngấy, phần bì còn thực mềm xốp.

"Bà ngoại ở đây ăn luôn đi?"

"Thôi, bà ăn rồi, để bà đi rửa dưa muối cho mi." Thái Kim Chi nói xong liền đi ra ngoài rửa dưa muối, mùa đông nước lạnh như cắt da cắt thịt, bà già rồi không sao chứ hai đứa nhỏ kia, vừa nãy lúc chúng ăn cơm bà đã trông thấy tay chúng, Thái Kim Chi một bên rửa rau, một bên lau nước mắt, bà thực vô dụng, trừ khóc ra cũng chẳng thể làm được gì.

- ----------------------------------------------------------------

"......" Lục Minh Viễn không lên tiếng, cảm thấy anh em ruột quả nhiên khác biệt, rõ ràng lúc trước không sống cùng nhau, thế mà nhỏ vừa đến đây, Diệp Trình đã như vậy rồi. Nó nghĩ địa vị của mình ở cái tiểu viện này hình như bắt đầu dao động.