Dòm Ngó Kẻ Thù Không Đội Trời Chung

Chương 1



#01

Bà nội của tôi có một cửa hàng hải sản trong chợ thực phẩm số Năm, ông nội của Triệu Thiên Thụ có một hiệu sách nằm ngay đối diện.

Từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã hỏi bà nội đang đánh vảy cá: “Tại sao bọn họ lại mở hiệu sách ở chợ thực phẩm thế ạ?”

Bà nội khịt mũi: “Để đối đầu với chúng ta đấy.”

Tôi giật nảy cả mình, vội vã liếc nhìn cửa hiệu nhỏ hẹp đối diện. Mặt tiền của nó rất bé, hai bên cửa chất đầy sách đã ố vàng, lối vào chật chội chỉ chứa được từng người một.

Ông nội Triệu ngồi đọc sách trên chiếc ghế đẩu cạnh cửa, tóc đã hoa râm.

Gọng kính viễn thị trên sống mũi ông phản chiếu ánh sáng mắt trời, khiến cho tôi lóa cả mắt. Tôi chớp chớp mắt, lại nhìn lại một lần nữa…

Một thằng nhóc tầm tuổi tôi cũng xách ghế từ trong nhà ra, ngồi xuống cạnh ông nội Triệu.

Một già một trẻ cứ như vậy cúi đầu lẳng lặng đọc sách, trông thật lạc quẻ giữa cái chợ ồn ã xô bồ tanh tưởi mùi thịt cá này.

Bà nội cũng liếc nhìn sang, khinh thường nói: “Đọc sách ở chợ thực phẩm, sợ người ta không biết người nhà họ Triệu bọn họ đều quái gở như nhau chắc.”

Tôi cảm nhận được sự ghét bỏ của bà nội đối với họ, liền bắt chước bà cau mày. Khi quay đầu lại lần nữa, tôi phát hiện thằng nhãi kia cũng ngẩng đầu lên nhìn tôi.

Hai đứa chúng tôi nhìn nhau qua con phố chỉ rộng khoảng chừng năm mét.

Tôi làm mặt quỷ với nó, nó sửng sốt một giây, rồi lại không chịu yếu thế, cũng bỏ sách xuống, làm mặt quỷ với tôi…

Mặt mũi của nó nhăn tít hết cả vào nhau, rõ ràng là, trình độ làm mặt quỷ của nó cao siêu hơn tôi rất nhiều.

Tôi đương nhiên biết mình thua, đã thế giương mắt lên còn thấy ánh mắt khiêu khích của nó. Lòng tôi tức giận khôn tả, thế là tôi dùng khẩu hình miệng mà nói với nó: “Xấu đau xấu đớn.”

Nói xong, tôi chạy biến vào trong nhà.

Vậy là vào năm lớp ba, tôi và Triệu Thiên Thụ chính thức kết một mối thù. Mà thực ra mối thù này đã có từ đời trước rồi, chúng tôi chẳng qua chỉ đẩy nó đi xa hơn mà thôi.

Nhà họ Triệu và nhà họ Ngô là hai gia đình đầu tiên đặt chân vào chợ thực phẩm số Năm.

Nhà họ Ngô chúng tôi mở một cửa hàng hải sản, cũng giống như những người bán rong hoặc mấy quán nhỏ xung quanh, cứ khi trời vừa mờ sáng là lại cất tiếng rao hàng. Còn nhà họ Triệu mở lối đi riêng, dựng một hiệu sách cũ nhỏ ngay giữa khu chợ thực phẩm. Sách bên ấy vừa cũ nát vừa lỗi thời, nghe nói đều là do ông nội Triệu sưu tập. Ông mở hiệu sách này cũng chỉ là để những quyển sách bảo bối của ông có chốn dừng chân mà thôi.

Thật ra nếu đã ở chung trên một con phố, ngẩng đầu không thấy cúi đầu thấy, về tình về lý mà nói, cả hai nhà đều không nên gây thù chuốc oán với nhau mới đúng. Tôi cũng phải hỏi mới biết được nguyên nhân sâu xa trong ấy…

Thì ra trước kia chợ thực phẩm quản lý vô cùng lỏng lẻo, tình trạng vệ sinh thảm hại đến không nỡ nhìn. Những người bán thịt bán rau đều thích tiện tay vứt rác rưởi ra giữa đường, bọn họ cho rằng chỉ cần không nằm trong tiệm nhà họ thì nghiễm nhiên là không phải chuyện của họ.

Bà nội của tôi cũng không ngoại lệ. Ngặt nỗi, “giữa đường” của bà cũng là “giữa đường” của nhà họ Triệu, tuy ông nội Triệu tính tình ôn hòa nhưng bà nội Triệu lại không vừa. Sau khi nhẫn nhịn vài ngày, bà quét hết rác ngoài đường vào trong cửa hàng nhà tôi.

Bà tôi tính tình cứng rắn, dĩ nhiên là không nuốt trôi được cục tức này. Nghe nói ngày hôm đó, bà Triệu và bà Ngô cãi vã ầm ĩ ngoài đường suốt cả một tiếng đồng hồ, cuối cùng chẳng những không giải quyết được cái gì mà còn khiến cho cả quản lý của thành phố cãi nhau theo.

Thế là hai bà đành ngậm miệng cho xong chuyện, tuy nhiên mối thù kia cũng xem như đã bắt đầu.

Chợ thực phẩm số Năm tồn tại được bao nhiêu năm, hai nhà Triệu Ngô cũng hằm hè nhau từng ấy năm.

Tôi sống cùng cha mẹ ở thành phố, chỉ có vào kỳ nghỉ hè mỗi năm mới về nhà ông bà nội để thưởng thức chút vị biển. Năm nay thi đại học xong, tôi cũng tức tốc trở về giúp bà đón khách tới cửa hàng mua hải sản.

Hôm nay, tôi thức dậy vào lúc tám giờ sáng như thường lệ, đánh răng rửa mặt xong xuôi rồi lại ngắc ngoải đi tới khu chợ số Năm. Trong lúc đang há mồm ngáp, tôi bất chợt bịt miệng lại.

Ở hướng một giờ ngay trước mặt tôi có một anh chàng bảnh giai, vóc dáng cao, ăn mặc đẹp, thỉnh thoảng quay đầu để lộ góc nghiêng nhìn trông cũng rất hút mắt, chẳng hề thua kém mấy người trên TV một chút nào.

Như có ma xui quỷ khiến, tôi bám gót anh ta suốt cả chặng đường hệt một con ma đói khát, có khi nước miếng còn chảy tong tỏng cũng nên.

Rốt cuộc anh ta cũng dừng bước, tôi lập tức đứng lại theo.

Khi bắt đầu tỉnh táo lại, tôi chợt nhận ra mình đã đến tận cửa hàng của bà. Tôi còn chưa kịp hoàn hồn, bà nội đã lớn tiếng gọi: “Tiểu Bảo, vào đây lau hộ bà cái bàn này cái.”

Tôi vội vàng đáp: “Vâng ạ!”

Trước khi vào trong cửa hàng, tôi vẫn lưu luyến nhìn theo bóng anh chàng đẹp trai kia. Chân tôi còn chưa kịp bước, anh ta bỗng như lại có thần giao cách cảm với tôi, cũng đột nhiên quay đầu lại.

Trái tim tôi đập loạn xạ, chân cũng nặng như đeo chì, không thể di chuyển được nữa.

Tôi gần như đã ngừng thở.

Anh chàng đẹp trai thực sự là rất đẹp trai, nhưng mà… ánh mắt anh ta sao lại ngả ngớn thế nhỉ.

Từ từ đã… Trông quen quá.

Đậu móa, là thằng oắt nhà họ Triệu.

Tôi như bị sét đánh giữa trời quang, kinh hãi tột độ.

Triệu Thiên Thụ nhìn chằm chằm tôi trong chốc lát. Thấy tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ, cậu ta nhoẻn miệng cười, nhắc nhở: “Tiểu Bảo, bà nội cậu bảo cậu vào trong lau bàn kìa.” Cái giọng điệu ấy vừa khinh miệt vừa có chút gì đó mỉa mai.

“Ai cho cậu gọi tôi là Tiểu Bảo hả, đồ thần kinh!”

Tôi dùng ánh mắt sắc lẹm xiên cho cậu ta mấy nhát, sau đó ngoảnh mặt rời đi.

Vào trong cửa hàng, bà nội hỏi sao mặt tôi lại đỏ như vậy.

Tôi nhìn chòng chọc Triệu Thiên Thụ đứng bên ngoài cửa hiệu sách, nghiến răng ken két: “Cái tên đối diện kia cũng nghỉ hè ạ?”

Bà nội buông dao xuống: “Không phải hai đứa bằng tuổi nhau sao? Cũng nghỉ hè, hai năm không về rồi, năm nay mới thấy, lớn lên cao to thật đấy.”

Bà nội cười cười, nhìn tôi: “Lại còn rất khôi ngô nữa.”

Tôi nhớ tới màn ảo tưởng vừa rồi, liền giận tới mức câm nín, mãi một hồi sau mới nhả ra được ba chữ: “Xấu như ma.”

Nói xong, tôi vô tình ngẩng đầu, lại vừa lúc chạm phải ánh mắt của Triệu Thiên Thụ. Cậu ta cũng đang nhìn về phía này, khuôn mặt còn vương ý cười.

Không biết tại sao, tôi cứ cảm giác là cậu ta đang cười tôi, cười chút mến mộ nhỏ nhoi mà mới nãy thôi tôi đã dành cho cậu ta.

Lòng lại bừng bừng lửa giận, tôi cầm con dao đánh vảy cá của bà, dùng khẩu hình miệng hỏi: “Nhìn cái gì mà nhìn?”

Triệu Thiên Thụ lắc đầu, bước vào hiệu sách.