Hạnh Phúc Nơi Đâu

Chương 2: Quyền nuôi con thuộc về ai



Con còn bé dại,

Em còn thơ ngây.

Anh ơi, dừng lại,

Đừng nói chia tay!​

Păn xê không nghĩ, đến lúc Đào Thiết đưa ra tờ giấy ly hôn, anh sẽ trao quyền nuôi con cho cô. Người đàn ông này, dù cô yêu suốt bao nhiêu năm, cố gắng chiều theo anh bấy nhiêu năm, cũng tha thứ vô số lần, nhưng mãi mãi, cô không hiểu nổi được con người anh. Chính vì vậy, cô lo lắng công việc hiện tại của mình sẽ gây bất lợi cho việc giành quyền nuôi con.

Hiện tại, cô làm nhân viên ở nhà in của một công ty cổ phần xuất bản. Công việc chủ yếu là kiểm tra, rà soát lại văn bản, bản thảo của tác giả trước khi cho xuất in. Công việc không gây áp lực gì, thậm chí nhẹ nhàng đến mức nhàm chán, cho nên lương không cao. Nhưng đó là sở thích của cô, cô vẫn muốn làm. Nhưng có lẽ, do bản năng của kẻ làm mẹ rất mạnh mẽ và nhạy cảm khôn cùng, Păn xê bắt đầu thấy có mối nguy hiểm đang rình rập mình, sẽ chẳng mấy chốc mà chia cắt cô và con trai Thụy Khang. Cô không có được hạnh phúc trong tình yêu, không có được trái tim của Đào Thiết, nhưng cô nhất quyết phải có được Thụy Khang. Cô quyết định gửi thằng bé cho ba cô vào buổi tối, để tìm thêm việc làm. Ba cô nhìn vẻ mặt sầu não của đứa con gái rượu, ông cảm thấy đau lòng thay. Muốn che chở, bảo vệ con gái suốt đời, nhưng đâu có thể như ông hi vọng. Kẻ làm cha mẹ nào không mong muốn con mình sẽ vui vẻ, hạnh phúc, tìm được một chỗ dựa vững chắc. Ba Thụy không ngăn cản con, vì ông có suy nghĩ riêng. Nếu con đã quyết định, thì ngăn cản cũng không tác dụng. Păn xê tuy yếu đuối, tính tình trầm lặng, nhưng khả năng độc lập rất cao, dù trong những hoàn cảnh xấu nhất, con bé cũng sẽ vượt qua. Đây là điều mà ông tự hào nhất về con gái.

Cha mẹ thường cố gắng cho con đời sống vật chất đủ đầy, cố gắng cho con mình có thể ngang hàng với thiên hạ. Nhưng ít ai nghĩ, bản lĩnh sống, khả năng tự lập mới là điều mà cha mẹ cần phải bồi đắp cho con. Bản lĩnh và khả năng tự lập sẽ giúp cho con, không cần dựa dẫm cha mẹ, không cần sống nhờ, sống gửi ở người khác, vẫn có thể sống tốt, và tìm thấy niềm vui cho mình. Vì cha mẹ nào có thể theo con suốt cuộc đời. Chỉ là một quãng đường tạm thời mà thôi.

Păn xê nhớ rằng, cô có quen biết một anh bạn khóa trên, học chuyên ngành luật, hiện đang làm tư vấn luật ở tòa án thành phố. Cô muốn liên hệ để nhờ sự trợ giúp từ pháp luật. Nếu chần chờ, cô sợ ngay cả việc nuôi con mình sinh ra, cô cũng sẽ không có cơ hội. Đào Thiết ly hôn với cô, anh ta còn có thể tái hôn, bởi vẻ quyến rũ kia, bao nhiêu năm vẫn không đổi. Người ta nói "gừng càng già càng cay" là như thế. Nhưng cô không muốn con mình phải gọi một người phụ nữ khác là mẹ. Điều này, với ai đó sẽ là ích kỷ, với Păn xê là không. Con của cô chỉ có thể gọi cô là mẹ. Với công việc đi sớm về khuya, quanh năm đi công tác của Đào Thiết, cô nghĩ khả năng bỏ Thụy Khang lại cùng với mẹ kế là rất cao. Ai chắc chắn được, người phụ nữ nào đó, sẽ có lòng bao dung, nhân hậu mà chấp nhận yêu thương con chồng vô điều kiện? Trong khi, người chồng đó, căn bản không quan tâm đến con trai của mình. Trong mắt Đào Thiết, chỉ có công việc, sự nghiệp, và không còn gì khác nữa. Sau sáu năm, Păn xê nhận ra, người vợ phù hợp với Đào Thiết là người phụ nữ biết nghe lời chồng, chăm chồng vô điều kiện, biết nuôi con, dạy con, và không cần phải ra khỏi nhà để làm việc. Mà cô không bao giờ có thể trở thành người phụ nữ như thế.

Hứa Tiển nhìn người phụ nữ trước mặt, ánh mắt anh có chút cảm khái. Thời gian là kẻ thù của nhan sắc phụ nữ, nhưng trên gương mặt của người đối diện, anh chỉ thấy sự trưởng thành của một người từng trải qua những ngày giông tố. Giông tố của hôn nhân.

- Em vẫn ổn chứ?

- Dạ, em muốn nhờ anh tư vấn xem, với điều kiện của em như vậy, khả năng được quyền nuôi con là bao nhiêu phần trăm?

- Trường hợp của em, bé đã hơn một tuổi nhưng cũng còn quá nhỏ. Hầu hết, tòa sẽ phán theo mẹ. Tuy nhiên..

Hứa Tiển dừng lại một chút, nhìn cô, vẫn giọng điệu nghiêm túc:

- Em hiện tại làm công việc gì? Thu nhập có ổn định?

- Em là nhân viên của nhà in. Em làm đã bốn năm. Cách đây một tháng em còn làm thêm buổi tối cho một trung tâm ngoại ngữ tin học. Có thể coi là ổn định không?

- Ừm, vậy được rồi.

* * *

Rời khỏi quán cà phê, Păn xê đi bộ dọc theo bờ kè chợ nổi. Những lời khuyên chân thành của Hứa Tiển vẫn còn âm vang trong đầu cô. Tốt nhất, vẫn là người cha nhường quyền nuôi con lại cho người mẹ. Tranh giành chỉ làm đứa con thêm khổ sở.. Hứa Tiển đã hứa với cô, sẽ cố gắng giúp đỡ cô để cô có thể có được quyền nuôi con. Anh đảm bảo như thế. Coi như đây là lời chia sẻ, cảm thông hữu hiệu nhất của anh dành cho cô, cho quyết định sai lầm của cô trong quá khứ. Anh hi vọng, lần này, cô sẽ không sai lầm thêm nữa.

Ly hôn đã là một kết quả không hoàn hảo, nhưng cố gắng nhất, vẫn phải vì sự lớn lên trọn vẹn của con cái. Cho nên, nhiều bậc cha mẹ, cố gắng chịu đựng nhau, dù đã hết tình yêu, để cho con có cha có mẹ. Nhưng họ không biết, với con cái, đó lại là minh chứng cho sự gian dối, lừa gạt nhau và lừa gạt con. Mọi thứ trên đời này đều có thể thay thế bằng cái khác, chỉ duy nhất máu mủ là không thể. Không thể dùng một sự gian dối để hi vọng xây dựng một nhân cách trung thực. Cũng như ta không thể dùng một cái rổ để múc nước trong hồ. Cố gắng thế nào, nước cũng trôi theo chỗ trống mà ra ngoài. Càng cố gắng càng bế tắc. Càng bế tắc, càng dễ sống tàn nhẫn với người khác.

Păn xê còn nhớ, lúc cô ký tên vào tờ giấy ly hôn của Đào Thiết đưa cho, mục quyền nuôi con, anh chỉ ghi ngắn gọn, hai bên tự thỏa thuận. Nhưng Hứa Tiển bảo, phải rõ ràng trước tòa, để tránh sau này tranh chấp, tòa sẽ không giải quyết.

Đào Thiết nhìn người phụ nữ trước mặt mình, vẻ mặt cô rất căng thẳng, anh ta hờ hững hỏi:

- Có chuyện cần nói với tôi?

- Ừm, về Thụy Khang. Anh có thể để tôi giữ quyền nuôi con không?

* * *

- Tôi xin anh, tôi đã không còn gì nữa.. chỉ còn Thụy Khang mà thôi..

* * *

Păn xê giọng run rẩy đến tội nghiệp. Cô nhìn Đào Thiết, ánh mắt mong chờ, hi vọng, đau đớn. Nỗi đau mất con, có người mẹ nào có thể chấp nhận? Cô không muốn mình rơi vào tình cảnh đó. Hơn nữa, ngay khi mình vẫn còn cảm giác, vẫn còn sống sờ sờ ra đấy, nhìn con trai không ở bên cạnh, có thể chịu đựng được hay sao? Mỗi ngày, không thể nhìn thấy gương mặt con, không nghe tiếng cười, tiếng ê a của con, không dỗ được con khi con khóc, không chăm con khi con ốm, không thể chứng kiến nó lớn lên từng ngày? Là một nỗi bất hạnh khủng khiếp, của những người mẹ.

Người ta có thể không được chồng yêu thương, hôn nhân có thể tan vỡ, nhưng người ta vẫn có thể sống, vì sẽ có người khác yêu thương. Nhưng người ta không thể sống, nếu không có con bên cạnh. Máu mủ, ruột thịt là thiêng liêng, là quý giá hơn tất cả. Dù báo chí có ca ngợi, dù thơ văn có khâm phục, ngưỡng mộ, dù cánh đàn ông có gật gù tỏ vẻ thấu hiểu, thì cũng chỉ có ai đã, đang làm mẹ mới thực sự hiểu. Niềm vui khi mang thai con, cùng con lớn lên hằng ngày trong cơ thể mình, rồi nỗi đau đớn đến xé gan xé thịt khi sinh con ra, và cả niềm hạnh phúc khi con cất tiếng khóc chào đời, là quan trọng như thế nào, đối với người mẹ. Không ai có thể thấu hiểu, cảm nhận thay cho người mẹ. Dù đó có là người chồng, đã yêu thương, đã đầu ấp tay gối với bạn bao nhiêu năm. Cũng không thể.

Păn xê khóc nấc, khi đáp lại cô chỉ là sự im lặng đáng sợ của Đào Thiết. Nước mắt nhòe tràn trên mặt cô cũng không muốn lau đi. Hết rồi, không còn gì nữa thật rồi. Sau này, cô sẽ sống như thế nào? Nếu không có con? Động lực, niềm vui, nguồn sống đã mất, liệu cô sẽ vượt qua? Không thể, cô lắc lắc đầu, không muốn nghĩ đến những điều tệ hại kia. Tiếng khóc càng ngày càng không thể kiềm chế được. Vẻ mặt không kiên nhẫn của Đào Thiết cũng rõ ràng hơn, anh liếc nhìn đồng hồ trên tay, rồi buông ra một câu ngắn gọn, cắt đứt tiếng khóc của Păn xê:

- Tôi không chia cắt tình mẫu tử.

* * *

- Anh nói thế nghĩa là.. Tôi sẽ..

- Phải, quyền nuôi con sẽ là của cô.

* * * cám ơn.. cám ơn anh.

Păn xê vội vã lau nước mắt, luôn miệng cám ơn Đào Thiết. Lòng cô vui sướng biết bao nhiêu, dẫu sau này có vất vả cực nhọc, đau khổ hay lẻ loi cô đơn cô vẫn thấy mãn nguyện, khi có con trai bên cạnh. Tấm lòng của người làm cha làm mẹ cao quý như thế đấy. Nhưng có bao nhiêu đứa con, khi lớn lên, trưởng thành, thành đạt sẽ vẫn luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc cha mẹ chúng?

- Không cần, bởi vì công việc của tôi rất không phù hợp để nuôi dạy Thụy Khang. Để cho cô là tốt nhất. Nhưng nếu, tôi thấy cô không dạy con tốt, tôi sẽ không bỏ qua.

* * * Được, tôi sẽ cố gắng.

Đào Thiết đứng dậy và rời đi rất nhanh chóng. Păn xê vẫn ngồi tại chỗ. Vạt áo phía trước vẫn còn ướt vì nước mắt chưa kịp khô của chính mình. Păn xê cảm thấy thỏa mãn và nhẹ nhõm trước quyết định của Đào Thiết. Nhưng ngay sau đó, cô mới phát hiện. Anh ta căn bản không phải vì không muốn chia cắt mẹ con cô, càng không phải vì sợ nuôi dạy con không tốt. Sự thật thường phũ phàng. Anh ta không muốn vướng bận chính mình. Với Đào Thiết, công việc, sự nghiệp và tương lai của anh ta mới là quan trọng nhất, mới là duy nhất. Mẹ con cô chỉ là.. chỉ là.. cỏ rác mà thôi.

Păn xê nhếch môi, tự giễu. Cô thật xót xa cho mình, vì sao lúc trẻ, mắt nhìn người của mình lại kém cỏi đến thế? Cô thật xót xa cho con mình, vì sao con vừa sinh ra, lại phải gặp một người cha vô trách nhiệm như thế? Sao cũng được, đó là chuyện của anh ta. Từ đây, mẹ con cô và anh không còn liên quan gì nữa.

Tất cả đã chấm dứt.