Hạnh Phúc Nơi Đâu

Chương 5: Nước mắt của cha



Trước ngày Păn xê cùng Thụy Khang rời đi, ba Thụy và Lạc Đình không ai mở miệng đề cập đến. Nhưng trong không khí có cái gì đó nghẹn ngào, lưu luyến, không nỡ. Cả ngày ba Thụy không ra vườn, cũng chẳng quan tâm đến việc tưới nước cho cam, cho nhãn. Lạc Đình thì cứ ríu ra ríu rít dưới bếp. Nào nấu cái này, nào nấu món nọ, cho Păn xê và Thụy Khang nếm thử tay nghề của mình. Păn xê nhìn sự cố gắng của hai người, cô thấy muốn khóc, nhưng không muốn hai người phải lo lắng nên đành cố kiềm nén. Cuối ngày, khi mọi sự cố gắng dường như trở nên quá sức chịu đựng, cả hai chị em ôm nhau khóc. Ba Thụy bế Thụy Khang, gương mặt vẫn cố gượng, nhưng trên đôi mắt, người ta có thể thấy được nỗi đau khổ của người làm cha, bất lực trước nỗi đau của con gái. Ông bế Thụy Khang ra ngoài thềm, ngước mắt nhìn ra phía sân. Mặt trời đã lặn sau những hàng dừa nước, không thể nhìn thấy chân trời. Đôi mắt đã đỏ ngầu, nhưng vì trách nhiệm của người làm cha, ông không thể khóc trước mặt các con.

Thụy Khang ở trên tay của ông ngoại, tay thằng bé nghịch ngợm chà chà vào mấy sợi ria mép chưa kịp cạo sạch của ông. Nó ngẩng đầu, đôi mắt trong veo nhìn ông. Cái nhìn đó như ăn sâu vào lòng, vào tim gan ba Thụy. Tim ông như co rút từng cơn. Đôi mắt của trẻ thơ, chưa biết gì là cay đắng, đớn đau của người lớn. Chưa biết gì là nỗi uất hận không có được tình yêu chân thành mà mẹ nó luôn khao khát có được. Càng không biết được nỗi bế tắc, dằn vặt của người làm ông ngoại như ông, khi con gái phải bỏ xứ ra đi, vì một kẻ không ra gì, mà kẻ đó, lại là cha của nó. Ánh nhìn thanh khiết của thằng bé không hề có chút vương vấn nào của nhọc nhằn, của khói bụi nào. Điều mà cuộc sống luôn để lại trong cái nhìn của người lớn. Ánh mắt trẻ thơ non nớt, ngây thơ, đáng yêu sẽ luôn ám ảnh ông. Sau này, mỗi đêm mưa, ngồi trong nhà, ông luôn nhớ đến con, đến cháu phải tha hương nơi đất khách.

Sau khi hai chị em Păn xê và Lạc Đình ôm nhau khóc một trận, thì Thụy Khang đã được ông ngoại dỗ ngủ. Ba Thụy mở cửa phòng bước ra ngoài, nhìn hai đứa con gái còn đang ở sô pha, lau nước mắt cho nhau. Ông mỉm cười:

- Coi kìa, làm như chị con đi đâu xa lắm. Cách đây có trăm ki lô mét chứ bao nhiêu. Con càng khóc, chị con càng không yên lòng.

Dù ông có cố gắng bình tĩnh đến mấy, nhưng cả hai chị em đều nghe ra trong giọng của ba Thụy có chút nghẹn ngào, buồn bã. Lạc Đình đứng dậy, cô không khóc nữa, cô nhìn lướt qua ba Thụy rồi, quay sang Păn xê:

- Được, chị cứ lên đó trước. Để xem sắp xếp, sau này em với ba lên đó ở cùng với chị. Được không ba?

- Ừm.

Miệng ba Thụy méo xệch khi nghe câu nói của con gái. Rõ ràng, nó quên rằng ông không thể đi được, không thể rời xa nơi này được. Vì nơi này còn có vợ ông, có mồ mả tổ tiên ông. Và quan trọng hơn nữa, nơi này còn có biết bao kỉ niệm của ông và người vợ yêu quý. Sao có thể nói rời xa là sẽ rời xa được? Nhưng nếu sau này, cả hai đứa đều đã yên ổn được, đã tìm được chốn về của riêng chúng, thì ông cũng mãn nguyện. Rời đi một vài ngày, vài tuần, và rồi ông cũng quay trở về. Nơi đây, đã cất giấu trái tim của ông, tình yêu của ông.

Păn xê trở về phòng, cô nhìn đứa nhỏ nằm ngủ say trên giường, nước mắt lại cứ tràn ra, không thể cản nổi. Nói rằng phải quên, nói rằng không bao giờ nhớ đến, không được đau khổ vì kẻ tệ bạc kia. Nhưng cứ nhìn thấy con, là cứ như thấy người ấy, cứ như trông thấy quá khứ đau khổ, tuyệt vọng. Một mình cô đau khổ, chịu đựng đã đủ lắm rồi. Vì sao, còn kéo theo cả ba, cả em gái? Cô cười chua chát. Cô từng mạnh miệng lắm, rằng cô chọn lựa, sau này có đau khổ cô cũng tự cam chịu. Thế nhưng, ba cô, em gái cô đang đau khổ có thua kém gì cô đâu? Là trừng phạt cho một lần cô lầm lỡ, một lần cô trót dại khờ? Họ có lỗi gì đâu? Nếu có, chỉ là quá quan tâm, quá yêu thương, quá hi vọng với cô mà thôi.

Păn xê tắt đèn, bước ra khỏi phòng. Cô muốn đi sang phòng ba Thụy, để khuyên ông một chút. Có lẽ, ông sẽ cảm thấy dằn vặt, day dứt trước quyết định của cô. Cô bước đến định lên tiếng gọi ông, nhưng cô nhìn thấy cửa vẫn chưa đóng, chỉ đang khép hờ, một khe sáng lọt ra ngoài. Cô bước lại gần. Ba Thụy đang ngồi trên giường, trên tay ông là tấm di ảnh của mẹ. Ba đang khóc. Nước mắt của ba cô, chỉ rơi khi mẹ mất, lúc đó cô vừa được sinh ra. Ba Thụy đón trên tay mình một sinh linh bé bỏng, lại phải chia lìa vĩnh viễn người mình yêu thương. Mẹ cô vì sinh khó mà rời bỏ trần thế. Để lại cô, còn đỏ hỏn trên tay người đàn ông đang khóc thương tâm. Ba lần trong đời mình, người đàn ông tên Thụy Vĩnh kia phải khóc. Ông khóc khi mẹ cô chạy theo níu lấy chân ông, khi ông muốn rời khỏi nhà do bản thân gây nợ nần, túng quẫn. Ông khóc khi mẹ cô rời khỏi ông vĩnh viễn. Hai lần kia, cô đâu biết gì, chỉ do bà nội kể lại. Nhưng lần này, cô tận mắt chứng kiến. Ba cô đang khóc. Ông khóc vì cô. Khi đứa con gái duy nhất, là kết tinh tình yêu của ông và vợ, phải vì một kẻ tệ bạc, mà rời khỏi ông, rời khỏi gia đình thân quen, đi tha hương xứ khác. Ông khóc, nước mắt của người đàn ông vốn dĩ hiếm hoi vô cùng, bây giờ vì vợ, vì con mà khóc. Điều đó đủ để thấy, ông yêu họ nhiều đến dường nào. Cho dù, người còn, người mất, tình yêu đó mãi mãi là không thay đổi được.

Ba Thụy nghẹn ngào, nhìn người trong ảnh, môi ông mấp máy:

- Xin lỗi em, xin lỗi, con chúng ta..

Tiếng khóc đã nuốt chửng những lời muốn nói của ba Thụy. Nước mắt rơi trên gương mặt trẻ trung của người con gái. Nụ cười đó, ánh mắt đó, ông có thể bắt gặp được ở con gái của mình. Nhưng bây giờ, con gái đã ly hôn, tình yêu của nó đã chết, nụ cười kia cũng không còn nhìn thấy. Ông sẽ tìm được chút an ủi ở nơi nào, khi con không được vui vẻ, mãn nguyện? Tiếng ba Thụy lại vang lên:

- Năm đó, nếu anh không quá thương con, không quá chiều con, một mực ngăn cản con, thì có lẽ.. có lẽ.. sẽ không đau đớn như bây giờ..

Người làm cha mẹ là thế. Họ có mạnh mẽ, có kiên cường, có táo bạo như thế nào với những người khác hay với cuộc sống mưu sinh, thì khi họ đứng trước con cái, họ cũng là những bậc cha mẹ hiền dịu, giàu tình thương con, chỉ mong con được vui vẻ. Có lẽ vì vậy, vì muốn con được vui, được toại nguyện, mà ba Thụy không nỡ lòng chia cắt mối lương duyên năm đó. Để bây giờ, khi ông thấy hối hận thì mọi chuyện đã quá muộn. Cuộc đời con gái dang dở, hôn nhân tan vỡ, tình yêu không còn, hạnh phúc quá mong manh, xa vời. Còn bản thân ông lại luôn sống trong đau khổ, dằn vặt của một người cha vô trách nhiệm.

- Anh xin lỗi.. em à.. anh thật sự.. có lỗi với em, anh không thể lo lắng hết cho con.. cũng không bảo vệ con được.. anh..

Păn xê đưa tay bụm miệng thật chặt. Cô khóc nấc lên, khi thấy ba Thụy đau khổ mà vẫn cam chịu một mình, cố gắng không để các con lo lắng. Cô dẫu có đau đớn, tủi thân nhưng cô còn có con trai. Ba cô thì sao? Hai chị em cô rồi cũng sẽ rời khỏi ba mà đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Ba sẽ chỉ có một mình, sẽ cô độc suốt phần đời còn lại. Ba vẫn lặng lẽ dõi theo các cô, và lặng lẽ trò chuyện với di ảnh của mẹ, trong những đêm vắng vẻ, cô tịch. Ba, ba của cô thật đáng thương, đáng quý, đáng trân trọng. Vì sao người đàn ông tốt như ba, lại phải chịu cảnh "gà trống nuôi con", lại phải chịu lẻ loi, cô độc? Còn những kẻ tệ bạc, xem thường tình yêu của người khác thì lại sống yên ấm, vui vẻ? Cuộc đời này vốn dĩ có công bằng hay không? Hạnh phúc là có thật hay không?

Păn xê lau nước mắt, quay mặt trở về phòng. Cô ngã lên giường, đưa tay ôm lấy con trai vào lòng, tiếng khóc bỗng ồ lên rồi lại chìm xuống lặng lẽ. Bên trong vòng tay cô, đứa bé vẫn ngủ say.

Ngoài kia, trăng vẫn sáng. Đêm đã khuya, tất cả đều yên tĩnh. Chỉ có những con người trong ngôi nhà ấy, vẫn thức thâu đêm, vẫn cồn cào sóng lòng, vẫn vì yêu thương nhau mà đau khổ, nuối tiếc, thương xót cho nhau.

Nước mắt của cha, hi vọng sẽ rơi khi nhìn thấy con trưởng thành, hạnh phúc. Nhưng bất hạnh thay, nước mắt của cha, lại phải rơi khi nhìn thấy con mình đau khổ, bế tắc, mất hết hi vọng vào cuộc sống.

Người đời luôn ca ngợi, công cha, nghĩa mẹ, nhưng mấy ai biết, nỗi đau khổ của cha cũng giống như tình yêu thương con cái của cha, là vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận.

Là bất diệt cùng thời gian. Là vĩnh hằng cùng cuộc đời. Là không bao giờ đong đếm được.