Hạnh Phúc Nơi Đâu

Chương 6: Nói dối cũng cần mạnh mẽ



Păn xê nói dối.

Păn xê đã nói dối tất cả mọi người. Cô thật sự đã rời khỏi thành phố quen thuộc, nơi mà cô đã sinh ra, lớn lên, kết hôn và cả ly hôn. Nhưng cô đã không đến thành phố S như cô từng nói với ba và Lạc Đình. Cô càng không liên lạc với Lý Chiển và Ái Văn.

Trước khi rời khỏi nhà hai tuần lễ, trong lúc vô tình, cô đã gặp lại Hứa Tiển, vị đàn anh học luật trước đây, đã từng tư vấn pháp luật giúp cô giành quyền nuôi con. Vô tình biết được mong muốn rời khỏi thành phố C một thời gian của Păn xê, Hứa Tiển đã giới thiệu cho cô một nơi khá tốt.

Păn xê đứng ở quầy thu ngân, tay đang quét vạch sản phẩm, tính tiền cho một khách hàng. Cô đã làm ở nơi này mới được vài ngày. Công việc của quầy thu ngân khá nhẹ nhàng, làm theo ca, và luân phiên đổi ca cho nhau. Với Păn xê nó vẫn là một công việc mới, cần phải học làm quen. Păn xê cần thời gian để thích nghi, với công việc mới, nơi ở mới, nỗi vất vả mới, và cả sự cô đơn, vốn dĩ không mới mẻ. Hơn tất cả, nó mới là điều cô cần thích nghi nhất. Khi cô đơn, người ta, theo bản năng sẽ tìm một người để được chia sẻ, được an ủi, để được che chở. Păn xê hi vọng, cô sẽ không như vậy, bởi lúc đó, cô yếu đuối, cô càng đau khổ hơn. Lúc mềm lòng, cô lại nghĩ đến người nọ, nguyên nhân khiến mình phải lẻ loi, đơn độc. Păn xê không cho phép mình.

Păn xê tự biết an ủi mình, rằng cô sẽ làm được. Cuộc sống, nếu mình nghĩ đơn giản, nó sẽ đơn giản. Păn xê lại không biết, với con người thì không phải. Người khác, nếu mình nghĩ họ tốt, họ sẽ không như thế. Là quy luật bù trừ. Ở đâu cũng vậy, những phức tạp, rắc rối đều có đầy, chỉ là bạn chưa gặp phải chúng mà thôi.

Cindy mart là một cửa hàng tiện lợi khá lớn, nằm ở ngay trung tâm thị trấn. Đây là nơi mà Hứa Tiển đã giới thiệu cho Păn xê. Cô buộc anh phải giữ bí mật về nơi ở của hai mẹ con, vì cô không muốn ba và em lo lắng, càng không muốn phải gặp lại Đào Thiết một lần nào nữa. Păn xê ở trọ gần cửa hàng tiện lợi, chỉ cần đi bộ chừng năm phút là đến.

Kim Yến, nhân viên cửa hàng, kéo một xe hàng hóa về phía kệ, chuẩn bị sắp xếp lên, cô quay sang nhìn Păn xê:

- Ủa, chị Păn xê, hôm nay chị làm luôn ca tối à?

- Hả? Bây giờ là mấy giờ rồi?

Păn xê đang tính tiền cho khách nên cũng không ngẩng đầu lên, cứ luôn tay như thế rồi hỏi lại Kim Yến.

- Đã năm giờ hai mươi phút rồi? À, chị không rước con trai sao?

- Chết chưa!

Nghe nói đến con trai, Păn xê hốt hoảng nhìn ra ngoài đường. Trời đã chập choạng, đèn đường cũng đã bật sáng. Cô nhìn Kim Yến, vẻ mặt có chút vội:

- Kim Yến, em có thể giúp chị không? Do Hồng Hoa chưa đến, mà chị còn phải rước con..

- À, bà Hồng Hoa này, thiệt tình, luôn tìm cách đến trễ.

Kim Yến xếp nốt dãy mì tôm lên kệ, rồi kéo xe hàng về phía kho, trả lời với Păn xê. Cô lắc lắc đầu rồi vẫy tay. Păn xê thối tiền còn dư lại cho khách sau đó, chụp lấy túi xách rồi chạy ra ngoài. Cô vội vã đến mức xuýt đụng vào vị khách vừa mua hàng xong, còn đứng tần ngần trước cửa. Vẻ mặt bà ấy có chút đăm chiêu, như không biết vì sao Păn xê lại vội vã như thế. Bà buột miệng nói:

- Từ từ nào, việc gì mà gấp thế con?

Păn xê vội vàng xin lỗi bà, rồi cắm đầu chạy về phía nhà trẻ. Cô một thân một mình nuôi con, tìm việc làm, còn đóng tiền nhà trọ. Tuy Hứa Tiển có nói, nếu có thấy khó khăn thiếu thốn gì, hãy cứ nói với anh, anh sẽ giúp cô một tay. Nhưng Păn xê đời nào nói ra. Cô cảm thấy cô đã thiếu nợ anh như thế là đã quá nhiều rồi. Anh với cô không thân thuộc lắm, cũng không họ hàng, chỉ là bạn bè cùng trường, đã bao lâu rồi không gặp lại. Thế mà, từ lúc cô gặp anh, đều là nhờ vả anh. Păn xê thấy ngại khi để người khác phải ra tay cứu giúp mình mãi như vậy. Cô càng không muốn mình mắc nợ ai. Nợ tiền bạc đã là khó trả rồi, huống chi, nợ tình.. càng khó trả hơn.

Chạy đến cổng nhà trẻ, ngay sảnh, Păn xê đã nhìn thấy con trai mình cùng cô giáo. Đón Thụy Khang từ tay cô ấy, Păn xê nhìn cô giáo với vẻ áy náy:

- Thật xin lỗi, tôi tan làm trễ, khiến cô phải trông giúp Thụy Khang.

- Không sao, nhiều phụ huynh cũng hay ra trễ, không phải chỉ có mình chị đâu, chị đừng ngại.

Người trông trẻ là một cô giáo tuổi còn khá nhỏ. Có lẽ là nhỏ hơn Păn xê. Cô ấy khá cởi mở và vui tính. Đây là lần thứ hai, Păn xê đón Thụy Khanh trễ hơn thường ngày. Hai mẹ con tạm biệt cô giáo rồi ra về.

Păn xê, vai trái mang túi xách của mình, vai phải mang ba lô của con trai, cô vẫn bế Thụy Khang một cách gọn gàng, vững chãi. Nhìn cô, ít ai nghĩ, người con gái đó đã 28 tuổi, đã là mẹ của một bé trai. Cô chỉ cao một mét sáu, người gầy gầy, có chút ốm yếu, xanh xao. Gương mặt tròn, lúc nào cũng tươi tắn. Gương mặt đó không có gì ấn tượng, cũng không sắc sảo, nhưng nhìn kĩ, người ta sẽ dễ nhìn thấy, cô có đôi mắt đẹp và u buồn. Như người đời thường nói, người con gái, có đôi mắt u buồn thường sẽ chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống. Thậm chí, với họ, hạnh phúc là vô cùng xa vời.

Păn xê bế con trai đi lặng lẽ dưới ánh đèn của đường phố. Khung cảnh chung quanh cô như một mảng đối lập. Hai mẹ con di chuyển trên đường trong yên tĩnh, thỉnh thoảng, thằng bé ê a một vài tiếng gì đó, Păn xê mỉm cười rồi trả lời con trai. Một cảm giác êm đềm len lỏi giữa hai mẹ con, trông có chút cô độc, yếu ớt, cần che chở. Cách một cánh tay, bên trái hai mẹ con, là những dòng xe xuôi ngược tấp nập. Ánh đèn xe, ánh đèn đường, trong những giờ khắc bắt đầu một đêm huyên náo, người đến, người đi ồn ào, rộn rã. Hai mẹ con như hai ánh sao đi lạc, lặng lẽ trôi giữa những dòng người.

Ai đó, trong số họ, có một cuộc sống hạnh phúc hơn hai mẹ con cô? Ai đó, trong số họ, có một cuộc đời bi kịch hơn hai mẹ con cô? Ai đó, trong số họ, là những người tha phương cầu thực, đang cố chịu những đau khổ, trái ngang của cuộc đời? Ai đó, trong số họ, là những kẻ cô đơn, lẻ loi, lang bạt mọi nẻo đường, chỉ để mưu sinh và gắng tìm hạnh phúc trong mơ hồ? Và ai đó, trong số họ, là người mà mẹ con cô, những người khác, đang chờ đợi, đang hi vọng, được che chở?

Păn xê chưa bao giờ nghĩ, mình rời khỏi Đào Thiết, sẽ tìm một chốn bình yên mới. Cô luôn nghĩ mình đã không còn cơ hội để được bình đẳng như những người khác, mà đi tìm tình yêu, tìm hạnh phúc. Cô đã chọn lựa sai lầm, cách đó sáu năm, cơ hội đã là của người khác. Păn xê luôn mong muốn mình sẽ sống tốt, và nuôi con thật tốt. Cô mạnh mẽ khuyên mình quên đi Đào Thiết, quên đi sáu năm kia, mạnh mẽ chấp nhận một mình nuôi con ở một nơi xa lạ. Cô là đang gánh lấy và giải quyết hậu quả của quá khứ sai lầm. Tất nhiên, Thụy Khang là món quá bất ngờ nhất. Păn xê nghĩ, gia đình cô không phải chịu đau xót khi thấy cô không hạnh phúc. Có lẽ, nó đã khiến cô có chút nhẹ nhõm trong lòng, bớt đi sự day dứt.

Păn xê dừng lại, ngẩng nhìn dòng người đang nối tiếp trên đường, cô thở dài, lẩm bẩm:

- Đây vẫn là lựa chọn của mình. Cố gắng thích nghi mà thôi.

Thụy Khang không hiểu lời mẹ đang nói là gì, đôi tay bé nhỏ của nó vẫn níu níu lấy mấy sợi tóc rơi ra ngoài của cô. Nhìn con trai, Păn xê mỉm cười. Động lực của cô, tình yêu của cô. Hi vọng của cô.

- Lấy cho cháu một hộp sữa bột cho trẻ trên một tuổi.

- Loại này phải không? Bác bán hàng chỉ dãy sữa nằm ở kệ trên cùng, cất tiếng hỏi Păn xê.

- Dạ đúng ạ. Bao nhiêu vậy bác?

- 450gr, 285 nghìn.

- Vâng, cháu gửi.

- Đây.. Còn muốn mua gì nữa không?

- Không ạ, chào bác.

Lão Tạ nhìn cô gái trạc tuổi con gái mình, đang bế đứa bé rẽ vào ngõ hẻm, ông thở dài. Con gái người ta cũng như con gái mình, thế mà, người ta đã có con trai, còn con mình, mãi cứ ở nhà, ăn bám cha mẹ.. Lão vừa nghĩ vừa sắp xếp lại mớ tiền lộn xộn trong hộc tủ, tiếng đứa con gái vang lên:

- Ba, ba tương tư ai mà thở dài? Con mách mẹ.

Nhìn đứa con gái mãi không chịu lớn của mình, lão Tạ lắc đầu. Đứa con gái mặc quần jean rách gối, tóc nhuộm màu vàng chóe, chu mỏ thổi thổi bàn tay với những ngón tay vừa sơn đỏ, cất giọng quen thuộc:

- Ba, cho con tiền..

Lão Tạ thảy một xấp tiền lên bàn, khóa hộc tủ lại, rồi bước ra ngoài đóng cửa tiệm.

Một người cố gắng mạnh mẽ, để tự lo lấy cuộc sống chính mình, để người thân yêu không phải đau lòng, vất vả. Còn kẻ khác, lại xem sự chở che, bao bọc của người thân yêu như là một lẽ tất nhiên, là một cái cớ để cho mình sa ngã.

Đời, không ai giống ai.