Hộc Châu Phu Nhân

Chương 13: Tóc hoa sao chịu thấu II



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thời tiết ấm lên sau tuyết là cái rét khó chịu đựng nhất. Giữa hè, cứ cách bốn giờ, chúng tiểu hoàng môn sẽ đổ nước đá xuống lớp gạch kép dưới sàn cung thất giúp phòng ốc mát rượi sảng khoái, sau khi vào đông thì đổi thành đổ nước nóng. Hôm nay có sứ thần Ni Hoa La Ba Nam Na Yết đến yết kiến nên trong điện còn dụng tâm đặt thêm vài lò than tinh xảo, cả sảnh đường ấm áp như giữa xuân.

Tiểu hoàng môn cảm nhận được rõ ràng một dòng mồ hôi nóng hổi ngoằn ngoèo chảy xuống, ấy vậy mà Ba Nam Na Yết vẫn ôm khư khư lò sưởi tay của y như ôm một lớp sương dày, “Nếu quân vương quý quốc không bằng lòng hạ mình cùng trò chuyện thì cứ đường đường chính chính cự tuyệt tiếp kiến tiểu thần là được, tuyên triệu trước rồi ơ hờ sau như thế chẳng lẽ là khinh Ni Hoa La chúng tôi nước nhỏ thế yếu?”

Ni Hoa La khí hậu ấm áp, lãnh thổ bao la, đậu và lúa mạch một năm ba mùa, có các nước Tích Phủ, Thổ Hỏa Lỗ là chư hầu mà sứ thần lại tự xưng nước nhỏ thế yếu, giọng điệu đã gần như là châm chọc. Mồ hôi nóng túa đẫm người tiểu hoàng môn nhất thời muốn đóng băng. Trong suốt nửa giờ vừa rồi, cậu ta chỉ sợ mình đối đáp không chu toàn gây ra tai vạ nên từ đầu chí cuối chỉ vâng vâng dạ dạ ứng phó, bây giờ e là không thể ứng phó nổi nữa rồi. Đương sốt ruột thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân từ sau bình phong ngọc tọa trong điện vọng tới, lập tức cả mừng nhướng mày.

Ba Nam Na Yết cũng hơi nguôi giận, đứng dậy chỉnh trang áo mũ.

Bóng người vòng ra từ sau bình phong lại khiến chủ khách lang trung đang đón tiếp sứ thần thoắt chốc biến sắc. Ba Nam Na Yết trông thấy một người đàn ông phong tư cao quý mặt mày tao nhã, tuy ăn bận kiểu hoạn quan nhưng lại khiến người ta không khỏi kính nể chú ý. Chủ khách lang trung thì nhìn không chớp mắt vào lệnh bài người đàn ông đeo bên hông. Lệnh bài ngọc tủy tua tím vàng khắc hoa văn khổng tước hoa lệ, rõ ràng là phẩm cấp đại thần chính nhất vị. Tôn vinh như vậy, trong hoạn quan không nghĩ ra được người thứ hai.

Đông thú hôm qua là lần đầu tiên trong suốt mười bốn năm nay tổng quản Phượng Đình nội cung Phương Chư hiện thân trước mặt quần thần. Vị nội thần quyền thế hiển hách trong truyền thuyết ấy khoác áo lông cừu tía dày nặng, mũ trùm che khuất hơn già nửa khuôn mặt, dẫu từng cởi bỏ áo lông chồn trong ưng thú nhưng cũng chỉ trong có một khắc, mãi đến tận lúc này, chủ khách lang trung mới được chiêm ngưỡng rõ dung mạo tay quyền thần này. Trong lửa than đốt trong lò đồng có lẫn tô hợp hương và huân lục hương, hương thơm dễ chịu, gạch sàn trong xanh thấm ra hơi nóng ấm áp, loáng thoáng mang hơi thở mùa xuân, ấy vậy nhưng sống lưng chủ khách lang trung lại xộc thẳng lên một luồng giá rét thấu xương không thể ngăn chặn. Chủ khách lang trung tuổi gần lục tuần đã từng gặp mặt thiếu niên anh tuấn hay chạy theo Trọng Húc trong thời Đế Tu mấy lần – đại thế tử Thanh Hải công.

Phương Chư chắp tay thi lễ, nói: “Xin hãy đợi thêm chốc lát, hoàng thượng sẽ tới ngay sau đây.”

Trong ống tay áo gấm trơn xanh lục, vết thương mới trên mu bàn tay phải đặc biệt gây chú ý.

“Khỏi cần, trẫm đến rồi.” Sau bình phong vọng tới giọng nói sáng sủa như chuông khánh.

Sứ thần Ni Hoa La tới thăm không hề khua chiêng gióng trống, lễ nghi yết kiến cũng hết sức giản lược. Vì không phải trường hợp nghi điển nên Đế Húc chỉ ăn mặc kiểu thường phục, để biểu thị thận trọng vẫn chọn một tấm áo hoa văn sóng nước thêu mười hai con rồng đứng. Nghi trượng chỉ gồm mười hai cung nhân, mười hai nội thần, duy có một võ quan thiếu niên nhắm mắt theo đuôi bám sát bên Đế Húc là đặc biệt nổi bật trong đám người. Thiếu niên đó mặt mũi xán lạn, eo như thắt lụa, sắc mặt lại nghiêm nghị chẳng mảy may tương xứng với tuổi hoa tươi đẹp của cậu chàng.

Vị hoàng đế Đại Trưng này đã chơi bời phóng túng mười bốn năm nay nhưng quốc gia của y quá to lớn tinh vi, dẫu mặc kệ không quản, nó cũng có thể tự tổ chức chính mình, cầm cự thật nhiều năm. Định mức các loại thuế khóa thu cống tăng lên từng năm, tựa như nhạc sư từng chút kéo căng dây đàn thăm dò xem nhạc khí có thể phát ra âm cao đến mức nào, Đế Húc cũng thăm dò cực hạn mà thứ dân có thể chịu đựng được như chơi một trò đùa quái đản.

Trung Châu phong phú quặng vàng, luyện kim tinh túy nhưng lưu thông ngoài phố chợ đa phần vẫn là bạc và đồng, quá nửa số lượng vàng đều cất trong quốc khố, không thấy ánh mặt trời. Dù vậy, vàng trong thiên hạ vẫn có đến bảy tám phần mười xuất xứ từ Đại Trưng. Thiên Hưởng năm thứ mười ba, ngân lượng địa phương nộp vào quốc khố rốt cuộc cũng hết chỗ cất chứa, bèn nghĩ cách đổi thành vàng ròng với các nước phương nam, khiến giá vàng nhất thời tăng vọt, chót vót không hạ, thương nhân Tây Lục tới tấp mang thật nhiều vàng đi thuyền từ Lôi Châu chạy đến đế đô, người Đông Lục gọi là kim khách. Tuy các nước láng giềng đã đặt rất nhiều quan ải ở hải cảng nhưng vẫn không cách nào khống chế dòng vàng chảy vào Đại Trưng.

Mùa hè năm nay, đến vàng quốc khố Đại Trưng cũng chẳng có chỗ cất, ti khố giám dâng tấu xin mở rộng nhà kho, Đế Húc liếc sơ, ngự bút châu phê, từ nay về sau miễn thuế mười năm, lệnh lấy một nửa tiền của trong quốc khố ra dùng vào tu bổ đê đập và kho lương các nơi, chủ sự ti khố giám bất tỉnh giữa triều, Đế Húc cười chê: “Keo kiệt. Có vào không ra, thần giữ của đó hả.” Chỉ trong vỏn vẹn nửa cuối tháng Bảy, lượng vàng chảy ra từ quốc khố đã đạt bằng một phần ba số lượng vàng lưu thông trong nước. Mấy ngày đầu, các nước láng giềng còn vui vẻ chắc mẩm giá vàng sắp quay về như thường, ai ngờ vàng nhanh chóng trượt giá, năm Thiên Hưởng thứ mười ba, tỉ giá đã là năm mươi hai lượng bạc đổi một lượng vàng, vẫn một đường lao dốc, trước sau không có dấu hiệu dừng lại. Giá vàng các nước vừa ăn được về quốc khố đảo mắt đã giảm mạnh, trên phố chợ còn xuất hiện chuyện hoang đường hai mươi bảy lượng bạc đổi một lượng vàng. Mười mấy quốc gia ở Tây Lục và Nam Cương cứ như vậy mất đi một nửa tiền bạc, lòng dân phấp phỏng, dư luận phố phường già trẻ gái trai đều phẫn nộ khôn nguôi.

Khi ấy, kim khách Tây Lục vẫn nườm nượp vào kinh, nhận được tin tức, ai mới đi nửa đường thì lập tức quay đầu vòng về, những kim khách khác không cam lòng bán rẻ vàng thu mua giá cao ban đầu, dứt khoát mua nhà ở tôi tớ trong đế đô, định bụng chờ giá vàng tăng trở lại. Song, cũng có không ít người Tây Lục nóng lòng bán vàng đi, thương nhân Đông Lục thừa cơ ra sức đè giá, khiến họ thua lỗ nặng. Những kim khách nóng lòng bán vàng đó quá nửa là ban đầu đã cầm cố gia sản tại cố hương, vay nặng lãi để đầu cơ, thu mua vàng đến Đông Lục buôn bán, nhưng số vàng thấp thỏm hãi hùng bảo toàn suốt một đường nay đã rẻ đến cái giá xưa nay không có, mắt thấy không cách nào về quê trả nợ đúng hạn, tuyệt vọng khôn xiết. Trong vòng mấy tháng, lên phố đế đô đập vào mắt chỉ toàn là kim khách Tây Lục ngồi một mình lo suông, cũng không thiếu người tự sát. Sứ thần các nước đều đã triệu tập người thân của họ, chuẩn bị lên đường đi Thiên Khải.

Các nước Tây Lục vẫn đang trong mùa đông, không thể tới ngay, Ni Hoa La ở phía nam, sứ thần cũng đến sớm nhất, trên danh nghĩa là xử lí sự vụ an táng cho kiều bào, yết kiến Đế Húc, nhưng thực chất cũng ngầm có ý hưng sư vấn tội.

Đế Húc ngậm nụ cười lạnh lùng hàm súc, nhìn Ba Nam Na Yết hùng hồn lý luận, từ đầu đến cuối không nói một câu.

Đầu gối cong gập trong áo bào của chủ khách lang trung run lẩy bẩy. Húc vương thiếu niên kiệm lời ít nói, minh mẫn quả đoán năm xưa tại sao lại trở nên đáng sợ như vậy? Đế Húc không có hứng thú xâm lược nước láng giềng, cũng chưa từng nghe nói có động tĩnh gì về mặt lương thảo binh lính, cướp bóc của nước khác như vậy không phải để mở rộng lãnh thổ mà chỉ là đùa vui một trận – coi thiên hạ là chậu bùn, coi thứ dân là sâu kiến, coi công quỹ là tiền cược – trò đùa này mới xa xỉ làm sao! Mà cái người tay nắm cỏ chọi (*) kia thì dẫu có chơi đến hăng say thích thú cũng chưa từng ngửa mặt cười dài, chỉ không nói một câu cứ thế thưởng thức sóng gió ba thước trong chậu.

(*) Chọi cỏ

“Ba Nam Na Yết đại nhân, trẫm nghe nói quý quốc tôn giao nhân là thần tiên bảo hộ hàng hải, điềm lành tuyệt thế, giống như rồng trời trong truyền thuyết nước ta, có phải vậy không?” Giọng nam trong trẻo như thủy tinh va chạm, cơ hồ rộ lên tiếng vọng trong điện.

Ba Nam Na Yết không ngờ Đế Húc yên lặng hồi lâu, đến lúc mở miệng lại hỏi một câu như vậy, trong sự hồ nghi, chỉ đành qua quýt đáp một tiếng: “Vâng.”

“Đại nhân từng trông thấy giao nhân bao giờ chưa?”

“Chưa ạ.”

“Vậy, đợi đến sau lập xuân khi thượng sứ các nước tề tụ ở Thiên Khải, mời đại nhân tới cung cùng thưởng lãm giao nhân.”

Lò sưởi tay Ba Nam Na Yết ôm thình lình vang boong một tiếng, y cơ hồ đứng bật dậy, “Giao nhân thuộc về thần tiên, chỉ có thể gặp không thể cầu, sao có thể giam cầm trong cung?”

Bàn tay buông thõng bên người Hải Thị lặng lẽ nắm chặt, lòng bàn tay phải lành lặn buốt nhức từng cơn.

Đế Húc mỉm cười không đáp, liếc sang người đàn ông hầu hạ bên mình.

Phương Chư gật đầu, đưa mắt về phía Ba Nam Na Yết, vẻ mặt ôn hòa, trong lời nói lại hàm chứa uy thế khổng lồ, “Đón điềm lành vào hoàng cung cung phụng là bởi quốc vận nước ta hưng thịnh, chẳng lẽ đại nhân nghi ngờ quốc vận nước ta?”

Ba Nam Na Yết nói không lại, mặt đỏ chót, buồn bực nhất là đàm phán giá vàng không có kết quả, chỉ đành hậm hực chắp hai tay, đáp: “Nào có, đến lúc đó tiểu thần nhất định sẽ có mặt.”

Phương Chư thoáng liếc, Hải Thị đang nhìn chàng từ phía bên kia ngai vàng, như thể lâu đài chọc trời lung lay muốn đổ bị chặt đứt trụ chống cuối cùng, trong con ngươi nàng có thứ gì đang ầm ầm sụp xuống.

Ánh mắt tủm tỉm của Đế Húc vòng một vòng trên người Ba Nam Na Yết, lại lượn về trên người Hải Thị.

Đế Húc không lâm hạnh Phượng Ngô Cung suốt nửa tháng.

Đế Húc vô cùng sủng ái Thuần Dung phi Phương thị mới sách phong, đó là sự thật ai ai trong triều cũng biết. Phượng Ngô Cung vốn là nơi ở của thái hậu, nguy nga tráng lệ sánh ngang Kim Thành Cung, sau được ban cho Yên Lăng đế cơ. Sau nữa, đế cơ xảy ra chuyện, Phượng Ngô Cung bỏ trống mười năm rồi được ban cho vị Thuần Dung phi có biệt hiệu Hộc Châu phu nhân này.

Tiếng mõ lạnh lẽo vang lên từ chòi gác, đã qua giờ Hạn.

Nữ quan ngoài cửa bẩm báo, đêm nay hoàng thượng ngủ một mình tại Kim Thành Cung, chư cung tần phi có thể tháo nữ trang buổi tối.

Cánh cửa mở hé, Hải Thị lắc đầu, cung nữ tới hầu nàng tắm gội đành phải bưng chậu mã não nguyên trạng lui ra.

Cung thất cao rộng vắng vẻ, châu ngọc xà cừ lấp lánh dưới ánh đèn.

Hải Thị ngồi ngay ngắn trên sập, sợi dây ngọc lam quấn trên ngón tay treo một quả cầu hương tráng men. Nàng giơ cao tay rủ quả cầu hướng xuống trước mắt, tay kia thò một ngón tay ra búng nhẹ, quả cầu hương chạm rỗng lập tức xoay tròn vun vút như một chiếc hỗn thiên nghi (*) tí hon, chén hương bên trong ba lớp trục tròn lại hoàn toàn không nghiêng không đổ. Đốt trong đó là long tiên hương, còn dai dẳng hơn cả ảo ảnh lâu đài trên biển, làn khói xanh nhạt màu lục bảo bay ra từ quả cầu ngưng tụ trong không trung mãi chẳng tiêu tan. Nàng rút trâm vàng trên tóc ra, thò vào sợi khói, chậm rãi rạch khói xanh thành hai đường, tiếp đó là bốn đường, tám đường, cuối cùng nát vụn, bị nàng thổi một hơi tứ tán mất tăm như đựng đầy những sợi lông vũ hư ảo.

(*) Máy đo đạc thiên thể thời cổ, dùng để biểu diễn các hiện tượng trên trời.

Gió khuya thổi cánh cửa sổ phần phật, Hải Thị im lặng thở dài, quăng quả cầu hương sang một bên, đứng dậy đi tới trước cửa sổ, hắt lên rèm cửa cái bóng đội ngọc đeo vàng.

Nàng đưa tay vén rèm sa lên.

Dáng hình cấm thành lay động trong đêm, rộng lớn vắng lặng. Nghĩ mà chẳng biết hơn sáu trăm năm qua, bao nhiêu mỹ nhân cuộn rèm từng hắt bóng lên song cửa này, sau đó già ốm từ trần, tiêu tan trong tháng năm ngút ngàn.

Bóng mỹ nhân đậu lên cửa sổ, rèm mi chớp chớp như cánh bướm, sau đó rốt cuộc cũng mở cánh cửa ra.

Dưới hiên vi vu gió thổi, bóng dáng người áo đen treo ngược cũng chẳng né tránh, ngược lại còn thẳng thắn vô tư đối diện cùng Hải Thị.

“Anh định canh chừng đến khi nào?” Hải Thị nở nụ cười khổ nông nhạt.

“Canh đến khi tiểu công tử không trốn nữa thì thôi.” Tiêu Tử đáp.

Tiểu công tử? Nụ cười khổ của cô gái bận cung trang sâu hơn. Nàng làm gì còn dáng dấp tiểu công tử nữa? Tóc vấn đôi vân song hoàn kế (*), mỗi bên cài một đóa mẫu đơn bằng vải dệt; mày tỉa cong cong, giữa trán rủ một viên dạ minh châu giao lệ; môi tô son, thân khoác địch y hoa văn khổng tước bằng gấm trắng ngà, trong vạt áo lấp ló ngấn đỏ.

(*) Kiểu tóc vấn hai búi tạo hình đám mây.

Nàng khẽ thở dài: “Anh trở về nói với người kia, ngày nào y còn muốn ta tự tay săn ân nhân cứu mạng của mình, ngày đó ta sẽ còn nghĩ cách bỏ trốn. Dẫu kề đao ép ta tới bờ biển, xuống nước, các người cũng chẳng làm được gì đâu.”

“Tiểu công tử cũng biết đấy, hai năm nay vì chuyện giá vàng, các nước chung quanh đều rất bất mãn. Ngoài Già Mãn và Hộc Khố đang giao chiến không rảnh để ý đến, hơn nửa còn lại đều đã ngầm có động thái.” Tiểu Tử thấp giọng trần thuật. Qua lời Tiêu Tử, Hải Thị như nghe thấy tiếng người kia lạnh lùng chồng đằng sau – chất giọng thuần khiết ôn hòa, vết đao cũ bên khóe miệng ắt đang nhếch lên thành một nụ cười, “Các nước phương nam đều tôn giao nhân là thần bảo hộ thông thương hàng hải, nước ta được giao nhân bảo vệ mới có thể ít nhiều có hiệu quả hàng phục. Loạn Nghi vương bình định còn chưa được hai mươi năm, trước mắt chỉ tính riêng chuyện vàng bạc trong dân gian đã đủ hỗn loạn rồi, ngoại chiến nội loạn chỉ cần xảy ra mấy tháng, xu thế quốc thể sụp đổ trăm họ lầm than khó mà vãn hồi. Chẳng lẽ tiểu công tử lại muốn gánh tội nghiệt bỏ mặc sáu ngàn vạn mạng người?”

“Anh sai rồi.” Hải Thị hiên ngang ngẩng đầu, lạnh lùng nhìn Tiêu Tử, như đang nói với ảo ảnh sau lưng Tiêu Tử, “Cần gì phải lừa mình dối người? Tội đẩy sáu ngàn vạn người vào vực sâu chỉ có thể do hoàng đế gánh.”

Tiêu Tử hơi ngẩn người, rất nhanh lấy lại bình tĩnh, “Lệnh đường lão phu nhân hẳn đã đang trên đường vào kinh, đợi tiểu công tử đón giao nhân trở về là có thể đoàn tụ.”

“Các người, vậy mà…!” Hải Thị giận dữ tột độ, rờ tay lên hông nhưng không mò được trường kiếm thường dùng.

“Lão phu nhân hay tin tiểu công tử làm kế thất nhà giàu ở kinh thành, đón lão phu nhân vào kinh chăm sóc, ắt hẳn trong lòng vui lắm, chỉ mong sớm ngày gặp được ngài.” Đoạn, Tiêu Tử chắp tay thi lễ rồi ngửa người ra sau, hai tay bắt ngược lên mái hiên, im hơi lặng tiếng leo lên nóc điện, tung mình mấy cái đã biến mất trong màn đêm mịt mùng.

Hải Thị đứng lặng tại chỗ, rèm sa trước cửa sổ tung bay trong gió rét đêm đông.

Sáng sớm hôm sau, lúc tiến vào hầu hạ thay y phục, nữ quan phát hiện ra trong cung thất không một bóng người, chuỗi vàng xâu ngọc và địch y gấm trắng vứt bừa bộn trên mặt đất, hai đóa mẫu đơn nở rộ gấp bằng vải dệt bị gió bấc thổi một đêm đã héo rũ thất sắc.

Đoạt Hãn, em trai của Tả Bồ Đôn vương Hộc Khố Đoạt Lạc tập hợp quân đội bộ Hữu Bồ Đôn và nước Già Mãn, soán ngồi Tả Bồ Đôn vương. Đoạt Lạc chết trận, bãi cỏ và súc vật của bộ Tả Bồ Đôn vào tay người bộ Hữu Bồ Đôn một phần ba.

“Trước lập xuân, sứ thần các nước Tây Nam tụ tập tại Hãn Châu, phái quân hộ tống từ Hoàng Tuyền Quan đi đế đô, thuận tiện mang theo tin tức về biến loạn của Hộc Khố. Tả Bồ Đôn vương Đoạt Lạc quyết ý thôn tính Già Mãn, gặp phải người Già Mãn liều chết phản kích, kẻ địch xưa nay của gã, Hữu Bồ Đôn vương Ngạch Nhĩ Tề, còn hứa gả hai con gái cho Đoạt Hãn, em trai Đoạt Lạc, phái quân trợ giúp Đoạt Hãn soán ngôi. Dưới tình thế hai mặt giáp công, bộ Tả Bồ Đôn liên tiếp tháo chạy, Đoạt Hãn chính tay đâm chết Đoạt Lạc, cướp ngôi Tả Bồ Đôn vương.” –《 Nội các đại khố · Tấu chương hợp điệp · Thiên Hưởng quyển · Thập ngũ niên nhất nguyệt 》

“Biên cương ổn định. Tin báo về lúc nào cũng là biên cương ổn định. Từ đông chí đến lập xuân, biên cương không hề có động tĩnh gì, người Hộc Khố không vờ công Hoàng Tuyền Quan đúng hẹn, đến dấu hiệu tập hợp đội kị binh cũng chẳng có chút nào.” Giọng Sưởng vương không lớn, thái dương lại loáng thoáng nhấp nhô gân xanh, “Tin báo duy nhất không phải biên cương ổn định thì lại là tin chết của Đoạt Lạc.” Một cuốn sổ gấp bìa gấm bị ném xuống trước mặt Phù Nghĩa, “Không có Đoạt Lạc phối hợp hãm chân ở Hoàng Tuyền Quan, bằng vào binh lực trong tay chúng ta, đối phó với Cận Kỳ Doanh và Vũ Lâm Quân là quá miễn cưỡng.”

“Vương gia.” Phù Nghĩa nhíu mày gần như không nhận ra, “Võ tướng hộ tống sứ thần vào kinh lần này là đồng bào của tôi ở Hoàng Tuyền Quan, phần lớn binh sĩ cũng là bộ hạ cũ của tôi, hơn nữa trong Cận Kỳ Doanh có hơn hai vạn quân trực thuộc quyền tôi, thêm người nhà họ Thiện nữa cũng đủ rồi. Hiện giờ con gái nuôi của Phương Chư đã không còn binh quyền, Vũ Lâm Quân cũng không đáng ngại. Không bằng vương gia tìm cớ rời kinh, đợi thuộc hạ quét sạch trong kinh rồi hẵng quay lại, đỡ lôi thôi điều tiếng.”

“Võ tướng hộ tống sứ thần tên là gì? Ông có nắm chắc được hắn không?” Trong đôi mắt nheo lại của Sưởng vương vụt lướt tia sáng.

“Hắn tên là Trương Thừa Khiêm, xuất thân dân thường, là bộ hạ cũ của Quách Tri Hành.”

“… Vậy được. Đêm qua bọn đánh cá cũng tới rồi.”

“Ồ?” Thần sắc Phù Nghĩa thoáng xao động.

Xưa nay Sưởng vương vẫn ngầm gọi Chú Liễn là “bọn đánh cá”, có thể thấy cực kì chán ghét. Thời niên thiếu hắn bị đưa sang Chú Liễn làm con tin, chịu đủ lạnh nhạt, thật khó dễ cho một đứa trẻ mười một tuổi như hắn phải cẩn thận dè dặt, minh mẫn hiếu học, bảo toàn chính mình trong cung đình. Năm mười ba tuổi, Nghi vương làm phản, cậu Quý Sưởng là Phần Dương quận vương cũng làm phản theo, Quý Sưởng lập tức sai người đưa thư từ Chú Liễn về cho Trọng Húc, lòng đau như cắt trần tình tuyệt không hai lòng, đồng thời đổi vàng bán ngọc mua lương thảo gửi về Hãn Châu, còn bị quan viên Chú Liễn mỉa mai bóc lột. Đến khi thế lực Trọng Húc dần lớn mạnh, chiến thắng đã trong tầm với rồi, thái độ của người Chú Liễn đối với Quý Sưởng mới nhiệt tình hơn. Sứ thần Bồ Do Mã khi xưa xem thường Sưởng vương còn mượn cơ hội mong cầu cậy thế, gửi một mặt quạt tơ tằm thượng hạng tới xin Sưởng vương ban chữ, Sưởng vương cũng chẳng khước từ, múa bút đề ngay. Bồ Do Mã đắc chí hả hê gắn mặt quạt vào khung quạt, khoe khoang khắp nơi. Người Chú Liễn không biết chữ Đông Lục, quá nửa chỉ khen nịnh mấy câu lấy lệ rồi thôi, năm ngàn Vũ Lâm quân đi theo thì không khỏi cười thầm – bốn chữ Sưởng vương đề là “Tiền cự hậu cung (*)”, quả là rồng bay phượng múa, có thần có khí.

(*) Nghĩa là “Trước kiêu căng sau cung kính”

Sau khi Đế Húc đăng cơ, Sưởng vương bày tỏ nguyện vọng trở về Đại Trưng, Chú Liễn không chỉ lập tức cho đi mà còn biếu tặng một đống bảo vật, dâng hiến công chúa Đề Lan. Sưởng vương hai mươi mốt tuổi lập tức tỏ tường đạo lý giấu mình, đẩy hết công lao trong tám năm loạn lạc cho Thang Càn Tự, bản thân giả bộ phóng đáng, tránh được rất nhiều tai mắt.

“Ta nói với người kia, đáp ứng mọi điều kiện chúng đưa ra, cộng thêm một cái là giết Bồ Do Mã, ta lên ngôi rồi sẽ cân nhắc để quốc khố Đại Trưng ăn lại vàng.” Sưởng vương nở nụ cười lười biếng, “Bồ Do Mã đã sống được tới bảy mươi tuổi, vụ mua bán này đã hời cho chúng lắm rồi.”

Chấp sự đưa thư báo vào, Sưởng vương vội mở ra xem, hàng mày rậm đột nhiên nhướng lên, nhìn Phù Nghĩa, “Trong cung truyền tin, Thuần Dung phi mất tích, hoàng thượng cũng không hạ chỉ tìm kiếm.”

Thiếu niên nhúng nắm tay phải vào nước biển, ánh châu trắng mờ mơ hồ lấp ló qua kẽ tay. Động tác mở bàn tay chậm rãi như sợ hãi thứ trong lòng bàn tay mình. Rốt cuộc bàn tay cũng mở ra hoàn toàn, thứ phát sáng là hai chữ viết theo hàng dọc.

Lang Hoàn.

Đôi mắt thiếu niên đông lạnh sáng trong.

Nửa vầng trăng sáng nhô lên cuối ba đào, sóng trắng nhỏ vụn phác họa bờ biển quanh co kéo dài. Thiếu niên tháo đai áo đặt bên chân rồi cởi xiêm áo vải xanh toàn thân, để lộ làn da cá mập xám xanh sáng bóng, cất bước vào biển. Mỗi một bước lại chìm xuống sâu hơn, nước biển lạnh mướt nồng hậu ôm lấy từng tấc, cho đến khi che ngập đỉnh đầu. Hải Thị ngẩng lên, mặt nước cách đỉnh đầu hai thước như một tấm gương phản chiếu dung nhan nàng, lờ mờ nhìn thấy trong bóng ngược ánh trăng trong veo nom tựa đốm sao. Nàng vẫn hít thở được, dấu ấn giao nhân để lại cho nàng hồi bé vẫn còn ma lực. Nàng bèn tiếp tục lặn sâu hơn vào bóng tối của biển, cho đến khi tiến vào dòng chảy ấm áp cực đại dưới đại dương. Đàn cá trích và cá hồng vịnh di trú trở về bơi hướng Bồng Lai như ngàn vạn con chim di cư tụ tập bay lượn trên trời, tà tà lướt qua ngọn rừng hải tảo. Dòng chảy mạnh như cuồng phong, cứ như chỉ cần hơi vỗ mạnh hai cánh tay là có thể bay được. Hải Thị xem la bàn nhỏ xíu trong hộp lưu ly treo trước ngực, đạp hai chân rời khỏi đáy biển, cưỡi hải lưu, để nó mang nàng đến nơi nàng muốn đến.