Hộc Châu Phu Nhân

Chương 3: Cảnh đời tựa gió bay



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Từ Tuyền Minh, đại quân vượt biển tới cảng Kỳ Thành của Hãn Châu rồi đi về phía Sương Hoàn Thành. Hơn ba trăm năm trước khi Sương Hoàn Thành còn mang tên Bắc Đô, thương nhân miền bắc Lôi Châu đã mang tơ tằm lửa tới đây buôn bán, bỏ một số tiền lớn thuê thợ thủ công Đông Lục, thừa dịp ba mươi ngày tháng Bảy nắng hạn nhất trong năm, dệt tơ tằm lửa thành gấm dày, nghe nói ở cực bắc Thương Châu nơi áo giáp bị đóng băng, người ta dùng loại gấm vóc này may làm áo đơn, sương giá cũng bất khả xâm nhập, bởi vậy mà loại gấm này được gọi là gấm Sương Hoàn, vô cùng quý báu. Dần dà, đất theo tên vật, cương vực nhà Trưng cùng từ từ mở rộng lên mạn bắc, sau khi tộc Man rút lên phía bắc, người Đông Lục dứt khoát sửa tên Bắc Đô thành Sương Hoàn Thành, trở thành thủ phủ của đất Hãn Châu Đại Trưng.

Từ Sương Hoàn đi sang phía tây, cảnh vật kì thú khác hẳn Đông Lục. Dọc đường, phàm là nơi có nguồn nước, đồng cỏ đều dồi dào tốt tươi, dê bò khắp đồng, thành quách sung túc, ngoài ra thì đều là sa mạc cát sỏi, khí hậu phương bắc lạnh lẽo khắc nghiệt, cứ đến mùa đông, bộ lạc Hộc Khố tộc Man lại vượt núi Bì La rục rịch xuống nam chiếm đồng cỏ cướp gia súc, bởi vậy nên vào kỳ thay quân mùa thu mỗi năm năm, bảy vạn lính cũ trong bản doanh và ba vạn lính mới sẽ cùng trú đóng ở Hoàng Tuyền Quan, đợi đến mùa xuân mới lại phái ba vạn lính cũ rút về Đông Lục.

Khi tiên hoàng còn tại vị, tiếm vương Chử Phụng Nghi đã nhân cơ hội đế đô phòng vệ mỏng yếu vào kỳ thay quân thu đông để khởi binh tự lập, bọn phản vương Diên Niên, Tào Quang, La Tư Viễn cũng nổi dậy bốn phía cát cứ làm loạn, Đông Lục loạn lạc rối ren. Năm đó, Húc vương Chử Trọng Húc vừa tròn mười bảy tuổi, suất lĩnh Cận Kỳ Doanh và các lộ binh mã cần vương khổ chiến tám năm, thống nhất thiên hạ, đăng cơ nối ngôi, xưng là “Đế Húc”, lấy niên hiệu “Thiên Hưởng”, đến nay đã là năm Thiên Hưởng thứ mười ba. Kỳ tam đại doanh thay quân mùa thu năm nay, ngoài ba vạn lính theo thường lệ, mỗi doanh còn tăng thêm ba vạn tráng đinh, thuế binh và lao dịch tức thì biến nặng. Triều đình ít nhiều đều có lời chỉ trích đối với việc này, cũng không phải là bàn cãi về chín vạn nhân mã cỏn con mới trưng binh năm nay mà là bởi đống nhân mã này vốn là để bổ sung cho Vũ Lâm Cận Vệ và Cận Kỳ Doanh đủ hai mươi vạn quân. Một khi binh lực kinh kỳ suy yếu, quá nửa số lão thần sẽ lập tức đứng ra phản đối, cuộc phiến loạn do tiếm vương Chử Phụng Nghi châm ngòi hai mươi mốt năm trước quả thật đã để lại trong ký ức của họ dấu vết quá đỗi đau thương.

“Quái thật…” Trương Thừa Khiêm hứng gió bấc xen lẫn cát vàng, hơi nheo mắt.

Hải Thị chạy lên từ phía sau, hỏi: “Sao vậy ạ?”

“Chúng ta đi từ đông nam về phía tây, trước mùa tuyết rơi bao phủ ngọn núi vào tháng Mười hằng năm, ít nhiều đều sẽ bắt gặp vài thương khách Lôi Châu không sợ chết vận tải hồng hoa, cát bối và xạ hương tiến vào Già Mãn. Theo lý, Hoàng Tuyền Quan năm nay có tổng cộng mười ba vạn nhân mã trú đông, người Hộc Khố cũng sẽ không lựa khoảng thời gian này tới gặm xương cứng, đường đi Hãn Châu phải an toàn hơn mới đúng.” Vừa nói vừa hùng tráng dời mắt lên bàn tay nắm cương ngựa của mình, rì rầm lẩm bẩm tựa như đang giải thích với Hải Thị, lại cũng như chỉ đang độc thoại, “Nhưng một đường đến đây lại yên tĩnh khác thường, đến một mống Nam Bì, Chú Liễn, Ni Hoa La cũng chẳng có. Mẹ kiếp, lạnh thật đấy.”

“Ý huynh là người Hộc Khố đã đến Hoàng Tuyền Quan…” Hải Thị nhìn về hướng tây bắc. Sa mạc bằng phẳng vắng lặng, thinh không mù khói thập diện mai phục, biến ảo khôn lường.

“Nếu chúng tấn công Hoàng Tuyền Quan thì chúng ta đã nhận được tin tức từ lúc đi qua Sương Hoàn rồi. Nhưng bây giờ, suối mùa trong sa mạc đã khô cạn hết cả, ngoài khu vực ven sông ở núi Bì La hãy còn nước ra, những chỗ khác đều đã trơ trụi, hơn nữa còn hiểm trở không lối, chúng không xông vào Hoàng Tuyền Quan thì còn có thể đi đâu?”

Gió lớn bọc một bóng trắng quét qua trước mắt Hải Thị, đậu lên mu bàn tay nàng, nhìn kĩ, thứ như lông chim ấy lại hóa thành một giọt nước lạnh băng vẩn đục. Nàng lấy làm kinh hãi, ngẩng đầu nhìn trời, tầng mây như chì ùn ùn bất định, lơ thơ rải xuống những chấm trắng ảm đạm, gió bỗng chuyển khô hanh.

Mới cuối tháng Chín mà tuyết đã rơi rồi.

Tuyết dần dày đặc, mới qua một khắc, chẳng ngờ đã thấy không rõ con đường ngoài vài dặm phía trước. Nhất thời, trong hàng ngũ dài tựa rồng rắn nổi lên một trận hỗn loạn nhỏ, Hải Thị vừa định bảo các đội thiên kỵ trấn an binh sĩ dưới quyền thì thình lình bị Trương Thừa Khiêm tóm lấy bả vai.

“Sông băng, chúng tiến vào từ sông băng!”

“Sông băng gì cơ? Sông băng núi Phù ấy ạ? Nơi đó căn bản không thể thông hành mà!” Hải Thị bị đau, nhíu chặt mày.

“Mấy năm nay, thời tiết ấm áp khác thường, sông băng ít nhiều cũng tan ra, những khe hố sâu mấy cả trượng giữa lưỡi băng và nham thạch dần bị nước và bùn cát lấp đầy, đến mùa đông lại đóng băng nên bằng phẳng hơn rất nhiều. Nhưng kể cả thế, sông băng cũng vẫn rất trơn trượt dễ sụp nứt, căn bản không thể đi lại, nếu chấn động quá lớn còn dẫn đến núi tuyết sạt lở, thế nên số quân sĩ chúng ta để lại ở Thủy Tỉnh Đồn trước sông băng núi Phù chỉ không đến hai ngàn. Nhưng năm nay, trên đường Hãn Châu cuối tháng Chín đã có tuyết rơi, bên Hộc Khố chỉ e từ tháng Chín, không, cuối tháng Tám đã tuyết ngập đồng cỏ rồi!”

Ria mép Trương Thừa Khiêm đậu tuyết, gã lắc mạnh đầu, bông tuyết tức khắc xào xạc rơi xuống, “Thời tiết đóng băng mấy chục năm mới gặp một lần như vậy, sông băng cũng bị đông cứng dày chắc, ngoài đi từ khe núi Bì La đến Hoàng Tuyền Quan ra thì sông băng chính là con đường tốt nhất, hơn nữa địa thế gập ghềnh, dễ dàng che lấp nhân mã, nếu tôi là người Hộc Khố, tôi cũng sẵn lòng đi sông băng!”

“Họ không mang được bao nhiêu lương thảo theo, như vậy nhất định sẽ phải đi cướp?” Hải Thị vội hỏi.

Trương Thừa Khiêm nghiến răng, trên mặt nổi cộm cơ bắp rắn rỏi, “Phải, sau khi ra khỏi sông băng, cách hai mươi dặm chính là Thủy Tỉnh Đồn. Quân trú ở đó không đến hai ngàn, bách tính khai hoang cũng chỉ hơn hai ngàn người, thương khách qua lại đông tây đều dừng chân bổ sung nhu yếu phẩm ở đó. Hiện giờ chúng ta cách Hoàng Tuyền Quan năm trăm năm mươi dặm, cách Thủy Tỉnh Đồn hai trăm mười dặm, còn áp tải lương thảo trú đông cho mười ba vạn người, không thể vọng động, Thủy Tỉnh Đồn này e rằng đã…”

“Trương huynh, huynh áp tải lương thảo về doanh trại, để tôi đi Thủy Tỉnh cho!” Hải Thị bỗng đề nghị.

Trương Thừa Khiêm không khỏi quan sát lại thật kĩ vị đồng liêu thiếu niên này. Sớm nghe tham tướng mới Phương Hải Thị là thám hoa tân khoa võ cử, trước khi rời kinh Trương Thừa Khiêm chỉ mới gặp cậu ta hai lần. Lần ở Chu Tước Môn, Phương Hải Thị này mặc triều phục đại điển, phong tư thiếu niên anh tuấn oai phong, nước da lúa mạch, mắt mày thanh tú như nữ tử, lại nghe nói là con nuôi của thái giám đắc thế nên Trương Thừa Khiêm nhìn mà chán chường. Gã từng thấy không ít cậu ấm con quan, chẳng được lấy một tên nào nên trò nên trống, đã không ôm bất kì hi vọng gì, chỉ cầu cậu ta đừng chết ở biên ải khiến họ khó xử là đã mừng lắm rồi. Một đường tới đây lại cảm thấy thiếu niên này tính tình kiên nhẫn, khổ gì cũng chịu được, cứ như mượn xác người khác hoàn hồn vậy, chẳng hề quý trọng bản thân, giờ nghe Hải Thị nói thế lại đâm ra lo lắng.

“Đây là trận đầu của cậu, cũng không có ai dẫn dắt, như vậy…”

“Trương huynh, lương thảo trú đông của mười ba vạn người đều đang nằm trong tay huynh, đương nhiên không thể phân tâm, nhưng Thủy Tỉnh Đồn này chúng ta cũng không thể thấy chết mà không cứu. Bằng không, chuyện này truyền ra ngoài, về sau còn ai dám tới khai hoang?”

Trong lòng Trương Thừa Khiêm biết cậu ta nói có lí, nhưng lại sợ cậu ta là nghé con mới sinh không biết chiến trường nông sâu, chỉ đành gọi mấy thiên kị từng trải đến, phân tám ngàn tinh binh cho cậu ta, dõi mắt nhìn đội ngũ này cấp tốc chạy về phía Thủy Tỉnh Đồn trong gió tuyết mịt mù. Trương Thừa Khiêm chùi vụn tuyết dính trên râu ria, quay đầu lại ngó đại đội sau lưng, quát: “Đứng đực ra đấy hết làm gì? Mau lên! Ngày mai trước khi trời tối nhất định phải tới được bản doanh!”

Chập tối ngày kế, đại đội năm vạn hai ngàn người áp tải lương thảo trú đông đến được Hoàng Tuyền Doanh dưới chân núi Bì La. Sau khi bàn bạc, họ quyết định lệnh hai ngũ thiên kị dẫn bộ hạ của mình gấp rút tiếp viện Thủy Tỉnh Đồn. Đêm xuống, trên đường tây nam người hô ngựa hí, Trương Thừa Khiêm lao ra khỏi lều trại, chỉ thấy trời đã tối mịt, đuốc cành thông uốn lượn một đường đi tới, trên người thiếu niên dẫn đầu nhuộm đầy vết máu, mặt trắng bệch như người chết, từ xa trông thấy Trương Thừa Khiêm bèn phóng ngựa chạy lại chỗ gã.

“Sao rồi?” Trương Thừa Khiêm thấy Hải Thị xuống ngựa hơi loạng choạng, vội đỡ cậu ta.

Hải Thị nuốt nước bọt, mở đôi môi khô róc: “Tới muộn, người Thủy Tỉnh Đồn đã… chết mất già nửa.”

Tráng hán thô kệch nghiến răng, lát sau hỏi tiếp: “Người Hộc Khố thì sao?”

Gương mặt thiếu niên phản chiếu ánh lửa, mắt sáng như đuốc, “Ba ngàn hai trăm người Hộc Khố, chạy bảy trăm, những tên còn lại không chịu hàng, khó khăn lắm mới giữ được hai mươi tên bắt sống. Giờ đang cấp tốc đào chiến hào ở cửa ra sông băng, phòng thủ không đủ, đang định quay về xin thêm nhân công thì vừa hay gặp được Lộc thiên kị và Trần thiên kị trên đường, nhờ họ đến Thủy Tỉnh Đồn chi viện trước, tôi trở lại báo tin.”

“Có Lộc thiên kị và Trần thiên kị là đủ rồi.” Một người đàn ông khoác áo choàng thiên thanh chẳng biết đã đứng sau lưng họ bao lâu, lúc này chợt mở lời, “Cậu không cần đi Thủy Tỉnh Đồn nữa, ở lại trong doanh đi. Đợi bao giờ đào xong chiến hào, lối sông băng này cũng coi như bị chặn, giữ ít người ở đó thôi. Chỉ sợ bọn chúng giương đông kích tây thì lại đúng lúc quan ải cần dùng người.”

Trương Thừa Khiêm khom người chắp tay, “Thang tướng quân.”

Hải Thị biết người này hẳn là chủ tướng Hoàng Tuyền Doanh Thang Càn Tự, bèn hành lễ theo. Thang Càn Tự hơn ba mươi tuổi, đóng giữ ở Hoàng Tuyền Quan chỉ mới sáu năm nhưng thanh danh đã lưu truyền khắp nơi, là một người cực kỳ dũng mãnh. Hộc Khố quấy nhiễu nhiều năm, dân đồn biên tái ôm đủ mối hận đàn ông bị giết, vợ con chịu nhục, súc vật bị bắt, thế nên mỗi lần bắt được thám tử Hộc Khố, Thang Càn Tự đều lệnh ném thám tử cho dân đồn xử trí, đợi đến khi tù binh bị hành hạ chết rồi lại lệnh binh sĩ treo những thi thể tử trạng thê thảm này lên quan. Lúc người Hộc Khố một lần nữa xâm phạm, dân đồn đã mất đường đàm phán, đương nhiên sẽ liều chết chống lại. Không ngờ nhân vật lợi hại bậc ấy mà vóc người lại chỉ trung đẳng, mặt mày có thể gọi là nho nhã, chẳng giống chủ soái một quân mà giống mưu sĩ phụ tá hơn.

Thang Càn Tự gật đầu, nói: “Nói với hỏa đầu quân mau chóng thu xếp cơm nước cho người từ Thủy Tỉnh Đồn về. Đêm nay Phương tham tướng ở chung với ta.”

Thủy Tỉnh Đồn hao tổn gần hai ngàn quân phòng thủ, tâm trạng của Thang Càn Tự và mấy tham tướng đều không thoải mái, bởi vậy nên bữa cơm này trong đại doanh ăn rất yên tĩnh. Thức ăn cũng chẳng phải nem công chả phượng gì đặc biệt, đều là gạo kê, thịt dê bò giống các binh sĩ khác, chỉ nấu kĩ hơn đôi chút mà thôi. Thân binh bưng một đĩa to ra, là dê sữa nướng nhà dân biếu tặng, rút dao cắt một tảng lớn xuống, mỗi người nhận một phần, còn cần mẫn bất chấp dầu bắn, ai nấy tự lấy dao xắt nhỏ ra ăn. Hải Thị rút bội đao, cắt một góc ra, thịt dê nướng tái hãy còn đỏ mọng, máu tức thì phun ra, cảm tưởng như lưỡi dao chém vào máu thịt người Hộc Khố vậy. Nàng không nhịn được tái mét mặt, trong ngực nôn nao cơn buồn ói.

Trương Thừa Khiên quay sang xem vị đồng liêu thiếu niên bên cạnh, ân cần hỏi: “Sao thế, không thoải mái à?”

Hải Thị cười gượng, không muốn để người ta coi thường nên không giải thích gì.

Thang Càn Tự nói: “Phương Tham Tướng còn trẻ đã đánh trận đầu, tình huống chiến đấu lại thảm khốc như vậy, nhất thời buồn nôn cũng là điều khó tránh, năm xưa mọi người đều như vậy cả, dần dà rồi quen. Chẳng qua sợ là đã bị oán khí xâm phạm, không ngại thì đến từ đường một chuyến vái lạy đi.”

Trương Thừa Khiêm vỗ mạnh đầu, “Sơ sót rồi sơ sót rồi, đáng ra phải dẫn cậu đến quân từ sớm mới phải.”

Cái gọi là quân từ thực chất chỉ là một chái nhà phía tây doanh trại chủ soái, thắp đèn chong, sau ngọn đèn mờ thờ một bức tranh cuộn. Màu giấy tuy không mới nhưng được giữ gìn rất tử tế, hẳn là đã qua tay nhiều người, không biết truyền được mấy đời rồi.

Trương Thừa Khiêm bảo Hải Thị châm ba nén hương, khom người cúi lạy rồi cắm hương vào lư trước bức tranh. Hải Thị lơ đãng ngẩng đầu, đối diện là một đôi mắt phượng hẹp dài thanh tú, thần thái hướng nội, như sâu không đáy. Tay nàng run lên, tàn hương và đốm lửa rơi xuống vết đao trên mu bàn tay, nung ra mấy chấm đỏ. Nhìn kĩ lại, thiếu niên bận quân trang trong tranh đeo trường cung, một tay đặt hờ lên khuyên đao mõm li vàng tím đeo bên hông, cùng mọi người bảo vệ chàng thanh niên ăn vận hoàng gia đứng ở giữa – Không sai, gương mặt thiếu niên mặc quân trang đoan chính ôn hòa, vết đao cũ dài nửa tấc khẽ nhếch, ngậm một nụ cười như có như không.

“Đây, đây là…” Nàng lẩm bẩm.

Trương Thừa Khiêm gật đầu, đáp: “Phải, đây chính là sáu vị đại tướng từng theo hoàng thượng dẹp yên phản nghịch suốt tám năm từ loạn Thừa Tắc Môn đến hỗn chiến Hồng Dược Nguyên khi hoàng thượng vẫn còn là Húc vương, Lục Dực Tướng lừng danh thiên hạ.”

Thang Càn Tự chăm chú nhìn bảy người hừng hực tinh thần trên bức họa, rành rọt liệt kê: “Cố Đại Thành, vốn làm cướp ở huyện Kỳ; Quách Tri Hành, vốn là tư lại nhỏ ở kho thóc Việt Châu; Cúc Thất Thất, xuất thân tì nữ làm việc nặng ở câu lan phường; Tô Minh, con trai thứ xuất của danh tướng Tô Tĩnh Phi; A Ma Lam, không rõ thân thế, vượt biển lưu vong từ nước Chân Lạp. Hai người chính giữa, một là Húc vương, cũng chính là hoàng thượng của Đại Trưng ta ngày nay, Đế Húc. Mà người con lại,” ngón tay Thang Càn Tự di chuyển tới thiếu niên quân trang, buông một tiếng thở dài gần như không nghe thấy, “Là đại thế tử của Thanh Hải công quá cố, Phương Giám Minh.”

Sâu trong giọng Hải Thị run lên nhè nhẹ: “Nhưng, Lục Dực Tướng diệt phản loạn không phải đều đã qua đời rồi sao?”

“Phải… Tọa kỵ của Quách Tri Hành nổi điên hất ông ấy xuống làm ông ấy ngã gãy cổ. Cúc Thất Thất gần ba mươi tuổi mang thai, khó sinh mà chết. Nửa năm sau, một tử tù tố cáo, thì ra A Ma Lam và Quách Tri Hành xưa nay bất hòa, sai người nhét rau lê ấu đặc sản Chân Lạp vào giữa yên và lưng ngựa, lại bôi nhựa cánh kiến lên bàn đạp, mưu hại Quách Tri Hành. A Ma Lam gặp sự bỏ trốn, trên đường chết trong loạn tiễn. Phương Giám Minh thì mắc bệnh cấp tính, đột tử.”

Lời nói ra câu nào câu nấy đều không hề vượt quá bổn phận nhưng lại hàm chứa hơi thở nguy hiểm tột đỉnh. Một tia lạnh bén nhọn theo giọng nói hờ hững của Thang Càn Tự chui vào sống lưng Hải Thị, len lỏi từng tấc lẻn sâu như muốn đóng băng xương tủy nàng.

Không phải như vậy, trong lòng Hải Thị biết rõ là không phải như vậy. Lục Dực Tướng ít nhất có một người còn sống. Nhưng vì sao Phương Giám Minh, một trong Lục Dực Tướng đột tử vì bệnh cấp tính, lại mai danh ẩn tính, sống trong thâm cung, làm tổng quản Phượng Đình Phương Chư? Cái gì đã khiến vị võ tướng trẻ tuổi từng tung hoành chiến trường, khí thế bất quần mười mấy năm trước thu lại sắc sảo, cuối cùng trở thành nam tử áo xanh hòa nhã dịu dàng nuôi dạy nàng mười năm?

“Tiếp đó, Cố Đại Thành dung túng cho bộ hạ cướp bóc, bị hiệp khách dân gian đánh chết. Tô Minh đi sứ Thương Châu, còn chưa ra khỏi biên giới đã gặp phải bão cát ở tây nam Hãn Châu, mất tích trong đại mạc giữa Cư Từ và Đô Mục Lan. Khai quốc không đến năm năm, Lục Dực Tướng đã chẳng còn một ai. Thật là, mây mưa thất thường, số trời mới khó lường làm sao.”

Câu cảm khái sau cùng như vật thể có hình có chất, lạnh lẽo lướt qua da Hải Thị.

Hải Thị ngoái đầu, nhìn vị chủ soái Hoàng Tuyền Doanh ẩn trong bóng tối mờ mịt, hồi tưởng lại những lời Phương Chư nói với nàng dưới sắc đêm rực rỡ của Thiên Khải trước khi xuất chinh, ngữ khí rất mực bình thường, ung dung trước sau như một, tựa như chỉ muốn nàng đóng cửa hay mài mực cho chàng: “Ta muốn con bảo vệ Thang Càn Tự như bảo vệ ta. Nhưng một khi ta từ trong kinh gửi thư cho con, bất kể nội dung thế nào, con cũng phải giết y nhanh nhất có thể.”

Thế là cậu tham tướng mới thanh tú như một thiếu nữ gật đầu, nói với vị chủ soái chừng như bâng quơ: “Số trời khó lường, lại chẳng thế ư.”

Ba mùa xuân hạ thu ở Hoàng Tuyền Quan quá ngắn, thay đổi rõ ràng, chỉ duy mùa đông là dài đằng đẵng không có lấy một ngày hửng nắng. Tuyết rơi một cái là không ngừng lại được, cái nắp tuyết trên đỉnh núi dần lan xuống sườn núi xanh lam, nhìn từ xa nom như có loài hoa trắng nở vội trên non ngàn. Mùa đông năm nay tới nhanh mà khắc nghiệt, có thể thấy sang xuân tuyết cũng sẽ tan muộn hơn bình thường.

“Năm nay e là phải đến tháng Tư tháng Năm chim di trú biển Minh Mông mới có thể bay qua quan.” Trương Thừa Khiêm nói. Xuân thu hằng năm, chim di trú một tới một đi đều phải bay qua Hoàng Tuyền Quan.

Trên đường từ Sương Hoàn đến Hoàng Tuyền Quan, Trương Thừa Khiêm từng chỉ cho Hải Thị xem biển Minh Mông. Người Đông Lục gọi nó là biển Minh Mông chỉ bởi ban đêm mặt nước mù sương, trăng mờ không tỏ, dân vùng ven thì mọi hồ nước bất kể mặn ngọt đều gọi chung là “biển”, thế nên gán cho nó một cái tên giản tiện. Thương nhân Ni Hoa La trông hồ này thì gọi là Thố Ngạc Mục Bác, “thố ngạc” tức “biển hồ”, “mục bác” mang nghĩa trong xanh. Người Hộc Khố thì gọi nó là Khố Khố Nặc Nhi – “khoảng biển xanh biếc”.

Trên đồng nội sa mạc, chuyện nhìn núi gần mà chạy chết ngựa chẳng phải là không có, biển Minh Mông kia nom thì tưởng cùng lắm chỉ dăm ba dặm đường, song muốn tới thật thì e rằng phải phóng ngựa chạy gần nửa ngày. Hải Thị lạnh nhạt buông câu: “Tôi không thích nước.” rồi cũng không đi. Có điều, trong khói mù xa xa có thể thấy được một vũng sắc nước tăm tối, cũng chẳng biết đã đóng băng hay chưa. Từ sau năm bảy tuổi, nàng chưa từng thấy lại biển lần nào. Nước phương bắc có mênh mông bát ngát thế nào đi chăng nữa cũng vẫn có bến bờ còn biển thì không. Kí ức nước biếc mặn chát vô biên vô tận đè nặng trong lòng, làm nàng thường xuyên gặp ác mộng bừng tỉnh giữa đêm, nếm mồ hôi lạnh giăng đầy bên mép mình, là vị của nước biển.

Tương truyền vượt ra sau núi Bì La rồi đi thêm ba ngàn bảy trăm dặm nữa theo hướng tây, vào sâu trong bình nguyên đất đông cứng của Thương Châu, ở vùng cực bắc còn xa xôi hơn Băng Viêm Địa Hải, dưới núi Thiên Trì có một hồ nước rộng hơn biển Minh Mông, tên là biển Bột Khách Nhi, là đất chim di trú mùa hè tụ tập, cũng là nơi thần rồng ẩn cư. Theo truyền thuyết, thời tiền triều từng có dân thường Lan Châu bị gió lốc cuốn thẳng đến tận biển Bột Khách Nhi, khi bị cuốn đi, người nọ còn chưa tới mười chín tuổi, lúc trốn thoát trở về thì đã là ông lão tuổi gần thất thập, ngón cả bàn tay bị đông cứng rốt ráo, chỉ còn lại hai đốt, trông như bàn tay con rối bị tháo rời. Mà trong tưởng tượng của người Đông Lục thì cái gọi là cực bắc cũng chỉ đến Hoàng Tuyền Quan mà thôi.

Dãy Bì La chạy đến Hoàng Tuyền Quan thì đột ngột tách ra hai nhánh, gọi là dãy Đông Bì La và Tây Bì La. Vị trí dãy Tây Bì La thiên bắc, phía nam chân dãy có một dòng suối không đóng băng, sông Bì La bắt nguồn từ đó, chảy về hướng nam, cuối cùng nhập vào biển Minh Mông. Thế nên nơi hai ngọn núi tuyết chót vót vờn mây giao nhau bị xói mòn thành một cái lũng hẹp hình chữ “Chi (之)”, mà từ đầu nguồn suối Không Đông đi lên bắc thì có một khe núi hiểm trở nối thẳng ra Hồng Dược Nguyên ngoài đèo. Đó cũng con đường duy nhất có thể thông hành nam bắc trên dãy núi Bì La gần hai ngàn dặm. Tuy nói là thung lũng và khe núi nhưng vẫn cao hơn đất bằng ba trăm trượng, nếu có người dẫn đường đi quen thì một ngày đêm là vượt được. Sông Bì La chảy đến thung lũng dãy Đông Bì La thiên nam thì đổi dòng lặn xuống đất, đến chân núi lại nổi lên, chỉ để lại trên mặt đất một đoạn sông cạn dài hơn bốn mươi dặm đã xói mòn vào bốn vạn năm trước. Hoàng Tuyền Quan tọa lạc trên đoạn sông cạn ấy, chặn ngay tại tuyến giao thông quan trọng này, trở thành một cửa ải vững chắc khó công mạn tây bắc nhà Trưng. Qua đến phía sau dãy Bì La chính là vùng đất bằng phẳng Hãn Châu, đi thuyền xuôi nam, hơn hai ngàn một trăm dặm về phía đế đô ít có bình phong hiểm trở nào nữa, một khi Hoàng Tuyền Quan thất thủ, Hãn Châu tây bắc sẽ lập tức toang hoác cửa vào, các quận Đông Lục lâm vào thế nguy, có thể thấy được tầm quan trọng của Hoàng Tuyền Quan.

Hải Thị đứng trước đại doanh dưới chân núi, ngẩng đầu nhìn lên. Khe núi men sông quanh co đi lên, trong bóng đêm đốt mấy chục ngọn lửa sáng như minh châu. Theo lời Trương Thừa Khiêm, cứ mỗi ba canh giờ lại có hai trăm binh lính luân phiên trực ở cửa quan đợi lệnh, ngoài ra còn có một số trạm gác rải rác trên con đường mạn bắc.

“Năm nào người Hộc Khố được mùa cỏ nước sung túc thì có cầm roi đuổi chúng cũng không chịu dời bước xuống nam. Nhưng nếu năm ấy hạn hán, đóng băng, gia súc dính phải bệnh dịch thì bọn chúng… y hệt châu chấu vậy.” Trương Thừa Khiêm lắc đầu.

Vài đứa trẻ áo quần rách rưới cười đùa chạy lướt qua bên Hải Thị, vòng quanh chân lính gác cổng đại doanh lôi kéo túm bắt, kẹp anh lính gác vào giữa, đẩy anh ta cơ hồ ngả nghiêng. Anh lính canh mặt mày tươi cười, mắng yêu đám trẻ lam lũ, cho mỗi đứa một cước khẽ khàng. Hải Thị nghe đám trẻ xổ toàn tiếng man di xa lạ, lấy làm ngạc nhiên: “Nửa đêm nửa hôm sao trong quân doanh lại có trẻ con?”

Trương Thừa Khiêm chỉ lắc đầu, “Mấy người tóc đen mắt đen kia đều là người Già Mãn cả đấy, nghe nói năm nay xảy ra nạn tuyết, đói rét khổ cực quá bèn liều chết chạy tới chỗ chúng ta, mấy ngày nay đã đến vài tốp rồi.”

“Cứ thế nuôi trong doanh?”

“Sao lại nói thế, hiện giờ tuyết đang sâu, chỉ đành giữ họ lại trước, đợi được chừng ngàn người rồi thì đưa hết sang Thủy Tỉnh Đồn dạy họ kiếm sống.”

Đương trò chuyện, trên quan vọng xuống tiếng hô hoán, trên đỉnh núi có người khua đuốc. Trương Thừa Khiêm nheo mắt nhìn, “Đấy, lại một tốp nữa tới rồi. Cậu nhìn bó đuốc kia đi, trước dựng thẳng một lần có nghĩa người tới không phải địch, sau quay ngang sáu lần tức là tới sáu trăm người.”

Hải Thị lại nhíu chặt mày thả chậm bước chân, tập trung nhìn khúc sông Bì La vòng qua trước doanh trại. Đầu bếp dẫn phụ bếp đục mặt băng ven bờ, thả thùng xuống múc nước, lúc này chẳng biết tại sao lại nổi nhốn nháo.

“Sao thế?” Trương Thừa Khiêm phát hiện ra Hải Thị không đi cùng, quay đầu lại thấy cậu ta đứng bên cạnh nhóm phụ bếp.

Vị đồng liêu thiếu niên của gã chạy vội tới, chìa món đồ ướt sũng trong lòng bàn tay trái ra cho gã xem. Đó là nửa tấm mộc bài, vì sử dụng quanh năm nên đã bị sờ vuốt đến nhẵn nhụi đen bóng, vốn có khắc chữ, hiện giờ chỉ nhận ra được là nửa chữ “Tuyền (泉)”.

“Trương huynh, đây là…”

Trương Thừa Khiêm biến sắc, “Đây là lệnh bài của người trực trông coi nguồn suối!”

“Đường lên quan nhất định phải đi qua suối Không Đông ạ?”

“Phải… nhất định phải qua.”

Trương Thừa Khiêm quay đầu hạ lệnh cho binh sĩ gác cổng, “Đốt lửa làm hiệu, bảo bên trên không được mở cửa ngăn cho người vào.”

“Tôi dẫn mấy người lên trước!” Dứt lời, Hải Thị quay đi chạy về phía lều trại của mình.

“Gượm đã!” Trương Thừa Khiêm gọi thiếu niên lại, “Cậu dẫn mấy người lanh lẹ từng trải đi cùng, lên lầu treo đợi trước, mang nhiều tên theo chút.”

“Vâng!” Hải Thị đã chạy xa, tiếng cậu thiếu niên như chuông bạc xuyên qua màn đêm.

“Đừng có cứ thế chết mất đấy nhé.” Trương Thừa Khiêm chạy vào trung quân, nhủ thầm.

Hải Thị vừa guồng chân vừa lặng lẽ lau bàn tay phải vào vạt áo, nhờ thế ánh sáng trắng ngọc trong lòng bàn tay mới dần giảm bớt, cuối cùng biến mất.

Nhóm Hải Thị chạy vội một đường, không đến nửa giờ đã tới cửa quan. Tham tướng trực ban Phù Nghĩa là một người đàn ông đen gầy tháo vát tuổi chừng bốn mươi. Nghe Hải Thị vội vã thông báo dị trạng, chỉ thấy lông mày Phù Nghĩa càng nhíu càng chặt, im lặng không nói.

“Phù đại nhân?” Hải Thị hơi cau mày, dưới mũ giáp, đôi mắt trong vắt sáng rực nhìn chằm chằm Phù Nghĩa.

“Phương đại nhân, mời ngài nhìn sang bên kia.” Phù Nghĩa nói vậy, liền có binh sĩ nhường chỗ cho họ đi tới cạnh mắt tên.

Hải Thị ghé mắt nhìn xuyên qua mắt tên to chừng bàn tay, không khỏi hít khẽ một hơi.

Hoàng Tuyền Quan xây theo dáng núi, mặt tiền rất hẹp, nhưng cao và rất dốc, như một cánh cửa trên con đường chữ “Chi”. Ra khỏi quan bắc, phía đông là Già Mãn, phía tây là Hộc Khố, phóng mắt ra xa nhìn không tới biên giới hai nước, chỉ toàn đồng hoang. Đại Trưng lập quốc sáu trăm bảy mươi tư năm chưa bao giờ phạm bắc. Xây cửa quan này vốn để thông thương nên ban đầu khổ cửa còn khá rộng rãi, nhưng cũng chỉ đủ cho vỏn vẹn hai người cùng qua.

Hộc Khố lập quốc cũng mới hơn ba trăm năm, vào khoảng giữa thời trị vì của hai vị tiên đế Đế Trang và Đế Vô. Thời nhà Đoan, khí hậu phía bắc núi Đồng Vân khu vực Ninh Châu gần Hãn Châu biến hóa khắc nghiệt, một chi tộc Man tự xưng là Hộc Khố bị buộc phải rời khỏi cố hương đã định cư mấy đời của họ, từ đó lưu lạc du mục trên thảo nguyên Hãn Châu. Trong truyền thuyết Hộc Khố, bộ tộc của họ là hậu duệ thiên mã, mà thiên mã thì là con gái của rồng, trong tiếng họ, “Hộc Khố” mang ý “cháu rồng”. Những bộ tộc khác trên thảo nguyên lại khinh miệt gọi họ là “Bặc Bột Lạc” – ngựa lừa tạp chủng, thậm chí còn không thể coi là một chi tộc Man. Nhưng bộ tộc lang thang tứ xứ này lại như một con sói cô độc xa bầy, lặng lẽ trưởng thành. Họ rời cố hương được bốn trăm năm thì Ba Lam vương thống lĩnh Hộc Khố, trở thành một trong số ít những bộ tộc hùng mạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay tại thảo nguyên. Có người nói, dòng máu chảy trong huyết quản Ba Lam vương là máu đồng đen, máu lũng thẳm của nhà Bạc Tô Nhĩ, ông ta giáng thế là để thu hoạch mạng người, như nông dân Đông Lục thu hoạch thóc gạo vậy. Dĩ nhiên chung quy đó chỉ là tin vịt, họ Mạt Tô Nhĩ đất Thanh Dương sa sút từ rất sớm sau cái chết của Chiêu Vũ công Lã Quy Trần, đến nhà Đoan thì đã suy vong đến chẳng biết đi đâu. Trong thời đại Ba Lam vương, lãnh thổ triều Đoan ở Đông Lục mở rộng đến phía nam dãy Bì La, sau khi Hộc Khố bộ càn quét Hãn Bắc, thôn tính Tả Kim bộ, Thuần Chi bộ thì tiếp tục cử binh xuôi nam, định đánh vào Hoàng Tuyền Quan. Từ đó về sau, để dễ thủ, Hoàng Tuyền Quan xây lại cửa ngăn quan ải chỉ cho một người dắt ngựa qua cửa.

Mà trước mắt, trên lối đi chật hẹp tuyết đọng, từng cụm bóng đen thui lảo đảo đang khom lưng, yên lặng dồn đống dày đặc, đội ngũ xếp hàng kéo dài không thấy điểm cuối trong bóng tối hun hút. Thỉnh thoảng, một vài gương mặt trong đám người ngửa lên, mặt mày trắng bệch, nhìn lên lầu thành, dường như cũng chẳng ôm hi vọng gì, lại cúi xuống chìm vào bóng đen.

“Những người đó thật sự là nạn dân Già Mãn, tóc đen mắt đen. Người Hộc Khố tóc vàng mắt xanh, là một chi đặc thù trong tộc Man, liếc mắt có thể nhận ra ngay, thế này là muốn lợi dụng người Già Mãn làm tấm mộc.” Phù Nghĩa vừa nói vừa đứng dậy, cầm mũ giáp để bên tay lên.

Trên thang lầu vọng lại tiếng bước chân, vài tay hiệu úy chạy tới, truyền lệnh của Thang tướng quân: “Mở cửa phía bắc, đẩy chúng ra ngoài.”

“Mở cửa bắc à…” Khuôn mặt Phù Nghĩa đen trọn một màu, đơn giản là không nhìn ra biểu cảm, “Bao giờ đại đội đến?”

“Bẩm Phù đại nhân, Đại Vương thiên kị và Tiểu Vương thiên kị dẫn bốn ngàn người, sau canh ba sẽ đến.”

Phù Nghĩa thở một hơi thật dài, đưa tay ra sau đấm lưng, khớp xương kêu răng rắc, “Mười ba năm không lên Hồng Dược Nguyên, xương cốt cơ thể cũng già rồi.”

Một tiếng kêu the thé nho nhỏ đập vào vách núi vang vọng trùng trùng, Hải Thị nhìn kĩ, dưới lầu thành, trong chiếc áo nỉ thủng lỗ chỗ của thiếu nữ Già Mãn mắt đen lộ ra một đầu dê be bé.

“Phương đại nhân, nghe nói ngài tinh thông đủ loại võ nghệ, trong đó thạo nhất hai ngón cưỡi ngựa và bắn cung. Năm nay đỗ thám hoa kỳ thi võ, trên trường thi kỵ xạ, tài nghệ áp đảo quần hùng, toàn trường đều phải trầm trồ tán thưởng.” Phù Nghĩa đi mấy bước, bỗng quay lại nói.

“Phù đại nhân khen lầm, là nhờ chúng bạn cùng khóa nhường cho mà thôi.” Hải Thị đáp.

“Vậy xin giao lầu treo cho Phương đại nhân. Gọi mấy xạ thủ thiện nghệ đi theo Phương đại nhân đi.”

“Vâng.” Hải Thị hành lễ, đứng dậy mau mắn chạy đi.

Thực chất, lầu treo cũng chẳng phải lầu gác gì, chỉ là vài hang động tự nhiên trên đoạn vách núi dài hai ba dặm từ bắc sang đông ở Hoàng Tuyền Quan, chỉ có một con đường kề vách dốc đứng từ trong quan thông lên đến được đó, có thể nhìn xuống từ trên cao. Nói là dùng làm lầu quan sát song kỳ thực, trên quan đã lâu không có chiến sự, căn bản chưa từng sử dụng đến. Bên trong tồn trữ tên bắn, nỉ thô, dầu trẩu và một chút lương thực nước uống, chẳng khác bỏ hoang là bao.

Hải Thị lĩnh hai mươi lính bắn cung leo lên lầu treo, ẩn thân trong hang động, nín thở chờ thời. Khe suối phía nam dần có vài tiếng vang khe khẽ, một đội nhân mã vòng ra, đều là áo trắng ngựa trắng, không tiếng động lao băng băng trên mặt tuyết sáng loáng rọi người, nhân số ước chừng một trăm năm mươi.

“Hay lắm, kéo gần một nửa Kỳ Lân Doanh ra.” Tay lính nằm sấp bên cạnh vừa bôi mỡ trâu lên dây cung, vừa thấp giọng nói. “Đám người Già Mãn kia không có đường sống rồi.”

“Chúng ta có thể làm gì đây?”

Người đáp lắc đầu: “Mùa đông năm nay, bọn Man Hộc Khố e là đói phát điên rồi, cửa ngăn mở rồi chỉ sợ không đóng lại được. Xưa nay trong binh thư chỉ dạy dùng trận trâu lửa chứ không dạy dùng người sống làm tấm mộc. Để đoạt được lương thảo đại doanh chúng ta, chuyện thất đức như vậy cũng làm được, suy cho cùng không thể trách chúng ta.”

Từ trên lầu treo đã có thể thấy lờ mờ bóng dáng kỵ binh Hộc Khố lặng lẽ cưỡi ngựa hướng nam, mà Kỳ Lân Doanh thì đã dàn hàng ở cửa quan, tiếp sau là hơn bảy ngàn nhân mã đứng cách Kỳ Lân Doanh tám trượng, dàn hàng ra ngoài năm dặm dọc theo khe suối uốn khúc nơi cửa ải hiểm yếu. Trước sau kẹp giữa hai hàng ngũ giáp sắt cao ngất chực chờ phát động, sáu trăm người Già Mãn rách rưới chỉ yên lặng co ro.

“Năm nay dân Man Hộc Khố đói hỏng đầu rồi, biết quan chúng ta có lương là y như sói đói đánh hơi được mùi máu, vào Thủy Tỉnh Đồn bị tiêu diệt sạch, giờ đến Hoàng Tuyền Quan cũng dám tấn công – cơ mà, nếu lòng vòng ba ngàn dặm từ phía tây đến tìm lương thực, chỉ sợ còn chưa tìm ra lương đã chết đói hết rồi.”

“Nhìn thế trận thế kia, chuyến này tới là để liều mạng đây.”

Trong hang động u tối lạnh lẽo, tiếng người liên miên như vô số bàn tay vô hình bủa vây. Hốt nhiên, Hải Thị cảm thấy giáp chốt bạc cài trước ngực sao mà chặt ghê gớm, ngột ngạt đến nghẹt thở.

Cửa ngăn sắt đen của Hoàng Tuyền Quan nặng nề nâng lên, mười sáu bản lề bằng đồng đều to bằng miệng chén, song chuyển động lại rất đỗi yên lặng.

Trong đám người Già Mãn nổi lên những tiếng xôn xao khe khẽ, con dê con trong ngực thiếu nữ thình lình giãy ra, bốn cái vó mảnh khảnh gõ tiếng lanh lảnh, bước lên mặt tuyết. Con dê toàn thân trắng phau, trên mặt, một đường từ trán tới mũi đen bóng lông măng, hình thể nhanh nhẹ, con ngươi đen láy, xem chừng là dê con lấy giống để chuẩn bị dựng bãi chăn nuôi nên mới ôm trong lòng cả một đường mang đến. Dê con tò mò đi về phía trước hai bước, ngó rừng chân ngựa trắng toát lộ ra sau cửa ngăn nâng lên. Cửa càng nâng càng cao, mấy trăm bộ giáp bắp chân sáng bạc chọc lóa mắt người trong ánh tuyết.

Dê con thò cái cổ non mềm ra, kêu be một tiếng. Một luồng kình phong từ trên trời giáng xuống đâm xuyên qua cơ thể thơ ấu của nó, bắn tóe một vũng màu lên mặt tuyết trắng như giấy. Từ đầu thành Hoàng Tuyền Quan và trong mắt tên, lính nỏ bắn tên như châu chấu bay. Một bàn tay nhuốm đầy máu tươi rờ về phía dê con, lại bị một mũi tên gào rít ghim vào mặt tuyết.

Một tiếng huýt còi vang lên, một trăm năm mươi kỵ binh Kỳ Lân Doanh xông ra như một con thuồng luồng màu bạc, giẫm qua tuyết bùn và thi thể bừa bộn, như một con sóng dữ ập vào hàng kỵ binh Hộc Khố đầu tiên đang giục ngựa vọt tới. Người Hộc Khố một tay vung đao khuyên tay, một tay cầm khiên, trên khiên lại lộ ra mũi dùi, linh hoạt mạnh mẽ. Thời Đế Trang, Đế Vô trị vì, quân trông giữ Hoàng Tuyền Quan đã chịu thiệt không ít ở mặt này. Sau đó Võ Khố Ti đặc biệt chế tạo thương năm thước rưỡi cho Hoàng Tuyền Quan, dài ngót nghét chiều cao một người đàn ông thấp lùn, thi triển trên đường núi chật hẹp cũng rất tự nhiên, lại sắc nhọn mẫn tiệp, có thể tấn công trực diện vào khe hở rất nhỏ giữa khiên và đao của người Hộc Khố. Thế tới của Kỳ Lân Doanh hung mãnh, xa xa thấy tuyết trắng tung bay, một vạt trắng bạc xộc lên hướng bắc, nơi bạch quang lướt qua, xác người xác ngựa của Hộc Khố chất đống trên đường núi, chưa đến nửa khắc, mười mấy hàng kỵ binh Hộc Khố trận thứ nhất đã bị chọc thủng đạp chết đa số. Người Hộc Khố đằng sau cao giọng quát tháo, trận thứ hai tiến lên nghênh đón, trong Kỳ Lân Doanh lại vang một tiếng huýt còi, hơn trăm cây thương năm thước rưỡi rướm máu đồng loạt chĩa ra trước, đánh thốc vào trận, quấn lấy nhau quần thảo.

Lầu treo nằm ở phía bắc cửa quan, đối diện ngay sau lưng quân tiên phong Hộc Khố, tạo thành thế giáp công với cung nỏ trên thành.

Hải Thị quỳ một chân tại cửa hang lầu treo, mò từ bên hông ra một chiếc phàn chỉ bằng vàng nạm lưu li xanh nhạt, ngắm nghía tỉ mỉ rồi đeo lên ngón cái. Chiếc phàn chỉ này vốn dành cho nam giới, nàng đeo chê to, bèn lấy tơ xanh quấn lại như con gái khuê các bình thường quấn nhẫn vậy.

“Tên xuyên giáp.” Hải Thị vừa nói vừa hà hơi lên dây cung, một tay lấy ra ba mũi tên xuyên giáp lông diều hâu, kẹp vào giữa bốn ngón tay, ngón cái vững vàng giương căng cây cung sáu thạch, ngắm vào sau lưng trận thứ ba của Hộc Khố.

“Bắn.”

Phàn chỉ

“Bắn ngã trận thứ năm, chúng ta thay Kỳ Lân Doanh mở con đường này. Thay nhau bắn liên tục, ta không hô ngừng không ai được phép dừng lại.” Thiếu niên võ tướng trầm thấp ra lệnh, hai mươi mốt cánh cung sáu thạch im lặng giương căng.

“Bắn!”

Tiếng dây cung loong coong như mưa rào rạch nát bầu không, người Hộc Khố bị kẹt trên đường núi không sao né tránh, hơn trăm người trận thứ ba tư năm đầu nam bị cơn mưa tên từ trận chính phía bắc chặt đứt, hứng chịu đợt tấn công như thủy triều màu bạc của Kỳ Lân Doanh, trận hình càng lúc càng mỏng, mà màn mưa tên vẫn chưa chịu dừng lại.

Đợi đến khi Hải Thị quát tiếng “Dừng”, hơn trăm người Hộc Khố chỉ còn lại vỏn vẹn hàng cuối, bị quân tiên phong Kỳ Lân Doanh chém đổ như cắt hoa màu cuối thu.

Tai Hải Thị chợt lạnh buốt, một cung thủ bên cạnh ôm vai, trên đất rơi rớt một mũi tên lông hải đông thanh người Hộc Khố thường dùng, hiển nhiên đã bị tên bắn trầy da.

Con đường dưới lầu treo đã phủ kín thi thể và loạn tiễn, bèn đưa mắt lên bắc, nhưng vì tầm nhìn lầu treo có hạn nên không thấy được gì. Nàng mạo hiểm thò đầu ra khỏi cửa hang lầu treo dõi mắt về phía bắc, thấy trong trận chính của người Hộc Khố, vài tay cung thủ đang bắn loạn tiễn lên lầu treo, ngoài ra còn có mười mấy lính bắn cung bày trận phía trước, giương cung nhắm vào Kỳ Lân Doanh đang từng bước sấn tới. Mà bên Kỳ Lân Doanh chuyến này ra trận là để cận chiến nên không trang bị khiên chắn, mắt thấy ắt phải chịu tổn thất trầm trọng.

“Hai người các anh nắm chặt chân tôi.” Hải Thị khẽ nghiến răng, co người, ngồi quay lưng về phía cửa hang, nói với hai cung thủ kề bên. Bản thân nàng thì ngậm ba mũi tên trong miệng, giữa các ngón tay kẹp thêm ba mũi, tay trái cầm cung, ngả người buông thõng lên vách đá ngoài động, treo ngược mình bắn liên hoàn ba mũi tên vào đám cung thủ trong trận chính của Hộc Khố, đều bắn không đích. Giữa chừng nàng đã sớm trông thấy một cung thủ thân hình cao lớn cường tráng trong trận, giáp trụ cũng đặc biệt bắt mắt, nghĩ là cung thủ đầu mục, bèn gỡ ba mũi tên cắn giữa răng xuống, thế như sao rơi bắn một mạch về phía kẻ nọ. Tên Hải Thị dùng có hơi chú ý, đầu tiên là hai mũi xuyên giáp, tiếp đến là một mũi lấy máu, dự tính đâm xuyên qua điểm yếu liên kết giữa giáp trụ rồi dùng tên lấy máu có rãnh bắn trọng thương địch nhân. Nàng vừa ngồi dậy thì nghe tách tách mấy tiếng, tên của người Hộc Khố liên tiếp đập lên vách đá. Hải Thị quay đầu lại nhìn, chỉ thấy cung thủ cao to kia nắm ba mũi tên đâm cùng một chỗ trên cổ họng, gầm một tiếng rút ra, xa xa trong ánh tuyết nhìn không rõ, nhưng thấy người vây quanh hắn lùi lại hai bước, hẳn là bị máu phun đầy mặt.

Hải Thị nhân loạn một lần nữa treo ngược người, cũng bất chấp loạn tiễn tung bay, chớp nhoáng bắn liên hoàn, cung thủ trong trận Hộc Khố lần lượt hét lên rồi ngã gục.

“Phương đại nhân!” Binh sĩ trên lầu treo hô hoán, hoảng hốt đến lạc giọng.

Nàng vừa dời mắt, một mũi tên đang phá không phóng tới, nháy mắt đã đến trước mặt, không thể tránh né, đến ba gờ rãnh máu trên đầu mũi tên cũng trông thấy rõ ràng.

Nàng trợn trừng đôi mắt sáng đẹp.

Cung thủ trên lầu treo nhìn xuống, chỉ có thể thấy cái cằm nhọn xinh xắn của Hải Thị ngước lên, mũi tên kia vững vàng găm giữa khuôn mặt treo ngược của nàng, thân tên rung ong ong không dứt.

Lúc này, quân tiên phong Kỳ Lân Doanh đã đụng độ với trận chính của Hộc Khố, bộ binh theo sau xông ra, nhất thời trên lối đi rộng không quá một trượng lổn nhổn nhân mã chém giết lẫn nhau, mà gã thanh niên bắn mũi tên trong trận kia thì vẫn giẫm bàn đạp dong dỏng đứng trên yên ngựa, nhìn lên lầu treo rồi mới tung mình xuống ngựa, lập tức có người mang thi thể cung thủ đầu mục chết khi trước tới. Gã thanh niên đưa tay lột mũ giáp của người chết xuống, nắm mớ tóc vàng của người đã chết, rút bội đao chặt đầu lâu xuống, giơ chiếc đầu lâu lên trước mắt hôn ba cái, lại nghe tùy tùng bên người la hét, ngước mắt nhìn, thấy một mũi tên dài bắn vọt tới, sắc mặt thoắt biến. Trong nháy mắt ấy, một người đàn ông áo bào trắng từ bên cạnh lao vội ra chắn trước gã thanh niên, chìa tay ra cản như không muốn sống nữa. Mũi tên lông hải đông thanh sượt qua lòng bàn tay y, vang tiếng vàng đá leng keng, rơi bật xuống đất. Trong trận Hộc Khố rộ lên tiếng xôn xao, tay bào trắng không mảy may thương tích, thản nhiên lùi về sau một bước, đứng hầu bên ngựa thanh niên. Thanh niên ngẩng đầu trông về đằng xa, mũi tên dài trên mặt cung thủ Đại Trưng treo ngược đã biến mất, lại nhìn kĩ mũi tên vừa bị cản mới rồi, chính là cái hắn bắn khi trước. Hẳn là cung thủ Đại Trưng đã miễn cưỡng dùng răng cắn mũi tên tới rồi thừa dịp hắn không phòng bị, rút ra bắn trả.

Nụ cười nở trên bờ môi dính máu của thanh niên Hộc Khố, hắn ngạo mạn ngoắc ngoắc ngón tay về phía vách núi rồi nhanh chóng treo đầu người lên sau yên, thét lệnh binh sĩ yểm hộ, chuyển ngựa dẫn đội quay đầu, biến mất ở khúc ngoặt phía bắc đường núi.

Hải Thị liếm răng cửa, nhổ ra một ngụm máu, nói: “Tên nam nhân này cổ quái quá, như dùng bí thuật gì vậy. Chúng ta phải nhanh chóng đuổi theo.”

“Phương… Phương đại nhân…” Một cung thủ tuổi xấp xỉ Hải Thị mấp máy môi, đứt quãng gọi.

“Sao vậy?” Hải Thị đeo cung lên lưng, ứng tiếng.

“Người Hộc Khố dựng cờ đen rồi, vương giả tử trận mới dựng cờ đen… Tôi nghe nói, họ không chôn cất mà vứt thi thể tại chỗ cho linh cẩu kền kền rỉa thịt, chỉ có phiên vương các bộ chết trên chiến trường mới mang đầu về hạ táng cùng thân thể làm bằng vàng…” Cậu cung thủ không cầm được toét miệng cười, đôi môi nhợt nhạt nứt da ứa ra từng vết máu, “Phương đại nhân, ngài đã bắn chết một vị vương đấy, một vị vương đấy!”

Người Hộc Khố tựa hồ chẳng hề ham chiến, gióng trống khua chiêng tới tấn công, lúc rút lui cũng mau như thủy triều. Hải Thị chạy như bay từ trên lầu treo xuống, giành lấy một con ngựa, không ngừng đuổi lên phương bắc, lẫn trong đại đội đuổi theo ra ngoài hơn hai mươi dặm, trước mắt đã hết đường, bèn lội ngược dòng suối đi lên, vòng qua chân núi Đông Bì La, leo lên núi Tây Bì La, chạy trọn ba mươi hai dặm khe suối đến suối Không Đông đầu nguồn sông Bì La. Từ đầu nguồn lại hướng lên bắc mới tới một lối khe nhỏ. Gần trưa hôm sau, rốt cuộc Hải Thị cũng bắt kịp bộ Phù Nghĩa dẫn đầu truy kích. Người Hộc Khố rút lui tuy nhanh nhưng không cắt đuôi bộ Phù Nghĩa ngay được, chỉ đành mặc họ không nhanh không chậm bám theo.

“Phương đại nhân thật tinh mắt, người Hộc Khố xưa nay không dùng nghi trượng, gã Tả Bồ Đôn vương kia lẫn trong đám đông, không ai nhận ra.” Phù Nghĩa chậm rãi nói, “Gã vương ấy dũng mãnh hiếu chiến, ba ngàn người tập kích Thủy Tỉnh Đồn cũng là bộ hạ của hắn, vốn để chúng đánh tiên phong dẹp đường, đại quân bám sát theo sau, ai ngờ hắn lại tự quay ngoắt sang đánh vào Hoàng Tuyền Quan, bỏ mặc ba ngàn người chẳng hay biết gì ở Thủy Tỉnh Đồn coi như đánh nghi binh. Giờ hắn chết rồi, Tả Bồ Đôn vương mới là em trai khác mẹ của gã vương cũ, nghe thám tử nói vốn cũng chẳng hòa thuận gì nên lập tức hạ lệnh lui binh.”

Trong trận Hộc Khố đã không còn cờ xí xanh biếc ban đầu, tung bay trên đầu mỗi đội là tấm vải gai đen tuyền.

“Đó chính là Tả Bồ Đôn vương mới.” Phù Nghĩa chỉ vào một thanh niên được bảo vệ tầng tầng lớp lớp cuối hàng ngũ Hộc Khố. Bóng người gã thanh niên ấy được lá cờ tang phấp phới che khuất, nhìn không rõ được, bắt mắt nhất là một cái đầu người, mái tóc vàng bện thành dây treo ở sau yên, lắc lư theo nhịp đạp tuyết của con ngựa ô vân.

Hải Thị khẽ nhíu mày, giục ngựa dấn lên hai bước. Lúc này, người Hộc Khố đã đi tới cửa ra khe núi, có thể mơ hồ trông thấy cánh đồng tuyết cực bắc mênh mông. Vừa quẹo qua nơi đầu gió, gió lớn lẫn tuyết cát quét tới, lá cờ tang xoạt một tiếng hất cao lên không trung. Trong chớp mắt đó, kẻ nọ vừa vặn hơi nghiêng mặt, để lộ một đường nét cao sâu khôi ngô. Hải Thị như bị nhét một vốc tuyết vào giữa ngực, kinh hoàng hoảng sợ. Đó là đường nét nàng đã nhìn suốt mười năm, tuyết đối không có khả năng nhận lầm.

“Trạc Anh!” Nàng lẩm bẩm.

Người nọ như nghe thấy tiếng Hải Thị, quay đầu lại, hé một nụ cười khiêu chiến, lại lần nữa ngoắc ngoắc ngón tay. Mũi cao, mắt sâu, mày rậm, gương mặt giống Trạc Anh như đúc, chỉ khác mỗi đôi mắt lấp lánh xanh lam. Thanh niên mắt lam cởi mũ giáp xuống, buông xõa mãi tóc vàng rực rỡ, cất cao giọng ra lệnh bằng tiếng Man, người Hộc Khố đồng thanh đáp lời, bỗng nhất tề giương roi quất ngựa, cấp tốc lao xuống núi. Mấy đội xông ra khe núi trước bày trận trên cánh đồng tuyết, chặn kín miệng khe yểm hộ, còn lại phi thẳng lên phía bắc không buồn ngoảnh đầu, sau khi toàn bộ rời khe núi, mấy đội yểm hộ hình cánh lúc đầu lập tức đổi trận, nhập vào đội chính, mấy ngàn nhân mã tung tuyết bụi cuồn cuộn, thoắt cái đã mất dạng nơi chân trời phương bắc.

“Đó chính là Hồng Dược Nguyên.” Phù Nghĩa ghìm cương ngựa, giơ chuôi roi vẽ một vòng trong không trung, khoanh cánh đồng tuyết phía bắc khe núi vào trong.

Trên Hồng Dược Nguyên mùa đông đọng tuyết, mùa hè hoang vu, chưa từng nở một đóa thược dược đỏ nào, tên đặt vậy là theo Hồng Dược đế cơ. Hồng Dược vốn là con gái tông thất, cũng là chị gái khác mẹ của tiếm vương Chử Phụng Nghi dấy binh nổi loạn, năm xưa hòa hiếu kết giao với Hộc Khố, đến năm ba mươi hai tuổi đã được gả qua tay ba phiên vương, rất có quyền thế. Mười bốn năm trước Chử Phụng Nghi bại trận chạy lên phía bắc, vượt Hoàng Tuyền Quan vào biên giới Hộc Khố, Hồng Dược đế cơ phái quân tới đón, khi ấy Đế Húc chưa lên ngôi cũng dẫn quân truy kích đến đây, quyết chiến bốn ngày năm đêm, giết địch hơn năm vạn, diệt sạch quân phản loạn, quân Hộc Khố tổn hại nặng nề, Cố Đại Thành trong Lục Dực Tướng chặt được đầu Chử Phụng Nghi, Hồng Dược đế cơ thì bị giẫm chết trong loạn quân, chỉ thu được đôi ba mẩu chân tay cụt. Sau trận chiến đó, hai mươi dặm bùn tuyết đồng bằng trộn lẫn máu thịt đỏ đen, năm sau gặp phải thời tiết ấm áp dị thường, trên Hồng Dược Nguyên lại mọc lên một lớp cỏ xuân mỏng tang, gia súc không ăn, người già gọi đó là cỏ xác thối.

Thời thế những năm ấy như một cơn sóng dữ vĩ đại bạc tình, ngòi bút sử quan ung dung gẩy ra một gợn sóng nhẹ, chính là mấy ngàn mấy vạn mạng người.

“Mỗi thanh minh, trên hai mươi dặm Hồng Dược Nguyên chỉ toàn là phụ nữ và trẻ con tới tế bái.” Phù Nghĩa thoáng dừng rồi tiếp: “Mười bốn năm, hiển nhiên phụ nữ đã già đi, trẻ con cũng lớn lên. Thế đạo cũng đã đến lúc yên ổn rồi.”

Lúc trở lại quân doanh, đã không còn thấy một đứa trẻ Già Mãn nào chạy nhảy nữa. Đêm ấy, người Già Mãn trong doanh mãi không thấy đồng bào vào quan, lại phát hiện ra đại quân lên núi, nhao nhao loạn lên, cuối cùng thiệt mạng toàn thể. Song, dẫu không loạn nhao nhao, họ cũng chẳng có đường sống.

“Dù sao cũng không thể để họ ra ngoài loan truyền khắp nơi là chúng ta thấy chết không cứu được.” Gương mặt Phù Nghĩa đen thui trống rỗng, vẫn chẳng nhìn ra được chút biểu cảm nào.