Hồi Đáo Lê Triều

Chương 8: Bắt Đầu Những Âm Mưu



Quay ngược thời gian trở về lúc nhà Lê chưa lập quốc.

Đại Việt sau khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, ở vùng Lam Sơn có gia tộc họ Lê mấy đời làm hào trưởng một vùng, gặp lúc đất nước bị xâm chiếm, Lê Lợi – hào trưởng đương nhiệm cũng được chiêu dụ ra làm quan cho giặc nhưng ông từ chối, lui về ẩn mình nơi núi rừng làm nghề cày cấy, tự học kinh sử, binh thư.

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, quân Minh đã thiết lập được sự cai trị trên đất Đại Việt. Lúc này, Lê Lợi cũng tự xưng Bình Định Vương, cùng hơn năm mươi quan cả văn lẫn võ phất cờ khởi nghĩa. Buổi đầu, nghĩa quân lực lượng còn non yếu, nhiều lần bị quân Minh vây hãm phải cố thủ ở núi Chí Linh, quân lương cạn kiệt, tình thế vô cùng nguy khốn..

Nguyễn Công Duẩn vốn là một trong hơn hai trăm dũng sĩ đầu quân từ lúc nghĩa quân mới thành lập, ông tuy đã có vợ con, gia đình thuộc hạng phú hộ ấm no nhưng đã dám bỏ lại cuộc sống an nhàn để đi dẹp giặc cứu nước.

Nguyễn Trãi có cha là Nguyễn Phi Khanh, con rể của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán nhà Trần. Khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ lập nên nhà Hồ, Nguyễn Trãi tham gia dự thi, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi làm quan dưới triều Hồ với chức Ngự sử đài chính chưởng. Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc. Biết được Nguyễn Trãi là người tài năng vượt trội, Nhà Minh nhiều lần buộc Nguyễn Phi Khanh viết thư chiêu dụ ông về làm quan nhưng Nguyễn Trãi thà mười năm phiêu dạt, lẫn trốn khắp nơi cũng không ra đầu hàng cho giặc. Trong dân gian có giai thoại rằng, trong lúc lưu lạc khắp nơi, lấy bốn bể là nhà, Nguyễn Trãi một lòng tìm kiếm và chờ đợi vị minh chủ cứu nước xuất hiện. Một đêm nằm mộng, ông gặp một vị thần đứng trước mặt nói "Thái Tổ họ Lê". Tỉnh dậy Nguyễn Trãi bèn tìm đến xin yết kiến Lê Lợi.

Lại nói về Nguyễn Công Duẩn, lúc bấy giờ ông theo nghĩa quân được tròn bốn năm, lòng đầy nhiệt huyết nhưng chưa gặp cơ hội để chứng tỏ tài năng với Lê Lợi, thời gian đã dài nhưng vẫn là một dũng sĩ bình thường chưa có chiến công gì đáng kể. Gặp lúc nghĩa quân lương thảo cạn kiệt, quân giặc bủa vây tứ phía, lại nhớ nhung vợ con, ông nhất thời thoái chí, giữa đêm định đào ngũ trốn về nhà. Lúc bỏ trốn, Nguyễn Công Duẩn bị nghĩa quân phát hiện và truy bắt. Nguyễn Trãi lúc đó cũng đang cùng các tướng sĩ đào củ mài làm quân lương, tình cờ phát hiện ra Nguyễn Công Duẩn nấp ở hang đá, ông hết lời khuyên ngăn và hiến kế rằng:

- Gặp lúc cơm áo không đủ, nhớ thương gia quyến, nản lòng thoái chí là chuyện thường tình. Nhưng là bậc nam tử sao có thể dễ dàng kết thúc sinh mạng một cách tầm thường như vậy. Cứ nói là ngươi đang dẫn đường cho ta về quê nhà để lấy quân lương do ngươi tự nguyện tiến cống. Trước mắt sẽ thoát tội giữ mạng, mai này sẽ có dịp hoàn thành chí nguyện.

Nguyễn Công Duẩn nghe khuyên có lý, bèn thật sự làm theo. Ông về nhà tự nguyện mang hết gia sản, thóc gạo cống nạp cho nghĩa quân, lại nhờ Nguyễn Trãi hiến kế dùng uy tín của gia đình phú hộ vận động nhân dân hỗ trợ và nuôi giấu nghĩa quân. Cũng vì thế Nguyễn Công Duẩn lập được công lớn, sau này được Lê Lợi hết lòng trọng dụng. Từ đó, ông luôn xem Nguyễn Trãi là ân nhân có công tiến cử, nhất mực trung thành với Nguyễn Trãi và Lê Lợi. Về sau, khi Lê Lợi dẹp yên giặc Minh lên ngôi vua, Nguyễn Công Duẫn được liệt vào hàng công thần khai quốc, con trai của ông là Nguyễn Đức Trung lúc đó cũng nối nghiệp cha làm quan cho triều đình.

Sau khi Thái Tổ Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên ngôi và đột ngột qua đời khi mới hai mươi tuổi tại Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi. Sự việc chưa được điều tra rõ thì triều đình lúc ấy do Tuyên Từ thái hậu nắm quyền, đã khép cho ông tội giết vua (*), chịu án tru di tam tộc, nữ thì bắt làm nô dịch, nam thì chịu án tử hình, Nguyễn Đức Trung lúc đó đã nhớ lời dặn báo ơn của cha là Nguyễn Công Duẩn, nên âm thầm nửa đêm cho quân cướp ngục. Tiếc thay, do cấm vệ quân người đông thế mạnh, ông chỉ cứu được hai người thiếp thứ tư, thứ năm của Nguyễn Trãi, lúc đó cả hai bà đều đang mang thai. Một tháng sau, phu nhân của Nguyễn Đức Trung và người thiếp thứ năm của Nguyễn Trãi cùng sinh ra con gái. Nhưng bất hạnh là bà thiếp ấy sinh xong đã đèn cạn dầu khô mà qua đời. Nguyễn Đức Trung công bố với người đời rằng phu nhân của ông mang song thai, sinh được hai người con gái. Bà thiếp thứ tư lo sợ mình sẽ sinh ra con trai, khó thoát khỏi bị triều đình truy bắt nên đã theo sắp đặt của Nguyễn Đức Trung trốn về quê ở Thanh Hóa ở ẩn.

Ngày Nguyễn Trãi bị hành hình, Nguyễn Đức Trung cải trang làm thường dân, bế theo Thu Hằng đến pháp trường, mong Nguyễn Trãi sẽ yên tâm mà về nơi chín suối..

* * *

Thu Hằng rời khỏi Huy Văn Tự, bước đi vật vờ như một cái bóng.

- Thu Đào! Tại sao? Tại Sao ta suốt đời đều phải thua kém tỷ? Những tưởng ta cũng có thân phận cao quý, cũng là trâm anh khuê các như tỷ? Tại sao tỷ thì được sinh ra trong gia tộc có đại công với triều đình, còn ta lại là đứa con gái của tội thần, phải che giấu thân phận sống chui rút dưới cái bóng gia tộc của nhà tỷ?

Thu Hằng uất ức vừa đi vừa cúi mặt khóc. Tuy nàng rất không hài lòng về thân phận thật sự của mình, nhưng cũng chính vì điều này mà được Ngô phu nhân tác hợp với Lê Hạo, nàng lấy đó làm niềm an ủi và quyêt tâm phải giữ cho chặt những thứ thuộc về mình.

- Kể từ đây, ta chỉ là Thu Hằng, tuyệt đối không cho phép ai được gọi ta bằng danh xưng "muội muội của Thu Đào" nữa.

Sắp đến Trung Thu, theo lệ hằng năm cả gia đình Nguyễn Đức Trung sẽ đến Huy Văn Tự thắp hương cầu phúc, tiện thể ở lại dùng điểm tâm đến tối muộn mới về phủ. Thu Hằng theo đó mà nghĩ cách tiếp cận Lê Hạo, nhằm thắt chặt mối quan hệ của hai người hơn. Nàng từ chỗ Ngô phu nhân biết được Lê Hạo rất thích món bánh trôi của mẹ làm, mỗi dịp lễ tết chàng đều ăn bánh trôi hình tròn, ngụ ý viên mãn, rồi thắp hương cầu nguyện cho mẹ được khoẻ mạnh bình an.

Về đến phủ, Thu Hằng bắt gặp tì nữ Xuân Mai đang ngồi vót nhẵn những thanh tre dài khoảng năm tất, vót xong thì bó lại từng bó gồm mười thanh. Thu Đào ngồi bên cạnh đang chấp nối những thanh tre lại thành một hình dạng rất thú vị. Thu Hằng tò mò bước đến xem thử. Thu Đào thấy em gái về thì hào hứng mời gọi:

- Thu Hằng mau đến đây, ta và Xuân Mai đang làm lồng đèn ngôi sao, chắn chắn muội chưa thấy bao giờ đúng không?

- Lồng đèn ngôi sao?

Thu Hằng tròn mắt hỏi và tò mò cầm những thanh tre được ghép thành hình dạng một chiếc lồng có năm góc đều đặn lên xem.

Thu Đào nhanh nhảu nói thêm:

- Trung Thu năm nay ta sẽ làm lồng đèn hình dạng này để cả nhà cùng ngắm, chắc chắn phủ đệ nhà ta sẽ là ngôi nhà sáng nhất, đẹp nhất!

Thu Hằng nhìn những chiếc đèn lồng lạ lẫm hỏi thêm:

- Làm sao tỷ biết được những ngôi sao trên trời sẽ có hình dạng như thế này?

Thu Đào cũng chẳng biết vì sao con người hiện đại lại chọn biểu tượng này để gọi là "ngôi sao", đành giải thích qua quýt:

- Vì ta cảm thấy ghép thành hình dạng này đẹp thôi, khi để ngọn đèn vào trong, ánh sáng theo năm cánh đi ra ngoài nhìn lung linh rất thích mắt, muội nhìn nè! Có lấp lánh giống như những ngôi sao trên trời không?

Thu Đào vừa nói vừa châm một ngọn nến nhỏ để vào một chiếc lồng đèn đã hoàn tất cho em gái xem.

Quả thật món đồ chơi lạ mắt này làm Thu Hằng thấy thích thú vô cùng, ngọn nến bên trong được vây quanh bằng giấy dán màu đỏ, ánh sáng màu đỏ phát ra đúng là rất lung linh trong đêm tối. Không cầm lòng được nàng đã cầm chiếc lồng đèn ngắm nghía rất lâu.

Xuân Mai cười tươi nhìn Thu Hằng nói thêm vào:

- Đại tiểu thư tuy quên hết việc trước kia, nhưng tư chất thông minh thì vẫn như vậy, lại có thể nghĩ ra món đồ chơi đẹp như thế này, em thật bái phục sát đất!

Thu Đào đưa ngón tay cái quẹt mũi rồi hất mặt lên khoe khoang thêm:

- Đợi đấy, ta còn nhiều trò khác rất hay, từ từ sẽ cho em mở rộng tầm nhìn!

Xuân Mai phấn khởi tán đồng:

- Em rất thích những trò cô bày ra, chỉ mong cô đừng như lúc trước, làm cháy cả thư phòng của Lê công tử là được rồi!

Thu Đào nghe đến đây liền ngạc nhiên hỏi:

- Ta đã từng làm cháy thư phòng của chàng à?

Xuân Mai nhanh nhảu:

- Đúng rồi, năm ngoái có lần cô đánh cắp trầm hương của đại nhân mang cho Lê công tử dùng để tỉnh táo đọc sách. Em chẳng hiểu cô đốt trầm hương bằng cách nào mà lửa bén vào rèm, báo hại Lê công tử cháy mất cả bức tranh vừa vẽ..

Đang nói thì Xuân Mai im bặt do bắt gặp ánh mắt của Thu Hằng đăm đăm nhìn mình đầy tức giận, tỏ ý muốn Xuân Mai đừng kể nữa.

Còn Thu Đào thì nghe đến đây đã cười lớn nhận xét về "Thu Đào" lúc đó bằng ngôn ngữ hiện đại:

- Cái "nết na" của Thu Đào ấy chắc cũng sánh ngang với ta, sáng luộc khoai thì chiều cả nhà ăn khoai nướng! Ha ha ha

Xuân Mai tuy đang sợ bị Thu Hằng trách mắng, nhưng nghe qua lối so sánh hóm hỉnh của Thu Đào thì không nhịn được đã phì cười.

Thu Hằng thấy Xuân Mai hay nhắc đến chuyện của Thu Đào và Lê Hạo nên không được vui, khó khăn lắm ông trời mới ban cho cơ hội cắt đứt tình cảm của hai người để nàng có dịp chen vào, vì vậy không thể để họ lại một lần nữa phải lòng nhau được! Tuy vậy, nhưng nàng cũng không biết dùng lý do gì để trách phạt Xuân Mai nên đành hậm hực chịu đựng.

Thu Đào mời mọc em gái cùng ngồi xuống làm lồng đèn cho vui, nhưng lúc này Thu Hằng tâm trạng không tốt nên đã từ chối rồi về phòng riêng.

Thu Đào thấy dáng vẻ thất thểu ấy cũng lấy làm lạ, chờ Thu Hằng đi khuất, nàng nhìn sang Xuân Mai nói nhỏ:

- Ngô phu nhân chắc là không có năng khiếu cắm hoa, làm Thu Hằng chỉ dẫn đến phát cáu à!

Xuân Mai lắc đầu:

- Ngô phu nhân là Tiệp Dư của tiên đế, nữ công chắc chắn phải thông thạo rồi! Em cũng không biết nhị tiểu thư sao lại không được vui!

Thu Đào cũng không bận tâm lắm, nàng chỉ đang nghĩ trong lòng rằng sẽ dùng những chiếc lồng đèn này tặng cho Nguyễn Đức Trung và Tư Nghiệp Ngô Sĩ Liên, hi vọng sẽ được hai vị đại thần danh tiếng lẫy lừng cho "xin chữ". Có được thân bút của hai nhân vật này chắc chắn sẽ vang danh trong giới khảo cổ! Thu Đào thõa mãn nghĩ về tương lai tốt đẹp ấy và vui vẻ dán lồng đèn tiếp.

* * *

Sáng sớm, Thu Đào lệnh cho gia nhân trong phủ treo lồng đèn ngôi sao khắp nơi trong phủ đệ. Nguyễn đại nhân thấy sáng kiến của Thu Đào rất hay, ông cũng muốn đợi đến đêm thắp nến lên để xem vẻ đẹp của những ngôi sao giấy này, nếu quả thật có điều mới lạ thì bẩm tấu với triều đình cách làm này, giúp trang hoàng cho yến tiệc hoàng cung thêm lộng lẫy.

Nguyễn Đức Trung đứng cạnh phu nhân và hai đứa con gái, ông nhìn gia nhân tấp nập kẻ bắt thang treo đèn, người đứng ở dưới nhận xét đã treo đúng vị trí hay chưa, từ cổng chính cho đến từng gốc cột, cửa phòng, nơi nơi đều có lồng đèn ngôi sao đong đưa theo chiều gió, chưa cần đến đêm để thắp nến lên cũng đã thấy rất vui mắt! Ông xoa đầu Thu Đào rồi vuốt râu gật đầu tỏ vẻ hài lòng:

- Phủ đệ ta sẽ thử thắp đèn tối nay, nếu thật sự đẹp như lời con nói, ta sẽ nói với Nội Vụ Giám ý tưởng này, để yến tiệc của triều đình thêm phần đẹp mắt, lúc đó cha sẽ thưởng cho con một món quà! Sao! Con có mong muốn điều gì không? Trừ việc không tiến cung ra nhé!

Nguyễn Đức Trung nói xong rồi đưa tay cốc vào đầu Thu Đào.

Thu Đào nghe đến "tiến cung" liền xụ mặt xuống trách cha, nhưng cũng không quên ý đồ chính lần này:

- Chỉ cần cha và Ngô Tư Nghiệp mỗi người thân bút tặng con một bài thơ là được. Sau này đừng nói là lồng đèn, con sẽ nghĩ thêm nhiều trò vui hơn để cả phủ đệ ta ngày nào cũng vui như Tết!

- Được! Cha hứa sẽ cho con thân bút của ta và Ngô Tư Nghiệp!

Nguyễn Đức Trung cười sảng khoái hứa với con gái.

Thu Hằng nhìn cử chỉ thân mật của cha dành cho Thu Đào thì chỉ biết cúi đầu để giấu đi nụ cười buồn bã. Nàng cay đắng nhủ thầm:

- Cha! Chắc người rất hài lòng vì trong hai tỷ muội, người thông minh nổi trội hơn trong chính là con gái ruột của cha!

Trong lúc đó, Thu Hằng chỉ ước tất cả những việc Thu Đào làm đều sẽ biến thành tai họa, để cho không còn ai ca tụng sự thông minh của nàng ta nữa. Mãi theo đuổi ý nghĩ đó, thì Thu Hằng chợt nhớ đến câu chuyện Xuân Mai kể lại tối đêm qua, việc lúc trước đã có lần Thu Đào đốt trầm hương nhưng vụn về làm cháy cả một góc thư phòng của Lê Hạo. Sau đó là một nụ cười đầy mưu mô hướng về Thu Đào.

Thu Hằng giả vờ hòa theo không khí vui vẻ rồi hỏi:

- Tỷ đã làm đủ số lồng đèn chưa?

Thu Đào trả lời:

- Vẫn chưa, chị còn định làm thêm khoảng một trăm chiếc nữa để treo sao hậu viện và cả đình hóng mát!

Thu Hằng ra vẻ hờn dỗi:

- Muội xin được góp phần vào công trạng của tỷ, để cha mãi thương mỗi tỷ mà quên mất đứa con gái này!

Nguyễn Đức Trung nghe thấy liền quay sang xoa đầu Thu Hằng vỗ về:

- Làm gì có, cả hai con đều là hai viên ngọc quý của cha, một đứa hoạt bát đáng yêu, một đứa đoan trang hiền thục, cả hai cha đều yêu thương hết!

Thu Hằng ra vẻ hiểu chuyện:

- Con biết cha sẽ không quên phần của con, vậy nếu Thu Đào được thưởng, con cũng xin một phần là được vào ngự hoa viên của hoàng cung đi dạo một lần được không?

Nguyễn Đức Trung nhìn Thu Hằng cười hiền lành:

- Tất nhiên là được, lúc Thu Đào tiến cung, cha sẽ lấy cớ cho người thân đưa tiễn mà để con vào theo, có thể ở lại vài ba hôm tham quan khắp hoàng cung cũng được!

Thu Hằng nghe đến đây liền vui vẻ nói:

- Cảm ơn cha, con sẽ cố gắng giúp tỷ tỷ làm lồng đèn ngay!

Thu Đào nghe thêm lần nữa chữ "tiến cung" thì thở dài nghĩ thầm:

- Mình đã cố quên đi mà sao ai cũng nhắc mãi! Làm sao đây? Nếu tiến cung thì mười phần hết chín là tính mạng lâm nguy!

Đang suy nghĩ thì Thu Hằng đã đến kéo tay làm nàng giật mình quay về với thực tại:

- Đi thôi, muội sẽ làm hồ dán thêm nhé!

- Ờ!

Thu Đào trả lời như một phản xạ tự nhiên, vì tâm trạng còn mãi để ở chỗ "tiến cung".

* * *

Trong nhà bếp, Thu Hằng cùng với Xuân Mai đang khuấy hồ.

Làm được một lúc, Thu Hằng giả vờ kêu nóng quá, muốn uống một tách trà, nên sai Xuân Mai đi lấy. Xuân Mai nhanh nhảu:

- Nhị tiểu thư chờ em một tí, em sẽ mang trà và quạt nan đến để quạt hầu cô, cô ít khi vào bếp nên sẽ thấy nóng.

Thu Hằng đồng ý ngay:

- Đúng rồi, cảm ơn Xuân Mai, em thật chu đáo!

Xuân Mai được khen rất thích nên nhanh chóng đi ngay.

Thu Hằng nhìn theo đến khi Xuân Mai khuất bóng. Lúc đã chắc chắn không còn ai xung quanh, nàng bí mật lấy trong túi áo ra một chai nhỏ..

Ở hậu viện của phủ đệ, gia nhân trong nhà ai nấy đang tất bật làm theo lời Thu Đào hướng dẫn, người vót tre, kẻ cắt giấy, những người khéo tay thì vừa dán vừa vẽ, có kẻ giỏi viết chữ còn đề cả chữ 福 (Phúc) lên hình ngũ giác đều ở giữa chiếc lồng đèn.

- Lồng đèn hình ông sao, mà ở giữa lại có viết chữ Hán, vừa hiện đại lại vừa cổ xưa, sao mà lạc quẻ ghê!

Thu Đào bình luận về những chiếc lồng đèn được ghi chữ rồi cười một mình. Mãi đến lúc chập choạng tối thì hơn một trăm chiếc lồng đèn đã được làm xong. Thu Đào vươn vai uể oải đứng lên than:

- Rụng rời cả tay chân, ta về tắm rửa thay xiêm y, xong lại đến cùng các em treo đèn.

Xuân Mai cũng đứng dậy đi theo. Lúc đó Thu Hằng xung phong ở lại:

- Vậy khi tỷ quay trở lại thì mới đến lượt muội về tắm gội vậy! Muội sẽ ở đây cùng làm với mọi người tiếp!

Thu Đào vui vẻ đồng ý rồi cùng Xuân Mai trở về phòng.

Nguyễn Đức Trung trở lại hậu viện để xem việc làm lồng đèn đã xong chưa, nhìn thấy Thu Hằng vẫn đang hì hục dán dán sửa sửa, hài lòng bảo con gái chọn giúp vài chiếc đem treo ở trước cửa thư phòng của ông một vài chiếc, số còn lại ông muốn ngày mai mang đến Huy Văn tự làm quà tặng. Nghe đến đây Thu Hằng mặt biến sắc, trong lúc vội vã bèn lấp liếm mượn cớ:

- Những chiếc ở đây đa số có phần con làm, toàn xấu xí, để con sai gia nhân dùng những chiếc đẹp nhất tặng cha và Ngô phu nhân!

Nguyễn Đức Trung tin lời nên vỗ vai con gái:

- Của hai con làm thì chiếc nào cũng đẹp! Thôi con cứ chọn giúp cha nhé! Làm xong nhớ về nghỉ ngơi sớm đi!

Thu Hằng thở phào:

- Nữ nhi biết rồi! Cha mau quay về nghỉ sớm đi!

Thấy cha vừa đi khuất, Thu Hằng chủ động sắp xếp việc treo đèn trong phủ, xong đâu đấy nàng cũng đích thân đi dọn dẹp tất cả dụng cụ dùng để khuấy hồ dán, phi tan mọi chứng cứ.

* * * Hết chương 8 ----

Chú thích:

1. (*) Sơ lược vụ án Lệ Chi Viên: Sau khi Lê Thái Tổ Lê Lợi mất, thái tử Lê Nguyên Long nối ngôi trở thành vua Lê Thái Tông. Năm Lê Thái Tông hai mươi tuổi, trong một lần đi duyệt binh về nghỉ ngơi ở vườn vải nhà Nguyễn Trãi, một bà thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ hầu hạ cho vua suốt đêm, đến sáng thì vua đột ngột băng hà. Cả nhà Nguyễn Trãi bị ghép tội giết vua, xử tru di tam tộc. Đây là vụ án được nhận định là án oan bi thảm trong lịch sử triều Lê Sơ.