Hôn Nhân Ép Buộc: Cô Vợ Thần Y Của Đại Tổng Tài

Chương 42: Cố hương



“Sư phụ, Kỷ sư huynh sắp quay về rồi!”

Trong một căn nhà gỗ, Diệp Liên Tuyết ngồi ở trên ghế, nhìn ông lão đang ngồi sắc thuốc ở gần đấy. Chỉ thấy bàn tay lão đang dùng quạt nan quạt lửa bỗng chốc khựng lại rồi tiếp tục như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ánh mắt của ông khi nhìn thấy học trò của mình dùng ký hiệu tay để truyền đạt những ý tứ vừa rồi thoáng chốc bất ngờ nhưng ngay giây sau đấy lại vội lấy lại tiêu cự, ngoảnh mặt đi.

Biết nói ra điều gì nữa đây khi trong lòng ông bây giờ chẳng biết nên dùng ngữ điệu gì để bày tỏ. Chỉ là có một chút tiếc nuối đan xen khi chẳng bao giờ đúng thời điểm.

Bẫng đi một lúc thật lâu, ông lão mới chầm chậm lên tiếng đáp lại lời của cô: “Chuyện này làm sao con biết?”

Diệp Liên Tuyết ngẩng đầu lên sau khi đợi thật lâu mà chẳng có câu trả lời. Cô nhìn thấy sư phụ mình đứng dậy từ bếp lửa đang cháy, ấm thuốc cũng bắt đầu tỏa mùi thơm thảo dược dịu dàng xâm chiếm các giác quan.

“Là Phong sư huynh nói cho con biết. Lần này hình như Kỷ sư huynh sẽ về mà chẳng đi đâu nữa.”

Sư phụ gật gật đầu, biểu tình trên mặt rõ ràng là đăm chiêu. Diệp Liên Tuyết cũng không muốn nói với ông những lời này, nhưng cũng không thể không nói ra mấy chuyện này.

“Con biết đó, trong số bốn đứa học trò của ta, chỉ có con và Dã Thiệu là ngoan ngoãn nhất. Kỷ Thương… haiz… ta cũng không biết phải nói sao với nó nữa.”

Một hơi thở thật dài trên khuôn mặt già nua xen thêm một chút thống khổ. Diệp Liên Tuyết nhìn sư phụ mình, có chút hối hận vì đã vừa phá vỡ một ngày thật bình thường của ông.

Kỷ Thương là người học trò tài giỏi nhất của sư phụ. Từ bé mãi cho đến lớn, Diệp Liên Tuyết vẫn luôn cảm thấy được rằng Kỷ Thương vẫn luôn là người giỏi nhất và được sư phụ yêu thương và tự hào nhất. Mặc dù trong số bốn ngươi bọn họ, ai nấy cũng đều có được y thuật cao minh thế nhưng người giỏi hơn cả lại vẫn luôn là Kỷ Thương.

Không phải là việc từ bỏ việc học y thuật để rẽ sang một con đường hoàn toàn khác như Lục Nghị Thành. Kỷ Thương vẫn có cách khiến cho sư phụ đến bây giờ vẫn không dám nhắc lại, tự hào bao nhiêu giờ lại không biết đối diện bấy nhiêu.

Diệp Liên Tuyết ngồi xuống chiếc phản gỗ đặt trước hiên nhà, nơi sư phụ cô đang ngồi phơi thuốc. Tất nhiên là cô không thể nào biết được hết những suy nghĩ cũng như dằn vặt trong nội tâm của ông thế nhưng cô cảm nhận được sư phụ đang không được tốt lắm.

“Con nhớ ngày xưa lúc Nghị Thành bị rắn cắn hay không? Lần đấy bốn đứa con theo ta lên núi hái thuốc, la cà rồi xảy ra cơ sự đó. Trong lúc đó, con thì khóc lớn, Dã Thiệu thì loay hoay không biết làm sao còn Nghị Thành thì suýt nữa ngất đi. Lúc đó chỉ có mỗi một mình Kỷ Thương bình tĩnh xử lý mọi chuyện đâu ra đấy trước khi ta tìm thấy mấy đứa…”

Diệp Liên Tuyết chỉ cười khi nghe sư phụ đang khẽ khàng nhắc lại chuyện xưa cũ. Đó chỉ là một trong số thật nhiều thật nhiều những kỷ niệm của bốn người bọn cô mà bây giờ nhắc lại, ngoài hoài niệm ra thì còn xen thêm cảm giác tiếc nuối. Đó là những kỷ niệm đẹp, là quãng thời gian ai cũng muốn quay trở về.

“Bốn đứa các con, mặc dù bây giờ chẳng còn được như xưa nữa nhưng vẫn luôn là niềm tự hào lớn nhất cuộc đời ta. Ta giận Nghị Thành vì giữa chừng bỏ cuộc, rẽ lối khác để đi nhưng ta chưa bao giờ ghét nó. Cuộc đời này thành công được đã là nỗ lực, cố gắng lắm rồi. Nghị Thành bây giờ là một luật sư giỏi nhưng nó vẫn là học trò của ta, là niềm tự hào của ta. Kỷ Thương cũng thế, mặc dù giữa chừng chọn cách bỏ đi biệt tích nhưng trong thâm tâm ta vẫn chưa bao giờ quên nó. Chỉ là bây giờ ta đã là một cây gạo già trước gió rồi. Các con cũng chẳng phải là những đứa nhóc bé bỏng của ngày xưa nữa rồi.”

Trong đôi mắt già nua của sư phụ, Diệp Liên Tuyết nhìn thấy được rất nhiều tia sáng vụn vặt. Không riêng gì Kỷ Thương, có lẽ chuyện năm xưa ông giận Lục Nghị Thành cũng chẳng còn là chuyện lớn gì nữa rồi.

“Kỷ Thương quay về thì chuyển lời giúp ta là phải sống cho thật tốt, không theo nghề y thì cũng không được phụ công ta dạy dỗ nó có biết chưa?”

Diệp Liên Tuyết khua tay làm ra ký hiệu trả lời lại: “Kỷ sư huynh có thể quay trở về đây mà, lúc đấy sư phụ hãy chính miệng mình nói với anh ấy.”

“Làm sao biết được là sẽ về đây?” - Ông thở dài rồi lại chầm chậm bốc mấy cây thuốc khô lên: “Nơi này đã không còn giữ chân được bất kì ai nữa rồi. Người trẻ phải hướng đến những nơi thật tốt đẹp, nơi hỉ ho cò gáy như thế này. Nơi này… tốt hơn hết thì đừng về.”

Trong lời nói của sư phụ, Diệp Liên Tuyết nghe ra được biết bao nhiêu sự xót xa cùng với tiếc nuối. Ông không muốn mọi người về đây nhưng lại bám riết nơi này hết cả đời người như một kẻ khắc kỷ. Ông luôn dặn bốn học trò của mình nhất định phải thành tài, phải đến những vùng đất lớn hơn để thoả sức mà vẫy vùng, thế nhưng nơi này vẫn là nơi tuyệt vời nhất, nơi sơ khai, bắt đầu tất cả.

Diệp Liên Tuyết biết rằng sư phụ là kiểu người khẩu xà tâm phật, tuy rằng không muốn ai về đây thế nhưng nếu thật sự có một ngày bốn anh em cô cùng nhau trở về, chắc chắn ông sẽ là người vui vẻ hơn cả. Nghĩ đến đây, Diệp Liên Tuyết lại có một suy nghĩ lớn trong đầu, suy nghĩ này cô sẽ không nói nó ra cho sư phụ biết, chỉ là suy nghĩ của riêng cô mà thôi.

Về đến nhà lúc trời đã xẩm tối, quê hương vẫn có chút gì đó khiến cho cô cảm thấy dễ chịu hơn là thành phố. Chiều nay mưa lất phất, cô ở nhà sư phụ bồi ông nói chuyện, giúp ông sắp xếp lại tủ thuốc rồi mới về nhà. Bà ngoại đã nấu cơm xong từ lâu, mùi hương đồng nội quen thuộc khiến cho tâm tình của Diệp Liên Tuyết như muốn vỡ oà.

“Vừa về đã liền chạy biến sang nhà lão Từ kia, hầy, từ nhỏ đến lớn rồi vẫn không thay đổi, bà cảm thấy lão ấy dường như đã cướp mất cháu gái cưng của bà.” - Bà ngoại nói ra mấy câu hờn dỗi, xới cho cô một bát cơm đầy ụ.

Diệp Liên Tuyết mỉm cười đón lấy, đối với sự hờn dỗi kia của bà chỉ cần tối nay cô cắp gối sang phòng bà ngủ ké một đêm là sẽ hết ngay.

Đến thành phố thật lâu rồi mới về lại, đi đến những nơi quen thuộc, ăn những món ăn quen thuộc với hương vị chẳng nơi nào sánh bằng. Đột nhiên Diệp Liên Tuyết cảm giác như chỉ có ở đây cô mới được là chính bản thân mình, không phải lúc nào cũng phải đề phòng nhìn trước ngó sau như ở thành phố.

Không có Quách gia.

Không có Quách Thừa Tuyên.

Không có những rắc rối cứ lũ lượt thi nhau tìm đến.

Ở nơi này, cô chỉ là cô, đơn giản, thoải mái, không cần phải lo nghĩ gì nhiều.