Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 1 - Chương 15



*

* *

Mọi việc phải kể lại từ thời điểm Trọng Xuân bị cả nhà lôi từ Y Viện về Hồ tộc..

Phác Hằng tộc chủ bắt đầu mang quy tắc thần tộc ra răn dạy ái nữ... Gây ra lỗi hiển nhiên phải phạt, quân pháp bất vị thân, ngay cả công chúa cũng không được ngoại lệ, nên Trọng Xuân bị phạt tội y hệt Mạnh Hạ lần trước. Hoàng tử Hồ tộc từng vì phạm tội làm nhục hoàng nữ Hầu tộc mà bị phạt quỳ trước bàn thờ sư phụ mình bảy ngày liên tục, sau đấy còn phải chép phạt giáo điều Hồ tộc, phải khấn nguyện sám hối, còn bị phạt đánh, phạt giam vào thủy lao. Riêng Trọng Xuân không có sư phụ, đành cho quỳ trước linh vị tổ tiên một tuần lễ, hết bảy ngày liền phải chép giáo điều Hồ tộc đúng trăm lần.

- Ngươi chép hết trăm lần cả một trăm lẻ một giáo điều này, chép đàng hoàng, rõ ràng vào. - Phác Hằng dằn mặt quyển giáo điều trước mặt con gái.

- Nhưng... nhưng... giáo điều vốn chỉ có trăm điều. Phụ hoàng có nhầm lẫn chăng?

- À! Từ sau khi Mạnh Hạ gây tội với Hầu tộc thì ta đã thêm điều mới vào, điều này quy định không được dùng mưu hèn kế bẩn, gài bẫy, dụ dỗ nhằm chiếm đoạt nhân tình, nếu phạm phải sẽ... Mà thôi, ngươi tự trải qua sẽ biết ngay.

Mạnh Hạ đứng bên cạnh thì thào vào tai em gái mấy lời chẳng biết là hăm dọa hay đang có ý tốt cảnh báo.

- Lần trước anh chỉ qua đêm với Oanh Thục thôi đã bị kết tội bất nhân, bất nghĩa, bất trung, bất hiếu đấy, mong cho em không gặp nỗi khổ tương tự.

- Ai bảo không có! - Hồ Vương lập tức lên tiếng cắt ngang. - Tỉnh Vĩ từng liều thân vì ta, từng tự nguyện bỏ hết công việc trên Y Viện đến đây chăm sóc ta ba tháng liền nhưng con hồ ly này lấy oán báo ơn, không phải bất nghĩa thì là gì. Nó phục thuốc, bức hại tới người ta quẫn trí tự sát, không gọi là bất nhân sao. Chưa kể bỏ nhà đi không báo lại một câu, mặc kệ song thân lo lắng, ngày đêm mất ăn mất ngủ đôn đáo chạy tìm, thế chưa phải bất hiếu sao. Bắt đầu cầm nhang đọc lời sám hối đi, đọc thành tâm vào, không được bớt chữ đâu đấy.

Hoàng tử Mạnh Hạ ngán ngẩm nhìn Trọng Xuân vừa cầm nhang khấn vừa đọc ra rả mấy lời hối lỗi, nào là xưng tội mình trót u mê, lầm lỡ gây chuyện khiến song thân, gia quyến, cả thần tộc xấu hổ; rồi đến thành tâm nguyện rằng giờ ăn năn sám hối mong các bậc tiền nhân về minh chứng. Mạnh Hạ nghĩ thầm đây dù gì chỉ mới là bước đầu, sau khi chịu mấy trăm roi đến nhang tàn, ngâm mình trong thủy lao, hoàng muội mình ắt sẽ hiểu việc chép giáo điều hay phạt quỳ hẳn vẫn nhân từ lắm.

Quả thật lúc Trọng Xuân vừa cắm nhang xong một cây roi khổng lồ lập tức hiện thân thực hiện nhiệm vụ. Tuy vậy, không giống hoàng huynh lần trước, chỉ mới chừng năm roi, cửu vĩ hồ đã lăn ra ngất xỉu, mặt mày tái xanh tái ngắt. Hồ Vương hoảng hốt vội buông roi bế con gái đi tìm thái y giúp đỡ. Sau một hồi hồ nữ được bắt mạch, xem xét kỹ lưỡng năm sáu lần, vua hồ ly đã đón nhận từ thái y một tin động trời, Trọng Xuân mang thai, đồng nghĩa ông cũng sắp thành ông ngoại đến nơi.

Hồ nữ vui mừng khôn xiết một hai đòi song thân dẫn mình lên Thiên Cung. Nàng bảo có đứa nhỏ này trăm phần hươu sao kia chẳng bao giờ dám chối từ, nhất định phải sang đó đề cập chuyện cưới xin ngay kẻo đêm dài lắm mộng. Hồ Vương thở dài thườn thượt đưa ái nữ cả đống thư từ do Tỉnh Vĩ gửi đến còn nguyên chưa mở lá nào, có cả thuốc men chữa thương phòng trường hợp cửu vĩ hồ bị đánh quá nặng. Vừa thấy mớ thư người tình gửi, Trọng Xuân vui hơn cả bắt được báu vật, cứ lao đến ôm khư khư vào người như thể sợ có ai tranh mất, còn luôn miệng nói không ngớt rằng hươu ngốc gửi thư, gửi thuốc cho mình hẳn vì thương nhớ mình, lo lắng cho mình. Hồ nữ cương quyết phải tìm hắn ngay, chẳng muốn chần chừ thêm nữa.

Nhưng nói vậy đâu có nghĩa Trọng Xuân đi ngay được, nàng vốn động thai, phải nằm dưỡng thai thêm vài ba tuần, chuyện báo tin mừng bắt buộc phải hoãn lại cho đến lúc hai mẹ con ổn định hoàn toàn. Khi tình trạng cửu vĩ hồ tiến triển tốt, thai nhi đã đi vào ổn định, mọi người dần dà đến thăm nom, chúc mừng Hồ Vương sắp có cháu ngoại, sắp có hiền tế là Dược Thần. Không ít người mang cả thức ăn đến tẩm bổ cho Trọng Xuân nhưng nàng lại bị nghén, lắm món dù thích đến đâu cũng không ăn được.

Sau mấy lượt người đến thăm thì quốc sư Vinh Nguyên đi cùng bằng hữu thân thiết - tể tướng Quyển Bá, ghé đến hỏi han, sẵn tiện nói lời chúc mừng đến vua cáo. Nhìn hai kẻ này Trọng Xuân đã ít nhiều ý nghĩ linh cảm chẳng lành. Nàng biết thừa họ đến với thiện chí thì ít mà... trả đũa thì nhiều...

Chuyện vốn dĩ do ngày Trọng Xuân còn nhỏ, tính tình rất nghịch ngợm, hay cùng Mạnh Hạ không ít lần bày trò trêu phá tể tướng lẫn quốc sư. Hôm thì mang cá hấp đến trêu thê tử đang mang thai của tể tướng khiến bà ta nôn thốc nôn tháo một trận. Ngày lại vô tình phát hiện quốc sư sợ... con lươn nên huynh muội công chúa bắt lươn dọa Vinh Nguyên ngay lúc ông ta đang tụng kinh. Khi đó còn cứng đầu, bị song thân la mắng, Trọng Xuân bướng bỉnh cãi lại rằng tể tướng phu nhân nôn hẳn do ốm nghén, biết đâu cũng vì con tể tướng nghịch ngợm quá nên bà ấy mới bị thai hành đến tái xanh mặt mày, nôn hết ruột gan. Còn chuyện quốc sư, hồ nữ ngoan cố lấp liếm bảo đấy chỉ là một con lươn vô hại, lươn không độc vô phương cắn người, nên nàng chẳng hề có tội.

Việc qua đã rất lâu, nay công chúa trưởng thành hơn xưa, không còn nghịch ngợm vô ý thức, những trò quấy phá dần chìm vào dĩ vãng mịt mờ chỉ kẻ thù dai là một đời chả quên, quyết tìm cơ hội báo thù. Cửu vĩ hồ thật dự đoán chẳng sai, Hồ Vương vừa có chuyện ra ngoài, Quyển Bá đã đưa chút thức ăn bảo là đặc biệt nhờ nhà bếp đặc biệt chuẩn bị riêng cho hoàng nữ. Chẳng kịp để Trọng Xuân từ chối, tể tướng đã lấy ra cả bát đầy... cháo lươn. Nếu ngày thường, thấy bao nhiêu lươn hồ ly nhỏ cũng dửng dưng, chẳng chút đắn đo, còn nay mang thai rồi, hiểu cảm giác thai phụ khi mang sinh linh trong bụng rồi, những món ăn bình thường nhất cũng hóa ác mộng kinh hoàng. Mùi cháo lươn tanh nồng xông lên mũi, dù không nôn nhưng Trọng Xuân vẫn tái xanh cả mặt mày, cổ nổi đầy gân, tưởng chừng những thứ trong ruột đều đang muốn chực trào ra nhưng lại bị tắc đâu đó, ứ nghẹn ngay cổ họng khó chịu đến suýt ngất.

- Hoàng nữ nghén nặng thật, chẳng biết là con trai hay con gái đây nhưng chắc chắn sẽ là đứa nhỏ nghịch ngợm, biết đâu còn nghịch hơn cả con tôi. - Quyển Bá nói như cố tình ám chỉ chuyện xưa.

- Ông dẹp thứ này đi ngay cho ta, đừng lợi dụng trả tư thù.

- Bọn ta dẹp ngay thôi, không ngờ chỉ con lươn mà hoàng nữ cũng sợ, con lươn vô hại thôi mà đâu cần hoảng như bị nghiệp báo thế chứ. Chính ta đề nghị Quyển Bá chuẩn bị món này cho hoàng nữ đấy. - Quốc sư cười đầy khoái trá.

Hoàng nữ tức điên gào lên.

- Ông muốn một lần trả thù cho bằng hữu lẫn chính bản thân mình chứ gì, anh trai ta nói đúng mà. Đồ tâm ma khoác áo thầy tu!

Chẳng là lần trước Mạnh Hạ công cũng bị quốc sư mượn gió bẻ măng trả thù chuyện ngày xưa theo cách vô cùng thê thảm. Từ đó Mạnh Hạ luôn khẳng định quốc sư không hề có căn tu, không có duyên với Phật pháp, tâm vẫn chất chứa đầy sân si chứ chưa bao giờ tĩnh lặng như bậc chân tu. Giờ Trọng Xuân càng khẳng định hoàng huynh đã nói đúng, Vinh Nguyên thù dai tới độ chơi khăm cho nàng tức chết mà không làm gì được. Hồ nữ chỉ còn nước mang hết ấm ức trút vào lời mắng chửi, nàng cứ thét tên người ta lên mà mắng, mặc kệ hai kẻ ấy đã bỏ ra khỏi phòng từ lâu.

- Vinh Nguyên! Ông tu hành mà tâm còn sân si, chấp nhặt với hậu bối, ta cầu cho ông sau này cũng giống ta và hoàng huynh, vì tình làm chuyện bại hoại, bị tình làm mờ mắt, u mê, để xem lúc đấy ai phạt ông, để xem ông ăn năn sám hối kiểu nào.

Nhưng rủa cứ rủa, lời nói gió bay, chẳng ai nhớ lâu, Trọng Xuân cũng phải quên chuyện nhỏ nhặt để tịnh dưỡng cho thật khỏe rồi còn mau chóng tìm tình lang bàn việc cưới xin. Ngay khi thể trạng ổn định, thái y báo bình an, công chúa đòi ngay lên Y Viện báo tin ngay vui, Hồ Vương cũng không thể cản. Để lâu, bụng con gái càng to, ắt chỉ rước họa nhiều hơn lợi, giờ đành gả sớm cho xong.

*

* *

Thường tiên nhân muốn xem thời điểm thành hôn phải sang nhờ một vị thần tiên chuyên nắm chuyện lương duyên hay còn gọi là Nguyệt Lão. Hôm mọi người đến gặp Nguyệt Lão nhờ xem quẻ định ngày cưới hỏi, lão thần lương duyên gieo quẻ định ngày cưới tận mười mấy lần đều ra kết quả vô cùng kỳ lạ. Bản thân Nguyệt Lão cũng thắc mắc cớ sao mệnh cách Dược Thần rất lạ, nếu đúng sinh vào ngày đó, tháng đó, năm đó thì tinh tượng chẳng thể như vậy.

Lão thần lương duyên từng xem quẻ cho rất nhiều tiên nhân, có tướng quân, có hoàng tử, kể cả Thiên Đế. Ngay hai con của Hồ Vương, Nguyệt Lão cũng cũng đã xem quẻ cho cách đây mấy vạn năm. Khi ông ta xem quẻ cho Mạnh Hạ, thì thấy đại hồ mang sao chiếu mệnh được định sẽ sánh cùng một tinh mệnh sáng rực, vị trí tương đồng, do đó chắc trăm phần hoàng phi Hồ tộc gia thế rất môn đăng hộ đối, và nữ nhân kia chính là Oanh Thục - con gái Hầu Vương. Riêng với Trọng Xuân, tinh tú soi mệnh cho cửu vĩ hồ ấy kết hợp cùng một ngôi sao lạ lùng, tinh mệnh kia như thể số phận không hẳn ở thần giới mà cứ chập chờn giữa ranh giới. Kẻ đó không rõ vận mệnh, không biết đến từ đâu, sẽ về đâu, so với công chúa là thấp hơn hay môn đăng hộ đối. Thậm chí Nguyệt Lão còn nghĩ mình xem lầm vì thế gian sao có số mệnh bí ẩn thế được. Nào ngờ nay lão thần mới nhận ra kẻ mang mệnh cách ấy thực sự tồn tại. Nhìn về tinh tú chiếu mạng hắn ta, Nguyệt Lão hoàn toàn chịu thua, chỉ biết hắn tam hợp cùng công chúa như thiên ý.

Không đoán chính xác được mệnh cách thì khó lòng định ngày cưới gả, lão thần lương duyên định hỏi Tỉnh Vĩ họ gì nhằm dựa vào đấy bói theo gia phả. Nhưng bỗng ông sực nhớ Dược Thần không có... họ, vì thế từ nhỏ hắn luôn bị chọc là thứ con hoang, không được đặt họ tên đầy đủ.

Trọng Xuân giật mình hỏi hôn phu.

- Chàng không phải họ Tỉnh sao? Thế họ chàng là gì? Chàng từng có cha mẹ thì phải mang họ cha chứ.

Tỉnh Vĩ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu khẳng định.

- Tôi không có họ, hỏi bao lần cũng thế thôi.

Chả xác định nổi chút manh mối gì, rốt cuộc, Nguyệt Lão đành chọn thời điểm được xem là tốt nhất dù Tỉnh Vĩ sinh ra bất kỳ chốn nào, mệnh số ở đâu cũng đều hợp thành hôn, đấy là thứ nhất thành hôn trong vòng ba ngày tới, thứ hai là chờ... ba năm nữa.

Trọng Xuân đã mang thai, vài tháng là sinh con, chẳng lẽ chờ ba năm cho tiên hữu chê cười, dĩ nhiên phải chọn đường ba ngày. Vua cáo xoay sang hỏi lão thần Bằng Thủy xem như thế có được chăng, trong tộc, lão luôn trọng lễ nghi nhất, phải hỏi kỹ lão chọn đường ba ngày liệu hợp tình hợp lý chưa, hay phải thế nào nữa mới an tâm được.

Phần lão hồ ly vốn đang lo đứng lo ngồi tìm cách kể về thân thế Tỉnh Vĩ với phu thê em gái, nào hay Trọng Xuân lại mang thai, đường này chắc chắn hươu sao không cưới không được. Quả là trong rủi có may, lão chẳng cần xen vào mà mọi chuyện vẫn thuận lợi. Thời cơ hiếm có, lão đâu dại gì nói câu phản đối.

- Mọi người làm lễ cưới nhanh đi, cưới muộn quá, bụng Trọng Xuân to như cái trống thì phải làm sao. Ông già đây đâu quá khó khăn nhỉ, ta sống cũng nhàn nhã lắm, ai muốn làm gì thì làm, ai muốn cưới thì cưới. "Thử ông luyện đắc tâm như thiết. Bất phục lê hoa nhập mộng tần." (*), tự dưng nhớ tới hai câu thơ này, chữ "Thiết" nghe hay thật phải không Tỉnh Vĩ, "Ông già luyện được lòng như thép. Ngọn giáo lê hoa mộng đã qua.", thép cứng cỏi, lòng ngươi đôi lúc cũng phải cứng như thép tôi luyện.

Hươu ngốc nghe chữ "Thiết" thật khá chột dạ mà không cả gan hỏi tới, mong sao Bằng Thủy chỉ là tình cờ nói ra. Còn tính về hôn sự gấp gáp, nghe ra hơi bất công cho Trọng Xuân, Dược Thần định thú thật việc nào đấy nhưng Hồ Vương bảo không cần nói, nhất định ba ngày sau cử hành hôn lễ, hươu sao chẳng cần sính lễ cao sang, không cần nghi thức nạp trưng nạp thái gì rườm rà, càng chả đòi hỏi khách khứa, tiệc tùng rình rang cho tốn kém.

Dẫu Hồ Vương rộng rãi muốn bỏ bớt thủ tục, thêm phần Trọng Xuân đã ở sẵn trong nhà rồi, nên giảm được khoản đón dâu nhưng người thương đường đường là công chúa Hồ tộc, đâu thể làm quá sơ sài, cẩu thả. Người ta vì mình đã mang tiếng hoài thai trước khi thành hôn, giờ còn cử hành hôn lễ chẳng ra đâu vào đâu thì e quá thiệt thòi. Tộc chủ không cần đủ lễ nghi nhưng Dược Thần vẫn cố làm tốt hết sức có thể, vẫn cố đủ hết lễ. Chưa kể cưới con gái người ta về mà chẳng tiệc tùng, pháo cưới thì coi sao đặng, nên dù khốn khó tới đâu vẫn phải tổ chức buổi chiêu đãi, mời khách khứa tới để thiên hạ thấy người hắn yêu thương được cưới hỏi đàng hoàng.

Bởi lẽ ấy, Tỉnh Vĩ suốt đêm thức thâm quầng hai mắt ngồi viết danh sách những thứ cần làm để đúng ngày có thể cử hành lễ bái tổ tiên hợp gia quy. Việc mời khách thì để Đường Lệ lo, tia nắng nhỏ giao du tứ phương, đi xa thế nào vẫn có cách gửi thư từ lẫn dược liệu về Y Viện nên việc này ắt chẳng khó. Dù gửi gấp thế chả biết bao phần khách khứa đến kịp, nhưng tốt nhất cứ có lời mời cho đúng lễ nghĩa.

Khách khứa, thiếp mời xem như xong, giờ đến phần sính lễ, hỷ phục. Ba ngày thì may hỷ phục đường nào cho kịp, sính lễ càng khó tìm. Những tiên nhân chuyên làm việc may mặc đều lắc đầu chịu thua, một bộ may trong ba ngày còn bất khả thi, nói chi đến tận hai bộ. Tỉnh Vĩ ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi các tiên nhân ấy rằng nếu may hỷ phục không kịp thì... sửa hỷ phục cũ liệu có kịp chăng. Nghe vậy, mọi người thoáng giật mình tự hỏi, lẽ nào Dược Thần có sẵn hỷ phục, hay mượn của ai. Và đáp lại những thắc mắc ấy, hươu sao lẳng lặng đến trước bài vị mẫu thân, thắp hương rồi quỳ lạy mười cái, miệng thì thầm điều gì đấy rất nhỏ, căng tay cũng không nghe nổi. Thì thầm xong, hươu ngốc ra phía sau bệ thờ lấy một hộp đồng kì lạ, phủ đầy bụi, hắn nhẹ nhàng lau đi lớp bụi dày rồi nhẹ nhàng mở ra. Quả thật trong đấy có cặp áo đẹp lộng lẫy tuy nhiên họa tiết rất lạ, sang trọng mà âm u, thoáng quý phái mà tối tăm. Hỷ phục xưa giờ thường bên ngoài màu xanh hoặc màu hồng đỏ, riêng đôi áo này sắc màu lạ lùng chưa ai thấy bao giờ. Viền tay áo và lai áo màu đính dọc cả dãy đá quý lấp lánh màu vàng, chất liệu lụa đặc biệt mềm mại, mát lạnh, nếu không muốn nói là lụa cực phẩm. Được hỏi cặp áo nguồn gốc từ đâu, Tỉnh Vĩ ôm áo vào lòng bảo là báu vật của mẫu thân, cả đời mẹ hắn chỉ quý nhất bao nhiêu đấy. Dưới đôi áo hỷ còn chiếc hộp nhỏ màu đỏ, Dược Thần cầm hộp lên, he hé mở xem rồi vội đóng lại, nói thầm đây có thể thành sính lễ.

Qua hết những công đoạn phía trên, cuối cùng đã đến công đoạn mà theo chúng tiên hữu là khó khăn cho Tỉnh Vĩ nhất: dâng sính lễ. Hỏi cưới công chúa cần tận sáu lễ, lễ nào cũng phải có lễ vật tương xứng dâng lên. Lễ nạp thái cần vàng bạc, hai mâm trầu, hai mâm cau. Lễ vấn danh đòi hỏi trân cầm dị thú cùng hai hũ rượu. Đến nạp cát lại phải có sa lĩnh, gấm lụa. Rồi lễ điện nhạn, lễ thân nghinh cũng cần trầu cau, vàng bạc, rượu quý.

Khi hươu ngốc dâng sính lễ đến Hồ tộc, cau trầu là vật dễ tìm nhất nên chẳng thiếu khoản này, lụa gấm sa lĩnh, hắn may mắn có bằng hữu hạc tiên nên nhờ người ta được một chút, sau này trả lại dần dần. Riêng vàng bạc thì hơi khó, hắn cố gom góp gần hết vàng bạc tiết kiệm trong bao năm qua vẫn chưa đủ số lượng theo truyền thống bởi vậy đành dâng những thứ với hắn là quý báu nhất... Lúc ấy, Tỉnh Vĩ cẩn trọng quỳ xuống, nâng lên hai mâm phủ vải đỏ. Mâm thứ nhất là bốn mươi bình thuốc cẩm thạch đủ màu sáng lấp lánh, đẹp mê hồn, chế tác cực kỳ sắc sảo. Hươu sao bảo những dược bình này đều là cực phẩm, trong đấy chứa những loại thuốc quý chính tay mình này tâm huyết ngày đêm bào chế.

Vài kẻ trong tộc ngày trước si mê Trọng Xuân nay nghe nói Tỉnh Vĩ sắp lấy được cửu vĩ hồ nên ganh ghét bảo hắn quả chẳng hổ danh Dược Thần, sính lễ cũng toàn thuốc, tặng thuốc khác nào cầu Hồ Vương bệnh quanh năm. Còn phần dược bình cũng chẳng mấy được họ xem trọng, bởi dù đẹp vẫn là cẩm thạch, trong phía đầu kia Hồ tộc có cả ngọn núi đầy ngọc quý, hồng ngọc, lam ngọc, lục bảo ngọc nhiều vô số kể. So với ngọc quý chốn này thì cẩm thạch chẳng khác hòn đá cuội.

Đến mâm thứ hai là một chiếc hộp đỏ làm mọi người tò mò không biết là thứ chi mà Tỉnh Vĩ cầm cực kỳ cẩn thận, đưa lên tôn kính vô cùng. Nhưng khi Hồ Vương mở ra ai ai cũng đều thất vọng bởi trong đấy là một... viên đá nâu nhỏ bé. Mấy quần thần ngỡ ngàng tròn mắt, họ mới nói cẩm thạch so với ngọc quý chỉ là hòn đá cuội, nào ngờ giờ hươu ngốc dâng đá lên làm sính lễ thật. Tỉnh Vĩ cúi gập đầu thưa đấy là báu vật trân quý mẫu thân để lại, bề ngoài tầm thường nhưng Hồ Vương kiến thức uyên thâm, ắt đủ tinh tường đấy chẳng phải thứ vô dụng.

Mấy kẻ xung quanh cười nhạo bảo Tỉnh Vĩ nghĩ ai cũng ngốc như hắn chắc, nhìn tứ bề vẫn là viên đá cuội, đâu phải đá cho vào hộp quý là thành báu vật. Báu vật có vùi vào bùn vẫn là báu vật, thứ vô dụng có tô điểm rực rỡ vẫn chỉ đáng vứt đi, nếu hươu ngốc kia nghĩ bỏ viên đá vào hộp đẹp đẽ là thành trân bảo thì thật quá ngây thơ.

Nhưng mặc ai nói gì nói, Hồ Vương nhìn hai mâm lễ vật nhỏ bé vẫn ôn hòa bảo hiền tế làm thế đã là có quá lòng. Với vua cáo, chỉ cần thật tâm thật lòng thì dẫu có là ai thì ông vẫn chấp nhận gả con đi. Hươu sao chịu yêu thương, chở che nương tử suốt đời chính là điều duy nhất ông mong ước.

Phần Bằng Thủy tiên nhân ngồi lặng im từ đầu buổi, chỉ nhìn viên đá nâu rồi nghĩ thầm: "Tỉnh Vĩ quả rất có lòng, bảo vật đó cũng đưa đi hỏi vợ, hỏi thế gian mấy ai dám làm. Hắn tôn trọng thê tử như thế, mai sau có lẽ Trọng Xuân sẽ hạnh phúc."

(*) Nguyệt Áng Sơn Hàn Đường - Trần Minh Tông.