Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 2 - Chương 13



Năm dài tháng rộng, Tảo Triều vẫn phân vân không dám thừa nhận phải lòng Thiệu Hưng. Long nữ chẳng sai khác những gì Thiệu Hưng từng phỏng đoán, bề ngoài quật cường lạnh lùng, nội tâm ngược lại mỏng manh, yếu đuối tận cùng. Sau lần tổn thương, nàng chẳng còn dám yêu dám hận, chỉ dùng lý trí trấn áp cảm xúc lúc nào hay lúc nấy. Tiếc thay cảm xúc này chẳng phải nhất thời. Ngày trước vì cố nhân ngoảnh mặt buông tay nên tình mới dở dang, nay người quyết không buông, kẻ bỏ không nỡ nắm không xong, cho đến khi cả hai cùng đánh Ma tộc...

Ma tộc xâm lăng lần này, quân lực vừa đông vừa mạnh, thủ đoạn thâm độc, nhiều binh tướng ma lực kinh hồn bạt vía, nên thiên binh thần giới phải cần thêm hỗ trợ từ cả binh sĩ cấm vệ quân. Thiệu Hưng bản lĩnh không tồi, đương nhiên cũng được gọi đến vùng địa giới cùng chiến đấu, và dạo ấy giữa chốn quân ngũ đã xuất hiện điểm đáng ngờ cho cả thiên hạ soi mói. Điểm này nào có xa lạ, khởi nguồn cũng bởi việc Tảo Triều luôn tìm cách giữ rịt Thiệu Hưng bên mình. Thiệu Hưng tính tình vui vẻ, hòa nhã, thích pha trò, được rất nhiều binh sĩ yêu mến. Phó soái trước nay công tư phân minh nhưng nhìn Thiệu Hưng cười đùa cùng người khác thật không thể nào giữ tâm vững như bàn thạch được. Mãng xà cũng nói đúng, những người bị điều đi đều vì Tảo Triều ghen, vì nàng không muốn ngày nào đó hắn sẽ yêu người khác. Còn về buổi đêm, rắn lục hay hẹn hò long nữ ra đồi nằm ngắm sao đêm, nàng khi ấy mở miệng là nói không yêu nhưng thân phó soái chỉ vì lời hẹn hò bâng quơ đã quên hết quân lệnh kỷ cương, tối khuya thanh vắng cứ lén đi tìm nhân tình, nếu nói không yêu thì mấy ai tin. Cứng đầu chẳng thừa nhận yêu nhưng giả có ai chạm vào lục mãng xà ắt hẳn Tảo Triều chả từ lạm quyền hành hạ bằng chết. Bởi thế nữ binh sĩ nào chưa hiểu chuyện, định gần gũi Thiệu Hưng một tý liền được nhắc khéo rằng đấy là người của phó soái, đừng dại dây dưa nếu không muốn bị phạt oan. Thậm chí, binh lính còn đùa, phó soái cứ làm thế thì Thiệu Hưng chỉ có hai đường thứ nhất về làm lang quân cho phó soái, thứ hai chịu cô độc tới già, vì đâu còn ai dám đến gần mãng xà quá ba bước.

Chiến cuộc giữa hai cõi diễn ra đầy máu tanh lẫn thương vong và rồi...

- Đồ ngốc! Ta bảo ngươi mặc kệ ta, với pháp lực của ngươi có thể dễ dàng thoát khỏi vực sâu này, thân ta đã trúng phải chướng khí, sớm muộn cũng bỏ mạng. Đi ngay đi! Phó soái đang ra lệnh cho ngươi đấy. - Long nữ quát lên với rắn lục.

- Tảo Triều của ta ơi, có bao giờ em thấy ta nghe lệnh của em chưa? Nghe lệnh bỏ nhân tình lại thì càng không. - Thiệu Hưng cứng đầu đáp trả.

- Ta đã bảo ta không yêu ngươi. Mau đi đi!

- Nhìn thẳng vào mắt ta rồi nói em không yêu ta, em làm được ta sẽ đi.

Tảo Triều dĩ nhiên chẳng thể làm điều ấy nên đành nhắm mắt nằm yên, mặc cho nhân tình băng bó vết thương hộ mình.

.......................................

Cớ sự xảy ra tới độ này chính vì lúc trận đánh với ma giới, Tảo Triều và Thiệu Hưng bị nữ tướng quân Ma tộc đánh rơi xuống vực núi, hắc long còn trúng phải một đao. Ma đao của nữ tướng ấy chứa đầy chướng khí, một tháng không chữa trị sẽ dần lở loét, lúc chết chỉ còn xương trắng. Đáng lẽ về đến doanh trại, chướng khí có thể được chữa hết nhưng vực thẳm này thoát ra phải mất hai tháng là ít, bởi thế Tảo Triều bảo mãng xà cứ bỏ mình lại đây, tự tìm đường thoát thân.

Thiệu Hưng nào chịu bỏ người thương, hắc long nói gì nói, hắn vẫn nhất quyết cõng nhân tình tìm đường ra khỏi vực núi. Theo hắn tính toán nếu đi ngày đi đêm chắc chắn chưa đầy nửa tháng sẽ ra đến bên ngoài. Nói có vẻ đơn giản chứ Thiệu Hưng đâu phải không bị thương, lưng cõng người tình, tay dùng thương làm gậy, vết thương ở bả vai lại chực chờ nhói từng cơn. Thấy Tảo Triều thỉnh thoảng đau lòng nhỏ lệ lên vai mình, Thiệu Hưng vẫn tính cũ chẳng chừa, toàn cười trêu hắc long.

- Em đừng khóc, sớm đến nơi thôi, cả hai ta chẳng ai mất mạng đâu. Thiên mệnh cũng không được tranh Tảo Triều với ta, ai tranh Tảo Triều với ta, ta sẽ dùng thương đuổi kẻ đó chạy đến chết.

Nghe mãng xà nói thế Tảo Triều chẳng ngờ giờ phút này mà hắn còn đùa được, làm nàng đang khóc vẫn phải gạt nước mắt mỉm cười.

Chướng khí ngày một khiến cơ thể đau đớn, long nữ luôn miệng bảo lục mãng xà quẳng mình lại đây, vì với con đường thăm thẳm trước mắt, hắn không thể thoát ra trước một tháng được, cố cứu nàng chỉ ngang bằng phí sức. Tuy nhiên, những khi như thế Thiệu Hưng đều bỏ ngoài tai, cố tìm chuyện gì đó vui vui, chọc ghẹo làm Tảo Triều quên đau.

Mấy ngày tiếp theo, hắc long không còn đủ sức áp chế chướng khí, bắt đầu mê man, thần trí bất minh, người dần nóng sốt.

- Nước! Nước! - Đó là những gì Tảo Triều còn nói được.

Thiệu Hưng biết người thương cốt thủy long, dù sống trên trời nhưng để tồn tại phải cần nước. Khổ nỗi bao nhiêu nước hôm qua đã dùng hết, mãng xà có thể không uống nước nhưng hắc long làm sao thiếu nước được, nhất là đang bị thương, cơn sốt hành hạ. Đường lên khỏi vực đã tìm được, chỉ ba ngày nữa thôi cả hai sẽ thấy lại ánh mặt trời, nhưng với người đang sốt cao ba ngày không uống nước, chướng khí chưa kịp phát tác có lẽ đã chết khát, vực núi toàn sỏi đá khô cằn, cây cỏ nhỏ cũng chẳng thấy thì tìm đâu ra nước. Trong phút chốc Thiệu Hưng nghĩ ra một cách, dù có phần liều mạng nhưng chỉ ba ngày chắc chắn sẽ không sao...

............................................

- Tảo Triều! Tỉnh dậy đi! Quân Ma tộc lui rồi! - Tiếng gọi quen thuộc bên tai từ từ đánh thức thần trí hắc long.

Đưa mắt nhìn quanh quất, long nữ thấy Đăng Khoa cùng các binh sĩ thân cận đang nhìn mình đầy lo lắng, vết thương do chướng khí đã được chữa, cũng chẳng còn đau nhức.

- Thiệu Hưng đâu? - Tảo Triều yếu ớt hỏi.

Nghe hắc long hỏi câu này Đăng Khoa ngậm ngùi không biết trả lời sao cho đặng... Mọi việc phải kể ngược về thời gian phó soái cùng Thiệu Hưng mất tích, thống soái phái người ráo riết tìm kiếm gần hẻm vực, ngày đêm lục soát từng dấu vết. Gần hai tuần sau, binh sĩ mới báo tin tìm thấy hai người. Mãng xà quả thực đã mang được người thương rời khỏi vực thẳm trong thời gian chưa đến hai tuần. Vừa đưa Tảo Triều cho Đăng Khoa xong, hắn liền gục xuống nằm bất tỉnh, cổ tay đỏ màu máu dẫu đã được bằng một mảnh vải. Ban đầu mọi người nghĩ hắn bị thương khi đánh trận, tuy nhiên nhìn kỹ mới phát hiện vết thương ấy do chính pháp khí của hắn gây ra, miệng vết thương bị cắt liên tục ba ngày là ít. Sau khi xem xét thấy những vệt máu trên khóe môi Tảo Triều mới nhận ra vì không có nước mãng xà cho nhân tình uống máu của mình suốt ba ngày để duy trì tính mạng.

Mãng xà có tu luyện thành tiên vẫn là loài máu lạnh, cần máu giữ mạng cả giữ ấm lục phủ ngũ tạng. Đáy vực không có ánh sáng mặt trời, cỏ cây không mọc nổi đương nhiên lạnh đến thấu xương mà hắn liều mình lấy máu cứu nhân tình, dùng pháp lực và tiên khí giữ ấm suốt mấy ngày liền khiến thân thể kiệt quệ, tiên khí cũng chấn động.

Xà tiên vui vẻ hoạt bát, thích pha trò trêu người khác giờ nằm bất động, chẳng biết bao giờ tỉnh lại. Tảo Triều ngồi nhìn người thương chìm trong giấc mộng dài, lòng nhói đau niềm tiếc nuối, nàng dằn vặt khôn nguôi nghĩ phải chi chịu nói yêu hắn sớm hơn thì nay đâu ân hận, bây giờ có nói trăm ngàn lần yêu, hắn cũng đâu nghe được. Giờ có muộn không đây, giá như thời gian quay ngược, nàng nhất định sẽ nói thật lòng đã yêu hắn rồi, nói nhất định sẽ thành hôn cùng hắn.

Mới đó một năm đã qua, Thiệu Hưng vẫn nằm vậy không nhúc nhích, Tảo Triều vẫn đến thăm đều đặn mỗi ngày. Lần nào đến cũng không quên nói mình yêu Thiệu Hưng rất nhiều, nói song thân đã đồng ý cho mình thành hôn cùng Thiệu Hưng.

Quả thật phụ mẫu Tảo Triều cũng động lòng khi thấy mãng xà không tiếc thân cho con gái mình. Phải nói thêm, trước kia đã có chút ấn tượng tốt về hắn nên Lê Vy phu nhân nghĩ dù Thiệu Hưng là rắn lục cũng không quá tệ, nay biết thêm tin chiến trường, bà mới đốc thúc tướng công, nếu xà tiên đó tỉnh dậy thì hãy gả Tảo Triều cho hắn. Bà biết con gái mình nào có còn trẻ trung, Thiệu Hưng phen này có công tham gia đánh Ma tộc, nếu thoát khỏi hôn mê ắt sẽ được đề bạt, ban thưởng bổng lộc rất nhiều, một khi hắn thăng quan tiến chức biết đâu chừng bao nữ nhân trẻ đẹp sẽ đến lân la làm quen. Tảo Triều tuy có tài nhưng sắc thì chưa chắc đọ nổi mấy tiên nữ đang tuổi xuân phơi phới, biết đâu đến khi vinh hiển rợp trời, Thiệu Hưng nảy sinh so sánh hắc long nữ với các tiên nữ khác...

Hắc long tướng quân là nam nhân, lão hiểu hơn ai hết nam nhân yêu bằng mắt, càng neo con gái, xuân sắc long nữ càng trôi nhanh, tới khi đấy Thiệu Hưng biết đâu cũng chê. Tài Vọng trước kia vì thể diện mà ít nhiều chần chừ, giờ thấy rắn lục cứu mạng ái nữ nhà mình, lão liền lấy cớ ấy bảo con gái nợ người ta một mạng phải dùng thân đền đáp. Thế là lão ta vừa gả được Tảo Triều đi cho khỏi quá lứa lỡ thời, vừa lấp liếm được tuyên bố ngày xưa.

Lục Thiệu Hưng bao ngày kiên trì đã đạt được mục đích, đúng là đá vạn vạn năm đã bị bào mòn... Tiếc rằng, nói chuyện cưới gả lúc Thiệu Hưng chẳng biết bao giờ tỉnh lại liệu còn ích lợi gì chăng. Nhưng Tảo Triều kiên nhẫn chờ đợi ngày nào đó người nằm yên kia sẽ mở mắt đáp lại lời mình.

- Chàng đã bảo chỉ cần "nhẫn" thì sẽ đạt được điều mình mong chờ kia mà. Em đâu mơ mộng xa vời, em chỉ cầu mong chàng tỉnh lại thôi, chỉ cần chàng tỉnh lại, em nhất định thành hôn cùng chàng, yêu chàng suốt đời. - Long nữ nắm tay người tình, nói trong nghẹn ngào.

Thiên mệnh đã xe duyên sao nỡ khiến người thất vọng, cho nên vào một ngày, mãng xà từ từ mở mắt ngập ngừng nói.

- Ta thừa biết cha em đồng ý chuyện hai ta, đồng ý trước cả khi chúng ta đi đánh Ma tộc cơ, nhưng phụ tử hai người thật giống nhau, thích mà không nói, nếu mãng xà ta không giỏi đoán ý người khác chắc từ bỏ lâu rồi.

Tảo Triều chẳng nói được gì, mừng đến rơi lệ, ôm siết lấy nhân tình, cuối cùng tơ tình đời nàng không đứt đoạn nữa rồi. Đúng là gió bào mòn rất lâu, nhưng khi đã mòn thì đến người cũng chẳng biết...

Mới đó đã thêm mấy trăm năm, giờ Thiệu Hưng thành thống lĩnh cấm vệ quân Thiên Cung, oai phong vô cùng, khiến hắc long thần tướng càng thêm phần kiêu hãnh. Tảo Triều còn hạ sinh một nữ hài tử, dù là mãng xà nhưng vẫn khá xinh xắn, nên song thần Tảo Triều cũng rất yêu thương. Ngặt nỗi, xà nữ này cứ thích lôi kéo ông ngoại đến... Y Viện, chẳng ốm đau gì cũng đến đó, làm nhiều lúc lão hắc long lờ mờ nghĩ đến hai từ quả báo.

Chiều nay, xà nữ ngồi vào lòng Tảo Triều để mẹ chải tóc, nghĩ gì đấy liền quay sang lão tướng.

- Ông ngoại ơi! Bên nhà Dược Thần có anh cửu vĩ hồ tên Văn Triều thật khôi ngô. Cháu nhìn trộm qua hàng rào mấy lần mà anh ấy chẳng nhìn thấy cháu. Mà sao mẹ cháu lại dặn cháu nên cẩn thận với mẹ anh Văn Triều, có phải vì anh ấy là cháu ngoại Hồ Vương nên Dược Thần phu nhân mới chê bai thân phận nhà ta. Nhưng cháu không sợ đâu, cha cháu bảo gió thổi trăm năm vạn năm dần dần rồi cũng bào mòn đá, phải thế không ông ngoại?

Tảo Triều khẽ cười, lòng nàng muốn kể cho ái nữ biết vì Trọng Xuân ghen tuông có tiếng, lộ chuyện xưa sẽ thành chấn động kinh hoàng Tuy nhiên bé con còn quá ngây thơ thì sao long nữ kể được, chắc phải chờ thêm thời gian nữa vậy.

Hắc long lão tướng nghe cháu gái nói thì thầm khổ trong lòng, lão chẳng hiểu nổi con hươu ngốc nghếch kia sao lại phước phần hơn đời, bỗng dưng lấy được con gái Hồ Vương, nghênh ngang thân phận phò mã, khiến con cháu lão tự ti thấy rõ. Tuy vậy, lão vội tự trấn an rằng Tỉnh Vĩ dẫu là phò mã Hồ tộc thì vẫn là hươu sao côi cút tầm thường, dựa dẫm gia thế nhà vợ cũng đâu oai phong được mấy phần, nên lão cần gì phải hoảng sợ hay khom lưng cúi đầu trước hắn. Cháu gái lão thích con trai hắn, lão không màng đặt nặng, bởi biết thừa con hươu ấy nào dám làm khó dễ.

Dĩ nhiên Dược Thần không bao giờ làm khó nhà Trần long tướng nhưng sẽ có người khác thay hắn làm khó lão tới tận cùng. Chuyện ấy xảy ra ở một tương lai nào đó rất xa mà long tướng trăm ngàn lần không đoán nổi.

..................................................

Tuy nhiên Thiệu Hưng không hề nghĩ đơn giản giống nhạc gia. Xà tiên từ lâu cảm thấy nhiều điểm bất hợp lý từ Tỉnh Vĩ... Sau khi hay bản thân mình có "tình địch" hay nói đúng hơn là nhân tình cũ của thê tử, Thiệu Hưng cũng nghe ngóng rằng đối tượng ấy thuộc dạng rụt rè hay lo sợ, ưa sống thu mình. Thế nhưng sau một thời gian thăm dò, mãng xà dần thấy nhiều điểm khác lạ từ Tỉnh Vĩ, thậm chí khác xa lời chúng tiên đồn đại... Thiệu Hưng đoán chừng bản chất kẻ đó trái ngược hoàn toàn với Trần long tướng. Trong khi lão Tài Vọng tìm mọi cách thể hiện vẻ quyền quý, hươu ngốc lại không hề thích tô điểm mình mà cứ muốn đắp bùn lên mặt, muốn phủ rơm lên thân để không ai nhận ra. Tiếc rằng ở đời, đúng là đúng, sai là sai, vật nào có vị trí nấy, tráo đi cuối cùng chỉ toàn khập khiễng. Do đó, xà tiên bắt đầu phát hiện tình địch không phải dạng tầm thường. Trước tiên, khi ai đó hỏi về gia thế, Tỉnh Vĩ thường đáp bằng câu trả lời rằng thân mình sinh ra nơi thâm sơn cùng cốc, nơi nghèo nàn khổ cực, nhà tranh vách đất. Nói một lần chưa đủ, phải lặp tới lặp lui tận ba bốn lần đến người ta phát chán. Nghe giọng điệu, rắn lục biết lời hươu ngốc nói chẳng phải kiểu van xin thương hại hay mong chờ đồng cảm, mà là đang... nói dối. Kẻ nói dối thường lặp lại câu dối trá rất nhiều lần, không chỉ để người ngoài tin mà còn để thuyết phục bản thân đó là sự thật.

Điểm thứ hai khiến Thiệu Hưng nghi ngờ Tỉnh Vĩ chính là từ cách con hươu đó cư xử với tiên hữu... Theo quy tắc Thiên Cung, thần tiên mang cấp bậc thấp như hươu ngốc nếu gặp các thần tướng hay quan lại đều phải đứng sang bên phải nhường đường và khum tay vái chào. Quả lúc tình cờ chạm mặt Tài Vọng long tướng, hắn đã hành lễ y thế, tuy nhiên... Lão hắc long bản tính khó dời, muôn đời vẫn ghét đứa con rể hụt từng cật lực xua đuổi, dẫu chỉ chạm mặt trong tích tắc lão vẫn không tiếc lời nhục mạ hươu sao. Những khi ấy Tỉnh Vĩ đều làm như không phản kháng nhưng lão ấy vừa mới xoay lưng, hắn sẽ tức thì liếc xéo người ta, miệng lầm thầm rủa xả. Hươu ngốc chửi rủa chẳng sợ kẻ khác mách cùng long tướng ắt vì lòng đã đinh ninh không ai dám làm gì mình. Thiệu Hưng không tin một kẻ xuất thân thấp kém lại lớn gan vậy. Rắn lục sinh ra trong nghèo túng khổ cực, từng mang phận cúi đầu dạ thưa nên thừa biết không kẻ hèn mọn nào có thái độ giống Tỉnh Vĩ. Chỉ lũ thiếu gia quyền quý, được nuông chiều từ trứng nước mới mang cái thái độ trịch thượng tới độ vừa bị nói nặng một câu đã khó chịu mắng ngược người khác. Vào lần tiếp theo, Lục Thiệu Hưng biến ra chân thân để lén lút quan sát cảnh cãi vã giữa tể tướng Giang Phụng và Tỉnh Vĩ. Dường như con hươu này gặp ai địa vị càng cao lại càng... lờn mặt, gặp tướng quân thì cẩn trọng vái chào, gặp tể tướng đầu triều thì thẳng thừng cãi tay đôi, lời nói không chút kiêng nể, rõ ràng với hắn tể tướng chẳng đáng tí trọng lượng nào. Lạ lùng hơn, Thiên Đế nhìn thấy cũng chỉ vào khuyên can chứ không câu nào trách mắng hươu sao, ông ta kéo vai hắn nhắn nhủ dăm điều, hắn lại bướng bỉnh hất ra, tỏ vẻ không muốn vâng lời. Đáng lẽ hạ đẳng thần như Dược Thần phải quỳ dập đầu trước Thiên Đế, không được phép ngẩng mặt lên nhìn cho đến khi người đi khuất bóng chứ làm sao có chuyện ngang nhiên làm dữ. Tỉnh Vĩ thực hệt một đứa con trai cứng đầu đang vùng vằng với người lớn trong nhà, hoàn toàn chẳng có điểm nào giống thần tiên nhỏ nhoi đang diện kiến người quyền uy nhất thần giới. Có lẽ hươu sao nghĩ chả ai ngoài người trong cuộc chứng kiến cuộc cãi vã nên mới hùng hổ tới nhường ấy.

Điểm cuối cùng là vào hôm mấy binh sĩ đến Y Viện nhờ xem xét thương tích. Trùng hợp lúc đó, Dược Thần vừa đi hái thuốc về, và nhìn giỏ mây trên lưng hươu ngốc, Thiệu Hưng đã nảy sinh nghi ngờ. Cái gùi mây chứa thuốc bình thường bị cột dây thừng chằng chịt những mấy vòng, tưởng như sợ bị ai thấy được thứ bên trong. Bệnh nhân đang cần chữa trị mà còn phải giấu cái giỏ đi xong mới chịu bắt tay thực hiện chức trách. Bởi lẽ đó, khi Dược Thần chăm sóc binh sĩ, Thiệu Hưng giả vờ đi vòng quanh, tỏ vẻ ngắm cảnh Y Viện nhưng thật chất là đi thăm dò. Đi ra một góc thật khuất, xà tiên phải hóa chân thân luồn lách rất lâu mới tìm được nơi hươu sao giấu giỏ. Luồn vào tận bên trong giỏ mây, rắn lục đã giật mình trước chẳng biết bao cơ man thảo dược quý: nhân sâm, đông trùng hạ thảo, tam thất,... còn có vật hơi giống khúc gỗ màu nâu vàng. Không rành rọt về cây cối thảo dược nhưng thời gian nằm trong rừng tu luyện thần lực, mãng xà cũng biết ít nhiều về các sản vật thiên nhiên. Thứ trông giống khúc gỗ này là bạch kỳ nam, sản vật độc nhất vô nhị vốn nằm sâu dưới những rễ cây. Thế gian có câu "nhất bạch, nhì thanh, tam hoàng, tứ hắc", bạch kỳ nam giá trị vô song, đào hết núi rừng lên chưa chắc tìm thấy. Thần tiên nhỏ như Dược Thần mà sở hữu bạch kỳ nam sao? Loại vật báu đấy nếu không phải vào rừng, vượt muôn trùng cạm bẫy thì cũng phải bỏ ra tiền nhiều như núi mới rước được về nhà. Tỉnh Vĩ có báu vật này ắt chỉ thuộc hai trường hợp, thứ nhất là tài phép vô song, đào được kỳ nam mà thân không vết xước; thứ hai là giàu ngầm, giàu nứt đố đổ vách. Kỳ nam dẫu nằm dưới gỗ mục, bị sâu bọ đục khoét nhưng chẳng cần tô vẽ gì thêm, vừa đào lên đã lắm kẻ sống chết giành về tay, trong thoáng chốc Thiệu Hưng chợt thấy Tỉnh Vĩ thật giống kỳ nam, bí ẩn và cực kỳ khó khẳng định chân tướng.