Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 2 - Chương 6



Đến mùa xuân, ngày Tết sum họp gia đình, Tỉnh Vĩ không có họ hàng nên chẳng biết về đâu đón năm mới, toàn quạnh quẽ ăn Tết một mình. Tảo Triều muốn đưa người tình về nhà cùng mình đón giao thừa, cùng ăn Tết, nhưng mẹ cha nàng không thể đồng ý việc ái nữ dẫn kẻ thấp kém qua cửa, ăn dầm nằm dề tận mấy ngày. Nói trắng ra thuở đó Thiên Cung dù là vùng đất mơ ước của biết bao tiên nhân, là nơi tiên khí thịnh nhất thần giới khiến ai cũng khát khao được tìm đến tu luyện nhưng trên đời đâu gì là tuyệt đối, có tốt thì dĩ nhiên cũng có xấu và điểm xấu tại chốn Thiên Cung không gì khác hơn khoảng cách giai cấp. Dẫu cùng nương thân Thiên Cung, những thần tiên nhỏ bé sống cảnh nhà tranh vách đất lại hiếm được các thần tiên cao quý xem trọng, thậm chí thần tiên cấp bậc thấp gặp thần tiên quyền thế còn phải khum tay vái chào. Đấy còn chưa nhắc tới việc giống nòi, thần tiên không dòng không giống, không có thần tộc luôn bị xem thường như lẽ hiển nhiên nhất, và xui xẻo thay, Tỉnh Vĩ lại nằm đúng vào trường hợp ấy. Ngay cả sư phụ hươu ngốc cũng chịu cảnh nhà tranh mái lá thì sao người ngoài xem trọng hắn được, chưa kể hươu con không phụ mẫu, chẳng thân quyến, thần tộc bị tận diệt, thân phận thấp hèn càng thấp hèn gấp bội, nên gia can tướng lĩnh lẫy lừng như nhà hắc long thần tướng tất nhiên chẳng muốn chào đón. Bao nhiêu lần con gái gợi chuyện mời Tỉnh Vĩ tới chơi, Trần long tướng đều la mắng, cấm cản, chẳng chịu cho hươu nhỏ đến gần được cái cổng nhà. Trần phu nhân khắt khe cương quyết bảo ai vào nhà cũng được ngoại trừ loài hươu, có bất kỳ con hươu nào trong cái nhà này thì không có mặt bà ta. Thế là cái dự định ăn Tết cùng nhân tình chẳng bao giờ long nữ thực hiện được.

Cũng lo hươu ngốc buồn bã, năm nào Tảo Triều cũng cố mang thật nhiều bánh kẹo, quà xuân sang cho người ta, lại hết lời an ủi hươu sao đừng bận lòng, còn hứa hẹn đủ điều nhất định sẽ tìm được dịp đưa hắn về ra mắt song thân. Tuy nhiên, có vẻ những quan tâm, lo lắng nơi hắc long vẫn chưa khiến người tình tin tưởng trăm phần, hắn luôn giữ một góc bí mật bất khả xâm phạm với cả Tảo Triều. Cụ thể, cứ đến giao thừa cho tận hết kỳ nghỉ là Tỉnh Vĩ biệt tăm biệt tích, mờ mịt theo gió trời, lúc tiểu tiên Y Viện quay lại học hành hắn mới lọ mọ về theo.

Bao nhiêu cái Tết, long nữ thập thò nơi cửa Y Viện mãi mà cả tuần vẫn không thấy Tỉnh Vĩ đâu. Nghĩ trên đời làm gì có ai đầu năm đầu tháng lại trốn lì trong nhà, trừ phi con hươu ấy vắng nhà suốt những ngày Tết, Tảo Triều liền đến hỏi Khương tiên nhân thì nhận được lời đáp rằng hươu ngốc đi đón xuân xa, chốn ấy đường đi chập chùng, xa xôi, do đó suốt những ngày nghỉ Tết có tìm cũng không thấy được hắn.

Ban đầu Tảo Triều ước chừng người thương về thung lũng Thiên Lộc tộc ngày xưa, nhưng mấy bận nàng lần mò tới nơi chỉ thấy quạnh vắng núi rừng, nửa cái bóng còn chẳng có, nói xá gì Tỉnh Vĩ. Qua nhiều phen như thế, long nữ đành tìm hiểu từ chính Tỉnh Vĩ, và nhờ đó mới biết hắn xuống trần gian ăn Tết cùng người phàm. Trong mắt hươu sao trần gian đón xuân rất thú vị nên hằng năm đều dành thời gian cho nơi ấy.

Tảo Triều nghe câu trả lời mà thoáng thắc mắc, thời gian tiên phàm khác biệt, nếu nói ăn tết dương gian chẳng nhẽ hươu ngốc ở đấy ăn tết tận... mười mấy lần mà không chán. Chưa kể Tỉnh Vĩ còn tặng Tảo Triều mấy thứ bánh đặc biệt, thoạt nhìn giống bánh trôi nước hoặc bánh gạo nếp nhân đậu đỏ nhưng vị hơi lạ miệng. Rồi hươu sao lại vội chống chế với lý do trần gian muôn vạn lãnh thổ, đất đai bao la, mỗi vùng miền là một phong tục khác nhau, đặc sản khác nhau, long nữ đâu mấy khi được phép hạ phàm mà biết hết thức ăn trần gian, thấy lạ cũng đúng thôi. Tảo Triều quả chẳng nhiều lần xuống trần, có lén xuống cũng đâu bao lâu nên nàng tám chín phần tin lời Tỉnh Vĩ.

Nào ngờ khi hắc long vừa đi khuất, từ góc vườn, Thiên Đế lặng lẽ bước ra, hỏi nhỏ hươu sao.

- Vẫn giấu con rồng nhỏ đó sao?

- Bác Vạn Vũ? Bác đến khi nào vậy?

- Đến lâu rồi! Nếu ngươi về quê ăn Tết hằng năm vậy đã kể cho người nhà về Tảo Triều chưa?

Và đáp lại câu hỏi là cái lắc đầu khá bất lực từ con hươu nhỏ, nhiêu đó đã đủ làm vua thần giới hiểu chuyện tình này Tỉnh Vĩ chẳng dám thành thật hết cả tấm lòng. Không khai thân thế cùng người tình, không báo việc yêu đương với thân quyến thì thuyền tình bao giờ mới tới được bến đây...

Có những ngày hắc long phải đi xa cùng thân quyến, hoặc bị phụ thân cấm đoán gắt gao không cho ra ngoài, ắt sẽ tới lượt Tỉnh Vĩ u sầu, đứng ngồi không yên. Lúc trông ngóng người tình, hươu sao thỉnh thoảng chợt nhớ chuyện ngày còn nhỏ... Dòng tộc hắn xây dựng cơ đồ từ trận mạc, thân phụ luôn phải xông pha sương gió, dùng xương máu mở rộng bước đường giang sơn. Chính bởi thế cha hắn cứ mãi ở chiến trường nhiều hơn ở nhà. Mỗi mùa chinh chiến, thân mẫu lại thẫn thờ ra vào đợi chờ bóng lang quân dẫu bà biết hơn ai hết người thương nhanh lắm cũng phải mấy năm mới về. Năm đó vô tư, hươu con thường hỏi mẹ tại sao hiểu rõ cha đi rất lâu mà ngày nào cũng đợi mong, chẳng phải cha luôn trở về trong khải hoàn, cờ trống rợp trời sao. Những khi ấy, mẫu thân hắn chỉ vỗ nhẹ đầu con trai mà giải thích đấy là tình yêu, bà còn dạy hươu con sau này trưởng thành, đủ lớn để hiểu hết chữ tình, cũng sẽ hiểu được cảm giác trong bà hôm nay. Đến lúc cha hắn thắng trận quay về, hắn lại tò mò hỏi thân phụ việc xa cách người mình yêu. Và cha đáp rằng những ngày chiến chinh lòng không ngày nào là không nhớ mẹ hắn, nhớ nhưng chẳng sầu đau bởi lòng biết thời khắc xa cách chỉ là tạm thời, chỉ cần thắng trận, phu thê sẽ thừa thời gian bên nhau.

Nay lớn lên, hắn hiểu lời mẹ cha nói rồi, hiểu xa người yêu là cảm giác cồn cào, bâng khuâng ra sao, nên có khi gặp được người tình, Tỉnh Vĩ hiếu kỳ hỏi.

- Trần tướng quân thân chinh nhân sương gió, hay phải xa nhà nhiều, chắc mỗi phen như thế mẹ nàng lo lắng lắm, ngày nào cũng hướng mắt ra cửa mong nhớ phải không?

Tảo Triều lắc đầu kể.

- Mẹ em không hề tỏ ra chút lo lắng hay thương nhớ, ai nhắc tới mẹ đều bảo cha đi chiến đấu lúc nào cũng thắng, đều bình an trở về thì cần chi nghĩ nhiều.

Tỉnh Vĩ ngây ngô nhớ lại thân phụ mình thao lược tài hoa, tài cầm binh lẫn võ nghệ uy chấn tam giới, tính ra phải ngang hàng Thiên Đế, thế nhưng đến mùa giao tranh mẹ cứ lo vẫn hoàn lo, ngày nào cũng thắp hương nguyện cầu đức lang quân bình an. Ấy vậy mà theo lời long nữ, Trần phu nhân chẳng tí nghĩ ngợi hay bồn chồn cho Trần long tướng, nhẽ nào do lão hắc long đánh trận giỏi hơn cả cha hươu ngốc, xung trận là trăm phần thắng. Chẳng nhẽ chốn thần giới có một tướng quân tài giỏi tột đỉnh, không ai sánh bằng nhưng lại chịu dưới trướng bạch long tướng quân họ Nguyễn cả đời.

Không ngăn nổi hiếu kỳ, hươu sao hỏi tới.

- Cha nàng giỏi đến vậy sao, đánh trận là chắc chắn thắng nên người nhà chẳng màng lo sợ hay bất an.

Long nữ cười đáp.

- Ai bảo chàng thế, cha em ra trận vẫn đôi phen thắng thua đan xen, vẫn có thương tích, mẹ em không lo lắng vì mẹ không giỏi thể hiện tình cảm dành cho lang quân, không biết cách bày tỏ nỗi lòng.

Tỉnh Vĩ gật gù nghĩ, hóa ra do mỗi người một cách yêu thương khác nhau, hẳn mẹ hắn thuộc dạng nhiều cảm xúc nên bao lo lắng phô bày hết ra nét mặt, còn mẹ Tảo Triều lại trầm tính hơn. Nhưng liệu Tảo Triều có giống Trần phu nhân chăng... Có một việc hình như hắc long chẳng biết, chỉ mỗi Tỉnh Vĩ tường tận... Trong ký ức hắn, hắn đã gặp nàng từ khi còn rất nhỏ, hai người ở cùng căn chòi vào đêm mưa rào rạt. Hắn thích lắm cặp lúm đồng tiền trên má nàng nên đã hôn lên đó chẳng biết bao nhiêu phen. Vì cha hắn khó tính nên hắn và nàng buộc lòng xa nhau tận mấy vạn năm. Hắn ngày đó cũng chưa kịp cho nàng biết tên. Giờ số phận cho cả hai tương phùng, hươu ngốc vẫn hoài băn khoăn long nữ còn nhớ hắn hay không, nếu nhớ thì cớ gì chẳng hề nhắc lại, hay vì không chẳng thể bày tỏ nỗi lòng nên đành giấu biến chuyện xưa.

Nghĩ xong, hươu ngốc bất thần nắm mạnh áo nhân tình kéo ra khiến Tảo Triều hoảng hốt kêu lên.

- Chàng đừng làm bậy, hai ta chưa thành hôn mà, nhỡ cha em biết thì...

- Nàng nói gì thế, ngồi yên đi kẻo rách áo.

Tỉnh Vĩ nhanh chóng kéo lộ xương quai xanh người tình ra, nơi ấy mập mờ vết sẹo khá cũ, làm hươu sao khẽ mỉm cười. Dấu vết còn nguyên, biết đâu nàng còn nhớ nguồn gốc vết thương này.

Hắn thả áo long nữ ra để giải thích.

- Có phen trời mưa, áo nàng ướt đầm in mờ dấu sẹo nên tôi muốn nhìn thử, vết sẹo này ở đâu mà có, hình như cũ lắm rồi, bị từ lúc nhỏ đúng chứ.

Long nữ thẹn thùng kéo áo lại.

- Tưởng đâu chàng muốn ân ái với em một phen hóa ra chỉ nhìn vết sẹo cũ rích ấy, em đúng là có vết này từ nhỏ, bị quái thú cắn đấy, khi đó...

Tảo Triều định nói tiếp nhưng lại bị hươu ngốc vỗ trán một cái. Hắn nghĩ thầm thì ra trong thâm tâm nàng hắn là quái thú, chứng tỏ còn nhớ nhưng nhớ theo kiểu ghét bỏ. Lúc đó hắn đối xử với nàng rất tốt, cho ăn đầy đủ ngày ba bữa, tối ủ ấm cho ngủ, rồi cuối cùng những kỷ niệm gom về chỉ trong đúng hai từ quái thú. Tỉnh Vĩ tưởng đâu long nữ giống Trần phu nhân, không biết bày tỏ cảm xúc nhớ thương, nào ngờ chỉ do không nhận ra người xưa, nhưng hươu ngốc nghĩ kỹ nàng ta quên đôi khi lại tốt, vì chính hắn cũng muốn lãng quên quá khứ ấy mà... Chí𝐧h‎ chủ,‎ 𝒓ủ‎ bạ𝐧‎ đọc‎ chu𝐧g‎ ﹍‎ T𝒓U‎ 𝑚T𝒓uyệ𝐧.v𝐧‎ ﹍

Đến sáng hôm sau, hắn theo sư phụ và các huynh đệ đồng môn đi hái thuốc, khi trở về bỗng phát hiện trong sách có ai kẹp vào viên ngọc trắng long lanh cùng lá thứ hẹn hò. Thư để tên người viết có một chữ gần giống chữ "Triều" trong tên Tảo Triều, hắn đoán ngay là nhân tình tặng quà cho mình và hẹn gặp dưới gốc cổ thụ. Tối đấy, hắn cố đến nơi hẹn thật sớm, mặt trời mới vừa khuất bóng hắn ta đã lò mò ra cội cây chờ nhân tình. Chẳng cần chờ lâu, thấp thoáng xa xa bóng ai như người thương, nghĩ chắc nàng cũng y như mình, hẹn đêm mà lòng nôn nóng quá phải tới sớm. Không kiên nhẫn được, hươu sao vội nắm tay lôi long nữ vào khuất sau gốc cổ thụ cao lớn. Tảo Triều ban đầu hơi hoảng hốt tưởng đâu bị gian tặc ám toán, ai ngờ nhìn kỹ lại là người mình thương nên nàng liền mỉm cười im lặng.

Trong đêm hẹn hò, lúc trời không trăng sao, nàng thích nhất ngồi nhìn nhân tình chơi đàn tranh, trời đất mịt mờ nhưng dây đàn tranh sẽ lấp lánh phát sáng. Từng thanh âm tưởng có hình có dạng hóa thành ngàn đốm sáng hòa lẫn vào màn đêm, trời không ánh sao thì Tỉnh Vĩ hóa ra sao cho người tình. Tảo Triều tò mò hỏi hươu ngốc.

- Dây đàn này làm từ chất liệu gì thế? Lần đầu tiên trong đời em thấy có dây đàn tranh phát sáng.

Cái này Tỉnh Vĩ thực chất cũng không biết nổi, quà sư phụ tặng hắn nhân sinh nhật thì hắn tạ ơn thầy thôi chứ đâu hỏi tới, chỉ biết đàn làm từ một loại gỗ rất đẹp, xung quanh khảm ngọc trai, phía bên hông còn hai câu thơ dát vàng.

"Đàn tranh lệ đúc ngàn xưa

Tay ai khơi mạch bây giờ lệ tuôn." (*)

Hươu ngốc đọc hai câu thơ thấy cũng khá quen nhưng nhớ mãi chẳng ra nên đành bỏ cuộc. Dù Khương tiên nhân bảo tình cờ mua được đàn tranh từ một cầm sư ngoài chợ cần tiền trả nợ gấp nhưng vài tiểu tiên có hiểu biết vẫn thì thầm rằng cây đàn này xem ra còn quý hơn cả đàn của loài hạc tiên, chẳng biết cầm sư nào lại bán đi mà không biết tiếc.

Tỉnh Vĩ có lần từng hứa nếu nhân tình thích đàn này thì hắn sẵn sàng tặng luôn, thứ gì Tảo Triều thích hắn sẽ tặng hết, không cần so đo thiệt hơn. Rồng đen tựa đầu lên vai người tình, thỏ thẻ.

- Em đâu biết chơi đàn, chàng tặng đàn này cũng bằng thừa, chàng cứ giữ lại để ngày ngày hòa đàn cho em múa kiếm, nhờ tiếng đàn từ chàng mà kiếm pháp em tiến bộ thấy rõ.

Tuy vậy một thời gian lâu sau hươu ngốc thực tặng đàn cho nhân tình và nhận về bảo kiếm của hắc long thay lời hẹn ước chung đôi trọn kiếp, hai người thề trước cỏ lau, tín vật nhận rồi quyết chẳng hai lòng, nhất định khi Tỉnh Vĩ thành Dược Thần, Tảo Triều thành tướng quân cũng là khi cả hai đại hôn pháo hồng. Hắn hứa cùng nhân tình ngày đón dâu sẽ cho nàng kiệu lớn kết hoa diên vĩ, sẽ cho nàng hỷ phục dát ngọc quý, áo choàng lông ngỗng, đầu đội mão vàng.

Long nữ cười khúc khích.

- Chàng cứ như em làm hoàng phi chẳng bằng, chỉ giỏi nói đùa.

Nhưng nói đùa thì sao, người ta muốn nàng vui thôi mà, nên nàng hôn thật mạnh lên má hắn thay câu đồng tình.

Tiếc rằng có những ước mơ thật đẹp mà vĩnh viễn chẳng thành hiện thực, ước mơ là để hy vọng, khát khao, còn hiện thực là cái tát tàn nhẫn nhất mà không ai muốn đối diện. Ngày tháng đẹp đẽ của huynh muội, của ái tình, Đăng Khoa vi vu tiếng sáo bên cạnh có Ngọc My tựa đầu, Tỉnh Vĩ nắn nót cung đàn, Tảo Triều nương tiếng đàn của người thương mà múa kiếm, Đường Lệ mang nét bút họa lại những thời khắc hạnh phúc nhất..., đã chấm dứt nhanh hơn cả tưởng tượng. Thời gian lướt trôi vô tình, không bàn tay nào đủ quyền năng nắm lại, đến một ngày mọi người bàng hoàng nhận ra những gì đẹp đẽ chỉ còn trên trang giấy, thực tế luôn tàn nhẫn khôn ngờ.

……………………………………….

Đầu tiên phải nhắc đến chuyện Tỉnh Vĩ và Tảo Triều, điều gây trắc trở cho mối tình này đâu chỉ riêng quan niệm môn đăng hộ đối cũ rích, Tỉnh Vĩ ngoài bề ngoài hèn mọn vẫn còn ngàn điểm khác khiến nhà long nữ chướng mắt.

Phải kể từ việc hắc long Tài Vọng thường hay than phiền cùng bằng hữu rằng con gái ngang bướng chẳng thèm kết thân cùng kẻ bằng vai vế, cứ đi quấn quýt một con hươu kém cỏi đang học đòi theo thiếu gia nhà giàu sang, đũa mốc chực chờ chòi mâm son. Chuyện đấy khiến lão vừa tức giận vừa ức chế không nói thành lời. Mà bằng hữu thân thiết nhất của lão hắc long còn ai khác hơn bạch long Úy Hữu, ông cũng là thần tiên cao quý còn thuộc Long tộc nên tính tình chẳng khác biệt bằng hữu là bao, nhất là điểm phân biệt sang hèn. Hai thần tướng vốn chia ranh giới rạch ròi với kẻ thấp hèn nhưng lại run rủi gửi con cái đến tu luyện tại học viện được lập bởi một thạch thần tiên nhân, có lẽ do thần tiên ấy cũng từng thời tứ cố vô thân, cũng chịu cảnh không gốc gác không thần tộc nên luôn tìm cách xóa bỏ định kiến phân chia sang hèn trong các đồ đệ, và cụ thể bà đã thành công khiến hai rồng con Đăng Khoa, Tảo Triều mở lòng sang giao du cùng Tỉnh Vĩ. Tuy thế việc dạy dỗ ngỡ tốt đẹp đó lại làm hai rồng nhỏ sống ngược với quy tắc gia tộc. Quy tắc ngàn đời bị đảo lộn, danh tiếng cao quý sắp bị hoen ố, nhưng thạch thần kia giờ đã thành thượng đẳng thần, hai long tướng đâu dám to gan sang sinh sự, bởi vậy Úy Hữu đành bày ra kế khác. Ông bàn với bằng hữu sẽ đề cao quan sát việc kết giao bằng hữu của con cái và dần dà tìm cách khuyên răn, rồi thế là...

Từ sau dạo ấy gia nhân nhà bạch long thầm thì con hươu nhỏ đến từ Y Viện chả những mồ côi mà còn là con hoang, sinh ra chỉ có tên chứ không hề có họ. Thậm chí trong mắt người nhà Úy Hữu, Tỉnh Vĩ còn dốt nát, viết chữ chẳng rành, họ thật không biết tự bao giờ tiêu chuẩn chọn đệ tử của Y Viện lại thấp đến vậy.

Việc Tỉnh Vĩ bị đồn dốt nát hoàn toàn có cơ sở chứ chẳng phải người ngoài ghét mà thêm thắt... Chẳng là Đăng Khoa rất thường rủ bằng hữu về nhà luyện chữ, làm thơ. Có buổi chiều rồng nhỏ hỏi hươu con.

- Tên ngươi đọc hơi lạ nhỉ, viết ra thử cho anh xem với.

Bằng hữu đã đề nghị, hươu con đâu thể từ chối, đành miễn cưỡng viết tên mình lên giấy. Tuy nhiên, rồng trắng càng hiếu kỳ bao nhiêu, Tỉnh Vĩ càng chần chừ bấy nhiêu, hắn cầm bút lông quẹt vài nét trên giấy rồi vội ngưng lại, mặt hiện rõ nét đăm chiêu kỳ lạ. Vài gia nhân đứng hầu hạ Đăng Khoa còn trộm nghĩ chẳng nhẽ con hươu này không biết chữ, ngay cả tên mình cũng không viết được.

Úy Hữu tướng quân ngồi cạnh đó theo dõi con trai cũng chướng mắt nên cầm ngay lấy cây bút khác hỏi hươu sao.

- Chữ Tỉnh trong tên ngươi là chữ nào, để ta viết cho, chữ Tỉnh (惺) trong tinh khôn tỉnh táo hay chữ Tỉnh (醒) của tỉnh dậy.

Tỉnh Vĩ lắc đầu nguầy nguậy rồi viết lên chữ Tỉnh (井) nghĩa là cái giếng. Thấy thế lũ gia nhân liền cười khúc khích, to nhỏ bảo con hươu ngốc nghếch tới độ viết nhầm cả tên mình vì đâu ai ở đời lại mang tên cái giếng.

Đăng Khoa lay vai hươu ngốc.

- Ngươi viết nhầm rồi, nói ra tên ngươi nghĩa gì, anh sẽ viết hộ.

- Em không nhầm, vì viết theo ngôn ngữ của anh mới ra chữ cái giếng, còn theo nghĩa ở quê nhà em thì khác hoàn toàn, đây chỉ là viết gần nghĩa nhất có thể chứ dịch ra chính xác thì ở đây không có chữ.

Hươu con còn nói một hồi về ý nghĩa tên mình, hình như liên quan tới sao trời gì đó, nhưng Đăng Khoa nghe mãi không hiểu vẫn hoàn không hiểu. Thêm nghĩ vùng Thiên Lộc tộc khá xa Thiên Cung, ngôn ngữ sai lệch nhiều cũng là lẽ tất nhiên, rồng trắng chịu thua, chẳng hỏi tới nữa.

Tiếp theo đó, hươu sao viết đến chữ Vĩ (瑋), hình như ban đầu hắn viết ít nét hơn bỗng giữa chừng sửa thêm mấy nét vào, viết xong hắn còn nói phụ thân mình từng nói chữ vĩ này nghĩa là "minh châu vĩ bảo", tuy vậy cũng là viết theo ngôn ngữ bạch long đang học, nếu viết theo chữ nơi hươu ngốc sinh ra phải viết khác.

Từ đấy, dăm cái mồm bép xép đồn đại chốn Y Viện có một con hươu sao ngu ngốc, viết chữ chẳng xong, tên mình còn không biết viết. Trần long tướng nghe đến hươu sao Y Viện liền biết ngay là ai, bởi cả Thiên Cung đào đâu ra con hươu thứ hai. Ngay hôm đó Tảo Triều đã bị thân phụ lôi ra dạy dỗ cả buổi.

- Ngươi kết bạn với thứ nghèo hèn thì thôi đi, lại còn dốt nát, chơi với thứ đấy sớm muộn cũng hư thân. Nó còn tệ hơn cả mớ cây cỏ vô tri vô giác chất đầy Y Viện. Nó là cái gốc cây mục, ngoài việc để cho sâu bọ, côn trùng đục khoét thì chẳng có chút giá trị gì. Một tiểu thư cành vàng lá ngọc như ngươi liếc mắt nhìn nó còn không đáng chứ nói gì tới kết giao thân thiết.

Nữ hắc long không mấy đặt lời khuyên ấy vào tai, càng không cho là đúng, một phần do đã biết lời đồn đại này từ lâu, phần còn lại, nàng rõ hơn ai hết Tỉnh Vĩ biết làm thơ, có thể xuất khẩu thành thơ thì làm sao dốt nát được, hẳn phải có hiểu lầm ở đây. Nên lời bên ngoài long nữ chẳng màng để tâm.

(*) Trụ Vũ.