Huyền Thoại Chưa Kể

Quyển 3 - Chương 3



Chương này có dùng một số thông tin về tranh sơn mài tổng hợp được trên báo chí.

.........................................

Đường Lệ biết không ít về tranh sơn mài, loại tranh này cách làm công phu, tốn nhiều thời gian, kẻ thạo tranh sơn mài thường tay nghề phải thuộc dạng cao thâm hiếm có. Nàng từng nhiều lần làm thử nhưng đều thất bại vì chưa am tường cách thức, phần cũng bởi thiếu nguyên liệu. Nếu đây là tranh do linh miêu làm, hẳn tay nghề nơi hắn ta còn vượt hơn những gì nàng thấy thời gian qua. Tia nắng nhỏ ngập ngừng hỏi.

- Anh tự làm được bức sơn mài này sao? Có thể dạy ta không?

Mèo rừng đắn đo chốc lát rồi gật đầu đồng ý. Hắn rành mạch kể.

- Làm tranh sơn mài, cần năm bước chính: phác thảo bố cục, phóng lớn phác thảo, lên vóc, rồi lên mài, cuối cùng là toát sơn, nhanh lắm cũng mấy tháng mới xong. Giờ cô muốn vẽ gì thì phác thảo trước đi.

Thấy người ta có vẻ tích cực dạy mình làm tranh sơn mài, Đường Lệ chẳng ngại ngần vẽ luôn khung cảnh trước mắt - cảnh núi đồi phương nam đang chìm vào tịch dương. Nàng cầm bút cẩn trọng phác thảo đường nét thật tỉ mỉ, vẽ từng tia nắng chiếu xiên về cuối trời, vẽ từng bóng mây lơ lãng bay về xa xăm, vẽ mặt đất bao la không bến bờ, vẽ cả những tiểu tiết, chẳng sót cái cây, hòn đá nào.

Tới lúc trời vào khuya muộn, linh miêu nhìn bản phác thảo gật gù bảo.

- Ta về nhà đây, hoàng hôn ngày mai ta đưa khuôn gỗ tới cho cô lường kích cỡ mà phóng lớn tranh.

- Tại sao phải hoàng hôn, trưa mai là có bản phác thảo hoàn chỉnh rồi.

- Trưa ta không đến được, chỉ đi được từ hoàng hôn tới bình minh.

Hắn nói xong liền vội vàng biến mất y hệt đêm ngoài đồng hoa cải, thứ nàng còn thấy được chỉ lưng áo đỏ phất phới rồi cũng nhanh chóng bị màn đêm nuốt chửng. Nàng quen biết hắn đã sáu tháng, nhưng suốt bao ngày dài tháng rộng hai người chỉ gặp nhau từ chiều đến đêm, chưa một ngày nào Đường Lệ thấy mèo rừng đứng dưới ánh sáng ban ngày. Đôi phen tiên nữ còn trộm nghĩ phải chăng trong ánh mặt trời có gì đó khiến hắn luôn hoảng sợ, lảng tránh.

Chiều tà hôm sau, mèo rừng mang đến một tấm gỗ để dạy Đường Lệ làm vóc, tức là chít hết các vết rạn trên gỗ, bọc vải, rồi sơn bảo quản. Nghe thì ngỡ đơn giản nhưng thực chất công đoạn này cần từ hai mươi ngày đến tận một tháng mới hoàn thành, chưa kể còn đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao. Người làm vóc thường dùng đất phù sa hoặc bột đá để chít tấm gỗ, sơn nhiều lần, bọc nhiều lớp vải, ủ khô và mài phẳng. Riêng sơn và bọc vải đã cần tận tám đến mười lớp thì chẳng hỏi cũng biết vì sao cần tận ba mươi ngày chỉ để hoàn thành tấm vóc. Ngoài bọc vải và sơn, tấm vóc đúng chuẩn để tạo nên bức sơn mài còn phải được đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ phía sau nhằm tránh cho vải bị rạn xé. Ngày xưa Đường Lệ học đục mộng từ Tỉnh Vĩ, mà con hươu ấy cũng chẳng phải thợ mộc thực thụ, chủ yếu toàn học lỏm, bởi vậy tiên nữ làm trăm tấm vóc đã hỏng đến chín mươi chín tấm, đến tấm cuối cùng cũng chỉ tàm tạm chứ vẫn chưa tới đúng độ đạt chuẩn. Đến hôm nay, gặp kẻ kinh nghiệm làm sơn mài đầy mình, nàng đã từ từ nhận ra mình từng sai ở đâu.

Linh miêu hướng dẫn nàng khá nhiệt tình, chẳng khác thầy dạy trò, từ chít vết rạn gỗ ra sao, bó vải, sơn như thế nào, rồi đục mộng theo cách nào. Ngay cả từng loại sơn phủ lên vóc cũng là yếu tố không thể bỏ sót.

- Lớp sơn đầu phải là sơn sống (sơn chưa pha chế), bó vải xong còn phải ủ vài ngày tùy theo thời tiết. Sau này còn phải dùng sơn pha mùn cưa phủ thêm lần nữa. Lớp thứ tư tới lớp thứ bảy thì dùng sơn trộn mùn cưa và đất sét, từ lớp sơn thứ tư thì đều phải mài rồi mới mang đi ủ. Cuối cùng thì hom sơn cả hai mặt để chống mối mọt và chống thấm nước. Mai ta sẽ chỉ rõ hơn, giờ ta về nhà đây.

Người nói rồi lại đi, bỏ lại mình nàng giữa bơ vơ núi rừng nửa đêm. Đã bao nhiêu lần như thế rồi, chẳng đếm nổi nữa, bất kể tranh vẽ đến đâu, sắp xong hay dang dở một nửa, linh miêu đều nhất mực phải đến hoàng hôn sau mới chịu ló dạng, cứ như thể hắn chẳng bao giờ màng tới chuyện Đường Lệ cả ngày ngóng trông. Thỉnh thoảng tiên nữ xa gần mở lời muốn cùng bạn hữu vẽ tranh lúc trời sáng nhưng đều không được chiều lòng, mèo rừng không lý do này cũng nguyên cớ nọ, mãi rồi nàng đành tự an ủi bản thân rằng linh miêu ắt rất bận rộn, chỉ có thể đến vào lúc chiều muộn.

Thời gian cứ trôi qua, việc sơn, bọc vải nối tiếp nhau, lớp này phủ lớp kia, hơn một tháng ròng, hết sơn rồi ủ, dùng từ sơn sống đến sơn chín, rồi mài... Quy trình cứ lặp đi lặp lại tới lúc phủ đủ mười lớp, sau nhiều vất vả lẫn kiên trì tấm vóc cũng đã hoàn thiện.

Tiếp đến là bước cẩn trứng, tại bước ấy, linh miêu cùng bằng hữu bắt buộc phải khiêng tranh vào hang động để khi cẩn họa tiết không bị gió thổi bụi bẩn vào. Tia nắng nhỏ biết khảm sơn mài thường dùng vỏ trứng hoặc vỏ ốc, ban đầu cứ ngỡ linh miêu cũng dùng nguyên liệu y hệt những họa sư khác, ai ngờ ngay sau đấy nàng tức thì giật mình thảng thốt khi thấy hắn lấy ra vỏ trứng, vỏ ốc và... vàng, bạc để cẩn lên tranh. Đường Lệ sững sờ nhìn đăm đăm mớ vàng trang trí tranh mà chẳng cất nên lời. Thường chỉ những nhà giàu nứt vách mới dám dùng vàng làm việc này, trong phút chốc nàng còn rùng mình nghĩ nhẽ nào nhà mèo rừng bán vàng. Tuy nhiên hắn ta không để tâm ánh mắt kinh ngạc từ tiên nữ lắm, cứ điềm nhiên chỉ dạy với giọng điệu rất thông tuệ.

- Làm tranh sơn mài là quy trình ngược, cẩn trứng trước rồi mới vẽ nét, vẽ màu, ngay cả kẻ chính tay tạo nên tranh cũng không biết trước được tranh sẽ đẹp hay xấu. Đôi khi làm xong tranh còn chẳng lên màu nổi, xem như thất bại hoàn toàn.

Đường Lệ đứng nghe từng câu từng chữ mà hết ngỡ ngàng lại đến ngưỡng mộ bằng hữu. Nàng nhớ ngày trước, tranh sơn mài mình làm chẳng hư chỗ này cũng hỏng chỗ nọ, và đúng thật tranh toàn mờ mịt, không thấy màu sắc đâu, chỉ để lại một khoảng hỗn độn tối tăm. Chính bởi thế thế, tia nắng nhỏ mới nản chí, bỏ luôn ước mong làm tranh sơn mài. Tới hiện giờ, qua lời linh miêu, tiên nữ lờ mờ nhận ra có lẽ dạo xưa mình chưa tìm hiểu cặn kẽ căn cơ của sơn mài mới dẫn tới thất bại thảm hại. Riêng linh miêu này am hiểu sơn mài, kiến thức dồi dào chẳng khác chi bậc thầy, khiến Đường Lê nảy sinh tò mò phải gợi lời hỏi thử.

- Nhà anh theo nghề làm tranh sơn mài à?

Hắn nhìn về xa xăm nói thầm.

- Không hẳn, cha ta chỉ là người đam mê sơn mài thôi. Ngày xưa cha thích loại tranh này lắm, buồn thay ngay khi ông hoàn thành bức tranh cuối cùng thì...

Tới đấy, hắn chợt im lặng, không gian đứng lặng đến nghe rõ cả tiếng lá rơi. Đôi mắt đẹp tự dưng hóa màu âm u, ngàn ngôi sao trong ánh nhìn lộng lẫy tựa bị cả quầng đen phủ lấy. Đường Lệ dù chẳng hỏi cũng đoán ra được mèo rừng đang chìm vào sầu muộn, nàng thỉnh thoảng cũng có cảm giác này, cảm giác buồn bã len lỏi vào hồn mỗi phút cảm thấy lòng cô độc, cảm giác mơ hồ mà cớ sao vẫn làm tim đau nhói từng cơn.

Những ngày tiếp theo, tia nắng nhỏ hoàn toàn tập trung làm tranh, chẳng suy nghĩ mông lung gì chuyện của bằng hữu nữa. Nàng im lặng và cẩn thận nghe theo lời linh miêu, phóng to bức phác thảo thành ngang bằng kích cỡ tấm vóc và can nét bằng phấn để đưa lên vóc. Có đủ những nét can phấn, hai người bắt đầu cẩn từng nguyên liệu bằng sơn then. Những mảnh trứng, mảnh vàng dưới bàn tay khéo léo dần mơ hồ tạo thành đường nét cho bức tranh. Riêng phần sắc độ tranh lại phụ thuộc vào màu vỏ trứng, như trứng gà dùng cho sắc độ nóng, còn trứng vịt dùng cho sắc độ lạnh, muốn màu sậm hơn thì mang vỏ trứng đi hơ lửa.

Đường Lệ bỗng vui miệng kể ngày xưa lúc mình mới tập làm tranh sơn mài đã bắt sư huynh ăn trứng gà trứng vịt đến phát ngán, ăn ngày này qua ngày nọ, ăn tới người ta sợ luôn trứng gà trứng vịt, sợ đến độ nghe nhắc tới chuyện nàng làm tranh sơn mài, sư huynh sẽ lập tức xanh mặt như tàu lá chuối.

Câu chuyện hồn nhiên, đáng yêu vô tình gợi lại chút ký niệm đẹp đã ngủ vùi từ lâu trong tâm khảm linh miêu. Hắn nhớ những ngày chui vào bếp nhặt vỏ trứng gà, trứng vịt về để giúp cha làm tranh. Nói cho đúng, hắn muốn có vỏ trứng thì chỉ cần ra lệnh thôi nhưng trẻ con ưa nghịch phá, đời nào chịu làm chuyện bình thường, hắn cứ lăn lộn trong bếp, moi móc trứng lớn, trứng nhỏ ra, có khi còn lục cả thùng rác, khiến đám hầu cận nháo nhào cả lên... Một thời thật đẹp và tan biến cũng thật nhanh, nay hắn chẳng bao giờ vào bếp lượm vỏ trứng nữa, chắng phải vì đã quá lớn để nghịch trò ấy mà bởi cha đã không còn tồn tại trên cõi đời này...

Qua thời gian miệt mài cẩn trứng, bức tranh lại phải được ủ khô mấy ngày, rồi tiếp tục mài cho những nơi được cẩn phẳng nhất có thể. Ngoài vỏ trứng, cả vàng cũng được cẩn lên vóc và khi mài tranh dĩ nhiên sẽ mài luôn vàng.

- Mỗi lần anh làm tranh sơn mài chắc tốn vàng lắm nhỉ. - Đường Lệ hỏi với chút bông đùa.

- Nghệ thuật mà, không chịu hy sinh một chút sao có thành quả. Bức tranh này không có vàng là không ra ánh nắng vàng rực kia đâu. - Mèo rừng vừa nói vừa chỉ về phía dòng sông óng ánh như dãy lụa vàng vắt ngang núi đồi phương nam.

Hắn vừa dứt câu, ký ức cũ lại ùa về. Ngày xưa mẹ hắn ta cũng hay cằn nhằn khi cha con hắn lấy vàng cẩn tranh. Cha lúc đó trả lời y hệt hắn bây giờ, ông bảo làm vì nghệ thuật thì phải có hy sinh. Tuy thế, linh miêu biết mẹ chả mấy khi giận lâu vì thân phụ hắn làm tranh sơn mài vốn để tặng chính bà ấy thôi. Tới giờ, trưởng thành rồi, hắn có lấy cả kho vàng đi cẩn tranh cũng không ai cằn nhằn, nhưng mọi người nào hiểu, hắn thèm nghe lời cằn nhằn đó biết nhường bao. Tiếc thay tất cả chỉ là ước mơ vô vọng...

Xong bước cẩn trứng thì tới lúc vẽ nét. Mèo rừng cầm bút lông, dùng mực đen vẽ mẫu cho Đường Lệ thấy trước. Nhìn nét bút lả lướt như gió lượn, tia nắng nhỏ thật không khỏi thán phục, tấm gỗ sơn lên cả chục lớp, mài cho nhẵn bóng mà linh miêu vẫn vẽ dễ dàng y như đang vẽ lên giấy, không chút nao núng hay run tay. Hắn làm mẫu thử vài đường rồi đưa bút cho Đường Lệ thử, tay hắn chạm nhẹ vào tay nàng, bàn tay thiếu nữ ấm nồng khiến linh miêu bất thần rút tay lại.

- Tay cô?

- Sao cơ? - Nàng ngạc nhiên hỏi.

- Ấm... ấm lấm, trước giờ ta chưa bao giờ biết thứ gì ấm như thế.

- Ta là nắng mà. Anh khó chịu à?

- Không!

Nói xong, hắn tiếp tục cầm tay dạy tiên nữ vẽ trên vóc. Thế là lần đầu trên đời có kẻ không chán ghét bàn tay luôn ấm nồng của Đường Lệ, một niềm vui nhỏ nhoi len nhẹ vào tim, làm nàng thoáng nở nụ cười e lệ. Và liệu nàng biết chưa, nụ cười nơi nàng cũng đã bắt đầu khơi lên những đốm lửa xao xuyến, cho một người bồi hồi trong từng nhịp thở. Người ấy nhìn nàng cười rồi vội vàng quay đi nhưng tâm hồn cứ xốn xang chẳng yên, cái xốn xang hiện giờ chưa thể giải thích, chỉ biết chờ đợi thời gian giải đáp hộ.

Cuối cùng trong bước này là vẽ màu, trộn sơn ta với son rồi vẽ phủ trực tiếp lên những nét mực đen lẫn nét cẩn trước đó. Còn phần nào cần sáng thì dùng bạc vụn rắc lên.

- Cẩn thận! Sơn ta làm từ nhựa một loài cây rất độc, không cẩn thận sẽ bị "sơn ăn". Sơn ta cũng lâu khô, ít nhất phải chờ ba ngày. Để hoàn chỉnh bước này cần sơn lên hai mươi lớp, lớp này khô lại tới khác, dày mỏng khác nhau, đậm nhạt cũng khác nhau. Quy trình này độ chừng ba tháng mới xong.

- Anh đừng lo, ta học y thuật mà, ta từng bị sơn ăn rồi, cũng biết cách chữa. - Đường Lệ nói cùng mèo rừng. - Dùng lá khế tắm sẽ bớt sưng phù do sơn ăn.

- Ta cũng biết. - Mèo rừng nói gỏn lọn.

...........................................

Hình dáng bức tranh Đường Lệ vẽ theo thời gian cũng lộ ra, đến bước này, mỗi lớp màu cũng một lần mài giống khi làm vóc. Đột nhiên linh miêu nhắc tia nắng nhỏ một điều quan trọng.

- Bước này phải biết nhìn tương quan của tranh để biết khi nào dừng mài, tranh của cô, thì cô phải là người ngắm, đẹp hay hỏng phụ thuộc hết vào cô.

Vừa dứt lời, hắn liền nhường chỗ cho nàng mài tranh, bản thân mình lại đứng sang bên, chỉ góp ý chứ chẳng nhúng tay vào nữa. Đường Lệ cứ vậy, kiên trì phủ bạc, phủ sơn rồi dùng lá chuối khô mài lên, làm ngày này qua ngày nọ, tháng này quá tháng nọ, từng lớp sơn, lớp bạc là từng tâm huyết nàng dốc vào tranh. Tia nắng nhỏ thích tranh sơn mài, nhưng tìm tòi không tới, công sức bao lần đổ sông đổ bể, mấy vạn năm sau mới có cơ hội hoàn thành một bức sơn mài đúng nghĩa, nàng nhất định dồn hết sức lực để một lần được chiêm ngưỡng bức tranh sơn mài hoàn chỉnh tự tay làm nên.

Quan sát tia nắng nhỏ mài tranh, linh miêu nhớ về thời ngây thơ cùng thân phụ mài tranh. Cha hắn mài tranh, sơn tranh rồi lại mài tranh, nhiều đến chẳng đếm xuể bao nhiêu lần. Ông bảo hắn khi bức tranh hoàn tất sẽ trở thành tác phẩm đẹp nhất xưa nay, sẽ bày ngay nơi thật trang trọng để ai đi ngang cũng trông thấy. Quả bức tranh đó thật giống như cha hắn tiên liệu, một tuyệt tác mà nghệ nhân tài hoa bậc nào cũng chỉ làm được một lần trong đời, nhưng tuyệt tác vừa treo lên đã vương đầy máu đỏ, tranh sơn mài thấm đỏ máu cha hắn.

Trời càng lúc càng tối, linh miêu định bụng từ biệt bằng hữu thì bị nàng ta kéo lại để đưa cho một nắm lá khế.

- Ta thấy tay anh có vài chỗ bị phù sơn, để ta đâm lá khế ra đắp giúp anh.

Rồi Đường Lệ làm thế thật, nàng giã lá rồi cẩn thận băng lại cho mèo rừng. Băng xong nàng còn không quên chọc ghẹo linh miêu.

- Anh đúng là nam nhân xuề xòa, chẳng biết tự chăm sóc bản thân, trầy trụa, sẹo khắp người cũng chẳng màng quan tâm.

- Vì... - Hắn trả lời ngập ngừng.

Mỗi khi linh miêu nói rồi dừng đột ngột chính là khi hắn hồi tưởng. Lúc xưa, cha con hắn đều bị phù sơn sau khi làm tranh sơn mài, khiến mẫu thân lo sốt vó, cuống cuồng sai bảo hầu cận tìm lá khế về cho hai người chữa phù sơn. Phen nào thấy hai cha con phù hết tay chân, thân mẫu mèo rừng cũng căn dặn ngược xuôi việc chăm sóc bản thân, việc không để vết thương làm độc... Ngày ấy ngây thơ hắn hoài đinh ninh rằng bản thân đâu chi phải lo khi đã có thân mẫu kề cận yêu thương, cùng lắm mai sau lớn lên chỉ cần tìm về một thê tử hiền hậu, đảm đang giống hệt mẫu thân mà thôi. Nào có ai ngờ hạnh phúc lùi vào dĩ vãng nhanh quá, một cái chớp mắt, nhìn lại sinh mẫu đã đi rất xa, chẳng còn cạnh bên đêm ngày nhắc nhở. Nay hắn lớn rồi, cuộc sống vẫn đầy đủ, yên ấm, kẻ hầu người hạ trùng trùng nhưng kẻ quan tâm hắn bằng tình cảm thật thì được mấy ai... Khi tay phù sơn, chỉ một câu ra lệnh sẽ có hàng đống người dâng đủ loại thuốc men lên cho hắn chữa trị, tuy nhiên họ làm chỉ vì nhiệm vụ, không chút thân tình. Từ ngày mồ côi đến giờ, mèo rừng luôn ước mơ có ai đó quan tâm mình chân thành, chứ đừng chỉ vì hoảng sợ hay kính nể đầy xa cách. Một mong ước ngỡ đâu vô cùng bình dị, thế gian ai cũng dễ dàng có được, ấy vậy mà với một kẻ nắm quyền thế đầy tay lại quá hão huyền. Tới tận hôm nay... Trong thoáng giây, chợt lời tiên nữ nói sao quá đỗi giống lời mẹ hắn từng nói. Cảm giác ai đó lo lắng, nhẹ nhàng băng bó từng thương tích trên thân mình lâu lắm rồi mới lại tìm về. Vạn năm thăm thẳm phải chăng thiên mệnh cuối cùng đã thấu cho mong ước nhỏ nhoi, đã đưa đường mở lối dẫn đường một nhi nữ đáng yêu tìm đến và quan tâm hắn ta bằng tấm lòng vô tư, chân thành...

- Băng xong rồi đấy, sau này anh làm y như vậy, dần dần sẽ lành. Còn nếu không biết làm, lần sau ta sẽ làm tiếp cho.

Nàng nói rồi còn nở nụ cười ấm áp, làm ai đấy thoáng ngờ nghệch nghĩ liệu có cách nào cho vết thương lâu lành hơn chăng...

Mấy tháng ròng rã rồi cũng qua, để tác phẩm từ tấm vóc phủ sơn thành bức tranh sơn mài chỉ còn bước toát sơn. Mèo rừng căn dặn Đường Lệ rất rõ ràng.

- Phải dùng sơn pha loãng với dầu hỏa phủ lên một lớp, phủ xong thì đánh bóng. Đánh bóng ở đây không chỉ đơn thuần giúp cho tranh đẹp hơn, cốt yếu ở chỗ làm cho những lớp màu tan chảy và hòa quyện. Ngay tại bước này, kẻ tạo lên tranh sơn mài sẽ hình thành nên độ sâu màu, độ trong trẻo của tranh, những khoảng trong hay sâu, sáng hay tối ấy, chính là ý đồ người làm tranh sơn mài luôn muốn thể hiện.

Qua bao lời hướng dẫn vô cùng tận tâm và muôn trùng nỗ lực từ Đường Lệ, sau nhiều ngày, cuối cùng...

- Xong rồi! Anh nhìn thử đi! - Tia nắng nhỏ nhìn về phía hắn mỉm cười.

Lúc đến nhìn gần bức sơn mài, linh miêu đứng chết trân cả buổi mới ngập ngừng hỏi tiên nữ.

- Cô nhìn thấy cảnh này vui sao? Ta hay cảm nhận chiều hoàng hôn buông xuống luôn buồn mênh mang, suốt ngày tháng cùng cô làm từ đầu tới cuối giờ mới cảnh vật bỗng khác lạ thường.

Đường Lệ mỉm cười đáp.

- Ta làm tranh vui vì lòng ta vui, vì ta hào hứng được tự tay hoàn tất một tranh sơn mài đúng nghĩa. Mà trên đời làm gì có cảnh buồn, người buồn thì cảnh buồn, người vui thì cảnh vui, vui buồn đều do lòng người.

Từ dạo thân phụ qua đời, linh miêu vẫn làm tranh sơn mài nhưng trông rất buồn, mọi người đều bảo tranh hắn buồn và chính bản thân hắn cũng đồng tình. Có thể do lòng hắn buồn thật, buồn rồi thấy đâu cũng ngập nỗi buồn, mang cả u buồn vào tranh. Chắc cũng phải mấy vạn năm rồi mèo rừng mới chiêm ngưỡng một bức tranh sơn mài không đượm quá nhiều muộn phiền. Ngày nhỏ hắn từng có cảm giác hào hứng y hệt Đường Lệ, rồi chỉ sau một đêm, hào hứng hóa niềm đau, hắn không còn vẽ được niềm vui nữa.

Những ngày mới thấy nhau, hắn ta trộm tranh của tia nắng nhỏ vì tò mò, vì thấy nàng lạ lẫm, cho tới hôm nay cái lạ lẫm đó đã vượt xa cả điều hắn từng nghĩ. Nàng đặc biệt hơn, gợi nhiều thứ khiến mèo rừng muốn tìm kiếm hơn. Nên...

- Chỗ ta còn nhiều loại tranh lắm. Chiều mai ta mang sang cho cô xem nhé!

Được hứa hẹn cho xem tranh, Đường Lệ đương nhiên cầu còn chưa chắc được, nói gì từ chối. Vậy là hai người cứ tiếp tục hẹn hò sau khi làm bức tranh sơn mài, những cuộc hẹn đưa đến cái kết khó ngờ.