Án Treo Linh Hồn

Chương 45:




Lý Vi đang nằm mơ.
Anh thậm chí còn không biết Vương Giác có đang dẫn dắt mình hay không, nói tóm lại, anh rơi vào một giấc mơ.
Nó nói về một số hiểu biết mới về con người.
Khung cảnh trong mơ là ở bệnh viện nơi anh công tác, cũng là nơi anh tiếp xúc nhiều nhất với cái gọi là người bình thường. Từ góc nhìn của người thứ ba, anh thấy bản thân mình đang khoác áo blouse, bước qua nhiều căn phòng khác nhau và nhìn thấy nhiều loại người khác nhau.
Mối quan hệ giữa anh với người khác nói chung đều là quan hệ bác sĩ – bệnh nhân. Quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân khá căng thẳng, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố. Song anh luôn tự thấy khả năng diễn xuất của mình rất điệu nghệ, đổi vai vô cùng tự nhiên —
Thật ra, không chỉ một mình anh đang diễn.
Nếu để ý những nữ bệnh nhân đi cùng bạn tình, sẽ thấy họ hay giả vờ bị đau và giả vờ mình là nạn nhân hòng đạt được sự cảm thông từ người bạn tình.
Nếu để ý những người già neo đơn, sẽ thấy đàn con cháu của họ chỉ hết lòng hết sức tranh công giành việc trước mặt bác sĩ và điều dưỡng để tỏ lòng hiếu thảo.
Nếu để ý phụ huynh của bệnh nhi — thật ra cũng có thể thông cảm cho những rối ren trong mối quan tâm ở người lớn bậc này, song —
Nếu họ cứ nói đi nói lại với bạn rằng họ vô cùng tin tưởng bạn, vậy bạn cần phải cẩn trọng.
Đây là những nhóm người mà anh tổng kết được.
Anh nhìn thấy chính mình trong cảnh đang vướng phải phiền hà, thế nhưng không rõ đó là loại phiền hà nào kể trên.
Anh nhớ về lần đầu tiên gặp phải cảnh thân nhân người bệnh đánh người, phản xạ có điều kiện qua quá trình đào tạo sát thủ đã giúp anh kề sát dao mổ lên cổ người kia ngay tức khắc. Sau vài giây tranh đấu, anh bật cười cạo tóc tơ trên gáy kẻ đó và nói: “Để tôi làm sạch da cho cậu.”
Thế nhưng uy hiếp là giải pháp cấp thấp nhất.
Tình huống đang gặp phải là do người bệnh gây sự trước, còn anh chỉ đang đứng yên. Sau đó Hồ Lô bước ra.
Sau khi đồ đệ nhỏ quở trách công khai người nọ một trận xong, Lý Vi mới bước lên an ủi bệnh nhân đang gây sự vài câu, còn buông lời trách mắng Hồ Lô trước mặt bọn họ. Thế là sau đó, bệnh nhân kia lập tức khen ngợi Lý Vi không ngớt lời, còn thi thoảng chỉ tay về phía Hồ Lô. Và rồi, gương mặt bị thu phục bởi nhân cách cuốn hút của một Lý Vi “thấu hiểu đạo lý” cứ thế nhoẻn cười, tươi tắn vô cùng.
Đây là sự chinh phục khéo léo mang tên “thuần hoá”.
Tiền tài, tình ái, chính trị… đều như hầu hết những thứ lệ thuộc vào niềm tin trên đời, bị người kiểm soát thông qua sự động tâm của bản thân mà không hề hay biết rằng kẻ mắt lạnh và tim nóng kia vốn cùng một phe.
Thế nên anh nhìn thấu ân tình, và khinh thường ân tình.
Mà lẽ nào, lẽ nào anh vốn nhìn chưa đủ sâu?
Bằng không thì sao người sống trên đời lâu đến vậy, mà ai ai cũng khốn khổ vì tình, thương tổn vì tham, dẫu biết rõ tất thảy đều là nước đổ lá khoai, trăng mò đáy bể. Vì sao đã biết sớm sẽ chết đi mà vẫn kiên trì bấu víu cuộc sống vĩnh hằng.
Ống kính trong hình đổi góc.
Bệnh tật và đau đớn ngập tràn trong bệnh viện từng giờ từng phút. Có người muốn sống mà chẳng thấy bóng dáng thân nhân; có người muốn chết nhưng phải nhìn những gương mặt thân thương cứ lảng vảng trước giường như muốn nói mà chẳng nên lời. Đất nước này có một xã hội đã bị chiếm giữ bởi tình cảm con người, sinh mệnh ta như không thuộc về ta. Anh hiểu rất rõ điểm này, thế nên trước nay trong bệnh viện không ai không thích anh cả.
Đồng nghiệp ghen ghét, điều dưỡng hai mặt, hay trưởng khoa trong kỳ mãn kinh thích soi mói… anh đều có biện pháp xử lý.
Anh dệt nên một tấm lưới che trời dày đặc một cách thành thục và chuyên nghiệp, rồi đặt hết thảy con người mình từng tiếp xúc lên trên đấy.
Nhưng đã là lưới thì luôn có lỗ hổng để con mồi rơi khỏi.
Con người đó, đã nhẫn nhục bấy nhiêu năm thì bệnh tình mới có chiều tiến triển, thể trạng cậu ta cũng dần khoẻ mạnh hơn, có người nhà trông trước lo sau, luôn dành cho cậu những lời động viên và sự quan tâm từng giờ từng phút trên tiền tuyến. Song cậu vẫn quyết định chọn cái chết, bởi cậu đã mong được chết từ rất lâu rồi. Thế mà ngay cả sức để tự tử mà cậu cũng chẳng có, chỉ đành giấu con dao gọt trái cây vào trước ngực. Rồi cậu ngước nhìn và cười với vợ mình: “Em đấm lưng giúp anh nhé.”
Thịch.
Cậu muốn chết, song vì người thân mà tạm bợ trên giường, đến cùng cũng được chết rồi.
Và cái người kia, không một người thân, không một chốn dựa, lại mang tâm lý vững chãi quật cường khi đối đầu với sát thủ, y vờ ngủ đông nửa năm, nhẫn nhịn đau đớn thể xác và áp lực tinh thần trong quá trình trị liệu để tự hồi phục. Ấy nhưng một đêm trước khi có cơ hội chạy thoát, y lại sốt sắng mở mắt nhìn anh.
Y muốn sống, song bị ép vào thế chết, nhưng đến cùng khi đã có thể công khai chính trực mà sống, lẽ ra nên trân trọng mạng sống của mình thì y lại quyết tâm đánh cược.
Nguyên nhân chỉ có một.
Ánh nhìn này, đã vụn vỡ tám năm.
Hiểu rõ, hiểu rõ chứ, ấy nhưng, ấy nhưng.
Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm[1].
Người đó nằm đấy, đã nghĩ gì khi cười nói với vợ?
Người kia đã nghĩ gì một giây trước khi mở mắt?
Đời người muôn hình vạn trạng, chỉ duy nhất một điều là biết sai nhưng vẫn làm.
Thế nên, đây chính là câu hỏi mà anh hằng trăn trở bấy lâu.
“Muốn” là gì?
“Muốn” chính là, đã biết sai nhưng vẫn làm.
Anh lẳng lặng nhìn từ góc nhìn thứ ba. Anh trông thấy trên người mình có vết thương.
Và rồi ánh sáng tràn vào.
Lời dẫn dắt từ Vương Giác vẫn văng vẳng bên tai, song hương vị nay đã đổi khác.
“Khôi Kình nói với tôi rằng anh chỉ cân nhắc lập trường, không luận đúng sai. Nhưng mà, nhưng mà ấy, tôi đã không còn gì cả.”
“Tôi biết con tim anh đã rỗng toác. Anh giết người, anh phóng hoả, anh mang tội nghiệt ngút trời. Tôi biết cả, tôi biết cả chứ. Thế nhưng kẻ nghịch đạo lý là bọn chúng. Tôi sống một đời cô độc, xã hội đã sớm không chấp nhận tôi rồi, hẳn nhiên tôi cũng không bị ràng buộc bởi các quy tắc của nó.”
“Tôi là một thành viên chính thống của chủ nghĩa vô sản[2], tôi nguyện vì anh lật đổ ách thống trị bạo tàn, cắt ngang sợi tơ trên sàn sân khấu đặng mang con rối thoát khỏi vũ đài.”
“Bất kể con rối có còn trái tim hay không.”
“Nếu anh thật sự mang trọng trách thờ phụng Chúa Trời, thì tôi đây cũng không còn gì để xưng tội.”
“Tôi sẽ bất chấp đúng sai. Bởi lập trường của tôi, chỉ có mỗi anh mà thôi.”
Quyển Kinh Thánh trong tay Vương Giác ngẫu nhiên lật giở, nó lặng lẽ mở qua thật nhiều trang.
Kinh Thánh — Sách Diễm Ca (2:7) cùng lời cầu nguyện:
Xin đừng đánh thức tình yêu của ta, chờ đến khi tình yêu ưng thuận.
– Hết chương 45 –
❰❰❰ | MỤC LỤC | ❱❱❱
Chú thích:
[1] Nguyên gốc 宁鸣而死,不默而生: Một câu thơ trong bài Linh Ô Phú của nhà văn, nhà chính trị Phạm Trọng Yêm (989-1052), câu này ý là “thà chết vinh còn hơn sống nhục” á, câu mình để bên trên là mượn lời Xuân Diệu nha.
[2]  Giai cấp vô sản (Proletariat): Hay còn gọi là giai cấp công nhân, là tầng lớp bán sức lao động trong xã hội. Theo chủ nghĩa Marx, ý Vương Giác trong câu này là nói về giai cấp bị trị (bị bóc lột) và sẽ thực hiện cách mạng để giải phóng khỏi ách áp bức của giai cấp thống trị (người bóc lột). Chứ không phải vô sản theo nghĩa là không có tài sản.
Góc tâm sự:
Mình tâm sự một chút về những chương vừa qua, lời tâm sự cho bản thân, không ảnh hưởng gì trải nghiệm đọc đâu nên bạn có thể bỏ qua cũng được. Bởi vì nó rất là dài luôn đấy…
Chương 40 tới 45 của truyện là toàn bộ lý do mình quyết định edit bộ này, mình rất thích tác phẩm này vì nó đề cập đến những lập trường khác nhau trên phương diện đạo đức (Ethics / Morality) dựa vào nền tảng triết học Tây phương và Đông phương.
Trong phần tóm tắt tác phẩm, tác giả ghi rằng: “Quy tắc xã hội tồn tại được bao lâu khi đối diện sức mạnh công tuyệt đối? Câu trả lời nằm ở giới hạn của bản thân con người.”
Sức mạnh công tuyệt đối ở đây chỉ về chủ nghĩa công lợi (utilitarianism). Nó là một triết lý (khái niệm) về chuẩn mực đạo đức thuộc phạm trù Đạo đức học, khá phổ biến trong lịch sử các học thuyết đạo đức, bên cạnh chủ nghĩa Kant (Kantism) và đạo đức học đức hạnh (virtue ethics) của Aristole. Thuyết công lợi cho rằng “hành động có lợi chung cuộc là hành động có đạo đức.”
Ở chương 41, Khôi Kình kể cho Vương Giác nghe về giá trị quan của ông, rằng “thứ ông ta quan tâm nhất là lợi ích tối hậu của thế giới và xã hội”. Vì quan tâm đến lợi ích tối hậu của xã hội nên ông ta sẵn sàng hy sinh rất nhiều rất nhiều người không khớp vào khuôn khổ xã hội lý tưởng (và không tưởng) của ông ta. Đây là một nhánh cực đoan (extreme) của thuyết công lợi, và với ông ta hành động giết người là không thể bị lên án vì nó phục vụ mục đích xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Không chỉ vậy, ông cũng rất tin tưởng vào lời dạy của triết học Trung Hoa, điển hình là “Mạnh Tử” và “Đạo đức kinh” của Lão Tử. Trong Đạo đức kinh có dạy tất cả mọi sự là tự nhiên, đạo là tự nhiên và con người phát triển đang phá huỷ tự nhiên đó, khi xã hội biến động thì ắt hẳn vạn vật sẽ trở về với tự nhiên. Ông ta còn trích Mạnh Tử nói rằng việc phá huỷ một thời đại là cần thiết khi xã hội đã trở nên tha hoá qua ví dụ của Chu Vũ Vương diệt Triệu Vương (chương 41). Dù tất nhiên là cách suy nghĩ cực đoan của Khôi Kình đã lệch lạc hẳn ý nghĩa của Đạo đức kinh và Mạnh Tử, bản thân là con người nhưng ông ta đã tự nâng mình lên hàng “thay trời hành đạo” mất rồi. Vấn đề này những chương sau sẽ còn nhắc tới.
Trong chương 45 này, Vương Giác có nói câu “Mặc kệ đúng sai, vì lập trường của tôi chỉ có mình anh (Lý Vi)”. Đây là câu thể hiện Vương Giác trước hết là một người có tư tưởng hoài nghi đạo đức (moral skepticism). Trước đó, Vương Giác có nhắc đến chủ nghĩa khoái lạc thông qua hình ảnh của Epicurus, tuy nhiên hành động của Vương Giác không phản ánh tư tưởng của chủ nghĩa khoái lạc này, vì người theo chủ nghĩa khoái lạc là người chỉ mưu cầu sung sướng và tiện nghi mà từ bỏ mọi khắc khổ đau thương cuộc sống, song tác giả có nhắc Vương Giác cũng là một người theo khổ hạnh trong cùng 1 chương (chương 41).
Thêm nữa, Vương Giác cũng có nhắc đến giai cấp vô sản, là một khái niệm thuộc chủ nghĩa Marx (Marxism). Nên có thể đoán bên cạnh hoài nghi đạo đức, tư tưởng của Vương Giác nằm ở đâu đó trong đạo đức hậu hiện đại (postmodern ethics). Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một phạm trù rất rộng nên tạm thời không lan man đến.
Nhưng một điều có thể khẳng định là bạn đề cao tính cá nhân trong đạo đức, và trong ý nghĩa của cuộc sống. Giá trị quan của mỗi người khác nhau, được xây dựng trên nền tảng xã hội, quá khứ khác nhau. Và với Vương Giác thì nó được xác định là đặt ở một cá nhân.
Tiếp nữa là về Lý Vi, nói về khái niệm “muốn”, chữ này trong tiếng Trung là 想, vừa có nghĩa là suy nghĩ, vừa có nghĩa là mong muốn. Khi liên tưởng chữ này với câu nói của Descarte “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” thì quá trình tìm hiểu ‘muốn’, hay ‘suy nghĩ’, của Lý Vi cũng chính là quá trình tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của anh. Đến chương này thì ‘tư duy’, hay ‘muốn’, của anh cuối cùng cũng được xác nhận. Khi nói “muốn là biết sai mà vẫn làm” không phải đang cổ xúy cho lối sống sai lệch hay trái đạo đức, mà là lựa chọn hành động “sống / tồn tại” phản ánh đúng “tư duy / mong muốn” của bản thân cho dù nó không phù hợp với tư tưởng đạo đức đương thời. 
Để giải thích kỹ hơn về lập trường của Vương Giác và Lý Vi, mình muốn mượn lời từ triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (người đàn ông trên trang intro của mình đấy ^^).
Trong quyển Beyond Good and Evil (Tạm dịch: “Trên cả Thiện Ác”), ông có đưa ra luận điểm “Các khái niệm về thiện ác (đạo đức), cũng tương tự như quyền lực, là những thứ được xây dựng từ văn hoá, chứ không phải “chính xác” về bản chất; các nền văn hoá khác nhau dựng nên các hệ thống đạo đức khác nhau với mục đích duy trì trật tự xã hội.” Và cái họ gọi là “sự thật” đơn thuần chỉ là “định kiến”.
Từ đó, ông đã dẫn ra rằng những cá nhân tách bật khỏi nguyên tắc đạo đức truyền thống (thiện và ác) của thời đại họ, và thậm chí là lật ngược những giá trị ấy, sẽ là những người vượt trội (việt nhân). Có thể hiểu đây là sự đề cao cô lập và độc lập trong nhân tính. Bởi là “con người thì ai cũng có ý chí (will)”, và con người nên cần hướng ý chí đó vào bên trong để vượt qua và làm chủ bản thân mình.
“Hành động bắt nguồn từ tình yêu luôn vượt trên muôn thiện ác”(What is done out of love always occurs beyond good and evil) – ông nói.
Đó không phải tính Thiện, không phải tính Ác, đó chỉ là chính nó (thể tính), là ý nghĩa và lối sống của người đã chọn. Vậy, câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào để có thể trở thành chính mình (thể tính)?”. Trả lời câu hỏi này, trong quyển Ecce homo (Tạm dịch: “Tôi là ai?”), ông đã nói:
“Bất cứ một sự đạt đạo, bất cứ một bước nào tiến lên sự tri tính kiến tính đều xuất phát từ lòng can đảm, từ sự cứng rắn chai lì với bản thân, cứng rắn đối với chính mình, lòng tinh khiết sạch sẽ của mình đối với chính mình.”
Đó là sống thật với bản thân, dũng cảm trước quyết định của mình, giữ lòng trong sạch với lý tưởng của chính bản thân. Và điều này hoàn toàn khớp với vế sau trong lời tóm tắt của tác giả: “Quy tắc xã hội tồn tại đến giới hạn bản thân của mỗi người.”
Sau rất nhiều lên voi xuống chó, hai người đã có trải nghiệm và dũng khí để nhận ra lẽ đó.
Vậy nên mình đã mạn phép tóm tắt bộ truyện bằng câu: “Ván cờ truy tìm ý nghĩa cuộc sống, đánh cuộc bằng niềm tin và sinh mệnh.”
Lời cuối thì, “Người viết vô tình, người đọc hữu ý”. Tất cả trên đây đều là kiến giải của cá nhân mình trong phạm vi kiến thức hạn hẹp của bản thân. Lan man một chút lý do vì sao mình yêu thích bộ truyện này dù nó chỉ mang tính giải trí là chủ yếu và còn là một tác phẩm rất ngắn. Có thể cách hiểu này không chính xác đâu vì chỉ có tác giả mới hiểu rõ nhất bản thân đang muốn truyền tải điều gì. Nếu mọi người có đọc thì cũng chỉ để tham khảo thôi nhé, don’t quote me ^^v. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.