Trước khi trở thành người thực vật, lúc băng đường tôi vẫn thường bị xe bóp kèn. Vì tôi có khả năng dự đoán được những chi tiết nhỏ như tốc độ và quãng đường chạy của ô tô trong một khoảng thời gian nên nhắm trước được vị trí của xe, dẫn đến trong mắt người khác bước chân của tôi quá từ tốn. Khi đó bác sĩ tâm lý còn bảo rằng tôi như một cỗ máy chiếu chậm tự động, và thời gian trôi qua chậm rãi cũng chưa chắc là chuyện tốt. Không ngờ sau nhiều năm hôn mê, câu nói đó lại trở thành lời tiên tri.<cite>— VƯƠNG GIÁC</cite>–
Vương Giác quỳ trên mặt đất, qua khoé mắt thấy bước chân đang rời đi của Lý Vi chững lại, anh xoay đầu nhìn y. Y bèn tức thì dồn hết sức lực thực hiện một cú nhảy gập chân biên độ nhỏ rồi đứng dậy trước khi Lý Vi kịp làm gì, sau đó nhìn anh cười chột dạ.
Lý Vi quay đầu rời đi.
Vương Giác nhân cơ hội đó nán lại phút chốc, thừa dịp có khoàng thời gian trống này mà đánh giá thiết kế nhà của anh ta.
Vật dụng đen ngòm, đèn dây tóc ánh trắng, vô cùng chỉn chu ngăn nắp nhưng cứng nhắc đến vô tình. Tràn đầy khắp không gian trong tầm mắt là trắng và đen, góc và cạnh, ái chà, thế này lại chẳng quá hợp với con người anh còn gì.
Y lướt hết một vòng, đầu tiên chạy về phía tấm cửa sổ gắn rèm đen trũi kia nhằm xác định địa điểm và khung cảnh xung quanh, cho dù người khác có thấy được lời cầu cứu hay không thì đây vẫn là mấu chốt quan trọng nếu muốn thoát thân. Y vừa bước mà trong đầu vừa nghĩ đến n tín hiệu cầu cứu khác nhau: SOS, FILL, động tác số “8”… Để rồi đến khi vén bức màn lên, y ngẩn cả người —
Sau bức màn cửa sổ là một bức tường.
Y chợt nhớ ra Lý Vi từng kể rằng trước đây anh ta từng suýt bị một tay súng bắn tỉa nổ đầu nên sau đó đã dán hết cửa sổ trong nhà lại.
… Thì ra đây là cách dán của anh ta. Y khẽ gõ, bên trong rỗng ruột.
Đủ để cách âm tiếng gào thét khi bị giết. Y đành nghĩ thầm: Thôi đi ăn cơm, phải ăn nhiều vào đã.
Lý Vi cũng không đợi, khi Vương Giác lề mề ngồi vào bàn cơm thì anh đã ăn từ sớm.
Vương Giác bưng chén cháo kê có một quả trứng gà lên, ngỡ ngàng nhìn cái chén vuông. “Anh biết nấu cơm?” Y cất giọng, nhưng chợt nhìn sang thấy thịt kho tàu trước mặt Lý Vi thì lập tức lên án: “Sao lại phân biệt đối xử như vậy.”
Lý Vi liếc, không bày tỏ gì trước sự thiếu lễ phép của y mà chỉ nâng cằm, ra hiệu y có thể gắp một miếng.
Y bèn không kiêng nể gì mà gắp liền miếng thịt to nhất, cho vào miệng, ngay lập tức cảm thấy buồn nôn suýt ói tại chỗ —
Nhưng vì danh dự của đàn ông, y vẫn ráng nuốt vào. Lúc này y mới nhận ra đã rất lâu mình chưa đụng đến thịt.
Lý Vi hừ nhẹ, nhìn Vương Giác cúi đầu cong tay húp cháo, khi nhìn đến máu bầm dày đặt quanh cổ y thì trong lòng anh khẽ động.
Phương thức huấn luyện anh được dạy luôn là giết người không để lại dấu vết, cái chết đến trong âm thầm lặng lẽ: Một động tác khi giải phẫu, một đơn chất gây bội nhiễm của bội nhiễm… Khốc liệt nhất thì cũng chỉ cực chẳng đã phải cứa một lưỡi dao trang trí mỏng vào sau tai trong lúc đánh nhau với mục tiêu, làm vậy cũng đã được xem là tinh vi so với các vụ án mạng khác.
Bàn tay anh bóp lấy không khí dưới bàn ăn, mô phỏng lại lực bóp cổ hôm đó.
Hoá ra giết người trắng trợn chính là cảm giác như vậy sao? Có thể không nể nang gì mà lưu lại vết tích trên cơ thể nạn nhân, mỗi một vết thương đều điên loạn và thuần khiết, đều là minh chứng muôn màu muôn vẻ cho tội ác của kẻ sát nhân.
Một vụ giết người thiếu quyết đoán và dài dòng tựa như ban cho cái chết một nghi lễ, nó tạo cho hung thủ cảm giác mình đang lưu lại một “kiệt tác”.
“Ý thức tồn tại” trong tâm lý học hay “Tôi hiện hữu”[1] của Descartes, chính là lời đáp lại hữu hiệu của thế giới bên ngoài đến bản thân, trong đó có một phương thức biểu hiện gọi là “Vết tích”.
— AI trong đầu Lý Vi giảng giải.
… Lại nữa rồi.
Lý Vi đóng AI lại.
Người đang bị theo dõi kia không hề hay biết vận động tâm lý của Lý Vi mà chỉ chuyên tâm dùng muỗng xắn trứng gà trong chén cháo tách làm đôi, phát ra một tiếng “bộp” be bé. Ngạc nhiên thay, hai người vốn mang thân phận kẻ giam cầm và người bị hại giờ đây lại hành xử như hai người bình thường trong bầu không khí hài hoà — một kẻ giết người không chớp mắt, một kẻ coi thường cái chết, lại như đang chơi chọi gà với địa vị tương đồng. Hai người thân mang ý đồ đen tối riêng cứ thế ngồi ăn đến hết bữa cơm trong bình an vô sự.
Lý Vi biết Vương Giác còn đang che giấu một số thứ quan trọng. Anh định nhờ Hồng Biệt kiểm tra giúp, nhưng trực giác anh lại không muốn đánh rắn động cỏ. Kỹ thuật diễn của đối phương quá xuất sắc, thậm chí có khi không chỉ là diễn xuất mà tên này quả thật quá hiểu anh.
Có lẽ ban đầu y thoạt nhìn như một kẻ không can hệ gì với thế giới, không cần lấy lòng cũng không lo đối phó, nên có sự khác biệt trong cách mình nói chuyện với y.
Vương Giác vốn là cái gốc cây của anh, thế nhưng bây giờ gốc cây không chỉ sống lại mà còn lừa gạt anh, còn dám lừa gạt anh, còn dám cướp thịt của anh. Mà cứ như có một sự ngầm hiểu nào đó, Vương Giác thấy anh không giết y nên cũng chẳng thèm sợ y nữa, ngay cả cách nói chuyện cũng không chút nể nang. Việc này làm anh nhớ tới thời điểm anh đi mua bộ bát đĩa mới, khi bà chủ vừa cười vừa nói “bạn bè đông vui quá nhỉ” và anh nở một nụ cười đáp lại, anh đã thật sự tin rằng việc có người làm bạn quả thật là điều tốt đẹp.
Đây là một tín hiệu nguy hiểm.
Nghĩ đến đây, trên tinh thần nghiên cứu khoa học, Lý Vi quyết định tiến hành nghiên cứu hệ thống giao tiếp xã hội của bản thân. Cơm nước xong xuôi, anh liên hệ bệnh viện, đệ đơn xin dùng tất cả ngày phép từ trước đến nay, sau đó chính thức đưa “Kế hoạch đánh giá và tu chỉnh lỗi của AI Lý Vi” vào lịch trình.
Thực tiễn làm nên chân lý, lý thuyết đều khởi nguồn từ thực nghiệm.
Đã nguy hiểm rồi thì cứ nguy hiểm đến cùng luôn.
Lần đầu tiên từ bỏ thức ăn lỏng, cho dù chỉ là cháo trứng cũng làm Vương Giác nhất thời chưa quen được. Y nằm bên cạnh giường, bụng đau âm ỉ, tay nghịch đồ điện gia dụng của Lý Vi.
Lý Vi cầm túi chườm nóng bước vào, nhìn thấy màn cửa sổ rối loạn ngang dọc khiến anh bật cười: “Trí thông minh của cậu còn hôn mê chưa tỉnh à.”
“Thời thế thay đổi, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ.” Y than thở.
“Chân còn lạnh không?” Anh thò tay vào chăn muốn nắm lấy chân y.
Vương Giác bất giác rụt chân, sợ hãi thốt lên: “Anh làm gì đó?”
Lý Vi chụp hụt mà chỉ chạm tới một đụn chăn hình bàn chân được đẩy lên, “Lạnh không thua gì cái chăn.” Anh vừa nói vừa bình tĩnh nhét túi chườm nóng vào khoảng không kia.
Đến giờ Vương Giác mới nhớ ra mạch não của anh bạn này không giống người bình thường cho lắm, anh ta có biết gì về đạo lí đối nhân xử thế đâu. Sự quan tâm này xem ra là vị bác sĩ của y bị phát tác thói ám ảnh cưỡng chế từ thâm căn, thế là vi phạm đến nhân cách thích diễn…
Nghĩ đoạn, y mới yên tâm đạp lên túi chườm nóng đó. Lạnh gặp nóng làm y run rẩy trong sự thoải mái. Sau đó, y miễn cưỡng nói: “Chăn đắp cũng chỉ để duy trì nhiệt độ, bản thân tôi lạnh vậy thì còn làm được gì? Có khác gì dùng chăn bông đi ủ lạnh xe bán kem ngoài đường không.”
“A. Hồi xưa còn thấy” Lý Vi đáp, “Nhưng mấy năm nay không còn nữa rồi.”
Vương Giác chết lặng.
Lại có cả khoảng cách thế hệ kiểu này nữa hả.
– Hết chương 8 –
Tác giả có lời muốn nói: Lời tự bạch của Vương Giác chương này lặp lại là do tui thay lời tự bạch của chương trước. Đọc mà không thấy lặp thì coi như tui chưa nói ~
Chú thích
[1] “Tôi hiện hữu”: Là vế thứ hai của câu “Tôi tư duy, nên tôi hiện hữu“, câu tiếng Anh là “I think. Therefore I am“, tiếng Pháp gốc là “Je pense, donc je suis“, của triết gia người Pháp René Descartes, xuất hiện lần đầu vào năm 1637 trong quyển “Luận phương thức”. Nó đã trở thành nền tảng cho rất nhiều nghiên cứu triết học phương Tây về sau. Câu này có thể hiểu là “Bởi tôi tư duy, tức tôi đặt nghi vấn, vì tôi có khả năng đặt nghi vấn nên sự tồn tại của tôi là không thể bị nghi ngờ.” Nếu hứng thú bạn có thể tìm hiểu thêm về bối cảnh, nguồn gốc và phân tích ở đây. Có hai cách dịch là “tôi hiện hữu” và “tôi tồn tại“, trong ngữ cảnh truyện tuỳ trường hợp mình sẽ dùng xen kẽ hai cụm.
Trong tình huống này, ý của Lý Vi là con người luôn muốn tìm một bằng chứng từ thế giới bên ngoài (thế giới khách quan) để chứng minh cho sự tồn tại của chính mình, và một trong những ‘bằng chứng’ đó chính là những ‘vết thương’ do mình gây ra.