Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 22: Oan nay dẫu có kêu trời cũng xa




Nghiêm Sơn mời mọi người vào bàn cùng ăn cơm.
Đào Kỳ hỏi:
– Nghiêm đại ca, đại ca đã điều tra ra manh mối về vụ Tô Phương mất tích chưa? Vụ này lớn lắm chứ không nhỏ đâu.
Nghiêm Sơn lắc đầu:
– Ta đến Đăng-châu được nghe mỗi người nói một khác. Đầu tiên, ta tìm gặp chủ Anh hùng tửu lâu thì ông ta vì sợ quá, đã bán tửu lâu, cao chạy xa bay rồi. Ta biết tin ai bây giờ ngoài Huyện-úy? Huyện-úy lại chính là chú của tiểu đệ, sư thúc của Thiều Hoa. Ông là Đào Thế Hùng. Qua câu chuyện, ta thấy ông là người chính nhân quân tử, hùng tâm, đại lược. Để một người văn mô, vũ lược như ông làm một chức Huyện-úy bé bằng hạt vừng, hạt đậu, trong khi những tên vô lại, trộm cướp như Tô Định lại ngồi địa vị Thái thú đục khoét của dân… Ta tự thẹn tước phong tới Lĩnh-nam công, nghĩa đệ của Kiến Vũ thiên tử, mà chưa dám ra tay loại bỏ hết bọn quan lại người Hán hút máu mủ của dân. Tiểu sư đệ, ngươi cứ chờ đi. Nếu trong vòng hai năm nữa, ta không thay đổi được cục diện Lĩnh Nam, ta không phải là người hiệp nghĩa, là Lĩnh-nam công, là nghĩa đệ của thiên tử, mà là con dòi, con bọ.
Thiều Hoa, Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung nghe những lời Nghiêm Sơn mà cảm thấy mát cả ruột gan. Trong bọn người ngồi đó, Trưng Nhị và Phương Dung là người mưu sâu, chí cả. Hai người nhìn nhau, ngụ ý: Đối với Nghiêm Sơn, phải đem chữ nghĩa ra khích, hơn là chống đối.
Trưng Nhị xen vào:
– Đại ca cho phép tiểu muội được góp một vài lời, được không?
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Sư muội với Hoàng muội như tình ruột thịt, có gì mà không nói được?
Trưng Nhị ngồi nghiêm trang lại, nói:
– Suốt hai trăm năm qua, người Việt thống hận Triệu Đà cướp nước của họ. Hiện, nhà nhà, người người đều muốn phục quốc. Nếu đại ca xin với Kiến Vũ thiên tử trả Lĩnh Nam cho người Lĩnh Nam, thì không còn hiệp nghĩa nào cao hơn. Đại ca sẽ trở thành cha mẹ của đất Lĩnh Nam. Muôn ngàn năm sau, sử sách còn ghi tên.
Nghiêm Sơn thở dài:
– Lời của sư muội nói cũng giống của Hoàng muội nói với ta. Trước khi đi Lĩnh Nam, ta đã có ý tưởng đó rồi. Ta thấy Hán đế cử sang đây một số quan lại ác độc. Đất Lĩnh Nam chẳng thu được tài nguyên gì cho triều đình, thì người Hán làm Thái thú hay người Việt làm vua, thần phục như An Dương vương có khác gì đâu? Trả Lĩnh Nam cho người Việt, dân Lĩnh Nam sẽ nhớ ơn triều đình, có phải triều đình được tiếng nhân nghĩa không? Ta biết, nếu một mình ta tâu với Kiến Vũ thiên tử, chắc người sẽ ưng thuận ngay. Ngặt vì cạnh ta còn có một hệ thống quan lại tham ô, nhũng lạm. Nếu trả Lĩnh Nam cho người Việt, ắt chúng không còn đất dung thân. Do đó, chúng chẳng ngần ngại gì mà không dùng tiền bạc đút lót triều đình. Thế rồi người này bàn ra, người kia bàn vào, chắc chắn thiên tử sẽ không nghe ta. Bên cạnh đó, còn Mã thái hậu với bọn ngoại thích đang chống ta, ta e khó thành công. Nhược bằng thiên tử nghe lời ta, chắc rằng bọn quan lại ở Lĩnh Nam sẽ nổi loạn liền.
Phương Dung gật đầu:
– Hoàn cảnh của đại ca thực khó. Em nghĩ: Hiện đại ca được võ lâm, dân chúng Lĩnh Nam tuân phục, kính trọng. Vì thế, đi đâu đại ca cũng không cần nghi vệ, hộ tống như những quan lại khác. Vậy, đại ca hãy dùng những người tuân phục đại ca để chống bọn tham ô. Rồi đại ca cử dần người hiền tài Lĩnh Nam vào hết các chức vụ quan trọng. Bấy giờ đại ca mới ra mặt tâu với thiên tử. Thiên tử có muốn không thuận cũng không được.
Nghiêm Sơn há hốc miệng, kinh ngạc:
– Sư muội, tiếc rằng sư muội là gái, chứ không ta sẽ phong sư muội làm chức Tư-đồ Lĩnh Nam, để giúp ta. Đặng sư muội trông rộng, nhìn xa, nếu là trai, ta phải mời làm Tư-mã, tổng đốc binh mã Lĩnh Nam.
Đào Kỳ cười:
– Phương Dung với Đặng sư muội không thích quan tước, vậy đại ca không cần phong làm gì. Đại ca cứ dùng họ làm quân sư riêng, thì cũng thế.
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Được, cứ như vậy mà làm.
Đào Kỳ hỏi:
– Đại ca tiếp xúc với chú em, ông nói gì về vụ Tô Phương?
– Ông nói: Khó có thể kết luận rằng Ngũ-phương kiếm giết Tô Phương hay con trai huyện lệnh hại Tô Phương. Ông khuyên ta cho người theo dõi Ngũ-phương, vì nếu họ giết Tô Phương, chắc không ngoài lý do tiền bạc. Khám nhà họ, nếu thấy vàng bạc của Tô Phương, thì Tô Phương do họ giết. Còn không, cứ bắt Trương Minh Đức tra khảo, sẽ ra manh mối.
Phương Dung hỏi:
– Theo đại ca thì câu chuyện ra sao?
– Ta thấy lời Ngũ-kiếm đúng hơn. Nếu Ngũ-kiếm có gian ý, họ đâu dám về Luy-lâu nữa? Hôm qua Tô Định đãi tiệc Ngũ-kiếm, bỏ thuốc mê vào thức ăn của họ, rồi bắt trói lại. Theo ý Tô Định, Ngũ-kiếm vốn là đạo tặc xuất thân, chắc họ cùng Tô Phương cùng phát tài lớn trong một vụ nào đó. Ngũ kiếm đã giết Tô Phương để đoạt hết. Một việc khác xảy ra làm Tô Định càng tin hơn, đó là đêm qua, phủ Thái thú bị mất trộm. Các phu nhân của Tô Định đều bị xông thuốc mê, bao nhiêu của cải mất sạch. Tô Định nghi Ngũ-phương đã gây ra. Lát nữa, ta mang quân đi vây Lan-trang khám xét, nếu có sẽ biết ngay.
Thiều Hoa hỏi:
– Mối nghi ngờ là đôi trai gái Việt kia. Họ là ai? Tại sao lại có thể lọt vào Đăng-châu lao xá cứu Ngũ-kiếm? Làm thế nào họ có thể thoát được một lữ thiết kị vây hãm?
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Để anh cật vấn Ngũ-kiếm, sẽ biết liền.
Thiều Hoa hỏi:
– Đại ca, anh có tìm được tung tích của sư phụ, sư mẫu và các sư huynh ra sao không?
Nghiêm Sơn lắc đầu:
– Ta tìm khắp nơi mà không thấy. Họ có tất cả gần ngàn người chứ ít đâu? Hay họ đã tấp vào một đảo nào cũng nên.
Thiều Hoa đứng dậy:
– Lát nữa, đại ca đi vây Lan-trang, cho bọn em theo có được không?
Nghiêm Sơn nhìn Đào Kỳ cười:
– Hoa muội muốn đi thì đi. Còn các vị sư đệ, muội đây có ai muốn đi không? Tiểu sư đệ, dường như em không thích lắm thì phải?
Đào Kỳ giả vờ lơ đãng:
– Đây là một mối nhục của Ngũ-kiếm, em với Phương Dung ở nhà nghỉ. Bọn em đi chơi suốt từ hôm qua đến giờ, mỏi chân lắm rồi.
Thiều Hoa ngạc nhiên vô cùng. Nàng biết cậu tiểu sư đệ này thích những cảnh ồn ào lắm, nay sao lại đổi tính kỳ lạ như vậy, chắc là cậu muốn ở nhà tâm tình với Phương Dung đây.
Trưng Nhị tính cẩn thận hơn, nàng đứng lên:
– Em muốn đi coi cho biết.
Nghiêm Sơn cười:
– Sư muội là Đại tư mã của ta, cần phải đi để góp ý kiến chứ.
Một viên võ quan vào báo:
– Khải Quốc-công, đã điểm xong một lữ kị binh, đang chờ lệnh Quốc-công.
Nghiêm Sơn cùng Thiều Hoa, Trưng Nhị lên ngựa ra đi. Nghiêm Sơn ra lệnh cho tên lữ trưởng kị binh chi tiết về cuộc hành quân. Tên này nhận lệnh xong, phất cờ một cái, đoàn thiết kị rầm rập lên đường. Nghiêm Sơn thủng thẳng cùng mấy tham tướng, Thiều Hoa, Trưng Nhị theo sau. Đi được nửa đường, có phi kị báo:
– Khải Quốc công, đã vây kín Lan-trang rồi.
Nghiêm Sơn phóng ngựa lên trước. Tới nơi, chàng ghìm cương, nhìn vào trong, hỏi:
– Ngôi nhà cao nhất kia là của Ngũ-kiếm đấy à?
Viên Lữ trưởng đáp:
– Vâng.
Nghiêm Sơn phất tay. Chàng đi trước, Thiều Hoa, Trưng Nhị cùng mấy tên tham tướng đẩy cổng bước vào trong sân. Chàng ra lệnh:
– Khám nhà! Nhớ khám thực kỹ!
Các viên tham tướng lục xét từng phòng. Khi lục đến mấy phòng ngủ, chúng cùng kêu lớn lên. Nghiêm Sơn vào xem, thấy dưới giường của Ngũ-kiếm đều có những gói châu báu lớn. Một tham tướng nói:
– Đây là viên ngọc dát trên mũ của Tô công tử.
Một tên khác ngắm nghía con dao nhỏ, nói:
– Đây là con dao ngọc của Tô công tử.
Nghiêm Sơn sai làm tờ kê khai xong rồi ra ngoài, lên ngựa cùng Thiều Hoa, Trưng Nhị về Luy-lâu.
Trưng Nhị hỏi:
– Nghiêm đại ca, đại ca thấy sao?
Nghiêm Sơn có vẻ bực mình:
– Tô Định đã đoán đúng. Ta lấy lượng quân tử đo lòng người thành ra sai. Như vậy, Tô Phương dữ nhiều lành ít. Ta phải về lấy khẩu cung Ngũ-phương kiếm xem sao mới được. Quân luật nhà Hán phạt rất nặng những người giết quan lại của triều đình. Như vậy, Ngũ-phương kiếm sẽ bị giết cả nhà, của cải sẽ bị tịch thu. Đáng tiếc. Thực đáng tiếc.
Thiều Hoa buồn bã:
– Em cảm thấy vụ này không ổn. Dường như Tô Định gài bẫy để hại Ngũ-phương kiếm thì đúng hơn, nhưng em nghĩ không ra. Chỉ đáng tiếc cho Ngũ-phương, anh hùng là thế, mà bị chết về tay Tô Định, một tên ngu xuẩn, không đáng giá một đồng xu.
Câu nói của Thiều Hoa như gáo nước lạnh dội vào đầu Nghiêm Sơn. Chính chàng cũng đang bị Tô Định gây khó khăn. Tô tham nhũng, tàn bạo, tiền của súc tích không biết bao nhiêu mà kể. Tô dùng của cải đó đút lót cho các quan trong triều để họ nói xấu chàng. Không biết lúc nào chàng sẽ bị hại vì y. Chàng tự nghĩ: Bất quá, giờ phút cuối, ta chặt đầu Tô Định rồi cùng Thiều Hoa qua lại giang hồ, chẳng sướng hơn sao?
Chàng nói với Thiều Hoa:
– Hoa muội về đi. Ta phải đến phủ Thái thú lấy khẩu cung Ngũ kiếm.
Thiều Hoa trở về dinh thấy Đào Kỳ, Phương Dung đang ngồi đọc sách. Đào Kỳ lấy binh pháp của Tôn-Tử giảng cho Phương Dung nghe. Thấy Thiều Hoa, Trưng Nhị về, hai người bỏ sách xuống, Đào Kỳ hỏi:
– Câu chuyện ra sao?
Trưng Nhị mỉm cười:
– Trộm cướp muôn đời vẫn là trộm cướp.
Đào Kỳ thấy cần phải đi gặp Vũ Trinh Thục để cứu Ngũ-kiếm, chàng nói với Thiều Hoa:
– Sư tỷ, em muốn đi chơi, sư tỷ lại đi vắng nên không dám tự tiện, phải đợi sư tỷ về xin phép đã.
Thiều Hoa tát yêu vào má Đào Kỳ, mỉm cười đùa:
– Tiểu sư đệ lớn rồi mà còn ngoan quá nhỉ?
Trưng Nhị liếc Đào Kỳ rồi nói:
– Sư huynh cho em đi với.
Đào Kỳ gật đầu. Ba người lại ra phố chơi. Đến một tửu lầu, Trưng Nhị kéo Đào Kỳ, Phương Dung lên đó ngồi ăn uống. Phương Dung bàn:
– Bây giờ ta đi cứu Ngũ-kiếm. Vậy, chúng ta phải hội kiến với nhóm người của Đặng Đường Hoàn mới được.
Ba người đang bàn tán thì một thiếu nữ hầu bàn chạy lại chắp tay hỏi:
– Thưa quý khách, dám hỏi quý khách có phải người nhà ông Văn không?
Trưng Nhị giật mình, nhớ lại lời dặn của Vũ Trinh Thục, vội nhìn lên, thấy người con gái có chiếc khăn choàng màu xanh. Nàng vội nói:
– Phải, tôi là người nhà ông lang Văn, nhưng ông ấy qua đời đã lâu rồi. Vậy, cô nương có cần gì khác không?
Người con gái ấy đáp:
– Tôi cần mua một lượng Hùng-hoàng. Đây, tiền đây, nhờ quý vị mua hộ.
Thiếu nữ nhét vào tay Trưng Nhị một mẫu giấy nhỏ rồi ra đi. Trưng Nhị mở ra coi, thấy có hàng chữ: Xuống bến xe ngựa, leo lên xe có con ngựa trắng kéo.
Trưng Nhị vội đưa cho Đào Kỳ, Phương Dung đọc, rồi cùng đứng lên, xuống lầu, đến bến xe ngựa. Quả nhiên trên bến có chiếc xe do con ngựa trắng kéo. Người phu xe lấy nón che mặt ngủ. Ba người không nói gì, leo lên xe ngồi. Người phu xe mở nón, ra roi cho ngựa chạy. Ngựa ra khỏi thành, đến một trang ấp. Bấy giờ, người phu xe mới lên tiếng:
– Mời quý khách xuống xe.
Ba người xuống xe, Vũ Trinh Thục đã đứng chờ sẵn. Vũ Trinh Thục nói:
– Tôi mời tỷ tỷ và hai em tới để bàn việc cứu Ngũ -phương kiếm.
Trinh Thục dẫn ba người vào nhà. Trong đó đã có sẵn bốn người gồm hai trai, hai gái. Trinh Thục giới thiệu:
– Đây là các sư đệ, sư muội của tôi.
Rồi nàng giới thiệu Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung với mọi người. Trưng Nhị bàn:
– Việc cứu Ngũ phương kiếm không khó, nhưng chúng ta muốn làm cho chuyện trở thành ồn ào, để chia rẽ Tô Định với Nghiêm Sơn. Tôi nghĩ, ta nên vào nhà ngục cứu là thượng sách.
Phương Dung gật đầu:
– Ngũ-kiếm bị tra khảo chết đi sống lại, tôi e rằng cứu họ không phải dễ đâu. Cái khó là phải làm sao tránh giao tranh với Nghiêm đại ca. Ở đây, Trưng sư tỷ đấu ngang tay với Nghiêm đại ca. Tôi với Đào đại ca tuy thắng được Nghiêm đại ca, nhưng không thể ra tay. Ta phải làm cách nào dẫn dụ cho Nghiêm đại ca rời Luy-lâu, lúc đó chúng ta cướp tù mới không bị cản trở.
Trưng Nhị hỏi Vũ Trinh Thục:
– Lệnh tôn hiện ở đâu?
Trinh Thục đáp:
– Hiện ở trong trang này.
Trưng Nhị nói:
– Tỷ tỷ hỏi lệnh tôn xem có thứ thuốc gì, khiến cho người ta ăn vào chân tay bải hoải một lúc hay một buổi không?
Trinh Thục gật đầu:
– Có, thứ đó sẵn lắm. Trước đây, em thường đem thuốc đó trộn vào với thực vật để trong rừng cho thú dữ ăn, rồi chỉ việc ra bắt thôi.
Phương Dung hỏi Trưng Nhị:
– Có phải chị muốn dùng thuốc đó cho Nghiêm đại ca ăn không?
Trưng Nhị gật đầu:
– Đúng đấy! Chúng ta sẽ trộn vào đồ ăn. Nghiêm đại ca tưởng mình bị bệnh, chứ đâu ngờ? Tô Định bị cướp tù, tất cầu cứu với đại ca. Nghiêm đại ca không ra tay được, hai người sẽ thêm thù hận.
Suy nghĩ một lúc, Trưng Nhị đứng lên ra lệnh:
– Tối mai chúng ta cướp tù. Vũ Trinh Thục mang ba cỗ xe chờ sẵn ở cửa Đông, đợi khi chúng ta cứu được tù ra, sẽ chạy về phía bờ sông. Tại bờ sông, phục sẵn một con thuyền, sang sông, sau đó lên ngựa chạy thẳng về Mê-linh. Riêng Đào Kỳ, mang thuốc về trộn vào tất cả các bình rượu của Nghiêm đại ca. Phải bày cách nào cho Nghiêm đại ca uống thực nhiều rượu thuốc. Tới khuya, Phương Dung, Đào Kỳ và tôi cùng vào nhà ngục cứu người. Bốn vị sư huynh, muội đây chờ sẵn ở phía ngoài dinh. Lúc chúng tôi cứu tù ra sẽ mang họ chạy trốn. Chúng tôi sẽ ở lại cản giặc.
Mọi người ước định xong, Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung lên xe trở về Luy-lâu lúc trời đã tối. Trưng Nhị nói với Thiều Hoa:
– Sư tỷ, em đã tìm thấy người nhà, sáng mai em sẽ lên đường, vậy xin cáo từ sư tỷ.
Thiều Hoa thấy nét mặt Trưng Nhị và các em hơi khác thường, nàng chắc rằng chắc Đặng sư muội tìm thấy người nhà có chuyện buồn, nên không tò mò gì. Sáng hôm sau, Trưng Nhị làm bộ từ tạ lên đường. Đào Kỳ, Phương Dung lại lấy bộ Tôn-tử binh pháp ra nghiên cứu. Chờ lúc Thiều Hoa ra vườn xem hoa, chàng chạy xuống nhà bếp, thấy có hai bình rượu, chàng bỏ thuốc vào cả hai, rồi lên nhà.
Như thường lệ, Nghiêm Sơn đi duyệt binh xong, về nhà lúc trời nhá nhem tối. Thiều Hoa đã chuẩn bị cơm rượu sẵn. Nàng dọn ra để Đào Kỳ, Phương Dung cùng ăn. Trong bữa ăn, Phương Dung cứ đem lý thuyết Tôn-Tử ra bàn với Nghiêm Sơn. Chàng ngạc nhiên, không ngờ cậu tiểu sư đệ của vợ với cô bạn gái lại hiểu rành rọt về binh pháp như thế. Chàng nói:
– Binh pháp là thuật dùng binh. Nhưng, người dùng binh giỏi, mà không có quân sĩ giỏi cũng vô dụng. Quân sĩ giỏi, nếu không có kỷ luật nghiêm minh, cũng như không.
Nhân đó, Phương Dung tò mò về cách huấn luyện quân sĩ, tổ thức quân sĩ của Hán triều ra làm sao. Nghiêm Sơn nhất nhất giảng rất kỹ. Cơm xong, Đào Kỳ nói với Thiều Hoa:
– Sư tỷ, chúng em đi dạo phố đây.
– Em cứ đi. Nhớ về sớm.
Đào Kỳ, Phương-Dung, dắt nhau ra phố, lên chiếc xe do con ngựa trắng kéo. Phu xe cho xe chạy về phía phủ Thái thú. Tới một vườn hoang, xe dừng lại. Hai người theo dấu đi vào, còn xe chạy thẳng. Đi một lát tới một căn nhà nhỏ, trong đó có Trưng Nhị và bốn sư đệ, sư muội của Vũ Trinh Thục.
Trưng Nhị nói:
– Lát nữa đây, ba chúng ta giả làm quân Hán, mang lệnh bài của Nghiêm đại ca tới nhà ngục. Chúng ta đưa lệnh bài trình ra nói rằng Nghiêm đại ca muốn thẩm vấn tù nhân, rồi sau đó mang họ đi.
Trinh Thục lấy ra ba bộ quần áo quân Hán đưa cho Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương Dung mặc. Ba người nhắm hướng nhà lao đi tới. Viên quan giữ cổng nhà tù thấy ba người lính Hán đến, vội hỏi:
– Các ngươi thuộc cơ đội nào? Đến có việc gì?
Trưng Nhị trình lệnh bài, nói:
– Chúng ta là thân binh của Lĩnh-nam công. Lĩnh-nam công muốn giải tù nhân đến để người thẩm vấn.
Viên quan giữ ngục coi lại lệnh bài rồi hỏi:
– Quốc công lấy tù nhân tên gì?
Trưng Nhị nói:
– Năm tên tù nhân phản loạn giết Tô công tử.
Đến đây nàng mới thấy nguy, vì nàng không biết tên thực của Ngũ-kiếm.Viên quan giữ ngục bắt nàng ký vào sổ rồi sai dẫn Ngũ-kiếm ra. Năm người bị đóng gông cổ, tay không cử động được. Mặt mũi hốc hác, đầy thương tích. Trưng Nhị dẫn năm người ra khỏi nhà tù. Chợt, có người phi ngựa tới nói lớn:
– Tô thái thú muốn áp giải tù nhân lên cho người thẩm vấn.
Nói rồi, y trình lệnh bài.
Trưng Nhị nói:
– Chúng tôi tới trước, chúng tôi lĩnh trước. Các người tới sau, hãy chờ tới khi Quốc-công thẩm vấn rồi sẽ lĩnh về cho Tô thái thú thẩm vấn cũng không muộn.
Viên quan ở phủ Thái thú không chịu, quát lên:
– Thái thú là chủ đất Giao-chỉ, ngươi giao tù nhân cho ta.
Đào Kỳ quát:
– Lĩnh-nam công là chúa tể Lĩnh Nam, mi dám chống lệnh bài của người ư?
Phương Dung nghĩ được một kế:
– Thôi, đã có đại nhân đây lấy tù về cho Tô thái thú, hãy để đại nhân lĩnh. Chúng ta lĩnh sau cũng được.
Trưng Nhị biết Phương Dung nhiều mưu mẹo, chắc có kế gì hay đây, nên cũng nghe theo. Nàng đòi lại lệnh bài.
Viên quan ở phủ thái thú đưa lệnh bài ra, ký vào sổ lĩnh tù, dẫn năm người ra một cỗ xe, bắt họ leo lên, rồi cho chạy về hướng phủ Thái thú.
Nhưng vừa tới một chỗ vắng, bỗng có ba người nhảy ra chặn đường. Viên quan nhận ra đó là bọn ba người của phủ Lĩnh Nam công. Ba người không nói gì, nhảy lên xe, xớt một kiếm, đầu tên phu xe đã rơi xuống đất. Viên quan giải tù chưa kịp phản ứng thì kiếm đã kề cổ:
– Muốn sống, hãy im mồm, theo ta, ta sẽ tha cho.
Viên quan thất kinh hồn vía, nhưng vẫn buông lời đe dọa :
– Các người là binh lính mà dám phạm đến ta sẽ không yên đâu.
Xe đến cửa đông, lính canh cửa bắt ngừng lại , hỏi:
– Các người đi đâu đây?
Chỉ thấy thấp thoáng ánh kiếm, đầu tên lính đã bay khỏi cổ. Trưng Nhị, Đào Kỳ cùng nhảy xuống, vung mấy nhát kiếm, trên mười tên lính canh cửa đã bị bay đầu. Hai người mở cổng, cho xe ra. Viên quan phủ thái thú lăn mình xuống xe, la lớn:
– Phản tặc làm loạn! Phản tặc làm loạn!
Xe đã ra khỏi cửa. Phương Dung quay lại nói với Trưng Nhị:
– Chị cho xe chạy đi, chúng em cản hậu.
Đám lính gác cửa cùng ào ào cầm vũ khí tiến lên, nhưng bị Đào kỳ, Phương Dung cản lại. Hai người dùng kiếm đánh dạt toán quân canh cửa, toan bỏ chạy thì kị binh đã ào ào tới.
Đào Kỳ bảo Phương Dung:
– Lấy khăn bịt mặt lai.
Hai người vừa bịt mặt, thì đội kị binh đã tới, đi đầu là Nghiêm Sơn. Đám kị binh vây tròn hai người vào giữa. Nghiêm Sơn vung chưởng hướng Đào Kỳ phóng tới. Đào Kỳ biết chưởng lực của Nghiêm Sơn rất hùng hậu. Trong trận chiến Cửu-chân hồi trước, Nghiêm chỉ đánh một chưởng đã khiến cho cậu của chàng là Đinh Đại phải phun máu miệng. Chàng vội vận toàn lực, xuất phát thế chưởng Ngưu ngọa ư sơn, một thế cực kỳ cương mãn của Phục ngưu thần chưởng. Bùng một tiếng, Nghiêm Sơn lùi lại hai bước, người chàng rúng động, khí huyết đảo lộn. Chàng nhìn đối thủ, thấy ung dung, dáng người quen quen, nhưng cấp thời chưa nhận ra ai. Từ ngày sang Lĩnh Nam đến giờ, chàng đã từng đấu chưởng với không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt, đạo tặc; Hán có, Việt có, nhưng thường thường chàng thắng, thắng hoặc hòa mà thôi. Không ngờ hôm nay gặp một đối thủ vô danh, mới đấu một chưởng, chàng đã thua sút rõ ràng.
Chàng nghĩ:
– Đối phương sử dụng chưởng pháp Phục ngưu, đúng là người của phái Tản-viên. Trong phái Tản-viên hiện thời chỉ có Lê Đạo Sinh có thể thắng được ta. Nhưng dáng ngươì Lê cao lớn, chứ không nhỏ như thế này. Vậy người này là ai?
Nghiêm Sơn hít một hơi chân khí, vận đủ mười thành công lực, phóng một chưởng dương dương vào bậc nhất của môn hộ gọi là Hỏa lôi chấn thiên chưởng vào đối thủ. Đào Kỳ thấy thế chưởng hung bạo, chàng vội chuyển chân khí sang nhu, phát thế chưởng Ngưu thực ư dã đỡ. Hai chưởng chạm nhau, xịt một tiếng, chưởng của Nghiêm Sơn mất tăm mất tích. Người Nghiêm lảo đảo lùi lại. Nghiêm nói:
– Các hạ là ai? Ta thấy vừa rối các hạ sử dụng Phục ngưu thần chưởng từ cương sang nhu. Thế chưỡng đó là Ngưu thực ư dã của Tản-viên đã thất truyền. Ta e chưởng môn Tản-viên Đặng Thi Sách cũng không biết. Vậy người là ai?
Đào Kỳ tuyệt không trả lời, vung tay phóng chưởng. Nghiêm Sơn vận chân khí đỡ. Hai chưởng gặp nhau, bùng một tiếng, Nghiêm Sơn lùi lại ba bước. Đào Kỳ định phóng chưởng nữa, bỗng có giọng một nữ lang quát lên:
– Không được hại người.
Người đó là Thiều Hoa. Thiều Hoa đâm liền mười kiếm để cứu chồng. Đào Kỳ từ bé tới giờ, sủng ái người sư tỷ này cực kỳ, nên chàng không chống đỡ mà chỉ nhảy tránh. Chàng thuộc lòng từng chiêu thức một của phái võ Cửu-chân, nên tránh dễ dàng. Nghiêm Sơn choáng váng một lát đã lấy lại được chân khí, chàng hỏi Đào Kỳ:
– Các hạ dáng người còn trẻ, võ công đã đến bậc bậc này, quả đã là vô địch Lĩnh Nam. Các hạ bịt mặt, chắc có quen biết với ta, nhưng ta tìm chưa ra. Ta thua các hạ rồi. Thôi, các hạ đi đi.
Nghiêm Sơn là đấng anh hùng. Chàng thua thì nhận thua, chứ không ngoan cố. Nếu chàng dùng kị binh vây đánh, dĩ nhiên sẽ bắt được hai người, nhưng hành xử như vậy, theo chàng, mất cái vẻ anh hùng.
Đào Kỳ, Phương Dung hú lên một tiếng, cùng chạy biến vào đêm tối. Chạy đến ngôi vườn hoang lấy áo quần thay, rồi lại trở vào phố, ung dung lên một tửu lầu ngồi uống trà, nghe hát.
Trong thành Luy-lâu tuy có náo loạn một lúc, nhưng rồi lại im lìm như không có gì xảy ra.
Đào Kỳ nói với Phương Dung:
– Chuyện vừa xảy ra thực quá nguy hiểm. Bây giờ chúng ta phải làm kế. Anh giả uống rượu say, Dung muội sẽ thuê xe chở về, có vậy mới che được mắt Nghiêm đại ca.
Đào Kỳ kêu hai bình rượu, uống sạch, chờ cho rượu ngấm, rồi để Phương Dung dìu chàng xuống, thuê xe ngựa hướng về phủ Quốc-công. Tới cổng, Phương Dung vác Đào Kỳ vào nhà. Thiều Hoa vừa dìu chồng về tới, thấy Phương Dung cũng dìu Đào Kỳ, nàng hoảng sợ hỏi:
– Có chuyện gì đấy?
Phương Dung đặt Đào Kỳ xuống nói:
– Đào đại ca thi uống rượu với người ta, say mèm.
Thiều Hoa ở với Đào Kỳ từ nhỏ, nàng coi Đào Kỳ như một người con đã quen, nên nàng bồng em lên, đem vào phòng. Nàng vận chân khí vào tay, ấn trên ngực sư đệ để đẩy thức ăn với rượu ra. Nhưng nàng bỗng kêu lên một tiếng kinh ngạc, dụt vội tay lại. Nàng cảm thấy các ngón tay như bị dao chặt đứt, đau đớn không thể tưởng tượng được.
Nguyên Đào Kỳ giả vờ say mèm, chàng không ngờ Thiều Hoa để tay vào ngực chàng, vận chân khí để đẩy thức ăn ra ; mà chàng không thu liễm chân khí kịp. Thiều Hoa đẩy khí vào, cơ thể chàng đầy rẫy chân khí, phản ứng lại, nên Thiều Hoa mới bị đau đớn.
Nàng nghĩ thầm:
– Ta xa cách tiểu sư đệ đã lâu, không hiểu y học được ở đâu công lực mạnh như thế này? Ta e chính sư phụ ta cũng không bằng y đã đành, đến Nghiêm đại ca cũng thua xa.
Nàng lại vận khí thử một lần nữa. Lần này, Đào Kỳ đã thu chân khí lại, nên Thiều Hoa không bị phản ứng nữa. Nàng vận chân khí đẩy mạnh, Đào Kỳ mửa hết rượu ra. Một lát, chàng tỉnh dậy, ngồi lên nói:
– Em không biết uống rượu, lại đi đấu rượu với người ta nên bị thua. Rồi say không biết gì nữa.
Thiều Hoa lắc đầu:
– Chị vừa gặp hai chuyện lạ kỳ. Chiều nay, Nghiêm đại ca uống rượu vào rồi tự nhiên người nhũn ra, không cử động được. Chị vội móc cổ cho thức ăn ọc ra hết. Vừa lúc đó, thì tin báo động rằng có ba người đến cướp Ngũ-kiếm. Nghiêm đại ca biết bọn cướp Ngũ-kiếm ắt hẳn bản lĩnh không tầm thường. Bởi vậy, đại ca đã cùng chị lấy kị binh rượt theo. Theo đến cửa Đông, thì chỉ còn hai người cản hậu. Một người và Ngũ kiếm biến mất. Nghiêm đại ca đấu chưởng với người bịt mặt, y đánh hai chưởng, Nghiêm đại ca đều thua. Đến chưởng thứ ba, chị thấy nguy, vội nhảy vào dùng kiếm đâm y mười chiêu đều thần tốc, y tránh né dễ dàng và không trả đòn.
Đào Kỳ ngơ ngác:
– Không lẽ trên đời có người chưởng lực còn mạnh hơn Nghiêm đại ca nữa sao? Còn chuyện thứ nhì?
– Chuyện thứ nhì, khi chị để tay vào ngực em, dồn chân khí đẩy thức ăn ra, chị bị phản ứng muốn tê liệt cả tay. Rõ ràng nội lực sư đệ mạnh không thể tưởng tượng được. Nội lực này dường như hơi khác với nội lực Cửu-chân nhà mình.
Đào Kỳ biết người sư tỷ này cực kỳ thông minh, nếu đối đáp nữa, có thể bị lộ, nên chàng giả bộ mệt, nằm xuống, đồng thời nắm lấy bàn tay Thiều Hoa đưa lên miệng cắn nhẹ một cái. Thiều Hoa dụt tay lại, mắng:
– Úi! Đồ chó cắn chị hả? Lớn rồi vẫn chưa quên võ công cẩu quyền sao?
Nguyên hồi nhỏ, mỗi lần Đào Kỳ đấu võ với Thiều Hoa, bị Thiều Hoa túm cổ liệng ra xa, chàng thường chụp tay sư tỷ mà cắn. Thiều Hoa lại tát yêu một cái, mắng:
– Này, dùng cẩu quyền này.
Một lúc sau, Đào Kỳ ngồi dậy, ra nhà ngoài gặp Nghiêm Sơn, Phương Dung. Chàng hỏi thăm Nghiêm Sơn về tình hình trận chiến.
Nghiêm Sơn buồn rầu đáp:
– Từ đầu đến cuối ta không biết đối thủ là ai. Y dùng Phục ngưu thần quyền khi cương, khi nhu... Những thế chưởng này của phái Tản-viên đã thất lạc từ lâu. Ta nghe trong phái Tản-viên còn có hai người đứng vào hàng thái sư thúc của Đặng Thi Sách, một là Lê Đạo Sinh, hai là Trần Đại Sinh. Nhưng hai người đều to lớn hơn người này nhiều. Còn một người nữa không đấu chưởng với ta, y người bé nhỏ, dùng kiếm đánh miên miên bất tuyệt, chiêu số rất quái dị, ta thấy hơi giống kiếm pháp Long-biên, nhưng tinh diệu hơn.
Thiều Hoa suy nghĩ mông lung rồi nói:
– Hai người đó không có ác ý với bọn ta, nếu không bọn ta khó toàn mạng. Dường như họ chỉ muốn cứu Ngũ-kiếm mà thôi. Nhân vật như vậy kiếm cũng không khó. Đất Lĩnh Nam hỏi được mấy người?
Nghiêm Sơn gật đầu:
– Trong khi giao đấu, ta thấy lưng người đó hơi quen quen, dường như đã gặp ở đâu rồi, nhưng nghĩ mãi không ra. Hoa muội, liệu người đó có phải là tôn sư không? Ta nhớ ra rồi, lưng người đó giống tôn sư.
Nghiêm Sơn thấy lưng người đó giống Đào Kỳ. Nhưng chàng tuyệt không nghi ngờ Đào Kỳ, bởi Đào Kỳ chỉ là tiểu sư đệ, võ công còn thua kém Thiều Hoa xa, làm sao chịu được chưởng của chàng? Bởi vậy, chàng mới nghi là Đào Thế Kiệt.
Đào Kỳ thất kinh hồn vía, vội dựa vào ghế thở hít làm như còn say rượu. Thiều Hoa lắc đầu:
– Em cũng thấy lưng người đó giống sư phụ, nhưng sư phụ làm sao có công lực mạnh dường ấy ? Hơn nữa, sư phụ đâu có biết võ công Tản-viên?
Nghiêm Sơn, Thiều Hoa đành bỏ qua việc ấy, đi ngủ.
Suốt thời gian ở Nghiêm phủ, Đào Kỳ chú ý nghe ngóng tình hình các tướng tá chỉ huy người Hán, chàng ghi chép tính tình, thói quen, tài năng từng người một. Lúc có mặt Nghiêm Sơn, chàng lại hỏi về tình hình, cách luyện quân, tổ chức quân đội, nhất là phương pháp chỉ huy.
Một hôm, Nghiêm Sơn nói:
– Ta nhận được tin bảy mươi hai động vùng Tây-vu thống nhất thành một châu lớn, tổ hợp lực đến một quân, tức 12,500 người rất hùng mạnh. Người cầm đầu là một nữ nhân tên Hồ Đề, có ý làm phản. Ta phải lên điều tra mới được. Vậy Hoa muội ở nhà với tiểu sư đệ và Phương Dung nghe. Thế nào ta cũng về trước đại hội Tây-hồ.
Nghiêm Sơn lên đường rồi, Đào Kỳ không còn úy kị nữa, chàng ra phố viết thư nhờ người của Vũ Trinh Thục chuyển, cho Trưng Nhị báo việc của Hồ Đề đã lộ, phải cẩn thận. Rồi chàng trở về, nói với Thiều Hoa:
– Đại ca đi vắng, chị em mình giả làm thường dân, đến Cổ-loa dò la tin tức của cha mẹ em xem sao?
Cái u uất của Thiều Hoa là nàng lấy chồng, hơn nữa, lại lấy kẻ thù của đất nước, kẻ thù của sư môn mà không được phép của sư phụ. Vì vậy, khi nghe đến việc đi tìm sư phụ, nàng mừng lắm, đồng ý liền. Nàng muốn tìm sư phụ để tạ lỗi cho yên lòng. Nàng viết mảnh giấy để lại cho Nghiêm Sơn, rồi cùng Đào Kỳ, Phương Dung lên đường đi Cổ-loa.
Cổ-loa thời bấy giờ thuộc huyện Long-biên. Huyện lệnh là người Hán, Huyện-úy là người Việt. Y là đệ tử của Lê Đạo Sinh, trước đây, y đã bắt giam Đào Kỳ. Đào Kỳ tính còn trẻ con, muốn trở lại đất cũ, nhìn mặt kẻ thù. Chàng nói vói Thiều Hoa:
– Sư tỷ, em nghĩ rằng Huyện-úy là người dưới trực tiếp của Nghiêm đại ca, vậy sư tỷ nên đến huyện đường bảo y tìm tung tích sư phụ xem sao?
Từ nhỏ, vốn tính nhu thuận, Thiều Hoa nuông chiều Đào Kỳ đã quen, nên thấy em nói sao thì nghe vậy.
Ba người đến huyện lỵ, dân chúng đông đúc chen nhau mà đi. Lính Hán đầy đường. Nàng hỏi thăm huyện đường, đến trước cổng. Tên lính Hán thấy ba người ăn mặc sang trọng, không dám hống hách, hỏi:
– Ba vị đến huyện có chuyện gì?
Đào Kỳ làm mặt hách dịch:
– Ngươi vào nói với Huyện-úy rằng có phu nhân Lĩnh-nam công giá lâm.
Tên lính nghe đến Lĩnh-nam công, biết rằng đây là vợ người chỉ huy tối cao của hắn, có thể chặt đầu hắn bất cứ lúc nào, nên vội vã chạy vào. Một lát, Huyện-úy chạy ra, chắp tay vái sát đất:
– Tiểu lại là Hoàng Đức xin tham kiến phu nhân.
Thiều Hoa đáp lễ:
– Không dám. Chúng tôi nhân tiện qua đây, ghé phiền Huyện-úy đôi việc.
Trước đây mỗi lần về Luy-lâu họp, Huyện-úy Long-biên Hoàng Đức đã được Nghiêm Sơn đưa về dinh chơi, được Thiều Hoa cho ăn uống, nên y coi đó là những cái ơn lớn lao. Lần này, đích thân Thiều Hoa đến, y được dịp lấy lòng nên vội mở rộng cửa huyện đường, rước chị em Thiều Hoa vào.
Y sai gọi vợ ra để tiếp Thiều Hoa. Trà nước xong xuôi, Thiều Hoa chỉ Đào Kỳ với Phương Dung, giới thiệu:
– Đây là tiểu sư đệ, tiểu sư muội của tôi.
Hoàng Đức thấy Đào Kỳ, y đã nhận ra chàng:
– Vâng, trước đây tiểu huynh đệ có ở Thái-hà trang của tệ sư mấy năm. Trang Thái-hà từ trên xuống dưới đều tiếp đãi như thượng khách.
Y quay lại nói với Đào Kỳ:
– Huynh đệ, ngươi còn nhớ Minh Châu, Tường Quy không?
Đào Kỳ nghe nhắc đến hai người, tim đau nhói lên. Chàng nhớ chuyện Lê Đạo Sinh bàn với Hoàng Đức, Đức Hiệp đưa chàng vào bẫy ái tình cho tiêu ma chí khí. Chàng nỗi giận, hỏi mát:
– Cũng vì chuyện hai vị cô nương Tường Quy, Minh Châu mà tôi phải theo sư tỷ tới đây. Tôi định nhờ sư tỷ đứng ra lo cho tôi.
Hoàng Đức giật mình hỏi Thiều Hoa:
– Khải bẩm phu nhân, thì ra phu nhân là đệ tử của phái Cửu-chân?
Thiều Hoa gật đầu:
– Sư phụ của tôi họ Đào, húy Thế Kiệt.
Nàng tiếp:
– Tôi muốn phiền Huyện-úy cho biết trong huyện Long-biên có người nào họ Đào không?
Hoàng Đức nói:
– Trước đây, Quốc-công có lần hỏi tới điều đó, nhưng tiểu nhân đã tìm khắp nơi, nhưng không có người nào họ Đào cả.
Đào Kỳ hỏi:
– Tôn sư hiện đang ở đâu?
Hoàng Đức nói:
– Nghiệp sư thường ở trang Thái-hà, nhưng hiện nay người đi vắng, không có ở trong trang. Dường như nghiệp sư lên vùng Tản-viên gặp chưởng môn Đặng Thi Sách để dạy dỗ y điều gì không rõ. Người có nói người sẽ trở về đây vào khoảng mồng mười tháng tám để dự đại hội Tây-hồ.
Thiều Hoa ăn bữa trưa ở nhà Hoàng Đức rồi từ tạ lên đường. Nàng tin rằng sư phụ, sư mẫu thế nào cũng đến vùng Cổ-loa để gặp lại nhau. Nàng biết tính sư phụ: Cẩn thận, kín đáo, dù thế nào chăng nữa, người cũng để vết tích ở Cổ-loa cho mọi người liên lạc với nhau.
Khi đi đường, Đào Kỳ lại lên cơn suyễn, ngực nghẹn thở, đau đớn muốn chịu không nổi. Từ hôm ở Mê-linh về đến giờ, cứ hai ngày một lần, Đào Kỳ lên cơn suyễn, nhưng chưa bao giờ nặng như hôm nay. Chuyến này, chàng theo Trưng Nhị về Long-biên mục đích tìm sư phụ của Trần Năng là Trần Đại Sinh để xin chữa bệnh. Nghiêm Sơn đã nhờ phủ Tế tác dò la tin tức, nhưng vẫn không tìm ra tung tích của ông.
Từ hôm bị trúng độc đến giờ, cơn suyễn của Đào Kỳ ngày một nặng hơn trước. Đúng như Đinh Công Dũng nói, nếu cứ tình trạng này, ba năm nữa chàng sẽ chết như ngọn đèn hết dầu.
Thiều Hoa đi bên cạnh sư đệ mà lòng đau như dao cắt. Nàng hiện là vợ một nhân vật đầu não Lĩnh Nam mà không tìm ra cách gì chữa bệnh cho người sư đệ mà nàng cực kỳ thương yêu. Ngồi trên xe ngựa, nàng ôm Đào Kỳ vào lòng, nước mắt dàn dụa.
Chợt nàng lóe lên một ý nghĩ:
– Trần Đại Sinh là sư huynh của Lê Đạo Sinh, có khi ông tới Thái-hà trang chăng? Vậy ta tới Thái-hà trang hỏi thăm tin tức xem sao. Chủ nhân Thái-hà trang là Lê Đạo Sinh, người được tôn là thái sơn bắc đẩu của võ lâm Lĩnh Nam, nhưng ông lại là Đô-úy Giao-chỉ, tức là thuộc cấp của Nghiêm đại ca. Nhờ Lê tìm Trần Đại Sinh chắc dễ hơn.
Một lát, Đào Kỳ hết cơn suyễn, Thiều Hoa nói:
– Tiểu sư đệ, chị định đưa em đến gặp một người này, may có thể chữa được bệnh của em.
Phương Dung hỏi:
– Ai vậy, sư tỷ?
Thiều Hoa biết Đào Kỳ đã cư ngụ ở Thái-hà trang một thời gian lâu, chàng có ác cảm với Lê Đạo Sinh, nên nàng nhấn mạnh:
– Lục-trúc tiên sinh là sư đệ của Trần Đại Sinh, chúng ta đến đó hỏi tin tức may ra thấy người chăng?
Đào Kỳ không muốn trở lại trang Thái-hà, nên chàng gạt đi:
– Trần tiên-sinh đi đâu rồi cũng về Mê-linh. Khi tiên sinh về, thế nào cũng liên lạc với Trần Năng. Trần Năng tất nhờ Đặng Thi Sách báo tin cho em lên để chữa bệnh. Nếu bây giờ, chúng ta đi tìm Lê Đạo Sinh thì cũng vô ích. Thêm nữa, lại phải dùng tên tuổi của Nghiêm đại ca thì không nên.
Chiều hôm ấy, ba người đến Cổ-loa, đi vào khu chợ chiều bên bờ sông. Một ông lão trông thấy Đào Kỳ thì kêu lên:
– Âu-Lạc tiểu anh hùng!
Đào Kỳ dừng ngựa, chắp tay đáp lễ:
– Lão bá! Lão bá còn nhớ cháu ư?
Ông lão chắp tay nói:
– Làm sao lão quên được tiểu anh hùng? Từ hôm tiểu anh hùng trổ thần oai giúp cho dân huyện này được miễn Ngũ-lệnh của Thái thú, chúng tôi lúc nào cũng nhắc đến tiểu anh hùng.
Dân chúng quanh chợ đã bu quanh Đào Kỳ, người hỏi thăm, kẻ chào mừng. Đào Kỳ vội xuống ngựa, vào đình để nói chuyện. Dân chúng gần đó nghe tin Đào Kỳ trở về, họ kéo nhau đến chào hỏi tíu tít. Lời lời truyền nhau rất mau. Mấy cụ già đặt bữa cơm để mời Đào Kỳ, Thiều Hoa và Phương Dung.
Từ hôm gặp nhau đến giờ, Đào Kỳ chưa có dịp kể cho sư tỷ nghe về chuyện Cổ-đại, nên Thiều Hoa không hiểu gì cả. Phương Dung vội thuật vắn tắt cho Thiều Hoa nghe. Nghe xong, nàng ngẫm nghĩ mừng trong lòng:
– Sư phụ ta nổi tiếng là Cửu-chân song kiệt, hào hiệp nức tiếng giang hồ, nhưng cũng không được dân chúng sùng kính bằng tiểu sư đệ ta. Như thế này, gặp lại sư phụ, kể cho người nghe, tất người mừng lắm.
Các bô lão trong vùng thấy Đào Kỳ đi với một thiếu phụ và một thiếu nữ, họ muốn hỏi mà không dám. Đào Kỳ giới thiệu Thiều Hoa, Phương Dung cho các bô lão. Một bô lão nói:
– Khi tiểu anh hùng đi rồi, dân trong châu chúng tôi sung sướng vô cùng. Trai không phải đi lao quân, dân làng không phải nộp tiền sưu dịch, cũng không bị Huyện lệnh làm khó dễ. Chúng tôi cùng hỏi nhau: Không hiểu bây giờ anh hùng ở đâu? Không ngờ hôm nay anh hùng lại về thăm chúng tôi.
Trên đời Đào Kỳ đã được ăn không biết bao nhiêu đồ trân quý, nhưng hôm nay chàng mới được ăn một bữa cơm ngon kỳ lạ thế này. Trong tâm chàng thoáng hiện ra người anh hùng Phù-đổng ruổi ngựa đánh giặc Ân, người anh hùng Lý Thân, Cao Nỗ, Vũ Bảo Trung đánh quân Tần. Khí hùng bốc lên, chàng bưng ly rượu uống sạch rồi nói lớn:
– Hôm nay cháu được các vị bá bá, thúc thúc đón tiếp thế này, thực đem lòng tri kỷ đãi nhau. Nơi đây là cố đô Âu-lạc cũ của ta, thành quách đổ nát, cây cỏ tang thương. Người Việt chúng ta mất nước tới năm thứ 188 rồi, chúng ta phải làm sao lấy lại đất nước này. Người Hán đến đây đô hộ, coi chúng ta như trâu, như lợn, muốn giết là giết, muốn hiếp là hiếp. Còn trời nào sầu bằng trời Âu-Lạc, còn đất nào đau bằng đất Văn-Lang? Nếu cháu không lấy lại được nước thì như cái chén này.
Chàng vận công lực vào tay bóp cái chén đến bốp một cái, rồi vỗ tay cho thành bột nhỏ, vứt xuống đất.
Dân chúng hô lớn:
– Âu-Lạc muôn năm!
– Văn-Lang muôn năm!
Tiệc tàn, chàng dẫn Thiều Hoa, Phương Dung dạo chơi cố đô. Đến nền của cung điện thời Âu-lạc, chàng chỉ cho Thiều Hoa:
– Đây là Ngự-triều di nguy, nơi xưa kia An Dương vương hội họp bá quan văn võ.
Ghi chú của thuật giả.
Điện, nơi vua An-Dương thiết triều, theo thơì gian bị đổ nát. Khi vua Ngô dành độc lập, đã xây lại, rồi trồng một cây đa. Trải hơn nghìn năm, Ngự-triều di nguy tuy có hư hại, đổ nát, nhưng vẫn được tu bổ, giữ nguyên công trình cũ. Cây đa hiện nay vẫn còn. Từ năm 1992, gần như hằng năm, tôi đều về Việt-Nam, với chức vụ Giám-đốc thị-trường (Directeur marketing) của CEP (Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu= Coopérative Européenne pharmaceutique). Mỗi dịp như vậy, tôi đều rủ các bạn ngươì Âu viếng thăm cố đô Âu-Lạc, dĩ nhiên tôi là người hướng dẫn. Đôi khi có những giai nhân đồng hành: Năm 1993, bác sĩ Trần An Xuân của bệnh viện Trưng-vương Sài-gòn; năm 1994, người đẹp Bùi Phương Lan Paris; năm 1998 Lê thị Kim Thanh, giai nhân Sài-gòn ; năm 1999 danh ca Thùy Hương. Mỗi lần viếng thăm, tôi đều yêu cầu những người cùng đi ký sổ vàng, tôi ra giá : Mỗi người cúng 100 USD. Tôi dịch từng bia đá, từng câu đối cho mọi ngươì nghe. Tại cố đô cũng có hướng dẫn viên di tích lịch sử . Cô còn rất trẻ, rất đẹp. Cô thuyết trình rất chi tiết. Nhưng khi cô thuật : Nơi đây đức vua cùng Tứ-trụ đại thần thiết triều thì Phương-Lan, là ngươì nghiền rất kỹ bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam. Lan hỏi : Tứ trụ đại thần là những vị nào ? Thì cô không trả lời được. Phương-Lan giảng : đó là Phương-chính hầu Trần Tự Minh, giữ chức Tể-tướng. Vạn-tín hầu Lý Thân, giữ chức Tư-mã. Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, giữ chức Tư-đồ. Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung giữ chức Tư-không.
Phương Dung hỏi:
– Chỗ chúng ta đứng ngày nay, gần hai trăm năm trước, các anh hùng đã đứng. Nhưng ngày nay họ ở đâu? Tại sao chúng ta lại hèn thế này? Tại sao chúng ta để người Hán cỡi lên đầu lên cổ chúng ta?
Bỗng một người ăn mày ngồi ngủ gật ở góc tường kêu lên:
– Chúng ta được người đời kêu là anh hùng, là hào kiệt, nhưng chúng ta lại cưỡi ngựa của giặc Hán, mặc quần áo của giặc Hán và lấy chồng giặc Hán, vậy chúng ta anh hùng ở chỗ nào?
Thiều Hoa thấy dường như người ăn mày này mỉa mai nàng với Đào Kỳ. Nhưng từ đầu đến cuối, cái nón đã che mất mặt, thành thử nàng nhìn không rõ người đó hình dáng ra sao? Nhưng tiếng nói dường như già rồi thì phải.
Đào Kỳ đến trước mặt lão ăn mày, nói:
– Lão bá, Âu-Lạc này tuổi còn trẻ, không hiểu đạo lý ở đời, nếu có gì sai quấy, xin lão bá dạy dỗ.
Người ăm mày vẫn nằm im:
– Sai quấy thì không. Nhưng đáng tiếc ơi là đáng tiếc.
Phương Dung hỏi:
– Lão bá, cháu có gì đáng tiếc đâu?
Lão ăn mày nói:
– Sao lại không? Kim cương bị lẫn với sỏi đá, vàng bạc bị lẫn với đất bùn, hoa ngọc lan đem cắm vào bãi phân trâu, như vậy không đáng tiếc sao?
Đào Kỳ thấy lời lẽ kỳ lạ, càng nhũn nhặn:
– Cháu trẻ người, lại xa phụ huynh từ nhỏ không được dạy dỗ, xin lão bá chỉ điểm cho những chỗ thiếu sót.
Lão ăn mày cười:
– Nếu có người, cha, mẹ, cậu, chú đều là hào kiệt nức tiếng Lĩnh Nam, anh hùng cái thế, nhưng lại ra vào cửa quyền quý người Hán, còn xưng là huynh huynh, đệ đệ với tên đầu sỏ Hán tặc nữa, thế có phải là kim cương bị lẫn với sỏi đá không? Còn một người nữa, cha mẹ đều là anh hùng, nhan sắc thuộc loại tuyệt thế, võ công ít ai bằng, thông minh hơn nam tử, nhưng lại đi cặp kè với người Hán, ăn cơm người Hán, ở nhà người Hán, thế có phải là vàng bạc bị lẫn với đất bùn không? Còn nữa, có người con gái sắc nước hương trời, sư phụ là đệ nhất hào kiệt đời nay, bị giặc Hán đánh cho tan nhà nát cửa. Sư phụ, sư mẫu, sư huynh, sư đệ phiêu bạt nơi nào không biết, đã chẳng lo tìm kiếm, xót thương, còn đi lấy kẻ thù của sư môn làm chồng, vậy có phải hoa lan cắm vào bãi cứt trâu không?
Phương Dung biết ông lão này là hào kiệt đương thời, đã biết rõ lý lịch ba người, nàng khẳng khái đáp:
– Thấy một cục vàng bụi bám, người ngu tưởng đó là cục đồng, nhưng chỉ cần thử lửa sẽ biết rõ vàng hay đồng ngay. Chúng tôi là con nhà hiệp nghĩa, nhất tâm nhất trí phục quốc cứu dân, như thế không thẹn với tổ tiên là được rồi. Người đời câu nệ, nhìn vàng tưởng đồng, nhìn ngọc tưởng sỏi đá, chấp làm chi?
Người ăn mày cười ha hả:
– Nói thì hay, nhưng làm có hay không?
Phương Dung gật đầu:
– Phàm là anh hùng hào kiệt, nói được phải làm được. Bọn ta tuổi còn nhỏ, chưa ai tới 25, nhưng trong giải đất Lĩnh Nam này, dễ mấy ai đã làm được những điều tốt đẹp cho đất nước bằng chúng ta?
Người ăn mày không vừa:
– Bắt giam đươc một tên công tử con Tô Định, giết được một tên cường hào rừng núi, cứu được năm tên giặc Hán ra khỏi nhà tù của Hán, như vậy đã tự hào là anh hùng rồi chăng?
Đào Kỳ cười nhạt:
– Anh hùng không phải chỉ làm nên những chuyện kinh thiên động địa mới là anh hùng. Người anh hùng chỉ cần làm được những điều tốt mà thế gian không ai dám làm mà thôi. Chúng tôi tự nghĩ chưa đáng là anh hùng, nhưng nếu bảo là kẻ xấu thì không đến nỗi xấu. Chị em chúng tôi có chỗ đáng tiếc, không đáng là anh hùng hào kiệt. Nhưng, thưa lão bá, xin lão bá cho biết lão bá đã làm những gì đáng gọi là anh hùng cho đất nước? Bọn chúng tôi xin rửa tai, kính cẩn nghe.
Lão ăn mày cười lớn:
– Thắng vài tên vệ sĩ của Tô Định khiến cho dân Cổ-loa khỏi chịu Ngũ-lệnh, cứu được đứa con gái ra khỏi giặc Hán giết ở Long-biên, cũng tự cho là hơn đời rồi sao? Nhỏ tuổi mà đã kiêu căng.
Phương Dung nói:
– Nhưng ai được quyền kiêu căng? Tại sao chúng tôi không được kiêu căng?
Lão ăn mày cũng không vừa:
– Vua kiêu căng thì mất nước, quan kiêu căng thì mất chức, nhà giàu kiêu căng thì mất của, chỉ có lão ăn mày như ta, trên răng, dưới khố là được quyền kiêu căng mà thôi.
Thiều Hoa vốn người nhu mì, ít nói, nên nàng để mặc cho Đào Kỳ, Phương Dung đối đáp với lão ăn mày. Nàng biết lão ăn mày biết bọn nàng, nàng lại không biết lão là ai, nói ra e sẽ bị thua.
Tới lúc đó, nàng mới xen vào một câu:
– Xin lão bá cho biết cao danh quý tính.
Lão ăn mày xì một cái:
– Đã ăn mày thì làm gì có danh mà cao? Làm gì có tính mà quý? Quốc-công phu nhân, phu nhân có tiền xin bố thí cho mấy đồng được chăng?
Phương Dung biết lão ăn mày trêu Thiều Hoa, nàng móc trong túi ra mười đồng tiền ném xuống bên cạnh lão. Lão không mở nón ra, nhưng dường như nhìn thấy tiền rồi, lão búng tay một cái, mười đồng tiền bay lên cao, lão ngửa tay bắt lấy:
– Cám ơn cô nương bố thí.
Bỗng lão co ngón tay vào búng đến teng một cái, một đồng tiền nhắm giữa mặt Phương Dung bay tới, kình lực mạnh vô cùng. Tiếng kêu vo vo nhức cả tai. Phương Dung nhận ra đồng tiền vừa quay tròn vừa bắn tới, nên dù bay chậm, tiếng kêu vẫn vang lên. Nàng né sang bên cạnh tránh khỏi. Đồng tiền bay qua gáy nàng, thì, véo một tiếng, một đồng tiền khác đã bắn trúng đồng thứ nhất, hai đồng tiền chạm nhau, gãy đôi thành bốn mảnh, bắn vào Đào Kỳ. Đào Kỳ không dám coi thường, vội vận kình lực vào tay, chụp bắt cả bốn mảnh tiền. Tuy chàng bắt được, nhưng tay tê rát vô cùng.
Lão ăn mày kêu ủa lên một tiếng, rồi phóng ra ba đồng tiền nữa, đồng nào cũng quay tròn kêu vo vo đến lạnh tai. Đào Kỳ đánh xéo một chưởng, ba đồng tiền đổi chiều, hướng vào lão ăn mày. Lão vội búng ra ba đồng khác trúng ba đồng trước, kêu đánh canh một cái. Cả sáu đồng tiền cùng gãy làm hai, rơi xuống đất.
Lão ăn mày mở nón ra, ngồi dậy, thở dài:
– Giỏi thực, giỏi thực. Đào công tử, người đỡ được mấy đồng tiền của ta, quả là võ công đã đến tuyệt đỉnh. Nhưng ta xem dường như nó không phải là võ công của Cửu-chân, mà là của Long-biên. Công tử học võ công Long-biên ở đâu vậy?
Đào Kỳ thấy ông lão ăn mày biết rõ tung tích mình rồi, chàng chẳng cần dấu diếm gì nữa:
– Cháu có duyên, được một vị tiền bối chỉ điểm cho. Vị tiền bối này không muốn cháu tiết lộ danh tính của người. Xin lão bá miễn chấp.
Lão ăn mày quát lên:
– Những người sử dụng được võ công Tản-viên đến trình độ của công tử đâu có mấy? Coi đây!
Lão ăn mày uốn cong người lại rồi bật thẳng ra, thân hình lão bay vèo vào người Đào Kỳ. Đào Kỳ chưa từng thấy lối đánh kỳ dị như vậy bao giờ. Chàng không dám chần chờ, vội phát một chưởng thuộc Cửu-chân là Hải triều lãng lãng để phản công. Người chàng nhảy lùi lại một bước.
Nguyên chiêu chưởng này gồm có năm lớp, lớp thứ nhất phát ra rất nhẹ, nhưng lớp thứ nhì nặng gấp đôi lớp thứ nhất. Lớp thứ ba gấp đôi lớp thứ nhì, tức gấp bốn lần thứ nhất. Nếu đánh đến lớp thứ năm, sẽ mạnh gấp 32 lần lớp thứ nhất.
Lão ăn mày ở trên không, vung chưởng đỡ. Đào Kỳ đánh lớp thứ nhì, lùi lại một bước. Lão ăn mày rơi xuống đất, vẫn vung chưởng chống lại lớp thứ nhì. Người lão nhảy vút vào Đào Kỳ. Đào Kỳ hoảng kinh, phát lớp thứ ba đánh vào lão, rồi lùi bước nữa. Lão ở trên không, vung chưởng đỡ lớp thứ ba. Đào Kỳ lui bước nữa, đánh lớp thứ tư. Lão đáp xuống đất, vận khí tấn công tiếp. Chưởng lực lão cực kỳ hùng hậu. Đào Kỳ đánh lớp thứ năm. Hai chưởng gặp nhau, bùng một cái, bụi cát bay tứ tung. Thiều Hoa, Phương Dung cảm thấy ngộp thở, vội lùi lại liên tiếp năm sáu bước.
Đào Kỳ kinh hãi, vì từ khi học được võ công trong bộ Văn Lang võ học kỳ thư đến giờ, chàng đánh đâu thắng đó. Chỉ duy có Lê Đạo Sinh, cách đây hơn một năm, chàng có kém y thực. Bây giờ, chàng đã vận đủ mười thành công lực, phát chiêu số dũng mãnh nhất của Cửu-chân mà lão ăn mày đỡ được dễ dàng. Chàng ngẩn người ra đứng nhìn lão.
Lão già hô:
– Khá lắm. Coi chưởng đây !
Lão vung chưởng trái từ trên không đánh xuống, kình lực cực mạnh, chưởng phải từ dưới đánh lên, vòng vào hông Đào Kỳ. Biết gặp phải kình địch, Đào Kỳ không dám coi thường, chàng bước xéo sang phải một bước, phát chiêu Ác ngưu nan độ, tay phải vận dương kình, tay trái vận âm kình đỡ hai chưởng của lão. Binh một tiếng nữa. Hai người đều lùi lại một bước. Mặt Đào Kỳ đỏ lên như máu, trong khi mặt lão ăn mày xanh lợt.
Lão thu tay về, lùi lại, thở dài:
– Ngươi... ngươi sử dụng võ công Cửu-chân bằng nội công Tản-viên, rồi dùng Phục ngưu thần chưởng bằng nội công Cửu-chân. Cước pháp của ngươi là cước pháp của Long-biên...
Đào Kỳ chắp tay nói:
– Lão bá quả là người kiến văn rộng rãi.
Bỗng chàng cảm thấy nghẹt thở, ngực tức như bị đá đè. Chàng biết cơn suyễn sắp hoành hành.
Con người ta, gốc tinh thần là ở trời đất, gốc thân xác là ở cha mẹ. Khi đau đớn tinh thần thường kêu trời, gọi đất. Khi đau đớn thân xác thường kêu cha gọi mẹ, cầu cứu anh chị. Đào Kỳ là con út trong nhà, hồi xưa, mỗi lần đau yếu, chàng được Thiều Hoa chăm sóc đã quen, nên nay thấy cơn suyễn sắp hoành hành, vội vẫy tay gọi Thiều Hoa:
– Sư tỷ! Sư tỷ!
Thiều Hoa chạy lại đỡ, ôm chàng vào lòng, lấy tay xoa ngực cho Đào Kỳ. Nước mắt nàng dàn dụa.
Phương Dung nói với lão ăn mày:
– Lão bá, Đào đại ca trước đây bị trúng độc, nên mỗi ngày thường lên cơn suyễn. Hôm nay lão bá qua lại mấy chiêu với Đào đại ca như vậy đủ rồi. Hẹn khi khác, Đào đại ca mạnh khỏe, sẽ lĩnh giáo võ công của lão bá.
Lão ăn mày không nói gì, vung quyền đánh vào đầu Thiều Hoa. Thiều Hoa vội dơ tay đỡ. Lão ăn mày chợt biến đòn, vung tay chụp vào ngực Đào Kỳ, nhấc chàng lên, thấp thoáng mấy cái đã mất tăm.
Phương Dung, Thiều Hoa chạy theo, kêu lên:
– Đào đại ca! Đào đại ca!
– Tiểu sư đệ! Tiểu sư đệ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.