Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 23: Cùng một lứa bên trời lận đận




Bạch Cư Dị (722-846) tự Lạc Phu, hiệu Hương Sơn cư sĩ, người đất Hạ-lang. Đỗ tiến sĩ niên hiệu Trinh-nguyên, giữ chức Hiệu thư lang. Sau vì bị đố kị, ông phải biếm làm chức Tư-mã đất Giang-châu. Trên đường nhậm chức, một đêm thu, được bạn tiễn đưa qua bến Tầm-dương, giữa lúc đôi bên đang đối ẩm ly biệt, thì có tiếng dàn thanh thoát vọng đến. Ông hỏi : Tại sao bến sông vắng lại có tiếng đàn não nùng như vậy? Bạn kể cho biết tiếng đàn do một ca kỹ nổi tiếng ở đế đô, về già, lấy một người lái buôn trà. Người lái buôn xuôi ngược, vắng nhà luôn. Nàng ở lại trên bến sông một mình. Ông mời người ca kỹ sang cùng uống rượu, tâm sự. Nghe tâm sự nàng, ông cảm động khóc sướt mướt:
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa,
Giang Châu Tư Mã thanh sam thấp.
Phan Huy Chú dịch:
Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang-châu tư mã đượm mùi áo xanh.
Đào Kỳ bị lên cơn suyễn mê mê tỉnh tỉnh. Chàng chỉ biết rằng mình bị lão ăn mày vác lên trên vai chạy đi. Chàng nghe tiếng gió vù vù bên tai không ngừng. Thỉnh thoảng lại thấy người mình nhô lên thụp xuống. Sau cùng, chàng nghẹt thở, không biết gì nữa. Trong cơn mê, chàng thấy mình cùng Phương Dung dạo chơi trên một sườn đồi đầy hoa. Chợt quân Hán kéo đến bao vây, chàng cùng Phương Dung tả xung hữu đột cũng không thoát. Cùng quá, chàng kêu lên:
– Thôi, chúng ta đành theo gương An Dương vương vậy.
Phương Dung dùng kiếm đánh dạt quân Hán. Hai người lên đỉnh ngọn đồi, toan tự vẫn. Lưỡi gươm đưa lên cổ thì thấy lạnh toát rồi giật mình thức dậy. Chàng mở mắt ra thấy tối om không có ánh sáng. Chàng đưa tay sờ xoạng thì chạm vào hai tấm ván gỗ hai bên. Chàng sờ lên đầu, trước mặt đều thấy như vậy cả. Chàng phiêu phiêu tưởng tượng:
– Thì ra mình đã chết rồi. Người ta đã chôn mình trong lòng đất đây.
Chàng sờ xoạng thấy mình nằm trên một lớp hoa, cây cỏ khô mùi thơm ngào ngạt, rất dễ chịu. Chàng tin rằng mình chết rồi, người ta đã liệm mình với hoa cỏ.
Chàng cố gắng nhớ lại, nhưng chỉ lờ mờ thấy mình đi Cổ-loa với Thiều Hoa và Phương Dung, rồi gặp lão ăn mày. Chàng và lão đấu chưởng. Chưởng lực của lão thâm hậu hơn Nghiêm Sơn nhiều. Rồi chàng lên cơn suyễn, lão chụp chàng chạy đi.
Chàng suy nghĩ:
– Chắc sau đó ta chết. Sư tỷ đuổi theo lão ăn mày, tìm thấy xác ta đem về chôn. Sư tỷ thương ta, nên đã chôn ta với hoa khô, cỏ thơm thế này đây. Chắc lúc chôn ta, sư tỷ đau lòng lắm. Không biết sau này gặp cha mẹ ta, ai là người minh oan cho sư tỷ đây?
Chàng cố gắng co chân lên, nhưng không có lực. Chàng dùng tay bẹo lên mặt mình, thấy còn đau. Chàng nghĩ tiếp:
– Như vậy, mình chưa chết. Hà! Mình chỉ ngất đi thôi, người ta đã vội chôn mình rồi. Ta nằm đây điều tức một lúc, khí huyết lưu thông, ta sẽ phá quan tài, đội mồ sống dậy. Ha... ha... ta đợi nửa đêm về nhà, nhát sư tỷ mới được. Sư tỷ thấy sẽ khấn : Tiểu sư đệ, đừng nhát chị.
Chàng bắt đầu vận khí, luyện lại tâm pháp của phái Cửu-chân. Chỉ một lúc sau, đã thấy người khỏe mạnh. Chàng dùng tay đẩy khẽ nắp quan tài và thấy ánh sáng lọt vào. Chàng lách mình nhảy ra. Khi nhìn lại, bất giác chàng mỉm cười: Chỗ chàng nằm không phải là quan tài. Đó là một cái hộp bằng gỗ đậy kín, đặt giữa nhà. Chàng quan sát căn nhà, thấy bày biện thô sơ, nhưng sạch sẽ. Đàng trước có một giàn thiên lý, hoa nở rất đẹp. Chàng bước ra sân chơi. Trước sân, một vườn hoa rộng mênh mông, trồng đủ thứ cây, cỏ, hoa lá, tiếng chim hót ríu rít. Chàng suy nghĩ:
– Đây là đâu? Ai đã bỏ ta vào hộp gỗ như vậy? Người bỏ ta vào hộp gỗ chắc không phải để hại ta. Nếu họ muốn hại ta, chắc đã cho ta một dao rồi. Vậy, họ cho ta vào hộp gỗ để làm gì? A, hay họ dùng thuốc để cứu ta đây? Đúng rồi. Họ cho ta vào thùng với đầy cây thuốc để ta thở hít như vậy, mới khỏi bệnh được.
Chàng trở vào nhà, thấy một cái tủ lớn, chia thành nhiều ngăn nhỏ. Chàng mở tung ra xem. Đúng như chàng đã nghĩ, trong các ngăn đầy những vị thuốc. Chàng nhìn khắp nhà, thấy chỗ nào cũng để đầy những cây, cỏ làm thuốc. Chàng định ra vườn, thì thấy một cô bé tuổi khoảng 14-15 chạy vào. Cô bé thấy Đào Kỳ thì kêu lên:
– Ngươi... ngươi sống lại rồi ư?
Đào Kỳ chú ý quan sát cô bé, thấy mắt cô ta đen, mặt trái xoan đầy vẻ hiền dịu, ngây thơ. Chàng tự nghĩ:
– Giá ta có một cô em bé như vậy, có phải vui biết mấy không?
Cô bé không thấy Đào Kỳ trả lời, lại hỏi:
– Ngươi... ngươi sống lại rồi ư?
Đào Kỳ cười:
– Không phải đâu. Ta chết rồi, chết từ lâu rồi. Khi ta xuống gặp Diêm-vương, người bảo ta phải về trần thế làm một việc, nên ta hiện hồn về nhát ngươi đây. Ngươi có sợ không?
Cô bé mở to mắt ra nhìn Đào Kỳ, rồi nói:
– Ngươi nói láo. Rõ ràng ngươi sống lại cho nên nắp quan tài gỗ của ngươi đã mở ra. Nếu ngươi hiện hồn về, xác ngươi vẫn phải nằm trong hộp gỗ chứ?
Đào Kỳ trêu cô:
– Ta chết thực rồi đấy chứ. Hồn ta tìm xác nhập vào, ta là quỷ nhập tràng đây. Người có sợ không?
Cô bé có vẻ hơi sợ:
– Ngươi đừng dọa ta. Quỷ nhập tràng thì chân tay cứng đơ, ngươi đã ngồi được ắt không phải quỷ nhập tràng.
Đào Kỳ đứng lên, bước lại gần cô bé, chân tay giả bộ cứng đơ như quỷ nhập tràng. Cô bé hoảng sợ, run run nói:
– Thì ra ngươi là quỷ nhập tràng thực à? Ngươi đừng hại ta. Ông ngoại ta chữa bệnh cho ngươi mấy tháng nay, không ngờ ngươi vẫn bị chết. Trong cơn mê, ngươi gọi tên Thiều Hoa, rồi Tường Quy, rồi Phương Dung. Toàn tên con gái không à. Ba người này là ai vậy?
Đào Kỳ làm bộ thè lưỡi nhát:
– Đó là ba con quỷ cái bạn của ta. Chúng ta hẹn nhau đến đây nhát ngươi.
Chợt cô bé cười hắc hắc:
– Ngươi nói láo. Rõ ràng ngươi sống đây, thế mà ngươi lại bảo rằng ngươi đã chết rồi. Ta thấy ngực ngươi nhô lên, thụp xuống, tức là ngươi thở. Quỷ nhập tràng không biết thở.
Cô bé dậm chân nói:
– Ông ngoại bảo chiều nay ngươi tỉnh lại là người sống, còn chiều nay người không tỉnh lại thì người chết. Sao người không nằm yên trong hộp gỗ để xông cho hết chất độc? Ông ngoại nói người bị trúng phấn độc của loại sâu đã mấy năm rồi. Chất độc này ghê gớm lắm, nếu để hai năm nữa, ngươi sẽ nghẹt thở rồi chết.
Đào Kỳ thấy cô bé nói năng dễ thương quá, nguồn vui dâng lên, chàng muốn làm quen với cô:
– Cô bé ơi, tên cô là gì vậy?
Cô bé đáp:
– Tôi đố anh biết tên tôi là gì đấy.
Đào Kỳ thấy trên tay nàng cầm mấy bông hoa quỳnh, hương thơm ngào ngạt. Trên đầu nàng dắt một bông hoa quế (hồng) chưa nở. Chàng suy nghĩ muốn tìm một câu gì đùa với cô bé cho vui, bèn nói:
– Cô bé xinh đẹp thế này, chắc tên cũng đẹp lắm. Cô ôm hoa quỳnh, giắt hoa quế, vậy tên cô là Quế Quỳnh hay Quỳnh Quế phải không?
Cô bé trợn mắt lên ngạc nhiên:
– Anh thực giỏi, đã đoán ra tên tôi. Tôi là Quỳnh, em tôi là Quế, chúng tôi là hai chị em sinh đôi. Hôm nay chị tôi theo ông ngoại ra chợ. Còn tôi ở nhà coi chừng anh. Ông ngoại dặn rằng khi anh tỉnh dậy thì múc cháo cho anh ăn. Vậy anh vào nhà để lấy tôi lấy cháo cho mà ăn.
Cô bé bước thoăn thoắt vào bếp lấy bát múc cho Đào Kỳ một bát cháo, bưng ra để trước mặt chàng:
– Cháo đây, anh ăn đi.
Đào Kỳ cầm thìa múc cháo ăn. Chàng thấy một mùi thơm kỳ lạ bốc lên mũi. Chàng ăn một thìa cháo, hương thơm tỏa khắp người. Chàng cố gắng tìm hiểu xem đây là cháo gì, nhưng nghĩ mãi không ra. Cháo trắng, có những hạt hình trám nhỏ xíu như hạt bắp, chàng ăn thấy bùi, béo ngậy xông lên mũi. Chàng hỏi cô bé:
– Cô Quỳnh ơi! Cháo gì mà ngon vậy?
Quỳnh lắc đầu nói:
– Tôi không biết. Ông ngoại cùng với mấy người nữa, thêm chị em tôi lặn lội trong rừng đến mấy ngày mới tìm được hai trăm tổ sâu, rồi lấy con nhộng trong tổ sâu ngâm với thuốc một ngày nữa, sau mới nấu cháo cho anh ăn đó.
Đào Kỳ cảm thấy ớn da gà:
– Thì ra mình ăn sâu non mà không biết. Chắc con nhộng sâu này có thể chữa bệnh được cho mình đây, nên họ mới nấu cháo cho mình ăn.
Chàng ăn liền một lúc hết cả nồi cháo, rồi hỏi Quỳnh:
– Này em bé này, thế ông em tên gì vậy?
Quỳnh lắc đầu:
– Tôi gọi anh là anh, sao anh cứ gọi tôi là cô bé vậy? Tôi có còn bú mẹ đâu mà gọi là cô bé?
Đào Kỳ nghe sư tỷ nói nhiều lần rằng, con gái tuổi 14-15 đã khôn lắm rồi. Đứng trước các chàng trai, các cô thường muốn được coi như là người lớn. Muốn cho các cô vui lòng, phải coi các cô như đã trưởng thành rồi.
Đào Kỳ xin lỗi:
– Tôi xin lỗi cô nương, năm nay cô nương bao nhiêu tuổi, lệnh ngoại tổ cao danh quý tánh là gì?
Quỳnh tươi mặt lên:
– Tôi mới 15 tuổi. Ngoại tổ tôi ấy à? Tôi không biết tên ông là gì, tôi chỉ quen gọi là ông thôi. Ông ngoại tôi năm nay già lắm rồi, đến bảy mươi là ít đấy, bởi bác Cả tôi cũng đã ngoài năm mươi rồi.
Quỳnh dẫn Đào Kỳ ra vườn chơi. Khu vườn nhà này trồng toàn cây thuốc, rộng có đến chục mẫu. Bướm, ong bay lượn, chim hót ríu rít trên cành. Quỳnh dẫn Đào Kỳ đi chỉ hết hoa này đến quả kia. Tới một cây ổi, trái to bằng nắm tay, cô bé hỏi:
– Này, anh có muốn ăn ổi không?
Đào Kỳ ngạc nhiên nghĩ thầm: Sao cô bé này biết ta thèm ổi? Nhưng chàng không hỏi, chỉ gật đầu. Cô bé chỉ một quả ổi trên cành cao, tuy da xanh nhưng đã ngả màu trắng:
– Da ổi bao giờ cũng xanh và đét. Khi ổi chín, da hơi biến thành trắng và mọng lên. Vì vậy, quả nào đã mọng là sắp chín đấy.
Cô nhặt một viên đá nhỏ bằng hạt nhãn búng đánh véo một cái, trúng cuống trái ổi. Cuống bị tiện đứt, trái ổi rơi xuống. Cô bắt lấy, đưa Đào Kỳ:
– Anh ăn đi, ngon lắm đấy.
Đào Kỳ cầm trái ổi hít hà, thấy thơm ngát. Chàng cắn một miếng kêu rau ráu, mùi ổi vừa thơm, vừa ngọt tỏa khắp miệng.
Cô bé nói:
– Ổi phải ăn khi còn ương ương, chứ chín rồi ăn nó mất hết vị ngon. Khi chín, thịt ổi sẽ nhão. Phải ăn ổi khi còn cứng vừa chua, vừa ngọt mới thú.
Đào Kỳ vừa ăn ổi, vừa cố tìm chiêu số võ công của cô bé. Chàng thấy thủ kình của cô bắn ổi vừa rồi giống hệt thủ kình của lão ăn mày. Vậy, lão ăn mày bắt chàng không phải vì muốn hại chàng, mà mang chàng về đây để chữa trị. Nhưng lão là ai? Đây là đâu?
Chàng hỏi Quỳnh:
– Quỳnh cô nương, tôi đến đây đã lâu chưa?
Quỳnh tính đốt ngón tay, nói:
– Ba tháng rồi. Sáng nay ông tôi đi xa, dặn tôi ở nhà coi anh. Ông tôi nói chiều nay mới về.
Khi Đào Kỳ ăn hết quả ổi, cô bé lại búng viên sỏi nữa, một trái khác lại rơi xuống.
Đào Kỳ cầm quả ổi, nói:
– Cám ơn cô nương. Võ công của cô nương cao lắm nhỉ! Nếu không, sao chỉ một cái búng, viên sỏi kêu véo một cái như vậy? Cô tập võ lâu chưa?
Quỳnh gật đầu:
– Tôi tập võ từ năm lên sáu tuổi, do ông ngoại tôi dạy. Tôi cũng không biết võ công tôi cao hay thấp, vì tôi chưa có dịp đấu với người ta. Này anh, tên anh là gì vậy?
– Tôi họ Đào, tên là Kỳ.
– Thế anh có biết võ không? Sư phụ anh là ai?
– Có chứ. Tôi cũng tập võ từ thuở nhỏ như cô. Bố tôi là sư phụ của tôi.
– Thế anh có đấu với ai bao giờ chưa?
Đào Kỳ gật đầu. Cô bé thích chí reo lên:
– Ừ! Nếu vậy, bao giờ anh khỏi bệnh, tôi sẽ đấu với anh.
Có tiếng xe ngựa kêu lách cách, cô bé reo lên:
– A! Ông ngoại đã về.
Cô chạy ra mở cổng. Chiếc xe ngựa chạy vào trong sân. Trên xe, một cô bé giống Quỳnh như hai giọt nước, khó có thể phân biệt được. Đào Kỳ biết đây là Quế. Hai cô chỉ khác nhau một điều: Quỳnh mặc áo vàng, còn Quế mặc áo hồng. Trên xe còn có lão ăn mày mà Đào Kỳ đã có dịp giao đấu ít hiệp.
Lão trông thấy Đào Kỳ thì mừng lắm, nói:
– Đào công tử, ngươi tỉnh rồi à?
Đào Kỳ chắp tay hành lễ:
– Đa tạ lão bá cứu mạng cho tiểu bối.
Lão ăn mày vẫy tay nói:
– Giữa đường thấy người bị nạn, ra tay cứu giúp, đó là y đạo vậy.
Lão kéo Đào Kỳ vào nhà rồi nói:
– Bệnh của công tử rất phức tạp. Đầu tiên, công tử tập võ công của phái Cửu-chân, thiên về cương dương. Nội công Cửu-chân lại luyện ở dưới sông, biển, thành ra trong cái dương có cái âm. Sau đó, công tử lại luyện võ công của Tản-viên. Võ công Tản-viên gốc ở Sơn Tinh. Sơn Tinh là người trên núi, luyện nội công thiên về dương cương. Như vậy, trong cái dương còn có cái dương nữa. Rồi không biết cơ duyên nào, công tử lại luyện võ công của phái Long-biên. Phái Long-biên thiên về âm nhu. Thế là ba thứ võ khác nhau ở trong cơ thể của công tử. Công tử không biết thành ra cứ sử dụng. Khi thì âm, khi thì dương. Rút cục tam âm, lục mạch bị thương cả. Kịp đến khi công tử bị hít phải phấn tằm độc, phấn chạy vào phổi. Công tử biết dùng tía tô xông lên, tự cứu được mạng, nhưng tằm độc vẫn còn trong cơ thể. Phấn tằm độc dính vào phổi không khu trục ra được, nên thỉnh thoảng phổi tấy lên, công tử bị suyễn. Đúng ra, nếu công tử chuyên tập một thứ võ, có thể chống chọi được ba năm mới nguy. Đàng này, công tử lại tập tới ba thứ võ công khác nhau... cơ thể rối loạn, khi trúng độc, không biết nguy hiểm ngừng ngay để tìm thầy chạy chữa. Công tử lại đi đấu chưởng với người, thành ra suýt bỏ mạng.
Đào Kỳ bội phục vô cùng. Lão ăn mày chỉ chẩn mạch đã biết được rõ những võ công chàng đã tập, quả lão không phải người thường. Lão nói tiếp:
– Quan trọng nhất là cách đây mấy ngày, công tử vừa đấu chưởng với một đại cao thủ bật nhất, bậc nhì của người Hán, rồi sau đó uống rượu vào... và cuối cùng đấu chưởng với lão già này, nên độc chạy sâu vào tam âm, lục mach. Không biết lão có chữa được không. Công tử, ngươi đấu chưởng với cao thủ người Hán tên gì vậy? Không ngờ trong hàng ngũ quân Hán cũng có một đại cao thủ như thế.
Đào Kỳ nói:
– Hán quan đó là chồng của sư tỷ vãn bối.
Lão ăn mày thở dài:
– À, thì ra thế. Tại sao công tử lại đấu chưởng với y? Phải chăng hai người xung đột ý tưởng?
Đào Kỳ thấy không thể dấu diếm lão ăn mày được, chàng bèn lược thuật qua vụ cứu Ngũ-kiếm cho lão nghe. Lão gật đầu:
– Đúng là mưu thâm. Ngũ-kiếm là người của giặc. Thắng Ngũ-kiếm đã là anh hùng rồi. Đàng này, không những đã thắng Ngũ-kiếm, còn biến Ngũ-kiếm thành kẻ thù của giặc, tức đã thắng giặc hai lần.
Bé Quế hỏi lão ăn mày:
– Ông ơi, tại sao lại thắng hai lần?
Lão ăn mày nói:
– Coi như Ngũ-kiếm bằng 500 quân, ta cũng cần 500 quân mới đánh lại họ. Ta được Ngũ-kiếm thành ra có tới 1,000 quân, có phải ta có lực lượng gấp đôi địch không?
Đào Kỳ kính cẩn nói:
– Tiểu bối không dám thỉnh cao danh lão bá?
Lão ăn mà cười:
– Cao danh à? Lão không có tên đâu. Lão chuyên nghề chữa bệnh, người ta gọi lão là Đại-phu. Nhưng lão hay đi ăn mày, nên người ta ghép tên lão thành Khất đại phu, tức ông thầy thuốc ăn mày.
Đào Kỳ à lên một tiếng:
– Ngay khi cháu bị trúng độc, đệ tử của lão bá là Trần Năng đã đi thỉnh lão bá ở núi Tản-viên, nhưng không gặp lão bá. Cháu đã đi khắp nơi dò tin tức lão bá, không ngờ bá lại ở đây.
Lão già đó tên thật là Trần Đại Sinh, sư huynh của Lê Đạo Sinh. Tuy võ công lão rất cao, nhưng ít giao dấu với người đời, nên nào ai biết bản lãnh của lão. Lão nghiên cứu y khoa rất tường tận, dùng y đạo cứu đời. Lão thường dùng một người, một lừa, lang thang khắp nơi chữa bệnh cho người. Ai trả tiền, lão không nhận. Nhưng ai mời ăn, đãi rượu, lão không từ chối. Vì vậy, người đời kính trọng lão, đặt cho lão tên hiệu là Khất đại phu. Đại phu là ông thầy thuốc, Khất là ăn mày. Tiếng tăm, đạo hạnh của lão vang lừng Lĩnh Nam, cả đến những vùng Kinh-châu, Tứ-xuyên của Trung- nguyên cũng biết danh lão.
Đào Kỳ không ngờ, mình tìm lão khắp nơi, không biết tin tức gì, đến lúc nguy kịch, thì gặp lão, đấu chưởng với lão, được lão đem về đây trị bệnh. Chàng thắc mắc:
– Hồi nãy lão bá nói đến tam âm, lục mạch, cháu không hiểu là gì, xin lão bá dạy dỗ cho.
Khất đại phu gật đầu:
– Cơ thể người ta do âm và dương kết hợp lại. Các bộ phận trong người cũng chia thành âm, dương. Những bộ phận đặc là âm, gồm có: can, tỳ, thận, phế, tâm và tâm bào. Những bộ phận rỗng thuộc dương, gồm có: tam tiêu, đại trường, tiểu trường, bàng quang, đởm và vị. Trong sáu bộ phận âm phân ra thái âm, thiếu âm, khuyết âm. Trong sáu bộ phận dương cũng phân ra thái dương, thiếu dương và dương minh.
Đào Kỳ gật đầu:
– Thế mà từ trước tới nay, cháu chỉ biết có âm dương mà thôi.
Khất đại phu tiếp:
– Tất cả những bộ phận trong người, nối với bên ngoài bằng những đường kinh. Trên tay có ba kinh âm, ba kinh dương. Dưới chân cũng có ba kinh âm, ba kinh dương. Như vậy, tổng số là tam âm.
Đào Kỳ hiểu ra:
– Cộng cả ba âm, ba dương thành sáu mạch, bởi vậy mới gọi là lục mạch.
Khất đại phu giảng thêm:
– Trên cơ thể còn những đường nối các kinh lại với nhau, nhưng không thuộc bộ phận nào trong người, đó là nhâm mạch, đốc mach, dương kiêu, âm kiêu, dương duy, âm duy, xung và đới, cộng lại thành kỳ kinh bát mạch. Lắm lúc lão nghĩ, làm sao trong võ học cũng phải đặt trên cơ sở y lý mới tiến xa được. Hiện giờ từ Trung-nguyên cho tới Âu-Lạc ta, chưa có ai hợp được y học với võ học. Lão mới thí nghiệm, thấy thành công. Như đốc mạch là tổng hợp các kinh dương. Lão làm cho chân khí trên các kinh dương và đốc mạch lưu thông. Rồi khi ta đấu chưởng với người khác, vận chân khí ra các kinh dương ở tay, khi đó, phóng chưởng sẽ mãnh liệt vô cùng.
Nói xong, Khất đại phu lấy viên đá nhỏ búng một cái bay về phía trước, rít lên veo véo, trúng vào cây chuối đánh bộp một cái, rồi rơi xuống. Ông bảo Đào Kỳ:
– Ngươi bóp ngón tay giữa ta một cái.
Đào Kỳ bóp thử thấy cứng vô cùng. Khất đại phu hít một hơi khí rồi cầm viên sỏi búng đến véo một cái, viên sỏi trúng vào cây chuối đàng trước, chui phập vào trong. Ông bảo Đào Kỳ:
– Ngươi bóp tay ta thử xem.
Đào Kỳ bóp ngón tay giữa của ông. Chàng thấy có luồng điện rung rất mạnh, rồi hất chàng bắn lui lại một bước. Đào Kỳ lắc đầu không hiểu.
Khất đại phu nói:
– Cái búng thứ nhất của ta chưa vận chân khí ra ngón tay, nên kình lực không mạnh. Ngươi bóp tay ta không sao. Cái búng thứ nhì ta đã vận chân khí, nên kình lực mạnh, ngươi bóp tay ta bị chân khí phản công, hất ngươi ra xa.
Đào Kỳ ngạc nhiên hỏi:
– Thế nghĩa là thế nào?
Khất đại phu giảng:
– Từ tiền cổ đến giờ, võ lâm luyện võ, chỉ biết vận chân khí ra chân, ra tay tấn công người, hoặc vận chân khí vào đơn điền, rồi từ đó chuyển sang từng kinh một, thấy không có gì khó khăn cả. Sau ta thử vận chân khí vào một kinh thì thấy chân khí mạnh như vũ bão. Ta mới tự giải thích rằng: Chân khí của toàn người, nếu vận ra chân, tay chiến đấu thì vừa lâu, vừa khó, lại không mạnh. Nếu ta vận vào từng kinh một, thì lại có thừa. Vừa rồi ta vận khí từ kinh tam tiêu ra ngón giữa, ngươi đã thấy qua kết quả.
Nói rồi, không đợi Đào Kỳ có đồng ý hay không, ông chỉ lên đồ hình trên tường với những đường kinh và kỳ kinh bát mạch. Nhờ có trí nhớ tốt, ông nói đến đâu, Đào Kỳ thuộc đến đó. Ông nhấn mạnh:
– Nhâm mạch là nơi tổng hội các kinh âm, khí của sáu kinh âm đổ về đó như nước các sông đổ ra biển. Đốc mạch là nơi tổng hội của các kinh dương. Dương khí của sáu kinh dương đều luân lưu qua.
Đào Kỳ hỏi:
– Như vậy đốc mạch và nhâm mạch có thông với nhau được không?
Khất đại phu như gặp người tri kỷ, ông hứng trí quá, giảng:
– Có chứ. Nhâm, đốc mạch giao hội nhau ở huyệt Trương cường, gần hậu môn. Đó là chỗ giao nhau bên dưới. Chúng còn giao hội nhau ở huyệt ngân giao tại môi trên. Vận chân khí hai mạch này thông với nhau, là hòa hợp được âm, dương.
Đào Kỳ góp ý kiến:
– Nếu hợp được như vậy, công lực sẽ tăng lên không biết đâu mà lường được. Trong cơ thể có khí âm, khí dương. Phái Tản-viên, Cửu-chân, Hoa-lư thiên về dương cương. Phái Long-biên thiên về âm nhu. Người luyện nội công chỉ chuyên một thứ. Dương sinh ra không có âm để tựa. Âm sinh ra không có dương để hòa hợp, vì vậy, tập thì nhiều, nhưng sau đó, chân khí mất đi đến bảy tám phần. Cho nên phải luyện một thời gian lâu lắm mới có kết quả. Nếu biết hòa hợp âm dương thì thời gian luyện công một năm sẽ bằng mười năm.
Khất đại phu há hốc miệng ra hỏi:
– Tiểu hữu, ngươi... ngươi cũng biết y học à?
Sự thực Đào Kỳ không biết gì về y học. Ngày nọ ở Thái-hà trang, chàng nghe Lục Mạnh Tân giảng về học thuyết âm, dương trong kinh Dịch. Rồi từ đó chàng hội hợp được chân khí âm dương của Tản-viên với chân khí âm của Long-biên mà công lực luyện tập một năm bằng mười năm. Bây giờ, được Khất đại phu giảng về kinh mạch, chàng suy nghĩ và phát biểu ý kiến, nên ông kinh ngạc đến ngơ ngẩn, xuất thần.
Đào Kỳ chợt reo lên:
– Nếu lão bá có thể vận chân khí đưa tất cả khí của sáu kinh âm vào nhâm mạch, nhâm mạch như cái hồ chứa âm kình. Khi đấu với người, lão bá vận chân khí tự nhâm mạch ra bất cứ một kinh âm nào để đánh địch, thì một chiêu mạnh bằng sáu chiêu. Còn lão bá vận chân khí sáu kinh dương vào đốc mạch, khi đấu với đối thủ, lão bá truyền chân khí ra một kinh dương tấn công, đối thủ làm sao chịu nỗi?
Khất đại phu giật mình:
– Ngươi... ngươi... đã luyện qua phép này rồi à?
Đào Kỳ thản nhiên:
– Cháu suy luận mà nghĩ như thế, rồi bàn rộng thêm. Ngày trước Sơn Tinh chế ra Phục ngưu thần chưởng chỉ toàn dương cương. Sau Vạn-tín hầu là người học chưởng pháp đó, nhưng ngài là người tập võ âm nhu, nên chưởng thành nhu. Bởi vậy Phục ngưu chưởng khi thì nhu, khi thì cương, nhưng hai tay phải đánh dương cương của Sơn Tinh, hay âm nhu của Vạn-tín hầu. Nếu như tay trái đánh âm nhu của Vạn-tín hầu, rồi bất thình lình vận khí trong người: tay phải vận âm chưởng, tay trái vận dương chưởng, luân lưu như vậy sẽ thành anh hùng vô địch. Hiện nay, tiểu bối chỉ có thể vận âm kình, dương kình rời rạc, chứ chưa liên tục được. Thời gian vận như vậy rất chậm chạp.
Nghĩ một lúc, chàng tiếp:
– Nếu tiền bối có thể vận chân khí lưu thông từ đốc mạch sang nhâm mạch và từ nhâm mạch sang đốc mạch, khi phát chiêu âm hay dương mạnh bằng 12 chiêu thường.
Khất đại phu gật đầu:
– Tiểu hữu nói đúng đó. Như trong cơ thể tiểu hữu, nào là nội công Tản-viên, nào là Long-biên, nào là Cửu-chân. Chân khí hỗn độn, chạy loạn cả lên, cho nên bệnh mới nặng. Nếu bây giờ tiểu hữu chuyển tất cả chân khí âm nhu về nhâm mạch, chân khí dương cương về đốc mạch, sau đó cho hòa hợp với nhau, thì bệnh khỏi được mà công lực cũng sẽ mạnh kinh hồn.
Đào Kỳ tỉnh ngộ:
– Từ trước đến giờ, ta chỉ có thể sử dụng nội công Cửu-chân, Long-biên, Tản-viên rời rạc, nếu bây giờ tập trung cả lại, ví như ta có 5 độ Cửu-chân, hợp với 5 độ Long-biên thành 25 độ. Hợp thêm 5 độ Tản-viên, ta sẽ có tới 125 độ.
Đào Kỳ đứng dậy, chắp tay thưa:
– Tiểu bối xin kính cẩn nghe lão bá dạy dỗ.
Khất đại phu nói chậm rãi:
– Nào bây giờ tiểu hữu ngồi xếp chân luyện công nhưng mắt thì nhìn vào đồ hình các kinh mạch này đi.
Đào Kỳ xếp chân lại, nhìn lên đồ hình.
Khất đại phu nói:
– Trong con người có ngũ khí phát ra từ ngũ tạng, đó là tâm, can, tỳ, phế và thận. Khi thức làm việc, ngũ khí nảy sinh, chạy khắp cơ thể. Bây giờ tiểu hữu nhắm mắt dưỡng thần, bỏ hết ý nghĩ ra ngoài, đó là Giải trừ tạp niệm. Khi những ý tưởng rời cơ thể, con người như ngủ đi. Khi con người ngủ đi như vậy, ngũ khí sẽ không luân lưu nữa, mà chạy trở về gốc của nó là ngũ tạng. Ta tạm dùng danh từ cho cách vận khí này là Ngũ khí triều nguyên, nghĩa là năm khí trở về gốc.
Ông nói đến đâu, Đào Kỳ làm theo tới đó. Chàng cảm thấy người khoan khoái nhẹ nhàng, không bút nào tả siết. Tuy rằng chàng biết mình ngồi vận công, có Khất đại phu bên cạnh, nhưng ý tưởng như quên hết đi. Một lúc sau, chàng mở mắt ra, thở đánh phào một cái. Chân khí chạy rần rật khắp người.
Khất đại phu giảng:
– Khi luyện công, tiểu hữu phải nhớ làm sao cho tinh, khí, thần thăng bằng. Tinh là tinh khí là vật chất, là xác thịt. Thần là tư tưởng, là trí nhớ, là hiểu biết. Khí là chân khí vậy. Tinh thuộc âm, nếu tinh thịnh quá thì người nặng nề. Nếu thần mạnh quá thì người căng thẳng, hay cáu, hay giận. Nếu khí mạnh quá thì người bứt rứt, khó chịu. Khí và thần thuộc dương. Vậy phải cho tinh, thần, khí thăng bằng. Tinh, thần, khí là ba bông hoa quý của cơ thể, nên ta gọi phương pháp thăng bằng tinh, thần, khí là Tam hoa tụ đỉnh.
Ông tiếp:
– Bây giờ chúng ta vận chân khí cho thông các kinh mạch đã. Khi 12 kinh thông rồi, ta sẽ vận khí lưu thông ở kỳ kinh bát mạch. Chúng ta bắt đầu từng kinh một trước. Kinh đầu tiên là Thủ thái âm phế kinh. Thủ thái âm phế kinh, khởi từ phế, chạy xuyên qua vị, màng cách xuống đại trường, rồi đi ngược lên, xuất ra nách, theo mặt âm của tay, tận cùng bằng huyệt thiếu thương ở ngón cái.
Ông nói tới đâu, Đào Kỳ vận tới đó. Cuối cùng, chân khí dồn ra ngón tay cái. Ngón tay cái của chàng muốn rung lên. Chàng lại nhắm mắt, cho Ngũ khí triều nguyên, thì thấy ngón tay bớt căng.
Khất đại phu tiếp:
– Bây giờ tới Thủ khuyết âm tâm bào kinh, khởi từ Tam tiêu xuất ra mặt Âm của tay, tận cùng bằng huyệt Trung xung ở ngón giữa.
Đào Kỳ lại làm theo. Khất đại phu tiếp:
– Tiếp tục tới Thủ thiếu âm tâm kinh, khởi từ tâm thông xuống tiểu trường, xuất ra ở nách, tận cùng bằng huyệt Thiếu xung ở ngón út.
Đào Kỳ làm theo.
Khất đại phu cho Đào Kỳ vận đi vận lại suốt ba kinh âm ở tay, từ lồng ngực ra tay, từ tay về lồng ngực, chuyển vào nhâm mạch. Xong ông lại bắt chàng tiếp tục vận khí từ lồng ngực, xuống bụng, ra đầu ngón chân của ba kinh âm dưới chân: Túc thái âm tỳ kinh, Túc khuyết âm can kinh, Túc thiếu âm thận kinh.
Đào Kỳ luyện trong hơn một tháng thì thông hết 12 kinh và thông cả nhâm, đốc mạch.
Một hôm Khất đại phu dẫn chàng ra một khu rừng, rồi bảo chàng:
– Bây giờ chúng ta áp dụng vào việc sử dụng ngoại công. Tiểu hữu, ngươi ngồi ngay ngắn lại đi, và làm theo lời ta nói.
Ông hô lên:
– Giải trừ tạp niệm.
Đào Kỳ làm theo.
Ông lại hô:
– Ngũ khí triều nguyên...Tam hoa tụ đỉnh.
Đào Kỳ làm theo.
Ông hô tiếp:
– Vận chân khí từ Thủ tam dương kinh, Túc tam dương kinh một lúc. Dẫn chân khí của Thủ kinh đến cùi chỏ, của Túc kinh tới đầu gối...Tiếp tục dẫn tới vai, tới đùi...Đưa vào đốc mạch...
Đào Kỳ thấy người nóng bừng lên, cơ thể căng như cái bong bóng. Khất đại phu hô:
– Cho chân khí lưu thông theo đốc mạch... Dồn chân khí lên đến huyệt đại trùy, đưa ra kinh đại trường, dẫn tới huyệt khúc trì... tiếp tục tới huyệt thương dương...
Đào Kỳ thấy ngón tay trỏ căng thẳng, rung động mạnh. Chàng chịu không nổi, phải bật ngón tay một cái. Một tiếng véo phát ra, xé gió cực mạnh. Đầu ngón tay của chàng vô tình hướng vào bình trà, cái bình trà kêu choang một tiếng, vỡ tan tành.
Đào Kỳ và Khất đại phu cùng kêu lên:
– A!
Rồi một già, một trẻ đều trợn mắt lên. Không ai hiểu tại sao cả. Khất đại phu hỏi:
– Này bạn trẻ, ngươi đã tập phương pháp này rồi à?
Đào Kỳ lắc đầu. Chàng tường thuật vụ được Lục Mạnh Tân giảng cho về học thuyết Âm-Dương ở kinh Dịch ra sao, rồi chàng dùng nó hợp nội công dương cương của Tản-viên, Cửu-chân, cho nên chàng chỉ tập trong sáu tháng, chỉ với một chưởng nhẹ đã đánh Hoàng Đức bị thương nặng. Nguyên lý đó, chàng tọi là Âm dương hỗ căn. Vì âm gốc ở dương, dương gốc ở âm. Hợp cả hai lại, có thể con người giống như một cái hồ chứa mọi thứ nước chảy vào. Có điều, khi muốn vận âm kình, dương kình thì rất chậm chạp. Trong lúc giao đấu, chỉ sử dụng hoặc âm kình, hoặc dương kình mà không sử dụng một tay dương, một tay âm.
Khất đại phu cùng ngồi xếp chân, nhắm mắt luyện công, vận khí, bất thình lình ông chĩa ngón tay cho hướng vào một cành thông khô, cách ông đến gần trượng mà bật một cái. Véo, kình lực rít lên chói tai, cành thông kêu rắc một tiếng, rồi gãy làm đôi, rơi xuống.
Ông nghĩ đến một điều rồi nói với Đào Kỳ:
– Tiểu hữu, chúng ta thử dùng chỉ lực đấu với nhau xem kết quả ra sao.
Một già, một trẻ ngồi vận khí, rồi họ cùng chĩa ngón trỏ hướng vào nhau mà bật. Véo, véo hai tiếng, cả hai đều cảm thấy thân hình rung động, cùng lùi lại.
Khất đại phu gật đầu:
– À, thì ra thế. Hôm ta đấu với ngươi ở Cổ-loa, thấy ngươi tuổi bất quá 20 là cùng, sao công lực đã đến dường ấy. Thì ra, ngươi thông minh, táo bạo, tự tập lấy, rồi đem lý thuyết âm dương của kinh Dịch ra áp dụng. Ngươi đã gặp qúa nhiều may mắn. Vì vậy, vừa rồi ta chỉ dạy cho ngươi chuyển tất cả chân khí các kinh dương về đốc mạch, đưa ra kinh tam tiêu, tấn công địch thủ... Nhưng chân khí ở ngươi mạnh quá, xuất ra ở huyệt thương dương đến độ như núi lở, băng tan. Ngươi với ta chế ra được một thứ chỉ pháp kỳ lạ này. Bây giờ ngươi thử lại một chỉ nữa xem sao.
Đào Kỳ chợt nghĩ ra điều gì đó:
– Tiền bối, bây giờ chúng ta cùng chuyển chân khí ra một lúc ba kinh dương rồi phát chưởng xem thế nào? Biết đâu chúng ta chẳng gặp may mắn?
Nói rồi, chàng vận thử. Nhưng chưởng không ra.
Đào Kỳ lại ngẫm nghĩ một lúc, rồi vận khí làm lần thứ nhì. Lạ lùng thay, khí vẫn không tụ được. Chàng ngồi xuống đất suy nghĩ, vận thử mấy lần nữa, khí vẫn không tụ lại. Chàng quay sang nhìn Khất đại phu, thấy ông cũng đang ngồi xuất thần, vận khí theo các kinh dương, xuất chưởng, nhưng chưởng cũng không ra.
Đào Kỳ cảm thấy mệt mỏi. Chàng mơ mơ màng màng suy nghĩ về cách vận khí. Chàng thấy lúc chuyển khí từ sáu kinh dương về đốc mạch, nhưng chân khí không chịu chạy về đốc mạch, mà lại tụ về trung đơn điền. Chân khí ở trong đơn điền phát ra ở các huyệt thận du, tỳ du, can du, tâm du và phế du rồi tụ vào đốc mạch. Chàng vận chân khí về huyệt đại trùy, chuyển ra thủ tâm kinh thì thấy chưởng rung động phát ra. Chàng hướng chưởng vào một thân cây thông lớn. Cây thông gẫy làm đôi, đổ xuống. Chàng giật mình tỉnh giấc, thì ra một giấc mị. Mị khác với mộng. Mộng là thần thức làm việc lúc ngủ. Còn mị là thần thức làm việc lúc mơ mơ, tỉnh tỉnh.
Khất đại phu hỏi:
– Tiểu hữu, ngươi tìm ra được rồi ư?
Đào Kỳ lắc đầu. Chàng thử vận khí lại, dẫn chân khí về trung đơn điền, rồi cho chân khí phát ra ở các du huyệt trên lưng, nhập vào đốc mạch, rồi phát chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng, hướng vào một cây thông lớn bằng bắp đùi. Rầm một tiếng, cây thông bị tiện từ gốc bằng phẳng như bị búa chặt.
Khất đại phu reo lên:
– Thành công rồi!
Đào Kỳ không tin rằng mình đã làm được điều đó. Chàng vận khí làm lại một lần nữa, cũng kết quả như lần đầu. Lúc đó, chàng mới đem lý thuyết ra nói với Khất đại phu.
Ông nghĩ một lúc rồi gật đầu:
– Đúng thế. Chưởng khác với chỉ. Chỉ thì chân khí ít cũng có thể đánh ra được. Còn chưởng, phải có chân khí toàn thân.
Ông vận chân khí làm như Đào Kỳ nói. Quả nhiên, chưởng phát ra mạnh kinh người.
Khất đại phu, Đào Kỳ, một già, một trẻ, cứ thế tiếp tục luyện trong hơn tháng thì có thể tòng tâm sử dụng chỉ ở huyệt thương dương, quan xung và thiếu trạch. Chưởng dương cương như ý muốn.
Lúc đầu, Khất đại phu định dạy khí công cho Đào Kỳ để quy liễm chân khí hỗn tạp của Cửu-chân, Tản-viên và Long-biên về nhâm mạch, đốc mạch rồi cho hai thứ Dương-kình, Aâm-kình tụ ở nhâm, đốc thông với nhau bằng huyệt ngân giao và trương cường, hầu trị bệnh cho chàng. Không ngờ kết quả lại đưa đến hai ngươì sáng chế ra một thứ chỉ pháp kỳ diệu và một thứ chưởng dũng mãnh như núi lở, như băng tan.
Ông dạy Đào Kỳ quy liễm chân khí về sáu kinh âm, chuyển vào nhâm mạch, phát ra các ngón tay thành âm chỉ, âm chưởng dễ dàng.
Trước kia, Đào Kỳ tập chưởng dương cương, âm nhu thực, nhưng muốn vận âm chưởng, dương chưởng một lúc thì không được. Nghĩa là chàng chỉ có thể phát âm chưởng rồi ngưng lại để phát dương chưởng. Bây giờ nhờ có học thuyết âm dương mà chàng rút ra từ kinh Dịch áp dụng, rồi lại được Khất đại phu giảng về kinh mạch, chàng vận dương kình, âm kình rất mau bằng lối quy tụ dương khí, âm khí về nhâm và đốc mạch.
Thế rồi, một già một trẻ, ngày ngày vào rừng luyện chỉ pháp và chưởng pháp bằng lối vận chân khí ra kinh mạch, chứ không vận theo lối cổ điển nữa.
Hơn tháng nữa, bệnh Đào Kỳ đã khỏi hẳn. Nhưng có một điều, chàng với Khất đại phu làm chưa được: Khi đã tụ dương khí về đốc mạch, âm khí về nhâm mạch, rồi cho nhâm, đốc thông với nhau, hai khí âm dương không hòa hợp được. Khất đại phu với Đào Kỳ là người ít tham vọng, thấy không thành công thì ngừng lại.
Đào Kỳ nói:
– Trước kia, tiểu bối muốn vận âm kình hay dương kình thì phải mất từ một tới hai tiếng đập của trái tim. Muốn đang từ dương chuyển sang âm phải từ 5 tới 10 tiếng đập của tim. Bây giờ đã tòng tâm sử dụng được. Đó là một điều kỳ diệu. Vận lực theo lối cổ điển, lực tụ không mạnh, lúc chiến đấu, nguyên khí mau hao tổn. Bây giờ, vận lực theo kinh lạc thì lực mạnh gấp bội, nguyên khí được bảo tồn. Chúng ta còn chế ra được chỉ pháp. Như vậy đủ rồi.
Khất đại phu nói:
– Còn hai vấn đề chúng ta cần phải đạt tới: Hòa hợp được âm khí, dương khí cho chạy luân lưu giữa nhâm mạch và đốc mạch. Thứ nhì là cho chân khí luân lưu khắp 12 đường kinh và kỳ kinh bát mạch. Ta già rồi, không biết cho tới lúc chết có tìm ra được không? Riêng tiểu hữu còn trẻ, ngươi cần chuyên tâm luyện tập. Biết đâu chẳng có ngày tìm ra?
Một hôm Khất đại phu gọi Đào Kỳ đến nói:
– Ngày mai lão phải đi xa một thời gian, vậy nhờ tiểu hữu ở nhà chiếu cố dùm hai đứa cháu nhỏ. Nhất thiết tiểu hữu không được rời nhà này đi đâu, cũng không được ngưng tập một ngày, vì bệnh tình tiểu hữu hiện chưa khỏi hẳn.
Đào Kỳ nhất nhất ghi nhớ.
Hàng ngày, chàng cùng Quỳnh và Quế dậy sớm tưới cây thuốc, sau đó chàng ra sông luyện võ. Trưa về ăn cơm, chiều lại ra sông luyện tiếp. Tối hôm đó, trăng lưỡi liềm lơ lững lưng trời, Quỳnh, Quế muốn Đào Kỳ đánh xe đưa chúng đi chơi. Từ hôm Đào Kỳ gặp hai cô bé, chàng cảm thấy như được hai cô em gái. Hai cô bé nói gì, chàng cũng chiều ngay. Chàng đánh xe, Quế chỉ đường. Chiếc xe đi dưới trăng, trời trong không một chút mây. Chàng chợt nhớ tới Thiều Hoa, Phương Dung không hiểu giờ này ra sao? Còn phủ Lĩnh Nam công hay đi chỗ khác?
Xe đi một quãng nữa thì Quỳnh chỉ vào một ngôi nhà nói:
– Đây là đền thờ Hùng-vương.
Chàng nhìn theo tay Quỳnh, thấy ngôi đền khá quen thuộc. Chàng suýt bật lên tiếng kêu, vì, đó là ngôi đền trước đây chàng thường từ trang Thái-hà trốn ra luyện võ. Vậy, từ nhà của Khất đại phu đến trang Thái-hà không xa là bao. Chàng nhẩm tính lại, chỉ còn 13 ngày nữa là đại hội Tây hồ rồi, không biết tới hôm đó chàng đã khỏi bệnh chưa? Có đi dự được không? Chàng hy vọng tại đại hội này, chàng sẽ gặp lại cha mẹ, cậu, chú, sư huynh, sư đệ cũng như những người thân thuộc khác.
Chàng đánh xe trở về, tự nhủ:
– Tối nay, chờ Quỳnh, Quế ngủ rồi, ta phải trở lại trang Thái-hà dò thám xem tình hình ra sao mới được.
Về tới nhà, chàng vào phòng ngủ, thay quần áo, đeo kiếm vào lưng, đợi khuya mới ra khỏi nhà, hướng trang trại Thái-hà đi tới.
Chàng ngẫm nghĩ:
– Ta rời Thái-hà trang đã gần ba năm, không biết trong trang đã có gì thay đổi? Ta hiện đã lớn, người trong trang không nhận được ta nữa. Nhưng ta cần dấu diếm tông tích thì hơn.
Chàng xé vạt áo, che mặt lại cẩn thận, rồi cứ lần theo con đường cũ vào trang không khó khăn gì lắm. Chàng lần mò đến phía đại sảnh, thấy đèn nến sáng chưng. Chàng men tới gần, lấy ngón tay chọc cửa sổ nhìn vào. Cảnh trí bên trong khiến chàng nổi gai ốc: Trong phòng không biết bao nhiêu người đều ngồi im lặng, không ai nói với ai một lời. Chàng kiểm điểm thấy đủ cả: Lê Đạo Sinh, Phong Châu song quái, Chu Bá, Đức Hiệp, Mai Huyền Sương, Lê Nghĩa Nam, Hoàng Đức Tiết, Đinh Công Hùng, Đinh Công Thắng, Đinh Công Minh, Đinh Hồng Thanh...
Một người quay lưng về phía chàng, đi đi lại lại, dường như đang thuyết trình thì phải. Chợt người đó lên tiếng:
– Đại hội Tây-hồ là một đại hội tối quan trọng, giúp cho cuộc trị an Giao-chỉ được yên ổn. Đại hội này quy tụ võ lâm thiên hạ của Lĩnh Nam, nhưng yếu tố chính là tập hợp võ lâm đất Giao-chỉ. Các chính phái chỉ có sáu. Tình hình như thế nào? Xin Phong Châu song quái cho biết rõ.
Vũ Hỷ đứng lên nói:
– Phái Quế-lâm hiện chia làm hai, một nửa tự cho rằng Quế-lâm đã thành đất Hán rồi, tự nhiên phải tuân phục Hán triều. Chưởng môn phái này là Triệu Anh Vũ, nguyên giòng dõi Triệu Đà, nhất tâm nghe lệnh của triều đình. Nhưng Anh Vũ chỉ có một mình và đám đệ tử. Phe chống đối do Lương Hồng Châu, bao gồm các cao thủ Nam Quế-lâm, cho rằng phần đất này trước thuộc nước Văn-lang, giòng Bách Việt, không muốn thần phục nhà Hán. Hồng Châu quy tụ dưới tay trên trăm cao thủ. Đó là việc đáng ngại. Nhưng, chúng tôi đã có cách an định.
Người thuyết trình lại lên tiếng, lần này Đào Kỳ nhận ra, đó là tiếng của Tô Định:
– Phái Cửu-chân thế nào, xin Vũ tiên sinh cho biết?
Vũ Hỷ lại nói:
– Từ khi Nhâm thái thú cho đánh hai trang Đào, Đinh đến giờ thì bảy trang còn lại chịu phép, không dám chống đối nữa. Riêng Đinh Đại, Đào Thế Kiệt cùng tộc thuộc chạy thoát trên năm chiến thuyền, không biết trôi dạt về đâu, tìm khắp nơi cũng chưa thấy. Chỉ có tam đệ tử của Kiệt hiện là phu nhân của Lĩnh Nam công.
Ngừng giây lát, Vũ Hỷ nói tiếp:
– Khoảng trăm tráng đinh, đệ tử do Trịnh Quang điều khiển đang sống tại Hoa-lư. Tuy vậy, tôi vẫn thấy có mối nguy là tự nhiên mấy tháng nay, bảy trang của Cửu-chân đã đổi hẳn thái độ, không tuân phục triều đình, thi nhau luyện tập võ nghệ, chiêu mộ tráng đinh, tích trữ lương thảo. Tôi có cảm tưởng như Đào Thế Kiệt, Đinh Đại đã ở chỗ nào đó cho người về liên lạc lại, mưu tạo phản.
Lê Đạo Sinh hỏi:
– Vũ Hỷ, ngươi có biết đứa con út của Đào Thế Kiệt không? Ta nghe thằng nhỏ này không biết cơ duyên nào học được cả võ công Long-biên, Tản-viên đều đến trình độ thượng thừa. Hiện nó xuất hiện đâu đây thì phải.
Vũ Hỷ ngơ ngác hỏi:
– Đào Kỳ bất quá là đứa bé 20 tuổi. Khi trận đánh Cửu-chân diễn ra, nó mới 13, võ công học được là bao? Làm sao đến trình độ thượng thừa được?
Lê Đạo Sinh lắc đầu:
– Không phải thế đâu. Nó mới xuất hiện cách đây hai năm tại Cổ-đại. Một mình thắng được bốn võ sĩ cao thủ bậc nhất của Tô thái thú, khiến thái thú phải bỏ Ngũ lệnh cho đất Cổ-đại, Cổ-lễ, Cổ-loa.
Tô Định gật đầu:
– Thằng nhỏ đó có đởm lược, có bản lãnh tuyệt vời, vung chưởng đánh ngã con trâu trước mắt ta. Võ công đó không phải tầm thường.
Hoàng Đức xen vào:
– Thằng bé đó hiện ở trong phủ Lĩnh Nam công, vì Lĩnh Nam công phu nhân là sư tỷ của nó. Phu nhân rất cưng chiều thằng nhỏ này, còn Quốc-công rất sủng ái phu nhân. Tôi nghĩ chúng ta không nên gây sự với nó, vì, gây với nó tức sẽ gây với phu nhân. Mà gây với phu nhân có khác gì gây với Quốc-công!
Lê Đạo Sinh quay lại nhìn Vũ Hỷ:
– Nó mới vừa cùng con gái Nguyễn Trát lên Mê-linh, giúp cho con gái Trần hầu đoạt được chức thống lĩnh 36 động Nam Mê-linh thành châu Lôi-sơn, tổ chức lại Lôi-sơn giống như Đào trang ngày trước. Thôi, bây giờ đến phái Long-biên, xin Lê tiên sinh cho biết tình hình.
Lê Nghĩa Nam đứng lên:
– Chúng tôi ba người, khi trở lại để đoạt chức chưởng môn Long-biên, bị con gái út Nguyễn Trát dùng kiếm pháp Long-biên đánh bại bọn tôi. Kiếm pháp của nó e rằng không kém gì sư phụ của tôi xưa kia nữa.
Mọi người đều oà lên một tiếng.
Lê Nghĩa Nam tiếp:
– Con gái Nguyễn Trát đi với thằng nhỏ Đào Kỳ hơn hai năm, bỗng trở về khóc lóc, cho biết Đào Kỳ bị trúng độc của Đinh Công Dũng khó thoát khỏi cái chết, lại bị một người ăn mày bắt đi rồi. Vì vậy, phái Long- biên chúng tôi nắm chắc trong tay.
Lê Đạo Sinh dơ tay làm hiệu như thể đã thành công rồi:
– Phái Tản-viên chúng tôi thì dễ rồi. Đặng Thi Sách dưới tôi hai vai, tôi chỉ việc khoanh tay nói mấy câu, chúng nó không dám chống lại đâu. Còn phái Sài-sơn thì tám vị Thái-bảo đều đóng cửa không màng chuyện đời. Vả lại, họ cũng không phải là những cao thủ đáng sợ. Phái Hoa-lư chuyên về cung nỏ, chúng ta không cần lý tới.
Tô Định hỏi:
– Kế sách đã định, tất cả cứ như vậy thi hành. Ai còn điều gì thắc mắc không?
Đinh Công Minh hướng về Tô Định, nói:
– Trong buổi hội đó, xin thái thú giúp bọn tôi đoạt lại chức thống lĩnh châu Lôi-sơn. Cha chúng tôi hao tổn không biết bao nhiêu tâm huyết mới tổ chức được đại hội thống nhất 36 động. Không ngờ con gái Nguyễn Trát xuất hiện, giết cha tôi, chiếm chức thống lĩnh. Nếu chúng tôi không đoạt lại được, cũng chẳng sao, nhưng lực lượng 36 động mới là mối lo cho thái thú.
Tô Định gật đầu:
– Được, ta hứa... Ta tóm tắt lại, các vị phải đoạt cho được chức Lĩnh Nam võ lâm chí tôn, rồi dẫn đại diện các chưởng môn sang yết kiến Kiến Vũ hoàng đế, hầu được ngài thụ phong chức tước và cho phép tập võ. Có như vậy, từ nay, ngoài các vị được thụ phong ra, kẻ nào tập võ, ta sẽ mang chặt đầu hết.
Ngừng giây lát, Tô Định nói tiếp:
– Trong đại hội này, ta sẽ thỉnh Lĩnh Nam công lên đài chủ toa. Nếu Lục trúc tiên sinh đoạt được chức Thái sơn Bắc đẩu Lĩnh Nam, võ lâm thiên hạ đồng tuân phục cử người sang Trung-nguyên cầu phong… thì thôi. Còn họ không chịu, phá phách đại hội, ta sẽ cho đội thiết kỵ xuất trận, bắt hết, đem về chặt đầu là yên chuyện.
Đến đây Đào Kỳ mới hiểu lý do Tô Định đặt ra Ngũ-lệnh. Thì ra Ngũ-lệnh là cái vòng siết cổ tất cả võ lâm thiên hạ không phục tùng nhà Hán. Làm như vậy, chỉ những người phục tùng nhà Hán mới được dạy võ. Những người phục tùng đều là người của thái thú, thế là dân Việt không bao giờ phục quốc được nữa. Thâm độc thực là thâm độc. Chàng tự nhủ, bằng mọi giá, thế nào cũng phải phá cho nát bét đại hội mới được. Chàng chắc giờ này Thi Sách, Nhị Trưng với các chưởng môn nhân đã họp để tìm kế để đối phó rồi đây. Vì không tiếp xúc với họ hơn năm rồi, nên chàng không biết đấy thôi.
Bỗng có tiếng quát lớn:
– Ai, đứng lại.
Đào Kỳ giật mình, vì cảm thấy có người tập kích phía sau mình. Chàng không kịp quay lại, chỉ thuận tay vung chưởng đỡ quyền của người kia. Bạch một cái, người kia bị dội lại. Chàng vội vàng nhảy qua bồn hoa để chạy, đã thấy bốn phía, bốn cao thủ vây kín: Lê Đạo Sinh, Chu Bá, Phong Châu song quái. Từ ngày ra đời đến giờ, Đào Kỳ là đứa trẻ gan lì, trên không sợ trời, dưới không sợ đất, ai chàng cũng dám so tay hết. Nhưng hoàn cảnh hôm nay, cao thủ ở đây như rừng, chàng liệu có địch lại không? Chàng thấy hơi sợ nhưng vẫn làm gan, giả giọng khàn khàn nói:
– Ta là con vua Hùng, cháu vua Thục. Ta có chân ta đi, có mũi ta thở.
Lê Đạo Sinh là vai chủ nhân, y nói với Tô Định:
– Xin thái thú để nó cho tôi.
Y nhìn kỹ Đào Kỳ rồi hỏi:
– Thiếu hiệp là ai, giá lâm Thái-hà trang mà không cho lão biết để tiếp rước, thực có lỗi.
Đào Kỳ giả giọng khàn khàn, nói:
– Tôi thiếu tiền nên ghé xin mấy đồng tiêu. Quý vị là cao nhân, không cho thì thôi, sao lại vây tôi như thế này?
Đạo Sinh không muốn mang tiếng lớn ăn hiếp nhỏ, nên ra hiệu cho Phong Châu song quái:
– Hai người này là đệ tử của ta, họ muốn thiếu hiệp bỏ khăn che mặt ra.
Phương Anh vung tay phải đánh một quyền vào mặt Đào Kỳ, tay trái khoa thành trảo chụp lấy khăn che mặt chàng. Đào Kỳ đã học kỹ võ công Văn-lang, nên chàng biết rõ cái chụp đó còn một biến chiêu. Chàng lắc đầu tránh khỏi, tay trái, vận nhu chưởng đặt vào tay thị. Hai tay chạm nhau, bạch một cái, Phương Anh cảm thấy cánh tay tê dại. Thị quát lớn:
– Thì ra ngươi là một cao thủ.
Nói rồi, thị vận đủ mười thành công lực phát chưởng Ngưu tẩu như phi trong Phục ngưu thần chưởng. Chưởng này vừa mau, vừa biến thẳng ra vòng cầu, rồi chụp lên đầu đối phương.
Đào Kỳ cười thầm:
– Tưởng mi sử dụng gì chứ chiêu này ngươi thua ta xa.
Rồi chàng cũng phát chiêu Ngưu tẩu như phi, chiêu phát sau mà chưởng lại tới trước. Bùng một cái, Phương Anh lùi lại đến ba bước mới đứng vững. Còn Đào Kỳ vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Vũ Hỷ chạy lại hỏi vợ:
– Có sao không?
Phương Anh đáp:
– Không sao. Để đấu tiếp chiêu nữa đã.
Nói rồi, thị vận công, phóng chiêu thứ nhì. Chiêu này rất cương mãnh, gọi là Thanh ngưu quy gia. Chưởng phong ào ào tuôn ra. Đào Kỳ đợi chưởng mụ chụp lên đầu mình rồi cũng ra chiêu Thanh ngưu quy gia nhưng chàng biến thành nhu. Hai chưởng đụng nhau, đến bạch một cái. Người Phương Anh rung lên liên tiếp, thị phải lùi lại hai bước mới đứng vững. Thị hít một hơi, đánh thẳng vào mặt Đào Kỳ bằng chiêu Aùc ngưu nan độ. Đào Kỳ cũng trả lại bằng chiêu Aùc ngưu nan độ. Hai chưởng dính liền nhau. Cuộc đấu nội lực bắt đầu.
Chu Bá đứng ngoài suy nghĩ:
– Nguy tai, người trẻ này không kinh nghiệm chút nào, y còn trẻ công lực có là bao mà dám đấu nội lực với Phương Anh, đã luyện hàng 20 năm nội công, y sẽ nguy mất.
Nhưng khi nhìn kỹ lại thì thấy người Phương Anh rung lên. Vũ Hỷ đứng ngoài thấy đối phương ra cùng chiêu, nhưng thuộc loại âm nhu rất quái dị, y không khỏi ngạc nhiên, tự nghĩ: Chiêu này sư phụ ta nói chỉ có thuần dương cương thôi, còn cách vận âm nhu đã thất truyền từ lâu, sao thằng nhỏ này lại biết?
Thấy vợ lâm nguy đến nơi, y bất cần danh phận, vội ra chiêu Ác ngưu nan độ, đánh vào hông Đào Kỳ. Đào Kỳ vội vận dương chưởng, cũng ra chiêu Ác ngưu nan độ, đỡ chưởng của Vũ Hy. Bùng một tiếng, hai chưởng dính vào nhau.
Đào Kỳ bị hai bên hai luồng nội lực của song quái đẩy vào người, chàng thấy người rung lên, tự nghĩ:
– Nguy rồi. Ta làm sao địch lại hai người?
Những cao thủ chung quanh thấy Đào Kỳ có dáng dấp của một thiếu niên mà võ công đã luyện đến trình độ chỉ một hai chiêu đã làm cho Phương Anh lạc bại, thì sinh lòng cảm phục. Họ thấy song quái cùng đánh chàng, không khỏi bực mình. Có người kêu lên:
– Song quái! Thu chưởng về mau.
– Hai người đánh một à? Hai vị là cao nhân sao lại có hành vi như vậy?
Nhưng song quái muốn thu chưởng về cũng không được nữa. Đào Kỳ tuy gặp kỳ duyên nội công âm nhu của Long -biên, dương cương của Tản-viên, nhưng thời gian luyện tập chưa được là bao. Trong khi đó, vợ chồng Phong Châu song quái đã có hàng ba chục năm luyện tập, lại khét tiếng võ lâm về nội công.
Đấu thêm được một lúc nữa, Đào Kỳ đã vận hết công lực ra để chống trả. Trên đầu chàng bốc lên một làm khói trắng lờ mờ. Trong khi song quái cũng thấy mồ hôi nhỏ giọt.
Đào Kỳ phân tâm một chút, chân khí của Vũ Hỷ xuyên qua Thủ tam dương kinh của chàng, xuyên lên huyệt đại trùy, tràn vào đốc mạch. Đầu óc chàng choáng váng, khiến tay chống với Vũ Phương Anh yếu một chút. Chân khí của Vũ Phương Anh theo Thủ tam âm kinh vào ngực, làm chàng tức ngực, muốn nôn ọe. Chân khí dồn vào nhâm mạch, chạy đến huyệt ngân giao, trương cường thì chạm với chân khí của Vũ Hỷ. Hai người là anh em ruột, lại là sư huynh muội, công lực ngang nhau, chân khí lọt vào hai kinh âm dương khác nhau, nên từ từ hợp làm một. Âm dương kết lại thành nội tức mới, chạy khắp thân thể Đào Kỳ.
Đào Kỳ đang lâm nguy, tự nhiên thấy người khoan khoái vô cùng. Nội lực của song quái thi nhau rót vào người chàng.
Về song quái, khi hai người dồn nội lực đánh Đào Kỳ, thấy chàng choáng váng thì mừng lắm. Họ ra sức phát huy nội lực. Được một lát, cả hai cảm thấy như nội lực ào ào tuôn ra, không thu về được nữa. Họ kinh hãi nhưng không thể nào ngăn chặn được. Họ muốn mở miệng nói, giật tay về, nhưng họ càng dùng sức, nội lực càng bị mất.
Chỉ một lúc sau, chân khí của họ đã dồn hết sang người Đào Kỳ. Người song quái run lẩy bẩy, rồi ngã ngồi xuống đất.
Đào Kỳ cũng không hiểu rõ nguyên lý ra sao.
Tất cả những người có mặt tại đương trường không ai hiểu thiếu niên này dùng thứ võ công kỳ quái gì để đánh ngã được hai quái. Bởi ngay chính Đào Kỳ cũng không hiểu nổi.
Đào Kỳ không hiểu được là phải. Thuở nhỏ, chàng tập luyện nội công phái Cửu-chân do cha dạy cho, vốn thuộc dương cương. Nội công này xuất phát từ An Dương vương. Sau đó, chàng lại tập nội công âm nhu do Nguyễn Phan của phái Long-biên dạy cho. Phái Long-biên gốc từ Vạn-tín hầu Lý Thân thuần nhu. Vô tình trong người chàng hai thứ âm, dương hợp được với nhau, khiến nội lực chàng tăng lên rất mau. Trong khi chàng thấy nội công Cửu-chân với Long-biên có chỗ không hòa hợp được với nhau, chàng lại tìm được nội công trong cây gậy đồng. Đó là nội công dương cương của Sơn Tinh, hơi giống Cửu-chân, và nội công âm nhu của Vạn-tín hầu. Mà hai thứ nội công này đã được Vạn-tín hầu hòa hợp cho bớt mâu thuẫn nhau. Chàng tập được cả hai. Nhưng lúc đó chàng mới chỉ có thể phát ra một lúc hoặc âm nhu hoặc dương cương mà thôi. Sau vô tình, nhờ liều lĩnh, chàng hợp được, có thể phát một tay âm, một tay dương, nhưng chàng vẫn chưa thể cùng một bên đang nhu chuyển sang cương được. Nhờ thảo luận y lý với Khuất đại phu, chàng đã biết cách chuyển nội lực. Chàng để cho nội lực dương cương vào đốc mạch và nội lực âm nhu vào nhâm mạch. Hai mạch thông với nhau bằng huyệt hội âm và ngân giao. Thế là hai chân khí chạy vòng quanh người chàng như một vòng tròn. Đó là vòng Tiểu chu thiên. Khi chàng muốn phát nhu thì chuyển từ đơn điền ra các kinh âm, còn muốn phát cương thì chuyển từ đơn điền ra huyệt đại chùy rồi đưa vào kinh dương. Vừa rồi, trong lúc nguy nan, chàng đưa chân khí của song quái vào đốc mạch hết, rồi từ đốc chuyển vào Nhâm mạch, chàng chuyển ra Thủ tam dương đánh Phương Anh, và từ đại chùy chuyển ra Thủ tam dương đánh Vũ Hỷ. Chàng không bị mất một tí công lực nào, trong khi hai quái lại bị kiệt quệ. Đó là điều ngoài sự tưởng tượng của Đào Kỳ và các cao thủ có mặt.
Lê Đạo Sinh, Hoàng Đức, Đức Hiệp đều nhận ra thiếu niên này là người hơn năm trước đã đấu với họ tại trang Thái-hà, nhưng họ đã không tìm ra lai lịch. Hôm nay y trở lại, võ công đã cao hơn trước gấp bội.
Lê Đạo Sinh tiến lên nói:
– Bạn nhỏ, thì ra là ngươi. Trước đây ngươi đã đánh Hoàng Đức, Đức Hiệp bị trọng thương, nay võ công ngươi tới trình độ này, có khi hơn cả ta rồi đó. Nếu ngươi đỡ được ta ba chưởng, ta sẽ để ngươi tự do rời khỏi nơi đây. Còn nếu ngươi thua, ta chỉ yêu cầu ngươi lột cái khăn ra cho mọi người biết mặt mà thôi.
Đào Kỳ biết Lê Đạo Sinh là cao thủ đệ nhất đương thời, nhưng vốn tính can đảm và bướng bỉnh, chàng vẫn không sợ, đứng nhìn đối phương gật đầu.
Lê Đạo Sinh phóng một chưởng rất hời hợt. Đào Kỳ nhận ngay ra đó là chiêu Thanh ngưu ư hà, chàng bèn vận khí từ các nơi về đơn điền, rồi chuyển qua các huyệt thận du, tâm du, tỳ du, can du và phế du, chuyển vào đốc mạch. Từ đốc mạch, đến Thủ tâm dương kinh, phát chiêu Loa thành nguyệt hạ. Chưởng phong phát ra ào ào, áp lực làm mọi người chung quanh muốn nghẹt thở. Hai chưởng chạm nhau đến bùng một tiếng. Lê Đạo Sinh bật lên tiếng kêu ái chà. Y lùi lại hai bước, chân tay như tê liệt. Còn Đào Kỳ chỉ thấy cánh tay hơi rung động mà thôi.
Lê Đạo Sinh thấy căn bản chưởng của Đào Kỳ là chưởng Cửu-chân, nhưng kình lực phát ra nhỏ, sắc như dao như búa, cương mãnh chưa từng có. Y kinh hãi, nghĩ:
– Đây là võ công gì? Tại sao ta chưa thấy qua? Dường như thằng nhỏ này luyện tập chưa thành thuộc, chứ nếu không, vừa rồi nó bồi tiếp một chưởng, ta làm sao chống nổi?
Y thở ra một hơi, rồi nói:
– Ta phát chiêu thứ nhì đây.
Y vung tay ra chiêu. Đào Kỳ nhận ra chiêu thức của Phục ngưu thần chưởng, chàng cũng trả lại một chưởng Phục Ngưu, nhưng vận âm kình. Bạch một cái, cánh tay chàng như muốn tê liệt, còn Lê Đạo Sinh, mặt đỏ gay. Y ngẫm nghĩ:
– Thiếu niên này là ai lại biết sử dụng Phục Ngưu thần chưởng cả âm lẫn dương? Ngay chính sư phụ ta cũng không biết nữa.
Y nói:
– Này thiếu hiệp, đỡ chưởng thứ ba đi.
Lần này y không dùng Phục ngưu chưởng nữa, mà đánh một chưởng của phái Long-biên. Đào Kỳ không biết chưởng đó, chàng thuận tay phóng một chưởng, đó là chưởng của phái Cửu-chân Hải triều lãng lãng. Chàng phóng lớp thứ nhất, Lê Đạo Sinh đỡ được. Chàng lùi lại một bước phóng lớp thứ hai, y đỡ mà thấy rung động cả tay. Chàng lùi lại một bước nữa, phóng lớp thứ ba. Đạo Sinh phải dùng cả hai tay để đỡ. Chàng phóng liền lớp thứ tư, thứ năm. Đạo Sinh vận đủ mười thành công lực đỡ vào giữa chưởng. Đào Kỳ cảm thấy mắt hoa, đầu váng, chàng té ngồi xuống đến ạch một cái.
Trong lúc nguy nan, chàng vận khí về đốc mạch rồi phát ra ở Thủ dương minh đại trường kinh. Ngón tay trỏ bật một cái. Véo một tiếng, chỉ lực của chàng đã điểm trúng ngực Lê Đạo Sinh. Lợi dụng lúc y chưa phục hồi công lực, chàng hú lên một tiếng dài, rồi phóng vào đêm tối.
Đào Kỳ ra khỏi trang Thái-hà, nhắm hướng Nam chạy thẳng một hơi về đến nhà. Vừa mở cửa vào nhà, chàng thấy người lảo đảo, suýt ngã, thì may, Khất đại phu đã đứng đó từ lúc nào, đỡ chàng nằm xuống. Ông bắt mạch chàng, rồi lấy hai viên thuốc nhét vào miệng chàng. Chàng nằm điều khí một lúc thì thấy khỏe như thường.
Khất đại phu thở dài:
– Tiểu hữu, ngươi vừa mới đấu chưởng với người của phái Tản-viên?
Đào Kỳ gật đầu:
– Đúng rồi. Tiểu bối đấu với ba người của phái Tản-viên.
Khất đại phu nhíu mày:
– Ngươi đấu với hai đại cao thủ của phái Tản-viên, dường như là Phong Châu song quái, họ cùng đánh ngươi một lúc, không hiểu ngươi làm cách nào thắng được họ. Sau đó, ngươi đấu hai chưởng với đệ nhất cao thủ phái Tản-viên, chưởng lực cực mạnh, có lẽ chỉ Lê Đạo Sinh mới có công lực này. Cuối cùng, ngươi dùng chỉ pháp đánh người, rồi chạy thoát về đây.
Đào Kỳ phục vô cùng. Chàng thuật lại chi tiết mọi chuyện cho Khất đại phu nghe. Chàng nêu thắc mắc về những điều chàng áp dụng. Khất đại phu suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Tiểu hữu, vừa rồi Phong Châu song quái đấu nội lực với ngươi. Vũ Hỷ là nam, thuộc dương, đánh vào Thủ tam dương. Vũ Phương Anh là nữ, thuộc âm, đánh vào Thủ tam âm. Hai đứa dùng một môn hộ, cùng một nội công, đứa nữ thì dồn vào kinh âm, đứa nam thì dồn vào kinh dương, vô tình chung làm thông nhâm, đốc mạch cho tiểu hữu. Âm dương của chúng hợp với nhau trong người tiểu hữu. Tiểu hữu hút hết công lực của hai đứa.
Ngưng một lát, ông tiếp:
– Đáng lẽ với công lực của tiểu hữu, cộng thêm công lực của song quái sẽ cao hơn Lê Đạo Sinh nhiều. Nhưng, tiểu hữu vừa thu được nội tức của song quái, chưa kịp vận chuyển cho lưu thông hợp với nội tức của mình, nên không đấu lại Lê Đạo Sinh.
Ông cười:
– Tiểu hữu, ngươi vừa sáng chế ra một thứ luyện công cực kỳ lợi hại. Như vậy, ngươi tiếp tục luyện tập, có thể luân phiên biến đổi bên âm, bên dương. Một tay có thể biến từ âm sang dương và ngược lại. Chúng ta hãy tưởng tượng: Tay phải ngươi dùng Cửu-chân chưởng thuộc dương cương, tay trái ngươi dùng Tản-viên chưởng cũng thuộc dương cương. Bất thình lình tay phải ngươi lại xuất âm nhu chưởng của Long-biên, tay trái ngươi xuất dương cương chưởng của Tản-biên, như vậy một lúc ngươi biến thành bốn người. Ngươi sẽ thành anh hùng vô địch trên thế gian này.
Đào Kỳ mừng lắm. Suốt ngày hôm đó, chàng cùng Khất đại phu luận bàn cách vận khí, chuyển từ nhâm sang đốc mạch, và từ đốc sang nhâm mạch. Chàng cứ vận như thế suốt ngày, dù ngay cả trong giấc mơ. Sáng hôm sau, chàng lại xuống sông Hồng-hà luyện nội lực. Chàng áp dụng lối vận công luân lưu tay phải, tay trái, âm dương ở dưới nước.
Cứ thế, mười ngày sau, chàng đã làm một cách thông thạo. Khất đại phu nói:
– Bây giờ, tiểu hửu đánh đến mười tên Lê Đạo Sinh cũng chết, chứ đừng nói một mình Lê Đạo Sinh.
Đào Kỳ mừng quá, nhảy lên cây ca hát vui mừng. Đêm đó, dưới ánh trăng, chàng suy nghĩ:
– Khất đại phu là ai? Chắc chắn ông là người của phái Tản-viên rồi. Nhưng ông lại không biết các chưởng âm nhu. Chỉ có điều chắc chắn: Ông là người tốt. Ta không cần thắc mắc chi nữa.
Sáng hôm sau là ngày rằm tháng tám. Đào Kỳ giật mình thức giấc, mặt trời đã lên cao. Chàng chạy đi tìm Khất đại phu với Quế, Quỳnh thì không thấy đâu cả. Chàng ra chuồng ngựa, xe với ngựa đều không có ở đó. Chàng nghĩ:
– Chắc ông cháu nhà họ đi chợ rồi đây.
Chàng ăn cơm trưa. Vẫn không thấy họ trở về. Chàng đành ra chợ thuê một chiếc xe ngựa, bảo đưa chàng lên Long-biên. Đến chiều thì tới nơi. Chàng biết hôm nay là đại hội Tây-hồ, võ lâm từ các nơi sẽ kéo đến đông đủ. Chàng đi mua một bộ quần áo cũ cùng với hồ, mực để hóa trang thành một thanh niên ăn mày. Hóa trang xong, Đào Kỳ kiếm tấm gương soi, chàng ngạc nhiên đến sững sờ. Vì, chính chàng cũng không nhận ra mình nữa.
Yên tâm, chàng kiếm một tửu lầu đánh chén một bữa rồi đến hồ Tây dự đại hội.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.