Anh Hùng Lĩnh Nam

Chương 26: Chí làm trai nam, bắc, đông, tây




Tô Định lên tiếng:
– Ai phải, ai trái, không cần biện minh. Hôm nay chúng ta hội nhau ở đây để tuyển cao nhân của các môn phái. Hai vị có cãi nhau đến một trăm năm hầu phân trắng, đen cũng vô ích. Vậy, hai vị hãy dùng võ công để phân cao, thấp.
Tô Định vốn ít nói, nhưng y là người xảo quyệt, nên lời nói của y khó ai cãi nổi. Chủ ý của y là đưa bọn Nghĩa Nam lên làm đại diện phái Long-biên sang Trung-nguyên cầu phong. Khi bọn chúng đã được sắc phong của Hán-đế, Tô Định tha hồ sai khiến. Bọn Nghĩa Nam được thụ phong, chỉ họ mới được dạy võ. Nguyễn Trát, Đông Bảng muốn được dạy võ, phải quy phục bọn tay sai Tô Định, nếu không, Tô sẽ căn cứ vào Ngũ-lệnh đem ra chặt đầu. Trước mắt, đấu võ thì Phan, Nguyễn muôn ngàn lần không phải là đối thủ của sư bá, sư thúc.
Nguyễn Trát biết ý Tô Định, nên nói với Đông Bảng:
– Chúng ta phải động võ thôi! Hôm nay, anh em chúng ta sẽ lấy cái chết để báo ơn liệt tổ. Nghĩa sĩ tuy chết, nhưng tinh thần còn để lại cho ngàn sau.
Phan Đông Bảng tự biết, ông không phải là đối thủ của một trong ba người sư bá, sư thúc. Ông nổi tiếng thiên hạ về đạo đức, hiệp nghĩa. Võ lâm kính trọng ông vì ông chỉ biết có phản Hán phục Việt. Bây giờ, bọn sư bá, sư thúc vì ham bả công danh phú quý, bán liệt tổ Âu-lạc, bán rẻ lương tâm, mặc cho đồng bào nguyền rủa, có đem đạo lý ra nói với họ cũng không khác gì đàn gảy tai trâu.
Ông quyết định: Thà không còn phái Long-biên, chứ không thể để phái Long-biên trở thành đầy tớ cho người Hán. Ông rút kiếm đứng giữa đài, hướng vào anh hùng thiên hạ hành lễ, rồi nói:
– Thưa chư vị anh hùng bốn phương. Phái Long-biên do Vạn-tín hầu thành lập trải đã hai trăm năm. Đời nào cũng giữ một tâm niệm, đem võ công để hành hiệp. Lấy nhân, nghĩa làm đầu. Chẳng may mấy năm gần đây, ba phản đồ ra làm quan với người Hán, dùng võ công của tổ tiên sát hại người Việt. Chúng mang đệ tử, tráng đinh đi bắt dân xung vào lao binh. Chúng lại bắt dân chúng thu góp lúa gạo, lừa ngựa, đưa sang Trung-nguyên dùng vào chiến tranh. Các trang ấp thuộc quyền chúng, nhà nhà, người người đều kêu than. Tiếng khóc mối hận bốc lên tới trời. Bây giờ, chúng còn bước xa hơn, mưu đánh chiếm trang ấp của tệ sư huynh Nguyễn Trát và của các sư đệ Trương Thủy Hải, Trương Đằng Giang, Trần Khổng Chúng và tôi. Chúng tiến xa hơn nữa, bắt tất cả đệ tử phái Long-biên thành trâu cày cho người Hán, thành chó giữ nhà cho người Hán. Vì vậy, chúng tôi nguyện đem cái chết để báo ơn liệt tổ Âu-lạc.
Ông hướng về Nam Hải nữ hiệp:
– Nam Hải nữ hiệp! Người là đệ nhất Thái-bảo của phái Sài-sơn. Phái Sài-sơn mấy trăm năm nay, tượng trưng cho đạo lý, vậy, xin nữ hiệp phán cho một điều: Những người đã ly khai môn hộ, có còn đủ tư cách lên đài tranh phong nữa hay không?
Mọi người im lặng, chờ Nam Hải lên tiếng. Bà chậm rãi đứng lên, nói:
– Từ xưa đến giờ, người tập võ lấy môn hộ làm trọng yếu. Những ai đã rời môn hộ sẽ không được nhân danh môn hộ nữa. Ba vị Lê, Hoàng, Mai! Ba vị đã rời phái Long-biên rồi, không còn đủ tư cách lên đài tranh phong là người có võ công cao nhất phái này.
Quảng trường vỗ tay rào rào.
Lê Nghĩa Nam hướng vào Tô Định:
– Tô đại nhân! Nếu cuộc đại hội hôm nay chỉ để đề cử người chưởng môn thì đại hội này trở thành đại hội chưởng môn sao? Chúng tôi tiếp được thẻ tre của Lục-trúc tiên sinh nói rằng: Đến đại hội Tây-hồ để cử đệ nhất cao nhân các môn, các phái. Tại sao bây giờ lại thay đổi thế này?
Lê Đạo Sinh đã chủ trương đưa bọn Nghĩa Nam làm đại diện phái Long-biên nên y đứng dậy, nói:
– Sáng kiến tổ chức đại hội là do Thái-hà trang chúng tôi. Tôi là người đứng ra tổ chức, tôi xin giải thích rõ: Không cần biết ai là chưởng môn, ai là đệ tử. Chỉ cần tuyển người võ công cao nhất mà thôi. Như phái Tản-viên của tôi, bất cứ ai biết sử dụng võ công bản phái, đều có thể trở thành người có võ công cao nhất.
Mai Huyền Sương cười the thé:
– Nguyễn Trát! Người chưa xuất trận đã hoảng sợ, thế còn xưng là chưởng môn được nữa hay không? Ta nghĩ, người nên về nhà đuổi gà cho vợ thì hơn.
Phan Đông Bảng giận run ngưòi, rút kiếm, nói:
– Lê, Hoàng, Mai! Xin mời ba vị ra đối chiêu cùng ta. Ta có chết cũng là anh hùng hào kiệt. Chỉ sợ sau này, ngươi chết đi, sẽ không còn mặt mũi nào nhìn liệt tổ dưới suối vàng nữa.
Lê Nghĩa Nam cười gằn:
– Ta là sư bá của ngươi, dù cho đến sư phụ ngươi cũng phải lui bước. Ngươi dám đấu với ta, quả ngươi to gan thực. Thôi được, ngươi ra tay đi. Chúng ta sẵn sàng dạy dỗ bọn hậu bối các người.
Y ngưng lại một chút rồi vẫy Mai Huyền Sương:
– Sư muội! Ngươi lên dạy dỗ cho tên sư điệt này mấy chiêu.
Thái độ của y đầy ngạo mạn, coi Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng không vào đâu cả.
Mai Huyền Sương từ chỗ ngồi, nhấp nhô mấy cái đã tới khán đài. Y thị nhảy lên đài. Khi còn lơ lửng trên không, đã rút kiếm nhắm đầu Phan Đông Bảng đâm xuống, uy thế cực kỳ mãnh liệt. Đồng thời, tay trái còn phóng thêm một chưởng.
Phan Đông Bảng cũng đánh một chưởng lên không hướng vào Mai Huyền Sương. Tay trái rút kiếm, ra chiêu đâm vào ngực y thị. Hai kình lực chạm nhau. Người Mai Huyền Sương bay vọt lên cao, lộn hai vòng ở trên không. Lúc đáp xuống, y thị khoa kiếm phóng năm chiêu, bao trùm lấy người Đông Bảng. Đông Bảng cũng phản lại bằng năm chiêu kiếm. Khi Mai Huyền Sương đáp xuống đài, hai người đã chiết đủ năm chiêu.
Từ trước đến giờ, anh hùng hào kiệt Lĩnh Nam nghe đồn kiếm pháp Long-biên vô địch thiên hạ. Bây giờ họ mới được thấy lần đầu, đều sinh lòng kính phục.
Khán giả được coi võ công Long-biên do hai đệ nhất cao thủ đấu với nhau trên đài, họ tự an ủi:
– Mình mất công đi dự đại hội, được kiến thức những võ công kỳ diệu như vậy, cũng không uổng công.
Mai Huyền Sương, tay trái bắt kiếm quyết, tay phải vòng kiếm tà tà hướng vào ngực Đông Bảng, thái độ phiêu hốt, như đùa cợt. Nhưng Phan Đông Bảng đâu phải tầm thường? Ông phóng liền chín chiêu kiếm veo, veo, veo khiến Mai Huyền Sương không còn dám coi thường ông nữa.
Hai người quấn lấy nhau. Ánh kiếm lấp lánh như chớp. Lúc đầu, người ta còn nhìn rõ, ai là Huyền Sương, ai là Đông Bảng. Nhưng rồi sau không ai phân biệt được hai người nữa.
Nguyễn Trát thấy sư đệ bản lãnh cao hơn mình thì nhường cho ông là người võ công cao nhất, chứ thực sự, ông cũng không biết trình độ võ công của Đông Bảng tới đâu. Bây giờ được thấy bản lãnh thực sự của sư đệ, ông mới thán phục.
– Mấy năm nay sư đệ luyện tập không ngừng. Võ công sư đệ đã tới trình độ này thì hơn ta gấp bội.
Bỗng Mai Huyền Sương nhảy vọt lên cao, chém liền chín chiêu, thế kiếm xiêu vẹo rất kỳ quái. Đông Bảng vừa đỡ vừa tự hỏi:
– Kiếm này là kiếm gì?
Chính Đào Kỳ cũng tự hỏi:
– Kiếm này không phải kiếm của Long-biên. Huyền Sương học ở đâu, giờ này mụ mới đưa ra?
Nguyên bọn Mai Huyền Sương cưỡng bức sư phụ truyền khẩu quyết về 72 thức trấn môn và bài quyết biến hóa không được. Họ đã họp nhau cùng nghĩ ra những chiêu thức mới để thay thế. Tuy không ảo diệu bằng sư phụ, nhưng cũng là những chiêu thức sát thủ. Trong lúc đấu với Đông Bảng, mụ đã sử dụng hết võ công của Long-biên mà không hạ được ông, mụ mới dùng đến.
Phan Đông Bảng thấy kiếm pháp kỳ lạ, ông hơi bỡ ngỡ, lùi dần về góc đài.
Đào Kỳ thấy Đông Bảng chống đỡ yếu ớt, chàng vội đến bên Phùng Vĩnh Hoa định vấn kế. Vĩnh Hoa đoán trước, cười nói:
– Cậu em ngoan ngoản, cậu muốn chị cứu Phan Đông Bảng phải không? Được. Nhưng cậu phải hứa sau này phải làm cho chị ba việc. Đào Kỳ gật đầu:
– Nếu lợi cho Âu-lạc thì dù một ngàn hay một vạn việc em cũng xin tuân. Chị mau cứu Phan Đông Bảng tiên sinh đi.
Phùng Vĩnh Hoa viết mấy chữ vào tờ giấy, bảo Đào Kỳ:
– Cậu lại búng đến trước mặt Hồ Đề đi.
Đào Kỳ cầm viên giấy, búng đến vèo một cái. Viên giấy bay đến trước mặt Hồ Đề thì mở bung ra và từ từ rơi xuống. Thấy tờ giấy do Đào Kỳ bắn đến, Hồ Đề cầm lấy đọc qua, tủm tỉm cười. Mắt nàng sáng lên, hướng về phía Phùng Vĩnh Hoa gật đầu, tỏ ý đã hiểu. Trên đài, Phan Đông Bảng chỉ còn chống đỡ yếu ớt, chiêu thức đã rời rạc. Mai Huyền Sương quát lớn:
– Ta cắt bao kiếm ngươi đây.
Xoẹt một cái, bao kiếm đeo bên mình Phan Đông Bảng đã rơi xuống đất. Mai Huyền Sương lại nói:
– Ta cắt râu ngươi đây!
Ánh thép loáng qua, râu Phan Đông Bảng rơi lả tả xuống đài. Khán giả nín thở, mắt không chớp, chờ diễn biến trên đài. Mai Huyền Sương lại la lên:
– Ta khoét mắt trái của ngươi đây!
Kiếm mụ vung lên tà tà phóng vào mắt Phan Đông Bảng. Nhưng, bất thình lình một vật to bằng bắp tay bay đến trước mặt Đông Bảng. Cử tọa giựt mình, ngơ ngác:
– Trên đời làm gì có ám khí lớn, thô kệch đến thế kia? Ám khí gì mà lại bay chậm như thế?
Mũi kiếm Mai Huyền Sương sắp đâm vào mắt Đông Bảng thì bị ám khí chạm phải, đánh choang một cái. Mũi kiếm bị lệch đi. Phan Đông Bảng nhảy vọt lên cao, lộn một vòng, đáp xuống giữa đài. Huyền Sương coi lại ám khí thì thấy đó là một cái bình bằng sành, lớn hơn bắp chân. Bình bị kiếm đánh vỡ, một chất lỏng thơm ngát trong bình bắn tung toé vào người mụ. Mụ sợ chất lỏng có độc, vội quay kiếm phong kêu lên vo vo. Tuy nhiên, chất lỏng cũng đã bám vào người mụ khá nhiều. Kiếm của mụ đánh vào chất lỏng, bay khắp nơi. Tô Định ngồi gần chỗ mụ nhất, người y với đám vệ sĩ bị chất lỏng bắn vào. Một giọt chất lỏng bắn vào môi, Tô thấy mùi thơm ngọt, thì ra là ... mật ong.
Tô Định hướng mắt vào nơi xuất phát của cái bình, thấy đó là khán đài của đệ tử 72 động Tây-vu. Từ lúc Hồ Đề đến, Tô đã có ý úy kỵ người con gái ngỗ nghịch, tính tình hào sảng như nam tử này. Y quay lại hỏi Nghiêm Sơn:
– Thưa Quốc-công! Quốc Công đã điều tra về Hồ Đề, gốc tích nàng ra sao? Xin Quốc-công dạy cho.
Nghiêm Sơn tuy ghét Tô Định vì y tàn ác, tham nhũng, nhưng dù sao y cũng là kẻ dưới quyền mình. Khi kẻ dưới quyền thỉnh thị sự hiểu biết, chàng phải trả lời y:
– Tại vùng núi Thiên-sớ có 72 động, nằm chung quanh núi Tây-vu. Ở đấy, dân chúng đều thuộc sắc dân Mường. Người Mường sống với núi rừng, thú dữ quanh năm, nên họ bắt thú nuôi, dạy dỗ để sử dụng. Cách đây năm mươi năm, họ họp nhau lại bầu lấy người thống lĩnh 72 động. Thể lệ cứ năm năm bầu lại một lần. Năm trước đây, một thiếu nữ trẻ là Hồ Đề được suy cử làm Thống-lĩnh. Lực lượng động Tây-vu có hơn một quân, gồm toàn tráng đinh, leo núi, băng rừng rất giỏi. Về thú vật, họ có đội Thần-hổ 500 con, đội Thần-báo 500 con, đội Thần-tượng 200 con, đội Thần-ngao 2.000 con, đội Thần-xà hơn vạn con, đội Thần-ưng 3.000 con, đội Thần-phong hơn hai mươi triệu con. Ta nghe địa phương báo cáo rằng nàng có ý làm phản, nên ta đã tới Tây-vu điều tra. Hồ Đề không có ý khởi binh, nàng chỉ không ưa bọn tham quan mà thôi. Nàng tiếp đãi ta rất nồng hậu, còn tặng ta một cái bao kiếm bằng ngà voi nữa. Nàng rất thân với phu nhân của ta.
Nghiêm Sơn chưa dứt lời, đã có những tiếng u u từ xa vọng lại. Rồi một bầy ong bay đến, nhào xuống đốt Mai Huyền Sương. Bất ngờ bị ong tấn công, đốt đau quá, mụ lấy tay phủi những con bu trên người rồi dùng kiếm múa tít tạo thành một vòng rào bảo vệ khắp cơ thể. Ánh kiếm như quả cầu bạc khiến đàn ong không xâm phạm vào người mụ được. Nhưng người mụ cũng đã sưng vù vì đợt tấn công đầu tiên bất ngờ của đàn ong. Mụ cảm thấy đau nhức không thể chịu được.
Có tiếng huýt sáo vọng lên từ phía 72 động Tây-vu. Đàn ong tức thời ngưng tấn công, bay lên cao lượn vòng tròn đầy vẻ đe dọa. Mai Huyền Sương đã bị hơn trăm con ong đốt, nọc ong khiến mụ phát khùng. Thấy ong đã bay lên cao, nhưng mụ vẫn cầm kiếm, ngửa mặt lên trời, đề phòng.
Phan Đông Bảng đang lúc nguy cấp, tự nhiên có đàn ông bay đến giải cứu, ông biết đã có người cứu mình. Ông đưa mắt nhìn về nơi phát ra tiếng sáo, đó là khán đài của đệ tử Tây-vu. Ông gật đầu, tỏ ý cám ơn, rồi ôm kiếm đứng thủ.
Đàn ong cứ bay lượn trên đầu hai người như diễu cợt, như đe dọa. Thỉnh thoảng hàng trăm con bất thần nhào xuống, khi Mai Huyền Sương khoa kiếm gạt, ong lại bay lên cao.
Một lát sau, có tiếng huýt sáo nữa. Đàn ong chia làm hai ngả. Một bay sang đông, một bay sang tây. Hai đàn ong bay đi bay lại, ngược chiều nhau. Đôi khi lại vọt lên cao. Phía các trọng tài cũng thấy ớn da gà, không biết đàn ong sẽ đáp xuống lúc nào. Bỗng tiếng vo vo nổi lên, một đàn ong chia làm ba nhào xuống phía trọng tài, tấn công Tô Định, Nghiêm Sơn và Lê Đạo Sinh. Bấy giờ người ta mới biết đàn ong này do người nào đó không ưa Hán, thả ra để phá đám đại hội, đám người Hán trên đài. Chỉ riêng Nam Hải nữ hiệp và Phan Đông Bảng không bị ong tấn công. Bên khán đài Sài-sơn, đệ ngũ Thái-bảo là Nam-thiên đại hiệp Đặng Đường Hoàn tính tình cương trực, ghét cay ghét đắng bọn người Việt theo Hán, thấy vậy bảo khẻ Vĩnh Hoa:
– Cháu hay thực! Đem bọn nó ra làm trò cười cho thiên hạ. Sư thúc biết Hồ Đề chỉ huy được đàn ong, nhưng không có sáng kiến. Cháu chế tạo ra cách trêu bọn Hán cho bõ ghét, làm trò cười cho chúng ta.
Vũ Trinh Thục ghét cay ghét Lê Đạo Sinh, ghé tai Phùng Vĩnh Hoa nói nhỏ:
– Sư tỷ! Chị làm sao cho ong đốt lão Lê Đạo Sinh kia mới thú. Cách đây hai năm, y đã sai đệ tử của y tấn công phụ thân em, rồi hắn xuất hiện đánh đuổi, ra bộ nghĩa hiệp, đem phụ thân em với em về trang Thái-hà trị bệnh. Hắn đợi lúc phụ thân em cảm kích, hắn muốn kéo theo hắn để mưu đồ bá chủ võ lâm. Nhưng phụ thân em đã từ chối, cho rằng việc đó người không có quyền. Tất cả phải do tám vị Thái-bảo cùng quyết định đồng ý mới được....
Trên đài, Tô Định, Lê Đạo Sinh, Nghiêm Sơn cùng vung chưởng đánh dạt đàn ong ra xa. Nhưng đàn ong hướng Nghiêm Sơn không tấn công chàng, lại bay ra phía sau tấn công đám đệ tử của Tô Định. Trên đài náo loạn cả lên. Tô Định bị một vài con ong lọt lưới đốt y. Y la hét vang trời. Cử tọa được dịp cười đến chảy nước mắt.
Vĩnh Hoa lại cầm bút viết vào mảnh giấy, vo viên lại, đưa cho Đào Kỳ. Đào Kỳ dùng đàn chỉ búng đến véo một cái tới trước mặt Hồ Đề. Hồ Đề đón tờ giấy, đọc xong nàng cười như nắc nẻ, nhìn sang phía Sài-sơn gật đầu. Rồi, nàng quay lại nói vài câu với một con vượn ngồi gần. Con vượn nhảy về phía sau, biến mất.
Hồ Đề huýt sáo mấy tiếng. Đàn ong không tấn công nữa, tập họp thành ba đoàn, bay vòng tròn trên đài, đầy vẻ đe dọa.
Tô Định, Lê Đạo Sinh, Mai Huyền Sương không phải dùng võ đuổi ong nữa. Tô Định ngồi xuống ghế. Bỗng hắn nhảy choi choi lên như con khỉ, tay xoa đít vẻ đau đớn, miệng la oai oái.
Khán giả cười ầm lên, vỗ tay đôm đốp tỏ vẻ khoái chí. Nghiêm Sơn để ý thấy một bầy ong từ dưới khán đài thình lình tập kích dưới chân Tô Định.
Khán giả chưa cười xong thì tới lượt Lê Đạo Sinh. Nguyên Đạo Sinh thấy Tô Định vì mải nhìn lên nên bị tấn công phía dưới, y vội nhìn xuống quan sát, đề phòng. Nhưng đàn ong phía trên lại nhào xuống tấn công vào mặt y.
Thực ra, với bản lãnh của y, y dư sức phát hiện tiếng bay dù của một con ong nhỏ. Nhưng Vĩnh Hoa đã dặn Hồ Đề cho ong đốt Tô Định, để khán giả vỗ tay, khiến Lê Đạo Sinh không còn nghe được tiếng ong bay, nên đã bị ong từ trên nhào xuống đốt. Đạo Sinh bị ong chích, bị chế diễu, y tức quá, hoá khùng, vung chưởng hướng vào đàn ong. Giữa lúc đó, Tô Định cũng phóng chưởng về phía đàn ong. Hai chưởng gặp nhau, bùng một tiếng. Cả hai cùng cảm thấy tê dại cả cánh tay, người lảo đảo. Hai người nhìn nhau:
– Xin lỗi! Xin lỗi!
Hai người vì sơ hở, lại bị mấy con ong tấn công từ trên xuống. Tô, Lê đều là những nhân vật uy nghi, quyền thế, hách dịch nhất Giao-chỉ. Bây giờ bị ong đốt phải nhảy choi choi trên đài, khiến khán giả được dịp cười đến bò lăn ra.
Hồ Đề tuy biết điều khiển ong, nhưng nàng không thông minh bằng Vĩnh Hoa, nên nàng đọc mảnh giấy, thấy Vĩnh Hoa bảo sao, nàng làm y như vậy, không ngờ kết quả lại ngoài sức tưởng tượng của nàng. Hồ Đề khoái chí, cười khúc khích.
Nam Hải nữ hiệp và Nghiêm Sơn ngồi trên đài thấy ong không tấn công mình, mà chỉ tấn công Tô Định, Lê Đạo Sinh, Mai Huyền Sương.... thì biết ngay có người nghịch ngợm. Liếc về phía Hồ Đề, thấy nàng hướng về phía Sài-sơn. Bà nhìn theo, thấy bảy sư đệ, sư muội của mình đang hướng về phía Phùng Vĩnh Hoa vừa cười vừa nói. Bà biết ngay Vĩnh Hoa bày mưu cho Hồ Đề làm việc này.
Tô Định là người cực kỳ thông minh. Y thấy Nam Hải nữ hiệp nhìn về phía phái đoàn Tây-vu và Sài-sơn thì cũng nhìn theo. Y biết gốc của sự phá rối là ở hai phía này, nhưng y không có chứng cớ. Y đứng lên nói lớn:
– Phàm là anh hùng, đại trượng phu thì phải quang minh lỗi lạc. Ai là người phá phách, hãy xuất hiện, đấu cùng ta trăm chưởng. Tại sao lại dùng thủ đoạn hèn mọn như vậy? Ta... úi dza... úi dza....
Trong khi y mãi nói, bọn ong nhào xuống đốt vào lưng y. Y nhảy chồm chồm, làm cho khán giả cười rú lên, bò lăn bò lộn.
Thấp thoáng một cái, năm người đã nhảy lên đài, rút kiếm đứng sau y, múa đánh dạt ong ra. Đàn ong từ từ bay đi mất trong đêm. Năm tên vệ sĩ của Tô Định chửi đổng:
– Bọn chó Việt nào cắn trộm như vậy?
Y vừa chửi, vừa hướng mắt khắp bốn phương đầy vẻ hung dữ. Nhưng bỗng cả bọn cùng nhảy lên chồm chồm vì thấy dưới chân bị một vật gì mềm mềm trườn qua, trườn lại. Chúng nhảy lên mới nhìn rõ đó là những con rắn màu lục. Bọn chúng mới sang Giao-chỉ, nghe nói ở đất này có loại rắn Lục, sau khi bị cắn, chỉ nửa giờ sau là chết. Năm tên cùng bị rắn cắn. Chúng chụp lấy mấy con rắn liệng lên trời, dùng kiếm chặt đứt. Mặt chúng tái mét.
Tô Định hướng về phía Nam Hải nữ hiệp, nói:
– Trần phu nhân là con cháu Phù-đổng Thiên-vương tại sao lại đi nuôi ong, nuôi rắn hại người? Như vậy đâu phải anh hùng?
Nam Hải nữ hiệp Trần thị Phương Châu đứng dậy, nói:
– Thưa các anh hùng thiên hạ! Bản phái từ xưa đến giờ chỉ biết hành hiệp nhân, nghĩa, chưa từng biết nuôi ong, nuôi rắn. Tô Thái-thú nói thế e quá lời chăng? Trên đài có bốn trọng tài, tại sao ong chỉ đốt có Thái-thú và Lục-trúc tiên sinh? Còn Quốc-công với tôi không bị? Ngoài kia, Mai nữ hiệp bị ong đốt, còn Phan tiên sinh lại không việc gì cả?
Dưới đài có tiếng la:
– Ong chỉ đốt bọn ác độc!
– Ong chỉ đốt bọn bán nước!
– Rắn chỉ cắn bọn lưu manh!
Mai Huyền Sương hướng vào Hồ Đề:
– Hồ Thống-lĩnh! Giữa phái Long-biên chúng tôi với Hồ Thống lĩnh không thù không oán, sao Hồ Thống-lĩnh lại ra tay hạ độc thủ? Mối hận này Hồ Thống-lĩnh định giải quyết ra sao?
Hồ Đề đứng dậy cười:
– Giữa phái Long-biên với 72 động Tây-vu không những không thù oán, mà còn thân thiện là đàng khác. Chúng tôi đâu dám động đến người của phái Long-biên. Tôi công nhận ong, rắn là của tôi nuôi. Ong, rắn này được dạy dỗ nhân nghĩa, nên nó chỉ cắn, chỉ đốt bọn phản đồ, bọn bất nhân mà thôi. Tô đại nhân bảo ai là Anh hùng đại trượng phu lên đấu với ngài. Thưa Tô Thái-thú, thứ nhất, tôi không phải anh hùng; thứ nhì, tôi cũng không phải là đại trượng phu. Tôi là con gái mà!
Nàng là người Mường, phải uốn cong lưỡi lên để nói tiếng Việt. Nàng tiếp:
– Ong, rắn của tôi đã đốt người vô đạo đức, nên phải có người đạo đức nói nó mới nghe. Vậy các vị trên đài, ai tự nhận là người đạo đức, hãy lên tiếng đi, bọn chúng sẽ trở về liền.
Trong khi Hồ Đề nói, đàn ong vẫn bay đi bay lại trên cao, đầy vẻ hăm dọa, làm mọi người trên đài cứ phải nhìn theo để đề phòng. Phan Đông Bảng hướng vào Hồ Đề, nói:
– Hồ Thống lĩnh! Xin người thu ong về được chăng?
Đông Bảng vừa nói dứt câu, bỗng đàn ong tụ lại, rồi bay vào bóng đêm.
Hồ Đề cười, nói:
– Phan tiên sinh! Không phải tôi nghe lời tiên sinh đâu nhé. Chính bầy ong nghe lời tiên sinh đấy.
Năm tên vệ sĩ của Tô Định biết nếu chậm trễ sẽ nguy. Chúng nháy nhau, rồi cùng hướng về phía Hồ Đề, rút kiếm, phi thân xuống. Hồ Đề biết mình không phải là đối thủ của chúng, nên nàng đưa cây tù và lên miệng thổi một hồi. Lập tức có hàng vạn tiếng gầm gừ rung chuyển trời đất, rồi một đàn vừa beo, vừa cọp, vừa sư tử từ sau khán đài ào ào chạy ra, nhe răng, múa vuốt đe dọa năm tên vệ sĩ của Tô Định. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng sởn gai ốc. Năm tên vệ sĩ thấy vậy, ớn da gà, vội vung kiếm thủ thế.
Tô Định thấy nguy, quát lớn:
– Thiết kỵ đâu! Ra tay mau!
Khi chuẩn bị đại hội Tây-hồ, Tô Định đã bàn với Đạo Sinh mang hai lữ thiết kỵ đóng gần đó, phòng khi hữu sự sẽ kịp thời ra tay. Nhưng, người có quyền ra lệnh cho kỵ binh lại là Nghiêm Sơn chứ không phải Tô Định, nên hai lữ trưởng kỵ binh vội liếc mắt nhìn Nghiêm Sơn để hỏi ý kiến. Nghiêm Sơn lắc đầu. Họ lại trở về chỗ ngồi. Tô Định giận lắm, hỏi Nghiêm Sơn:
– Quốc công! Tại sao Quốc-công không chịu ra tay?
Nghiêm Sơn quắc mắt nhìn y:
– Kỵ binh của Thiên-tử không dùng để giết người vô cớ. Tô Thái-thú! Tôi là Bình-nam đại tướng quân, trách nhiệm mọi vấn đề an ninh. Đại hội Tây-hồ nhằm để tuyển người tài về yết kiến Thiên-tử, chứ không phải là dịp để giết anh tài, hại hào kiệt. Thái-thú không được làm chuyện trái đạo lý như vậy.
Người mà Tô Định sợ nhất là Nghiêm Sơn. Từ ngày sang Giao-chỉ, y cứ phải nhờ vả Nghiêm hoài. Y thường dùng lời ngọt ngào để đưa đẩy. Hôm nay, bị ong đốt, bị mang ra làm trò cười, y tức quá mới dám buông lời cộc cằn. Y biết mình thất thố, vội vàng chắp tay:
– Xin Quốc-công rộng dung.
Nghiêm Sơn chỉ vào năm tên vệ sĩ của Tô Định, nói với Hồ Đề:
– Hồ cô nương! Năm vị đây quả có đôi lời xúc phạm tới cô nương. Xin cô nương đại ân đại đức ban cho chúng thuốc giải.
Hồ Đề nhìn sang khán đài Sài-sơn, thấy Đào Kỳ gật đầu nàng hú lên một tiếng. Lập tức, đàn thú dữ thứ tự lui ra sau khán đài. Rồi nàng vẫy tay một cái, một con vượn trắng chạy tới, trên cổ có đeo một bình sành. Nàng lấy bình, đổ ra năm viên thuốc, đưa cho nó rồi chỉ Nghiêm Sơn. Con vượn trắng băng mình nhảy lên đài, hướng vào Nghiêm Sơn hành lễ, đưa năm viên thuốc.
Hồ Đề hướng lên đài nói:
– Nghiêm đại hiệp! Nể lời đại hiệp, tôi xin tặng năm viên thuốc giải nọc rắn độc. Cứ uống vào, một trăm ngày sau sẽ khỏi. Trong một trăm ngày đó, cấm không được uống rượu, cấm gần đàn bà. Nếu không giữ được hai điều đó, đừng có chê thuốc của tôi không hiệu nghiệm.
Năm tên vệ sĩ vội chắp tay tạ Hồ Đề, rồi lên đài đến trước Nghiêm Sơn qùy xuống lĩnh thuốc:
– Đa tạ Quốc-công cứu mạng.
Trưng Nhị nói với Thi Sách:
– Anh thấy không? Hồ Đề tặng thuốc là tặng Nghiêm Sơn. Tặng một đại hiệp chứ nàng không coi Nghiêm Sơn là vua Lĩnh-nam. Thiếu nữ này hào sảng, lỗi lạc, quang minh chính đại như một quân tử của đạo Khổng. Ước gì Lĩnh-nam có thêm mấy người như vậy nữa.
Lê Nghĩa Nam thấy Hồ Đề ra tay hai lần đều có âm độc vô cùng, y là người khôn ngoan, vội tiến lên, nói:
– Hồ Thống-llĩnh! Tôi khẩn cầu Thống-llĩnh ban cho một chút thuốc giải độc cứu sư muội tôi. Nguyện sẽ báo đáp.
Lê Đạo Sinh đứng lên nói:
– Hồ Thống-lĩnh! Phái Long-biên đang cử người võ công cao nhất, tại sao Hồ Thống-lĩnh lại xen vào như vậy?
Hồ Đề cười khúc khích:
– Tôi có can thiệp đâu? Lục-trúc tiên sinh nói nghe lạ tai quá! Thế tôi can thiệp bằng võ công thì tôi đã đánh những chiêu nào? Đã dùng võ công nào? Chẳng qua tôi thấy Phan tiên sinh đánh võ mệt quá, vội biếu người một bình mật ong. Không ngờ Mai nữ hiệp dùng kiếm đập vỡ. Ong thấy mật thì bay đến hút, cho nên Mai nữ hiệp mới ra cớ sự như vậy. Thôi, tôi tặng thuốc giải đây.
Hồ Đề huýt sáo một tiếng. Con vượn trắng lại tiến tới trước mặt nàng, chắp tay hành lễ. Hồ Đề lựa một lọ trong số mấy lọ đeo lủng lẳng trên cổ con vượn, lấy ra ba viên, đưa cho Nghĩa Nam:
– Người mau đưa cho Mai nữ hiệp uống. Nhớ uống nhiều nước.
Mai Huyền Sương uống vào, một lát đã thấy hết đau đớn. Mụ đưa mắt hận thù nhìn sang phía 72 động Tây-vu rồi bước lên đài, chĩa kiếm vào Đông Bảng, nói:
– Ta lại dạy dỗ mi mấy chiêu!
Mụ đưa kiếm đánh vèo một cái, đâm vào ngực Đông Bảng. Phan Đông Bảng đưa kiếm đánh trả. Hai người lại cuộn lấy nhau như trước. Nhưng lần nầy kiếm của Mai Huyền Sương chậm lại một chút, vì ảnh hưởng của trận bị ong đốt vừa rồi. Đến trên hai trăm hiệp, Đông Bảng bắt đầu đuối sức, kiếm pháp đã rối loạn. Bỗng choang một tiếng, kiếm của Đông Bảng bị đánh bay lên trời, còn Mai Huyền Sương bị lùi lại góc đài. Đông Bảng vai bị thương, máu chảy ướt đẫm cả áo.
Nguyễn Trát la lớn:
– Sư đệ! Sư đệ!
Ông nhảy lên đài. Huyền Sương vung kiếm tấn công liền. Nguyễn Trát rút kiếm chống lại. Hai người quần thảo với nhau. Dưới ánh trăng, hai kiếm bay lượn như hai con rắn bạc.
Anh hùng các nơi thấy Nguyễn Trát đấu với Mai Huyền Sương, kiếm pháp hai người hư hư thực thực, lấp lánh dưới ánh trăng như hai quả cầu bạc. Họ tấm tắc khen ngợi:
– Kiếm pháp Long-biên do Vạn-tín hầu sáng chế ra, ngày xưa đã từng thắng phò mã Sơn Tinh. Ngài dùng kiếm pháp này sang Hàm-dương đấu với các võ sĩ của Tần, không ai chịu nổi là phải.
Có người bàn:
– Người ta nói kiếm pháp Long-biên tuyệt hảo, hôm nay mới được thấy sự thực. Nếu mình đấu với Nguyễn Trát, chắc đã bị bại từ lâu rồi.
Đào Kỳ nhìn thế kiếm hai người, suy nghĩ:
– Mình có nên ra tay không? Nếu cứ đà này, Nguyễn tiên sinh bại là cái chắc rồi. Nhưng nếu mình lên đài, sẽ ăn nói ra sao? Mình phải hiển hiện nguyên hình, như vậy người ta sẽ không đồng ý vì mình thuộc phái Cửu-chân.
Quả nhiên, nghe đến choang một cái, kiếm của Nguyễn Trát bị đánh văng lên cao, rồi rơi xuống đài. Mai Huyền Sương dí kiếm vào cổ ông. Mụ nói:
– Qùy xuống van xin ta sẽ tha mạng cho.
Nguyễn Trát khẳng khái nói:
– Ta thà chết, chứ không chịu đầu hàng bọn phản đồ các người.
Mai Huyền Sương cười nhạt:
– Cái đó dễ lắm. Ngày này năm sau là ngày giỗ của ngươi đây.
Huyền Sương cất kiếm lên. Nhiều người nhắm mắt lại. Bỗng một bóng xanh từ phái Long-biên nhảy lên đài. Người chưa tới mà ánh kiếm bạc đã đổ ụp xuống người Huyền Sương:
– Ngừng tay!
Ánh kiếm hướng vào cổ Huyền Sương. Thế kiếm cực kỳ quái dị và thần tốc. Huyền Sương thấy thế kiếm phóng tới nhanh quá, không dám giết Nguyễn Trát nữa, vội hướng kiếm lên đỡ thế kiếm của bóng xanh.
Nguyễn Trát nhờ vậy nhặt được kiếm, nhảy lùi lại đỡ sư đệ Phan Đông Bảng.
Bóng xanh thấy Huyền Sương đưa kiếm đỡ, vội đổi chiêu, mũi kiếm hướng chênh chếch vào ngực y thị. Huyền Sương thất kinh, vội uốn cong người, rồi lộn một vòng để tránh. Nhưng người kia đã đáp xuống đài, mũi kiếm theo sát Huyền Sương chĩa vào thái dương y thị. Y thị vội thụp người xuống, nhưng mũi kiếm biến ảo khôn lường vẫn theo sát y thị. Huyền Sương kinh hoảng, lăn tròn đi hai vòng, rồi nhảy vọt lên mới thoát khỏi.
Người kia ngừng tấn công, quay hỏi Đông Bảng:
– Sư thúc! Người có sao không?
Bấy giờ mọi người mới nhìn rõ. Người tấn công Mai Huyền Sương là một cô gái nhỏ tuổi. Chính là Phương Dung.
Huyền Sương đỡ chín chiêu thần tốc của Phương Dung, chiêu nào cũng làm cho mụ suýt bỏ mạng. Bây giờ mụ mới mở mắt nhìn đối thủ thì thấy đó chỉ là một cô gái mới khoảng 18, 19, cực kỳ xinh đẹp. Mụ chống kiếm nhìn đối thủ và nhận được mặt Phương Dung.
Nguyễn Trát ôm Phan Đông Bảng nhảy xuống đài. Ông quay lại bảo Phương Dung:
– Con phải cẩn thận nghe!
Mai Huyền Sương đã hoàn hồn, mụ nghĩ:
– Con nhỏ này nhân lúc ta không chú ý, chỉ nhờ bất thần tấn công nên đã chiếm được tiên cơ đấy thôi.
Nghĩ rồi, mụ quát lớn:
– Mi là ai?
Phương Dung đáp:
– Ta là con gái của chưởng môn Long-biên tên Phương Dung.
Huyền Sương nói:
– Đến cha mi còn hụt chết, bản lãnh ngươi được là bao mà dám lên đây múa may? Ta là người trên không chấp kẻ dưới. Ngươi khôn hồn, hãy xuống đài ngay. Ta tha chết cho.
Khi Phương Dung nhảy lên đài, chỉ những người của phái Long-biên với Đào Kỳ là không ngạc nhiên mà thôi. Còn tất cả cử tọa đều ngẩn người ra vì nàng còn quá trẻ, công lực, kiếm thuật được là bao mà dám chống với Mai Huyền Sương?
Phương Dung thấy cha lâm nguy, vội nhảy lên đài, tuyệt nhiên nàng không dám nghĩ tới việc phải đấu với Mai Huyền Sương. Sau khi cứu được cha, nàng mới cảm thấy e ngại. Nàng không muốn tranh chức cao nhân phái Long-biên. Nay thấy Mai nói vậy, nàng vội vàng bước xuống đài.
Mai Huyền Sương quát:
– Con nhà mất dạy! Ta tha chết cho mà ngươi không cúi lạy ư?
Mụ phát tay tát Phương Dung một cái. Phương Dung không dám đưa tay đỡ, vì nàng biết công lực Mai Huyền Sương mạnh vô cùng. Nàng vội đẩy mũi kiếm vào cùi chỏ mụ. Nếu mụ tiếp tục tát, cùi chỏ mụ ắt bị thương. Mụ hoảng hồn, vội chuyển tay từ dưới lên trên, biến thành trảo chụp vào đầu nàng. Phương Dung hươi mũi kiếm lên trời, hướng vào bàn tay mụ, rồi không hiểu nàng làm thế nào, mũi kiếm quay tít hai vòng, kiếm quang bao trùm lấy đầu mụ. Mụ biết nguy hiểm, vội ngồi thụp xuống, lăn sang bên cạnh. Lưỡi kiếm của Phương Dung theo sát chĩa vào ngực mụ. Huyền Sương vội nhảy vọt lên cao để tránh lưỡi kiếm, nhưng Phương Dung đã xê dịch theo, hướng mũi kiếm vào bụng. Nếu Huyền Sương rơi xuống ắt bị thủng ngực. Mụ thất kinh, la lên một tiếng, đưa kiếm chém vào kiếm Phương Dung, định mượn đà nhảy ra xa. Nhưng Phương Dung đã chuyển động thân pháp, thu kiếm về làm mụ đỡ hụt, rồi véo một cái, lưỡi kiếm đã cắt đứt đai đeo kiếm của mụ.
Tất cả khán giả thấy Mai Huyền Sương sử dụng những thế võ kỳ diệu để tránh, trong khi Phương Dung biến kiếm chiêu để tấn công. Mắt họ không nhắm, tim muốn ngừng đập. Đến đây, mọi người thấy Huyền Sương thoát hiểm mới thở phào một cái. Tiếng vỗ tay vang lên. Người ngạc nhiên nhất là Hoàng Thiều Hoa. Nàng vốn thương tiểu sư đệ Đào Kỳ. Thấy Đào Kỳ, Phương Dung quấn quýt bên nhau, nàng sinh ra có cảm tình với cô bé này. Nàng cứ nghĩ rằng võ công Đào Kỳ còn kém nàng rất xa, do đó võ công của Phương Dung cũng chẳng hơn gì. Hôm nay thấy Phương Dung sử dụng những chiêu kiếm kỳ lạ, nàng mới kinh hoàng, ngạc nhiên.
Huyền Sương thoát chết, mặt mũi xám ngắt, đứng ở góc đài. Mụ nhận ra kiếm chiêu kỳ ảo của Phương Dung giống hệt thứ kiếm của sư phụ mụ. Trong đầu óc mụ nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn:
– Sư phụ đã bị anh em ta bắt giao cho Lê Đạo Sinh giam cầm, làm sao có thể dạy kiếm cho con nhỏ này? ừ, hay biết đâu lão quái chẳng bí mật chép tâm pháp rồi truyền ra ngoài cho con nhỏ này?
Mụ nắm chặt đốc kiếm thủ thế, nhìn đối thủ, tự nhủ:
– Con nhỏ này còn ít tuổi, y thị xưng là con Nguyễn Trát, nhưng ta thấy kiếm thuật Nguyễn Trát cũng tầm thường thôi. Vậy kiếm thuật này nó học ở đâu? Trên đời này chỉ có những người chưởng môn của Long-biên là được học những chiêu kiếm kỳ diệu này mà thôi. Nhưng từ khi sư phụ ta mất tích, những chiêu kiếm này đã thất truyền, sao con nhỏ này lại học được?
Lê Nghĩa Nam hỏi:
– Sư muội thế nào? Có sao không?
Huyền Sương run run đáp:
– Để thử lại xem. Có lẽ nó có tà thuật.
Phương Dung thuận tay ra chiêu chống Huyền Sương, nàng đã dùng tới một trong những chiêu thức trấn môn của Long-biên để tự cứu mình. Nhưng nàng vì chưa có kinh nghiệm nên hết chiêu đó thì ngừng lại. Nếu không, Huyền Sương đã mất mạng rồi.
Mai Huyền Sương quát lên một tiếng, phóng kiếm đâm vào ngực nàng. Phương Dung lại thuận tay đẩy ra một chiêu khác. Nàng ra chiêu sau, nhưng kiếm lại tới trước. Huyền Sương thấy kiếm phóng tới mạn sườn, vội nghiêng mình tránh. Nhưng kiếm của Phương Dung vẫn bám theo, hướng vào cổ mụ. Mụ vội thụp người xuống, mũi kiếm lại chỉ vào vai. Mụ phải lăn đi một vòng mới tránh khỏi. Nhưng vừa toan đứng dậy, mũi kiếm của Phương Dung đã tới vai. Sột một tiếng, vai thị đã trúng kiếm và thanh kiếm của mụ cũng vuột khỏi tay, rơi xuống đài. Phương Dung thu kiếm lùi lại, nói:
– Mai tiền bối! Người xuống đài đi!
Mai Huyền Sương tay bưng vết thương, mặt tái mét, run run đi muốn không vững:
– Con nhỏ kia! Kiếm thuật của ngươi đến trình độ đó, ngươi đã hơn cả Nguyễn Trát rồi. Ai là sư phụ của ngươi? Ngươi nói cho ta biết được chăng?
Phương Dung đáp:
– Đây là kiếm pháp Long-biên. Không do cha ta thì do sư thúc ta dạy cũng thế. Những chiêu ta sử dụng, ngươi đều biết cả rồi, có gì lạ đâu mà phải hỏi?
Câu nói này làm tất cả anh hùng hiện diện đều tỉnh ngộ: Rõ ràng những chiêu kiếm của Phương Dung là kiếm pháp Long-biên, ai cũng biết, nhưng Phương Dung đã sử dụng nó một cách thần tốc và biến chiêu kỳ ảo mà thôi. Nhất là các chiêu đã được nối liền với nhau một giây, không gián đoạn.
Dưới đài, Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng và các đệ tử Long-biên đều ngạc nhiên. Họ tuyệt không ngờ Phương Dung đã xử dụng kiếm thuật Long-biên đến trình độ siêu việt như vậy. Chính đám Lê Nghĩa Nam, Hoàng Đức Tiết, Mai Huyền Sương cũng ngạc nhiên không ít. Họ thấy kiếm thuật của Phương Dung giống hệt kiếm thuật của sư phụ họ. Nhưng rõ ràng sư phụ họ đã bị bắt giao cho Lê Đạo Sinh giam lại từ lâu. Gần đây không có tin tức gì nữa. Họ cho rằng sư phụ đã qua đời rồi. Bao nhiêu nghi vấn đến với họ: Hay là sư phụ họ còn sống, rồi truyền dạy võ cho con nhỏ này? Họ tuyệt không ngờ Phương Dung đã học kiếm thuật của Nguyễn Phan nên không biết Phương Dung sử dụng kiếm thuật gì? Họ chỉ biết Phương Dung đã sử dụng một thứ kiếm thuật giống Long-biên, xong cực kỳ thần tốc, biến chiêu quái dị.
Lê Nghĩa Nam bàn:
– Con nhỏ này sử dụng kiếm thuật của bản môn. Nhưng biến chiêu đó, chỉ người chưởng môn mới biết. Vậy, có lẽ lão quái sư phụ của chúng ta còn sống và đã dạy cho nó. Vậy, bây giờ Hoàng sư đệ lên đánh với nó. Cố gắng làm tiêu hao hết công lực của nó. Khi đó, ta sẽ xuất hiện, có thể sẽ thắng nó dễ dàng.
Hoàng Đức Tiết bước lên đài nói với Phương Dung:
– Tiểu cô nương! Kiếm thuật của cô nương quả là kiếm thuật bản môn, đã đến trình độ xuất thần nhập hóa. Vì vậy, ta phải lên đây lãnh giáo mấy chiêu.
Nói rồi, y rút kiếm ra chiêu Nguyệt quang hải thượng, ánh kiếm loang loáng chụp lên đầu Phương Dung. Phương Dung xê dịch chân một cái, chiêu Nguyệt quang hải thượng vòng xuống dưới, đưa ngược vào ngực Đức Tiết. Y dùng kiếm gạt, nhưng kiếm vừa chuyển động thì kiếm của Phương Dung lại chuyển từ ngực lên cổ. Xoẹt một cái, búi tóc của Đức Tiết rơi lả tả xuống sàn đài. Đức Tiết mặt tái ngắt, nhảy lui lại, đứng ở góc đài, nói không ra hơi.
Dưới đài, Thi Sách, Nhị Trưng cho tới Hồ Đề đều ngẩn người ra, bởi họ thấy kiếm pháp của Phương Dung so với ngày gặp nhau ở Mê-linh đã tiến vượt bực. Trưng Nhị hỏi Thi Sách:
– Tỷ phu! Tại sao kiếm thuật của Long-biên lại có đến hai loại. Rõ ràng Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng và bọn Lê Nghĩa Nam cùng sử dụng một thứ kiếm với Phương Dung, nhưng kiếm của Phương Dung thần tốc dị thường. Chiêu thức của những người kia thì rời rạc, nên giữa chiêu này với chiêu kia đều có một khoảng trống. Còn Phương Dung, thì dường như các chiêu nối liền thành một sợi, hư hư, thực thực, không biết nguy hiểm sẽ chụp lên người đối thủ lúc nào. Nếu tỷ phu là Hoàng Đức Tiết, tỷ phu sẽ đối phó ra sao?
Thi Sách lắc đầu:
– Thú thật ta cũng đang xuất thần vì những chiêu kiếm này. Nếu ta là Hoàng Đức Tiết, ắt cũng bị những chiêu kiếm kia giết mà thôi. Ta nghe nói những người chưởng môn trước kia của phái Long-biên đều được giữ lại một pho kiếm đặc biệt. Pho này gồm những chiêu kết hợp với những chiêu kiếm thông thường của phái. Do đó, kiếm pháp trở nên hư hư, thực thực, các chiêu sẽ nối liền thành một giây. Ngày Phương Dung đánh với Đinh Công Dũng, có lẽ nàng đã được học rồi, nhưng chưa luyện đến nơi đến chốn mà thôi, cho nên mới bị Đinh đánh ngã, nhưng rốt cuộc Đinh cũng bị giết. Từ đó tới giờ, nàng luyện tập đã thuần thục nên mới kỳ ảo như vậy. Ta nghe nói, chưởng môn đời trước là Nguyễn Phan bị mất tích, thành ra từ đời sư phụ Nguyễn Trát về sau, các chiêu kiếm này mới bị thất truyền. Nay không hiểu Phương Dung học ở đâu?
Trên đài, Phương Dung đang chiết chiêu với Hoàng Đức Tiết. Đa số những chiêu Đức Tiết ra tay trước, còn Phương Dung ra tay sau nhưng lại đến trước. Nàng như muốn đùa với Đức Tiết hơn là đánh thực sự.
Ánh trăng rằm vằng vặc như ban ngày. Tám ngọn đuốc ở tám góc đài chiếu ánh sáng chập chờn vào hai thanh kiếm. Phương Dung xê dịch, hốt phải, hốt trái, hốt lên, hốt xuống. Người ta chỉ nhìn rõ bộ quần áo xanh với chiếc giây lưng đỏ ở ngang lưng nàng. Nàng vừa ra chiêu, vừa gọi tên.
– Yến tử hồi xuân.
Miệng nói, tay trái bắt kiếm quyết, tay phải ra chiêu, mũi kiếm hướng vào đùi Đức Tiết, bỗng thoắt chuyển lên trên.
– Đại bàng triển dực.
Kiếm từ trên bổ véo xuống vai, rồi vào ngực.
Những chiêu này, Đức Tiết đã biết hết, nhưng Phương Dung sử dụng thần tốc quá. Y vừa nghe thì kiếm đã đổi chiêu rồi.
Phan Đông Bảng liếc nhìn Nguyễn Trát, nghĩ ngợi.
Đào Kỳ ngồi bên cạnh phái Sài-sơn thấy Phương Dung ra chiêu kỳ ảo, chàng biết Phương Dung đã luyện xong tất cả những chiêu thức trong pho kiếm mà Nguyễn Phan đã dạy chàng, rồi chàng truyền lại cho nàng.
Tất cả khán giả, từ người Hán cho tới người Việt, đều ngẩn người ra trước những chiêu kiếm của Phương Dung.
Nghiêm Sơn càng ngơ ngác hơn nữa. Chàng tự nghĩ:
– Phương Dung là bạn của tiểu sư đệ. Nàng đã đến ở trong phủ ta một thời gian dài, ta tuyệt không biết kiếm thuật của nàng tinh diệu đến thế. Ta thấy ngay bọn thái sư bá, sư thúc của nàng như Nghĩa Nam, Đức Tiết, Huyền Sương võ công đều ngang với ta. Nếu ta là Đức Tiết, ta cũng không biết làm thế nào để chống lại những chiêu thức của nàng. Bấy lâu ta ở bên nàng, coi nàng như tiểu sư đệ, không ngờ võ công của nàng cao đến như vậy.
Hốt nhiên, Phương Dung vòng kiếm ba vòng, rồi lùi lại, tra kiếm vào vỏ, đứng khoanh tay cười. Trong khi đó, kiếm của Đức Tiết đã rơi xuống sàn. Còn y đang ôm tay, máu me đầm đìa.
Nghiêm Sơn nói:
– Hoàng tiên sinh! Tiên sinh xuống đài cho.
Đức Tiết nhặt kiếm, ôm tay xuống đài. Lê Nghĩa Nam bước lên đài, chắp tay nói:
– Tiểu cô nương! Ta không muốn đấu với cô, nhưng ta muốn thỉnh cô một điều là ai đã dạy cô những kiếm quyết của bản môn?
Phương Dung cười:
– Những chiêu kiếm mà tôi đã sử dụng, chính tiền bối cũng biết, có gì lạ đâu? Nhưng nghệ thuật sự dụng của mỗi người mỗi khác, thế thôi. Nếu tiền bối muốn chỉ dạy, xin cứ rút kiếm ra.
Nghĩa Nam thấy nàng đang nói, có phần phân tâm đôi chút, nên vội rút kiếm đâm liền ba chiêu. Phương Dung biết toàn là hư chiêu nên nàng không rút kiếm phản công, cũng không tránh né. Đợi ba chiêu hết, nàng mới lùi lại. Chỉ thấy ánh bạc lấp lánh, nàng đã phóng liền chín chiêu kiếm.
Nghĩa Nam nhảy nhót, lùi tránh khó nhọc mãi mới thoát được. Khi hết chín chiêu, y đã lùi tới sát mép đài.
Khi thấy Phương Dung sắp biến chiêu, y vội rút trong túi ra một trái pháo liệng xuống sàn. Ánh lửa lóe lên, đùng một cái, khói tỏa mịt mờ.
Phương Dung không kinh nghiệm chiến đấu, thấy khói tỏa, đang luống cuống, thì Nghĩa Nam đã phóng kiếm vào ngực nàng... Phương Dung hoảng hốt lùi lại. Nhưng sột một tiếng, vai nàng đã bị trúng kiếm, máu chảy ròng ròng. Biết nguy cơ, nàng vội vung kiếm đánh liền ba chiêu, biến thành chín và chín biến thành 81 chiêu.
Nguyên phái Long-biên có một chiêu kiếm tuyệt vời. Khởi đầu chỉ có ba chiêu như một đợt sóng, nhưng ba đợt đó đổ xuống biến thành chín đợt nhỏ. Từ chín đợt nhỏ, biến thành 81 chiêu. Chiêu này, chính Phương Dung phải luyện trong vòng ba tháng mới xong. Nay, trong lúc nguy cơ, nàng đem sử dụng chỉ một chiêu, hy vọng cứu vãn tình thế.
Nghĩa Nam chưa kịp phản ứng, thì sột một cái, người y nghiêng đi, kiếm xuyên qua ngực. Lại, sột, sột, sột ba tiếng nữa: cổ, ngực, bụng y đều bị kiếm xuyên qua. Chiêu này không ngừng lại được, thành ra người y bị chín mũi kiếm đâm trúng. Y lảo đảo, té xuống đài.
Phương Dung ôm vai loạng choạng muốn ngã. Nàng thấy mắt hoa đầu váng.
Nguyên trái hỏa lựu này là ám khí của Lê Đạo Sinh chế ra, chỉ các đệ tử của y mới được giữ mỗi người một trái để phòng thân mà thôi. Trước đây, cháu ngoại y là Chu Quang đã dùng định giết Đào Kỳ. Vì cùng mưu đồ với nhau, nên Đạo Sinh đã cho bọn Nghĩa Nam mỗi người một trái. Nghĩa Nam gỡ trái hỏa lựu ra, bắt chước theo để chế tạo. Y còn trộn thuốc độc vào các mảnh chì, để khi ném xuống, khói độc dính vào mảnh chì, ai bị thương sẽ chết liền sau đó.
Lê Đạo Sinh thấy Nghĩa Nam đã sử dụng trái hỏa lựu mà y cũng vẫn bị chết, nên thở dài, rồi nói:
– Nguyễn cô nương kiếm thuật thần thông, xứng đáng võ công đệ nhất phái Long-biên.
Dưới đài, Đức Tiết, Huyền Sương thấy Phương Dung trúng độc bị thương, cả hai nháy nhau, cùng nhảy lên đài, phóng chưởng từ hai bên đánh vào đầu, sườn Phương Dung. Phương Dung không còn một chút kình lực để chống trả. Nàng cố lùi lại phía sau, đưa kiếm đâm vào chưởng của đối phương. Nhưng kiếm mới tới nửa chừng, thì nàng đã mất hết lực. Keng một tiếng, kiếm rơi xuống đài. Nguyễn Trát, Đông Bảng thấy Phương Dung lâm nguy, cùng nhảy vọt lên đài, phát chưởng chống lại Đức Tiết và Huyền Sương. Bốn chưởng chạm nhau, Nguyễn Trát, Đông Bảng bật trở lại, bay xuống đài.
Đức Tiết, Huyền Sương cùng nhìn nhau, phóng tiếp hai chưởng vào người Phương Dung mong kết liễu tính mạng nàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.