Lỗ Toàn Nhi và Thượng Quan Thọ Hỉ lấy nhau đã ba năm mà vẫn chưa có con. Mẹ chồng cô chửi mèo mắng chó:
- Chỉ biết ăn mà không biết đẻ nuôi cái đồ vô tích sự ấy làm gì!
Bà Lã ném mẩu sắt nung đỏ vào giữa đám gà mái. Một con tưởng ăn được, thò cổ mổ, mỏ bốc khói. Lỗ Toàn Nhi đang đập vỡ những khúc xương còn dính thịt, những mảnh vụn bắn lên người, trắng có, đỏ có. Bà Lã vốn keo kiệt, không mua thịt mà chỉ mua vài cân xương chưa lọc sạch, đập vụn rồi nhét vào làm nhân bánh bao, chào mừng ngày khao liềm hái, ngày mồng tám tháng Tư âm lịch. Đại mạch đã chín, tiểu mạch đã đỏ đuôi nông dân chuẩn bị liềm hái ngựa nghẽo, chuẩn bị thu hoạch.
Mùa xuân năm ấy mưa thuận gió hòa, lúa mạch rất tốt. Lò rèn nhà Thượng Quan làm ăn khấm khá, nông dân từng đoàn từng lũ đến mua liềm hái mới, đem liềm cũ đến cắt trấu hoặc cạp thép. Bễ lò đặt giữa sân, phía trên che bằng vải dầu. Lửa rừng rực trong lò, mùi than hoa thơm thơm, ngọn lửa đỏ hồng dưới nắng. Thượng Quan Phúc Lộc giữ kìm. Thượng Quan Thọ Lộc kéo bễ. Thượng Quan Lã thị mặc chiếc áo cộc đen cài khuy giữa, lưng thắt tạp để bằng vải bạt thủng lấm tấm do tàn lửa văng ra từ gỉ sắt, đầu quấn chiếc khăn rách, giữ búa tạ. Mồ hôi trên mặt chảy từng vệt trộn lẫn với bụi than. Nếu như không có cặp vú bằng hai cái vò trước ngực thì không ai nhận ra bà là phụ nữ. Tiếng búa chan chát từ sáng đến đêm. Đã thành lệ, nhà thợ rèn cơm ngày hai bữa. Lỗ Toàn Nhi phụ trách cơm nước, cho gia súc ăn, chăn lợn. Cô cũng bận tối mắt tối mũi, vậy mà vẫn bị mẹ chồng chì chiết. Bà vừa quai búa vừa giám sát con dâu, miệng cằn nhằn không lúc nào ngơi, chửi con dâu chán lại chửi con trai, chửi con trai chán lại chửi chồng. Cả nhà đã quen với những câu chửi của bà. Bà thật sự là người chủ của gia đình, và cũng thật trên tài về kỹ thuật rèn. Lỗ Toàn Nhi vừa hận vừa sợ mẹ chồng, nhưng không thể không bái phục mẹ chồng.
Lúc trời chiều, xem Thượng Quan Lã thị rèn sắt là tiết mục không bao giờ nhàm của người trong thôn. Trước và sau mùa gặt, cổng nhà Thượng Quan lúc nào cũng rộng mở. Chiều chiều, người ta đến lấy liềm hái, lấy rồi nhưng không vội về. Ráng chiều như lửa, hoa hòe nở đầy cây trắng như tuyết. Lửa trong lò màu vàng kim, thép đủ nhiệt độ, sáng trắng. Thượng Quan Phúc Lộc dùng kìm lôi thỏi sắt đặt lên đe, tay kia cầm búa nhỏ khệnh khạng đập những nhát chỉ chỗ. Thượng Quan Lã thị trông thấy sắt đã nung chín, lập tức như người vừa đã cơn nghiện, tinh thần phấn chấn, mặt đỏ bừng, mắt sáng rục, nhổ bãi nước bọt vào lòng bàn tay, vung búa tạ nện từng nhát lên thỏi sắt đo, tiếng búa trầm đục như nện vào miếng cao su sơ chế. Tinh tang, bụp, tinh tang, bụp! Người bà nhổm lên cúi xuống, khí tráng sơn hà, cuộc đọ sức giữa con người và sắt thép, cuộc thi tài giữa đàn ông và đàn bà, thỏi sắt biến dạng dần sau những nhát búa. Khi bà quai búa, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào ngực bà, cặp vú nhảy tung tung không lúc nào dừng. Thằng cha có tên là Thầy Dùi bật cười một mình. Bà Lã hỏi:
- Thảy Dùi, ngươi cười gì thế!
Thầy Dùi nói:
- Ngày mai cháu đem hai cái lục lạc đến cho bác.
Bà Lã hỏi:
- Cho ta lục lạc để làm gì?
Thầy Dùi nói:
- Để treo dưới vú của bác, như vậy chúng sẽ rung lên mỗi khi bác quai búa!
Bà Lã nói:
- Thế thì có gì đáng cười? Cái thằng vắt mũi chưa sạch kia, ngày mai mà mày không đem hai cái lục lạc đến đây, ta sẽ lột da mày ra!
Rèn cho đến lúc trăng non mọc, sao nhấp nháy đầy trời, rồi đóng con dấu của nhà Thượng Quan lên thân liềm. Đó là nhãn hiệu, là tiêu chí của sự tín nhiệm, nếu liềm hái bị mẻ, bị quắn hoặc gãy thì cứ đem đến sửa không lấy tiền hoặc đổi cái khác. Hàng nhà Thượng Quan làm ra đều đóng dấu riêng. Liềm hái của nhà Thượng Quan trông có vẻ cục mịch, sống dao thô, nhưng những chỗ cần làm kỹ thì không bao giờ qua loa chiếu lệ. Lưỡi hái từ chỗ rộng hai ngón tay trở đi, ánh thép xanh biếc, cắt cả buổi sáng không cùn, nước thép như vậy mới tốt. Nước thép không tốt thì chỉ mài vài nhát đã quằn, lởm chởm như răng của, cắt những nhát đầu thì sắc, nhưng chẳng mấy chốc đã nhụt, trơ ra. Liềm hái nhà Thượng Quan rất khó mài, phải kiên nhẫn, ngậm một ngụm nước trong miệng rồi ngậm một cọng rơm, kẹp lưỡi hái giữa hai bàn chân rồi áp đá mài mà mài chầm chậm, vừa mài vừa phun nước lên lưỡi hái qua cọng rơm. Lưỡi hái nhà Thượng Quan sau khi mài trông hơi tù như cạnh lá he, thoạt đầu thì chưa sắc, nhưng càng cắt càng thấy tuyệt diệu. Do vậy mà hàng nhà Thượng Quan nổi tiếng gần xa. Lúa tốt thì nhà Thượng Quan cũng tiền nhiều. Đương nhiên kiếm được đồng tiền không phải dễ dàng, suốt ngày đánh bạn với lửa, đổ mồ hôi, sôi nước mắt? Cặp vú bà mẹ chồng quăng lên quật xuống như thép dẻo. Về nước tôi của bà thì không thể không nhắc đến. Hình dáng có đẹp đến mấy, nhưng nước tôi không tốt thì cũng là đồ bỏ đi. Công việc này phải dựa vào kinh nghiệm nhờ vào cảm giác. Bà Lã nói rằng, nhúng thép vào nước tôi phát ra tiếng xèo xèo, khó mà nói đó là tiếng của sắt hay của nước. Cái mùi tanh tanh ngòn ngọt khiến người ta mê mẩn. Đang buồn mà rèn xong một quả liền cảm thấy sung sướng trong mỏi mệt, mỏi mệt trong sung sướng. Hơi nước màu hồng cuồn cuộn bay lên, che khuất khuôn mặt bà thợ rèn. Cha con ông thợ rèn cứ đứng ngây ra mà nhìn người nữ thống soái của mình.
Cuộc sống của nhà Thượng Quan là cuộc sống của phụ nữ, không sai chút nào. Cuộc sống của Vu Bàn Vả cũng là cuộc sống của phụ nữ, điều này ai cũng rõ. Nhưng Thượng Quan Lã thị và Vu Lỗ thị lại là hai người đàn bà khác nhau hoàn toàn, một người thì cao to lừng lũng, sức mạnh tràn trề, người kia gầy gò nhỏ thó, chân tay nhanh nhẹn. Thượng Quan Lã thị giọng ồm ồm như chiếc chuông đại trong nhà thờ. Bà Vu thì nhát gừng, như dao sắc thái củ cải. Lửa trong lò thiếu gió vật vờ như những mảnh lụa vàng, ngọn lửa lay động chùm khói đen khét lẹt Thượng Quan Thọ Hỉ ngáp dài, mũi nhỏ mắt nhỏ đầu nhỏ, bàn tay nhỏ cánh tay nhỏ, khó có thể tin anh ta lại do bà Lã đẻ ra. Giống không tốt thì đất đai màu mỡ đến mấy cũng chẳng ích gì. Ngửi mùi nước và mùi sắt, bà thợ rèn liền biết được nước thép. Bà kẹp lưỡi hái giơ lên mũi ngồi rồi quẳng sang một bên, bảo:
- Ăn cơm thôi!
Lỗ Toàn Nhi chạy nháo từ nhà ra sân, từ sân vào nhà, y hệt binh sĩ khi nhận lệnh chủ tướng. Bữa tối được dọn dưới gốc cây lê, trên cành treo chiếc đèn bão sáng rực, dụ dỗ rất nhiều thiêu thân bay tới. Trên bàn bày bánh bao nhân xương băm trộn củ cải, canh đậu xanh, những cây hành rửa sạch và một bát tương ớt. Không hiểu mẹ chồng có bằng lòng hay không? Nhiều món quá, mẹ chồng sợ lãng phí, mặt dài ra tỏ vẻ không bàng lòng! Cơm canh đạm bạc quá, mẹ chồng không thấy ngon, mặt dài ra không bằng lòng! Thời buổi này làm dâu quả không dễ. Làm dâu bà Lã - người đàn bà thép - lại càng không dễ? Sân nhà thợ rèn suốt ngày choang choang, giờ đây có vẻ im ắng đặc biệt. Bà Lã ngồi chính giữa, chồng và con trai chia nhau ngồi hai bên. Toàn Nhi không dám ngồi, đứng đợi mẹ chồng sai bảo.
- Cho lừa ăn chưa?
- Cho ăn rồi ạ!
- Đóng cửa chuồng gà chưa?
- Đóng rồi ạ!
Bà Lã lầu bầu điều gì đó, húp một ngụm canh to tướng. Thượng Quan Thọ Hỉ cắn một miếng xương băm, than thở:
- Người ta thì bánh bao nhân thịt, nhà mình thì nhân xương, chẳng khác con chó?
Bà Lã dằn mạnh đôi đũa xuống bàn, chửi:
- Mày còn kén cá chọn canh kia à?
Thọ Hỉ nói:
- Trong nhà kho còn bao nhiêu là lúa mạch, trong hòm còn bao nhiêu là tiền, để làm gì?
Phúc Lộc nói:
- Con nó nói đúng đấy, nên khao chúng tôi một bữa
Bà Lã nói: - Thóc đấy, tiền đấy chẳng để cho các người thì để cho ai? Tôi có đem theo chúng xuống mồ được đâu?
Lỗ Toàn Nhi im lặng cúi đầu, không dám thở mạnh. Bà đã giận dữ đứng lên đi vào nhà, quát với ra:
- Ngày mai mua quẩy, thịt quay, rán trứng, giết gà! Không sống nữa, sống mà làm gì? Nhà Thượng Quan tiền oan nghiệp chướng làm sao cưới phải quả mít đực, tuyệt tự đến nơi rồi! Còn vun vén làm gì? Ăn sạch đi, cho hết một thể!
Lỗ Toàn Nhi bưng mặt khóc.
Bà mẹ chồng chửi càng to:
- Lại còn khóc hả? Cô là cái thứ gì? Ba năm rồi, đực thì không dám mong, cái thì cũng không nốt! Ngày mai trở về nhà bà cô đi, nhà Thượng Quan không thể vì cô mà tuyệt tự!
Đêm ấy Lỗ Toàn Nhi khóc đến sáng. Thượng Quan Thọ Hỉ quấy rầy cô. Cô không thích cũng đành chịu, vừa khóc vừa nói:
- Tôi chẳng trục trặc chỗ nào cả, hay là anh có chuyện?
Thọ Hỉ cưỡi lên người Toàn Nhi, xoắn đầu v* cô, chửi:
- Gà mái không đẻ được trứng, lại quay ra trách gà trống rồi?