Bảy Năm Sau

Chương 45:




Chiếc xe bộc lộ những dấu hiệu hỏng hóc đầu tiên khi chạy đến cửa ô Clignancourt. Trong khi Nikki và Sebastian tiến vào các đại lộ Các Thống chế, đèn xi nhan của xe đột nhiên bật sáng. Nikki cố tắt nó đi mãi mà không được.
- Chất lượng Đức bây giờ không còn như trước nữa, Sebastian mỉa mai để không khí bớt căng thẳng.
Nôn nóng muốn đến nơi, Nikki tăng tốc, lao xuống dưới cầu vượt đại lộ vành đai để tiến vào khu phố Saint-Ouen.
Lúc này họ đang chạy trong khu vực phía Nam của khu chợ trời nổi tiếng, nhưng thiên đường của những tín đồ hàng cũ chỉ nhộn nhịp và dịp cuối tuần còn vào buổi sáng sớm như lúc này, chưa có một cửa hàng quần áo và nội thất nào mở cửa. Vẫn liên tục liếc nhìn màn hình định vị GPS, Nikki đi vào phố Fabre chạy song song với đường vành đai bên ngoài. Trong khi chiếc xe chạy qua những ô cửa cuốn chi chít hình vẽ của các cửa tiệm thì thiết bị cảnh báo âm thanh đột ngột được kích hoạt và bắt đầu kêu ầm lên.
- Chuyện gì vậy? Cô lo lắng hỏi.
- Chiếc xe này hẳn đã được lắp thiết bị giám sat, Sebastian gợi ý. Anh cũng lắp một thiết bị bảo vệ tương tự ở chiếc Jaguar. Trong trường hợp bị trộm, một thiết bị phát sóng điện đàm có thể kích hoạt còi báo động từ xa.
- Chúng ta không cần như thế! Mọi người sẽ quay lại nhìn mất!
- Ấy là chưa kể tín hiệu báo động sẽ truyền bị trí của chiếc xe tới các lực lượng chức năng! Giờ không phải là lúc để…
Nikki phanh gấp lại rồi đi lên vỉa hè. Họ bỏ lại chiếc xe vẫn đang kêu ầm ĩ rồi chạy bộ gần một cây số mới tới được phố Lécuyer.
Trước sự ngỡ ngàng tột độ của họ, số nhà 34 bis lại là địa chỉ một... hiệu sách. Bóng ma và Thiên thần là chi nhánh Paris của một hiệu sách Mỹ. Sebastian và Nikki đẩy cửa hiệu sách bước vào với vẻ vừa ngờ vực vừa hiếu kỳ.
Vừa bước chân vào hiệu sách, mùi hương quá đặc biệt của những quyển sách cũ như đưa họ tới một thời đại khác: thời đại của Thế hệ bỏ đi và Beat Generation[1] Nhìn từ ngoài phố, hiệu sách tạo cảm giác là một nơi chật chội, nhưng vào bên trong sẽ thấy những giá sách tạo thành một thư viện rộng rãi dài hàng chục mét.
[1]. Chỉ trào lưu văn học nghệ thuật ra đời vào những năm 1950 ở Mỹ. (ND)
Những quyến sách có mặt ở khắp nơi. Khắp hai tầng nhà là hàng nghìn cuốn sách đủ kích cỡ giăng kín bốn mặt tường. Được nhồi chặt trên các giá gỗ sẫm màu hoặc xếp thành chồng cao tới tận trần nhà hoặc bày trên các kệ xoay, sách xâm chiếm từng khoảng trống dù là nhỏ nhất.
Mùi thơm từ bánh mì tẩm gia vị, mùi quế và mùi trà phảng phất trong không khí. Không gian tĩnh lặng chỉ bị khuấy động bởi một điệu nhạc jazz xưa cũ. Sebastian tiến lại các giác sách và xem lướt qua: Ernest Hemingway, Scott Fitzgerald, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William Burroughs, và còn có cả Dickens, Dostoïevski, Vargas Llosa… Cách xếp sách tuân theo một trình tự nào đó hay chỉ là sự lộn sộn thuần túy? Dù sao nơi này cũng có hồn. Một không khí gợi anh thoáng nhớ đến xưởng đàn của mình. Vẫn sự tĩnh lặng này, vẫn cái cảm giác về thời gian ngưng đọng, cảm giác có một bong bóng bao bọc nơi này.
- Có ai không? Nikki vừa tiến lên vừa cất tiến gọi.
Ở cuối tầng trệt, một không gian được bố trí thành gian sưu tầm, gợi nhớ không gian trong các câu chuyện của Lovecraft, Poe hay Conan Doyle. Trong không gian chừng vài mét vuông, một tập mẫu thực vật, một bàn cờ khắc gỗ, vô số tiêu bản động vật nhồi bông, một xác ướp với chiếc mặt nạ người chết, nhiều tranh phồn thực in tay của Nhật và một bộ sưu tập các mẫu hóa thạch đang cố chen chúc chiếm lấy một chỗ đứng giữa bao cuốn sách xếp san sát. Nikki gãi gãi đầu một con mèo Xiêm đang nằm khoan khoái trong chiếc ghế bành sâu lòng. Mê mẩn trong bầu không khí nơi này, cô lướt nhẹ trên những phím đàn bằng gỗ mun xen ngà đã ngả vàng của một chiếc dương cầm cũ. Họ đang lạc vào một thời đại khác, tránh xa khỏi Internet, những thiết bị số và những bản sách điện tử giá bèo bọt. Một nơi gần giống như viện bảo tàng nhưng tiếc là chẳng liên quan gì tới sự biến mất của Jeremy. Một điều hiển nhiên là họ đã chệch đường.
Đột nhiên, sàn gỗ tầng trên kêu kẽo kẹt. Nikki và Sebastian cùng ngước mắt nhìn lên. Tay cầm dao rọc giấy, một người bán sách già nua bước xuống từ chiếc cầu thang lung lay dẫn tới phòng đọc.
- Tôi có thể giúp gì cho ông bà? Ông lão hỏi bằng giọng cộc cằn.
Vóc người cao lớn bệ vệ, tóc đỏ hung, mặt trắng bệch: từ lão toát ra một ấn tượng quyền lực, và dáng vẻ hau háu của lão khiến lão rất giống một diễn viên già trong vở kịch của Shakespear.
- Chắc là chúng tôi nhầm chỗ, Sebastian xin lỗi bằng thứ tiếng Pháp vụng về.
- Ông bà là người Mỹ? Ông lão hỏi bằng chất giọng khàn khàn.
Lão ta đeo kính lên để nhìn cho kỹ hai vị khách.
- Nhưng tối biết ông bà! Lão ta kêu lên.
Sebastian nghĩ ngay tới bức ảnh chụp anh trên trang nhất tờ Người Paris. Anh thận trọng lùi lại một bước và cũng xúi Nikki làm tương tự.
Với vẻ lanh lẹ khác thường, đối lập với trọng lượng cơ thể, ông lão bước nhanh ra phía sau quầy rồi lục trong ngăn kéo lấy ra một bức ảnh.
- Đây là ông bà, không phải sao? Ông lão vừa nói vừa chìa bức ảnh cho Sebastian.
Không phải bài báo kia, mà là một bức ảnh đã hơi ố chụp anh với Nikki trong vườn hoa Tuileries trước bảo tàng Orsay. Anh lật bức ảnh lại và nhận ra nét chữ của mình ở đó: Paris,Kè Tuileries, mùa xuân 1996. Bức ảnh được chụp vào chuyến du hành đầu tiên tới Pháp của họ. Thời ấy, họ đang trẻ trung, đang yêu, tươi cười và cuộc đời dường như dang rộng vòng tay với họ.
- Ông tìm thấy bức ảnh này ở đây vậy? Nikki hỏi.
- À, trong một cuốn sách!
- Sách gì?
- Cuốn sách tôi đã mua trên mạng mấy hôm trước, ông lão vừa đáp vừa tiến lại phía một tủ kính bày hàng.
Há hộc miệng kinh ngạc, Nikki và Sebastian theo ông lão bén gót.
- Môt món hời, ông lão nói tiếp. Người bán đã chào hàng tôi với giá chỉ bằng nửa giá trị thực của nó.
Lão già cẩn thận nhấc tấm kính bảo vệ ra để cầm lấy một cuốn sách có bìa màu hồng và đen rất trang nhã.
- Một phiên bản hạn chế của cuốn Tình yêu thời thổ tả của Gabriel García Márquenz, Có chữ ký tác giả. Chỉ có ba trăm năm mươi cuốn trên toàn thế giới thôi.
Sebastian ngờ ngợ xem xét lại cuốn. Đó là món quà mà anh đã tặng cho Nikki sau đêm họ ở cùng nhau trong một khách sạn chỏ trên phố Butte-aux-Cailles. Sau khi ly hôn, anh không còn tỏ ra là một kẻ chịu chơi nữa. Vì mong muốn chối bỏ tình yêu của mình, anh đã đòi lại cuốn sách vốn được rao bán trung bình khoảng vài nghìn đô la trên các trang bán hàng. Nhưng làm sao cuốn sách có thể xuất hiện ở hiệu sách này được vì anh vẫn đang cất nó ở nhà, tại Manhattan, an toàn trong két sắt?
- Ai đã bán lại cho ông cuốn sách này?
- Một anh Sebastian Larabee nào đó, ông lão bán sách nói sau khi rút ra từ túi áo khoác len một cuốn sổ. Chí ít thì đó cũng là tên mà người bán đã xưng hô với tôi qua email.
- Không thể được: tay Larabee đó chính là tôi, và tôi không hề bán thứ gì hết!
- Nếu là thế thì có ai đó đã mạo danh ông, nhưng tôi không thể giúp gì cho ông được đâu.
Nikki và Sebastian bàng hoàng nhìn nhau đầy chán nản. Lời thách đố này có ý nghĩa gì chứ? Giờ thì họ sẽ phải đi theo hướng nào nữa đây? Nikki chộp lấy chiếc kính lúp trên quầy rồi săm soi bức ảnh kỹ hơn. Mặt trời đang lặn trên nền trời đỏ tía. Trên mặt tiền bảo tàng Orsay, có thể nhận ra hai chiếc đồng hồ lớn đang chỉ sáu rưỡi. Một mốc thời gian, một địa điểm: vườn hoa Tuileries vào sáu rưỡi chiều. Có thể đó chính là điểm hẹn mới…
Cô mở miệng định nói những phát hiện của mình cho Sebastian thì có ai đó đẩy cửa hiệu sách. Họ ngẩng đầu nhìn về phía người mới tới. Đó là một phụ nữ tóc vàng mặc quần jean và áo khoác da.
Là nữ cảnh sát đã cố bắt họ trên du thuyền hôm trước

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.