Bí Mật Căn Phòng Đỏ (The red Pavilion)

Chương 16:




Địch công đến căn nhà của Nguyệt Thu
Ông tìm ra bí mật của vụ án
Quay trở lại Căn Phòng Đỏ, Mã Tông tìm thấy Địch công đang đứng ở lan can của hàng hiên nhìn những người gác công viên thắp sáng những ngọn đèn lồng bằng giấy màu treo ở những hàng cây. Anh kể cho quan án tất cả mọi chuyện đã xảy ra và nói:
- Cuối cùng thì tôi cũng biết chính xác nơi bà Linh đang sinh sống. Nhưng hiện giờ thì bà ta không có ở đó vì vậy chúng ta không cần phải đi lúc này. Có lẽ người khách đến thăm bà ta đã đưa bà ta đi đâu đó rồi.
- Nhưng bà ta đang bị bệnh nặng! – Địch công kêu lên – Ta không thích cái ý nghĩ là có một người khách nào đó biết về bà ta ngoại trừ hai người bạn của ngươi và Ngân Tiên.
Ông lo lắng vuốt râu mép của mình và nói thêm.
- Ngươi có chắc chắn rằng Cua và Tôm là đối tượng của cuộc truy sát vừa rồi chứ không phải là bản thân ngươi?
- Tất nhiên là hai người bọn họ, thưa đại nhân! Làm thế nào mà những tên khốn đó biết được là tôi sẽ có mặt ở đó? Bọn chúng đã nói dối về cuộc phục kích đó là nhằm để trả thù cho ba tên đồng bọn bị Cua giết chết cách đây hai tuần. Bọn chúng không biết gì về Tôm!
- Nếu điều đó là đúng thì bọn côn đồ phải biết được thực tế là hai người bạn của ngươi có thói quen ngủ vào ban ngày và không trở về nhà trước lúc bình minh. Nếu ngươi không yêu cầu bọn họ đưa ngươi đến nhà bà Linh thì những kẻ tấn công đó có thể đã chờ đợi tại đó suốt cả buổi chiều và cả đêm!
Mã Tông nhún vai.
- Có lẽ bọn chúng đã chuẩn bị cho điều đó!
Địch công suy nghĩ một lúc, nhìn chằm chằm vào nhà hàng đối diện với công viên, tại đó dường như đang diễn ra một bữa tiệc ồn ào. Ông quay lại và nhận xét với một tiếng thở dài:
- Ta đã quá vội vàng khi hôm qua ta nói rằng sẽ dành một ngày để giải quyết mọi chuyện giúp quan án Lỗ! Ta không cần đến ngươi trong đêm nay, Mã Tông. Ngươi nên đi ngay bây giờ để ăn tối và giải trí gì đó. Sáng sớm mai chúng ta sẽ gặp nhau tại đây sau bữa ăn sáng.
Sau khi Mã Tông lui ra, Địch công bắt đầu đi lại trong hành lang, hai tay chắp sau lưng. Ông cảm thấy bồn chồn và nghĩ rằng thưởng thức bữa ăn tối một mình tại căn phòng này không phải là một ý hay. Ông đi vào trong và mặc vào một chiếc áo dài màu xanh nhạt. Sau khi đội một chiếc nón nhỏ màu đen trên đầu, ông rời khỏi khách điếm Thiên Phúc bằng cổng chính.
Đi qua trước cửa nhà trọ nơi mà nhà thơ trẻ Khởi Vu Phổ đang ở, ông dừng bước. Ông có thể mời nhà thơ trẻ cùng ăn tối với ông và trong khi ăn có thể hỏi thêm anh ta về âm mưu của Ôn Nguyên định hãm hại Phong Đại. Tại sao Viện sĩ lại đột ngột từ bỏ âm mưu đó. Việc kết hôn với con gái của Phong có thể là cách dễ dàng để có được của cải của Phong vào tay mình hơn là tham gia vào âm mưu của lão già buôn đồ cổ.
Ông đi vào trong. Người quản lý thông báo với ông là nhà thơ trẻ đã rời khỏi đây sau bữa ăn trưa và cho đến giờ vẫn chưa quay lại.
- Mấy hôm trước anh ta đã mượn của tôi một mảnh bạc! – ông ta nói thêm một cách buồn bã.
Quan án bỏ mặc người quản lý với sự lo lắng của ông ta và bước vào nhà hàng đầu tiên mà ông nhìn thấy. Ông ăn một bữa tối đơn giản sau đó ra ban công tầng trên ngồi uống trà. Ngồi gần lan can, ông nhìn một cách lơ đãng đám đông ở bên dưới đường phố. Ở một góc phố, các chú bé đặt thêm các bát đựng thức ăn lên bàn thờ của người chết được dựng lên tại đó. Địch công bấm đốt tay. Ngày mai đã là ngày ba mươi tháng bảy, ngày kết thúc của lễ hội người chết. Sau đó, các mô hình bằng giấy và giấy tiền vàng bạc sẽ được đốt cháy. Trọn đêm nay, cánh cửa của địa ngục vẫn được mở.
Dựa lưng vào ghế, ông bất mãn cắn chặt môi mình. Trước đây ông đã phải đối mặt với một vấn đề khó hiểu nhưng sau đó ông đã có những dữ liệu để xây dựng một số giả thuyết và đặt nghi vấn với những nghi phạm có khả năng gây án. Nhưng ông không biết được tình hình hiện nay đầu đuôi là như thế nào. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ có một tên tội phạm trong vụ án giết chết Tào Quang ba mươi năm về trước và cái chết của Nguyệt Thu. Và tên sát nhân đó giờ đây cũng muốn giết chết hoa hậu Linh? Ông cau mày lo lắng. Ông không thể rũ bỏ được cảm giác có một mối liên hệ giữa sự biến mất của bà Linh và cuộc tấn công vào Mã Tông và hai người bạn của anh ta. Và đầu mối duy nhất mà ông có được là tên sát nhân chưa biết mặt đó vào khoảng năm mươi tuổi, là một người đàn ông đã từng sống hay có liên hệ chặt chẽ với đảo Thiên Đường. Ngay cả vụ án của Viện sĩ cũng không phải là đã hoàn toàn sáng tỏ. Câu chuyện của Bích Ngọc về cách thức cô ta giết chết Viện sĩ dường như quá đơn giản nhưng mối quan hệ của Viện sĩ với Nguyệt Thu vẫn còn là một bí ẩn. Nó là một trường hợp kỳ lạ khi không ai có thể biết được nơi mà họ bí mật hẹn hò với nhau. Phải chăng mối quan hệ của họ không phải là sự si mê. Đúng là Viện sĩ đã có kế hoạch mua lại Nguyệt Thu. Nhưng mối quan tâm của anh ta với Bích Ngọc đã chứng minh rằng đó là một lý do thầm kín nào đó chứ không phải là sự si mê bình thường đã khiến anh ta quyết định mua lại Nguyệt Thu. Hay là cô ta đã tống tiền Viện sĩ? Ông lắc đầu một cách chán nản. Bởi vì Viện sĩ và Nguyệt Thu đều đã chết, có lẽ không bao giờ ông giải quyết được điều bí ẩn đó.
Đột nhiên ông bắt đầu lẩm bẩm giận dữ với chính mình. Ông đã mắc phải một sai lầm lớn. Những vị khách ở bàn bên cạnh nhìn một cách tò mò người đàn ông cao lớn có râu quai nón đang giận dữ chửi rủa bản thân ông ta. Nhưng Địch công không nhận thấy điều đó. Ông đứng dậy một cách đột ngột, trả tiền và đi xuống cầu thang.
Ông đi ngang qua nhà trọ của Khởi Vu Phổ và đi dọc theo hàng rào bằng tre phía bên trái của nó cho đến khi ông đến một cánh cửa nhỏ. Nó đang khép hờ và trên khung cửa có treo một tấm bảng bằng gỗ đề hai chữ “ Nhà riêng”.
Ông đẩy cửa và đi theo một con đường kín đáo quanh co giữa những hàng cây cao. Những tán lá dày của nó ngăn bớt tiếng ồn từ đường phố. Khi ông ra đến bờ của một hồ nước lớn, tiếng ồn vẫn còn vọng lại. Một cây cầu cong duyên dáng bằng gỗ màu đỏ dẫn ra giữa hồ. Trong khi bước lên trên tấm ván ọp ẹp của cây cầu, ông nghe tiếng của những con ếch hoảng sợ nhảy xuống mặt nước đen thẫm bên dưới.
Bên kia đầu cầu là một cái thủy đình thanh lịch, nằm trên các cọc gỗ cách mặt đất khoảng nửa mét. Nó chỉ có một tầng, mái nhà được lợp bằng ngói lưu ly màu xanh.
Địch công bước lên ban công. Sau khi xem nhanh cánh cửa rắn chắc ông đi một vòng quanh gian nhà. Nó có hình bát giác. Đứng ở lan can phía sau, ông phóng tầm mắt nhìn thấy khu vườn phía sau nhà trọ của Khởi và khu vườn bên cạnh khách điếm Vĩnh Cửu được chiếu sáng lờ mờ từ ánh sáng của những ngọn đèn ngoài công viên. Ông mơ hồ nhìn thấy con đường dẫn đến mái hiên của Căn Phòng Đỏ. Quay người lại, ông kiểm tra cánh cửa sau. Một dãi giấy màu trắng đã được dán lên ổ khóa bằng đồng, trên đó đóng con dấu của Phong. Cánh cửa nhìn có vẻ không chắc chắn bằng cánh cửa phía trước. Ngay sau khi ông dùng vai tỳ vào nó, nó đã bật mở.
Ông bước vào căn phòng tối đen và mò mẫm tìm thấy một ngọn nến đặt trên bàn. Ông thắp sáng nó bằng mồi lửa đang nằm bên cạnh ngọn nến.
Nâng cao ngọn nến, ông quan sát căn phòng sang trọng sau đó quan sát nhanh phòng khách nhỏ ở bên phải. Ở phía bên trái căn phòng ông nhìn thấy một căn phòng nhỏ chỉ có một chiếc giường bằng tre và một cái bàn tre ọp ẹp. Đằng sau là nhà vệ sinh và nhà bếp. Rõ ràng đây là nơi ở của người hầu gái.
Ông bước ra ngoài và thấy mình đang ở trong một phòng ngủ rộng lớn. Dựa lưng vào bức tường phía sau là một chiếc giường lớn bằng gỗ mun được chạm trổ, phía trên là chiếc rèm bằng lụa cầu kỳ. Phía trước giường là một chiếc bàn làm bằng gỗ hồng mộc khảm xà cừ. Nó có thể dùng làm bàn uống trà hoặc dùng để phục vụ một bữa ăn tối ấm cúng dành cho hai người. Hương thơm của một loại nước hoa nồng nàn lan tỏa trong không khí.
Quan án đi đến chiếc bàn trang điểm lớn được đặt trong góc phòng. Ông nhìn một cách tình cờ vào chiếc gương bằng bạc được đánh sáng bóng và những hộp bằng sứ màu mà người phụ nữ đã chết để phấn trang điểm và thuốc mỡ của mình. Sau đó ông kiểm tra ba ngăn kéo có khóa bằng đồng, đó là nơi Hoa hậu cất giữ những bức thư và ghi chép của cô ta.
Ngăn kéo trên cùng không khóa. Ông kéo nó ra và không tìm thấy gì ngoài một chiếc khăn tay nhàu nát và kẹp tóc dơ bẩn tỏa ra một mùi khó chịu. Ông vội vàng đóng nó lại và mở ngăn kéo kế tiếp. Ổ khóa của ngăn kéo này chỉ móc hờ trên bản lề. Ngăn kéo này chỉ chứa những bài viết mà cô ta dùng để nói trong những lúc thân mật với khách hàng. Ông đóng sầm nó lại. Ngăn kéo thứ ba đã được khóa lại chắc chắn nhưng khi giật mạnh nó thì bản lề bị rơi ra. Ông gật đầu hài lòng. Ngăn kéo chứa đầy các bức thư, thẻ bài, phong bì, hóa đơn và các tờ giấy trắng, một số thì nhàu nát, một số thì có dấu tay dính đầy dầu mỡ và các vết son môi. Rõ ràng cô nàng Nguyệt Thu này không phải là một người gọn gàng, ngăn nắp. Ông đặt ngăn kéo lên bàn và trút tất cả những thứ trong ngăn kéo ra. Ông kéo một chiếc ghế đến gần bàn và bắt đầu đọc các giấy tờ trong ngăn kéo.
Linh cảm của ông có thể hoàn toàn sai nhưng ông cần phải kiểm chứng điều đó. Trong bữa ăn tối tại khách sạn Phi Hạc, Hoa hậu tình cờ đề cập đến việc Viện sĩ tặng cô ta một lọ nước hoa như món quà chia tay kèm theo một phong bì. Cô đã hỏi anh ta về lọ nước hoa đó nhưng anh ta trả lời “ tôi muốn nó đi đến đích của nó”. Bận tâm với suy nghĩ của cô ta về lọ nước hoa, cô ta có thể không quan tâm đến những gì mà anh ta nói trước đó mà chỉ nhớ đến những lời cuối cùng của anh ta, mà cô ta nghĩ là những lời bông đùa về lọ nước hoa. Nhưng lời nói của anh ta nghe giống như là một lời dặn dò chứ không phải là câu trả lời cho câu hỏi của cô ta. Một hướng dẫn liên quan đến điều đó có lẽ được bỏ trong phong bì kèm với lọ nước hoa. Có lẽ đó là một tin nhắn hay một bức thư mà Viện sĩ muốn gởi đến cho một người thứ ba.
Ông ném những bức thư đã mở và danh thiếp xuống nền nhà. Ông tìm kiếm một phong bì còn chưa mở. Sau đó, ông đã tìm thấy nó. Ông nghiêng người về phía trước và giữ nó gần ngọn nến. Phong bì khá nặng, nó không ghi địa chỉ người nhận nhưng được ghi với một bài thơ, bằng một bút pháp mạnh mẽ và ấn tượng.. Đó là một bài thơ tứ tuyệt:
Ta tặng cho nàng lọ nước hoa nhỏ bé
Nó như giấc mơ ngọt ngào mà nàng mang đến cho ta
Trong nỗi nhớ nhung của giấc mộng cuối cùng
Mùi hương này còn vương vấn mãi trên môi
Quan án nhấc chiếc mũ đang đội trên đầu xuống, lấy cây trâm cài đầu từ búi tóc của ông và dùng nó để mở chiếc phong bì một cách cẩn thận. Ông lấy ra một chiếc lọ bằng ngọc bích được chạm trổ có chiếc nút bằng ngà voi. Sau đó, ông háo hức cầm lấy chiếc phong bì thứ hai nhỏ hơn được bỏ trong đó. Nó đã được dán kín và trên đó có dòng chữ viết tay của Viện sĩ” Gởi đến đại nhân Lý Huy, quan ngự y của triều đình”.
Ông mở nó ra và tìm thấy một bức thư. Đó là một bức thư ngắn gọn được viết theo một phong cách văn học súc tích.
“ Gởi Người cha tôn kính: đứa con trai bất tài và không xứng đáng của cha nhận thấy rằng nó không bao giờ có được sự can đảm, bất khuất và ý chí sắt đá của cha, nó không dám đối mặt với tương lai. Sau khi đã đạt được những đỉnh cao trong sự nghiệp của mình, con đành phải từ bỏ tất cả. Con đã thông báo cho Ôn Nguyên biết rằng con không thể tiếp tục việc đó, con đã giao phó cho ông ta thực hiện các biện pháp thích hợp.
Không dám đối mặt dưới ánh mắt nghiêm nghị của cha, con viết bức thư này nhờ nàng kỹ nữ Nguyệt Thu chuyển đến cho cha. Vẻ đẹp tinh tế của cô ta hiện ra trong buổi sáng cuối cùng của con. Viết vào ngày hai mươi lăm tháng bảy, trong lễ hội của người chết.
Đứa con trai không xứng đáng, Liên, dập đầu ba lần trước mặt cha.”
Địch công cau mày và cảm thấy hoàn toàn bối rối. Phong cách viết văn ngắn gọn như thế này quả thật là không dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa chính xác mà người viết muốn nói tới. Đoạn đầu tiên cho biết quan ngự y đã về hưu Lý Huy, con trai của ông ta là Viện sĩ và lão già buôn đồ cổ Ôn Nguyên đã cùng tham gia vào một âm mưu bất chính, nhưng vào thời điểm cuối cùng Viện sĩ phát hiện ra anh ta không có can đảm và ý chí để thực hiện nó và bởi vì anh ta không thể làm theo hướng dẫn của cha mình nên thấy tự tử là biện pháp duy nhất. Nhưng điều này có nghĩa là âm mưu này liên quan đến nhiều vấn đề hơn là một âm mưu nhỏ chỉ nhằm lật đổ người quản lý hòn đảo bằng việc vu cáo. Có trời mới biết âm mưu này nhắm vào cái gì, những vấn đề của sự sống và cái chết, có lẽ liên quan đến quốc gia! Ông lại đặt câu hỏi về lão già buôn đồ cổ, một người không có kiến thức về pháp luật, lại dính líu đến cha của Viện sĩ. Ông phải…
Ông lau mồ hôi trên trán, căn phòng nóng ngột ngạt và ngọn nến đang tỏa ra một mùi khó chịu. Ông tự chủ lại. Ông đã đi quá nhanh, đầu tiên ông phải cố gắng tái tạo lại các chuỗi sự kiện xảy ra. Khi Viện sĩ đã có quyết định và đưa chiếc phong bì cho Nguyệt Thu, anh ta chắc chắn đã không tự tử sau tất cả những chuyện đó, bởi vì trước khi anh ta có thể tự tử thì anh ta đã bị giết chết bởi người con gái mà anh ta cố gắng cưỡng hiếp. Quan án đấm mạnh tay lên bàn. Điều này tuyệt đối vô nghĩa! Một người đàn ông quyết định chấm dứt cuộc sống của mình lại cố gắng hãm hiếp một cô gái! Ông tuyệt đối tin rằng không thể nào có một chuyện như thế!
Tuy nhiên, bức thư không phải là giả mạo. Và việc Viện sĩ đã thực sự quyết định từ bỏ một âm mưu được chứng minh là có thật qua những lời nói của Khởi Vu Phổ nói với Mã Tông. Cũng như việc Nguyệt Thu không giao bức thư cho người mà cô ta được nhờ chuyển. Mặc dù mối quan hệ của cô ta với Viện sĩ có như thế nào thì ngay sau khi anh ta qua đời thì việc đó đã trở thành một ám ảnh đối với việc chinh phục tiếp theo của cô ta, cụ thể là với người đồng nghiệp họ Lỗ của ông. Cô ta đã ném chiếc phong bì chưa mở vào ngăn kéo và quên tất cả về nó. Cho đến đêm đó lúc ăn tối, khi quan án Lỗ “ bỏ của chạy lấy người” thì cô ta mới tỏ ra hối tiếc với người hâm mộ đã chết kia. Một số sự kiện có liên quan, số khác lại không. Ông khoanh tay trong tay áo rộng của mình. Nhíu đôi mày rậm rạp của ông trong một cái cau mày, ông nhìn chằm chằm vào chiếc giường sang trọng nơi Hoa hậu tiếp những người yêu thích cô ta trong những năm gần đây.
Một lần nữa ông lướt qua trong đầu những gì ông biết về những người có liên quan trong ba trường hợp tử vong đã xảy ra trong Căn Phòng Đỏ. Ông cố gắng nhớ lại một cách chính xác những gì mà Phong Đại và cô con gái Bích Ngọc đã nói. Cũng như những gì mà Ôn Nguyên thú nhận và các thông tin mà Mã Tông thu thập được. Ngoài những nghi vấn về việc Viện sĩ đã cố gắng hãm hiếp một cô gái vào đêm anh ta định tự tử thì những vấn đề xung quanh cái chết của anh ta đã được giải thích thỏa đáng. Sau khi Bích Ngọc vô tình giết chết anh ta, cha cô ta đã dàn dựng nó thành một vụ tự tử giả mạo. Các vết trầy xước trên bàn tay và khuôn mặt của Viện sĩ là do Bích Ngọc gây ra, chỉ có vết sưng trên cổ là không giải thích được. Cũng tương tự như vậy về cái chết của Nguyệt Thu, vết trầy xước của cô ta là do Ngân Tiên gây ra khi cố gắng tránh cái tát của cô ta. Trong trường hợp này điều chưa giải thích được chính là những vết bầm tím màu xanh trên cổ họng cô ta. Ông có một cảm giác mơ hồ rằng nếu ông kết nối được hai sự kiện không thể giải thích được này thì bí ẩn của Căn Phòng Đỏ sẽ được giải quyết.
Sau đó, ông đột nhiên tìm thấy một lời giải thích cho tất cả các sự kiện. Ông đứng lên và bắt đầu đi lại trong phòng. Sau một lúc ông đứng trước chiếc giường lớn. Phải, bây giờ ông đã nhìn ra bức tranh tổng thể! Tất cả mọi việc đã có lời giải thích hợp lý của nó, bao gồm việc cố gắng hãm hiếp và cuộc tấn công của bọn côn đồ có vũ trang vào Mã Tông! Bí mật của Căn Phòng Đỏ quả thật là khủng khiếp, thậm chí nó vượt xa cơn ác mộng khủng khiếp của ông tại Căn Phòng Đỏ sau khi ông phát hiện ra cơ thể trần truồng của người kỹ nữ trên tấm thảm đỏ! Ông đột nhiên rùng mình.
Quan án rời khỏi căn nhà của Nguyệt Thu và đi thẳng về khách điếm Thiên Phúc. Đứng tại quầy, ông đưa danh thiếp của mình cho người quản lý, nhờ người này đi ngay đến nơi cư trú của Phong Đại để yêu cầu ông ta và con gái đến gặp ông càng sớm càng tốt.
Khi ông quay trở về Căn Phòng Đỏ, Địch công đi ra ngoài hàng hiên. Dựa vào lan can, ông cẩn thận xem xét kỹ lưỡng các bụi cây và lùm cây bên dưới.
Sau đó ông quay trở vào phòng khách và đóng cánh cửa đôi lại. Sau khi ông cài thanh chắn cửa vào vị trí, ông đóng luôn cánh cửa chớp của cửa sổ. Khi ông ngồi xuống bàn uống trà ông chợt nhận ra là căn phòng sẽ trở nên rất nóng bức khi đóng tất cả các cánh cửa. Nhưng ông không muốn mình bỏ qua bất cứ cơ hội nào. Ông đã biết rằng bây giờ ông phải đối mặt với một tình huống vô cùng nguy hiểm, đó là một tên sát nhân vô cùng tàn nhẫn.
Robert van Gulik
Bí mật Căn Phòng Đỏ
Người dịch : PHƯỚC LỘC

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.