Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 3: Nhà Ngọc Thanh




Sáng ngày hôm sau, Phong tỉnh dậy từ rất sớm, có thể coi là sớm nhất từ trước tới giờ. Trời còn chưa sáng hẳn, hắn đã ra khỏi giường, tập một loạt động tác thể dục buổi sáng quen thuộc, rồi ra ngoài vườn đứng ngẩn ngơ, chờ nghe gà gáy sáng. Nói thật ra hắn còn muốn chạy ra ngoài đường, ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc lên sau lũy tre làng, nhưng hắn biết đây là suy nghĩ viển vông, vì ngày hôm qua trên đường về hắn đã để ý thấy khu vực xung quanh không có lũy tre nào, Đó là còn chưa kể đến người dân xung quanh xây nhà lầu hai ba tầng san sát, khó mà ngắm được mặt trời lên. Bố mẹ Đạt thấy Phong dậy sớm vậy, cũng chỉ cười hỏi thăm, thầm nghĩ chắc là sinh viên thành phố lần đầu về nông thôn nên mới dậy sớm vậy. Vốn dĩ Phong đã tưởng mình như vậy là sớm, nhưng so với bố mẹ Đạt xem ra vẫn còn là muộn. Người nhà nông thường phải thức khuya dạy sớm cũng đã thành thói quen, tự mình xem ra dù có cố cũng không thể thức giấc sớm hơn họ được, ngay cả so với Đạt thì Phong cũng chẳng sớm hơn được bao lâu.
Đạt thấy Phong dậy sớm cũng chỉ cười hỏi; “Sao mi không ngủ thêm chút nữa, bình thường có bao giờ ta thấy mi ra khỏi giường sớm thế này đâu. Háo hức đi thăm “nàng” đến thế cơ ah”
“Ta… thực ra ta dậy sớm là muốn ngắm mặt trời mọc đó chứ” Phong nói dối thấy cũng có chút ngượng, bởi quả thực là hắn cũng muốn sang thăm Ngọc Thanh sớm một chút.
“Thôi thôi, không cần phải lấy lí do. Ta thừa biết mi dậy sớm vì sao rồi. Ha ha”. Đạt nghe Phong trả lời, cũng thấy buồn cười. Nói rồi hắn cũng đi ra ngoài sân, làm vài việc quen thuộc hàng sáng như tập thể dục, đánh răng rửa mặt. Đằng nào thì hắn cũng đã nhận dẫn đường cho Phong, đi sớm hay muộn thì cũng phải đi.
8h sáng, bình thường Phong giờ này đang ngồi học ở trường, hiếm khi được dịp nghỉ lại đi thăm bạn bè thế này, mà còn là bạn nữ, cho nên bước chân đi trên đường của hắn cũng có chút lâng lâng. Sang đến cửa nhà Ngọc Thanh (có lẽ là thế, vì theo địa chỉ mà hôm qua hắn hỏi được thì đây đúng là nhà Ngọc Thanh), Phong đã nhìn thấy có một người đàn bà trung tuổi đang quét dọn sân. Theo suy đoán của Phong, đây hẳn là mẹ của Ngọc Thanh, vì vậy hắn hít một hơi thật sâu, cất tiếng chào thật to
” Cháu chào bác ạ, cháu là bạn của Ngọc Thanh, hôm nay sang chơi thăm nhà mình ạ”.
Có lẽ là do hơi hồi hộp, nên Phong nói to hơn bình thường rất nhiều, có chút đã sang thành mức hét. Bác gái đang chăm chú quét sân, lưng quay về phía Phong nên không biết có người đến, bất chợt nghe thấy tiếng chào to như tiếng hét vậy cũng giật mình đánh thót một cái, chổi đang cầm trên tay cũng đánh rơi xuống đất. Bà vội vàng quay lại, nhìn kỹ hai thanh niên đang đứng trước cửa, thấy có vẻ không giống ăn cướp lắm nên cũng an tâm. Sau nhớ lại được thanh niên này tự nhận là bạn của Ngọc Thanh sang thăm nhà, cũng thả lỏng tâm tình, lại cúi xuống nhặt chổi lên quét tiếp. Phong thấy vậy cũng kì lạ, thầm nghĩ chẳng nhẽ làm phật lòng bác gái, bèn chào lại một tiếng. Bác gái nghe vậy đáp:
”Tôi chưa già, cũng không có điếc, không cần hét to tướng lên thế”.
Phong nghe vậy sửng sốt, rồi lại tự trách mình không biết nãy nghĩ gì mà đi hét lên to tướng như thế, chỉ đành xuống giọng nói:
” Thưa bác, chúng cháu vào nhà có được không ạ”.
Mẹ Ngọc Thanh vẫn có chút tức trong lòng vì vừa nãy bị hai tên này làm giật mình, chỉ nói thản nhiên:
” Cửa nhà không có khóa, các anh muốn thì cứ vào”.
Phong nghe vậy lòng như có kiến bò, chỉ đành đi xách túi hoa quả đã mua đi vào nhà. Lại thấy nhà có chút vắng vẻ, không thấy Ngọc Thanh cùng bố cô ấy đâu, lại bất đắc dĩ quay ra hỏi bác gái:
” Thưa bác, Ngọc Thanh và bác trai đi đâu rồi ạ?”
“Ông nhà tôi và con bé ra thăm mộ ông nội nó, hai anh cứ từ từ ngồi chơi” nghe giọng điệu bác gái đã có chút hòa hoãn, nhưng vẫn thấy chút gì đó không tự nhiên, Phong cũng không muốn để ý nhiều, đành ngồi ngẩn ngơ ngắm trần nhà. Mái ngói lợp đã có chút cũ kỹ, 4 góc tường cũng giăng đầy mạng nhện, ngôi nhà có lẽ cũng đã trải qua rất nhiều mưa gió rồi. Vừa nghĩ đến đây thì ngoài cửa lại có tiếng người, thì ra là Ngọc Thanh và bố cô ấy đã về.
Vừa bước vào nhà, nhìn thấy Phong và Đạt, Ngọc Thanh thì không bất ngờ lắm, nhưng bác trai thì lại có chút ngạc nhiên, sau đó như nhớ ra cái gì, bèn ngắm nhìn kỹ hai người thanh niên này. Thấy bố có vẻ có chút đề phòng, Ngọc Thanh chỉ đành bất đắc dĩ nói:
” Bố à, đây là bạn con đến thăm nhà, hôm qua con đã kể với bố rồi đó. Cậu ấy cũng chính là người đã viết giúp con bức thư pháp mà hôm nọ con đem về đó”.
Nghe thấy hai chữ “thư pháp”, bố Ngọc Thanh mắt chợt sáng lên, sau đó vui vẻ cười đi vào phòng khách:
” Thì ra là bạn của Ngọc Thanh à, cứ ngồi đi, để bác đi pha nước”
“Dạ vâng, cảm ơn bác ạ”. Phong và Đạt đáp lại lời của bác trai.
Trà qua đôi chén, bác trai nhìn về phía Phong, mở lời nói chuyện:
” Cậu hẳn là Phong phải không, tôi đã xem bức thư pháp của cậu rồi. Đúng là chữ cũng như người, quả thật là tốt lắm”.
Phong nghe cũng có chút mờ mịt, không hiểu bác trai vì sao lại khen vậy, cũng chỉ có thể đáp:
”Cảm ơn bác đã khen, cháu cũng chỉ là kế thừa truyền thống cha ông mà rèn luyện thư pháp thôi ạ”.
“Vậy sao, nói vậy hẳn gia đình cậu cũng có truyền thống. Cậu không ngại kể cho tôi nghe một chút chứ”
“Dạ vâng ạ. Nói thực thì những chuyện xa xưa cháu cũng không rõ lắm, nhưng từ hồi cháu còn bé, thì ông nội cháu vẫn hay dạy cháu về việc viết thư pháp. Ông cháu vẫn nói, nét chữ nết người, vì vậy con người phải rèn luyện chữ viết từ bé, đó cũng là một cách gián tiếp để rèn luyện tâm tính. Ông cháu cả đời cũng thanh cao, quả thực là không bị tiền tài níu kéo, chỉ chuyên tâm nghiên cứu về những truyền thống văn hóa mà cha ông để lại. Quả thật cháu cũng muốn được giống như ông vậy, nhưng mà cuộc sống ngày càng thay đổi, cháu cũng không có thời gian và điều kiện để làm được như ông cháu”.
Nói đến đây Phong cũng có chút cảm khái, như đang hồi tưởng lại về người ông đáng kính của mình.
“Ồ, vậy ông cậu tên gì? Thực ra tôi cũng rất hâm mộ những người như ông nội cậu, không bị tiền tài trói buộc, thật sự là hiếm có hiếm thấy. Đời nay con người khó mà thoát được sự cám dỗ của tiền bạc, cũng không phải là nói con người ta tâm tính kém cỏi, chỉ là xã hội thay đổi, nền kinh tế thị trường xâm nhập cuộc sống của mỗi người, khiến cuộc sống của họ bị gắn kết chặt chẽ với đồng tiền, khó mà dứt ra được.”
“Nói vậy có lẽ bác cũng biết ông cháu. Thực ra ông nội cháu là nhà văn Nguyễn Tuân, cũng có chút tác phẩm để lại cho đời ạ”
“Thì ra là nhà văn Nguyễn Tuân à, chẳng trách chẳng trách. Tôi ngày trước cũng hâm mộ tuyển tập Vang Bóng Một Thời của ông cậu lắm”.
Nhấp một ngụm trà, bác trai lại nói tiếp:
” Thời gian cũng sắp trưa rồi, trưa nay cậu ở lại ăn cơm với nhà tôi nhé. Ngọc Thanh nấu ăn ngon lắm đấy.Tôi cũng muốn có thêm thời gian để bàn luận với cậu về thư pháp”.
Bác trai nói đến Ngọc Thanh,cũng có chút thâm ý nhìn vào Phong, khiến hắn hơi có chút lo lắng, nhưng lại cũng có chút mừng thầm trong lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.