Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 6: Nhà họ Nguyễn có người nối dõi




Nơi đây là Hồng Bàng đại lục, một đại lục khác biệt hoàn toàn với các châu lục trên trái đất, đơn giản vì lục địa này không nằm trên bề mặt trái đất. Mặc dù khoa học kỹ thuật của con người rất phát triển, và họ cũng tin rằng còn tồn tại sự sống ngoài trái đất, chỉ là cho đến nay cũng chưa có ai tìm được chứng cứ xác thực về điều này. Có lẽ với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phải tốn hàng trăm, nghìn năm nữa con người mới có thể vươn xa ra vũ trụ. Thế nhưng hiện thực không thể bị thay đổi chỉ bởi ý chí của con người. Ngoài trái đất, còn có ba nghìn thế giới khác đang đồng thời tồn tại và phát triển. Thậm chí có những thế giới cũng rất gần với trái đất, chỉ là khác nhau về vị diện tồn tại mà thôi, chỉ một ranh giới mỏng manh nho nhỏ,thậm chí là vô hình, nhưng lại tạo thành trở ngại lớn bằng trời, khiến con người khó mà liên lạc được với thế giới bên kia. Và Hồng Bàng đại lục chính là thuộc về một thế giới ở gần trái đất như vậy.
Có lẽ vì sự khác nhau về vật chất giữa các vị diện, nhân loại giữa các vị diện cũng có những bước phát triển khác nhau. Nếu như trên trái đất chủ yếu phát triển về vật chất, về khoa học công nghệ, thì ở Hồng Bàng đại lục, con người lại phát triển khả năng về sức mạnh bản thân, về tinh thần. Nói một cách khác thì nhân loại ở Hồng Bàng đại lục ai cũng chú trọng vào việc rèn luyện thân thể, tu dưỡng tinh thần, từ đó mà khai thác những tiềm năng của cơ thể con người.Hồng Bàng đại lục chủ yếu chia làm ba khu vực chính, phân biệt là Bắc-Trung-Nam.
Bắc địa tiếp xúc với băng nguyên đại lục ở cực Bắc, quanh năm tuyết trắng bao phủ, gió rét gào thét. Nơi đây hoàn cảnh sinh sống khó khăn, nhưng lại bồi dưỡng lên những con người mạnh mẽ, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Bắc địa có hai con sông lớn, bắt nguồn từ những đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ, kéo dài về phía nam, quanh co uốn lượn cho đến gần vùng Trung địa mới đổ ra Đông hải. Nước sông chảy siết mang nặng phù sa, bồi đắp lên hai bên sông những mảnh đồng bằng đất đai màu mỡ tươi tốt, thích hợp để phát triển nông nghiệp. Theo sự thay đổi thời tiết dần từ bắc xuống nam, các loại sản vật được trồng trọt ở vùng đồng bằng ven sông cũng càng lúc càng phong phú đa dạng, đủ để nuôi sống con người Bắc địa.
Tiếp giáp Bắc địa là Trung địa. Nơi đây là vùng có khí hậu ôn hòa nhất Hồng Bàng đại lục, thời tiết phân chia bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, nhưng nhiệt độ quanh năm luôn giữ ở mức vừa phải, không mấy khi tăng quá cao hay giảm xuống quá thấp. Chính nhờ khí hậu ôn hòa,thuận lợi sinh sống nên nơi đây là tập trung dân cư đông nhất Hồng Bàng đại lục. Đa số các quốc gia lớn cũng tập trung ở nơi Trung địa phồn hoa này. Người dân Trung địa đa phần hòa nhã dễ gần, lại chuyên tâm học hỏi khám phá, vì vậy nơi đây cũng là nơi khởi nguồn của các đạo học và tôn giáo lớn.
Nam địa nằm ở phía Nam của Hồng Bàng đại lục, tiếp giáp với vành đai lửa cực Nam lục địa, thời tiết đa phần là nóng bức, chủ yếu phân làm hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô thì đất đai nứt nẻ, vạn vật khô héo, cảnh sắc tràn ngập vẻ hoang vu. Nhưng ẩn tàng bên dưới vẻ ngoài hoang vu là sức sống vô hạn đang súc tích, chờ đợi khi những hạt mưa rơi xuống thì sẽ bùng phát, sinh sôi mạnh mẽ. Con người nơi đây cũng vậy, luôn tràn đầy sức sống và rất nhiệt tình, hào phóng.
Đông nam đại lục Hồng Bàng có một vương quốc tên là Đại Việt. Phía bắc Đại Việt, có trấn Kinh Bắc, bên cạnh có dãy núi Thiên Thai, hay còn gọi là Cửu Long sơn mạch. Cái tên Cửu Long sơn mạch, vốn được đặt dựa vào thế núi. Nơi đây có chín ngọn núi nối liền nhau, giống như chín con rồng hội chung một chỗ, khiến cho thiên địa linh khí tụ mà không tán, nồng đậm dư thừa. Chính vì vậy vùng đất này đã dưỡng dục ra vô số anh kiệt, tiêu biểu nhất chính là vị vua đầu tiên của vương triều Đại Việt hiện nay. Dưới chân núi Thanh Long, một trong chính ngọc núi của Cửu Long sơn mạch, có một thôn làng nhỏ, bên ngoài thôn có một hàng rào bằng gỗ lớn bao bọc, cao khoảng 6 thước (tức khoảng 2.5m hiện nay).Có hàng rào này bao bọc, dù cho dã thú trên núi có tràn xuống cũng khó mà vào được trong thôn. Thôn tên Vĩnh Thái, do họ Nguyễn bao đời nay làm trưởng thôn. Gia chủ nhà họ Nguyễn hiện nay là Nguyễn Bảo, cũng đã ngoài tam tuần, chỉ là từ khi thành gia lập thất đến nay vẫn hiếm muộn, mãi chưa sinh được một người con trai nào. Lần này vợ Nguyễn Bảo lại mang thai, đã đến ngày sinh nở, Nguyễn Bảo đứng bên ngoài phòng, lo lắng bồn chồn, cứ đi đi lại lại không ngừng.
“Bảo à, con cũng không cần phải lo lắng quá như thế”. Một thanh âm già dặn vang lên, người nói chính là một ông lão, tuy nhìn tuổi cũng phải lục tuần, nhưng tinh thần vô cùng minh mẫn, quắc thước.
“Nhưng mà sư phụ, vợ con…….” Nguyễn Bảo muốn nói lại thôi, có lẽ hắn cũng không biết nên nói gì cho phù hợp. Vợ hắn cũng đã gần ba mươi, đây lại là lần đầu sinh nở, hắn không thể không lo lắng được sao!
“Vậy con đã nghĩ ra tên gì cho đứa nhỏ chưa?” Ông lão cũng không muốn nhìn thấy Nguyễn Bảo cứ đi đi lại lại như vậy, bèn tìm cách chuyển hướng suy nghĩ của hắn, để làm giảm đi sự lo lắng.
“Dòng họ Nguyễn từ trước đến giờ, tên cũng chỉ có hai từ, vì vậy ta không thể phá lệ đặt tên dài được. Ta tên là Bảo, cả đời này chỉ cầu bảo toàn an ổn, sống yên vui qua ngày. Con ta, nếu là con trai, thì nhất định phải đi khắp đó đây cho thỏa chí tang bồng. Đã vậy tên nó sẽ là Phong, phong khởi vân dũng, phong quyển tàn vân. Đúng thế, tên nó sẽ là Phong, giống như cơn gió đi khắp muôn phương. Còn nếu là con gái, ta sẽ đặt tên là Ngọc, hy vọng con gái ta sau này lớn lên, sẽ xinh đẹp như hoa như ngọc.” Sau một hồi cân nhắc, cuối cùng Nguyễn Bảo cũng nghĩ ra một cái tên cho đứa con sắp ra đời. Ông lão nghe hắn đặt tên, cũng chỉ ngồi gật gù, vuốt chòm râu dài dưới cằm.
Ngoài trời chẳng biết từ lúc nào đã kéo cơn mưa, mây đen mờ mịt, những tia chớp rạch ngang bầu trời, đan vào nhau chằng chịt như mạng nhện. Một tia sét từ trên cao bổ mạnh xuống đỉnh núi Thanh Long, trời đất như rung chuyển. Một loạt tiếng ầm ầm vang lên, không chỉ đỉnh Thanh Long, mà tất cả các đỉnh núi còn lại trong dãy Cửu Long đều bị thiên uy giáng xuống. Tất cả mọi người trong thôn Vĩnh bảo ngẩng đầu nhìn trời, vẻ mặt tràn đầy sự sùng kính đối với uy năng tự nhiên. Vừa lúc đó, trong nhà họ Nguyễn, một thanh âm vui mừng vang lên.
“Sinh rồi, sinh rồi. Là con trai”
Tiếng của bà đỡ từ trong phòng vọng ra, khiến mọi người đều quay đầu lại nhìn về cửa phòng. Bà đỡ từ trong phòng bước ra, bế theo một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn trong tấm vải bông mềm. Nhìn thấy đứa bé, ai cũng lộ ra vẻ vui mừng.
“Bà đỡ, vợ ta thế nào rồi?” Nguyễn Bảo gấp giọng hỏi.
“Không có việc gì hết, mẹ tròn con vuông” Bà đỡ cười vui vẻ, đáp lời. Lúc này Nguyễn Bảo đã tiếp lấy đứa bé, bế lên ngắm nghía.
“Ha ha, con trai, ,thật sự là con trai. Nhà họ Nguyễn đã có người nối dõi rồi”.
Ngay sau đó, sư phụ hắn cũng tiếp nhận đứa bé từ tay Nguyễn Bảo.
“Sư phụ, người trông đứa nhỏ nhé, con vào thăm Lan một chút”
Nguyễn Bảo lập tức chạy vào trong phòng, còn ông lão sau khi bế đứa bé lên, cũng ngắm nhìn nó thật kỹ. Đứa bé này, mới sinh mà không khóc, thật là kì lạ. Ông lão thử cấu vào mông đứa bé để nó khóc, trẻ con mới sinh, phải khóc to mới là khỏe mạnh dễ nuôi. Nào ngờ đứa bé bị cấu không khóc mà còn cười. Tiếng cười trẻ con vang như tiếng chuông bạc, làm cho mọi người đứng quanh đều vui mừng.
“Sư phụ, đứa nhóc này đang nhìn người kìa” một đám người bên cạnh đều cười nói:
”Ngươi xem, mới sinh mà đã biết cười, lại có đôi mắt nhỏ đen láy nhìn thật đáng yêu, ha ha”
Ông già đứng ngắm đứa trẻ, cũng vui mừng ra mặt, chỉ là trong miệng lại lẩm bẩm gì đó
“Thiên giáng dị tượng, đứa trẻ này vừa sinh lại biết cười, quả thật không phải người phàm. Thiên nhân, người trời a”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.