Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Chương 255: Trận chiến biển và người (2)




Gió đã lặng, và sấm cũng đã ngưng. Trong màn đêm tăm tối chỉ còn tí tách mấy hạt mưa đang uể oải rơi xuống. Nếu không phải ngoài khơi xa biển vẫn đang gầm gào dữ dội, và nếu không phải tầng mây đen dày đặc trên cao vẫn đang cuồn cuộn xoay vần, thì hẳn người ta sẽ tưởng rằng bão đã tan rồi. Nhưng không, bão chưa tan! Và những giây phút tưởng như bình yên này chỉ là một khoảng lặng trước cơn bão, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trần Duy bước đến bên thềm nước. Vượt qua vô số lần cản trở của gió và sét, rút cục hắn cũng đã đến được cái ranh giới giữa biển và đất liền, để có thể nhìn thẳng vào hai vòng xoáy kia - nhìn thẳng vào mắt con ngư tinh một cách thách thức.
Phải đón nhận cái nhìn khiêu khích của một kẻ phàm tục, một kẻ đầy quyền năng như con ngư tinh hẳn sẽ phải nổi giận đến điên cuồng. Nhưng không, trời vẫn yên, và gió mưa vẫn lặng! Hay chăng, cũng chỉ có những cơn sóng vỗ bờ dồn dập hơn trước; và trong đôi mắt bão tối tăm kia đã có thêm những dải mây nhạt nhòa, mờ mịt. Phải chăng, đôi mắt bão ấy đang híp lại để đánh giá đối phương một cách cẩn thận? Và phải chăng, sau bao thất bại trong việc ngăn cản bước tiến của gã người phàm kia, thì giờ đây con ngư tinh đã bắt đầu coi Trần Duy như một kẻ địch ngang tài?
Lúc này, Trần Duy cũng đang đánh giá con ngư tinh! Nhưng thay vì tập trung quan sát vào một đối tượng duy nhất, hắn lại để ý đến tất cả mọi yếu tố trong cái vùng biển này; từ sức gió, lượng mưa, cho đến cả nhịp độ của thủy chiều hay tần suất sét đánh. Trần Duy buộc phải làm như vậy, bởi thứ mà hắn phải đối mặt không chỉ có mình con ngư tinh, hay gió, hay sét. Thứ mà hắn phải đối mặt là cả tự nhiên nơi đây, bởi con ngư tinh đã sớm hòa mình vào tự nhiên ngút ngàn.
Khoảng thời gian để đánh giá địch thủ thường vô cùng ngắn ngủi, có khi là một vài phút, có khi lại chỉ vài chục giây. Rút cục, ánh mắt của một người một cá lại giao nhau. Chẳng ai biết được, trong giây phút khi ánh mắt của hai địch thủ tiếp xúc thì mỗi người đã phát hiện được điều gì, nhưng những người dân trong làng lại biết, khoảnh khắc ngắn ngủi ấy lại chính là điểm mở màn cho cuộc chiến giữa người và biển.
Lần này thì Trần Duy ra tay trước. Chẳng sử dụng quá nhiều nguyên lực, hắn đã tung ra đòn đầu tiên là một cú đâm - đơn giản và trực tiếp – nhắm lên trời cao. Từ gióng trúc trong tay Trần Duy, một dải sáng màu xanh lục phóng thẳng vào trong tầng mây đen, kéo theo sau hơn chục thân trúc như những mũi tên – hoặc có lẽ nên gọi là những mũi lao – ồ ạt đâm vào đôi mắt bão.
Đòn đầu tiên thường là đòn thăm dò, thế nên uy lực cũng chẳng lấy gì làm mạnh mẽ. Cũng vì thế mà con ngư tinh chẳng cần tốn nhiều sức cũng đã có thể ngăn được đòn tấn công của Trần Duy. Một trận gió mạnh vụt lướt qua tầng không, hất văng toàn bộ những thân trúc xuống biển cả, đồng thời cũng thổi tan dải sáng xanh thành vô số điểm sáng tung bay trong gió.
Nhưng con ngư tinh chẳng thể ngờ được rằng, cách đánh của Trần Duy lại chẳng hề giống với lẽ thường. Hoặc cũng có thể là do nó đã quá mau quên bài học trong chiến dịch gió và sét, thế nên nó mới đối phó với dải sáng xanh kia một cách hời hợt đến thế.
Ngay khi bị đánh tan, những điểm sáng li ti đã hòa mình vào trong cơn gió, lặng lẽ chờ đợi một cơ hội, một cơ hội để tiếp cận tầng mây đen. Và rồi, đúng vào thời điểm cái cơ hội ấy xuất hiện, thì những điểm sáng li ti ấy cũng bùng phát một thứ sức sống mãnh liệt vô cùng. Chỉ trong nháy mắt, chúng đã hóa thành gần một trăm cây trúc ngay giữa tầng không. Chẳng cần mặt đất nuôi dưỡng, cũng chẳng cần được tưới tắm để phát triển, toàn bộ những cây trúc ấy vẫn cứng cáp và khỏe mạnh, cây nào cây nấy thẳng tắp như những mũi lao - những mũi lao đâm thẳng vào đôi mắt bão.
Đòn tập kích bất ngờ khiến con ngư tinh chẳng kịp trở tay, chỉ có thể trơ mắt ra mà nhìn những thân trúc đâm xuyên qua tầng mây dày đặc. Trên tầng mây vốn đen như một mảnh nhung huyền chợt xuất hiện những lỗ thủng, mà qua đó người ta có thể nhìn thấy vầng ráng trắng của một ngày mới. Chút ánh sáng ấy tuy rằng nhỏ nhoi và ít ỏi, và chúng cũng còn rất mờ mịt khi bị che khuất bởi vô số mây – cả trắng và đen, nhưng chúng vẫn đem đến cho những người dân nơi đây một chút hơi ấm của sự sống, niềm tin, và hy vọng.
Ngôi làng vốn vẫn bị bao trùm bởi sự tĩnh lặng và lo lắng giờ chợt vỡ òa trong những tiếng reo hò. Thứ thanh âm huyên náo mà cũng rất rộn ràng ấy càng tô điểm cho những mảng sáng mờ nhạt kia trở nên rõ ràng hơn, huy hoàng hơn, và cũng ngắn ngủi hơn. Con ngư tinh hẳn đã bị chọc giận bởi hai lần thất bại liên tục, thế nên tầng mây đen khép lại càng nhanh hơn; và nó cũng sà xuống gần mặt biển hơn để phô ra tất cả những nét khủng khiếp nhất của mình.
Đến tận lúc này, người ta mới được chứng kiến cái bản mặt đáng sợ của con ngư tinh. Cái bản mặt ấy giống hệt như những gì mà Trần Duy đã từng nhìn thấy: nó to bè mà lắm gai góc, nó dữ dằn mà cũng rất gian; và nếu như có điểm nào trên cái mặt cá ấy khác với tưởng tượng của chàng sĩ tử, thì đó hẳn phải là sự thiếu vắng của một nụ cười – một nụ cười ranh ma xảo quyệt.
Lúc này, ánh mắt của tất cả mọi người đều đã bị hấp dẫn bởi cái bản mặt của con ngư tinh; và dù cho có ai đó định dời ánh mắt của mình đi, thì những cố gắng ấy cũng sẽ thất bại một cách nhanh chóng. Hình như, có một thứ ma lực nào đó đang trói buộc sự chú ý của mọi người vào tầng mây đen, để chẳng một ai có thể nhận ra mực nước thủy triều đã sớm vượt qua mức bình thường, và cũng chẳng một ai nhận ra nền cát dưới dân Trần Duy đang dần trở nên lầy lội, bao gồm cả chính hắn!
Nước biển cứ từng bước xâm chiếm bờ cát, và phải đến tận khi mực nước đã dâng lên quá mắt cá chân của Trần Duy, thì hắn mới phát hiện ra mối hiểm họa đang rình rập trong dòng thủy triều dữ dội. Thế nhưng, nước đến chân mới nhảy thì đã quá muộn, huống chi hai chân hắn giờ đã ngập sâu trong những hốc sình lầy, dù muốn nhấc chân lên cũng khó chứ đừng nói chi là nhảy.
Trên trời cao, những cơn gió vốn lặng yên đã lâu chợt nổi lên từng đợt dữ dội, như thể đang bật cười khoái trá vì gã người trần kia đã mắc mưu. Và trong tiếng sóng biển gầm gào, người ta còn mơ hồ nghe thấy cả những tiếng reo hò sục sôi, như một hồi hiệu lệnh bắt đầu cho đợt tấn công dồn dập.
Ngay khi hiệu lệnh được ban bố, hàng ngàn cơn sóng từ ngoài khơi xa liền thi nhau đổ bộ vào đất liền. Đội quân sóng chẳng dữ dội như sét hay liên miên như gió, và nếu so với cả hai thứ trên thì tốc độ của sóng chậm hơn rất nhiều. Thế nhưng, chúng lại rất da đạng và hay biến hóa, và chúng lại còn rất dồn dập. Hay, nói cách khác thì sóng thắng tại sức bền, và giả như có kẻ chống đỡ được những đợt công kích đầu tiên của sóng, thì hắn cũng sẽ chẳng thể kiên trì được bao lâu, bởi sức công phá của sóng sẽ tăng dần theo thời gian, thậm chí đạt đến một mức độ hủy diệt.
Sức mạnh của sóng là không thể bàn cãi, và cách tốt nhất để đối đầu với những cơn sóng chính là né tránh. Thế nhưng, chiêu thức khóa chân của con ngư tinh lại khiến Trần Duy chẳng thể tránh được đi đâu, vậy nên hắn chỉ còn nước đối chọi trực tiếp với những cơn sóng dữ – một biện pháp chẳng lấy gì làm thông minh.
Sóng rút cục cũng đổ ập lên đất liền! Có những cơn sóng lớn cuốn cao gần chục mét, cũng có cả những gợn sóng nhỏ lăn tăn; có những đợt sóng đôi sóng ba, cũng có những đợt sóng đơn độc. Sóng triều dạt dào, sóng trước đè sóng sau, xô sóng sau, huých sóng sau rồi lại cùng ập xuống mục tiêu đã bị khóa chặt.
Từng khối nước nặng hàng tấn thi nhau đổ ụp lên người Trần Duy, tưởng như muốn đè bẹp hắn, nghiền nát hắn, vặn gãy hắn ra thành vô số mảnh thì mới hả dạ. Lại thêm cả những lằn nước táp vào người hắn đau rát, rồi quấn lại, rồi giật ra, đay nghiến lên những vết thương cũ và khắc sâu thêm những vết thương mới. Đã thế, nước biển lại còn có muối, mà cái cảm giác xát muối vào miệng vết thương thì chỉ nghe thôi cũng đã đủ rùng mình, huống chi là phải trực tiếp chịu đựng.
Mới chỉ qua mấy đợt sóng càn, vậy mà toàn thân Trần Duy giờ đã ướt sũng, phù nề vì ngấm nước. Thế nhưng, mặc cho từng đợt sóng mặn mòi gột rửa, những dấu máu đỏ thẫm vương trên quần áo hắn vẫn chẳng thể xóa nhòa; và mặc cho từng đợt sóng điên cuồng đè ép, hai chân hắn vẫn cứ đứng vững trên nền cát lầy lội. Trong trận chiến một chiều này, Trần Duy dù bị rơi vào thế yếu nhưng vẫn kiên cường chống đỡ. Và có lẽ, cái tinh thần bất khuất của hắn cũng đã truyền cả vào những thân tre xung quanh, thế nên, dù mỗi đợt sóng qua đi lại có hàng chục thân tre bị dòng nước cuốn trôi về biển cả, thì vẫn có hàng trăm thân tre mọc lên trên nền cát mềm, phủ xanh cả một dải đất liền nơi đây.
Thế nhưng, biển cả vốn là sân nhà của con ngư tinh, còn Trần Duy lại chỉ là một kẻ ngoại lai - một kẻ thậm chí còn không hiểu rõ về kết cấu của mặt đất nơi đây - thì thử hỏi hắn làm sao có thể chiến thắng được kẻ địch quá đỗi hùng mạnh? Sóng vẫn càn, còn nguyên lực của Trần Duy lại dần cạn. Tốc độ phủ xanh của những cây tre đã dần chậm lại, nhưng sức tàn phá của sóng lại đang trở lên mạnh mẽ hơn. Rút cục, nguyên lực của Trần Duy cũng hao kiệt, thế mà ngoài khơi xa, sóng vẫn cuộn trào mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Thế rồi, sóng chợt ngưng, đột ngột chẳng báo trước! Nhưng, sự biến chuyển của sóng lại chẳng làm người ta thấy lòng nhẹ đi, trái lại, sự tĩnh lặng ấy chỉ càng khiến cho lòng người căng thẳng lo lắng.
Trần Duy cố gắng hít sâu vào một hơi, trong khi ánh mắt hắn lại đang ngước nhìn lên khuôn mặt của kẻ địch. Khuôn mặt ấy chẳng biết đã ẩn đi từ bao giờ, và tầng mây đen lúc này đã phai nhạt như sắp tan biến. Thế nhưng, tại vị trí trước kia vốn thuộc về đôi mắt bão thì giờ lại xuất hiện một cuộn mây cao ngất với bộ dáng y hệt như những gì truyền thuyết đã kể lại về con quái vật xưng bá khắp vùng biển này – con ngư tinh.
Rút cục, gợn mây đen cuối cùng cũng đã tan biến, hay nói đúng hơn, con ngư tinh đã hấp thu toàn bộ số mây đen trên bầu trời. Và có lẽ, do đã tích tụ đủ năng lượng để tung ra đòn hủy diệt, con ngư tinh lúc này cũng chẳng chần chừ thêm mà lao thẳng xuống biển sâu. Ngay khi bóng hình của nó vừa chìm vào trong nước biển bao la, thì mặt biển cũng sôi sục nên như bị ai đun nóng. Thế rồi, từ phía ngoài khơi xa tít tắp, một cơn sóng thần chợt dâng cao, mang theo thứ uy thế cuồn cuộn của một vị bá chủ mà lao nhanh về phía đất liền.
Cơn sóng càng lại gần, thì người ta lại càng cảm thấy run sợ vì thứ sức mạnh ẩn chứa bên trong nó. Cơn sóng ấy cao đến hàng trăm mét, và trải suốt cả chiều dài bờ Định Hải này. Cơn sóng ấy lại còn rất nhanh, chỉ trong mấy cái chớp mắt mà nó đã lướt đi được cả nghìn mét, khiến người ta dù muốn chạy trốn cũng chẳng thể nào thoát. Cơn sóng ấy quá lớn, quá dữ dội. Dù còn cách rất xa nhưng thứ sức ép mà nó tạo ra cho con người ta thật quá khủng bố. Người dân trong làng lúc này chỉ còn biết nhìn về cơn sóng ngoài khơi xa mà thở dài, mà chán nản, mà tuyệt vọng. Có lẽ, sau ngày hôm nay, mọi dấu tích về cái làng chài này sẽ biến mất hoàn toàn khỏi dòng lịch sử. Đáng buồn thay!
Đa số dân làng đã lựa chọn từ bỏ hy vọng, thế nhưng vẫn còn những người đặt niềm tin vào ngày mai, vào tương lai, vào chàng sĩ tử đang đối chọi với biển cả. Loan chính là một người như vậy. Trong cái giây phút mà hầu như tất cả mọi người đều ở yên trong nhà chờ đợi kết cục, thì cô lại chạy về phía biển, chạy về phía chàng sĩ tử kia để tiếp thêm cho hắn một chút niềm tin.
Chẳng hề có một tiếng nói nào, cũng chẳng hề có những lời động viên cổ vũ. Giữa đêm đen, chỉ còn lại những tiếng bước chân dẫm lên nền cát ướt, cùng những nhịp thở đồng điệu giữa cả hai người. Trần Duy thoáng quay đầu lại, và cười – một nụ cười rất tươi trên gương mặt đã trắng bệch vì mất máu và hao hụt nguyên lực. Thế rồi, hắn cũng cất bước chạy. Những bước đầu tiên vô cùng vất vả và gian nan, nhưng rồi chân hắn cũng vào guồng, và bước chạy của hắn cũng ngày càng nhanh hơn, đưa hắn tiến đến gần hơn với biển cả, với con ngư tinh, với cơn sóng dữ.
Bước những bước dài và mạnh mẽ, Trần Duy như đạp lên mặt biển mà đi. Và mặc dù nguyên lực trong thân thể đã chẳng còn bao nhiêu, nhưng hắn lại vẫn cảm thấy bản thân mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vung gióng trúc trong tay chỉ về cơn sóng dữ, Trần Duy chẳng khác nào một vị đô đốc đang vung kiếm chỉ huy quân đội của mình xông về phía kẻ địch. Theo hiệu lệnh của hắn, hàng ngàn cây tre còn trụ lại đột nhiên phóng vọt lên không trung, hóa thành một trận mưa trên tới tấp đổ xuống cơn sóng dữ.
Đòn tiến công thần tốc ấy đã thành công, nhưng hiệu quả mà nó lại chỉ mang tính chiến lược gián tiếp. Sau đợt tấn công, cơn sóng vẫn tiếp tục bước tiến đều đặn như chưa hề bị tập kích. Có chăng, sâu trong lòng sóng lúc này đã có thêm hàng ngàn thân tre xanh biếc, và trên ngọn sóng cũng trôi nổi vô số thân tre đã đã bị cuốn trôi từ khi bắt đầu trận chiến.
Dùng nốt chút nguyên lực ít ỏi còn sót lại trong cơ thể, Trần Duy lại ra sức điều khiển vô số ngọn tre khuấy đảo trong sóng dữ, cố hết sức mình hòng triệt tiêu sức mạnh của cơn sóng. Thế nhưng, lượng nguyên lực còn lại của hắn quá ít, chỉ mới vận đụng được vài giây thì đã tiêu hao sạch. Trần Duy kiệt sức đổ gục xuống mặt biển, và mặt biển bao la thì có bao giờ từ chối bất kỳ ai? Thân thể hắn nhanh chóng bị nước biển cuốn trôi, rồi lại nhấn chìm giữa dòng nước dữ.
Trong cái giây phút tính mạng đang bên bờ nguy ngập này, Trần Duy chợt nghe được hai tiếng thở dài. Một tiếng thở dài tràn ngập tiếc nuối, và một tiếng thở dài uể oải mệt nhọc. Thế rồi, tâm trí hắn chợt trở nên mơ màng, đúng như cái cảm giác khi hắn tiến vào trạng thái “hòa cùng thiên nhiên” dạo trước. Trong lúc đầu óc hắn còn mơ hồ, thì hắn chợt nhìn thấy một bóng rồng xanh biếc, và cũng nghe thấy một tiếng rồng gầm đầy oai nghiêm. Tất cả những điều ấy chỉ diễn ra trong nháy mắt, rồi sau đó cả thế giới như cũng chìm vào im lặng trong dòng cảm nhận của chàng sĩ tử. Tiếng sóng biển, tiếng rồng gầm, tiếng sấm, tiếng gió… Tất cả đều đã lùi xa! Thứ cuối cùng mà hắn nhìn thấy trước khi bất tỉnh chính là một bóng hình, một bóng hình nhỏ nhắn nhưng cũng căng tràn nhựa sống của tuổi thanh xuân – Loan!
Mà hình như trước khi chìm vào hôn mê, Trần Duy còn cảm nhận được một điều gì đó rất dịu ngọt thì phải!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.