Cẩm Tú Kỳ Bào

Chương 6: Tai nạn giao thông




Nói xong câu đó, trong phút chốc sắc mặt người lái xe trở nên trắng nhợt, đôi môi không ngừng lập bập, giọng nói run rẩy: "Tôi nhớ ra rồi, tôi không nhìn thấy chân cô ta! Tôi không nhìn thấy chân cô ta! Cô ta, cô ta, cô ta không phải là người, cô ta bay đến đó!".
"Cái gì? Tiểu Cổ chết rồi?", tôi kinh ngạc, điện thoại suýt nữa thì rơi tuột khỏi tay.
"Phải, Tiểu Cổ chết rồi. Chị, Tiểu Ảnh, Tiểu Cổ chết rồi! Hu hu...".
Trong điện thoại vang lên tiếng khóc nghẹn của Úy Bân. Từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng thấy nó rơi nước mắt, đây là lần đầu tiên Úy Bân khóc trước mặt tôi. Từ khi còn bé nó đã là một đứa trẻ bướng bỉnh, còn nhớ hồi nhỏ dù bị tôi bắt nạt đến thế nào, hoặc là để bảo vệ tôi tới nỗi bị bọn đầu gấu trong trường đánh đến sứt đầu chảy máu, nó cũng không bao giờ khóc. Còn giờ đây, Úy Bân đang khóc, khóc đến mức như tim gan cũng đang vỡ nát cả ra, mỗi tiếng khóc đều như một mũi kim xuyên thẳng vào trái tim tôi. Trong dạ dày lộn tùng phèo, tim nghẹn lại tới mức phát sợ, tôi vội vàng lấy tay trái giữ lên ngực, tựa đầu vào đầu giường, vẫn chưa tỉnh táo trở lại sau khi nghe cái tin Tiểu Cổ chết.
Ở máy bên kia Úy Bân đang gọi lẫn lộn tên tôi hay tên Tiểu Cổ, tôi cố gắng làm cho mình trấn tĩnh lại.
"Úy Bân, em đừng khóc, chị sẽ lập tức đến Lệ Giang bây giờ, lập tức đến ngay có được không?".
Tôi vốn định hỏi nó xem Tiểu Cổ đã chết như thế nào, nhưng khi nghe thấy tiếng nghẹn ngào đầy đau đớn của Úy Bân thì không còn hỏi được câu gì nữa, chỉ đành an ủi nó, hận một nỗi không thể bay đến Lệ Giang ngay lúc đó.
"Nhân Nhân, đừng rời bỏ anh! Hu hu... Tiểu Ảnh, Cổ Nhân Nhân cô ấy đi rồi. Đều là vì em không tốt. Tất cả là tại em!".
Úy Bân lại không tướng lên. Giọng nói của nó cứ bị ngắt quãng giữa chừng, sau đó trong điện thoại vang lên tiếng uống nước ừng ực, tiếp nữa là một chuỗi âm thanh nghe như tiếng vỏ chai lăn trên sàn.
"Úy Bân, em đừng uống rượu nữa được không? Tỉnh táo một chút đi! Được không? Chị sẽ đến đó ngay lập tức".
Úy Bân không trả lời mà dập máy. Nghe những âm thanh báo bận đó, tôi bỗng nhiên hoang mang, cảm thấy như đang bị vô vàn những nỗi sợ hãi khủng khiếp vô tri vô hình bao vây xung quanh mình, cho dù tôi chạy trốn thế nào, xoay chuyển đến thế nào thì cũng không sao thoát ra được, giống như những ảo ảnh xuất hiện trong nhà tắm ngày hôm qua vậy. Ngồi co ro trên đầu giường, mồ hôi lạnh trên trán chảy dần xuống má tôi, đi qua cổ rồi khô lại. Nhiệt độ những vùng cơ thể mà giọt mồ hôi đi qua nóng tới mức làm nó bốc hơi, nhưng tôi thì càng ngày càng lạnh.
So với những thứ mà tôi mơ thấy thì chuyện này còn khiến tôi sợ hãi, hoang mang, bất lực hơn nhiều. Tôi ngấm ngầm cảm thấy cái chết của Tiểu Cổ có liên quan đến tấm áo xường xám kia. Trước khi nhìn thấy nó, tôi vẫn không tin vào câu chuyện truyền miệng ấy, nhưng giờ đây, khi có người mình biết trải qua sự khủng khiếp đó, tôi không thể không tin nữa. Lúc này trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất, không thể để những người thân, bạn bè xung quanh mình gặp phải độc thủ của nó. Tôi phải cứu họ. Nếu như bắt buộc phải chết, tôi cũng chấp nhận, nếu là người chết đầu tiên thì tôi sẽ không còn phải chịu nỗi đau mất mát nữa.
Bởi có khi người phải đau đớn đầu tiên sẽ là người được giải thoát đầu tiên.
Gọi điện thoại đặt xong vé máy bay đến Côn Minh, khoảng mười giờ vé mới được đưa đến, tôi tranh thủ khoảng thời gian trống để chuẩn bị hai bộ quần áo mang đi. Khi sắp xếp xong xuôi, mặt trời mới bắt đầu ló rạng từ đằng đông.
Tôi bấm máy gọi điện cho Vân Phong.
"A lô...", người nhận điện thoại của anh ấy là nữ, nghe giọng khàn khàn đầy vẻ uể oải, giống như đang ngủ bị người ta đánh thức vậy.
"A lô?".
Tôi siết chặt điện thoại, hơi thất thần rồi lập tức hiểu ra điều đó có nghĩa là gì, dù trong lòng vẫn hy vọng vào một vận may. Tôi nghĩ chắc chắn mình đã gọi nhầm máy, nên đưa điện thoại xuống nhìn lại màn hình, rõ ràng trên đó còn hiển hiện số máy của Vân Phong. Cắn môi, hít một hơi thật sâu đè nén cơn hoảng loạn trong lòng mình xuống, tôi hỏi:
"Xin hỏi Lý Vân Phong đâu?".
"A! Là Tiểu Ảnh à? Mình là Thanh Lâm đây. Đêm qua cả hội bọn mình đi ra ngoài chơi, Vân Phong nhà cậu để quên điện thoại trong túi xách của mình". Bên đó vang lên giọng nói vui vẻ của Thanh Lâm, xem chừng cô ấy đã tỉnh ngủ hẳn rồi. Tôi thầm thở phào một tiếng, bởi vì Thanh Lâm, Vân Phong và tôi là bạn thân hồi đại học, Thanh Lâm và Vân Phong thân thiết với nhau như anh em ruột vậy. Hơn nữa gia đình Thanh Lâm và gia đinh Vân Phong cũng có quan hệ làm ăn, từ nhỏ đã quen biết nhau. Theo như lời Thanh Lâm nói, nếu có chuyện gì với nhau thì cũng đã có từ lâu rồi, nào đợi đến lượt tôi? Thế nên tôi có thể không tin tưởng bất cứ người con gái nào, nhưng riêng Thanh Lâm thì tin một trăm phần trăm, thậm chí còn thường xuyên nói đùa rằng bọn họ có thể coi như bạn thanh mai trúc mã được.
"Vậy thì để mình gọi đến nhà anh ấy. Thanh Lâm, nhà mình có chuyện rồi, mình phải đi ngay đến Lệ Giang bây giờ".
"Hả? Là chuyện gì?", Thanh Lâm vội vàng hỏi ngay, liền đó là một tiếng rên "ai da" như vừa va phải thứ gì. Tôi nghe thấy tiếng chuông leng keng vang lên rõ mồn một ngay sau đó, âm thanh này không thể quen thuộc hơn, là tiếng chuông gió. Ba đứa chúng tôi có một chiếc chuông gió giống hệt nhau, tôi và Vân Phong đều treo ở đầu giường, còn Thanh Lâm vì thích nghe thấy tiếng chuông trong trẻo cả khi đang ngủ nên treo ngay bên ngoài cửa sổ. Chỉ cần hơi có gió nhẹ thổi qua, cũng có thể nghe thấy tiếng chuông, tuy nhiên hiện giờ Thanh Lâm đang ngồi trên giường nghe điện thoại nên việc tôi nghe thấy tiếng chuông gió rõ ràng đến vậy thực không dễ chút nào. Nhưng khi đó tôi quả thật không còn tâm trạng đâu để lưu ý đến những chuyện vặt vãnh như vậy nữa.
"Chờ khi về mình sẽ nói rõ! Bây giờ mình đang thấy rối bời!".
"Yên tâm đi Tiểu Ảnh, bất kể xảy ra chuyện gì thì vẫn còn có tụi mình. Biết chưa?".
Nghe Thanh Lâm nói vậy, tôi thấy mũi cay cay, suýt chút nữa thì rơi nước mắt. Giờ đây tình cảnh của tôi còn bất lực hơn cả người đang đuối nước nữa kìa. Bị rơi xuống đầm lầy, ngay cả nhúc nhích cũng không nổi, chỉ có thể giương mắt nhìn bùn nước dần dần nhấn chìm mình, sau đó nuốt gọn lấy. Câu nói của Thanh Lâm khiến tôi tìm được một điểm tựa, dù rằng cũng chẳng thể giúp được gì song trong giờ phút này đối với tôi mà nói, tình bạn và tình thân đều đáng quý vô cùng.
"Ừ, mình biết rồi. Khi nào lo liệu xong mình sẽ về kể đầu đuôi cho cậu".
Vân Phong nghe điện thoại nói muốn đưa tôi đi, song tôi từ chối. Thực ra trong lòng rất muốn anh ấy đi cùng, nhưng tôi sợ, tôi luôn cảm thấy bất an, sợ sẽ có chuyện gì đó xảy đến với anh. Dù rằng trong những câu chuyện tôi được nghe từ trước đến nay, người chết đều là nữ, nhưng tôi vẫn không hoàn toàn tin vào điều đó. Cũng giống như việc người chết đều là cô dâu vậy, cái chết của Tiểu Cổ khiến cho tôi ý thức được rằng oán khí của nó hiện giờ đã không còn giới hạn với riêng các cô dâu. Ngoài việc sợ sẽ có chuyện xảy ra với Vân Phong, trong tiềm thức của mình, tôi cũng không muốn anh biết điều gì cả. Còn nhớ lần đầu tiên đến nhà Vân Phong, chỉ ba ngày sau mẹ anh đã tìm hiểu hết ngọn ngành hoàn cảnh gia đình tôi, ngăn cản không cho chúng tôi qua lại với nhau. Mẹ anh là một người mê tín, bà cho rằng những người trong gia đình tôi đều không lành. Chẳng dễ dàng gì để được gia đình anh chấp nhận tình yêu đó, nếu bây giờ lại xảy ra chuyện gì rắc rối, chắc chắn chúng tôi chỉ còn đường giải tán. Một người kiêu hãnh như tôi cũng không thể không cúi đầu để chấp nhận những ánh mắt và cách nghĩ của thế tục.
Chẳng dám nghĩ ngợi thêm nữa, chỉ mong chuyện này có thể nhanh chóng kết thúc, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào khả năng của bản thân tôi, liệu có thể vãn hồi mọi thứ?
Tôi nhớ đến Đường Triêu, người đàn ông thông hiểu về siêu nhiên đó.
Bấm số máy của anh ta, song điện thoại đã tắt. Vì vẫn còn ba tiếng nữa vé máy bay mới được đưa tới nên tôi gọi xe đi đến cửa hàng đồ cổ của Đường Triêu.
Cửa hàng đang mở, thấy một người đàn ông chừng sáu mươi tuổi ngồi trên chiếc ghế chạm bằng gốc cây, tôi hỏi:
"Bác ơi, Đường Triêu có ở đây không ạ?".
"Đường Triêu à?", ông già ngẩng đầu lên nhìn tôi bằng đôi mắt đã đục ngầu, một lát sau mới nói: "Cậu ấy đi ngoại tỉnh rồi!".
"Đi ngoại tỉnh ạ? Nhưng hôm qua cháu vẫn gặp anh ấy mà! Không thấy anh ấy nói gi".
"Nhà cậu ấy ở ngoại tỉnh, hiện giờ sức khỏe mẹ cậu ấy không ổn nên muốn Đường Triêu về một chuyến. Tôi chỉ được nhờ đến đây trông nom cửa hàng thôi".
"Vậy khi nào anh ấy quay lại ạ?".
"Không quay về ngay đâu. Nếu có chuyện gì cô cứ nói với tôi, tôi sẽ chuyển lời đến cậu ấy".
"Cảm ơn bác, cháu sẽ tự gọi điện thoại di động cho anh ấy".
"Được!". Nói xong, ông ta cụp mắt xuống, không nhìn tôi nữa mà tập trung vào việc pha trà. Thái độ tiếp khách lạnh nhạt quá thể, cũng còn may là việc kinh doanh ở cửa hiệu đồ cổ cũng vắng vẻ, chứ nếu là ngành hàng khác, chắc chắn khách khứa sẽ bỏ đi hết vì thái độ của ông ta.
Không tìm được Đường Triêu, tôi đành nhanh chóng quay về.
Khi về tới nhà, tôi nói với bà muốn đi Lệ Giang du lịch. Bà rõ ràng rất vui, nói tôi đáng lẽ phải nghỉ ngơi từ sớm hơn rồi, sau đó lại còn giúp tôi chuẩn bị hành lý. Khi nhìn thấy những thứ đồ đơn giản mà tôi mang đi, bà chau mày hỏi tôi định đi bao lâu mà chỉ mang theo ít thế, trông bộ dạng bà như muốn tôi đi chơi thật lâu vậy. Tôi cố gắng nở nụ cười, nũng nịu với bà rằng hành lý nặng quá thì không xách được, sau đó còn cố ý nói bà không thương tôi, con nhà người ta khi ra khỏi cửa đều được dặn dò là về sớm, làm gì có ai giống bà lại chỉ ra sức đuổi cháu đi cho lâu? Bà nghe thấy vậy không thể không bật cười, ôm lấy tôi với vẻ cực kỳ yêu chiều và chúc tôi đi đường thuận lợi, vui chơi thỏa thuê hết sức mình. Sân bay ở cách nhà tôi khá xa, nên tôi nhất quyết không cho bà đi tiễn, khi ra đến cổng khu đô thị bà liền quay về.
Lúc đã ngồi trên máy bay, trong đầu tôi vẫn là hình ảnh bà lập cập quay về. Tôi là một người nhạy cảm tới mức hay buôn lo vô cớ, có lẽ là vì những năm tháng tuổi thơ không được trọn vẹn, nên hễ khi có một chuyện gì đó không tốt xảy ra, tôi lại nghĩ ngay đến điều tồi tệ nhất. Trong ba giờ đồng hồ ngồi trên máy bay, trong đầu tôi gần như chỉ toàn những ý nghĩ nếu như tôi chết, thì bọn họ - những người thân, bạn bè tôi liệu có rơi nước mắt hay không? Tôi cứ nhẩm đếm tên từng người một trong đầu, lòng thấp thỏm không yên.
Vừa tới Côn Minh tôi liền chuyển sang đi ô tô đến Đại Lý. Cảnh sắc Vân Nam vô cùng hấp dẫn, bất kể là Côn Minh hay Đại Lý đều cực kỳ diễm lệ. Đại Lý là một nơi mà từ trước đến nay tôi vẫn ao ước được tới thăm, vùng đất không rộng lắm nhưng từng là một quốc gia với bao nhiêu câu chuyện liên quan đến lịch sử đã được thêm thắt những ý vị phong tình. Thế nhưng hôm nay đến đây tôi lại không có tâm trạng đâu mà thưởng thức, mỗi sắc màu, mỗi con người trong mắt tôi đều đã biến thành hai màu đen trắng đầy buồn đau.
Khi tôi từ Đại Lý đến Lệ Giang đã là chiều tối. Gọi điện thoại cho Úy Bân, vẫn trong tình trạng tắt máy. May mà dù buồn phiền nhưng tôi vẫn giữ được sự tỉnh táo, gọi đến ảnh viện của Úy Bân mới biết được nó đang ở khách sạn Hoa Khê. Một bé gái nhiệt tình người Lệ Giang đã đưa tôi đến đó, đi lòng vòng qua phố xá, tiếng giày cao gót gõ lộp cộp trên nền đá xanh lát đường nghe hay lạ thường.
Cô bé người Lệ Giang chừng sáu tuổi đó tỏ vẻ xấu hổ, nói với tôi bằng thứ tiếng phổ thông hơi cứng:
"Chị ơi, giày của chị đẹp quá, giống như giày thủy tinh vậy. Mẹ em bảo là đến khi hai mươi tuổi mới được đi cơ!".
Nhìn vào khuôn mặt thanh khiết đó, tôi dù có đang buồn thương đến mức nào cũng không thể nhẫn tâm lạnh nhạt được, bèn cố gắng nặn ra một nụ cười:
"Phải đấy, mẹ em nói vậy là đúng đấy. Em còn nhỏ quá, đợi lúc lớn lên hãy đi giày cao gót".
Cô bé ấy còn hỏi tôi mấy chuyện ở thành phố lớn nữa, nhưng tôi không thể nào tập trung tinh thần được, chỉ đành "à, ờ, ừ" đáp lại. Một lát sau cô bé cũng cảm giác thấy tôi đang để hồn vía tận đây nên cũng trở nên im lặng.
Khi đến khách sạn Hoa Khê, tôi rút từ trong ví ra một tờ năm mươi tệ cho cô bé, song cô bé đỏ mặt nói không cần. Sau cùng vì tôi cố ép bằng được nên cô bé cũng cầm lấy, trước khi đi còn kéo tay tôi nói:
"Chị ơi, chị là người tốt! Quan Âm bồ tát sẽ bảo vệ chị".
Câu chúc của cô bé hết sức chân thành khiến không ai có thể nghi ngờ gì. Nhưng tôi rất muốn hỏi, ông nội chị là người tốt, mẹ chị cũng vậy, vì sao Quan Âm bồ tát lại không bảo vệ họ?
Nhân viên phục vụ trong khách sạn đưa tôi đến phòng Úy Bân. Nó ngồi ngủ gục giữa một đống vỏ chai, khuôn mặt trắng nhợt, thấp thoáng ngấn nước, lông mày cau lại, râu ria lởm chởm, trông khác biệt hẳn với vẻ đẹp trai thường ngày, khiến tôi thấy đau lòng. Tôi ngồi xổm xuống, khẽ vỗ lên khuôn mặt Úy Bân: "Úy Bân, chị đến rồi. Úy Bân, tỉnh dậy đi!".
Mất một lúc sau Úy Bân mới mở mắt, khi nhìn thấy tôi, nó ôm choàng lấy cổ tôi rồi khóc:
"Chị ơi, Tiểu Ảnh, Tiểu Ảnh, cuối cùng chị cũng đến rồi!".
Thấy Úy Bân khóc, nước mắt mà tôi đã cố nén lại suốt một ngày nay cũng không sao ngăn được nữa, phút chốc đã tràn mi. Tôi nghẹn ngào an ủi nó:
"Phải rồi, chị đến rồi, chị đến rồi! Đừng khóc nữa được không? Đưa chị đến gặp Tiểu Cổ xem nào!".
Tôi đi vào nhà tắm thấm ướt chiếc khăn rồi lau mặt cho Úy Bân, sau đó lấy cho nó một bộ quàn áo sạch trong va li. Khi chọn đồ, tôi cố ý lấy một chiếc áo màu đen. Xuống quầy lễ tân hỏi nhân viên phục vụ thuốc giã rượu xong, tôi quay lên phòng mở điện thoại của Úy Bân. Vừa bật máy đã có cuộc gọi đến, tôi thấy Úy Bân vẫn còn đang thay quần áo trong nhà tắm bèn nhận cuộc gọi:
"A lô!".
"Nhân Nhân nhà chúng tôi ở bệnh viện nào?". Bên kia máy là giọng điệu bi phẫn của một người đàn ông, tôi đoán ra ngay là người nhà Tiểu Cổ.
"À...", tôi còn chưa kịp phản ứng, Úy Bân đã thay xong quần áo rồi đi từ nhà tắm ra. Tôi đưa điện thoại cho nó.
"Ở bệnh viện Lệ Giang. Cháu sẽ đến đó ngay bây giờ!". Úy Bân tắt máy xong liền kéo tôi đi.
Trong nhà xác của bệnh viện Lệ Giang, tôi trông thấy Tiểu Cổ. Khuôn mặt con bé đã bị mũi xe cày nát không còn ra hình người, hộp sọ hình như bị vỡ toác, vầng trán đầy đặn trước kia giờ đây lõm sâu xuống. Bên dưới tấm drap màu trắng là cơ thể trần truồng của Tiểu Cổ, cơ thể đã trở nên khó coi đến khủng khiếp, trông thê thảm tới mức khiến người ta muốn nôn. Tôi không làm sao tìm được một mối liên hệ nào giữa thi thể đó với cô gái hoạt bát đáng yêu hơi chau mày khi uống cốc trà Phổ Nhị trong cửa hiệu của mình.
Bố Tiểu Cổ vừa trông thấy Úy Bân đã vung tay tát thẳng một cái. Úy Bân không đỡ lại, thậm chí còn tiến đến gần ông ấy, vừa khóc vừa gào lên:
"Bác đánh đi, đánh chết cháu thì càng tốt! Như vậy thì cháu và Nhân Nhân có thể ở cạnh nhau".
Mẹ Tiểu Cổ và tôi cũng vừa khóc vừa tách hai người bọn họ ra. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đứa em mình thành thực, đau buồn và suy sụp đến vậy. Bố Tiểu Cổ bị mẹ con bé kéo ra đằng sau liền ngồi thụp xuống đất vừa khóc vừa nói:
"Nó vẫn còn trẻ như vậy, sao có thể xảy ra chuyện này kia chứ? Nó còn chưa lấy chồng...".
Không ai trả lời ông ấy, bởi tất cả mọi người đều không biết phải trả lời thế nào. Việc duy nhất mà bốn người chúng tôi có thể làm chỉ là khóc, thỏa sức gào khóc.
Ở trụ sở của cơ quan cảnh sát giao thông, chúng tôi gặp người lái xe gây ra sự cố. Vì kết quả kiểm tra nồng độ cồn và an toàn động cơ cho thấy tất cả đều bình thường, nên người ta kiểm tra sức khỏe của ông ấy, song cũng không có vấn đề gì. Duy chỉ có tại hiện trường không phát hiện bất cứ dấu vết nào cho thấy ông ta đã hành động nhằm ngăn tai nạn xảy ra. Người lái xe chừng bốn mươi tuổi đó mặt mày xám ngoét, lặp đi lặp lại một câu với vẻ hoang mang:
"Tôi quả thực không nhìn thấy cô ấy đứng bên lề đường. Quả thực không trông thấy!".
Cuối cùng khi cảnh sát yêu cầu thuật lại hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông ta kể:
"Lúc đó gần mười hai giờ, trên đường rất vắng người qua lại nên tốc độ xe của tôi cũng nhanh hơn bình thường một chút, tuy nhiên không hề vượt quá giới hạn cho phép. Đang lái rất êm, tôi đột nhiên phát hiện có một cô gái đứng ngay giữa đường trước mũi xe chừng hai mươi mét. Tôi bèn đạp phanh, nhưng khi đó phanh không chỉ không ăn mà tốc độ lại càng nhanh hơn. Chiếc xe cách cô gái đó mỗi lúc một gần, tôi không có cách nào khác nên đã đánh lái sang bên trái. Cũng không nghe thấy bất cứ âm thanh nào, chiếc xe đâm vào gốc cây rồi dừng lại. Tôi bị choáng mất một lúc, chắc khoảng chừng một phút, đến khi ngẩng đầu lên nhìn đường, hai bên đều không thấy một bóng người. Liền ngay sau đó có tiếng kêu nói tôi đã đâm chết người, tôi mới nhận ra có một người bị kẹp giữa chiếc xe và cái cây, đầu cô ấy đang mắc trên nắp ca pô. Chuyện là như vậy, còn việc đâm vào cô ấy như thế nào tôi quả thực không biết, tôi không quen cô ấy, tôi còn có mẹ già con thơ phải nuôi dưỡng, dù có thuê tôi cả đống tiền tôi cũng chẳng dám cố ý giết người đâu". Người lái xe càng nói càng kích động.
"Nhưng có nhân chứng nói khi ấy anh đột nhiên đánh quặt tay lái, họ cũng không nhìn thấy người phụ nữ đứng giữa đường mà anh nói tới". Đội trưởng đội cảnh sát giao thông lật hồ sơ vụ án ra, nói.
"Thật mà, thật sự là có một người phụ nữ. Cô ta mặc chiếc áo dài xường xám màu trắng bạc, tóc được quấn lên cao. Bởi vì những người mặc xường xám cũng không hay gặp lắm, nên tôi nhớ rất rõ". Người lái xe vỗ xuống mặt bàn rồi kêu lên: "Đó là sự thực!".
"Người phụ nữ ấy trông hơi đẫy đà, tuy nhiên rất đẹp, da rất trắng, áng chừng thấp hơn tôi khoảng năm phân có đúng không?".
Tôi hỏi người lái xe, trong đầu lóe lên hình ảnh cô ta, thầm nghĩ, nhất định là cô ta.
"Sao cô lại biết? Đúng rồi, chính là người mà cô nói đó, khi tôi chuẩn bị đánh lái cô ta còn cười với tôi, trông bộ dạng rất lẳng lơ". Người lái xe gãi đầu rồi nói tiếp:
"Tôi cũng không biết tại sao ở khoảng cách xa như vậy nhưng khi ấy tôi lại có thể nhìn thấy cô ta rất rõ. Khuôn mặt của cô ta giống như được đặt ngay trước mắt tôi vậy. Giống như... gặp phải ma vậy."
Nói xong câu đó, trong phút chốc sắc mặt người lái xe trở nên trắng nhợt, đôi môi không ngừng lập bập, giọng nói run rẩy: "Tôi nhớ ra rồi, tôi không nhìn thấy chân cô ta! Tôi không nhìn thấy chân cô ta! Cô ta, cô ta, cô ta không phải là người, cô ta bay đến đó!".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.