Đúng lúc này, một tiếng quát to pha lẫn tức giận vang lên:
“Khoan đã!”
Một người mặc thường phục nhưng búi tóc trên đầu như thể một đạo sĩ đi ra từ trong Bách Thảo Đường.
Lý Dục Thần nhìn thấy cách ăn mặc của đối phương, không cần đoán cũng biết, người này chính là giám viện đương nhiệm của Bạch Vân Quan, Bạch Phương Hưng.
Bạch Quân Đường thấy ông ta tới lập tức mừng rỡ: “Anh ba, cuối cùng anh cũng ra rồi, Kính Đình nó…”
Bạch Phương Hưng ngắt lời ông ta: “Anh đã nghe thấy cả rồi, muốn có cổ phần của Bách Thảo Đường à, tuyệt đối không thể!”
“Chú ba…”, Bạch Kính Đình cung kính chào một tiếng.
Bạch Phương Hưng trừng mắt, cả giận nói: “Hừ, cháu còn biết gọi chú là chú ba à?”
“Sao chú ba lại nói vậy ạ?”
“Bạch Kính Đình! Lẽ nào cháu đã quên bố cháu chết như thế nào rồi ư? Cổ phần của Bách Thảo Đường có thể bán cho người khác nhưng không thể bán cho người nhà họ Lý! Nếu cháu dám tặng cổ phần Bách Thảo Đường cho cậu ta thì đó chính là bất hiếu! Là quên cội nguồn!”
Lời này quá nghiêm khắc. Đối với một gia đình thế gia kế thừa nghề y nhiều đời như nhà họ Bạch thì chữ hiếu là quan trọng nhất.
Sắc mặt Bạch Kính Đình hơi khó coi, ông ta muốn giải thích vài câu, nhưng từ trước đến nay ông ta luôn đôn hậu, không giỏi tự biện bạch cho mình, nhất là ở trước mặt chú ba.
Bạch Phương Hưng là em ruột của Bạch Cảnh Thiên, vì thích đạo thuật nên từ thuở nhỏ, ông ta đã xuất gia ở Bạch Vân Quan. Mặc dù đã xuất gia nhưng ông ta chưa từng cắt đứt liên lạc với nhà họ Bạch. Ông ta song tu cả y và đạo, bất kể là y thuật hay đạo thuật, ông ta đều có thành tựu không nhỏ, địa vị ở nhà họ Bạch gần bằng Bạch Cảnh Thiên.
Sau khi Bạch Cảnh Thiên mất, đương nhiên ông ta trở thành người có địa vị cao nhất trong nhà họ Bạch, là người có tiếng nói có trọng lượng nhất. Nếu không phải ông ta là người của Toàn Chân Môn thì vị trí gia chủ không tới lượt Bạch Kính Đình.
Mỗi khi nhà họ Bạch có chuyện lớn gì là mọi người lại mời Bạch Phương Hưng trở về, nghe thử ý kiến của ông ta. Mỗi khi có chứng bệnh khó chữa, Bạch Kính Đình đều khiêm tốn xin chú ba chỉ dạy.
Cho nên trong giới y khoa ở thủ đô có người nói rằng Bạch Phương Hưng mới thật sự là danh y số một thủ đô, thậm chí có người còn nói rằng, y thuật của ông ta thậm chí đã vượt qua cả Bạch Cảnh Thiên năm xưa. Chẳng qua vì đều là người của nhà họ Bạch, ông ta lại là đạo sĩ Toàn Chân, không tranh danh lợi nên mới nhường danh hiệu số một này cho Bạch Kính Đình.
Bình thường, Bạch Phương Hưng cũng hiền lành, chẳng mấy khi mới thấy ông ta nghiêm khắc như thế này, khiến Bạch Kính Đình nhất thời bối rối cúi đầu xuống, im lặng nghe răn dạy.
Bạch Quân Đường đứng bên cạnh nhìn, trong lòng cảm thán, đều là chú, ông ta là chú năm, người ta là chú ba, tại sao lại khác nhau lớn như vậy chứ?
Lý Dục Thần khẽ nhíu mày.
Rốt cuộc anh cũng hiểu vì sao Bạch Phương Hưng tránh mặt mình. Hóa ra là vì nhà họ Lý và nhà họ Bạch có thù oán, nghe ý của ông ta thì cái chết của Bạch Cảnh Thiên có liên quan tới nhà họ Lý?
Hẳn là nhà họ Bạch cũng tham gia vào chuyện diệt cả nhà họ Lý năm xưa?
Anh phải làm rõ chuyện này.
Bạch Phương Hưng thấy Bạch Kính Đình không phản đối, sắc mặt dịu lại, nói: “Kính Đình, cháu là người đôn hậu, một lòng học y, không biết lòng người hiểm ác trên thế gian. Chuyện ngày hôm nay rõ ràng là một âm mưu. Một bệnh nhân kỳ lạ như vậy chưa chắc mấy năm đã gặp một lần, vậy mà đúng lúc này, tên họ Lý kia cũng xuất hiện, cháu không nghĩ tới chuyện bọn họ thông đồng với nhau ư?”
Bạch Kính Đình nói: “Chú ba, cháu cũng đã nghi ngờ như vậy rồi nhưng vừa rồi cậu ta thi triển châm pháp thực sự rất xuất chúng, chuyện này không thể là giả được”.
Bạch Phương Hưng cười gằn một tiếng: “Hừ, châm pháp gì, chẳng qua là chút trò che mắt mà thôi!”