Cây Kim Sợi Chỉ

Chương 3:




Thế nhưng hiện tại, do còn chưa biết giới tính của đứa trẻ trong bụng mình nên chị chẳng thể làm gì được ngoài cố gắng nhẫn nhịn. Oanh buồn chán bỏ đi chỗ khác, chị chụp vài tấm ảnh tự sướng gần khu biệt thự rồi đăng lên trang cá nhân kèm dòng trạng thái cảm thán:
“Lộc vừng nở hoa đẹp quá cả nhà ơi!”
Mới đăng bài mà quá trời người vào bình luận:
“Hoa đẹp người cũng đẹp chị ạ!”
“Uầy! Nhà chị Oanh đấy ạ? Nhà chị to và đẹp quá!”
“Ơ mình không nhầm thì đây là nhà đại gia Trọng Đăng, không ngờ gia thế của chị Oanh khủng vậy.”
“Em ngưỡng mộ chị ghê lắm. Người đâu mà vừa đẹp vừa giỏi lại con nhà trâm anh thế phiệt.”
Sợ bị người hâm mộ khinh thường nên chị Oanh chưa bao giờ dám lên tiếng thừa nhận mình chỉ là một đứa trẻ bị vứt bỏ. Năm Oanh mười sáu tuổi, ba chị vào Nam làm ăn, nghe tin mẹ ở nhà cặp bồ với ông ở đầu xóm liền ở luôn trong đó không về nữa. Khi cuộc tình vụng trộm của mẹ bị bại lộ, bà vợ ông đó nổi điên đốt luôn căn nhà mái lợp lá của chị. Cũng may lúc đó hai mẹ con chị đang đi cấy ngoài đồng, nhà chị ở cuối xóm, cách các nhà khác khá xa nên không ai bị thương cả. Có thể vì muốn trả thù bà vợ, mẹ chị và ông chồng trốn đi cùng nhau ngay trong đêm đó. Chị không biết họ đi đâu cả, cũng hận không muốn tìm hiểu. Chị không bao giờ muốn đi theo vết xe đổ của mẹ mình, trở thành nhân tình của một người đàn ông nào đó. Chị căm ghét trở thành kẻ thứ ba, nhưng trớ trêu thay, cuộc đời lại không diễn ra theo cái cách mà chị mong muốn. Sau khi biết tin nấm lùn đồng ý lấy cậu, ông già cậu đích thân xuống nhà nó thưa chuyện cưới xin. Được sự đồng ý của gia đình nó, ông bắt hai đứa đi đăng ký kết hôn ngay lập tức. Nửa tháng sau, ông già điều một đoàn gần chục siêu xe xuống thành phố làm lễ ăn hỏi, dự định sau lễ ăn hỏi ba ngày sẽ tổ chức lễ cưới. Chị hỏi cậu không cần chọn ngày đẹp à, cậu thở dài lắc đầu, cậu nói:
- Ông già bảo ngày nào rước được nó về thì ngày đó chính là ngày đẹp trời.
Nghĩ lại câu nói của cậu chị lại ứa nước mắt. Câu nói của ông có khác nào rước chị về ngày nào đó chính là ngày âm u? Cũng phải, cái đứa học hành không đến nơi đến chốn như chị sao có thể so sánh được với cô con dâu học nhiều hiểu rộng của ông. Nghe đâu nấm lùn từng theo học hai trường đại học, một trường đào tạo ngành sư phạm và một trường đào tạo ngành Y học cổ truyền. Đứng trên tầng hai của căn biệt thự, nhìn đoàn xe hoa lướt qua mà lòng chị đau nhói. Bữa nay cậu lái chiếc xe màu đỏ đậm, nổi bật đến mức bé Ong cũng nhận ra. Con nhóc kéo tay chị chỉ trỏ rồi khẽ reo lên:
- Mẹ ơi! Xe của ba Hoan kìa! Ba Hoan ơi! Ba Hoan! Ba Hoan nghe Ong gọi không ạ?
- Ba Hoan không nghe thấy Ong gọi rồi mẹ ạ, ba đi mất tiêu luôn rồi. Chắc ba xuống thành phố đi công chuyện đó mẹ. Vẫn còn sớm mà, thương ba ghê!
Tuy ở quê chị Oanh người ta hay phụ huynh là “thầy bu” hoặc “thầy u”, nhưng chị cảm thấy cách gọi đó rất quê mùa nên từ nhỏ chị đã dạy Ong gọi chị là mẹ giống người thành phố. Say này quen cậu Hoan, chị bảo con gọi cậu là ba luôn. Ong của chị năm nay vào lớp một rồi, bé là con ruột của một vị đạo diễn rất nổi tiếng, nhưng anh ta chẳng bao giờ ngó ngàng tới con bé, nó đã luôn tủi thân cho tới khi ba Hoan xuất hiện. Vì nó đi học suốt ngày nên thời gian gặp cậu không nhiều, mỗi lần gặp, nó xin gì cậu cũng mua cho nên nó rất khoái cậu. Nó ngây ngô thắc mắc:
- Mẹ ơi bao giờ ba Hoan lấy mẹ?
Chị Oanh buồn bã đặt tay lên bụng, một đứa nhỏ của chị đã không được sống gần ba ruột rồi, nghĩ đến đứa nhỏ thứ hai cũng phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự, chị uất ức tím tái mặt mày. Chị sợ tâm trạng mình không tốt sẽ ảnh hưởng tới con nên sau khi bé Ong đi học, chị kêu người giúp việc đưa mình đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ thấy sắc mặt chị hơi kém thì khuyên chị ở lại bệnh viện nghỉ ngơi xíu chiều hãng về. Tầm mười giờ sáng, chị chụp một tấm hình mình đang nằm trên giường bệnh gửi cho cậu Hoan. Cậu sốt sắng gọi điện lại nhưng chị không nghe máy. Cậu nhắn tin hỏi han chị cũng không trả lời. Có lẽ vì thế mà cậu ngay lập tức phóng xe về bệnh viện thị xã. Gặp cậu, chị nghẹn ngào nói:
- Em… em vừa bị lên cơn đau tim… cứ tưởng không giữ được đứa nhỏ… em… em sợ lắm…
- Cậu xin… cậu thương…
- Em… em cố ý không nghe máy của cậu… vì em không muốn ảnh hưởng tới công chuyện của cậu… đang đám hỏi mà cậu bỏ về chỉ sợ nhà thông gia giận…
Chị Oanh giải thích, cậu Hoan sĩ diện bảo:
- Giận dỗi cái gì? Gớm! Lấy được thằng rể như cậu là phúc tám đời nhà nó, lấy quyền gì mà giận!
Tuy nhiên gia đình thông gia người ta đâu có nghĩ như cậu. Hôm ấy, khi nhà trai vừa về ông Hậu đã lao vào phòng riêng, giận dữ đập nát hai buồng cau, bà Hà vội vã đóng cửa khuyên nhủ chồng:
- Có gì bình tĩnh mình ơi!
Ông Hậu bình tĩnh không nổi, đứa con gái này khiến ông tự hào bao nhiêu thì cũng lo lắng bấy nhiêu. Mang danh chị cả nhưng luôn bị các em bắt nạt, ngày nhỏ chí ít còn biết khóc nhè để ba mẹ đòi lại công bằng cho mình. Cơ mà càng lớn, đọc càng nhiều sách, hiểu biết càng rộng thì tính cách nó càng trầm ổn. Có đứa con gái xinh đẹp, thuỳ mị, nết na, là mẫu vợ lý tưởng của biết bao ông chồng, từ nhỏ tới lớn đi đâu cũng được người ta gạ về làm con dâu, ông Hậu tất nhiên phổng mũi. Nhưng ông cũng xót xa ghê lắm, ông sợ con hiền quá về nhà người ta bị ăn hiếp. Chưa kể phải gả con gái cho một thằng mất nết, thử hỏi có người ba nào không xót? Ông bực bội quát:
- Trần đời chưa từng thấy cái thằng con rể nào chó má như thằng này. Bà nhà nó chứ, nó là ông vương ông tướng gì mà lễ ăn hỏi người lớn còn chưa thưa chuyện xong nó đã chuồn mất? Nó tính bôi tro trát trấu vào mặt ba vợ nó hả? Con gái người ta cưng nựng bao nhiêu năm, mất có mấy cái tráp trầu cau đã rước đi được rồi mà còn không biết điều! Loại mất nết! Ông đây đếch thèm gả con gái nữa! Còn mơ đi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.