Chàng Thợ Săn Tiền Thưởng Đi Đến Rừng Sâu Núi Thẳm

Chương 1:




Hoàng hôn, trời đang quang đãng chợt đổi sắc, chả mấy chốc đã mưa rào. Kalinger kéo mũ chùm, túm áo khoác, kiên trì giục ngựa trên đường.
Khi màn đêm hoàn toàn buông xuống và mưa ngừng thì Kalinger cũng tới cột mốc đường cắm bên ngoài làng Cây Đen. Trên bìa núi xa xa túm tụm những ngôi nhà nhỏ xíu, có lẽ vì đã muộn cùng trận mưa tầm tã nên không còn khói bếp cũng như ánh đèn, cả ngôi làng im lìm trong bóng tối.
Tới gần làng Cây Đen, Kalinger xuống ngựa. Các ngôi nhà đóng cửa im ỉm, khi anh đi ngang qua, có người tò mò nhìn lén qua cửa sổ. Có đứa trẻ mở cửa thò đầu ra tò mò nhìn Kalinger chằm chằm, Kalinger cười vẫy tay làm nó xấu hổ thụt vào. Sau đó một người phụ nữ đứng trước khe cửa, chắc là mẹ đứa trẻ.
Vừa thấy Kalinger, nàng khẽ “a” lên, quá nửa là hoảng sợ khi thấy Kalinger cầm theo vũ khí. Chiếc áo choàng ướt nhẹp được anh xách lên tay để lộ tấm áo giáp bên dưới, hông cài dao và kiếm bạc thì giắt trên lưng, trên lưng chú ngựa cũng thồ lủng lẳng mấy món vũ khí, phần lớn giấu ở dưới thảm, có chiếc rìu cũ mèn thì thò ra phần cán.
“Phu nhân, cảm phiền bà,” – Kalinger khom mình chào, “Tôi đang tìm một quán rượu tên là Hoan Ca, bà có thể chỉ có tôi không?”
Người phụ nữ chỉ về một phía qua khe cửa, “Bên kia kìa, phía đông của ngã tư ấy, nhưng…”
“Có chuyện gì sao?”
“Nhưng ngài muốn tìm quán rượu tên Hoan Ca ư? Đúng là tên này chứ?”
“Chắc chắn rồi.”
“Nhưng Hoan Ca không phải quán rượu. Chỗ thì đúng ở đằng kia nhưng không phải quán rượu. Ngài muốn mua rượu thì đừng tới.”
Kalinger vừa định hỏi “Vậy đó là gì?” thì bỗng hiểu. Không phải quán rượu mà tên “Hoan Ca” thì chỉ có là chỗ chơi bời. Vị phu nhân trẻ ngập ngừng chắc cũng vì thế. Người Liên lạc chỉ bảo Kalinger tìm đến quán “Hoan Ca” mà không đả động gì về mặt hàng mà quán buôn bán.
Kalinger hiểu ý không hỏi thêm, sau khi cảm tạ vị phu nhân, anh tiếp tục dắt ngựa đến ngã tư.
Đúng theo hướng vị phu nhân trẻ chỉ, “Hoan Ca” nằm ở phía đông bắc của ngã tư, là một ngôi nhà hai tầng to hơn nhà dân một chút cùng mảnh sân cỡ vừa cho ba người trưởng thành. Cửa sổ phòng cũng đóng chặt, bên trong lọt ra vài tia sáng.
Dù là quán rượu hay là “chỗ đó” thì cũng quá im lặng… khác hoàn toàn tưởng tượng của Kalinger, trong nhà không hề “Hoan Ca” tẹo nào.
Kalinger dắt ngựa đến gần, cánh cửa mở toang, chắc hẳn người trong nhà đã nghe thấy tiếng vó.
Mở cửa là cậu bé cỡ mười mấy tuổi trông hơi ngờ nghệch. Kallinger nói rõ ý đồ, cậu bé gật đầu mời vào, còn giúp Kalinger buộc ngựa.
Nhìn đi nhìn lại thì thấy đây vẫn giống quán rượu hơn. Quầy lễ tân đối diện cửa chính, bên cạnh có cầu thang thông lên tầng hai, khu vực bên trái tầng một bày vài bộ bàn ghế gỗ… khác quán rượu thông thường chính là khu vực bên phải xếp một loạt giá sách.
Là giá sách chứ không phải tủ rượu, đèn trong nhà đủ sáng để Kalinger nhìn rõ trên giá chất đầy sách thật.
Vừa thấy Kalinger, một nam một nữ nhổm lên từ băng ghế, nam thanh niên trong bộ quần áo màu mè luống cuống cúi đầu còn người phụ nữ có phần nhỉnh hơn thì khom mình bằng tư thế chào chuẩn mực.
“Kalinger của vùng đất sương giá! Thợ săn ác ma truyền kỳ! Ngài đến là vinh hạnh cho kẻ hèn này!” – chất giọng cao vút của nam thanh niên làm Kalinger hết hồn.
“Ngài uống gì nhé, có thực đơn đây. Tôi đề cử trà đen với đường rang kết hợp kem tươi.” – nữ sĩ chìa ra tấm thực đơn bằng bìa cứng.
Kalinger im lặng một lúc mới lấy tờ giấy nhét trong áo, “Tôi được Hiệp hội thợ săn tiền thưởng giới thiệu, họ nói rằng tôi nên liên hệ với người quản lý trị an ở đây… trong hai người ai là quản trị?”
“Chúng tôi thì không phải nhưng,” – nam thanh niên chà chà tay, “Người quản lý trị an bị thương rồi, đang yếu còn bị bệnh nên không tiếp ngài được đâu. Tôi là một thi nhân lang thang thường trú của làng Cây Đen, cũng cháu trai bên ngoại của quản lý đây.”
Đã “thường trú” rồi còn “lang thang” cái nỗi gì… Kalinger nhìn sang vị nữ sĩ, bà nhấc váy và trả lời, “Tôi là mẹ của thi nhân, là chị của người quản lý và cũng là chủ của quán rượu này. Ngài uống gì không? Nếu chưa chọn được thì thử món đặc biệt trong quý này của chúng tôi nhé?”
Kalinger không khỏi hoài nghi rằng mình đã đến nhầm chỗ. Anh đến theo lời cầu viện, vụ việc rất mơ hồ với độ nguy hiểm được đánh giá cao, không thợ săn tiền thưởng nào trong hội chịu nhận, anh đi một mạch đến đây, qua bão qua mưa nhìn ngôi làng chìm trong bóng tối… đến không khí cũng nhuộm nỗi bất lực và bi thảm của ngôi làng.
Nhưng hiện giờ… nơi này có ác ma thật chứ? Những người này chả có vẻ gì là sợ sệt cả?
Thi nhân thường trú mời Kalinger ngồi xuống, lễ phép giúp anh treo chiếc áo khoác dù đó chỉ là chiếc áo choàng vá chằng vá đụp tẩm đầy nước mưa, trên vai đáp thêm chiếc mũ chùm bằng vải bạt cũ xì được nối với thân bằng chiếc phéc mơ tuya giắt một nửa.
Nữ chủ quán lấy lại thực đơn rồi đi ra sau bếp, Kalinger vẫn chưa chọn món ăn đúng nghĩa nào và có chúa mới biết bà chủ sẽ mang gì ra.
“Chúng ta vào việc chính cái nhỉ,” – Kalinger khoanh hai tay lên bàn, “Giờ thì cho tôi biết mọi người gặp rắc rối gì nào.”
Thi nhân gật đầu, “Rắc rối à? Thật chả ít tý nào. Ví dụ như trong quán chả bán đồ uống có cồn nào nhưng tự dưng mẹ tôi lại bảo chúng tôi nên thêm vài món ít cồn vào, còn tôi thì bảo rằng như thế là mất cả bản sắc của quán rồi…”
“Tôi hỏi rắc rối của làng này cơ mà!”
“A! Đúng đúng đấy…” – thi nhân cười bẽn lẽn, “Chúng tôi đã gửi thư cầu xin sự giúp đỡ đến lãnh chúa, lãnh chúa phái đội quân đến nhưng chả được tích sự gì. Sau đó lãnh chúa lại gửi lời cầu cứu của chúng tôi đến Hiệp hội thợ săn và ta da, ngài có mặt. Giờ thì tôi bắt đầu kể cho ngài đầu đuôi câu chuyện…”
Nói xong thi nhân lấy ra một cây đàn Luýt dưới gầm bàn.
Ôi thôi… Kalinger thầm kêu không ổn với một tay thì đỡ trán.
Nữ chủ quán cũng đi ra, bà cầm một chiếc ly trông giống như bia cùng với chiếc khay nhỏ đựng miếng bánh mì nướng và vài quả mâm xôi. Kalinger uống thử một ngụm, đây không phải bia, cái phần trông như bọt ở mặt trên này thực chất là một món sữa ngọt đến phát sợ được quấy bông lên.
Thi nhân gẩy dây đàn và bắt đầu, “Câu chuyện không chỉ về ác ma mà còn về vị pháp sư tinh linh…”
Làng Cây Đen kiến thiết dựa vào núi, tên cũng lấy của khu rừng lân cận. Trên ngọn núi tiếp giáp với ngôi làng là rừng cây có lá màu nâu vào mùa đông và sậm dần rồi trở thành đen vào mùa hạ, thân cây có màu tối sậm nên dân bản xứ gọi là rừng cây đen. Núi rừng ở đây tối tăm hơn những khu rừng khác đến nỗi ban ngày phải soi đèn mới có thể băng qua. Dù là người thợ săn dũng cảm nhất làng cũng chỉ dám đi tới giữa sườn núi, sâu hơn nữa là lãnh địa của những thứ không thuộc về nhân loại.
Tận sâu trong rừng có một vị pháp sư sinh sống. Các pháp sư thường sống trong các tòa tháp cao còn vị pháp sư này lại sống trong một tòa tháp dựng ngược. Cửa vào tháp là miệng hang động cao nhất của ngọn núi và thân tháp thì lộn ngược ăn sâu vào toàn bộ bên trong.
Lối vào là đáy tháp, chỗ sâu nhất là đỉnh tháp, đi từ “nông” đến “sâu” giống như đường đi xuống địa ngục.
Nghe tới đây thì Kalinger chen vào hỏi, “Cậu đã từng đến chưa?”
Thi nhân đáp, “Chưa, nhưng cậu tôi đi rồi, chính là quan trị an đấy.”
“Ông ta bước vào tháp rồi à?”
“Chưa hề.”
“Thế sao cậu nói…”
“Ông ấy lên tới đỉnh núi rồi. Ngài đừng sốt ruột, để tôi kể tiếp đây mà…”
Nếu có người dân ra khỏi làng Cây Đen và đi lên núi thì chắc chắn đến giữa sườn núi sẽ thấy một rừng cảnh báo. Có bia gỗ, bia đá, vải buộc trên cây, cả mới và cả cũ, có từ xửa xưa không rõ niên đại và cũng có từ thời cha chú để lại.
Mọi cảnh báo đều nhắc nhở về cùng một việc rằng ở trong ngọn tháp của tháp sư có ác ma đang ngủ say.
Ngày xửa ngày xưa, trên mảnh đất mà hiện giờ là ngọn núi đã từng xảy ra một trận chiến long trời lở đất giữa vua của loài ác ma và vua của loài rồng, trận chiến kéo dài suốt mười năm và cuối cùng vua rồng đánh bại được vua ma bằng cách nuốt nó vào bụng. Thế nhưng dù chiến thắng thì trận chiến cũng rút cạn sức mạnh của vua rồng khiến ngài suy nhược. Vua rồng quyết định nằm nghỉ ngơi tại chiến trường và chẳng bao giờ tỉnh lại nữa, cơ thể ngài dần hóa thành núi non.
Ác ma vẫn còn trong bụng vua rồng, tuy rằng nó cũng đã hao kiệt sức mạnh nhưng chưa chết hẳn. Đồn rằng cây cối trong rừng có màu đen sậm chính bởi vì sức mạnh của ác ma không ngừng lây lan ra thổ địa. Nó đang ngủ say đợi chờ một ngày sức mạnh tràn đầy. Một ngày nào đó tỉnh dậy từ giấc ngủ dài và một lần nữa khuấy động thế gian sau trăm ngàn năm yên ổn.
Trước khi có nhân loại đặt chân thì tinh linh đã sinh sống trong núi rừng rồi.
Tinh linh vốn rất thần bí, trong đó thần bí nhất chính là pháp sư tinh linh, họ xây tháp pháp sư trong bụng núi và nghiên cứu về vua rồng và ác ma. Đỉnh của tòa tháp ngược được xây trên đầu của vua rồng, còn thân tháp thì xây dọc từ cổ họng vua rồng xuống dưới, cuối cùng là thông đến vị trí mà ác ma đang ngủ say.
Kalinger lại chen vào lần nữa, “Từ từ đã, vậy chẳng nhẽ rồng ngủ đứng và ngửa đầu chết đấy sao?”
Thi nhân đáp, “Rồng bí ẩn lắm, tôi đã thấy bao giờ đâu.”
“Với lại cũng không hợp lý,” – Kalinger nói, “Vua rồng diệt ác ma, nuốt vào bụng rồi vua rồng chết, biến thành núi… vậy ác ma sao lại không biến thành hóa thạch?”
Thi nhân cúi đầu gảy một tiếng đàn, Kalinger cảm thấy cậu ta đang nghĩ nên kể tiếp ra sao. Thực chất câu chuyện của thi nhân không được mượt mà cho lắm, chỉ biết gảy đàn và kể chuyện suông không gieo vần không thanh điệu, có chăng thì ngữ điệu tương đối du dương thôi.
Thi nhân ngẩng đầu đáp, “Ác ma là sinh mệnh tà ác đến từ dị giới, chắc là không giải thích theo lẽ thường được đâu.”
“Được rồi,” – Kalinger nhún vai, “Vậy bây giờ ác ma tỉnh rồi à?”
“Tôi cảm thấy vẫn chưa.”
“Vậy mấy người tìm tôi làm gì?”
Thi nhân lại gảy đàn, “Nếu vua ác ma tỉnh, nhân gian sẽ chìm vào hiểm họa, làng Cây Đen sao có thể sống an nhàn thế này được cơ chứ? Nói thì nói vậy nhưng chúng tôi cũng đã gặp một ít hiểm họa từ cánh rừng đấy thôi… nên chớ sốt ruột, cứ bình tĩnh. Tôi sẽ kể tiếp cho ngài nghe.”
Núi rừng, vua rồng, vua ma hay pháp sư… tất cả đều chỉ là truyền thuyết, ai cũng biết nhưng đã được trông thấy bao giờ.
Cho đến mấy năm trước, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Vụ việc đầu tiên được ghi chép lại là như vầy: một thợ săn trẻ đang săn lửng, con lửng bị thương bỏ trốn kéo người thợ săn đến ranh giới cảnh báo giữa sườn núi. Vì con lửng có bộ lông hiếm gặp nên thợ săn tiếc rẻ, tuổi trẻ thôi thúc chàng ta không tin vào câu chuyện cổ lỗ sĩ của ngôi làng, chàng thợ săn lờ đi những biển cảnh báo và tiếp tục chạy dọc theo đường núi đuổi theo con mồi. Truy đuổi được một lúc thì thợ săn lạc mất con lửng. Khi chàng muốn vòng trở về thì nghe thấy sâu trong rừng vang lên tiếng gầm khủng khiếp. Đó không thể nào là tiếng lửng và cũng chẳng phải tiếng của sói, cánh rừng không có các loài sư tử, hổ hay báo sói, thứ hung dữ và nguy hiểm nhất chỉ là gấu mà thôi. Thợ săn đã từng gặp gấu và thừa biết cách phải đối phó với chúng thế nào. Chàng đã chuẩn bị sẵn tâm lý và giữ cảnh giác đi xuống chân núi. Rồi đột nhiên phía sau bụi cây rung lên dữ dội, thợ săn ngoái đầu lại và chỉ thấy một cái bóng…
“Là gấu hả?” – một lần nữa Kalinger lại chen vào, “Hay là ác ma?”
“Không phải, đều không phải,” – thi nhân trông thật tự mãn vì người nghe không tài nào đoán được chiều hướng phát triển của câu chuyện, “Thợ săn không thấy rõ, chàng bỏ chạy thục mạng và té xuống núi, lúc ngoái lại thì vật kia đã không đuổi theo nữa.”
Kalinger vuốt cằm ngẫm nghĩ, dân làng không tiếp xúc nhiều, có khi nhìn thấy cũng không biết đó là gì.
Thi nhân tiếp tục kể, “Đây chỉ là chuyện kỳ lạ đầu tiên, người dân trong làng không để bụng lắm. Sau đó không lâu, một chuyện lạ nữa xảy ra…”
Nhân vật chính của câu chuyện kỳ bí thứ hai là một đôi tình nhân. Hôn sự của họ bị cha mẹ phản đối và hai người quyết định đưa nhau bỏ trốn. Nếu cứ men theo đường lớn là có thể tới tòa thành của vị lãnh chúa. Thế nhưng anh trai của cô gái là vệ binh giữ thành còn mẹ của chàng trai thì bán thuốc trong thành, đôi tình nhân sợ đi đường này sẽ bị phát hiện nên họ lựa chọn một con đường khác dù nguy hiểm hơn rất nhiều đó là băng qua rừng.
Đôi tình nhân dắt nhau lên núi, khi gần tới đỉnh, ánh sáng ngày càng mờ và giơ tay thì chẳng thấy rõ năm ngón. Chàng trai an ủi cô gái đừng sợ, thế nhưng chàng còn chưa nói xong thì cô gái đã thét lên kinh hoàng. Ngay trong lùm cây cách đó mấy bước xuất hiện một đôi mắt đỏ lừ nhìn họ chằm chằm. Đầu tiên là đôi mắt, sau đó là những con mắt khác ở những góc tối lần lượt xuất hiện. Chàng trai dũng cảm rút kiếm xông lên thì bị thứ gì đó kéo vào trong lùm cây, cô gái kêu tên người yêu cũng bị một sức mạnh ngáng chân làm nàng ngã xuống và ngất đi vì va phải rễ cây.
Trong cơn mê cô gái tỉnh dậy một lần. Cái cô thấy đầu tiên là một khuôn mặt tuyệt đẹp nhưng nhợt nhạt, sau đó một bàn tay xuất hiện che đi đôi mắt nàng, cô gái trẻ lại thiếp đi. Khi hoàn toàn tỉnh lại thì đôi tình nhân đã trở về làng nhờ một người trẻ tuổi khác mạo hiểm lên núi đưa họ về.
Kalinger hỏi: “Tôi phải xác nhận cái đã, khuôn mặt tuyệt đẹp nhưng nhợt nhạt là cách dùng từ của cậu hay đương sự tả đấy?”
Thi nhân đáp, “Đó là tôi đã giản lược rồi đấy. Cô gái miêu tả mỹ miều hơn nhiều mà tôi nhớ làm sao hết được. Chúng tôi đoán rằng người mà nàng thấy chính là pháp sư, chính là vị pháp sư tinh linh sống trong rừng thẳm đấy.”
“Vậy đôi tình nhân đó thì thế nào?” – Kalinger hỏi.
Thi nhân toét cười hả hê, “Người nhà họ không phản đối hôn sự của họ nhưng không lâu sau hai người tự chia tay rồi.”
“Tôi hỏi thương tích của họ cơ mà, có gì khác thường không?”
“À, việc này à, họ có bị thương gì đâu, chỉ trầy da chút xíu thôi.”
Thi nhân tiếp tục kể câu chuyện xảy ra sau đó.
Trong mấy năm liền, dân làng liên tục gặp nguy hiểm khi ở trong núi, tần suất cũng ngày càng thường xuyên.
Ban đầu là những người thợ săn khó săn bắt hơn bình thường, tiếp đến là những loài động vật vốn nhát gan đột nhiên chủ động tấn công con người, sau đó nữa thì động vật bắt đầu mò vào làng vào mỗi đêm, gia súc gia cầm bị tập kích, chúng không chỉ bị bắt mà đôi khi còn bị cắn chết hay xé xác không rõ nguyên do.
Tới mùa xuân năm ngoái thì một dân làng đã bị tấn công. Người này chạy vào vườn giữa đêm để đào hố giấu đồ và đã bị một loài thú có hình thể nhỏ với đôi mắt đỏ lừ xông vào tấn công từ trong bóng tối.
Tiếng kêu thảm thiết nhanh chóng kéo mọi người đến. Mười chàng trai và bốn cô gái cả thảy – những con người trẻ trung dũng cảm – người cầm dao, người cầm xẻng, người xách cuốc và mang nồi anh dũng chiến đấu với hai con lửng, một con cáo, một con mèo rừng và tám con thỏ hoang.
Động vật chết quá nửa và số còn lại thì bỏ trốn, những chàng trai cô gái dũng cảm cũng thương tích đầy mình, có mấy người mang thương tật vĩnh viễn không thể chữa lành.
Quan trị an báo việc này cho đội cảnh vệ nhưng họ không tin. Thỏ, mèo rừng, cáo và lửng cùng nhau tấn công con người ư? Đến Chúa cũng không tin nổi?
Dần dần, những việc kỳ lạ ngày một nghiêm trọng hơn. Cuối thu năm ngoái lại xảy ra mấy lần tập kích, thứ mọi người trông thấy không còn chỉ là những loài động vật nhỏ với tính cách biến đổi mà cả đến những loài dã thú không rõ hình thù ẩn nấp trong bóng tối.
Dân làng mướn thợ săn từ bên ngoài, những tay thợ săn chuyên nghiệp nhưng chưa phải thợ săn tiền thưởng để đối phố với các loài thú dữ. Có tất cả tám người lên núi, bốn người sống sót trở về.
Cuối cùng thì đội cảnh vệ cũng để ý. Họ phái hai người đến tra xét tình hình, hai người không dám vào rừng. Họ chỉ đưa ra một đề nghị tương đối hữu hiệu là tốt nhất dân làng đừng lên núi và mặt trời lặn cũng đừng rời khỏi nhà.
Hiệu quả thì có đấy nhưng nào phải biện pháp lâu dài. Thợ săn vẫn phải vào rừng săn thú, đâu ai có thể bỏ săn bắn cả đời.
Nhất là khi… đông qua xuân tới, năm nay, cả ban ngày cũng bắt đầu xảy ra tai nạn.
Một số người gặp phải thú dữ từ núi xuống nhưng vì có kinh nghiệm nên không xảy ra cơ sự gì, song cũng có vài người trông thấy những loài sinh vật dị hợm chưa thấy bao giờ luẩn quẩn bên bờ ruộng, vì sợ nên không ai dám đến gần.
Vậy là đội cảnh vệ bắt đầu hành động. Họ phái tiểu đội mười người cùng với quan trị an và năm dân binh trong làng – tất cả mười sáu con người cùng nhau lên núi.
Lần thăm dò này không phải vì tiêu diệt dã thú mà chỉ muốn tìm hiểu nguyên nhân xảy ra biến đổi nên mọi người thương lượng kỹ càng với nhau: Một khi xảy ra chuyện phải bỏ chạy ngay bảo toàn tính mạng.
Và quả nhiên họ gặp phải lũ quái vật. Hình dáng bình thường nhất là con thỏ to cỡ chó sói, còn lại thì đều là những con quái vật mà thậm chí họ không biết chúng thuộc giống loài gì.
Lần này, quan trị an bị thương và giờ thì đang nằm tại nhà. Người của đội cảnh vệ trở về báo cáo và cuối cùng thì lãnh chúa cũng nhận ra tình hình không ổn như ông ta tưởng, nỗi lo lắng lan tỏa đến thành thị.
Vì thế, lãnh chúa quyết định chiêu mộ thợ săn tiền thưởng.
“Thợ săn tiền thưởng” khác với thợ săn chuyên nghiệp thông thường. Họ không nhận những công việc săn hổ gấu hay sói, đối tượng mà họ săn bắt là những kẻ gian ác hay ác ma. Nghe đồn rằng một thợ săn tiền thưởng dày dặn kinh nghiệm có thể tiêu diệt cả một ổ thú nhân, một số thợ săn tiền thưởng khác thì từng tận mất thấy quỷ quái và ác ma.
Lãnh chúa muốn dùng tiền tìm mười đến hai mươi vị thợ săn tiền thưởng, tốt nhất là thêm vài pháp sư. Thực chất biện pháp ổn thỏa nhất là thông báo đến đoàn kỵ sĩ, đó mới là lực lượng chiến đấu đảm bảo nhất, nhưng lãnh chúa không muốn câu chuyện đi quá xa.
Vậy là theo nguyên tắc việc to hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không, lãnh chúa chỉ thông qua Hiệp hội thợ săn lén lút chiêu mộ người mà không thông báo cho các khu vực khác.
Kết quả là thợ săn nhận lời triệu tập chỉ có một mình Kalinger.
Thực ra đã có một vị pháp sư tự do đến và anh ta đề nghị với lãnh chúa rằng nên đốt cả khu rừng, nhưng lãnh chúa quyết định trả anh ta về.
Vậy cớ vì sao mà không ai đến? Kalinger có thể đoán ra phần nào. Ngay khi nhìn thấy giấy tuyển mộ anh đã cảm thấy không mấy người muốn nhận.
Sự việc của làng Cây Đen quả là nghiêm trọng. Người ngoài nghề chỉ thấy các chi tiết lộn xộn không theo quy tắc; còn những người tinh ý thì thừa hiểu rằng càng những vụ việc lắt nhắt thì càng ẩn dấu một nguy cơ nguy hiểm to lớn phía sau.
Nếu ủy thác ghi là: “Ở thành tây có sào huyệt của lũ địa tinh chuyên cướp bóc người qua đường; hay một ổ rồng bỏ hoang trên núi băng đã bị lũ khổng lồ tuyết chiếm giữ…” – những ủy thác rõ ràng rành mạch như vậy không khó giải quyết. Một ổ người khổng lồ tuyết nguy hiểm thật nhưng chỉ cần thợ săn biết chủng loại và hành tung của chúng thì sẽ tính toán được và có phương hướng tác chiến ngay.
Còn trường hợp của làng Cây Đen thì đa số không được các thợ săn để ý. Chi tiết không rõ ràng có thể dẫn đến tình huống lợi bất cập hại. Có thể ẩn chứa nguy hiểm lớn khiến khiến lỗ quá tiền công, hoặc cũng có thể tính nguy hiểm nhỏ nhưng dính dáng đến đạo lý nhân tình.
Song cuối cùng Kalinger vẫn đến.
Nghe xong câu chuyện, Kalinger hỏi, “Lần thăm dò cuối cùng có thương vong gì không?”
Thi nhân đáp, “Vì mục đích là thăm dò và mọi người chủ động bỏ chạy nên không ai liều mạng cả, nhưng vẫn có một binh sĩ bị chết.”
Chỉ có một người chết thì đâu đến nỗi. – lời này quá tàn nhẫn nên Kalinger không nói ra mà dùng cách uyển chuyển hơn, “Có vệ binh tham gia nên thương vong không nghiêm trọng nhỉ.”
Thi nhân đột nhiên nhớ ra, “À không, không phải vì đội vệ binh! Là pháp sư cứu họ đấy chứ?”
“Pháp sư?”
“Thì pháp sư mà tôi nói nãy giờ đó, pháp sư tinh linh, sống trong rừng sâu, trong tòa tháp ngược đấy. Cậu tôi… quan trị an gặp được ngài pháp sư, pháp sư không phải quái vật, là tinh linh thật, một tinh linh sống sờ sờ đấy, không phải ác ma.”
“Kể cho tôi về tinh linh đó đi.” – Kalinger nói.
Thi nhân móc một tờ giấy giấu bên trong áo và vỗ “đét” lên bàn, mặt đầy tự hào.
“Đây này, tinh linh tự tay viết đưa cho cậu tôi, xong cậu tôi giao cho tôi đấy.”
Trang giấy vàng nhạt, dày dặn, trông như xé ra từ một cuốn sổ ghi chép.
Kalinger mở các nếp giấy, ấn tượng đầu tiên là nét chữ rất đẹp. Chữ là chữ phổ thông, nhưng kiểu dáng và nét chữ thì đặc chữ viết của tinh linh. Bởi theo như nét viết thì có thể biết ngay người viết không dùng loại bút lông chim thông thường mà là loại bút mảnh được tạo từ thạch anh, một loại bút rất thông dụng trong giới tinh linh mà kỹ thuật của con ngươi khó mà chế tạo ra được.
Nét chữ tuyệt đẹp, bức thư gọn gàng nắn nót, không một nét sai.
Thư đã thế này thì đoán người viết ấy có dáng vẻ thế nào rồi đấy.
Sau đó Kalinger bắt đầu đọc nội dung.
Trên thư viết:
Gửi trưởng thôn hay già làng hay tù trưởng mẹ gì cũng được.
Bảo lũ dân của ngươi đừng bén mảng vào đây!
Muốn sống hay muốn chết? Chúng ta không cảnh báo nguy hiểm cho các ngươi ư? Nhiều biển báo, rất nhiều biển báo treo cho vui thôi hả?
Mắt các ngươi chỉ để khóc mà không biết đọc chắc? Mù lòa hay mù chữ? Cả làng các ngươi đều mù chữ hay sao? Não các ngươi chỉ để trang trí thôi à?
Các biển báo đều dùng chữ phổ thông! Đều của chính mấy lão già trong làng các ngươi treo, có cách một thế hệ, có cách mớ thế hệ!
Về mà hỏi ông bà cha mẹ nhà các ngươi xem họ có lọc các ngươi ra đánh què cẳng không!
Lần trước có một tên ngu si tứ chi phát triển đòi đến diệt ác ma… đúng là một lũ lợn đầu đen! Đừng để con lợn đầu đen nào đến đây gây rắc rối cho ta nữa!
Ta nhẹ nhàng nhắc nhở các ngươi.
Có lẽ ông bà tổ tiên nhà các ngươi đã từng vào rừng núi, từng tham gia vào câu chuyện gì đó mới để lại cảnh báo… nên các ngươi ảo tưởng rằng các ngươi cũng có thể ư?
Tỉnh lại cho ta nhờ! Đừng đến đây tự sát! Đời khác rồi diễm ơi!
Coi như ta cầu xin các ngươi đừng đến quấy rối ta, càng đến càng sớm chết. Còn nếu các ngươi vẫn muốn tự sát thì cũng chớ có vào! Ở nhà ăn cớt bội thực chết đi!
Nhớ lấy nhớ lấy, cút hết đi! Đừng vào rừng đấy!
Làm ta tức chết chả mang lại lợi lộc gì cho các ngươi đâu!
— Hận các ngươi!
Cư dân trong rừng.
Phần ký tên còn được viết uốn lượn rất đẹp.
“Đây là thư của pháp sư tinh linh đấy ư?” – Kalinger xem xong mà nội tâm không khỏi bị chấn động.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.