11.
Đối mặt với sự thẩm vấn của cảnh sát, tôi chỉ nói: “Hứa Tiêu thấy việc bất bình nên làm việc nghĩa.”
Tôi mở cổ áo, kéo ống tay áo, cúi đầu lộ vết thương khâu bảy mũi trên đỉnh đầu cho họ xem những vết thương chồng chất, sưng tím.
“Vương Vĩ Cương muốn cưỡng hiếp tôi, nếu không có Hứa Tiêu, có lẽ tôi đã chết.”
Nữ cảnh sát nhìn đi chỗ khác, giọng mềm mỏng: “9h20, tổng đài nhận được cuộc gọi chất nổ ở khu nhà, là cô gọi?”
Tôi nói: “Đúng, tối qua tôi nằm mơ thấy một việc khủng khiếp, khu nhà bị nổ tung, thời gian là 9h30 đêm nay.”
Cô ấy nhìn tôi: “Chỉ vì một giấc mơ?”
Tôi giật giật khóe miệng: “Không thì sao? Chẳng lẽ tôi có thể dự đoán tương lai, biết rằng 9h30 sẽ có người cưỡng hiếp mình? Nếu cảnh sát đã điều tra hẳn đã biết, trước đêm nay, tôi và hàng xóm lầu trên không hề có quan hệ cá nhân nào.”
Cô ấy im lặng, thay đổi đề tài: ‘Tại sao trong cặp lại có bình xịt hơi cay?”
Tôi nói: “Tôi bị chứng bệnh ảo tưởng sẽ có người hại mình.”
“…”
Cô ấy tạm ngưng lại, hỏi: “Tại sao Hứa Tiêu đột nhiên xuất hiện?”
Tôi dừng một lúc lâu rồi nói: “Tôi không biết, cô nên hỏi anh ấy.”
Phòng thẩm vấn bên cạnh.
Hứa Tiêu ngồi trên ghế, trả lời cùng vấn đề: “Tôi yêu thầm Khương Ngôn, muốn tỏ tình với cô ấy.”
“Vậy sao cậu lại mang theo gậy bóng chày?”
Hứa Tiêu: “Vì tôi giỏi thể thao, tôi muốn biểu diễn cho cô ấy xem sở trường của mình. Trước mặt người mình thích thì sẽ muốn ‘khổng tước xòe đuôi’ thôi.”
“Lý do này thật gượng gạo.”
Hứa Tiêu đột nhiên cười nói: “Vậy anh nghĩ là lý do gì? Chẳng lẽ tôi có thể đoán trước tương lai, biết tên súc sinh kia đêm nay phạm tội sao?”
“…”
Anh nghiêng người về phía trước, đan tay vào nhau, mang ý mỉa mai: “Nếu tôi thật sự có thể đoán trước tương lai, tôi sẽ không đợi đến bây giờ.”
…
Camera ở cổng khu nhà số 7 đêm nay hoạt động một cách thần kỳ.
Nó đã quay lại được video dài 47 giây.
Gã đàn ông cường tráng giơ chiếc xe đạp đập vào đầu cô gái trẻ, máu bắn tung tóe khắp nơi.
Cô gái ngừng giãy giụa.
Gã đàn ông cởi thắt lưng của mình, xé toạc quần cô bé học sinh, sắp sửa phạm tội.
Mà phía sau có một chiếc bóng im lặng, giơ cây gậy bóng chày lên, đập mạnh xuống.
…
Đồng thời cảnh sát tìm được máy tính xách tay trong nhà Vương Vĩ Cường.
Trong máy tính có một thư mục riêng mà hắn không muốn ai biết, trong đó chứa đầy những suy nghĩ xấu xa của hắn với cô bé 17 tuổi tầng dưới.
Hắn cố tình phá hủy mạch điện đèn đường, hắn muốn cô.
Hắn muốn biến cô thành đóa hoa chỉ thuộc về riêng hắn, vĩnh viễn theo hắn.
…
Cha của Hứa Tiêu là luật sư bào chữa tội phạm hình sự nổi tiếng.
Ông tiếp nhận vụ án của Hứa Tiêu.
Ba Hứa Tiêu lập luận hành vi của Hứa Tiêu là “hành vi chống lại hành động phạm tội bạo lực hiếp dâm, áp dụng hành vi phòng vệ”, cần được nhận định là hành động đúng đắn, thuộc về phòng vệ chính đáng.
Tòa bác bỏ.
Tổng hợp video giám sát, chứng cứ hiện trường, lời khai nhân chứng.
Tòa cho rằng trong thời điểm giải cứu nạn nhân, Hứa Tiêu không lên tiếng ngăn cản hung thủ mà trực tiếp thực hiện hành vi đánh người. Đây là phòng vệ quá mức, bị nghi ngờ là cố ý giết người.
Vì thời điểm này anh đã hơn 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi nên phạt tù có thời hạn 6 năm.
Ba Hứa không chấp nhận, nói ông sẽ kháng cáo.
Nhưng bản án phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
6 năm, 2192 ngày, quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ, anh sẽ trải qua trong bức tường nhà giam.
Tôi cứu bà ngoại, anh đã cứu tôi.
Mà anh thì không thể cứu rỗi.
Ngày đó, tôi ngồi trên bục nhân chứng, nghe thẩm phán tuyên án.
Tiếng búa gõ phát ra âm thanh nặng nề như nện vào ngực tôi, khiến tôi nhận ra sự thật trong tuyệt vọng—
Tôi đấu không lại số phận.
Trong nháy mắt đó, tôi khóc không ngừng, gục xuống bàn thở dốc, cổ họng bị nước mắt lấp kín, mắt nhòe đi.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tôi mà tôi không thể quan tâm nổi, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng trào dâng như cơn sóng thần ập vào tôi.
Mà người thiếu niên kia trong buổi xét xử vẫn luôn thẳng lưng, bỗng nhiên thoáng nhìn qua tôi.
Anh nở nụ cười nhẹ, nói trong yên lặng, “Khương Ngôn, đừng khóc.”
…
Vụ án “thiếu niên giết người do phòng vệ” gây bức xúc dư luận đã đi đến hồi kết.
Cuộc tranh luận về ranh giới giữa “phòng vệ chính đáng” và “phòng vệ quá mức” đã gây xôn xao trong giới luật.
Vô số chuyên gia, học giả và người dân bình thường, hoặc tuân thủ quan điểm pháp lý của mình, hoặc từ đạo đức đơn giản đã đưa ra những cuộc thảo luận kéo dài về việc này.
Có phóng viên định phỏng vấn tôi, với sự giúp đỡ của ba mẹ Hứa Tiêu, tôi và bà ngoại chuyển nhà.
Rời xa phóng viên, cũng rời xa trên lầu đang thắp đèn tang.
Vào một ngày nắng, cuối cùng đơn xin của tôi được chấp thuận.
Tôi đến trại tạm giam thăm Hứa Tiêu.
Mái tóc ngắn nhuộm đỏ của anh đã nhuộm lại màu đen, bảy chiếc khuyên tai sáng lấp lánh cũng bị tháo ra.
Anh ngồi sau tấm kính, mặc áo gilê màu cam, vẻ mặt vô cùng bình tĩnh, thấy tôi còn hơi mỉm cười, như thể không có gì khác trước.
Nhưng không ai có thể bỏ qua chiếc còng trên tay anh.
Vốn đã nghĩ kỹ, tuyệt đối không được mất kiểm soát cảm xúc trước mặt anh.
Thế nhưng, vừa nhìn thấy anh, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào.
Cuối cùng Hứa Tiêu mở miệng trước, giọng lười nhác.
“Khương Ngôn, sao cậu thích khóc thế? Sau này tôi không thể lau nước mắt cho cậu.”
Nước mắt càng rơi dữ dội, tôi vội vàng lấy giấy che mắt lại.
Tôi nói: “Thật sự xin lỗi.”
Hứa Tiêu nói: “Đừng ngớ ngẩn, cậu không có lỗi với ai, là người khác có lỗi với cậu.”
Tôi tì trán vào bàn, bả vai run dữ dội, nước mắt rơi ướt đầu gối.
Anh khẽ gọi tên tôi, “Cậu có thể ngẩng đầu lên không? Tôi muốn nhìn cậu.”
Tôi lau vội nước mắt, lặng lẽ nhìn thẳng anh.
Hứa Tiêu yên lặng nhìn tôi một lúc lâu, sau đó mỉm cười nói: “Mấy vết thương trên người cậu đã lành hẳn chưa?”
Tôi đáp: “Đều là vết thương ngoài da, chúng sẽ lành nhanh thôi.”
Anh gật gật đầu, lại hỏi: “Chuyện này không ảnh hưởng việc học của cậu chứ? Tôi nhớ cậu muốn thi Thanh Hoa.”
Rõ ràng là anh đã mất cơ hội thi đại học, sao có thể nhẹ nhàng bâng quơ như vậy, chỉ quan tâm tương lai của tôi?
Tôi hít một hơi thật sâu, cố kìm những giọt nước mắt muốn trào ra.
Sau đó nói: “Hứa Tiêu, có câu này có phải em từng nói với anh không? Em rất thích anh.”
Hứa Tiêu sửng sốt, nhưng chỉ trong chớp mắt lại nở nụ cười: “Khương Ngôn, cậu thật ngốc. Cậu đã nói vào chiều hôm đó.”
Tôi sốt ruột bám vào tấm kính: “Hôm đó em nói không rõ ràng, em thật sự cực kỳ…”
Người quản ngục ho nhẹ: “Hết giờ.”
Hứa Tiêu đứng lên, đi đến cửa rồi quay đầu lại.
Anh nói thản nhiên: “Khương Ngôn, tôi cũng nói cho cậu một bí mật. Thật ra tôi thích một chị lớp 12, cứu cậu chỉ tình cờ, cậu đừng làm ra vẻ ‘thủ thân như ngọc, lấy thân báo đáp’ kia.”
Tôi gật đầu, cười nhẹ: ‘Dĩ nhiên, em biết anh thích người khác.”
Cửa đóng lại, anh đi rồi.
Tôi từ từ tựa lưng vào tường, khuỵu xuống, cuối cùng có thể lớn tiếng khóc.
Hứa Tiêu năm 2015, có thể anh không biết.
Ở một thời gian và không gian khác, người đã yêu tôi nhiều năm, là anh năm 2023, đã từng như dâng vật quý mà cho tôi xem blog thời cấp 3 của anh.
Có 13 bài đăng dài, ghi lại tình cảm của anh từ năm 2014.
Anh thích cô gái ấy, cô ấy ngồi hàng thứ ba, thích ăn bánh bao thịt bò.
Anh vì cô ấy mà nhuộm tóc đỏ, đeo một loạt khuyên tai, muốn thu hút sự chú ý của cô ấy, mà cô ấy lại hoàn toàn không hay biết.
Mấy anh em khuyên anh đi bày tỏ, anh lại cảm thấy không nên làm trì hoãn việc thi đại học Thanh Hoa của người ta.
Vì vậy quan hệ của hai người chỉ giới hạn ở hàng thứ ba và hàng cuối cùng, thỉnh thoảng khi thu bài kiểm tra từ sau ra trước thì bài chồng lên nhau.
Mãi đến buổi chiều hôm đó, cô ấy bất ngờ xuất hiện trước mặt anh, hỏi anh có thể dạy cô ấy trèo tường không.
Ngoài mặt anh bình tĩnh như nước, trong lòng lại như có trăm hình người nhỏ bé đang múa may.
Cô ấy, tên Khương Ngôn.