Cờ Rồng Tay Máu

Chương 13: Món nợ tình cảm




Ông già xua tay không cho Tư Đồ Sương nói mà quay lại vừa cười vừa nói với Độc Cô Ngọc tiếp :
- Đến giờ lão vẫn chưa biết tên họ của ngươi là chi?
- Tiểu bối họ Đỗ tên Ngọc.
- Đỗ Ngọc! Đỗ Ngọc! Tên này hay lắm. Năm nay bao nhiêu tuổi?
Thấy ông già hỏi như thế, Độc Cô Ngọc ngẩn người ra và nghĩ bụng :
“Ông ta hỏi tuổi của ta như vậy làm chi? Chả lẽ...”
Nghĩ tới đó, chàng rất hổ thẹn gượng cười đáp :
- Năm nay tiểu bối hai mươi.
- Hai mươi ư? Phải, đúng hai mươi rồi!
Độc Cô Ngọc với Tư Đồ Sương thiên hạ ông ta nói như vậy đều ngạc nhiên vô cùng.
Ông già lại thở dài một tiếng, mặt lộ vẻ rất lạnh lùng rồi lại ngắm nhìn Độc Cô Ngọc một cái, mới rầu rĩ nói tiếp :
- Tội nghiệp cho đứa con mồ côi của Độc Cô Vân Phi, có lẽ năm nay nó cũng bằng tuổi của ngươi. Không biết bây giờ nó lưu lạc ở nơi nào?
Nghe thấy ông ta nói như vậy, Độc Cô Ngọc giật mình đến thót một cái, nhất thời cảm khái vô cùng gượng cười hỏi tiếp :
- Nghe lời nói của lão tiền bối, chả lẽ lão tiền bối đã được gặp người con cưng của Độc Cô tiền bối rồi hay sao?
- Không những đã gặp qua rồi mà có một năm, lão già gù này đến chơi nhà lão Độc Cô đã ẵm thằng nhỏ không biết bao nhiêu lần.
Độc Cô Ngọc nghĩ bụng :
“Sao ta không nhớ được năm xưa lại có một ông già lọm khọm như thế này đến làm khách nhỉ? Có lẽ lúc ấy ta hãy còn quá nhỏ nên chưa biết gì...”
Nghĩ tới đó chàng gượng cười và hỏi tiếp :
- Chắc lúc ấy đứa con cưng của Độc Cô tiền bối hãy còn bồng bế phải không?
- Phải! Lúc ấy nó mới lên một. Hà, thời giờ trôi chảy nhanh chóng thực. Thoáng cái đã mười mấy, hai mươi năm rồi, bây giờ có gặp lại, nó cũng không nhận ra được lão bá bá gù này đâu.
Rất mủi lòng nhưng không tiện nói năng gì, Độc Cô Ngọc chỉ ngồi yên mà nghĩ ngợi thôi.
Tư Đồ Sương đột nhiên làm ra vẻ hờn giận nói :
- Cụ này lạ thực, chỉ nói những chuyện đâu đâu ấy.
Ông già lắc đầu đáp :
- Con nhãi này hiểu làm sao được những chuyện đó. Lão thấy những bọn hậu sinh đứa nào cũng trưởng thành, tất nhiên lão phải liên tưởng nhớ tới con của cố nhân chứ!
Tư Đồ Sương không dám nói nữa. Độc Cô Ngọc lại gượng cười và an ủi rằng :
- Cụ không nên rầu rĩ như thế! Cổ nhân nói: người lành sẽ gặp hiền. Quý hồ người con của Độc Cô tiền bối còn ở trên đời này thì thể nào sau này cụ cũng sẽ được gặp lại con của cố nhân.
Lão chắc thằng nhỏ ấy vẫn còn sống ở trên đời này. Năm xưa lão phong thanh nó bị Thanh Thành tứ hữu đem lên Thanh Thành, nhưng bây giờ thì không biết tung tích nó ở đâu? Ngay cả tin của Thanh Thành tứ hữu cũng bặt vô tăm hơi hốt như vậy lão phu không nhớ nhung sao được.
Tư Đồ Sương bỗng xen lời hỏi :
- Nếu cụ gặp lại y có còn nhận ra được không?
Ông già nguýt nàng rồi đáp :
- Tuy lão đã già nữa lẩm cẩm thực nhưng vẫn có thể nhận ra được y vì dưới tai của y có một nốt ruồi đỏ rất rỏ rệt...
Độc Cô Ngọc giật mình đến thót một cái và bỗng tự dưng giơ tay lên sờ tai hồi nào không hay.
Tư Đồ Sương trông thấy cử chỉ của chàng rất ngạc nhiên. Độc Cô Ngọc thấy nàng ta để ý đến động tác của mình vội buông ngay tay xuống.
Ông già bỗng cười ha hả và lớn tiếng nói :
- Nhãi con, muộn rồi!
Tư Đồ Sương bỗng đứng dậy với giọng run run nói :
- Cụ bảo thiếu hiệp chính là...
Ông già cười ha hả đỡ lời :
- Con nhãi ngày thường vẫn tự phụ tài trí hơn người, mà hôm nay không bằng mấy lời nói của củ gừng già này.
Người run lẩy bẩy, mặt lộ vẻ vừa cảm động, vừa kính phục, Tư Đồ Sương cứ đứng ngẩn người ra nhìn ông già gù. Nghiêm nét mặt, ông nhìn Độc Cô Ngọc nói tiếp :
- Không đánh ngươi đã tự xưng, biết điều thì ngươi mau tự nói ra đi!
Độc Cô Ngọc biết không thể nào giấu diếm được nữa, đưa mắt nhìn Tư Đồ Sương và đáp :
- Đến lúc này tiểu bối không dám giấu diếm nữa, tiểu bối chính là Độc Cô Ngọc và cũng chính là con người bạn cũ của cụ đấy.
Thở dài một tiếng, Tư Đồ Sương xen lời nói :
- Sao khéo giấu diếm thế, có biết người ta khổ tâm như thế nào không?
Độc Cô Ngọc gượng cười đỡ lời :
- Vì chưa trả được mối đại thù, mà võ nghệ chưa học thành, bất đắc dĩ mới phải giấu diếm như vậy, mong cô nương lượng thứ cho.
Tư Đồ Sương ngắm nhìn chàng một hồi, rồi cúi đầu xuống không nói năng gì nữa.
Ông già lại lên tiếng :
- Việc đã qua lão già gù này cũng phải nói rõ cho ngươi hiểu. Sự thực lão với cha ngươi chỉ quen biết nhau có một lần thôi, đó là vì vấn đề của Khương Diệu Chân, tên khốn nạn đồng môn của lão và lão tuy đã gặp ngươi một lần, nhưng chỉ thoáng qua thôi chứ không có ấn tượng gì mấy...
Độc Cô Ngọc đột nhiên hỏi tiếp :
- Thế những chuyện cụ vừa nói đó là cụ đặt ra cả đấy à?
- Lão không đặt điều ra như thế thì làm sao mà biết được lai lịch căn bản của ngươi?
Nhưng ngươi cứ yên tâm, tuy lão với cha ngươi không phải là bạn thân nhưng xưa nay lão vẫn ngưỡng mộ võ học và hành vi của cha ngươi. Còn mối tai họa là do tên đồng môn bại hoại gây nên, dù sao lão cũng phải gánh vác một chút trách nhiệm, nên việc của ngươi lão thể nào cũng phải giúp cho. Lão hãy hỏi ngươi câu này, ngươi biết Long Phan lệnh chủ là kẻ đại thù của ngươi có phải là nghe Thanh Thành tứ hữu nói đấy không?
- Vâng! Chính bốn vị thúc thúc ấy nói!
- Âu Dương Vĩnh Hán, Nam Cung Thanh Hiểu, Tư Đồ Vĩnh Hoa và Hoàng Phủ Mộng Chân, tuy bốn người này có tiếng rất xấu ở trong võ lâm nhưng lại là bạn thân của cha ngươi. Vả lại rất trung thành nghe lệnh của cha ngươi, họ đã nói như thế ắt không sai lầm đâu. Thế còn ngươi vừa nói mấy người phụ chấp kia là ai?
Độc Cô Ngọc rầu rĩ đáp :
- Chính là bốn vị thúc thúc của tiểu bối đấy.
Ông già giật mình kinh hãi, biến sắc mặt hỏi :
- Sao lại là chúng? Vì lẽ gì chúng lại bị chết như thế?
Không sao cầm lòng được, nước mắt nhỏ ròng ròng xuống hai má, Độc Cô Ngọc rầu rĩ đáp :
- Vì đau lòng quá nỗi và lại không có sức để trả thù cho tiên phụ nên họ đã xếp đặt kế phục thù cho tiểu bối rồi cùng nhảy xuống vực thẳm ở trên núi Thanh Thành tự tử.
Độc Cô Ngọc kêu ngạo thực, không muốn nhờ người khác trả hộ món nợ máu cho mình, cho nên chàng giấu diếm không nói chuyện Thanh Thành tứ hữu bị Vũ Nội nhị quân đánh bại lần thứ hai cho ông già nghe.
Thần sắc đã biến đổi hẳn, người run lẩy bẩy, ông già gật đầu thở dài nói tiếp :
- Sống làm anh hùng, chết làm anh linh, cảm trời động đất, quỷ khóc thần sầu, có ngờ đâu tiếng tăm bừa bãi như Thanh Thành tứ hữu mà lại là những người có huyết tình như thế. Lão già gù này cũng phải kính phục chúng.
Độc Cô Ngọc lẳng lặng cúi đầu xuống, ông già thấy thế thở dài một tiếng nói tiếp :
- Việc ấy đã qua, còn đau lòng làm chi vô ích. Ngươi nên để những sự phẫn uất ấy biến thành sức lực hùng mạnh để trả thù thì lo gì mà chả được gặp lại các tiền nhân ở dưới suối vàng.
Đột nhiên ngửng đầu lên, Độc Cô Ngọc cố nén sự đau đớn và trang nghiêm đáp :
- Đa tạ tiền bối đã chỉ điểm cho như vậy thể nào tiểu bối cũng phải giết chết được kẻ thù, lấy lại được món nợ máu mới thôi.
- Tuy lão dư biết không phải là kẻ địch của kẻ đại thù của ngươi nhưng lão cũng sắp chết đến nơi rồi, lão không còn coi sự sống chết vào đâu hết. Khi nào ngươi cần đến lão thì cứ việc gọi một tiếng, lão già gù này có phải hy sinh tính mạng vì ngươi đi chăng nữa cũng không tiếc. Nhưng ngươi nên nhớ rõ là ngươi chỉ nên trả thù cho cha thôi, còn cái chết của Khương Diệu Chân là đáng lắm, không nên nhắc nhở tới. Hơn nữa nếu không phải vì Khương Diệu Chân thì có khi nào gia đình họ Độc Cô nhà ngươi lại bị khốn khổ như thế? Y thị có khác gì là kẻ thù giết mẹ ngươi không?
Độc Cô Ngọc nghe thấy ông ta nói như thế rất động lòng mà đỡ lời :
- Cảm ơn lão tiền bối đã có lòng như vậy, vãn bối xin tâm lãnh vì việc báo thù là bổn phận của người con, tiểu bối không dám nhờ vã tay ai hết. Tuy hành vi của Khương tiền bối không thích đáng nhưng bà ta đã chết rồi, tiểu bối không dám trách cứ bà ta nữa. Vả lại, dù sao tiểu bối vẫn coi bà ta là mẹ đẻ... giờ tiểu bối chỉ biết mối huyệt cừu của cha mẹ chứ không nghĩ đến chuyện khác nữa.
Tư Đồ Sương vừa nghe vừa gật gật đầu khen ngợi. Ông già cũng gật đầu như vậy và thở dài một tiếng rồi nói tiếp :
- Ngươi là người có thiên tính nhân hậu, bụng dạ hơn người, thực là người thứ nhất mà trong đời lão đã gặp gỡ. Nếu Khương Diệu Chân ở dưới chín suối hay biết cũng phải hổ thẹn. Chỉ một ý niệm ấy cũng đủ làm cho quỷ khóc thần sầu rồi. Dù có phải hy sinh tính mạng, lão già gù này cũng phải kết giao một người bạn như ngươi. Lại đây, lão già gù hãy kính mời ngươi một chén rượu trước.
Độc Cô Ngọc thấy thế vội nói :
- Tiền bối cứ quá khen đấy thôi, tiểu bối chỉ lấy việc luận việc chứ đâu dám...
Ông già bỗng giơ tay ra đè Độc Cô Ngọc ngồi xuống ghế và nói tiếp :
- Nhãi con, lão già gù này kính mến thiên tính nhân hậu và tấm lòng quảng đại của ngươi, chứ không phải là kính mến bổn thân của ngươi đâu. Nên lão già gù này không biết cái gì không dám với không dám. Cổ nhân nói: “Hào kiệt không phân biệt giàu nghèo sang hèn, anh hùng không phân biệt lớn bé già trẻ”. Già này kính ngươi là anh hùng hào kiệt, nên không luận vấn đề già trẻ lớn bé hay tôn ti gì cả. Nào lại đây, già này hãy uống cạn trước nhé.
Nói xong, ông ta giơ chén lên uống cạn luôn.
Bất đắc dĩ, Độc Cô Ngọc đành phải cúi đầu vái chào và đáp :
- Chén rượu này coi như là của tiểu bối kính mời.
Ông già có vẻ vui lắm, cười ha hả, chưa kịp lên tiếng nói tiếp thì Tư Đồ Sương đã cầm chén lên nhìn Độc Cô Ngọc nói :
- Đêm nay là đêm may mắn được gặp gỡ cao nhân, Tư Đồ Sương tôi đâu dám không kính mời một chén.
Độc Cô Ngọc gượng cười đáp :
- Sao! Cả cô nương cũng nói bông cả tại hạ nữa?
Tư Đồ Sương lắc đầu đáp đỡ lời :
- Thiếu hiệp lầm rồi, lời nói của Tư Đồ Sương tôi câu nào cũng là thốt tự đáy lòng.
Uống cạn chén rượu này rồi Tư Đồ Sương tôi sẽ thề phải lấy được chàng mới thôi. Dù có phải tan xương nát thịt cũng bất chấp.
Nói xong nàng nâng chén lên uống cạn ngay.
Giật mình đến thót một cái, Độc Cô Ngọc rất cảm động và nói :
- Cô nương hà tất phải nói nặng lời như thế.
Tư Đồ Sương tủm tỉm cười đáp :
- Đó là tự tôi muốn tự nhã tầm làm kén, trói chặt lấy mình thôi.
Có người thứ ba ngồi cạnh, nàng chẳng những không hổ thẹn mà trái lại còn táo gan hơn và nói toạc tâm sự của mình ra như thế.
Độc Cô Ngọc kinh hãi thầm nhưng không dám nói năng gì cả. Ông già bỗng cất tiếng cười và xen lời nói :
- Chữ tình vĩ đại thật, đến nay lão phu mới nhận xét thấy. Nhỏ kia, lão già gù này dám cam đoan là từ nay trở đi ngươi sẽ bị phiền phức nhiều lắm.
Độc Cô Ngọc chỉ gượng cười chứ không biết dùng lời lẽ gì để trả lời. Ông già cười ha hả, nói với Tư Đồ Sương tiếp :
- Con nhãi, mục đích của ngươi đã đạt. Bây giờ ngươi có thể bỏ cái khăn che mặt ra rồi chứ?
Tư Đồ Sương nguýt ông ta một cái, cười nũng nịu đáp :
- Lẽ dĩ nhiên rồi. Nhưng cụ có dám bảo đảm là chàng ta bỗng dưng bỏ đi không?
Ông già vừa cười vừa đáp :
- Không! Không! Con nhãi cứ yên tâm. Thằng nhỏ này là người rất nhân hậu, bụng dạ lại hơn người, không khi nào lại để ý tới những chuyện nhỏ mọn như vậy.
Tư Đồ Sương liền nhìn Độc Cô Ngọc vừa cười vừa nói :
- Thiếu hiệp đã nghe thấy ông cụ nói gì chưa? Chẳng hay thiếu hiệp có ý kiến gì cứ việc nói ra cho tôi nghe đi?
Tuy Độc Cô Ngọc không hiểu lời nói của ông già là ám chỉ việc gì nhưng thấy ông già với Tư Đồ Sương đều là những người có ơn với mình nên chàng không nghĩ ngợi gì hết, vội trả lời ngay :
- Sao cô nương lại nói như thế? Tuy tại hạ chưa biết rõ vì lẽ gì mà cô nương không để cho người ta trông thấy mặt thật như vậy, nhưng tại hạ tự tin không khi nào lại có chuyện phất tay áo bỏ đi ngay như thế.
- Có thật thế không?
- Tại hạ không biết nói dối bao giờ, và cũng biết lời nói nặng hơn chín cái đỉnh.
- Thiếu hiệp nói như vậy tôi rất yên tâm.
Tư Đồ Sương vừa nói vừa đưa tay lên cởi cái khăn che mặt ra, liền để lộ ra một bộ mặt đẹp tuyệt trần ra ngay.
Độc Cô Ngọc vừa trông thấy bộ mặt đẹp tuyệt trần của nàng ta đã giật mình đến thót một cái, ngẩn người ra giây lát mới lên tiếng nói được :
- Thế ra cô nương là...
Những chuyện cũ đều hiện cả lên trên đầu óc. Chàng cảm thấy lòng đau như bị dao cắt và cứ ngồi yên, không sao nói năng gì được nữa.
Thì ra Tư Đồ Sương chính là thiếu nữ áo đỏ, người có địa vị rất cao của Mân Tây bát động. Mấy ngày trước đây nàng đã quát mắng Vũ Văn Đào, nhờ vậy chàng mới thoát nạn.
Thở dài một tiếng, Tư Đồ Sương với giọng dịu dàng đỡ lời :
- Tôi chắc thiếu hiệp thể nào cũng hận tôi, nhưng đó là sự bất đắc dĩ. Vả lại, tính nết cây thiếu hiệp rất ương ngạnh, nếu ở trên đỉnh núi Võ Di mà thiếu hiệp biết là tôi thì thể nào cũng không để cho tôi cứu chữa và băng bó cho đâu.
Độc Cô Ngọc lạnh lùng đáp :
- Cô nương nói quá lời đấy thôi. Tại hạ đâu dám.
Tư Đồ Sương tủm tỉm cười, đỡ lời :
- Thiếu hiệp đừng có giấu diếm tôi nữa. Tuy chúng ta mới quen biết nhau có vài ngày thôi nhưng tôi biết rõ tính nết của thiếu hiệp cho nên tôi cứ phải che dấu bộ mặt thật như vậy. Tôi che giấu như thế này chỉ mong giảm bớt được sự hổ thẹn ở trong lòng đấy thôi.
- Cô nương đã hai lần thi ân cho tại hạ, còn có gì mà phải hổ thẹn?
- Người của Mân Tây bát động vô duyên vô cớ đả thương thiếu hiệp, tôi là động chủ, trách sao khỏi tội trông coi bộ hạ không được nghiêm cẩn.
Độc Cô Ngọc nghe thấy nàng ta nói như vậy giật mình kinh hãi, vội đứng dậy cúi đầu chào và đỡ lời :
- Quả thật tại hạ không biết cô nương là Động chủ, có điều gì thất lễ, xin cô nương lượng thứ cho.
Mặt hơi biến sắc, Tư Đồ Sương gượng cười hỏi :
- Có phải thiếu hiệp có ý muốn dày vò tôi đấy không?
- Tại hạ đâu dám.
- Sao bỗng dưng thiếu hiệp đa lễ như thế?
- Mân Tây bát động oai trấn võ lâm, tại hạ may mắn được trông thấy phong thái của động chủ, người lãnh tụ quần hùng như vậy, tôi bỗng cảm thấy có lòng kính mến nên mới đứng dậy chào như vậy.
- Thiếu hiệp khéo nói lắm, nhưng lời nói của thiếu hiệp khi lọt vào tai tôi thì tôi lại cảm thấy rất nhiều mũi tên bắn trúng tim của mình.
Độc Cô Ngọc định nói tiếp nhưng lại thôi, Tư Đồ Sương thở dài một tiếng và hỏi tiếp :
- Bây giờ thiếu hiệp đã biết tôi là ai rồi, chẳng hay thiếu hiệp định đối xử về câu chuyện mấy ngày nọ ra sao?
- Những cái gì mà Vũ Văn Đào, tổng tuần sát của quý động đã ban cho, tại hạ còn sống được ngày nào ở trên đời này, không bao giờ dám quên câu chuyện ấy.
Mặt hơi biến sắc, Tư Đồ Sương vẫn gượng cười hỏi tiếp :
- Như vậy có khác gì thiếu hiệp vẫn chưa chịu lượng thứ cho tôi.
- Tại hạ không dám.
- Tôi muốn thỉnh cầu thiếu hiệp buông tha cho Mân Tây bát động, chẳng hay thiếu hiệp có bằng lòng không?
- Sao cô nương lại nói như vậy? Với võ học của tại hạ hiện thời thì bất cứ một người nào của quý động cũng có thể giết chết được tại hạ.
- Tôi nói đó là chuyện sau này chứ không phải bây giờ.
- Có phải cô nương nói về việc xảy ra mấy ngày trước đây đấy không?
- Phải! Bây giờ câu chuyện đã như vậy rồi, bắt buộc tôi phải đem ra hỏi thiếu hiệp.
- Tại hạ đã nói rồi, bất cứ cô nương dặn bảo điều gì tại hạ cũng xin tuân theo, và tại hạ cũng không dễ gì hối hận đâu.
- Thiếu hiệp lại chịu đựng được như thế ư?
- Lời nói của đại trượng phu nặng như chín cái đỉnh, có gì đâu mà tôi không chịu đựng nổi?
- Tuy tôi biết việc này khó mà xoa dịu nổi sự uất hận của thiếu hiệp nhưng tôi là động chủ, vì nghĩ đến toàn thể của Mân Tây bát động bắt buộc tôi phải làm như vậy...
Nay tôi muốn biết rõ tâm sự của thiếu hiệp, chẳng hay thiếu hiệp muốn đối xử với tôi như thế nào.
- Vì bảo vệ cho thuộc hạ, cô nương đã phải hạ mình như thế này, tại hạ rất lấy làm kính phục vô cùng.
- Vì tôi là động chủ bắt buộc tôi phải làm như thế, thiếu hiệp còn nói mỉa tôi làm chi?
- Nếu tại hạ là cô nương thì tất nhiên tại hạ cũng phải bênh vực thuộc hạ của mình.
Như vậy lời nói của tại hạ có cái gì là không chính?
- Thiếu hiệp tưởng tôi nghe không hiểu hay sao? Lời nói của thiếu hiệp rõ ràng mỉa tôi chỉ biết bênh vực thuộc hạ một cách mù quáng thôi.
Độc Cô Ngọc hổ thẹn đến mặt đỏ bừng, không sao cải được nữa. Tư Đồ Sương mỉm cười nói tiếp :
- Cho nên bây giờ tôi cần muốn biết rõ tâm sự của thiếu hiệp. Nói trắng ra là tôi muốn biết thiếu hiệp có còn hận tôi nữa không?
- Cô nương là ân nhân đã cứu mạng tại hạ thoát chết, vả lại tại hạ đã tự lúc nào cũng rất kính mến cô nương cơ mà?
- Thiếu hiệp nói như vậy là vì tôi có ơn với thiếu hiệp nên thiếu hiệp mới không hận tôi, chứ sự thật thì trong lòng vẫn còn tức hận tôi phải không?
Sự thật trong lòng chàng rất bi phẫn, đồng thời Độc Cô Ngọc còn cảm thấy hổ thẹn cùng tức giận vì bị nàng ta lừa dối, nên chàng định gật đầu nhìn nhận để cho khỏi tấm tức trong lòng. Nhưng chàng sực nghĩ tới hồi ban ngày, nàng đã liều thân bảo vệ mình, lại thêm ở trong căn nhà trúc, nàng đã vì mình khổ công luôn ba ngày đêm không ăn không ngủ, chăm nom thuốc thang cho mình. Nghĩ tới đó, những tình cảnh ấy đã hiện ra trước mặt chàng ngay. Chàng đưa mắt liếc nhìn nàng, thấy nàng đang nhìn mình với vẻ trông mong cầu khẩn một cách rất thiết tha như vậy chàng lại không nỡ, liền nghĩ bụng :
“Vừa rồi ông già họ Trà còn khen ta là người rộng lượng hơn người, sao bây giờ ta lại tiểu nhân...”
Nghĩ tới đó, chàng thở dài một tiếng và khẩn khoản đáp :
- Cô nương cứ yên tâm, Độc Cô Ngọc không phải là kẻ tiểu nhân hẹp lượng như thế đâu. Nhưng mong cô nương từ nay trở đi hết sức quản thúc thuộc hạ, đừng để cho chúng ra tay đã thương người một cách bừa bãi như thế.
Thấy chàng trả lời như vậy, Tư Đồ Sương lộ vẻ rất hớn hở, với giọng dịu dàng đỡ lời :
- Tôi rất cảm ơn thiếu hiệp, vì tôi biết lần này thiếu hiệp đã trả lời một cách rất thật lòng...
Ông già ngồi cạnh đó nghe tới đây bỗng lớn tiếng cười ha hả và xen lời nói :
- Con nhãi đã thấy chưa? Lão phu nói đôi mắt của lão phu không mù quáng quả thật không sai chứ? Lão phu lại còn giới thiệu y làm môn hạ cho nho hủ họ Liễu, như vậy có khác gì tự mang mối họa đổ máu không?
Tư Đồ Sương liếc nhìn Độc Cô Ngọc một cách rất tình tứ, nhưng lẳng lặng không nói năng gì. Ông già vừa cười vừa nói tiếp :
- Nhãi con, bây giờ lão phu có thể báo cáo cho ngươi hay một việc này, trong khi ngươi nằm mê man ở trong trúc lư trên núi Võ Di đến ngày thứ hai thì Vũ Văn Đào đã bị con nhãi này đích tay xử trí rồi. Vậy ngươi còn muốn nói năng gì nữa không?
Nghe thấy ông già nói như vậy, Độc Cô Ngọc giật mình đến phắt một cái, với giọng run run vội hỏi :
- Cô nương, mối ân tình này... cô nương làm như thế Độc Cô Ngọc tôi làm gì còn có cách để đền bù...
Chàng nói tới đó, cổ họng như bị tắc nghẽn, không sao nói tiếp được, hai hàng lệ nhỏ ròng xuống hai bên má...
Tư Đồ Sương gượng cười ứa nước mắt ra đỡ lời :
- Tôi không bắt thiếu hiệp đền bù gì cho tôi, chỉ cần...
Nàng bỗng ngắt lời, hai má đỏ bừng, từ từ cúi đầu xuống. Độc Cô Ngọc thấy thế cũng vậy. Ông già họ Trà ngẩn người ra giây lát, bỗng cất tiếng cười thật lớn, làm rung động cả mái nhà mãi mãi cũng không ngớt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.