Con Cáo Vẽ Máu Lên Canvas Lanh

Chương 4: Sáng Thứ Ba - Triển lãm của họa sĩ điên




Thứ Ba, ngày 10 tháng 6 năm 20XX.
Đúng 5 giờ sáng, Cáo tỉnh dậy, thấy Phong vẫn đang ngủ say.
- Anh ơi, dậy đi. Dậy hâm bữa sáng cho em. - Cậu nói, tay vò tóc rối tung thành tổ quạ.
Đêm qua hai người đã xem phim đến tận gần sáng, nên Phong không muốn dậy quá sớm. Cứ 6 rưỡi mỗi sáng, đồng hồ sinh học sẽ khiến anh tự giác dậy, không cần người khác phải gọi.
Nhưng Cáo vẫn chưa chịu thua.
- Dậy đi mà, em đói. Đừng để em phải đếm đến ba nha.
Phong vẫn tiếp tục ngủ. Vậy là Cáo nở nụ cười, bắt đầu ngồi đếm số.
Một.
Hai.
Ba.
- Aaaaa aaaa!
Vừa đếm đến ba, Cáo liền hét thật lớn vào tai Phong. Phong không dễ bị giật mình, nhưng anh lại bị tiếng ồn này làm cho tỉnh ngủ.
Phong ngồi bật dậy, khẽ mắng:
- Câm miệng.
Bàn tay anh đã nắm chặt, nổi gân xanh.
Tuy nhiên, người trước mặt Phong bây giờ lại mang một diện mạo kỳ dị. Hai mắt của Cáo bị hai cái cúc áo thay thế, giống như đã dùng chỉ khâu vào. Cậu giơ móng vuốt, xông vào tấn công Phong.
Đây đúng là trò trẻ con, Phong thầm nghĩ. Chỉ cần mất vài giây, anh đã khống chế được móng vuốt của đối phương.
Cáo bị giữ chặt hai tay, nhưng vẫn cười nói vui vẻ:
- Em bắt chước bà mẹ trong hoạt hình Coraline đấy. Anh thấy có đáng sợ không?
Coraline là phim hoạt hình chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, của tác giả Neil Gaiman. Một ngày nọ, cô bé Coraline tìm thấy thế giới song song đằng sau cánh cửa trong nhà mình. Nơi ấy, cô có cha mẹ khác, nhưng mắt họ đều khâu hai cái cúc áo đen sì.
- Sợ. - Phong thở dài, đành chịu thua đối phương. - Đi thôi, ăn sáng.
- Dạ.
Buổi sáng, hai người phát hiện biệt thự đã có điện trở lại. Nhưng điện thoại vẫn mất sóng như cũ.
Sau khi ăn lại đồ ăn hâm lại, Cáo một mực kéo Phong đi điều tra hiện trường. Bởi vì đêm qua quá hỗn loạn, lại thêm mất điện, cậu ấy vẫn chưa tìm được manh mối nào.
Trong phòng ngủ Kiều Hương, Cáo giở một cuốn sổ tay, bắt đầu ghi chép.
Trang thứ nhất, cậu ấy vẽ lại sơ đồ của tòa biệt thự, đại khái như sau:
Đằng trước khối nhà chính là cổng điện tử và sân. Đằng sau khối nhà chính là khu vườn lớn.
Khối nhà chính gồm có hai tầng. Tầng một có phòng khách, cầu thang, phòng ăn, phòng bếp, nhà kho. Tầng hai có ban công, phòng sách, cầu thang, bốn phòng ngủ có bồn tắm và tự hoại riêng (phòng 1 - Phong và Cáo qua đêm, phòng 2, phòng 3, phòng 4 - phòng ngủ của Kiều Hương). Trên cùng là sân thượng.
Trang tiếp theo, Cáo viết lại chi tiết về cái chết của Kiều Hương:
Thứ nhất, Kiều Hương bị biến thành bức tranh. Bức tranh hoa linh lan, chữ ký Bạc.
Thứ hai, bên cạnh thi thể có một tuýp màu caput mortuum (màu nâu Ai Cập), mã màu #592720.
Thứ ba, trên đầu giường treo một bức tranh mô phỏng lại cái chết của Kiều Hương.
Tại sao Bạc lại giết Kiều Hương theo cách này?
Kẻ này để lại tranh và tuýp màu lại hiện trường với hàm ý gì?
Còn nhiều vấn đề khác, Cáo tạm thời chưa lý giải được.
Đúng lúc này, bên dưới phòng ăn lại vang lên tiếng kêu, là của Quỳnh:
- Mọi người, mau vào đây đi!
Phong và Cáo vốn tưởng cô ấy xảy ra chuyện gì, nên vội vàng xông ra. Những người khác cũng tỉnh dậy, lục tục chạy vào phòng ăn.
- Chị ơi, có chuyện gì vậy? - Cáo hỏi.
- Đằng kia...
Quỳnh nói, tay chỉ sang món đồ nằm trên bàn ăn hình bầu dục. Đó là một cái đài cassette mini; bên trên còn dán một tờ giấy nhớ, kèm theo nội dung:
"Bật nó lên. Ký tên: Bạc."
Mọi người ngỡ ngàng, không biết hung thủ đã đặt cái đài cassette ở đây từ bao giờ.
Vĩ Văn hỏi mọi người:
- Sáng nay ai là người thức dậy đầu tiên?
- Em và anh Phong. - Cáo giơ tay, nói. - Nhưng khi bọn em ngồi ăn, không nhìn thấy thứ này ở trên bàn.
Vĩ Văn gật đầu.
Sau đó, mọi người bật cái đài cassette của Bạc. Một giọng nói máy móc, vô hồn như dùng Google Translate vang lên:
"Chào mọi người.
Xin tự giới thiệu, tôi là Bạc, một nghệ sĩ.
Căn biệt thự này - ngay từ lúc chúng ta bước vào - đã trở thành tòa triển lãm tranh của tôi.
Mỗi người ở đây đều là một bức tranh. Kiều Hương đã được tôi ưu ái trở thành bức tranh đầu tiên.
Đừng nghĩ đến việc chạy trốn. Thiết bị phá sóng đã được lắp đặt ở khắp nơi. Khóa điện tử ở cổng cũng đã được cài đặt mật khẩu mới.
Nhưng đừng lo, tôi sẽ gợi ý mật khẩu để giúp mọi người thoát ra. Mật khẩu gồm 8 con số ngẫu nhiên và có thể trùng lặp. Sau mỗi một lần giết người, tôi sẽ cho mọi người biết một con số.
Cái chết của Kiều Hương là con số đầu tiên. Hãy tìm con số này dựa vào tuýp màu vẽ mà tôi để lại.
Lưu ý, đừng nhập bừa con số. Nếu nhập sai quá hai lần, cánh cổng sẽ bị khóa vĩnh viễn.
Chúc may mắn!
Tái bút: Màu đặc chế của tôi chứa khá nhiều lượng formaldehyt(1), quá trình phân hủy của tranh sẽ diễn ra chậm hơn, mọi người có thể từ từ tham quan triển lãm."
Tạch.
Đến đây, cuộn băng bên trong đài cassette đã chạy hết. Tất cả những người ở đây đều như chết lặng.
Dựa theo những gì Bạc nói, đây sẽ là một vụ giết người liên hoàn. Nếu mọi người muốn sống sót thì phải giải được mật khẩu của cổng điện tử. Mật khẩu cần tám con số, đồng nghĩa với việc cần có tám người chết. Bọn họ có mười người: tám người phải chết, một hung thủ, tức là chỉ có một người được hung thủ tha mạng.
Nếu như không có cái chết của Kiều Hương, họ đã nghĩ rằng đây chỉ là một trò đùa dai.
- Không thể nào, đây nhất định là một trò đùa! - Sâm hoảng loạn đứng dậy, vừa gào hét vừa chạy ra ngoài. - Đừng đùa nữa! Tôi muốn về nhà! Bố mẹ và bà nội vẫn đang chờ tôi trở về!
Sâm là một thanh niên khá nhát gan. Ngay khi thấy Sâm chạy ra ngoài, những người khác đều hiểu cậu bạn này đang định làm gì, họ đành vội vàng chạy theo.
Tuy nhiên, họ vẫn chậm một bước. Sâm đã sớm chạy ra ngoài sân, điên cuồng nhập dãy mật khẩu cũ lên cánh cổng điện tử.
"Tích tích tích..."
Âm thanh chói tai vang lên, hiển nhiên đây là mật khẩu sai. Thấy vậy, Sâm tuyệt vọng ngồi thụp xuống đất, vô cùng đau khổ, nước mắt và nước mũi đồng thời ứa ra, giàn dụa.
Những người khác chứng kiến cũng tuyệt vọng không kém.
- Mẹ kiếp! Vậy là chúng ta chỉ được phép nhập sai một lần nữa! Tất cả là do sự ngu ngốc của mày! - Hiếu nóng nảy quát Sâm, sau đó lại quay sang lớn tiếng với mọi người. - Trong số chúng mày, ai là hung thủ? Có giỏi thì ra đây đánh tay đôi với tao!
Cô bạn gái của Hiếu tái mặt lại. Cô sợ rằng anh ta sẽ chọc giận sát nhân, nên vội vàng kéo tay người yêu.
Mọi chuyện đều đang diễn biến theo chiều hướng tồi tệ nhất. Bọn họ sẽ bị giam lỏng, cắt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài và chung sống với kẻ giết người. Đây quả là một cực hình, một địa ngục ngay giữa trần gian.
Vĩ Văn đi đến đỡ Sâm dậy, đồng thời trấn an Hiếu đang kích động, cũng như là xoa dịu nỗi hoảng loạn trong mỗi người. Anh dõng dạc nói:
- Đừng lo, chúng ta sẽ từ từ nghĩ cách. Nếu chúng ta không liên lạc với gia đình trong vài ngày, họ sẽ lo lắng mà báo cảnh sát thôi.
Tuy nhiên, tất cả đều trở nên im lặng. Bọn họ thừa biết rằng gia đình mình sẽ không quá lo lắng, bởi vì mỗi kỳ nghỉ hè họ đều xách vali đi du lịch khắp nơi, thường xuyên ham vui mà không gọi về cho gia đình. Hơn nữa, tất cả đều đã là thanh niên trưởng thành, tự chủ được ý thức và hành vi, người ta sẽ khó lòng mà nghĩ ra bọn họ đang bị bắt cóc.
Thế nên Hiếu lại gắt gỏng nói:
- Đợi người đến cứu thì chết mất xác rồi cũng nên!
Một người kích động giống như ngòi nổ, khiến cho tâm trạng của những người khác cũng muốn nổ tung.
Cô gái tóc tết tên Lệ liền bưng mặt lên, khóc. Quỳnh cũng không khá hơn là bao, hai mắt đã đỏ hoe.
Cô gái tóc xoăn hôm nay không còn mặc váy nữa, nhưng vẫn phối đồ mang chất liệu thổ cẩm, vừa cá tính vừa phóng khoáng. Cô chỉ nhíu mày, khẽ mắng Hiếu:
- Tinh thần không tốt thì uống thuốc an thần đi. Đừng làm ảnh hưởng đến người khác.
Hiếu bị cô chọc tức, liền chỉ tay vào mặt cô, quát lớn:
- Đừng tưởng mày là con thầy giáo thì thích nói gì thì nói! Từ lúc mới vào lò vẽ học, tao đã ngứa mắt loại con gái như mày rồi!
Vốn dĩ, sau khi xả giận bằng những lời nói cộc cằn này, Hiếu sẽ trút được cơn giận và cảm thấy rất thoải mái. Tuy nhiên, anh ta bỗng cảm nhận được một loại áp lực không tên, khiến cho cổ họng cứng còng, sống lưng rờn rợn.
Không biết từ bao giờ, Vĩ Văn và Cáo đã đứng sau lưng cô gái tóc xoăn sợi mì. Cả hai vẫn treo trên môi nụ cười thân thiện giống như ngày thường, nhưng đôi mắt đã híp lại, âm u, dường như đang phán xét.
Giống như đôi mắt xếch và hẹp của loài cáo, trước khi xông đến cắn nát cổ con mồi.
Bấy giờ, Hiếu mới nhận ra mình đã lỡ lời, đành phải ngậm miệng lại.
Đám người tan rã trong bầu không khí căng thẳng, cực đoan. Họ cần thời gian để chấp nhận hiện thực rằng mình đang phải sống trong cảnh nguy hiểm rình rập, dù có tuyệt vọng đến đâu thì cũng không thể cầu cứu bên ngoài.
Phong cảm thấy khá mệt mỏi, đành mở tủ lạnh lấy một lon cà phê rồi ra ngoài vườn.
Cáo bám theo anh.
Trong vườn cây, cả hai ngồi trên xích đu gỗ, bên cạnh nhau.
Nghĩ đến cuộc cãi vã ban nãy, Phong liền hỏi:
- Cô gái đó là chị gái em?
Ý của anh là, liệu cô gái có mái tóc xoăn sợi mì, thích mặc đồ thổ cẩm có phải là chị gái của Cáo không. Bởi vì anh đã nghe thấy Hiếu gọi cô ta là "con thầy giáo".
Cáo gật đầu, nói:
- Vâng ạ, chị ấy tên là Trâm Anh. Chắc là anh chỉ học trong lò vẽ một thời gian ngắn, nên không biết chị ấy và em. Bọn em thường đến lò vẽ chơi vào những dịp lễ tết.
Bấy giờ, Phong mới biết thầy giáo dạy vẽ có tận bốn người con: Con cả là anh Vĩ Văn, tiếp đó là Trâm Anh bằng tuổi Phong, Cáo, cuối cùng là con út - một cô bé mắc bệnh bạch tạng, anh không nhớ tên.
Vĩ Văn và cô bé bạch tạng sống với thầy giáo, còn Trâm Anh và Cáo sống với mẹ.
- Cũng may, cô bé đó không ở đây.
Phong khẽ nói, bởi vì anh khá có thiện cảm với cô bé bạch tạng. Nếu Vĩ Văn cũng dẫn cô bé đến đây thì bây giờ cô cũng sẽ bị giam cầm rồi ngồi chờ chết, giống như tình cảnh của bọn họ hiện tại.
Vốn dĩ đây chỉ là lời nói bâng quơ, nhưng nó lại khiến trái tim Cáo như bị bóp nghẹt. Cậu rũ mắt, khổ sở nói:
- Em ấy không thể đến Ba Vì được đâu. Em ấy chết rồi...
Chết rồi.
Chết rồi?
Tại sao lại chết?
Chết từ bao giờ?
Cái chết của cô quá đột ngột, khiến cho Phong khá ngạc nhiên. Mặc dù cả hai không tiếp xúc nhiều, chỉ thỉnh thoảng lướt qua nhau, nhưng anh cũng cảm thấy cô thật đáng thương.
- Em ấy đã tự tử, ngay trong Tết Nguyên Đán. Tiếng pháo hoa nổ quá lớn, không ai nghe thấy tiếng em ấy nhảy lầu.
Hiện tại mới là tháng 6, vậy là cô bé mới chết cách đây vài tháng.
Phong hỏi:
- Nguyên nhân là gì?
- Có trời mới biết được. - Cáo nói. - Em ấy kín miệng lắm, chỉ chịu nói chuyện với anh Vĩ Văn thôi.
Rõ ràng Cáo vẫn còn đau lòng về chuyện em gái út, dù sao chuyện cũng xảy ra cách đây không lâu. Phong cũng không đề cập tới nữa. Anh vỗ vai cậu, nói:
- Xin lỗi.
Cáo lắc đầu, nói rằng mình vẫn ổn. Dù sao chuyện cũng đã qua, đau lòng cũng không cứu vãn được gì. Để bầu không khí trở nên tốt hơn, cậu ấy đành đánh lạc hướng Phong, cũng như đánh lạc hướng tâm trí mình.
- Quên chuyện đó đi. - Cáo khẽ nói. - Anh còn nhớ, ngày hôm qua, ngay tại đây, chúng ta đã hứa gì với nhau không?
- Hứa gì?
Phong quay đầu hỏi, hiển nhiên là đã quên hết sạch. Trí nhớ của anh không quá kém, nhưng ngày hôm qua đã xảy ra sự việc kinh dị, khiến cho anh bị phân tâm.
Cáo thất vọng, bĩu môi. Nếu cậu ấy thật sự là một con cáo thì hai cái tai và cái đuôi xù đã rũ xuống hết.
- Hôm qua, anh đã hứa rằng mình sẽ tìm ra tên của em. Mỗi ngày một chữ, cho đến khi ghép được một họ tên hoàn chỉnh.
Nghe vậy, Phong câm nín.
Chuyện này không thể trách anh quên mất lời hứa của mình, đơn giản là vì anh chưa từng hứa bao giờ. Từ đầu đến cuối đều là Cáo nhét chữ vào miệng anh.
Tuy nhiên, hiện tại Phong đang cảm thấy rất chán nản, dành chút thời gian để giải đố cũng là một ý hay. Anh thở dài, nói:
- Được rồi, đố đi.
Cáo chỉ đợi những lời này, vẻ mặt buồn thiu vừa rồi ngay lập tức biến mất. Cậu tỏ ra thần bí nói:
- Vậy anh nghe kỹ nha, em chỉ nói một lần thôi.
Phong gật đầu. Anh đoán rằng đối phương sẽ lại nói ra một tràng dữ liệu, đủ để khiến anh nhức đầu. Tuy nhiên, khác với dự đoán, Cáo lại hắng giọng, chậm rãi ngâm hai câu thơ:
"Tuổi xuân chẳng được mấy ngày
Nhị đào bẻ quách trao tay nhân tình"
Vừa ngâm, cậu vừa nhìn về phía Phong mà mỉm cười, khiến anh có ảo giác rằng cậu sắp hái tặng mình "nhị đào" thật. Khung cảnh ngày hạ xung quanh bỗng chốc biến thành ngày xuân dịu dàng, tình tứ, yến anh thành đàn, gió thổi hây hẩy, trăm hoa khoe sắc.
Phong: "???"
Không hiểu vì sao, anh cảm thấy cách ngâm thơ của Cáo không được bình thường cho lắm. Nhưng anh cũng không biết điểm sai trái nằm ở đâu, nên đành mặc kệ, tập trung vào việc giải câu đố.
Nghĩ một hồi, Phong vẫn chẳng nghĩ ra được gì. Anh quả thật chưa từng nghe hai câu thơ này bao giờ.
- Gợi ý. - Phong nói.
Cáo bật cười, đành gợi ý cho anh rằng đây là hai câu thơ trong tổ tôm điếm(2).
- Em thấy các anh chị thường chơi bài tam cúc. Nhưng em vẫn thích bài tổ tôm hơn, luật chơi phức tạp, có sự biến hóa. - Cáo nói, giống như một ông cụ non.
Phong có chút bất ngờ, không ngờ đây là câu đố về bài tổ tôm.
Hai câu thơ này có nhắc đến từ "nhị đào", khiến cho Phong nhất thời chưa nghĩ ra được đây là thứ gì. Tuy nhiên, sau khi được Cáo gợi ý, trong đầu anh liền nghĩ đến cây bài Nhị Vạn trong bộ bài tổ tôm. Nhị Vạn tức là quân số hai trong hàng Vạn, vẽ hình trái đào.
Tuy nhiên, khả năng tên của Cáo có chữ "Nhị" hay chữ "Vạn" là rất hiếm, cảm giác không ổn cho lắm. Điều này có nghĩa là...
- Vòng vo một hồi, đáp án đơn giản chỉ là chữ "Đào" thôi, đúng không? - Phong nhíu mày, nói.
Cáo đưa tay che miệng, cố giấu đi nụ cười ranh mãnh của mình:
- Đúng vậy. Chữ "Đào" là tên đệm của em đấy.
Theo lẽ thường, khi ra đố, người ta sẽ không để từ ngữ có trong đáp án xuất hiện ở câu đố. Phong cảm thấy thằng nhóc này rất biết cách chọc tức mình. Anh không buồn để tâm đến đối phương nữa, lấy điện thoại ra để xem giờ. Bây giờ là 10 rưỡi, sắp đến giờ ăn trưa.
Bởi vậy, Phong đứng lên, chuẩn bị đi vào trong nhà. Cáo thấy anh bỏ đi, vội vàng bám theo giống như một cái đuôi.
Tuy nhiên, lúc này, Cáo mới nhận ra có điều gì đó không đúng lắm. Cậu sờ thử mông quần mình, lau ra được một vệt màu nâu Ai Cập.
Cáo: "..."
Cáo tự gõ trán mình vì sự bất cẩn.
Ban sáng, cậu tiện tay đúc tuýp ở hiện trường vụ án vào túi quần sau. Khi cậu ngồi xuống xích đu, màu bị ép ra ngoài, dính vào quần của cậu.
Vậy chắc chắn màu sơn cũng đã rây ra xích đu... Không, khoan đã.
- Anh, lại đây với em.
Cáo gọi Phong, trong giọng nói có một chút sự phấn khích. Khi Phong quay đầu lại, đã thấy cậu ngồi xổm trên mặt đất. Đôi mắt một mí nhìn chằm chằm vào cái xích đu mà mình vừa ngồi. Cậu lẩm bẩm:
- Bây giờ mới để ý, màu sắc này giống quá.
Phong bị cậu làm cho tò mò, đành bước tới nhìn thử.
Nhìn qua, trông cái xích đu nọ chẳng có gì đặc biệt.
Màu trong tuýp đã dính lên bề mặt của xích đu, nhưng nếu không dùng tay sờ thì sẽ khó mà phát hiện ra. Màu sắc chìm vào nhau, chứng tỏ màu trong tuýp trùng khớp với màu sơn của cái xích đu này.
Nghĩ đến đây, Phong vội vàng lật mặt dưới của chiếc xích đu lên. Quả nhiên, bên dưới xích đu có khắc một con số.
Một.
Là số 1.
HẾT CHƯƠNG 4
(1) Formaldehit (CH2O) là một loại khí không màu, độc và dễ cháy ở nhiệt độ phòng. Formaldehit có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm theo cơ chế giết các mô tế bào. Vì thế, hóa chất này được biết đến như một hóa chất bảo quản trong các phòng thí nghiệm y tế (Formol) dùng để ướp xác và tiệt trùng dụng cụ...
(2) Tổ tôm điếm là trò chơi dân gian mang tính trí tuệ cao. Các nước đánh nước chơi trong cuộc điều binh khiển tướng thiên biến vạn hoá, không ván nào giống ván nào, cuốn hút người chơi. Bài giao tổ tôm điếm rất hay, nghe một câu thơ có thể hình dung ngay là cây gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.