Tôi, đúng là một người phụ nữ điên rồ
Tôi bưng tô mì sang, nó đã nở phồng lên như cái vắt mì chưa nấu chín. Cam Linh cắm đầu đũa vào quấy một lát, rũ những sợi mì bở oặt ra rồi hút từng hớp lớn vào miệng.
Tôi không hỏi đến, Cam Linh cũng không nói gì, chờ cô ta ăn xong thì tôi dọn chén đũa. Màn hình tivi chiếu ra mấy khuôn mặt nam, rồi còn có biểu tượng album giống cái kính vạn hoa, tôi liếc mắt là thấy ngay giữa màn hình là tấm ảnh chụp sân khấu trường Ánh Sáng.
Là cảnh Nghệ Hàm gặp bạn Bông Cải Xanh lúc đang vào rừng, cô bé đang giả vờ cực kỳ kinh ngạc, hỏi rằng: "Bạn là ai thế?"
Cô bé nghiêng đầu, miệng há hốc ra, đôi mắt thì mở thật to, trông hệt như cô bé búp bê được chế tác bằng công nghệ rất tinh xảo.
Nghệ Hàm mới bốn tuổi rưỡi, hiện là ngôi sao của sân khấu trường Ánh Sáng, dù đóng vai nào cũng phải được vào vị trí chính giữa, làm cái gì cũng phải là xuất sắc nhất, lời khen ngợi cô bé cũng phải nhiều hơn bạn khác thì cô bé mới cảm thấy hài lòng, cái đầu xoăn tự nhiên được mẹ cô bé xử lý lại, trông gọn gàng đến bất ngờ.
Lúc ảnh Nghệ Hàm thoảng qua, tôi thấy rõ ràng là Cam Linh có vẻ hơi gượng gạo.
Ý thức cảnh giác bật ra trong đầu tôi: "Lật lại đi."
Mặt Cam Linh vô cảm lướt sang tấm tiếp theo, không hề đếm xỉa đến yêu cầu của tôi.
"Cô chụp đàn ông thì thôi đi, nhưng chụp con của người khác... Cô muốn làm gì?"
Có người mẹ trong một bộ phim bị mất con rồi phát điên lên, đi trộm con nhà khác để nuôi nấng; có một đoạn video ngắn nói về một cô chó mẹ bị mất con, cuối cùng nó lấy việc cho mấy chú báo con bú sữa làm nguồn ủi an cho mình; rồi còn có mẩu tin kể rằng có người bảo mẫu nọ ghen ghét nhà chủ có đứa con vừa xinh đẹp, vừa thông minh nên bắt cóc về nhà mình —
Trong lòng tôi, cái tính điềm nhiên trường kì và biểu hiện thỉnh thoảng cuồng dại mất kiểm soát của Cam Linh khá tương đồng với các trường hợp trên, tôi không thể không đề phòng cô ta được.
Tôi đứng phắt dậy hỏi tội Cam Linh, cô ta nhấc chân đá vào cái bắp chân run run của tôi, bản mặt thì hầm hầm, quay trở về bức hình đó rồi xóa bỏ nó trước mặt tôi.
Tôi hứng trọn cú đá, nhưng vẫn cứ hướng về phía trước, chợt Cam Linh nói: "Đúng là cô để ý đứa nhỏ này thật..."
"Tôi có để ý hay không thì..."
"Một lớp có mười mấy đứa nhỏ, cô có thích đứa nào hơn hết không, có xử bất công với đứa nào không?" Cam Linh lại nhìn chằm chằm tivi, còn lời nói thì đâm thẳng vào cổ họng, tôi ngồi phịch xuống: "Không liên quan gì tới cô."
"Vậy là có thiên vị rồi. Mà cũng khó tránh được."
Cô ta rộng rãi thật.
Tôi biết có vài giáo viên phân biệt đối xử với học trò thấy rõ, cùng là một người mà có thể thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, rồi cũng có thể ân cần dịu dàng chỉ bảo học sinh mình. Mỗi người giáo viên, hay là mỗi con người đều có nhiều mặt khác nhau, ranh giới giữa cái tốt và xấu quá mơ hồ, giống như miếng vải bị giặt đến bạc màu đi.
Tôi còn biết có một cô giáo luôn nhẹ nhàng, và rất kiên nhẫn với người khác, nhưng lòng yêu thương của cô ấy đã bị cạn kiệt hết tại trường Ánh Sáng, lửa nhiệt tình không thể cho cô ấy tiền tiết kiệm cho gia đình. Về sau cách cô ấy đối xử với tụi nhỏ luôn là lạnh nhạt, nghiêm khắc, thậm chí là khắt khe.
Điều Cam Linh hỏi rất hợp lý, ấy thế mà cũng không có bám đuổi tới cùng, vẫn dùng cái giọng điệu ta đây biết tuốt đáng ghét mà đưa ra kết luận chuyện của tôi.
Nhưng tôi chẳng có lời nào bào chữa nổi cho bản thân.
Bảy năm trước, tôi hai mươi tuổi. Tụi nhỏ muôn màu muôn vẻ trong lớp tựa như đám cá chép được nuôi trong hồ, sôi nổi ngoi lên mặt nước há miệng ra chờ tôi rải thức ăn, có những con cá năng nổ hơn bạn cùng lứa, tung mình lên thành một đường cong xinh đẹp, đón đầu miếng thức ăn chưa kịp chạm xuống mặt hồ. Những con cá còn lại thì tranh nhau miếng ăn còn thừa, lại còn có con không thèm giành giật gì cả, đợi đến khi miếng đồ ăn chìm sâu xuống mới bình thản đớp lấy.
Nghịch ngợm gây sự, hay thông minh lanh lợi, hay năng động không chịu ngồi yên, hoặc là khó khăn bần cùng đều rào rạt nhô lên mặt nước, làm tôi thấy được đặc điểm riêng biệt của mỗi đứa nhỏ.
Chỉ có mỗi Trịnh Ninh Ninh tựa như là tổng hòa của tất cả các bạn nhỏ trong lớp, mặt nào cũng bình bình không đủ nổi bật, sự chú ý của tôi với cô bé dồn vào điểm "ba mẹ đều đã mất" và người bà giản dị, mà vẫn chưa rõ Trịnh Ninh Ninh thích cái gì, tính cách như thế nào.
Ấn tượng sâu đậm nhất mà cô bé quá đỗi bình thường kia để lại là vệt máu bắn tung tóe trên mặt đất.
Cô bé chưa bao giờ rành việc lấy lòng, hay là giở trò quậy phá các thầy cô như bao đứa trẻ khác. Cô bé cũng chưa lần nào gọi tôi là "cô Tiểu Khương", mà chỉ gọi tất cả giáo viên với cùng một xưng hô là "giáo viên ơi" (1), bỏ lơ mọi đặc điểm về giới tính, tên họ, tuổi tác, mãi cho đến giây phút hấp hối kêu mới gọi tôi là "cô Tiểu Khương ơi".
(1) Khác với bên mình, từ xưng hô "lão sư" bên Trung có thể dùng để gọi cả thầy lẫn cô. Bên mình nếu gọi "giáo viên ơi" thì hơi vô lễ, nhưng mình chịu rồi, chả nghĩ ra từ gì đủ tiêu chí "ba không" mà còn có lễ phép nữa:">
"Tôi có thể hiểu..." Cam Linh vừa nhìn hình vừa đột ngột chen vào.
"Hửm?"
"Ninh Ninh không phải là kiểu con nít dễ ưa cho lắm."
"Cô là mẹ con bé, sao có thể nói vậy chứ." Tôi điều chỉnh tư thế lại, tiếp tục quan sát những khuôn mặt không phải hung thủ.
"Bởi vì tôi không yêu chính đứa con của mình."
Một gương mặt xa lạ hiện ra trên màn hình, tôi nhìn sườn mặt Cam Linh.
Cô ta vẫn cứ ung dung, đôi môi như đang ngậm sợi chỉ đang canh me khâu lại con mắt tôi bất kỳ lúc nào, làm tôi bỏ đi cái thói ngang nhiên nhòm ngó vẻ mặt cô ta.
"Làm gì có..." Tôi muốn nói rằng, "Làm gì có chuyện này."
Ngay lập tức Cam Linh bật cười: "Làm gì có chuyện 'mẹ nào mà không thương con' phải không? Tôi đây nè, cô thấy rồi đó."
Trước nay quan điểm của Cam Linh đều luôn vững như đinh đóng cột, không chừa đường phản đối; còn tôi vốn kém duyên ăn nói, không cãi lại cô ta, nên chỉ có thể đổi chủ đề khác: "Đôi khi không phải là tôi muốn bất công... Mà là, tôi cũng không biết phải nói sao nữa, giống như chuyện tôi trồng một vườn hoa, có đóa hoa cực kỳ mong manh, làm tôi phải đặt báo thức nhắc nhở giờ tưới nước; còn có đóa hoa khác thì lại rất kiên cường, chỉ cần nửa tháng mới tưới chút nước là được rồi... Tôi không thể vì sự công bằng tuyệt đối mà mỗi ngày đúng giờ đều tưới lượng nước như nhau cho tất cả các cây..."
"Ý cô là Ninh Ninh rất mạnh mẽ nên không cần phải chăm sóc nhiều à?" Cam Linh bắt đầu muốn tranh cãi.
Tôi xoa mặt, vẫy tay về phía màn hình, ra hiệu cho Cam Linh chuyển sang tấm kế tiếp nhanh hơn.
"Con bé rất quyết đoán, rất sáng dạ, nghe chuyện gì cũng hiểu được, lời người lớn nói thì nó cũng biết được ý nghĩa... Nhưng mà đúng là bà nội nó dạy dỗ quá giỏi, chỉ cho con bé mới tí tuổi đầu mà biết trộm đồ của tôi cho bà ta, dạy con bé mắng tôi là... hàng rẻ tiền. Mấy đứa nhỏ khác nào biết nghĩa từ này là gì đâu, vậy mà con bé biết luôn, mắng chính xác cực kỳ." Cam Linh tiếp tục lướt qua những tấm ảnh, tôi dần dần ngơ ngẩn.
Sau khi Cam Linh rời khỏi trường Ánh Sáng và đến nhà tôi, cánh cổng khóa chặt trái tim nọ đã lơi lỏng đi một chút, nhưng tôi thật sự không có kỹ năng trò chuyện với người khác, nên chỉ có thể chầm chậm nhích lại gần, rồi gần cô ta thêm một chút nữa.
Bỗng nhiên Cam Linh vươn tay đẩy tôi về chỗ cũ: "Cô có cái gì thì nói thẳng đi, đừng có tới gần đây."
... Tôi không có gì để nói, nghẹn họng sững lại.
Cam Linh như đang chơi thái cực quyền trên đầu vai tôi, hết đẩy rồi lại giật về, kéo tôi đến bên cạnh cô ta, lom lom nhìn trần nhà đến đờ ra, đầu lưỡi thổi mạnh hàm răng, hai má hơi phồng lên, rồi lại xẹp xuống, nổi giận thở hắt ra, tựa như con ếch mẹ đang ngồi trên lá sen, sau một lúc lâu mới lên tiếng: "Cô đã nhìn rất nhiều hình ảnh rồi.. thông tin của tôi... ừm..."
Tôi vội vàng thêm vào: "Tôi nhìn ảnh nhiều quá đến độ đôi mắt sắp mù rồi đây; vừa lúc nên nghỉ ngơi lấy sức, bây giờ cô nói cho tôi nghe đi."
Cam Linh cười, nghe ra được tôi đang vụng về kiếm cớ cho cô ta xuống nước.
"Con nít ấy mà, cô mà để mặc thì chúng sẽ nhanh hư hỏng lắm. Người xấu trên cái trần đời này quá nhiều, ai cũng có thể làm gương xấu cho nó được, cô mà không đánh mắng, uốn nắn nó thì nó sẽ thế nào chứ? Học cái tốt thì khó, nhưng học cái xấu thì đơn giản làm sao. Tôi mới không gặp nó hai ngày, vậy mà nó học được cách mắng chính mẹ ruột mình. Con bé ghét tôi, ghét tôi cứ trông coi kiểm soát nó; khác hẳn một trời một vực với bà nội, nó ngoan ngoãn thì được ăn kẹo, thích ăn cái gì thì bà nội mua cho, không thích đi học thì bà nội nói dối thầy cô giúp, rồi không ăn nói lễ phép, tính tình còn nóng nảy cứng đầu..."
Cam Linh chợt lâm vào cơn dông dài, tôi khó mà tiếp tục suy nghĩ nữa. Trong đầu tôi luôn là cảnh vong hồn Trịnh Ninh Ninh ngồi trên quan tài, tôi không tưởng tượng được lúc cô bé mắng Cam Linh là như thế nào, nên chỉ có thể nghi ngờ là Cam Linh lại dối gạt tôi. Lần trước cô ta kể bậy kể bạ làm tôi sợ chết khiếp ngay tại chỗ, lần này tôi đề phòng đến tận răng, mồ hôi túa ra ướt đẫm cái lưng. Cam Linh đứng dậy tắt tivi, tay tôi liên tục chà sát vào tay ghế, cả người căng thẳng lên.
May mà đầu óc tôi vẫn còn hoạt động được: "Cô không mang con bé theo lúc rời đi huyện Năng à? Đổi môi trường..."
"Con bé không chịu theo tôi."
Bức hình tôi chụp vào ngày mưa kia là hôm cuối Cam Linh ở lại huyện Năng. Cô ta mặc áo mưa tới đón Trịnh Ninh Ninh, quyết ăn thua đủ bắt cô bé rời đi chỗ này. Cô ta là mẹ ruột, chiếm ưu thế về cả pháp lý và tình lý, Cam Linh và mẹ chồng đã đấu đủ với nhau rồi, sức đã cùng lực đã cạn rồi, muốn đổi sang tấm bản đồ khác yên bình hơn.
Thế nhưng Trịnh Ninh Ninh lập tức cự tuyệt, tỏ vẻ muốn sống với bà nội.
Cam Linh nói, mẹ là mẹ con, con không theo mẹ thì sẽ biến thành kiểu gì chứ.
Người lớn và trẻ nhỏ không thấu hiểu lòng nhau, không cách nào trao đổi với nhau được. Cam Linh tóm chặt Trịnh Ninh Ninh, còn đứa nhỏ dữ dằn cắn vào tay mẹ nó nhằm tìm đường thoát thân.
Qua bảy năm, dấu răng và vết cào xước thưở xưa đã phai nhòa trên bàn tay Cam Linh, thay vào đó là đầy rẫy vết sẹo trắng bệch xấu xí lồi lên, đan xen vào nhau. Cam Linh giơ bàn tay ra, tôi ngập ngừng thử nhận lấy, mới quan sát được một chút, đối phương đã vặn đầu tôi sang chỗ khác.
Cam Linh kể sơ toàn câu chuyện, sau đó mới đi vào chi tiết. Con nít học nói tục rất nhanh, nghe Cam Linh nói muốn đi chỗ khác thì tức khắc la toáng lên rằng, bà nội nói chẳng sai tí nào, bà đúng là hạng đàn bà mèo mả gà đồng chỉ muốn đi ở với người khác mà thôi!
Cam Linh bị cắn, bị mắng, và rồi cuối cùng không còn ép buộc cô bé theo ý mình nữa.
"Mày nghĩ tao muốn mang mày đi lắm hả? Hừ, từ khi sinh mày ra là tao ngày nào cũng hối hận, mày không muốn theo thì đừng có theo nữa. Mày cứ sống với mụ già kia đi, để tao chống mắt lên xem cuối cùng mày trở thành cái gì!"
Đây là những lời cuối cùng của Cam Linh với con gái mình.
Còn câu nói cuối cùng của Trịnh Ninh Ninh với mẹ cô bé là: "Tôi có chết cũng không cần bà lo!"
"Tại sao con bé ghét cô? Chỉ là bởi vì cô đánh mắng nó sao? Nhưng mà..."
"Con bé thù ghét tôi, chủ yếu là vì..." Cam Linh đột ngột tạm ngừng lại một cách kì lạ, nheo mắt liếc nhìn tôi, cười nhạo: "Cô cũng khách sáo ghê nhỉ."
Phong cách lạnh lùng băng giá trước đây đã biến mất, sau khi khóc thì tính Cam Linh đã đổi hẳn một trăm tám mươi độ thành con người có thể bộc lộ nỗi lòng với tôi, thế nhưng trông cô ta không có vẻ gì là cay đắng hoặc u oán cả. Cô ta không phàn nàn về bất cứ điều gì, kể cả về bà cụ đã chết đi, hay là về Trịnh Ninh Ninh; không phàn nàn gì về tất thảy sự việc ở quá khứ, bao gồm cả chuyện về các vết sẹo trên đôi bàn tay cũng dễ dàng bị xóa sạch, tựa như tất cả đúng sai chỉ là cái gánh nặng, cô ta giẫm lên chúng, rồi tiếp tục hành trình săn thú.
Cam Linh cân nhắc thật lâu, tốt bụng để tâm đến việc tôi không được thông minh cho lắm, từ từ đưa ra một phép ẩn dụ.
"Cô còn trẻ... vẫn chưa lập gia đình, cho nên không hiểu được chuyện này. Để tôi đổi cách nói khác, lúc cô chơi trò chơi, phải đối đầu với rất nhiều người, chăm chỉ lên cấp đánh quái, rồi diệt trùm cuối. Nhưng mà cuối cùng, trong lòng con gái thì cô mới là kẻ ác.
Cam Linh vẫy tay về phía tôi, một tay tạo thành hình người nho nhỏ, bước đi trên cánh tay tôi; một tay khác thì hóa thành cái nắm đấm thật lớn, quật con người bé nhỏ kia ngã xuống, trong lúc đó thì vẫn luôn chú ý cảm xúc của tôi, hệt như đang giải thích câu chuyện cổ tích cho một đứa trẻ vậy.
Phản ứng của tôi hơi chậm, Cam Linh thì vẫn luôn nhanh nhạy, cho rằng tôi không hiểu, lại nêu ra một ví dụ khác: "Trong mắt mấy đứa con nít, giả sử lấy tình tiết trong vở kịch trường cô đi, thì con thỏ vào rừng kết bạn với bông cải xanh, cải bó xôi, nấm hương, rồi đánh bại vua cà rốt chỉ vì ánh sáng thần kì chữa bệnh cho thỏ mẹ."
Đúng là cô ta đã xem tiết mục Nghệ Hàm diễn rất chăm chú, tôi hiểu ngay điều cô ta đang nói.
Nhưng Cam Linh luôn coi tôi là đứa con nít, hoặc là im lặng không nói gì, đến lúc mở miệng ra là muốn nhai nát rồi mới nói cho tôi, muốn tôi thấu tỏ từng câu từng lời: "Nhưng mà, tôi không giống vậy, trong mắt Ninh Ninh, tôi hoàn toàn chẳng hòa hợp với thứ nào cả, những gì tôi cảm thấy không tốt, thứ tôi thù, thứ tôi ghét đều là những gì Ninh Ninh thích, hay là sợ mất đi. Tôi xô xát với bà nội nó, mắng bà ta là mụ già khú đế chết tiệt; tôi quật lộn với ba con bé, anh ta cầm dao thì tôi với lấy cái rìu; tôi tranh chấp với hàng xóm, người ta tới đây gõ cửa khuyên can, đều bị tôi chửi mắng té tát... Đôi khi Ninh Ninh hoang mang, con bé cảm thấy mọi người đối xử với nó rất tốt, cho nó kẹo, lại ôn tồn nhỏ nhẹ, còn cho nó chơi đùa, chăm sóc nó, có chỗ nào là xấu đâu? Nhưng mà tôi không cho phép nó, cấm cản nó, Ninh Ninh cảm thấy mọi người không sai gì cả, tất cả đều là lỗi của tôi, tôi là kẻ xấu, là quái vật."
"Nếu cô không phải là người xấu thì làm sao mọi người lại trở thành kẻ thù của cô như vậy chứ? Cô đối địch với tất cả mọi người, nếu cô không phải kẻ xấu thì còn ai vào đây nữa đâu?" Trong lòng Ninh Ninh thì tôi chống lại, tôi đánh nhau với hết thảy người xung quanh, tôi không thích nhìn tất cả mọi thứ... Tôi, đúng là một người phụ nữ điên rồ."
—
Tấn Giang:
ID Đậu phộng là loại cây gì — 11/12/2022:
Chiến đấu là để phá vỡ gông cùm xiềng xích.
ID Minh Huyễn — 15/10/2022:
Phải giáo dục con cái thật là đáng sợ, càng nghĩ tôi càng không muốn dễ dàng có con đâu.
ID Điên khùng còn hơn bạn — 12/09/2022:
Nếu một người vợ, người dâu, người mẹ không chịu khuất phục trở thành tên nô lệ ngoan ngoãn, hết thảy người khác đều chửi mắng cô ấy là mụ điên, xông vào chia rẽ mối quan hệ mẹ con vốn nên là gắn bó thân thiết nhất trên đời. Cô con gái cho rằng mình và mẹ mình không hợp nhau, nhưng khi lấy chồng thì cô ấy sẽ thấy mình bị đánh trả về hình dáng ban đầu, biến thành người phụ nữ bị xiềng xích giống như người mẹ mà cô từng xem thường.
ID Tiêu Tiêu — 03/08/2022:
Aizz... Quan hệ mẹ chồng nàng dâu này quá dữ dội ác liệt, bị bà mẹ chồng kia thọc gậy bánh xe không được gần gũi với chính con gái mình, thì ra cuộc sống trước của chị Cam khổ cực như vậy.
ID Vol — 03/08/2022:
Người phụ nữ điên trên gác mái.
Chú thích: Cuốn sách The Madwoman in the Attic (tạm dịch Người đàn bà điên trên gác mái) ra đời năm 1979, viết bởi hai nhà nghiên cứu văn học Sandra Gilbert và Susan Gubar đã đặt nền móng lý luận cho văn học nữ quyền. Dù sau này cuốn sách được cho là đã trở thành lỗi thời, còn nhiều hạn chế và thiếu sót trong việc nhìn nhận toàn diện về các hoàn cảnh cá nhân khác nhau, nhưng nó vẫn là công trình nền tảng trong lĩnh vực này.
Trong tác phẩm, Gilbert và Gubar xem xét quan điểm cho rằng nhân vật nữ trong tác phẩm của các nhà văn nữ thế kỷ 19 bị giới hạn trong hai hình tượng hoặc là "thiên thần", hoặc là "quái vật" (còn gọi là "những người đàn bà điên"), và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá bỏ cả hai hình tượng này, vì chúng không đại diện chính xác cho các nhà văn nữ nói riêng và phái nữ nói chung. Thay vào đó họ kêu gọi các nhà văn nữ cố gắng đạt được sự tự định nghĩa về bản thân vượt qua những định kiến bị áp đặt kia.
ID 27798946 — 27/07/2022:
Hai người này giống như bác sĩ tâm lý của nhau vậy.
ID Sở Tầm — 13/06/2022:
Cam Linh vốn định mang Ninh Ninh đi; và sau khi cô bé chết bảy năm thì ngần ấy thời gian Cam Linh vẫn luôn bị giam giữ trong bóng tối của sự dối gạt. Mãi đến sau này lúc biết tin thì cô ấy đã hối hận biết chừng nào, có phải cô ấy đã tự trách rằng nếu lúc đó cô ấy đã cứng rắn hơn, thì đã cứu được cô bé rồi không. Ôi, sự yếu đuối đau xót nhất trên đời đúng là "lẽ ra phải"...
>> ID Tay áo trả lời — 12/07/2022:
Cô Tiểu Khương cũng tự trách bản thân như thế này, các cô ấy là kiểu người giống nhau.
ID Phi Vị — 07/07/2022:
Tôi khá giống Ninh Ninh, có lần tôi vuột miệng với mẹ tôi qua điện thoại, bà ấy sững sờ nói với tôi rằng, thì ra con vẫn luôn nghĩ về mẹ như vậy... Ôi chao, thật ra chỉ cần thông cảm cho nhau một chút, dành nhiều thời gian hiểu biết lẫn nhau thêm một chút là được rồi, chẳng qua mẹ con họ không có cơ hội đó... nên là thật sự rất buồn...
ID Du khách mùa đông — 06/07/2022:
Hức hức hức chị Cam ơi, muốn ôm cô ấy quá đi.
ID Một đoạn vô nghĩa — 13/06/2022:
Tuy đây không phải là bắt cóc, nhưng chương này thực sự khiến tôi nghẹt thở thay cho những người phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc...
ID Nấm đùi gà luộc — 13/06/2022:
Cây trúc, rồi cá chép... cô Tiểu Khương thật sự rất yêu thích trẻ con.
ID Bất kể quá khứ, không hỏi tương lai — 12/06/2022:
"Hàng rẻ tiền" vậy là Cam Linh đã bị bắt cóc rồi bán đi sao? Hức hức hức, đúng hay sai thì Cam Linh quá khổ sở rồi.
>> Tác giả trả lời — 12/06/2022:
Không, không có đâu, tôi đã viết về những kẻ buôn người ở truyện khác rồi, truyện này không có nội dung như thế đâu.
ID Ước mơ được nuôi thỏ — 12/06/2022:
Than ôi, ai đau lòng cho Cam Linh đây.
>> Tác giả trả lời — 12/06/2022:
Wow tôi mới phát hiện ra tên bác hay quá nha, bác có thể nuôi một cô Tiểu Khương nho nhỏ đó.
>> ID Ước mơ được nuôi thỏ trả lời — 12/06/2022:
He he he he!!!
ID Cá trong chậu — 12/06/2022:
Lúc còn sống Ninh Ninh không ồn ào, không gây sự làm phiền thầy cô, trước khi chết mới gọi "cô Tiểu Khương" để xin giúp đỡ. Còn qua lời kể của Cam Linh thì cô bé là đứa trẻ bị bà nội dạy hư, chửi mắng và ngỗ nghịch với chính mẹ mình, vậy cô Tiểu Khương có cảm thấy mình chưa hết lòng quan tâm Ninh Ninh không? Cô ấy không biết mặt tính cách này của Ninh Ninh, chỉ luôn nghĩ về cô bé như một đứa trẻ bình thường, và ấn tượng sâu nhất là cảnh tượng cô bé mất đi.
Những lời của cuối cùng của Cam Linh và Ninh Ninh dành cho nhau là sự bế tắc mà cho dù hung thủ có đền mạng thì cũng không thể tháo gỡ, Cam Linh có làm điều gì đi chăng nữa thì cũng không đền bù nổi sự tiếc nuối này. Chúng ta có thể mường tượng ra tình cảnh lúc ấy của Cam Linh, cô ấy không thể không rời đi, thật là gian nan.
Cam Linh có phải người xấu không? Không có bộ luật hay quy định nào chắc chắn rằng phía nào có nhiều người hơn thì chắc chắn là thuộc về công lý cả. Hôm nay Cam Linh vẫn đang đối đầu với tất cả mọi người, và việc giao tiếp với cô Tiểu Khương không ảnh hưởng gì đến trận chiến của cô ấy. Vậy cô ấy có thật sự là nhân vật phản diện không? Dù có thế nào chăng nữa thì cô Tiểu Khương sẽ không để tâm đến chuyện phe phái mà từ bỏ nỗ lực ngăn cản Cam Linh báo thù.
ID Đạt Mị — 12/06/2022:
Cam Linh nói không yêu con ruột mình, con bé không dễ ưa dễ thích, nhưng vẫn trở lại báo thù cho con bé. Có điều đúng là phương pháp dạy dỗ có ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ (các bậc cha mẹ nên dạy con đi đôi với có lý do và bằng chứng rõ ràng), Cam Linh cũng cảm thấy áy náy với hành vi của mình vào lúc đó, nên khó trách cô ấy hối hận và cảm thấy tội lỗi sau này.
Đồng thời theo lời tự đánh giá của Cam Linh về bản thân thì tính tình cô ấy rất bộc trực thẳng thắn, tôi tự hỏi tại sao lúc đầu cô ấy lại đi lấy chồng rồi sinh con nhỉ, có cảm giác như cô ấy bị chê ghét coi thường lắm, chẳng lẽ là có tác nhân bên ngoài ép buộc sao?
ID Dân Gu Gu — 09/08/2022:
Chương này làm tôi nghĩ đến bài viết "Nora ở vùng đồng bằng". Cam Linh tự nói mình là người phụ nữ điên rồ, Khương Tiểu Hồi cũng kể với đồng nghiệp là mình gặp phải mụ điên, mà khi đồng nghiệp cô ấy lôi chuyện gặp phải mụ điên lúc nhỏ ra đùa cợt thì Tiểu Hồi lại muốn rút từ "mụ điên" kia lại. Thế là từng phiên bản "người phụ nữ điên dại" được hình thành từ miệng lưỡi người đời.
ID Tôi đến thăm một ngôi sao — 02/08/2022:
Mấy hôm trước tôi xem một video phỏng vấn một người phụ nữ nông thôn 21 năm về trước, cô ấy nói (phụ nữ nông thôn) trước khi lấy chồng thì thuộc về gia đình ruột thịt, sau khi lập gia đình thì thuộc về nhà chồng. Luôn luôn là người khác lựa chọn cô ấy, cô ấy không thể đưa ra lựa chọn với người khác. "Ở đó con người ta có tiền để xây nhà, nhưng không thể đi mua sách; có thể đánh bài nói chuyện phiếm, nhưng không thể đi thăm thú Tây An; không thể giao du rộng rãi; không được quá khoa trương; không thể quá cá tính; không được quá tốt, nhưng cũng không thể quá xấu; có một loạt quy tắc đã định sẵn, nếu muốn phá vỡ nó sẽ cảm thấy thật bất lực, tuyệt vọng và cô đơn, giống như có rất nhiều ánh mắt đang nhìn chằm chằm vào bạn..." Dân mạng dưới video đã bình luận rằng cái tỉnh táo này đặt vào môi trường như vậy là một sự đau khổ. Cô ấy kết thúc video với câu nói: "Tôi thà chịu đau đớn, còn hơn là tê liệt."
>> ID Vol trả lời — 03/08/2022:
Tôi cũng nghĩ đến chương trình "Nửa bầu trời — Lưu Tiểu Dạng" này, đề cử mọi người tìm và đọc qua một lần nhé.
>> ID Vũ Mộc Tương trả lời — 28/11/2022:
Là Lưu Tiểu Dạng phải không vậy! Tôi đã xem video này rồi, vừa xem vừa khóc rưng rức.
>> ID 1234567890 trả lời — 10/03/2023:
Sau đó cô ấy đi tìm lý tưởng trong thành phố nhưng không thành, rồi trở lại nông thôn, từ bỏ suy nghĩ của mình, và hòa nhập vào thế giới buôn chuyện của phụ nữ nơi đó.
Chú thích:
Hội nghị Thế giới về Phụ nữ (World Conference on Women) lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995 đã mở đầu cho nhiều chương trình phát sóng về phụ nữ, nhưng khi Hội nghị kết thúc vào năm 1996 thì nhiều chương trình kể trên đã ngừng lại. Số ít hiếm hoi vẫn được tiếp tục có thể kể đến chuyên mục "Nửa bầu trời" của CCTV. Chuyên mục ra đời năm 1995, lấy tên là "Nửa bầu trời" (Half the sky) với sự ẩn dụ về sức mạnh to lớn của người phụ nữ trong xã hội mới có thể chống đỡ nửa bầu trời. Sau năm 1998, chuyên mục bắt đầu chú tâm vào vấn đề bình đẳng giới, sự khác nhau giữa giới tính, mạnh dạn phô bày thực trạng sống của người phụ nữ trên mọi mặt.
Ở thời đại bảo thủ mấy chục năm trước, ê-kíp chương trình thẳng thừng coi thuốc tránh thai dành cho nam giới là một chủ đề:
Vì sao trước đây nhóm tránh thai chủ yếu là phụ nữ?
Phương pháp tránh thai đúng là gì?
Phương pháp tránh thai dành cho nam giới là gì?
Chuyên mục cũng tập trung vào hiện thực với những câu hỏi như:
Liệu quyền riêng tư của bệnh nhân nữ có được bảo vệ không?
Vấn đề giới tính trong quảng cáo có được quan tâm tới không?
Các khía cạnh của phân biệt giới tính là gì?
Tình trạng sống của các cô bác phụ nữ lớn tuổi đang nghiêm trọng như thế nào?
Quyền lợi và sức khỏe của phụ nữ là chủ đề mà "Nửa bầu trời" chưa bao giờ từ bỏ:
Trầm cảm sau sinh, phòng chống ung thư vú, giáo dục giới tính tuổi vị thành niên, suy nghĩ về phẫu thuật thẩm mỹ...
Đến năm 2001, một người phụ nữ tên là Lưu Tiểu Dạng (刘小样) viết thư kể chuyện cuộc sống mình cho chuyên mục. Đó là năm thứ 6 của "Nửa bầu trời", và là năm thứ 10 người phụ nữ này kết hôn, lúc này cô ấy đang ở tuổi 33. Gia đình cô ấy đang rất hạnh phúc, yên ấm với hai đứa con, chồng cũng đối xử tốt với cô ấy. Tuy nhiên cô ấy luôn cảm thấy sự hụt hẫng, thiếu sót thứ gì đó.
Trong nửa năm, cô ấy đã viết nhiều bức thư dài cho ê-kíp, trong đó có bức viết rằng:
"Ở nông thôn, con người ta có tiền để xây nhà, nhưng không thể đi mua sách; có thể đánh bài nói chuyện phiếm, nhưng không thể đi thăm thú Tây An; không thể giao du rộng rãi; không được quá khoa trương; không thể quá cá tính; không được quá tốt, nhưng cũng không thể quá xấu; có một loạt quy tắc đã định sẵn, nếu muốn phá vỡ nó sẽ cảm thấy thật bất lực, tuyệt vọng và cô đơn, giống như có rất nhiều ánh mắt đang nhìn chằm chằm vào bạn. Bạn không cần sự can ngăn của người khác, mà chính bạn sẽ tự nguyện tuân theo những quy tắc này."
Và Lưu Tiểu Dạng có mô tả lại nơi cô ấy sống ở một lá thư khác:
"Mùa hè có những làn sóng lúa mì vàng óng cứ thổi mãi không dứt, mùa thu có những cánh đồng bắp như tấm gạc xanh biếc... Nhưng tôi không thích nơi này, bởi vì nó quá bằng phẳng."
Những bức thư và điện thoại đã dẫn đoàn ê-kíp đến chỗ của Lưu Tiểu Dạng để phỏng vấn. Vào ngày 23/03/2002, tập phóng sự "Tên tôi là Lưu Tiểu Dạng" được phát sóng trên ấn bản cuối tuần của chuyên mục. Đó là lần đầu tiên khán giả nghe thấy tiếng khóc nội tâm của một người phụ nữ nông thôn bình thường trên sóng truyền hình quốc gia, thấy được niềm khao khát thế giới bên ngoài và khát vọng có được tri thức mãnh liệt của cô ấy.
Trong trận tuyết rơi vào mùa đông ở đồng bằng Quan Trung (Hàm Dương), Lưu Tiểu Dạng mặc chiếc áo khoác màu đỏ tươi, ngồi giữa những cánh đồng đan xen sắc vàng và xám, kể với người dẫn chương trình về những điều cô ấy không hài lòng về thế giới và cuộc sống của mình:
"Ai cũng nghĩ là nông dân, nhất là phụ nữ, không cần phải suy nghĩ gì cả. Cô ấy nấu ăn, cô ấy giặt giũ, cô ấy trông con, cô ấy làm việc nhà, cô ấy làm ruộng. Rồi cô ấy đi chợ, đi dạo, cô ấy chỉ có thế thôi, đại loại thế, bạn nói cô ấy làm gì có tư tưởng hay suy nghĩ gì, cô ấy không cần suy nghĩ gì khác cả." Lưu Hiểu Mạn nghiến răng, "Tôi không chấp nhận điều này."
"Tôi thà chịu đau đớn, còn hơn là tê liệt; tôi không muốn mình vô tri chẳng biết cái gì cả, đó là ước muốn của tôi. Có cơm ăn, có áo mặc, có nơi nương thân đã rất tốt rồi. Nhưng tôi không thỏa mãn với những thứ này, tôi muốn có cuộc sống trọn vẹn đủ đầy, tôi muốn có kiến thức, tôi muốn được đọc sách, tôi muốn xem tivi, và thấy được những điều tôi mong muốn từ đó — bởi vì tôi không thể đi ra ngoài."
"Mặc dù đau đớn, nhưng tôi không buồn, và nỗi đau của tôi cũng có thể là một loại chuyển hóa".
Từ đó, "Tên tôi là Lưu Tiểu Dạng" đã trở thành tập phát sóng nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng nhất của "Nửa bầu trời". Cái tên "Lưu Tiểu Dạng" đã trở thành một ám hiệu trong lòng nhiều thế hệ, và vẫn không ngừng gây tiếng vang trong hai thập kỷ mãi về sau.
Còn với Lưu Tiểu Dạng thì cuộc trò chuyện dưới tuyết ấy như khúc dạo đầu cho một cơn sốt cao, kéo cuộc đời cô vào dòng dung nham đang khuấy động. Cô không biết rằng lời nói của mình đã chạm đến trái tim của vô số người xa lạ ngoài đồng bằng, và cô chỉ cảm thấy mình đã trở thành người phụ nữ nông thôn "nghĩ vớ vẩn, viển vông, nghĩ đến những điều không thực tế chút nào".
Sau đó Lưu Tiểu Dạng thật sự đã rời khỏi căn bếp tối tăm trong vài năm để đi làm ở các thành phố, giống như Lỗ Tấn đã nói trong bài viết "Điều gì xảy ra sau khi Nora rời đi" năm 1923: "Tuy nhiên, vì Nora đã tỉnh nên việc quay về trạng thái mơ ngủ là chuyện rất khó xảy ra, vì vậy cô ấy phải rời đi." (Nora là nữ chính trong vở bi kịch Nhà Búp Bê năm 1879 của Ibsen).
Đến năm 2016, cô ấy trở về nhà ở đồng bằng để chăm sóc mẹ chồng bị bệnh, và từ đó chưa hề bỏ đi nữa, tự nguyện trở lại con đường cũ 20 năm trước. Lưu Tiểu Dạng bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống nông thôn, bắt đầu học chơi mạt chược, nhưng chồng cô ấy cho rằng cô ấy đang "cố gắng hết sức để bình tĩnh lại" và có "một điều gì đó trong bản chất của cô ấy không thể thay đổi ngay lập tức."
"Cô ấy bình tĩnh giống như đang ngồi tù. Trái tim cô ấy vẫn còn mãi rạo rực không thể thu hồi được, mà cô ấy thì tự nhốt mình trong nhà. Chừng nào trái tim của cô ấy vẫn chưa chịu yên nghỉ, thì chừng ấy thời gian cô ấy sẽ vẫn còn khổ sở."
Khi tác giả bài viết "Nora của vùng đồng bằng" hỏi Lưu Tiểu Dạng rằng, có khi nào cô nghĩ đây là một bi kịch không?
Cô ấy im lặng. Ánh mặt trời chảy vào căn phòng thông qua giếng trời trên mái. Gian bếp vẫn giữ nguyên bộ dáng gần giống như 20 năm trước, chỉ là thay đổi cái bếp củi bằng bếp từ; ngoài ra thì tủ chén, lu nước, dao phay và cái chậu gỗ lớn để hấp bánh bao đều là vật dụng do mẹ chồng chuẩn bị khi cô ấy gả vào đây năm 1991.
"Tôi không nghĩ đây là bi kịch. Có thể có nhiều người giống tôi, chỉ là chúng ta không biết mà thôi. Dù chuyện này có xảy ra với người khác, thì cũng không thể gọi nó là bi kịch được. Tôi không cần sự đồng tình, thương hại, hoặc bất cứ điều gì, tôi chỉ có thể đánh giá cao nó." Liu cảm thấy từ tốt nhất để mô tả điều này là "bi tráng" (bi thảm và mạnh mẽ lớn lao).
"Tôi nghĩ đó là một thứ bi tráng. Bản thân mỗi một thứ bi tráng đều có vẻ đẹp bên trong nó."
——————
Nội dung chú thích trên mình lấy từ bài viết "Nora ở vùng đồng bằng" (平原上的娜拉) của tác giả An Tiểu Khánh (安小庆), và một bài viết tiếng Anh về chuyên mục "Nửa bầu trời", các bạn có thể đọc sâu thêm trong link ở bình luận, có rất nhiều nội dung và hình ảnh mình không thể tóm tắt hết.
Video phỏng vấn Lưu Tiểu Dạng như sau, nếu tìm kiếm tên cô ấy trên youtube sẽ có thêm vài video nữa. Bạn nào biết tiếng Trung thì tốt bụng tóm tắt cho tụi mình nghe với nha:">
- -
Mong các bạn hãy vote ủng hộ tinh thần editor, và chỉ đọc tại các trang chính thức sau: