Con Thuyền Trống

Chương 69:




Yêu em cho đến khi con tim ngừng đập
Cho thiên thu là một giây
Yêu em cho đến khi ong thôi làm mật
Đến khi loài chim quên lối bay
Khi ôm em trong tay anh nghe ngọt ngào
Nếu đời là một giấc chiêm bao
Xin yêu em thiết tha như yêu lần đầu
Anh muốn yêu em dài lâu
- --------------
Một người phụ nữ bị sốt nằm vật vờ trên sa lông ngoài lề đường. Còn bây giờ là thời điểm đêm hôm khuya khoắt, có mấy tên đệ tử lưu linh cầm chai rượu liêu xiêu lướt qua. Tuy rằng người phụ nữ kia khỏe giống như thường xuyên tập thể hình, thoạt trông có thể đấu tay đôi với một người đàn ông vạm vỡ, nhưng hôm nay cô ta sốt nặng rồi.
Tôi vén rèm nhìn xuống, cái sa lông rách bươm núp trong bóng tối, nơi ánh đèn đường không thể với tới.
Tôi không thể không thắc mắc về chỗ Cam Linh trú ngụ mấy ngày nay, cô ta sạc cái điện thoại kia ở đâu, rồi tắm rửa giặt đồ nơi nào, chẳng lẽ là sống màn trời chiếu đất suốt ngày sao? Nhưng nếu cô ta là mẹ của Trịnh Ninh Ninh thì phải có nhà để về chứ, nếu không có nhà ở huyện Năng này thì cũng phải có chỗ bà con gì đó để cậy nhờ phải không? Mà cho dù không có đi nữa thì mấy năm nay xứ này không có ca nhiễm Covid nào, các khách sạn bình dân vẫn hoạt động bình thường.
Cuối cùng tôi vẫn không thể đành lòng nhẫn tâm được, tôi nấu nước, thay đồ, rót đầy nước ấm vào cái bình giữ nhiệt màu hồng xanh. Rồi tôi lục lọi mấy bao thuốc, tiện thể bỏ đi rất nhiều thuốc quá hạn mới tìm được mấy viên aspirin, ngẫm nghĩ một lúc thì để qua một bên, lấy hai gói bản lam căn cất vào túi (1).
Tôi thương cảm cho cô ta.
Tôi thương cảm cho tất cả những cảnh đời bất hạnh khổ sở.
Loại cảm xúc này làm tôi có vẻ rất giống "Thánh Mẫu Maria" theo lời Cam Linh nói. Nhưng cô ta không biết trong "Kinh Thánh" (2) chưa bao giờ đề cập đến từ này. Trong đó có bảy người phụ nữ cùng tên là Maria, tất cả đều là người bình thường, nhưng có một người không biết tại sao được chọn mà sinh hạ một người con vĩ đại, và sau đó vinh hiển nhờ con trai, được người đời sau xưng tụng là "Thánh Mẫu", hoặc là "Đức Mẹ".
Tôi thình lình nghĩ đến Cam Linh, một người phụ nữ hoàn toàn trái ngược với Đức Mẹ Maria, con gái đã chết bảy năm mới xuất hiện, trong khi lúc con bé còn sống thì không một lần thăm đón.
Lòng tôi hơi lung lay.
Quả thật là Cam Linh nắm rõ tôi trong lòng bàn tay, liếc một cái là thấu ngay tôi chỉ là kiểu miệng cọp gan thỏ đầy nhút nhát. Tôi cũng muốn nói ra chân tướng lắm chứ, nóng ruột vô cùng, có điều tôi nhất định không được nói mà thôi.
Trước khi xuống lầu tôi đứng đối diện với gương tự vấn bản thân, chuẩn bị tâm lý một lúc mới dằn được chuyện bảy năm trước xuống lần hai.
Khi mang đống đồ xuống dưới, Cam Linh vẫn nằm còng queo trong góc tối kia, trước mắt vẫn tạm xem là an toàn, đám bợm nhậu đã uống không biết bao nhiêu là rượu rồi. Tôi ngồi xổm xuống, lay vai cô ta. Cam Linh xoay lại, tôi không nói gì mà chỉ đặt gói bản lam căn và bình nước ấm cạnh đầu cô ta. Mắt Cam Linh chớp chớp, chống người ngồi dậy, vặn bình nước ra hà hơi, cất tiếng: "Đúng là cô có hơi... thánh mẫu đó."
"Được rồi, tôi đâu còn cách nào khác. Cô tự lo liệu đi, đừng có chết ở chỗ này, lương tâm tôi không chịu được." Tôi vỗ vỗ hai tay vào nhau, đứng lên, nhìn cái bình giữ ấm mà khẽ cắn môi, coi như nó đi tong rồi.
Cam Linh đổ nước ấm vào nắp, từ tốn thổi cho nguội. Tôi ngồi yên lặng một lúc, rồi ngoặt trở về.
Dường như cô ta quen thói chỉ chịu nói sau khi tôi quay đi hay sao đó, tự nhiên gọi giật lại: "Cô Tiểu Khương này."
"Gì vậy?"
"Khi Ninh Ninh chết đi, lương tâm cô có bị cắn rứt không?"
Tôi bước nhanh hơn, tránh để buột miệng ra câu trả lời.
Tôi rất muốn đáp lại, nhưng vừa mở miệng, khắp nơi tràn đến âm thanh xào xạc từ cây trúc mọc lên, rồi tiếng dao xoèn xẹt chặt đứt những khóm cây, và giữa rừng âm thanh đó, tôi nghe thấy tiếng gọi hấp hối của Trịnh Ninh Ninh.
"Cô Tiểu Khương ơi, cứu con với."
Tôi khó nhọc hít vào thật sâu, cố trấn định lại tâm tình. Nhưng khi đã trở về thì người tôi mềm nhũn ra, tắt máy lạnh, cuộn tròn trong chăn. Tôi cắm tai nghe vào rồi phát nhạc của Nhóm Năm Người và Hứa Như Vân (3), nhưng tất cả những việc đánh lạc hướng này không thể bức chuyện về Trịnh Ninh Ninh ra khỏi óc, giờ đây mẹ con bé đã tới đây thay nó trả thù rồi.
Lương tâm của tôi không có một giây một phút nào được yên bình.
Sáng hôm sau tôi mở cửa với cặp mắt thâm quầng, thấy cái bình giữ ấm và nửa gói bản lam căn để ngay ngắn trước cửa. Gói thuốc tựa như đã được hơ qua lửa, bao ni lông nhựa chảy ra và bịt kín miệng túi. Tôi cất chúng đi, để việc này chìm vào quên lãng.
Bên bảo vệ trường đã kêu nhân viên bảo trì đến sửa chiếc camera trên cột điện, Lý Dũng Toàn cực kỳ tích cực, xung phong đỡ thang trong khi người ta đã bảo là không cần, còn khoa tay múa chân chỉ đường này nọ. Có lẽ là tiền sửa xe của cậu ta cao hơn tôi nhiều chăng.
Còn chuyện tập luyện của tụi nhỏ đã vào guồng, và mỗi ngày trôi qua là ngày giỗ của Trịnh Ninh Ninh càng đến gần hơn.
Cô bé mất vào ngày hai mươi hai tháng năm.
Năm nào tôi cũng mang hoa đi viếng mộ Trịnh Ninh Ninh, lần nào tôi cũng đến nhà bà nội cô bé chịu mắng nhiếc.
Hiện tại là năm thứ bảy, theo tục lệ ở huyện Năng thì suốt bảy ngày trước lễ giỗ cần phải đốt vàng mã để nghênh đón người chết trở về. Người chết sẽ về ăn uống ở nhà, cho nên bảy ngày này luôn phải có đồ ăn, còn buổi tối các hồn ma khác sẽ đi tranh ăn. Nhưng tôi không có thói quen đốt vàng mã, linh hồn Trịnh Ninh Ninh cũng không biết nhà tôi ở đâu, nên tôi chỉ có thể nhớ trong lòng.
Nói đến chuyện nhiếc móc, thì chỉ có năm thứ nhất và năm thứ hai là tôi bị mắng xối xả, từ năm thứ ba cho đến năm ngoái thì bà nội Trịnh Ninh Ninh đã già đi rất nhanh, không còn sức tiếp tục gào rống. Bà ấy không mắng tôi nữa, khòm người đi nhặt rác, tôi tò tò theo đuôi giúp đỡ một ngày. Thấy tôi mang đồ này nọ đến, bà ấy chỉ nhếch mép, thỉnh thoảng lầu bầu với tôi mấy câu, nhưng tôi không nghe ra được là bao, cuối cùng tôi thay bà ấy làm xong việc, rồi bị đuổi cổ ra khỏi cửa.
Buổi lễ tốt nghiệp mẫu giáo sẽ tổ chức vào ngày một tháng sáu, ngoài tiết mục chính ra còn có cả nhóm lớp lá Hoa Hướng Dương của Chu Nhị Đình nữa. Nhưng cô ấy chưa có ý tưởng gì hay ho, vắt hết óc mới đề nghị: "Vậy chúng ta tập bài 'Gieo mặt trời' đi!"
Tôi vừa nghe đã phản đối ngay: "Bài đó cũ lắm lắm rồi, gu em còn già hơn chị nữa vậy, đổi cái khác đi."
Chu Nhị Đình nhất quyết không chịu đổi, cảm thấy bài hát này rất hạp với tên lớp cô nàng. Mãi sau đó tôi hát bài "Lắng nghe tôi nói cám ơn bạn" (4) cho Chu Nhị Đình, cô ấy mới chịu lùi bước, chốt vở kịch ngắn "Con thỏ không thích ăn cà rốt" cho lớp Hoa hướng dương.
Chu Nhị Đình ngồi xếp bằng dưới đất đến giữa trưa mới viết xong câu thoại cuối cùng, cất món đầu thỏ sốt cay (5) trên bàn vào tủ lạnh.
Cô ấy bắt đầu chọn vai diễn: "Để Nghệ Hàm đóng con thỏ là chuẩn nhất, con bé dạn dĩ không ngại tiếp xúc người khác, không sợ lên sân khấu nè."
"Tôi thấy Lý Tiểu Nhạc cũng được đó." Đồng nghiệp bên cạnh góp ý, Chu Nhị Đình cắn bút suy tư: "Vẫn nên hỏi ý mấy đứa nhỏ xem thế nào đã."
"Đám nhỏ lớp tụi mình hơi rụt rè, mấy đứa mình phân công cho chúng đi, không thì chẳng đứa nào chịu giơ tay đâu."
Ba giáo viên lớp Hoa Hướng Dương chụm đầu bàn tán sôi nổi, tới hiện tại tiến độ lớp các cô ấy là chậm nhất, nên có nhiều thứ để nói.
Tôi đứng cạnh cột ghi điểm bằng những đóa hoa màu đỏ phía cuối lớp, nhân tiện đếm sơ qua một lượt. Ái chà, đúng là Nghệ Hàm xung phong phát biểu nhiều nhất thật, có tới mười hai đóa hoa nhỏ trong tay. Tôi thấy có tấm hình dán Elsa lệch trên tên cô bé, tính mở ngăn tủ tìm hình khác thay thế, bỗng thấy một hộp thuốc lá, trong đó có hai điếu còn nguyên.
Tôi chưa bao giờ hút thuốc, nhưng biết nhãn hiệu này, do lúc đó tên giết người dùng cùng một loại.
Tôi ngẫm nghĩ, chợt giật mình, ai mà tới lớp Hoa Hướng Dương hút thuốc vậy chứ? Người bình thường đều tránh đi thật xa, hoặc là lên sân thượng, hoặc là mở ra cửa sổ để không cho mấy đứa nhỏ thấy, tại sao lại để ở đây làm gì?
Nghệ Hàm vừa đi vệ sinh trở về, thấy tôi mở ngăn tủ ra, vừa chạy tới vừa la ầm lên: "Elsa! Của con! Của con!"
Tôi vội vàng đóng tủ lại và khóa kỹ, tìm một hình Elsa khác với mái tóc xõa dài trong phần hai rồi dán vào cặp sách cô bé.
Lúc công chiếu Frozen phần hai thì đám nhóc này còn bé xíu, rất ít đứa biết về Elsa, hơn nữa trình độ văn hóa ở huyện Năng không cao mấy. Sau đó tôi lấy máy chiếu ở khán phòng nhỏ phát Frozen một và hai cho chúng xem trong buổi tốt nghiệp lớp chồi, thì Elsa lập tức trở thành thần tượng của tụi nhỏ, bao gồm cả gái lẫn trai.
Tôi vẫn luôn cảm thấy cái kết đẹp nhất cho Elsa ở mùa hai là nên chấm dứt cuộc đời ở Ahtohallan, tôi thích kiểu kết không có hậu đầy đau khổ với sự hy sinh như thế. Có điều tôi không dám thổ lộ với bất kỳ ai, sợ mấy lời này mà lọt ra thì tôi sẽ không còn là cô giáo Tiểu Khương tốt nhất của bọn nhỏ nữa. Khi Elsa biến thành tượng băng thì tận hai mươi mốt trong số hai mươi đứa nhỏ đang xem phim ngồi khóc tu tu: Chu Nhị Đình tha thiết lau nước mắt, nói với tôi là tài liệu tôi tải xuống có độ nét cao quá đi.
Lần viếng mộ Trịnh Ninh Ninh năm trước tôi giấu tờ giấy dán hình Elsa vào trong bó hoa, đồng thời dán tất cả các nhân vật trong Frozen mà tôi có thể mua được lên bia mộ, ngoại trừ Hoàng tử Hans và Công tước xứ Weselton đáng ghét. Tôi hi vọng Trịnh Ninh Ninh sẽ thích một nhân vật nào đó trong số này, chỉ là cô bé có vẻ không mặn mà lắm đến mấy vị công chúa hay hoàng tử.
Trước giờ tôi vẫn không biết Trịnh Ninh Ninh thích gì.
Khi ở bên Trịnh Ninh Ninh tôi mới bước vào độ tuổi hai mươi, dù có nhiều thời gian và sức lực để chú ý người khác, nhưng tôi càng quan tâm đến mình nhiều hơn. Tôi vẫn chưa thành thạo cách hòa nhập với thế giới này, óc quan sát còn chưa được tinh tế như hiện giờ.
Mà Trịnh Ninh Ninh thì bình dị mộc mạc, tính cách rất hướng nội, tôi còn chưa kịp làm thân với cô bé thì bi kịch đã xảy ra.
Tôi chỉ có thể để tất cả thứ mà bọn nhỏ ở trường yêu thích vào ngôi mộ trống trải kia, cố gắng dồn hết mọi thứ có vẻ thú vị vào đó, hệt như bà cụ lớn tuổi sợ cháu mình ăn không đủ no. Nhưng tôi tin rằng Trịnh Ninh Ninh không ngụ chỗ ngôi mộ, tại nơi đó tôi không nghe thấy tiếng động nào cả, chỉ có sự yên lặng tĩnh mịch tuyệt đối. Tất cả mọi người đều đang say giấc nồng, tôi không dám quấy nhiễu, từ từ rút lui, mà đóa hoa và các hình dán đã bị gió cuốn xé đi thật nhanh, chẳng ai chịu đón nhận tấm lòng của tôi cả.
Lúc hết giờ làm tôi vòng về lớp Hoa Hướng Dương mở khóa cửa, lấy đi hộp thuốc lá, ngửi thử xem ngăn tủ có mùi khói thuốc không, rồi quét tước phòng học để không sót chút muội than nào. Đang lúc tôi dọn dẹp thì Lý Dũng Toàn lò mò tiến vào, hơi giật mình khi thấy tôi: "Cô Tiểu Khương vẫn chưa về sao!"
"Cậu cũng chưa về à." Tôi trả lời lấy lệ, Lý Dũng Toàn gãi chóp mũi, ngó chừng xung quanh không còn ai nữa nên lập tức đi đến mở khóa tủ.
Tôi không ngờ được chuyện này, lấy ra bao thuốc: "Cái này là của cậu phải không?"
Lý Dũng Toàn chộp lấy, vẻ mặt ngại ngùng, nhìn quanh quất, rút ra điếu thuốc đưa tôi. Tôi xua tay, cậu ấy ngậm điếu thuốc vào miệng, mở cửa sổ thổi những vòng khói ra ngoài.
Sau đó Lý Dũng Toàn kể khổ với tôi: "Hôm qua lòng tôi rối lắm, không muốn về nhà. Tôi đi ngang qua trúng lúc ở đây không khóa nên trốn vào hút thuốc một tí. Nhưng lúc về hơi gấp, tôi bỏ bao thuốc vào tủ khóa lại, lo lắng hôm nay mà bị mấy đứa nhỏ bắt gặp thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu."
Một khi người khác kể khổ thì tôi cũng phải đáp lại câu gì đó: "Không có đứa nhỏ nào thấy đâu, tôi thấy là giữ lại luôn rồi."
"Cám ơn cô." Lý Dũng Toàn phẩy phẩy đầu lọc, nhổ đàm xuống lầu dưới.
Cổ họng tôi ngứa ran lên, muốn rút dù sớm, nhưng có vẻ như bầu tâm sự của người đối diện vừa được mở ra: "Cô Tiểu Khương này, cô lớn tuổi hơn tôi, tôi nên kêu cô là chị nhỉ, chị này - "
Tôi bị tiếng chị này kêu đến mất hồn, không biết đi đường thế nào nữa, sửng sốt: "Cậu nói đi."
"Bình thường con gái các chị suy nghĩ gì thế? Tôi không hiểu nổi..."
"Sao vậy... không hiểu cái gì?"
"Bạn gái tôi bỏ đi rồi..." Lý Dũng Toàn lại gạt tàn thuốc, tặc lưỡi một tiếng, đăm chiêu nhìn ra cửa sổ, thật lâu không lên tiếng.
Khắp ngôi trường mẫu giáo này có khối người có thể làm chị cậu ta, ấy thế mà cậu ta cứ cố đâm đầu vào cái cô chị chả hứng thú gì với chuyện đời cậu ta nhất.
Tôi đắn đo một lúc, vẫn an ủi cho qua: "Đừng suy nghĩ nữa, tôi không biết bạn gái cậu, có chuyện gì thì hai người bày tỏ với nhau rõ ràng, người ngoài không thể xen vào được. Tôi đi đây, nhớ chú ý làm bay hết mùi thuốc, đóng cửa sổ cho kỹ, đừng để đồ lại nữa đó."
- --
Truyện được đăng duy nhất tại wattpad và wordpress, và thường xuyên được chỉnh sửa lỗi:
https://www.wattpad.com/user/amocbinhphuong

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.