Trời đã mưa liên tục ba bốn ngày.
Mưa không quá lớn, lúc thì nhỏ lúc thì ào ạt, lúc mưa nhỏ thì lất phất, kết thành một lớp sương mỏng; lúc mưa ào ạt, dù mưa rơi nặng hạt, làm cho những cành lá vàng phải rủ xuống, nhưng qua màn mưa vẫn có thể nhìn rõ cách đó hai mươi mét. Nó không giống như một cơn mưa xối xả mà lại giống như là bức màn của tiết trời mùa hạ hơn.
Nhưng cơn mưa này vẫn cứ rơi mãi không ngừng. Dòng nước trên sông dần trở nên chảy xiết, tạo thành những xoáy nước, nước sông chuyển sang màu nâu đục, có những cành cây khô và lá thối rữa trôi nổi, dẫn đến việc nước trong suối cũng dâng cao lên khoảng hai mươi cm. Thời tiết như thế này không có cách nào để kéo lưới.
Hà Điền mặc một chiếc áo mưa làm bằng vải dầu, nhiều lần đi ra bờ sông. Nước sông dâng cao, cô phải đưa thuyền lên, kẻo nó bị trôi theo dòng nước. Cô khiêng thuyền về kho cất đi. Con thuyền này rất quý.
Con đường do cô làm vậy mà lại rất vững chắc. Sau khi trải một lớp đá cuội, nước mưa chảy xuống dốc cũng không cuốn trôi được bùn đất trên đường chứ đừng nói đến nền móng, nhưng có một số đoạn đường bị đọng nước.
Hà Điền tranh thủ thời gian đội mưa đào hai rãnh thoát nước nhỏ hai bên đường, đồng thời rắc vài viên đá nhỏ để nâng cao mặt đường.
Thời tiết như thế này không thể đi vào rừng.
Sau khi đào rãnh thoát nước, Hà Điền kiểm tra kho chứa củi, bình đất, v.v. Cũng may là lúc hè cô đã tu sửa chúng một lần, đã trải qua thử nghiệm của cơn bão mùa hè, khi cơn mưa mùa thu liên tục ập đến, chỉ cần để ý xem chúng có bị nấm mốc hay không là được.
Trở lại gian nhà gỗ, cô cởi bỏ áo mưa vải dầu ra, trên người dính đầy mồ hôi lạnh.
Vài ngày không có ánh sáng mặt trời, nhiệt độ trong nhà cũng đã giảm xuống.
Nhiệt kế thủy ngân treo trên cột cho thấy nhiệt độ trong nhà chỉ còn mười tám độ.
Hà Điền cho thêm hai khúc củi vào bếp lò, nấu một nồi nước nóng.
Những quả táo gai và táo tàu cô nhặt vài ngày trước xem ra không thể nào khô kịp.
Hà Điền nhặt một quả táo gai và một quả táo tàu dại, cho vào ly rồi đổ nước sôi vào. Khi nước dần chuyển sang màu nâu, sờ vào thân ly không bị nóng, cô cho vào ly một muỗng nhỏ mật ong.
Ly trà lúc này trở nên chua chua ngọt ngọt.
Hà Điền nhấp vài ngụm trà, cơ thể dần ấm lên.
Cô cầm lưới đánh cá trên sàn nhà lên, cẩn thận vá lại chỗ rách.
Nước quá lớn, mặt sông nổi đầy cành cây khô, tạm thời không thể biết được chiếc lưới đánh cá của cô có còn hay không. Có may, khi mưa tạnh, chèo thuyền xuôi dòng, biết đâu lại tìm được.
Đêm đó, mưa cuối cùng cũng tạnh.
Rừng cây dưới ánh trăng yên tĩnh hơn mấy ngày trước, tiếng côn trùng ríu rít đã hoàn toàn biến mất.
Nửa đêm Hà Điền bất ngờ thức dậy, cô nghe thấy tiếng sói tru ở phía xa.
Ngày hôm sau, Hà Điền chèo thuyền, tìm thấy lưới đánh cá của cô ở khoảng năm km về phía hạ lưu.
Dưới đáy lưới có một lỗ thủng lớn, và tất nhiên là cá trong lưới đã không còn nữa.
Chiếc lưới đánh cá đầy lá mục nát và cành chết, Hà Điền ngồi xuống thuyền, gỡ chúng ra ném xuống sông.
Cô neo thuyền bên rìa của một khúc quanh tự nhiên, nơi có rất nhiều cát tích tụ trên bờ cạn, định sẽ đào một ít cát để mang về nhà.
Cát và mùn cưa trộn đều với nhau rồi cho vào chum, vại hoặc thùng gỗ, vùi táo và khoai vào đó có thể bảo quản được đến mùa xuân.
Hoặc, đào một hố sâu dưới đất, rải cỏ khô, đổ cát và mùn cưa vào, rải một lớp dày, làm hầm rau. Xếp từng lớp củ cải và cải thảo vào trong hầm rau, đậy thêm một tấm gỗ lên trên miệng hầm và phủ cỏ khô lên để rau trong hầm có thể giữ được độ tươi qua mùa đông.
Trên đường về nhà, Hà Điền nhìn thấy một con gà rừng đang đậu trên ngọn cây bên sông.
Cô đặt mái chèo xuống, nâng khẩu súng ngắn của mình lên và "Đùng" một tiếng, bắn vào nó.
Hà Điền chèo thuyền vào bờ, hai tay cầm cây sào dài cấm xuống đầm lầy bên cạnh bờ, cố định thuyền bằng cách quấn dây thừng quanh cây sào.
Cô nhảy lên bờ, tìm kiếm con gà rừng giữa những tán cây.
Những con gà rừng bị thương hoặc các loài chim khác đôi khi có thể bay thêm hơn một km với cơ thể đầy máu.
Nếu lúc này có một con chó săn, mọi việc có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Những con chó săn được huấn luyện tốt sẽ ngậm con mồi trở về.
May mắn là con mồi hôm nay không quá ngoan cường, nó bay được khoảng 2-3 trăm mét trước khi chết.
Khi trở về nhà, Hà Điền đổ cát vào một thùng gỗ lớn, sau đó đặt một thanh gỗ đã bào nhẵn dưới thùng, nâng một mặt của thùng gỗ lên, để nó lăn trên thanh gỗ ấy, những viên đá và tạp chất sẽ dần dồn về một góc, chỉ còn lại cát mịn ở giữa thùng.
Nhặt hết số đá này sang một bên, đem cát còn lại phơi nắng cho khô rồi đổ vào rây gỗ có khoan nhiều lỗ nhỏ dưới đáy, rây lại một lần nữa, sau đó có thể trộn chung với mùn cưa.
Khi Hà Điền ra ngoài nhặt những viên sỏi, cô nhìn thấy một vài viên sỏi vàng lấp lánh giữa một nhóm các viên sỏi azurite, viên sỏi lớn nhất trong số đó to hơn hạt đậu nành và có hình dạng kỳ lạ, trên một đầu có một vài lỗ nhỏ.
Cô nghĩ, xỏ nó vào một sợi dây rồi đeo vào cổ, sẽ đẹp lắm.
Hà Điền nhặt những viên sỏi vàng này cho vào một chiếc hũ thủy tinh nhỏ.
Sau đó, cô đun một nồi nước, đổ vào chậu, mổ bụng gà rừng ra và nhổ lông.
Khi Hà Điền còn nhỏ, những chiếc lông đuôi sặc sỡ của gà rừng từng được cô dùng để viết và vẽ, nhưng khi lớn lên cô không còn thích nó nữa. Ấy vậy mà tại hội chợ mùa xuân năm nay, những chiếc quạt do một cô bé làm bằng nhiều loại lông vũ hóa ra lại bán rất chạy. Năm cái quạt đổi được một mét vải, một ký rưỡi bông, hoặc một túi muối nhỏ.
Phần lông tơ mịn trên bụng của gà rừng được nhổ xuống và cho vào túi vải, treo trên dây cho khô, sau đó nhồi vào túi ấm hoặc chăn bông.
Lông vũ lớn, rong rêu, cỏ khô trộn với bùn là loại vật liệu trát tường rất tốt, trát một lớp dày như vậy có thể bịt kín các kẽ hở trong nhà gỗ và làm cho ngôi nhà càng thêm ấm áp hơn.
Hôm nay Hà Điền dự định sẽ làm một món ăn có chút đặc biệt.
Đầu tiên, cô xào gan gà cho chín mềm rồi cho ra đĩa để dùng sau, sau đó cắt một củ hành tây nhỏ thành hạt lựu rồi xào từ từ với phần mỡ còn lại từ gan gà đã xào khi nãy. Thỉnh thoảng thêm một chút muối và xào cho đến khi hành tây trở nên nhuyễn, lúc này vị ngọt của hành tây đã tiết ra hết.
Sau đó cho gan gà vào trộn với hành tây, dùng muỗng khuấy đều rồi nghiền nát, mỗi khi thấy sệt lại thì cho thêm vài giọt nước ấm vào, tiếp tục khuấy cho đến khi gan gà và hành tây hòa quyện lại với nhau, hỗn hợp sền sệt màu hồng sẫm mềm mịn và tinh tế, vậy là pate gan gà đã hoàn thành.
Hà Điền đưa muỗng vào miệng nếm thử, sau đó cười, "Ừm" một tiếng. Hương vị cũng không tệ.
Bây giờ, cô muốn làm bánh rán.
Băm khoai tây thành sợi, hoặc là dùng củ cải. Bánh rán làm từ củ cải sẽ giòn hơn, còn khoai tây thì sẽ mềm hơn.
Cho khoai tây đã băm vào chảo xào với mỡ ngỗng, tráng một lớp mỏng rồi ninh với một ít cháo kê đã để qua đêm, nếu cháo kê trở nên cứng và đặc thì cho một chút nước ấm vào khuấy đều. Khi các sợi đã thơm, đổ một giá nước cháo lên trên và lắc nhẹ chảo, hạt kê và khoai tây hoặc củ cải băm sợi sẽ dính vào nhau và trở thành bánh rán, khi bánh chưa chín hẳn sẽ phồng lên những bong bóng nhỏ. Sau khi bề mặt của bánh đã đông lại hoàn toàn, nhấc chảo lên, lật mặt bánh và chiên cả hai mặt cho đến khi vàng nâu.
Hà Điền đặt bánh rán làm từ khoai tây và cháo kê vào dĩa, phết một muỗng lớn pate gà, cuộn bánh lại rồi cắn một miếng.
Rất ngon.
Tối qua cô nấu cháo kê hơi nhiều nên nhớ đến phương pháp nấu này. Làm bánh rán bằng cách trộn bột mì thành hỗn hợp sền sệt cũng rất ngon, nhưng ở đây, bột là thực phẩm rất quý, cô không dám ăn, chỉ trong dịp Tết mới làm một ít bánh.
Sau bữa trưa, Hà Điền cắt thêm một củ khoai tây và nửa củ cải, sau đó thêm nước vào cháo kê còn lại và khuấy chúng thành nước cháo, tất cả đều làm thành bánh rán.
Cô đang chuẩn bị thức ăn cho ngày mai.
Ngày mai, nếu trời không mưa, cô sẽ bắt đầu đặt nhiều loại bẫy khác nhau trong rừng để bắt chồn tuyết.
Đã có thời, áo khoác lông chồn là món đồ xa xỉ được giới nhà giàu ưa thích để thể hiện địa vị giàu sang, cái lạnh khắc nghiệt ập đến khiến nền văn minh nhân loại thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tình yêu của con người đối với lông chồn.
Ngay cả ở một thành phố ôn đới đáng sống, mùa đông vẫn rất lạnh giá, quần áo lông chồn ngoài việc thể hiện địa vị, thân phận, nó còn là một vật phẩm thực dụng.
Trong thời đại này, sự phân bố của khoa học và công nghệ rất không đồng đều.
Cô nghe nói ở những thành bang phát triển nhất ở phía nam vẫn có thể sử dụng được điện. Những thành bang này đã xây dựng lại đường sắt, trang bị lại các đoàn tàu và sử dụng động cơ hơi nước để trao đổi và vận chuyển tài nguyên.
Ngoài ra còn có một số cư dân trong thành bang đã làm chủ lại công nghệ lọc dầu và khí đốt, đã có thể tiến hành canh tác cơ giới hóa. Những cánh đồng lúa, lúa mì và bông ở ngoại thành rộng đến mức không thấy được điểm dừng. Trong nội thành thì có những nhà máy dệt kéo bông thành vải.
Gạo, mì và vải được sản xuất tại các thành bang ở những khu vực ấm áp và dễ sinh sống này được các lái buôn vận chuyển đến các khu rừng ở phía bắc và đổi lấy hàng lông thú của những người thợ săn sống trong rừng.
Nhưng những thành bang này không hoàn toàn là một vùng đất hạnh phúc.
Hà Điền đã nghe về luật hình sự hà khắc ở các thành bang tại hội chợ trao đổi, và thỉnh thoảng cũng sẽ xảy ra các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ giữa các thành bang này. Vì vậy cho nên luôn có người chạy trốn từ phía nam lên phía bắc, hoặc đến các khu rừng ở vùng lạnh xa hơn ở phía nam.
Khi Hà Điền còn rất nhỏ, khoảng mười năm trước, cô tình cờ nghe được người buôn lông thú từ phía nam hỏi bà cô rằng liệu bà có muốn chuyển đến thành phố với ông ta không.
"Tôi sinh ra trong rừng, và tôi đã quen với cuộc sống ở đây." Bà cười, nói: "Ở đây có gấu có sói, thoạt nhìn rất nguy hiểm, nhưng lại có sự tự do. Các anh ở thành phố sẽ thấy cuộc sống của chúng tôi thật nhàm chán đúng không? Giống như một chiếc đồng hồ báo thức liên tục đổ chuông, phải đi săn thú, phải trồng trọt, phải thu hoạch, phải chuẩn bị cho mùa đông, nhưng những người sống ở những thành bang đó không phải cũng bận rộn như ong mỗi ngày hay sao? Sự khác biệt duy nhất chính là các anh có nhà máy và ruộng lúa thay thế cho rừng và sông. Chúng tôi phải đổi lông chồn lấy những thứ không có trong rừng, nhưng chẳng phải các anh cũng phải nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ quân sự đó sao?"
"Cuộc sống ở thành bang không khác gì mấy so với cuộc sống ở trong rừng, đều là một ngày ba bữa và ngủ trên một chiếc giường ấm mà thôi."
Nghe nói, thế hệ đã chết khi cái lạnh khắc nghiệt ập đến ấy sống trong thời kỳ thịnh vượng nhất của lịch sử loài người.
Đời sống vật chất và đời sống tinh thần của họ phong phú vô cùng.
Tất cả các khía cạnh về mặc cuộc sống của họ đã đạt đến đỉnh cao của lịch sử nhân loại.
Họ có phương tiện di chuyển nhanh nhất, thức ăn đầy đường và mỡ, quần áo và đồ trang sức lộng lẫy, sang trọng. Có hàng triệu người (trong đó có nhiều người đẹp quyến rũ) đã được đào tạo trong nhiều năm để mua vui cho họ. Những người đó cố gắng hết sức để làm những vở kịch, những bộ phim, những bài hát, điệu múa cho họ xem, nhưng có rất nhiều người thích soi mói từng chi tiết, và đó cũng chỉ là việc làm khiến cho tinh thần họ vui vẻ nhất thời mà thôi.
Cho dù vậy vẫn có rất nhiều người không cảm thấy thỏa mãn. Họ bị trầm cảm, nghiện ma túy và béo phì, gây ra nhiều ca tử vong hơn bất kỳ thời kỳ nào khác. Còn có một số người cầm màn hình nhỏ trên tay và nhìn chằm chằm vào nó vài tiếng mỗi ngày...
Cũng chính thế hệ này, lấn át môi trường tự nhiên của trái đất.
"Con người giống như tế bào ung thư, sinh sản điên cuồng, giết vật chủ một cách dã man, rồi cùng chết." - Hà Điền quên mất mình đã đọc được câu này ở đâu. Tóm lại, rất nhiều người sống sót đã có những suy ngẫm sâu sắc về vấn đề này. Một trong những quan điểm chính thống thậm chí còn tin rằng giá lạnh khắc nghiệt và các kỷ băng hà trước đó là điều không thể tránh khỏi sau các hoạt động thường xuyên của con người, sự tàn phá thiên nhiên và nhu cầu sử dụng tài nguyên lên đến đỉnh điểm.
Có lẽ kỷ băng hà cuối cùng cũng là kết quả của việc con người không thể chịu đựng được bản chất của mình.
Cách sống tốt nhất cho nhân loại là gì?
Hà Điền sẽ không nghĩ sâu về vấn đề này.
Điều cô đang suy nghĩ là liệu năm nay có bắt được đủ số chồn tuyết để đổi lấy muối, hạt, vải, bột mì và các hàng hóa khác của năm sau mà những người đi săn rừng không thể tự cấp tự túc được hay không.
Tác giả: Viết xong chảy nước miếng. Vội đi gậm bánh mì.
Chúc các bạn bữa ăn hôm nay vui vẻ.