Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 96: Bánh xuân và chả giò




Mùa xuân năm nay khoan thai đến chậm.
Phải đến đầu tháng tư, băng trong sông mới chịu tan.
Mùa đông đến sớm đi muộn thế này khiến ai ai cũng cảm thấy rất áp lực.
Bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, Hà Điền và Dịch Huyền đều đã chuẩn bị tất cả mọi thứ ổn thỏa. Vừa nuôi một đàn vịt có thể đẻ trứng, vừa có cả một nhà kính. Mặc dù không thu hoạch được nhiều nhưng họ không phải lo lắng về cái đói, chẳng qua là nguồn cung ứng củi đang ngày càng eo hẹp, giật gấu vá vai.
Riêng đối với gia đình nhà họ Phổ, mùa đông dài đằng đẵng này là những chuỗi ngày giày vò đau khổ.
Để giữ ấm, ngay cả ghế ngồi trong nhà họ cũng bửa ra làm củi. Đã đến mức độ này rồi, tất nhiên là không có cách nào để tiếp tục săn chồn trong bãi săn, trái lại còn phải gom hết tất cả số gỗ lưu trữ trong nhà nghỉ săn bắt mang hết về nhà. Nếu mùa xuân mà còn không chịu đến, có khi họ còn phải dỡ bỏ một nhà nghỉ săn bắn để lấy gỗ làm củi cũng không chừng.
Ba Phổ cảm thấy khá may mắn vì trước đây đã không ép Hà Điền rời đi. Nhờ có thức ăn mà Hà Điền cho mượn, cả nhà họ mới sống sót qua mùa đông lạnh giá này.
Lúc gặp lại Hà Điền, nhớ đến ngày xưa ông bà của Hà Điền đã giúp đỡ gia đình ông ta như thế nào, ông ta cũng thấy có chút áy náy. Riêng đối với anh em nhà họ Phổ thì khi đó họ vẫn còn nhỏ nên chẳng có chút ấn tượng gì cả, chỉ cảm thấy nhà mình may mắn mà thôi. Với lại, mỗi khi nhìn thấy Dịch Huyền, mặc dù vẫn sợ anh, nhưng họ luôn nghĩ, nếu người đàn ông này không xuất hiện, thì cô nàng Hà Điền vừa thông minh vừa xinh đẹp và đảm đang kia đã là vợ của hai người bọn họ rồi.
Lúc sông băng phát ra tiếng băng vỡ cực lớn, Hà Điền và Dịch Huyền đã làm hơn sáu mươi viên gạch đá bazan và một số viên gạch bê tông đá bọt.
Không phải họ không có khả năng làm hết tất cả, mà là do họ thận trọng, bây giờ tạm làm trước một nửa, đợi thời tiết ấm hơn thì sẽ đào móng rồi làm nửa còn lại sau. Đến lúc đó sẽ làm thêm khuôn đúc, chỉ cần vài ngày là có thể làm xong số gạch còn lại. Nếu đến lúc đó bắt buộc phải thay đổi kế hoạch, thì ít nhất cũng có đủ tro núi lửa để dùng.
Khuôn để làm gạch đá bọt chính là khuôn làm gạch nung, kể cả việc dùng tre để làm lỗ cắm cũng giống hệt như vậy, làm vậy là vì muốn những viên gạch làm ra có cùng kích thước với gạch nung, để dễ phối trộn trong quá trình thi công. Nhưng không ngờ là sau khi viên gạch thí nghiệm đông kết lại thì kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều cao của nó đều lớn hơn gạch nung một chút. Ngẫm lại, họ nhận ra rằng trong quá trình nung, gạch nung sẽ co rút lại, trong khi gạch bê tông thì trong quá trình đông đặc, mức độ co rút của nó kém hơn.
Vì vậy, Hà Điền và Dịch Huyền lại dùng khuôn gạch nung thử lại một lần nữa.
Nếu như mức độ co rút không giống nhau, vậy thì khả năng chịu áp lực, chịu nhiệt và chịu lạnh của hai loại vật liệu này cũng sẽ bất đồng, về kích thước thì chỉ là chuyện nhỏ, nhưng để làm ra những viên gạch có cùng tính năng mới là vấn đề lớn.
Sau vài lần thử nghiệm, cả hai cảm thấy rằng tốt nhất là nên dùng gạch nung để làm ống khói, còn gạch bê tông thì để dự bị.
Dịch Huyền lại làm một mẻ gạch bê tông khác. Anh dỡ hết số gạch đất nung vốn là tường vườn ươm ra gom chung lại với những viên gạch đất nung còn lại. Có vẻ đã đủ. Nếu như dựa theo tính toán của anh thì có khi còn thừa lại khoảng gần một trăm viên.
Sau khi thay gạch bê tông, mọi thứ trong vườn ươm diễn ra tốt đẹp, khoai tây lại được thu hoạch, củ to nhất đào ra to bằng cỡ nắm tay. Cũ lớn nhất của chậu khoai tây trồng trong nhà lúc mùa đông cũng khoảng cỡ này, nhưng số lần thu hoạch thì lại nhiều hơn loại trồng trong nhà kính.
Xem ra nhiệt độ vẫn rất quan trọng.
Điều này đã củng cố quyết tâm của Hà Điền và Dịch Huyền trong việc xây dựng một nhà kính thực sự.
Mùa đông vừa rời đi này bắt đầu từ đầu tháng mười năm ngoái và kết thúc vào đầu tháng tư năm nay, tròn sáu tháng. Ai mà biết được rằng mùa đông năm sau liệu có dài hơn? Với cả lạnh hơn?
Nếu có nhà kính thì sẽ có thêm nguồn thức ăn ổn định, cơ hội vượt qua mùa đông sẽ cao hơn.
Để chào mừng việc băng tan xuân đến, Hà Điền đã chuẩn bị bánh xuân, một món ăn truyền thống đầu xuân.
Mùa xuân năm ngoái Hà Điền nghe thấy tiếng băng vỡ, tưởng rằng sắp phải biệt ly, vừa khổ sở vừa không nỡ, nhưng lại cố phải bình tĩnh nhất có thể, mặc dù đồ ăn làm ra có màu sắc và hương vị đẹp đẽ nhưng hai người ăn không biết mùi vị gì cả. Năm nay làm bánh xuân, tâm trạng của hai người phải nói là khác xa so với năm ngoái.
Tâm trạng tốt, khẩu vị đương nhiên cũng tốt, lúc chế biến món ăn cũng dụng tâm hơn.
Chỉ riêng nhân bánh xuân thôi cũng đã có rất nhiều loại. Rã đông miếng thịt ức hoẵng, thái sợi mỏng, cho vào tô, thêm chút rượu ngọt, nước tương, muối, đường và một ít tinh bột khoai tây vào, trộn đều rồi cho ớt xanh thái nhỏ vào xào cùng. Ớt xanh là ớt tươi trồng trong nhà kính, hơi nhỏ so với ớt trồng vào mùa hè, nhưng độ cay của nó nhẹ hơn nhiều. Hiện tại ngoài trời vẫn còn lạnh và có tuyết đọng, mấy loại rau tươi như thế này rất hiếm, một chút vị cay ấy cũng sẽ làm cho thịt hoẵng thơm ngon hơn, và quan trọng nhất là màu xanh của ớt và màu đỏ nâu của thịt hoẵng kết hợp với nhau nhìn rất đẹp mắt.
Một loại nhân bánh khác là cá và giá.
Năm ngoái Hà Điền nghe lời Dịch Huyền dùng đậu nành để ủ giá, tuy rằng mới lạ, và là một loại rau tươi hiếm có trong mùa đông, nhưng so với giá đậu xanh thì nó chỉ là rác.
Lấy phần bụng và phần thịt béo nhất ở hai bên cá tuyết sông, cắt thành từng lát, sau đó lấy miếng thịt cá hồi xông khói ngâm trong hũ ra, để ráo nước rồi cũng cắt thành từng lát, lặt bỏ phần đuôi và phần ngọn của giá đậu, chỉ lấy phần thân mập mạp, đem ba loại nguyên liệu này xào chín sau đó cho ra dĩa, giá vẫn còn giữ được độ non giòn, cá tuyết sông ngọt thơm, cùng với cá hồi xông khói màu đỏ cam tươi ngon, hương vị đậm đà.
Dịch Huyền đặc biệt thích món này, vỏ bánh xuân còn chưa kịp làm xong mà anh đã gắp lia gắp lịa ăn muốn hết nửa dĩa.
Ngoài hai loại nhân thịt, Hà Điền còn làm nhân chay.
Sau quá trình tìm tòi và nghiên cứu kỹ lưỡng, giờ đây cô đã là cao thủ làm đậu hũ. Ngoài đậu hũ túi vải, đậu hũ hộp tre và đậu hũ viên, cô còn làm ra loại tàu hũ ky mà Dịch Huyền đã nói. Loại đậu hũ này có kết cấu rất chắc, kích thước 50 cm x 50 cm vuông và dày khoảng 2 đến 3 mm, được làm bằng khuôn đúc đá bê tông. Vì cạnh của khuôn bị hư hỏng nhẹ nên được cô tận dụng lại. Khung gỗ được đóng đinh vào một tấm gỗ có khoan những hàng lỗ nhỏ, sau khi lọc nước đậu xong, lấy một miếng vải gạc lớn trải một nửa bên trong khuôn, cho đậu vào, dùng muôi gỗ làm phẳng rồi gấp nửa miếng gạc còn lại lên, đậy miếng đậu hũ lại, sau đó đặt một viên gạch lên trên. Sau một đêm, tàu hũ ky đã ra lò.
Cả hai mặt của tàu hũ ky đều có hoa văn của vải gạc, được cắt thành từng sợi mỏng xào với thịt và rau củ, hương vị rất đặc biệt. Hà Điền còn cắt tàu hũ ky thành từng miếng dài, quấn vài vòng, cột lại thành một nút thắt cho vào nồi thịt và trứng kho. Nó có vị rất ngon và trông rất đặc biệt, lần đầu tiên Dịch Huyền ăn vào, thoạt nhìn anh còn tưởng nó là bạch tuộc, nhìn kỹ hơn, anh hỏi Hà Điền một cách đầy nghi ngờ: "Sao em lại thả sợi dây rơm vào nồi vậy hả?"
Hà Điền bật cười.
Lúc làm nhân bánh xuân, đập ba quả trứng vịt và cho chút muối vào đánh đều lên, sau đó cho hành lá thái nhỏ vào chiên cùng, khi chiên thì đảo nhiều lần và chiên cho đến khi chín vàng, đổ ra dĩa để lát dùng đến. Tàu hũ ky thì cắt thành từng sợi mỏng, luộc một lúc để cho ráo nước rồi cho trứng đã thái sợi vào trộn đều lên, thêm một chút đường và một muỗng mè đen.
Vỏ bánh xuân Hà Điền cũng làm hai loại. Ngoài vỏ bột pha với nước nóng thông thường, cô còn làm vỏ bánh trong suốt từ tinh bột khoai tây và tinh bột khoai lang.
Mặc dù hai loại vỏ bánh này đều mỏng như cánh ve nhưng Dịch Huyền lại thích vỏ bánh pha lê trong suốt hơn. Cầm vỏ bánh trên tay rồi cho thịt sợi lên, cuộn lại, bánh có màu trong suốt như pha lê rất đẹp mắt. Tất nhiên, hương vị cũng rất tuyệt.
Nhiều nhân và vỏ bánh như vậy không thể nào ăn hết trong một lần được. Hà Điền và Dịch Huyền đang rảnh rỗi không có gì làm nên gói phần nhân còn lại trong vỏ bánh thành cuộn rồi đem đông lạnh cất trong hộp tre. Khi nào muốn ăn thì lấy ra chiên lên là xong, thành món chả giò.
Đã có chả giò mặn thì tất nhiên là phải có chả giò ngọt.
Thiếu gì thì thiếu chứ không thể nào thiếu nhân đậu được. Đến bữa tối, Dịch Huyền không đợi Hà Điền ra tay, dưới sự hướng dẫn của cô, anh đã cuốn một ít chả giò với đậu rồi cho vào nồi chiên giòn, ngon đến mức làm người ta phải thở dài thỏa mãn.
Vì làm chả giò với nhân đậu nên vẫn còn lại một ít nhân chay. Hà Điền nhớ đến món tàu hũ ky của Dịch Huyền, cô ngâm một miếng tàu hũ ky rồi dùng lon sắt ấn vào vỏ đậu để tạo thành vỏ bánh hình tròn, thử làm bánh bao, nhưng nhân chay lỏng lẻo mà da tàu hũ ky thì lại không dính, nên cô phải cắt một ít tàu hũ ky thành sợi rồi cột chúng quanh tàu hũ ky, trông không giống bánh bao mà giống túi tiền hơn. Hà Điền nghĩ loại "Bánh bao" này mà đem đi hấp chắc là sẽ bung ra hết, vậy nên cô quyết định ném vào chảo chiên chung với chả giò luôn.
Thật bất ngờ, thành phẩm khá là bắt mắt, vừa xốp vừa giòn chứ không béo ngậy như các loại chả giò khác.
Dù cho để nguội thì cũng là món ăn kèm khi uống trà tuyệt vời. Hơn nữa, sau khi chiên lên trông chúng càng đẹp mắt hơn, sợi dây trên túi tiền nhỏ được thắt lại rất ngộ nghĩnh.
Hôm sau Hà Điền làm mì hoành thánh cũng cho một túi tàu hũ ky vào tô, gia tăng thêm một chút mùi vị, chủ yếu nhất là vì thấy thú vị. Sau này khi nấu bún và mì, họ đều thích cho một ít vào nước dùng.
Trải qua một mùa đông dài lê thê buồn chán, kỹ năng nấu nướng của Dịch Huyền đã được cải thiện rất nhiều. Trước đây kỹ thuật cắt tỉa của anh rất giỏi, bày biện cũng rất tinh tường, sau khoảng thời gian làm trợ thủ thì mưa dầm thấm đất, anh đã biết được cách chuẩn bị, chế biến và nấu chín các loại đồ ăn. Còn thảo luận với Hà Điền về những món ăn mà lúc trước anh đã từng ăn qua, bàn xem những món ăn này được làm như thế nào, không giống như trước đây, tất cả những gì anh biết được chỉ là nó trông như thế nào, ăn ra làm sao và mùi vị của nó ngon hay dở.
Sau đầu mùa xuân, ánh sáng ban ngày dài ra và nhiệt độ cũng tăng dần. Khi tảng băng lớn ở giữa sông chầm chậm di chuyển, cuối cùng thì dòng suối cũng bắt đầu tan băng. Dịch Huyền rút chiếc lưỡi câu đã được đặt trong lỗ băng cả một mùa đông và lấy hộp mồi ra.
Muốn lấy nước rất thuận tiện. Các thanh băng hình thành trên mái hiên và cành cây sau khi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào thì bắt đầu nhỏ nước và rơi xuống tuyết, tạo thành các hố nhỏ. Tuyết ở nơi có nắng tan chảy với tốc độ có thể nhìn thấy được, tuyết chảy xuống đường đi lại kết thành băng, muốn xúc nó lên không hề dễ.
Hà Điền và Dịch Huyền gom tuyết bên đường chất thành đống, đào một con mương nhỏ xung quanh, bên trong con mương lót ván gỗ và một lớp cỏ khô, nước tuyết chảy xuống đó, khi băng trên cỏ khô quá cao, họ sẽ nhấc ván gỗ lên, hất băng xuống dòng suối.
Đến giữa tháng tư, mái của nhà kính pha lê không thể nào cầm cự được nữa.
Nhà kính vừa xuất hiện khe hở là không khí lạnh đã xâm nhập vào ngay, rau trong nhà kính sẽ chết cóng hết.
Hà Điền và Dịch Huyền đã suy nghĩ nhiều cách để trì hoãn tốc độ tan chảy của gạch băng trong nhà kính, buổi chiều họ sẽ giội một lớp nước hoặc phủ một lớp mành cỏ lên, nhưng cũng chỉ làm tăng tuổi thọ của nhà kính thêm một tuần mà thôi.
Điều này thật ra cũng là một tin tức tốt, nó đồng nghĩa với việc nhiệt độ đang tăng lên nhanh chóng và việc cày bừa vụ xuân có thể bắt đầu sớm.
Hà Điền cứu vài cây ớt, chuyển vào trong nhà, cũng chuẩn bị mầm khoai tây để năm nay trồng.
Những củ giữ lại làm giống năm ngoái đã có thể đem đi ủ mầm.
Hà Điền và Dịch Huyền lấy một giỏ đất dự trữ trong hầm ra, cho vào nhiều vật chứa để ươm giống.
Những đồ đựng này có cái là khay chia ô vuông bằng gốm, chậu gỗ nhỏ hình vuông, hộp tre đựng vỏ trứng vịt.
Số vỏ trứng này ban đầu họ định đến mùa xuân sẽ dùng làm phân bón, thường thì chúng sẽ được nghiền nát và bỏ vào một chiếc hộp gỗ đặt ở góc hầm. Lúc chuẩn bị ươm giống Hà Điền nhìn vỏ trứng, chợt nhớ ra một công dụng tuyệt vời của nó! Sau khi cây con lớn lên có thể cấy trực tiếp cùng với vỏ trứng xuống đất luôn.
Những vật chứa cây con này được đặt trên một giá gỗ bốn tầng có bánh xe, có thể di chuyển theo hướng của ánh nắng mặt trời, giúp cây con và hạt giống đang ngủ tiếp thụ được ánh nắng đầy đủ. Một tuần sau, có một số cây con vẫn còn ẩn trong đất, một số thì đã cao hơn vài cm.
Nhìn những cây con xanh tươi này, cho dù ngoài cửa sổ vẫn còn tuyết trắng chưa tan hết, cũng có thể cảm nhận được ý xuân dạt dào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.