Cuộc Sống Thường Ngày Bên Võ Lang Tướng

Chương 3:




Buổi trưa cả căn nhà tĩnh mịch, Cố Đạm ngồi trên tường đất, tay cầm giấy vẽ. Trên tờ giấy là sân nhà Võ gia, chuồng gà, hàng dưa còn có đàn gà ríu ra ríu rít, một khung cảnh nông gia tấp nập.
Cố Đạm mải vẽ đến nhập thần không nghe thấy tiếng bước chân bên ngoài, nhưng ngay sau đó tiếng gõ cửa vang lên đủ để cậu cảnh giác. Nhanh nhẹn nhảy từ trên tường xuống đất, cậu lắng tai nghe.
Ngoài cửa có người gọi: “Võ thợ rèn có ở nhà không? Ta là Tam Oa đây!”
Giọng nói có chút ngây ngô, đó là cậu thiếu niên trong làng.
Thấy trong nhà không có động tĩnh nào, Tôn Tam Oa vừa gọi vừa đẩy cửa trông rất gấp.
“Võ thợ rèn không có ở nhà, tìm hắn việc gì?” Cố Đạm đi thẳng đến cửa nhà.
“A phụ bảo ta tìm Võ thợ rèn làm cuốc mới, ngươi có thể mở cửa ra một chút không? Mà ngươi không phải A Độc, ngươi là ai nhỉ?”
Cố Đạm mở cửa nhà, thấy Tôn Tam Oa gánh một cán cuốc, trên cán cuốc còn treo một giỏ đào. Trong tay là lưỡi cuốc, lưỡi cuốc tàn tạ khắp chỗ, căn bản không sử dụng được nữa. Thấy người mở cửa là Cố Đạm, Tôn Tam Oa vui vẻ nói: “Ngươi đã nói được tiếng chúng ta ở đây rồi, ngươi học nhanh thật!”
Mặc dù nói còn chưa chuẩn, khẩu âm cũng rất lạ.
Cố Đạm nhận lấy cán cuốc và lưỡi cuốc bị tách rời, kèm thêm một giỏ đào, nói: “Ta nhận đồ trước, Võ thợ rèn trở về ta nói sau.”
Tôn Tam Oa rất hưng phấn, quấn lấy Cố Đạm lải nhải: “A Độc gọi ngươi là Cố Đản*, vậy ta gọi ngươi là Cố huynh được không?”
*Đản và Đạm đồng âm.
Cố Đạm nói: “Cố huynh hay Cố ca đều được.”
“Cố huynh từ nơi nào đến đây? Trong thôn có người bảo Cố huynh là người Hồ*, nhưng ta nghe lão thư sinh đầu thôn bảo rằng người Hồ tóc tai vàng như rơm rạ, mặt trắng dã như quỷ, ta thấy Cố huynh không giống như thế chút nào.”
*Người Hồ (胡人, Hồ nhân) theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á, được sử dụng phổ biến trong các sử tịch và văn hiến vào thời nhà Đường.
“Thế ngươi thấy ta là người ở đâu nhỉ?” Cố Đạm vác cái cuốc hỏng vào nhà xưởng, tiện tay đặt một bên, cùng tán gẫu với Tôn Tam Oa.
Tôn Tam Oa soi mói áo sơmi quần bò, tóc tai rồi bả vai, đánh giá Cố Đạm từ trên xuống dưới, lắc đầu nói: “Không biết, nhưng nhất định không phải người chúng ta!” Cậu ta còn ra vẻ thần thần bí bí, nhỏ giọng bảo: “Huynh đệ tốt bí mật nói với ta chuyện này, ta không bao giờ nói cho người ngoài! Dù là quân miền đông phái người tra khảo, ta cũng tuyệt đối không nói cho người ngoài biết.”
“Vậy ta là người từ trại địch, ta giống người xấu lắm hả.” Cố Đạm bị chọc cười, đặt giỏ đào bên cạnh giếng, quay ròng rọc kéo nước lên.
Tôn Tâm Oa nghe đến ngại ngùng, gãi gãi đầu nói: “Ta nói đùa thôi, Cố huynh không phải người xấu. Cố huynh mà là người xấu, Võ thợ rèn chắc chắn không cho ở lại đâu.”
Cố Đạm rửa đào trong thùng, ráo nước qua rồi cắn một miếng, giòn ngọt, cậu híp mắt cười: “Tốt xấu gì ta cũng chỉ là người trong sạch, làm sao bằng bọn gia hoả tướng mạo như phỉ tặc chứ.”
Cậu nói rất nhanh, hơn nữa nói cũng không chuẩn lắm. Tôn Tam Oa ngây người lặng yên nghe, nhìn khuôn mặt tươi cười của Cố Đạm, ngơ ngác. Trong lòng bỗng nhiên có tiếng nói: Tiểu huynh đệ đẹp mắt như vậy, sao lại là người xấu được, chắc chắn không phải.
Lúc Tôn Tam Oa rời khỏi không quên quay đầu hỏi Cố Đạm: “Cố huynh và Võ thợ rèn là quen biết cũ sao?”
“Không phải.”
“Ồ, vậy Cố huynh từ nơi nào đến nhỉ?” Tôn Tam Oa lẩm bẩm rời đi, khuất bóng trước lối đi sau nhà.
Cố Đạm ăn đào xong, rửa tay, dựa vào ròng rọc nhớ lại quá trình một năm trước cậu xuyên đến, bất đắc dĩ lắc đầu. Cậu chỉ đạp xe nghe nhạc rồi xuyên không, lý do gì vô lý hết sức.
Đào Tôn Tam Oa cho rất tươi ngon, Cố Đạm ăn thêm hai quả nữa, phần còn lại dành cho Võ thợ rèn và A Độc.
Không còn người nào đến chơi, xung quanh lại trở về yên tĩnh. Cố Đạm leo lên tường đất, tiếp tục vẽ quang cảnh. Thời đại này không có trò vui chơi, không máy vi tính, thiếu hụt trò giải trí nên chỉ có thể tự mình khuây khoả.
Một bức tranh đã hoàn thành, giấy vẽ nhỏ cỡ lòng bàn tay mà đường nét trong tranh sinh động lạ thường. Vì để tiết kiệm giấy, Cố Đạm lật ngược mặt sau vẽ. Phải chăng thôn này quá hẻo lánh mà không có ai chế giấy cả, có lẽ trong thời đại này, giấy bút là đồ vật quý hiếm.
Lúc xuống dưới tường đất đã sau giờ ngọ, Cố Đạm đến vườn hái cà chuẩn bị làm bữa tối. Rửa sạch quả cà, dùng rổ trúc ráo nước, Cố Đạm đang định cầm nguyên liệu đến nhà bếp chợt nghe thấy tiếng bước chân đi đi lại lại bên ngoài. Tiếng bước nhẹ nhàng không giống Võ thợ rèn hay A Độc, Cố Đạm chờ đợi tiếng gõ cửa.
Người ngoài cửa như đang do dự, mãi một lúc sau mới gõ cửa, bên ngoài vọng một tiếng nói lanh lảnh: “Võ Lang Quân có ở nhà không?”
Là giọng nói của cô nương, nghe còn có vài phần quen tai.
“Hắn không có ở nhà, đến thôn Tuyên Phong rồi.”
Cố Đạm mở cửa nhà, đứng trước cửa là con gái của đồ tể trong thôn, tên là Anh Nương.
Anh Nương đoan chính, dáng người không kệch cỡm, nàng cẩn thận đưa một gói thịt dê bọc lá sen cho Cố Đạm, dặn dò: “A phụ thừa thịt dê bảo ta đưa Võ Lang Quân nhắm rượu.”
Cố Đạm tay cầm thịt dê, thầm nghĩ Võ thợ rèn có chỗ gì tốt mà có một em gái đem lòng thầm mến, chỉ nói: “Cảm tạ, bao giờ hắn về ta sẽ nói cô nương từng ghé thăm.”
Anh Nương gật đầu, quan tâm hỏi: “Khi nào Võ Lang Quân trở về?”
Không thấy Võ thợ rèn, nàng trông có vẻ hơi lạc lõng.
“Biệt tăm hai ngày nay, chắc sắp quay về rồi. Nếu được Anh Nương vào trong nhà chờ chút?”
“Không được hay lắm, ta đi đây.”
Anh Nương cứ như vậy vội vàng rời đi. Nàng là một cô nương mi thanh mục tú, cũng thường đến chơi Võ gia, dĩ nhiên là có ý tứ với Võ thợ rèn.
Cơm tối gồm thịt dê, canh cà, Cố Đạm một mình ăn, trời tối cũng chưa thấy Võ thợ rèn đâu. Những lúc ra ngoài bán gia cụ cũng chưa từng về muộn như vậy, không biết hôm nay xảy ra chuyện gì mà phải trì hoãn. Cố nhân không giống người hiện đại ở chỗ có điện thoại di động, chỉ cần một cuộc gọi là có thể hỏi rõ bao giờ mới về nhà.
Cố Đạm ăn no, vào nhà trong nằm. Người trong thôn ngủ rất sớm, bây giờ trời tối sầm không còn tiếng chó sủa, mọi thứ đều lặng yên, Cố Đạm mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Trong màn đêm thăm thẳm, ngoài sân có tiếng “bịch” giống như một vật nặng rơi xuống đất. Cố Đạm tỉnh dậy, hoảng loạn lấy đòn gánh xông ra ngoài, thấy một bóng đen cậu định mạnh tay quật xuống nhưng bóng đen kia hô lên: “Cố huynh, là ta!”
Định thần nhìn lại, thực sự là A Độc.
“Có cửa chính không đi, ngươi làm gì phải trèo tường!” Cố Đạm thở phì phò cất đòn gánh đi, nếu không phải A Độc nhanh lên tiếng, sớm đã chịu hậu quả.
A Độc kéo chốt cửa, oan ức: “Sư phụ sợ ngươi đang ngủ, bảo ta trèo tường vào mở cửa.”
Cửa nhà mở “xoạch” một tiếng, Võ thợ rèn đứng ngay trước nhà, tầm mặt vừa vặn rơi vào cái đòn gánh trong tay Cố Đạm. Cố Đạm giấu giấu đòn gánh sau lưng, ngáp một cái nói: “Sao trở về muộn thế?”
A Độc tưng tửng đáp: “Cố huynh, hôm nay bọn ta đi ngang qua cổng thành có chuyện kỳ lạ. Ngoài cổng thành có một người lính già ăn xin, tên đó vừa nhìn thấy sư phụ đột nhiên phát điên, giữ sư phụ lại không tha, gọi sư phụ là “Võ Lang tướng”. Dây dưa ít lâu, sư phụ bất đắc dĩ phải cho tên đó chút tiền, mới chịu buông tay. Sư phụ đúng là họ Võ, nhưng không phải tướng quân gì cả, ngươi thấy có phiền không.”
Võ thợ rèn gọi y: “Còn không qua đây phụ giúp.”
Hai thầy trò khuân đồ vào trong nhà, gia cụ bán chưa hết, nhưng vẫn có gạo, mì và rượu mới tinh, còn có cả giấy bút. Cố Đạm cũng ra phụ giúp, nghe Võ thợ rèn bên cạnh nói: “Làm bừa.”
Cố Đạm cầm bút giấy, kể: “Hai ngày nay ta vẫn luôn đóng kín cửa không dám ra ngoài, một phần cũng sợ phỉ tặc vào nhà trộm đồ.”
“Nếu phỉ tặc vào nhà trộm đồ, ngươi đánh thắng được hả?” Võ thợ rèn ôm bao gạo vào nhà, dáng vẻ ung dung như ôm một vật nhẹ tênh.
“Nếu chỉ có một tên không hẳn đánh không được, thể lực ta không kém, cũng từng học qua Tae Kwon Do, còn từng đạp xe đi khắp các tỉnh thành.”
“Cố huynh, ngươi nói gì vậy?” Cái gì mà nâng quyền*, cái gì mà du ngoạn khắp tỉnh**?
*Tae Kwon Do (跆拳道) và nâng quyền (抬拳到) cùng đồng âm Tái quán dào
**Đạp xe khắp các tỉnh (骑游跨省) và du ngoạn khắp tỉnh (奇游夸省) cũng đồng âm Qí yóu kuā shěng.
“Trên đường không phải liên mồm kêu đói bụng sao, làm cơm đi.” Võ thợ rèn ngồi xuống, mở một vó rượu, men say toả khắp nơi.
A Độc tung tăng vào bếp cơm nước, lấy bát đũa, lúc y ra, sư phụ và Cố huynh đang ngồi, y bèn rót ba bát rượu để trên bàn gỗ. A Độc vui vẻ ăn uống, khen: “Cố huynh thật tốt, biết ta và sư phụ trên đường vất vả, mua bánh nướng thịt dê đãi.”
Cố Đạm nhấp miếng rượu, nhìn Võ thợ rèn nói: “Đó là thịt dê Anh Nương cho.”
“Hoá ra là của mỹ nhân tặng!” A Độc cắn mấy miếng liền, dáng vẻ thèm đòn hỏi Võ thợ rèn: “Sư phụ mà kết hôn với nương tử nhà đồ tể, đồ nhi mỗi ngày đều được ăn thịt.”
Võ thợ rèn liếc mắt nhìn một cái, A Độc vội ngậm miệng gặm bánh.
Cố Đạm đã no nên chỉ ngồi cạnh bồi hai thầy trò uống rượu, gia cụ bán xem ra được không ít tiền. A Độc rất phấn khích, uống say khướt, víu vai sư phụ luyên thuyên: “Có phải sư phụ vẫn không quên được sư nương chôn sau núi, đồ nhi thường hay đến thăm nàng, không ngờ sư phụ cũng thâm tình đến thế! Uống rượu uống rượu, nhất tuý giải thiên sầu!”
Võ thợ rèn vứt tên đồ đệ say đến nỗi ăn nói hồ đồ sang một bên rồi tiếp tục nhấp rượu.
Cố Đạm vào nhà trong nghỉ ngơi, không nhìn nữa.
Trong màn đêm thăm thẳm, A Độc đốt đèn lồng, tiếng bước chân y rời đi đã vọng vào nhưng Võ thợ rèn vẫn chưa về phòng ngủ, hiển nhiên đã say nhè. Nửa đêm anh mới vào nhà trong, thân toàn mùi rượu, ngồi bên giường cởi quần áo.
Cố Đạm nhớ đến chuyện trên đường về mà A Độc kể lại, thấy từng cử chỉ của Võ thợ rèn mang khí chất đặc biệt, Cố Đạm chợt hỏi anh: “Ngươi chưa từng đi lính lần nào à? Thế mà kẻ ăn mày ngoài cổng thành cũng nhận ra ngươi?”
Võ thợ rèn ngả đầu chìm vào cơn mê, dáng người anh to lớn đẩy hẳn Cố Đạm vào trong.
“Đừng ngủ vội, ngươi nói cho ta biết đi?”
“Không biết.”
“Vậy tại sao hắn ta biết ngươi họ Võ?”
Võ thợ rèn nhắm chặt hai mắt, mồ hôi mỏng dính trên trán, mùi rượu nồng, lọn tóc rối rải khắp trên gối mắc vào cánh tay Cố Đạm. Cố Đạm chỉ dám nhìn qua mặt anh, cảm thấy anh thật to lớn, cậu không thích những lúc vẻ mặt anh hung ác mà hùng dũng.
Cái vẻ mặt ấy thoạt đầu còn làm người ta cảm thấy sợ hãi nhưng về sau lại khiến ta không thể kiềm chế nổi lại gần.
Võ thợ rèn không đáp, sau hai ngày vất vả lênh đênh anh đã mệt nhọc, đêm nay còn uống nhiều rượu nên anh rất muốn nghỉ ngơi.
“Rốt cuộc sư nương chôn sau núi là gì? Vậy là khi ngươi còn trẻ đã goà vợ ư?” Dù biết chắc anh sẽ không trả lời nhưng Cố Đạm vẫn lẩm bẩm tự hỏi. Cậu khó có thể tưởng tượng dáng vẻ thê tử Võ thợ rèn, có lẽ là kiểu phụ nữ duyên dáng nết na sao? Hay là kiểu phụ nữ đảm đang như Anh Nương.
Võ thợ rèn say rượu, sắc mặt tỉnh dậy hôm sau không dễ nhìn. A Độc vẫn nhớ chuyện hôm qua mình say mèm lỡ mồm nói bậy, cả ngày đều nơm nớp lo sợ theo sau sư phụ lấy gỗ, lúc Cố Đạm đến đưa cơm mới lộ ra vẻ oan oan ức ức.
Cố Đạm ngồi một bên xem Võ thợ rèn chế tạo giường gỗ, từng thao tác thuần thục sử dụng món đồ nghề làm mộc như khoan gỗ, cưa tay, ống mực, thước gỗ mà không cần nhìn bản thiết kế.
Mất một ngày trời, cái giường mới được làm xong, nó nhanh chóng được chuyển vào gian phòng.
||||| Truyện đề cử: Xuyên Thành Mẹ Kế Ác Độc, Trả Thù Nam Chính |||||
Gian phòng nhỏ chứa hai cái giường không thừa bao nhiêu chỗ, cả hai người cùng nằm chung một cái giường cũng được nhưng Cố Đạm cứ kiên quyết đòi phải nằm giường riêng.
“Răng rắc” một tiếng, chỉ bằng sức tay không Võ thợ rèn dễ dàng đóng kết cấu mộng lỗ*, tiếp đó anh lắp ráp từng miếng gỗ, xong xuôi anh còn kỹ lưỡng kiểm tra độ bền của cái giường, trông rất cẩn thận.
*Mộng lỗ (榫 卯 – mộng và lỗ mộng): là kết cấu chính để chế tác đồ nội thất của người cổ đại. Nó đã trở thành nét tinh túy trong văn hóa truyền thống Trung Hoa mấy ngàn năm qua.
Nhìn anh làm việc, Cố Đạm lại nhớ đến lần sập giường lần trước, cái mặt dày như cái tường thành của cậu thoáng ửng hồng.
Cái giường mới này rỗng rãi hơn cái giường cũ kia rất nhiều, hơn nữa còn rất chắc chắn thừa sức để một mình Cố Đạm ngủ thoải mái.
Ba tháng qua nhà xưởng làm việc không dứt, rèn ra rất nhiều đồ sắt kim khí, đống đồ sắt này bán được không ít tiền nên Võ thợ rèn mới có thời gian xả hơi. Ống khói nhà xưởng cũng dừng nhả khói, những chiếc búa cũ sờn cất trong thùng đồ nghề, quãng ngày câu cá của Võ thợ rèn bắt đầu.
Sáng sớm Võ thợ rèn đội nón vành, mang theo cần câu, bàn ghế, thùng gỗ rời khỏi nhà. Đến chiều, mang theo chiến lợi phẩm thùng gỗ chứa đầy cá, ngênh ngang trở về. Anh là một cần thủ* cũng là một tay sát cá, đừng để dáng vẻ lôi thôi nhếch nhác của anh đánh lừa thật ra anh có nhiều kinh nghiệm sống.
*Cần thủ: người câu cá giỏi thường được gọi là cần thủ.
Cố Đạm nhàm chán đi theo Võ thợ rèn câu cá bên lề thôn. Cuộc sống trở nên bình yên thư thái hẳn, nhưng kỹ thuật câu cá của cậu không tốt, toàn thả câu sớm hoặc muộn làm cá trốn đi mất. Gần hồ nước câu cá là rừng đào, nhà Tôn Nham thường đến rừng này khai hoang làm việc.
Tôn Nham gánh cuốc đi qua đầm nước đến chào hỏi Võ thợ rèn: “Lần trước tạ ơn Vũ đại lang* giúp ta sửa cái cuốc, bao giờ rảnh rỗi đến nhà ta làm chén rượu đi.” Ông thấy bên cạnh Võ thợ rèn còn có một người nữa, biết rõ chính là người không rõ lai lịch kia, chỉ nói một câu: “Tiện thể mang theo tiểu huynh đệ này nữa.”
*Vũ đại lang và Võ đại lang có từ “Vũ” và “Võ” đọc giống nhau.
Tôn Tam Oa ngay bên cạnh chêm vào một câu: “A phụ, huynh ấy có tên gọi mà, là Cố Đản đó.”
“Chuyện nhỏ thôi.” Võ thợ rèn ngẩng đầu, chấp tay đáp lễ.
Cố Đạm cũng bắt chước chắp tay trước ngực.
Đợi bọn họ đi xa, Cố Đạm không nhịn nổi phì cười: “Hoá ra cũng có người gọi ngươi là Vũ đại lang.”
Võ thợ rèn không biết ý đùa của Cố Đảm, lườm cậu một cái, Cố Đảm biết điều im bặt.
Hai người cùng nhau câu cá, bỗng một trận mưa phùn ghé qua, bầu không khí mát mẻ trong lành, trong cảm giác bình yên này Cố Đạm bỗng dưng bắt chuyện: “Ngươi hẳn là đại ca trong nhà vậy đệ đệ muội muội của ngươi đâu?”
Tay cầm cần câu của Võ thợ rèn khẽ run rẩy, thoáng dừng lại trong chốc lát, anh khéo léo giật cần câu kéo một con cá lên rồi lặng lẽ gỡ cá trên cần câu xuống làm cho Cố Đạm tự nhiên cảm thấy thương xót. Cố Đạm cho rằng anh sẽ không trả lời, bỗng nhiên anh cất tiếng: “Mất hết rồi.”
Giọng anh vẫn bình thản đều đều chẳng để lộ cảm xúc khác lạ gì.
Cố Đạm nắm chặt cần câu, Võ thợ rèn vẫn còn sung sức chán chắc chắn đệ đệ và muội muội của anh cũng không nhiều tuổi lắm, nghĩa là không phải chết bình thường. Cố Đạm đến thế giới này chưa tới một năm nhưng cũng biết nơi đây đã từng xảy ra cuộc chiến nghiêm trọng, thời thế bây giờ đã tương đối yên bình nhưng vài nơi vẫn còn đang trong thời kỳ kháng chiến.
“Còn ngươi? Cha mẹ anh chị em còn sống không?” Đến nay Võ thợ rèn chưa từng hỏi kỹ hoàn cảnh gia đình của Cố Đạm.
“Cha mẹ ta ly hôn, bọn họ đều khoẻ mạnh, còn có một muội muội cùng cha khác mẹ, ta đã gặp mặt qua mấy lần nhưng không thân lắm.”
Cố Đạm rất ít khi nói chuyện này với bạn bè nhưng không biết tại sao cậu lại nói cho Võ thợ rèn.
“Cha mẹ ngươi ly hôn lúc ngươi mấy tuổi?”
“À, lúc ta học sơ trung, bọn họ còn sợ ảnh hưởng đến ta nên che giấu chuyện ly hôn, kỳ thực mỗi ngày đều cãi nhau.”
“Từ biệt đôi đường, mỗi bên vui vẻ chưa chắc là chuyện tốt.” Võ thợ rèn đặt mồi vào lưỡi câu, sau đó đứng dậy quăng câu ra ngoài, chỉ một lúc bằng kỹ thuật chuyên nghiệp, thùng gỗ của anh đã có bốn, năm con cá đang bơi lội, dưới ánh mặt trời thân cá sáng lấp lánh.
“Còn ngươi, sau khi thê tử qua đời chỉ còn một thân một mình thôi sao?” Cậu không vội hỏi cha mẹ anh còn sống không bởi cũng đoán được phần nào trong cái thời đại chiến tranh này bọn họ chắc bị chôn dưới đất từ lâu rồi.
Võ thợ rèn quăng dây câu xuống mặt nước gợn sóng, anh đột nhiên nói: “Ta chưa từng cưới vợ lấy đâu ra vong thê.”
“Không phải A Độc nói rằng… Sau núi chôn nương tử ngươi à.” Cố Đạm kinh ngạc.
Cố Đạm chờ anh nói tiếp nhưng ai ngờ Võ thợ rèn không nói gì chỉ lặng lẽ tiếp tục ngồi câu cá. Não Cố Đạm đầy dấu chấm hỏi, suy tư hồi lâu đến nỗi không nhận ra cá đã bơi đi mất. Võ thợ rèn giúp Cố Đạm đặt cần câu sang một bên, ghé sát mặt hỏi: “Ngươi rất để ý?”
Cố Đạm cuống quít giật cần câu, ảo não: “Ta không để ý! Chậc, cá bơi đi mất rồi.”
Thật bực mình.
…..
Tác giả có lời muốn nói:
Võ thợ rèn: Thể lực + sức chịu đựng không hề kém.
Võ thợ rèn: Vậy Võ Đại Lang khẽ cười nghĩa là sao?
Đạo diễn: Thôi, cậu không cần biết đâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.