Tin tức hai nhà Đậu, Ngụy trao đổi canh thiếp truyền ra.
Thực Định đổ mưa rất lớn. Giọt mưa to như hạt đậu, ào ào trút xuống, mau chóng làm cho huyện Thực Định trở thành một đầm nước.
Đậu Chiêu đứng dưới mái hiên, mưa rào rạt bắn lên thềm đá xanh, chẳng mấy chốc đã thấm ướt chân váy của nàng.
Tố Tâm mặc áo tơi, đi guốc gỗ bước nhanh dưới màn mưa tới chỗ nàng.
“Tiểu thư, người về phòng nghỉ đi!” Nàng
vừa khuyên Đậu Chiêu vừa cẩn thận cởi áo tơi ra, giao cho nha hoàn bên
cạnh, chỉ sợ không cẩn thận sẽ làm nước mưa dính lên xiêm y của Đậu
Chiêu. “Ngoài kia mưa lớn lắm, tôi đã thu xếp ổn thỏa bên phòng ấm theo
lời tiểu thư giao phó rồi, còn phái hai ma ma dặn trực đêm bên đó, người cứ yên tâm.”
Đậu Chiêu làm sao yên tâm được.
Mưa xuân quý như tơ lụa. Nhưng nếu cơn
mưa xuân này cứ tiếp tục, chỉ lo là hoa màu vừa gieo sẽ úng nước chết
hết. Nàng ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, nhíu mày đi vào phòng.
Trần Khúc Thủy đội mưa tới, sắc mặt nặng
nề. “Tiểu thư, tôi thấy thời tiết xấu quá, bên phía điền trang có cần
cho người đến kiểm tra không?”
“Tiên sinh nghĩ giống tôi.” Đậu Chiêu nói xong, trời chợt sáng bừng, chớp lóe lên, tiếng sấm vang rền vọng lại.
“Tôi thấy cơn mưa này sẽ khó mà tạnh sớm được. Hai năm nay đã sửa sang
khuôn viên phía Đông và nhà chính, còn khuôn viên phía Tây và Hạc Thọ
đường chắc phải cho người đến xem có bị dột không.”
Trần Khúc Thủy thấy Đậu Chiêu hiểu biết thì cũng yên lòng.
Hồng Cô cầm ô giấy đỡ Thôi di nãi nãi tiến đến.
“Trần tiên sinh cũng ở đây à.” Bà chào
hỏi Trần Khúc Thủy, ánh mắt đầy âu lo, “Thọ Cô, mưa to quá, ta sợ ruộng
hoa màu úng mất, ta phải về đó xem sao.”
“Người đi thế nào được!” Đậu Chiêu và
Trần Khúc Thủy không hẹn mà cùng lên tiếng, “Có đi cũng là chúng con đi, sao để người đi được chứ!” Mọi người đều cười ồ lên, không khí bỗng trở nên ấm áp hơn.
“Các người đi thì làm được gì?” Tổ mẫu
nói, “Chẳng ai hiểu việc đồng áng, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi. Cứ để
ta đi đi!” Nói rồi dặn Thọ Cô, “Con chuẩn bị xe ngựa cho ta. Nếu ruộng
hoa màu thực sự bị hỏng thì đợi tạnh mưa còn phải nghĩ xem cho mọi người gieo cái gì thay thế, bằng không họ chẳng thu hoạch được chút nào.
Chúng ta miễn tô cho họ nữa, sợ là mấy hôm nay họ đã cực kỳ vất vả rồi,
còn cần chuẩn bị chút lương thực cho họ dùng qua mùa đông kẻo sẽ có
người chết đói.”
Đậu Chiêu chưa từng chịu cảnh đói kém,
còn Trần Khúc Thủy vào lúc mất mùa vẫn sống khá tốt, cả hai đều không có kinh nghiệm sâu sắc như tổ mẫu nên đương nhiên cũng không gấp gáp như
bà. Do đó một người thì khuyên: “Mưa lớn như này, nhỡ may người bị cảm
thì biết tính sao? Con phái quản sự đi là được rồi.”
Còn một người nói: “Thôi di thái thái
đừng bận tâm, mấy năm nay Thực Định mưa thuận gió hoà. Giả sử thực sự
gặp nạn úng lụt thì các quan địa phương sẽ nghĩ cách, không được nữa thì triều đình sẽ cho người đến cứu tế. Người không cần phải lo đâu.”
Thôi di thái thái vẫn lắc đầu, kiên quyết đòi về điền trang.
Đậu Chiêu không còn cách nào khác đành nói: “Vậy để đích thân con đi một chuyến.”
Thôi di thái thái tất nhiên không đồng ý: “Một tiểu cô nương như con thì làm được việc gì.”
Đậu Chiêu đối đãi với Thôi di thái thái
thế nào, Trần Khúc Thủy đều ghi nhớ trong lòng, ông cười nói: “Nếu người không yên tâm thì tôi sẽ cùng Tứ tiểu thư đi, nhé? Biết đâu trận mưa
lần này sắp tạnh rồi. Ngồi xe ngựa rất vất vả, nếu người đi Tứ tiểu thư ở nhà sẽ nóng ruột lắm đấy.”
Vậy cũng được! Đậu Chiêu đã nghĩ kĩ, rồi
cùng với Trần Khúc Thủy phải một câu trái một câu, thuyết phục tổ mẫu
không biết nói gì hơn nữa, đành phải đồng ý để hai người họ cùng tới xem xét bên điền trang.
Tố Tâm bận thông báo cho đám Trần Hiểu
Phong và Đoạn Công Nghĩa đi theo hộ tống; Tố Lan thì đốc thúc mã phu
chuẩn bị xe ngựa; Cam Lộ và Tố Quyên một người chuẩn bị đồ ăn thức uống
đi đường, một người lo liệu đồ che mưa. Chỉ với thời gian nửa nén hương, mọi thứ đã sẵn sàng đâu vào đấy.
Đợi hai người dưới hầu hạ Trần Khúc Thủy
tới, đoàn người liền khoác áo tơi, che ô tiến vào màn mưa. Đến cửa thùy
hoa thì gặp Đậu Minh vừa đi thỉnh an Nhị thái phu nhân về.
Hai ma ma đưa Đậu Minh về vội khom chân
hành lễ với Đậu Chiêu, nịnh nọt hô “Tứ tiểu thư” rồi ân cần hỏi : “Mưa
lớn thế này, người lại định đi đâu? Có cần chúng lão nô hộ tống một đoạn không ạ?”
Đậu Chiêu nhận ra họ là người hầu bên cạnh Nhị thái phu nhân.
Không ngờ Đậu Minh có thể làm vui lòng
Nhị thái phu nhân, Đậu Chiêu nhìn nàng với ánh mắt yên tâm, bảo Tố Tâm
thưởng cho hai ma ma kia mỗi người một phong bao đỏ, làm họ cảm ơn rối
rít.Hai ma ma cảm rồi lại tạ.
Đậu Minh bắt gặp ánh mắt của Đậu Chiêu
thì mặt đỏ bừng lên. Nàng nghĩ mình mạo hiểm sang thỉnh an Nhị thái phu
nhân giữa trời mưa tầm tã mà Nhị thái phu nhân cũng chỉ nhiệt tình hơn
ngày thường một chút; chẳng bù với Đậu Chiêu, nói vì mưa lớn, cho một ma ma đem mì hạt sen, bánh phục linh sang biếu thôi mà mặt mày Nhị thái
phu nhân như nở hoa vậy, còn bảo với Liễu ma ma: “Con bé này tuy mẫu
thân mất sớm nhưng lại có phúc khí, không có Ô gia thì có Hà gia, không
có Hà gia lại có Ngụy gia, lại còn hoàn thành được tâm nguyện của mẫu
thân, làm một Thế tử phu nhân.”
“Phải đó, phải đó.” Bà già Liễu ma ma đó
còn đứng bên cạnh hùa vào, “Về sau chính là Hầu phu nhân rồi, là chính
nhất phẩm đó, cô nương nhà ta thật có mặt mũi!”
Đậu Chiêu đâu có nghe thấy, đáng để nịnh
nọt đến thế sao? Đậu Minh nhẫn nhịn, về tới cửa nhà lại gặp cảnh Đậu
Chiêu tiền hô hậu ủng đi ra. Khác hẳn với nàng chỉ đưa theo mấy nha
hoàn, ma ma, hộ tống Đậu Chiêu có cả hộ vệ mở đường, nha hoàn hầu hạ,
bên cạnh còn có tiên sinh phòng thu chi chạy tới chạy lui theo nữa,
giống như công tử nhà nào đó đi tuần vậy, không, công tử bình thường đi
tuần cũng không đưa theo cả đoàn người như thế.
Đậu Minh không chịu nổi, châm chọc: “Tỷ
sắp trở thành Hầu phu nhân rồi, có việc gì sao không sai hộ vệ, quản gia hay nha hoàn, ma ma đi làm mà phải đích thân xuất mã thế này, hay là
hôn sự với Ngụy gia lại hỏng rồi? Nhưng tỷ cũng không tới mức không sai
khiến nổi ma ma trong nhà chứ? Ma ma nhà chúng ta không phải đều rất
kính sợ tỷ sao?”
Đây là chuyện riêng giữa hai chị em Đậu thị, người ngoài không thể xen vào. Đám người Trần Hiểu Phong đứng im như tượng.
Hai ma ma của Nhị thái phu nhân như hít
phải khí lạnh, thầm nghĩ không hay rồi, sao lại bị phân đi làm cái việc
này chứ, chả trách người Đông phủ đều nói Ngũ tiểu thư Tây phủ không tử
tế. Lần sau mà gặp chuyện tương tự thì thà bị Liễu ma ma quở trách cũng
phải chạy cho xa.
Người hầu của Đậu Minh run như cầy sấy,
thở cũng không dám thở mạnh, Chu ma ma lại càng sợ hãi, bất chấp tôn ti
ấn Đậu Minh cúi xuống nhận tội với Đậu Chiêu: “Làm gì có kiểu nói chuyện với tỷ tỷ như thế này!”
Đậu Minh bướng bỉnh không cúi đầu.
Đậu Chiêu cười khẽ: “Không ngờ nhà ta cũng sinh ra được một cường hạng lệnh, ta không tác thành cho thì thật đáng tiếc.” Nói rồi bước ra cửa.
Cả bọn Trần Hiểu Phong im thin thít răm
rắp nối nhau đi theo Đậu Chiêu, không dám liếc nhìn Đậu Minh một cái,
như thể nàng ta là người qua đường.
Đậu Minh tức đỏ cả mặt, chờ đoàn người
Đậu Chiêu đi rồi mới nhỏ giọng hỏi Chu ma ma: “‘Cường hạng lệnh’ là
người nào? Lời tỷ ấy nói có ý gì?”
Chu ma ma cũng không biết, chần chờ đáp: “Hay cô đi hỏi Tống tiên sinh xem?”
Đậu Minh gật đầu.
Trong xe ngựa, Cam Lộ tò mò hỏi Đậu Chiêu: “Tiểu thư, người định trừ tiền tiêu hàng tháng của Ngũ tiểu thư ạ?”
Đậu Chiêu cho những nha hoàn bên người
được đọc sách nên mấy người Tố Tâm đều biết điển cố này. Cường hạng lệnh Đổng Tuyên làm người ngay thẳng thanh liêm mà gia cảnh lại bần hàn.
“Tiền tiêu hàng tháng là chiếu theo quy
định trong phủ, nó phạm phải điều nào mà đòi khấu trừ?” Đậu Chiêu thản
nhiên nói, “Có điều trong đó có quy định rằng cô nương nào đã cập kê mà
chưa xuất giá mỗi tháng được mười lăm lượng bạc tiền phấn son, cô nương
chưa cập kê chỉ có hai lượng tiền phấn sáp.” Nàng nói với Tố Tâm: “Về
nhớ dặn lại Cao Hưng là Ngũ tiểu thư mới mười một tuổi, cớ gì cần dùng
đến tiền phấn son. Bảo cả Uyển Nương dạy đàn tì bà cho Ngũ tiểu thư nữa, nàng ta không phải do phủ chúng ta mời về, Cao Thăng cũng không dặn gì
nên chúng ta sẽ không chi tiền trang phục bốn mùa và tu sửa đồ dùng cho
nàng ta.”
Hiện tại nàng chỉ quan tâm đến tình hình
mưa gió, đến thu hoạch hoa màu ở điền trang, đến sinh kế của những người nông dân ấy, hơi sức đâu để ý đến sự khiêu khích của Đậu Minh.
“Ta thấy còn rất nhiều những chuyện nhỏ
nhặt như vậy, Tố Tâm, về sau em cần lưu ý nhiều hơn, đừng để quy củ
trong phủ bị phá hoại.”
Trước mặt nhiều người, Ngũ tiểu thư không nể nang gì, làm Tứ tiểu thư mất mặt mà Tứ tiểu thư chẳng trách phạt gì. Với tính tình Ngũ tiểu thư, không biết sau này còn gây ra những phiền
phức như thế nào nữa.
Bề ngoài, Tứ tiểu thư có vẻ rất nghiêm khắc với Ngũ tiểu thư, thực ra lại rất thương quý.
Tố Tâm mỉm cười đáp vâng.
Đậu Chiêu quăng chuyện đó ra sau đầu, vén rèm xe ngó ra ngoài.
Cánh đồng mới đây còn tươi tốt mà nay đã
trở nên trắng xóa, chỉ thấy mấy nhánh cỏ đung đưa theo gió. Gió rít luồn qua những cành cây. Từng hạt mưa rơi lộp bộp trên nóc xe nghe như mưa
đá. Đến đầu đoạn đường tiến vào điền trang, trên mặt đường toàn bùn đất
dính nhớp nháp, xe ngựa đi lên đó chỉ sợ sẽ mắc kẹt.
Đoạn Công Nghĩa không do dự nói: “Thả
ngựa ra, mấy người chúng ta cùng đẩy xe vào thôn.” Rồi lại nói với Trần
Khúc Thủy: “Phiền tiên sinh đợi ở đây một lát, tôi vào thôn mượn cho
ngài một con lừa.”
Trần Khúc Thủy lắc đầu: “Không cần, ta đi bộ vào được. Hành lý ta còn để trong điền trang, vào tới nơi thay giày là xong.”
Trời đang mưa to gió lớn, Đoạn Công Nghĩa không khách sáo với Trần Khúc Thủy nữa, ông bẻ một cành cây thô dày đưa cho Trần Khúc Thủy: “Tiên sinh dùng cái này làm gậy chống đi.” Nói rồi
cùng Trần Hiểu Phong đẩy xe ngựa tiến vào thôn.
Dân lao động trong thôn đều đang buồn bã
đứng dưới hiên nhà nhìn cơn mưa càng rơi càng nặng hạt, thấy xe ngựa của Đậu gia tiến vào thì rất hào hứng, tiện tay cầm được gì liền đội lên
đầu chạy ra đón.
“Ôi, là Tứ tiểu thư!”
“Sao Thôi di thái thái không về?”
“Tứ tiểu thư, phải làm sao bây giờ? Chỗ ngô này vừa gieo hạt xong.”
“Đúng đúng, Tứ tiểu thư, chúng ta có cần đào kênh thoát nước không?”
Dân làng thi nhau nói.
“Tứ tiểu thư về chính vì việc này.” Đoạn
Công Nghĩa thấy thế thì hét to, “Mưa gió bão bùng thế này, đợi Tứ tiểu
thư thu xếp xong xuôi sẽ gọi mọi người đến bàn tính. Mọi người đừng gấp, để Tứ tiểu thư vào nhà nghỉ ngơi trước đã.”
Dân chúng lập tức giãn ra, để đường đi vào.
Đậu Chiêu được đám người Tố Tâm vây quanh đi vào phòng chính.
Các ma ma ở điền trang đun nước nóng, dọn chăn đệm sạch sẽ ra. Không lâu sau, Đậu Chiêu đã tinh tươm ngồi trên
giường sưởi bên cửa sổ, uống trà nóng và thảo luận cách vượt qua khó
khăn trước mắt với một vài nông hộ lớn tuổi trong thôn.