Cửu Trọng Tử

Chương 115: Kiếp trước




Đậu Chiêu biết rõ Tống Mặc. Tống Mặc lúc này tuy còn ít tuổi, vóc dáng diện mạo cũng rất trẻ và thuần phác nhưng chỉ nhìn qua là nàng nhận ra ngay.
Khi ấy, Tống Mặc đã “nổi danh” khắp kinh thành, dù nàng đã đứng vững ở phủ Tế Ninh hầu nhưng lúc Thỏa Nương ốm chết, không hiểu sao nàng nhất định không để ai biết, chỉ dẫn theo đứa con gái năm tuổi âm thầm quay về Thực Định chịu tang. Trên đường về kinh gặp mưa lớn, xe ngựa mắc kẹt vào vũng lầy, trục bánh xe bị gãy, các nàng đành nghỉ lại nhà một hương thân trong thôn.
Lúc đó, nàng đã kiệt sức, từng bộ phận trên người như tan ra theo cái chết của Thỏa Nương, một chút mưa gió cũng không chống đỡ được. Nàng dựa vào giường sưởi cạnh cửa sổ trong căn phòng chủ nhà nhường lại, nhắm mắt dưỡng sức, vừa mở mắt đã không thấy Nhân thư nhi đâu. Lòng nàng nóng như lửa đốt, chẳng còn hơi sức mắng mỏ ai. Nàng khoác vội áo choàng rồi chạy ra cửa đi tìm, đi một mạch đến lối rẽ hành lang ở tiền viện thì bắt gặp Tống Mặc, người cũng vì gặp mưa mà đến ngủ nhờ. Hắn đang ngồi xổm ở ngoài hiên nhà tiền viện, chăm chú lắng nghe Nhân thư nhi nói: “… Cái này gọi là cỏ đuôi chó, thúc nhìn xem, có giống đuôi chó đang vẫy qua vẫy lại không?”
Mưa tầm tã như tấm rèm nước, ngăn cách chỗ hiên nhà và lối rẽ vào hành lang thành hai thế giới.
Hắn mặc một bộ đồ bằng vải thô màu đen, buộc lại bằng sợi vải gai thô màu trắng, khắp người không có phụ kiện nào, mộc mạc trang nhã. Khuôn mặt trắng trẻo với đường nét tinh tế như men sứ trắng, trong vùng sáng mờ nhạt toát lên vẻ ung dung nhàn nhã, đôi mắt sâu đen lấp lánh như đá quý, sáng rực.
Trên sân, một rừng hộ vệ mặc giáp sắt đứng im như tượng, không động đậy mặc cho nước mưa dội rửa khôi giáp trên người.
Giọng nói non nớt của Nhân thư nhi ríu rít như chim sẻ, vang rõ trong sân. Tống Mặc nghiêng tai lắng nghe những câu chuyện trẻ con của con bé, như thể đây là chuyện quan trọng nhất trong thiên hạ. Không chỉ thế, thi thoảng hắn còn gật đầu phụ họa “Vậy à”, “Ta chẳng biết gì cả”, “Còn có chuyện này cơ á”.
Khi đó nàng ngây ngẩn cả người, lập tức ra hiệu ngăn nha hoàn và ma ma lại, không gọi tìm nữa. Nàng đứng yên một chỗ nhìn khuôn mặt hồng rực hai má vì kích động và đôi mắt sáng bừng niềm vui của con gái, không nỡ lên tiếng như sợ sẽ phá vỡ bức tranh hoàn mỹ trước mắt, khiến nàng tiếc nuối khôn nguôi.
“Con và mẫu thân về quê chịu tang Thỏa ma ma, còn thúc về đây làm gì?” Con gái mở to mắt hỏi hắn.
Hắn cười cười, tay gẩy cọng cỏ trong tay con bé làm nó lắc lư như say rượu. “Ta về bái tế muội muội.”
“Sao thúc không đưa con gái theo? Mẫu thân con đi đâu cũng đưa con đi cùng.”
“Ta không có con gái.”
“Sao thúc không có con gái? Ai cũng đều có con gái mà.”
“Ta không có mà.” Hắn vuốt nhẹ lên tóc Nhân thư nhi, động tác nâng niu như Nhân thư nhi là một đứa bé bằng sứ rất dễ vỡ, từ sâu trong mắt toát ra sự bi thương sâu đậm. “Không phải ai cũng xứng đáng làm cha mẹ người khác…” Đang nói, bỗng hắn nhoẻn miệng cười, nụ cười tươi sáng lấp lánh như ngày hè rực rỡ soi chiếu làm cả khoảng sân sáng bừng lên. Rồi hắn đứng dậy, vỗ vai Nhân thư nhi, dịu dàng nói: “Được rồi, mau về với mẫu thân đi kẻo nàng không tìm thấy con thì sẽ nóng ruột đấy.”
Nhân thư nhi gật đầu thật mạnh, chạy thoăn thoắt về phía hành lang hậu viện.
Hắn vẫn đứng nguyên chỗ cũ, mắt dõi theo hình bóng Nhân thư nhi dần biến mất nơi ngã rẽ, rồi mới quay người đi. Khắp sân đều là hộ vệ đứng thủ, cảm giác ớn lạnh đột nhiên bao phủ cả đình viện khiến Đậu Chiêu không khỏi rùng mình.
Một người mặc mãng bào cẩm y vệ cấp tam phẩm màu đỏ sẫm vẻ mặt kính sợ bước nhanh xuyên qua hàng rào hộ vệ, quỳ một gối trước mặt hắn, cúi mặt nhỏ giọng bẩm báo gì đó. Nàng giật mình phát hiện mình vừa thấy cảnh không nên thấy, cuống quít bước thật nhẹ về hậu viện.
Nàng cảm thấy có ánh mắt nhìn theo mình, rất nóng gáy nhưng không dám quay đầu lại, chỉ biết bước càng nhanh hơn như chạy trốn vào trong sân.
Mãi đến sáng hôm sau, nghe phu nhân nhà ấy nơm nớp bảo với nàng rằng tối qua Đô chỉ huy sử Thần cơ doanh Tống đại nhân từng nghỉ lại một lát ở nhà họ, nàng mới biết mỹ nam tử tướng mạo đẹp đẽ kia lại chính là Tống Mặc đại danh vang dội kia. Từ ấy về sau, nàng chưa gặp lại hắn lần nào nhưng vẻ mặt thật thà lắng nghe con gái nàng nói chuyện của hắn lại khắc sâu vào lòng nàng.
Có lúc nghĩ lại, khó trách có nhiều nữ nhân dù biết rõ hắn nổi tiếng bừa bãi tùy tiện nhưng vẫn cam tâm tình nguyện theo hắn, hắn cũng có một góc cạnh khác, đối xử rất tốt với người.
Cũng có khi băn khoăn, rốt cuộc hôm đó hắn có phát hiện ra mình hay không? Nàng còn ngẫm nghĩ không biết “muội muội” mà lần đó hắn đi bái tế là ai, Anh Quốc công chỉ có hai người con trai, không có con gái.
Không ngờ là đã nhiều năm trôi qua, nàng lại gặp hắn.
Đậu Chiêu xoa xoa khuôn mặt vì mất ngủ cả đêm mà cứng cả lại, hỏi Tố Tâm: “Giờ nào rồi?”
Đầu tiên nàng kinh hoảng bất an, sau lại hoang mang lúng túng, rồi thì cả đêm trằn trọc, Tố Tâm thấy lòng như bị mèo cào, thấp thỏm không yên cũng chẳng ngủ được chút nào, nghe nàng hỏi liền đứng dậy nhìn phễu tính giờ (đồng hồ cát) đáp: “Mới giờ Dần ạ, tiểu thư ngủ tiếp đi.”
Đậu Chiêu ngồi hẳn dậy: “Dù gì cũng không ngủ được, dậy luôn thôi.” Nói rồi hỏi đến người khách tìm chỗ trọ: “Bọn họ đã đi chưa?”
“Đi đâu được giờ ạ!” Tố Tâm nói, tay vén màn giúp Đậu Chiêu, dùng trâm phượng Triêu Dương mạ bạc cài trướng lại, “Mưa càng ngày càng to, đến vịt cũng bơi được trong sân rồi.”
Đậu Chiêu dỏng tai nghe ngóng. Hạt mưa vẫn như hạt đậu rơi, gõ lộp bộp lên nóc nhà.
Nàng nhớ tới có lần đi ngang qua phủ Anh quốc công, cả phủ được bao bọc bởi một cây cổ thụ to lớn có tán dày rợp như ô, rậm rạp tươi tốt, lan từ đầu tường, tuy có sa sút nhưng lại tràn đầy vẻ cổ kính, nồng đượm khắp chốn, tĩnh lặng như thiên cổ.
Nàng dặn Tố Tâm: “Đi nói với Đoạn Công Nghĩa và Trần Hiểu Phong, cứ để mặc những người kia muốn làm gì thì làm, hết sức chu toàn lễ nghĩa, đừng gây gổ xung đột với họ, cung kính tiễn họ đi.”
Tố Tâm sửng sốt. Đậu gia là hào môn, Tứ tiểu thư cũng không phải người sợ phiền phức, sao lần này giọng nói của tiểu thư lại có vẻ sợ hãi, muốn nhượng bộ. Nàng nghĩ đến vẻ mặt trắng bệch tái nhợt của Đậu Chiêu đêm qua. Hay là Tứ tiểu thư nhìn ra cái gì? Những người đó có lai lịch thế nào mà ngay cả Tứ tiểu thư cũng không dám đắc tội?
Đậu Chiêu đương nhiên biết Tố Tâm đang hoang mang nhưng nàng không thể nói ra.
Phủ Anh Quốc công nằm trong một ngõ nhỏ ở Giáo Trung Phường, thành Bắc, chiếm hết toàn bộ con ngõ. Phủ Anh quốc tọa lạc ở đó đã hơn trăm năm, thịnh quyến bất suy, người lớn tuổi ở kinh thành đều gọi đó là ngõ Anh Quốc công chứ rất ít người biết tên gốc của nó. Sau khi Tống Mặc giết cha giết em, nghe nói người sống ở mấy con phố bên cạnh cứ nửa đêm mờ sáng lại thường nghe thấy tiếng rên khóc, mấy gia đình xung quanh đều lần lượt chuyển đi. Rõ ràng vốn là một nơi gần như là trung tâm của kinh thành, lại dần trở nên tiêu điều hoang vu, biến thành chỗ đủ mọi hạng người lui tới, cứ như thế, không có ai dám đi vào trong phủ Anh quốc công nữa, mọi người đều trơ mắt nhìn phủ đệ lừng lẫy một thời ngày một suy sút tàn tạ.
Đậu Chiêu thừa nhận mình không dám động vào người như vậy. “Đừng hỏi gì cả, cứ làm theo lời dặn của ta là được.” Nàng dặn lại Tố Tâm.
Tố Tâm lễ phép đáp lời rồi đi ra thông báo với Đoạn Công Nghĩa. Khi quay về, vẻ mặt do dự, nàng nhỏ giọng nói: “Tứ tiểu thư, Trần tiên sinh hình như cũng mất ngủ cả đêm qua, đúng lúc tôi đi ra thì gặp tên hầu bên cạnh tiên sinh hỏi tiểu thư đã dậy chưa, nói là Trần tiên sinh đã sai hắn tới xem mấy lần rồi.”
Đậu Chiêu có chút bất ngờ. Chẳng lẽ Trần tiên sinh cũng nhìn ra sự bất thường? Trần tiên sinh tuy không cởi mở với mình nhưng qua hai năm tiếp xúc, nghe những lời bình luận rõ ràng hợp lý về các nhân vật triều đình của ông, nàng cũng biết Trần tiên sinh không phải người đơn giản. Đậu Chiêu vội nói: “Mới Trần tiên sinh đến sảnh đường uống trà.”
Tố Tâm đáp vâng rồi đi ngay.
Cam Lộ qua hầu nàng rửa mặt mặc áo.
Tố Lan vừa đứng một bên giúp lấy mấy thứ nhỏ nhặt như khăn tất, vừa nói nhỏ với Đậu Chiêu: “Tứ tiểu thư, người nói xem, vị công tử đến nhà ta ngủ nhờ là người nào? Trông y thật đẹp! Tôi chưa từng gặp ai đẹp như y cả. Không biết nhà y ở đâu nhỉ? Làm ăn ở vùng nào…”
Đậu Chiêu nhìn đôi mắt sáng ngời của Tố Lan, cười “phì” một tiếng, trêu: “Ta tặng em cho người ta làm thị nữ nhé!”
“Đừng, đừng mà!” Tố Lan lập tức nhảy dựng lên, kêu la bất mãn, “Tiểu thư lại trêu em rồi, chỉ là em thấy y rất đẹp, khiến người ta nhìn không chớp mắt. Đâu thể vì thế mà bảo người ta đi làm thị nữ cho y được. Em lại chẳng rõ y là ai, là người tốt hay kẻ xấu…”
Đậu Chiêu thấy rất thú vị. Ở kinh thành có không biết bao nhiêu quý phu nhân thích lén lút bình luận về Tống Mặc nhưng ở nơi đông người nếu có ai nhắc tới Tống Mặc thì ai nấy đều tỏ ra nghiêm chỉnh như thể chưa nghe tới người này bao giờ. Thật chẳng bằng Tố Lan phóng khoáng hồn nhiên.
Cam Lộ cười mắng Tố Lan: “Ngươi cũng biết tiểu thư đang trêu chọc ngươi đấy à? Vậy ngươi quan tâm hắn là ai, đi đâu về đâu làm gì?”
Tố Lan cười hì hì lấy lòng, đón lấy cây trâm từ tay Cam Lộ, cài lên giúp Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu mỉm cười. Từ khi xảy ra chuyện Bàng Côn Bạch, những khoảng cách giữa Cam Lộ, Tố Quyên và tỷ muội Biệt thị đều bay biến, giờ đây họ trò chuyện làm việc với nhau thân mật như tỷ muội, không khí trong phòng Đậu Chiêu cũng ấm áp náo nhiệt hơn.
Trần tiên sinh trông xanh xao mệt mỏi, thần sắc nặng nề, ngoài mặt lộ rõ vẻ tiều tụy, xem ra đêm qua ông cũng trằn trọc khó ngủ, không nghỉ ngơi mấy.
Ông bảo Đậu Chiêu cho nha hoàn lui xuống.
“Tứ tiểu thư, sợ là chúng ta sẽ gặp phiền phức.” Trần Khúc Thủy trầm giọng nói, “Đám người kia lai lịch không đơn giản, tôi nghi thiếu niên công tử đó chính là Thế tử gia của phủ Anh Quốc công Tống Mặc.”
Ông một câu vạch ra thiên cơ, Đậu Chiêu hốt hoảng, ngập ngừng nói: “Sao tiên sinh nhìn ra được?”
Sau hồi lâu im lặng, Trần Khúc Thủy mới nói nhỏ: “Nhờ tiểu thư hậu ái, trước giờ không hỏi tôi mấy năm không ở Thực Định đã đi đâu…” Khi nói, đáy mắt ông toát ra vẻ khổ sở, “Mấy năm đó tôi ở Phúc Châu, làm phụ tá cho tuần phủ Phúc Kiến Trương Giai.”
Ông đoán Đậu Chiêu chắc không biết Trương Giai là loại người nào, cố nén cảm giác xấu hổ giải thích:
“Mười ba năm trước, giặc Oa vây thành Phúc Châu, Trương đại nhân vứt thành bỏ chạy, bị tổng binh Phúc Kiến, Định quốc công Tương Mai Tôn bắt lại, xử trảm. Lẽ ra đám phụ tá của Trương đại nhân chúng tôi cũng phải xử tử để răn đe nhưng Tương quốc công nói, kẻ địch ở trước mặt, cần chân thành đoàn kết, nhất trí đối ngoại. Chỉ cần không phải chủ mưu đều có cơ hội lấy công chuộc tội. Chúng tôi được thả ra, cùng quan lại nha môn tuần phủ đi lập công chuộc tội.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.