Phòng lớn của quán cơm chay có hơn hai chục bàn, đều đã có khách. Từ Tử Lăng ra hiệu thưởng thêm cho tiểu nhị, nhưng cũng phải đợi gần hai khắc sau mới được an bài cho ngồi ở một chiếc bàn vuông trong góc. Gã vừa lựa chọn xong vài món cơm rau thì Đỗ Phục Uy một mình tiến vào. Lão cởi chiếc mũ cao ra, so vai rụt cổ như biến thành một người khác, đến ngồi bên cạnh Từ Tử Lăng. Gã vội rót trà cho lão, rồi thấp giọng hô một tiếng:
- Chào cha!
Đỗ Phục Uy lộ nét cười từ ái hiếm có, vui vẻ thấp giọng nói:
- Có thể nghe được tiếng gọi “cha” từ ngươi, lão già ta đây đã được an ủi rất nhiều. Ài! Tiểu Trọng vẫn uổng phí tâm cơ kiên trì đi giúp Vương Thế Sung thủ Lạc Dương ư?
Từ Tử Lăng bất đắc dĩ cười trừ, thay đổi đề tài hỏi:
- Lần này cha nuôi đến Trường An chỉ là ghé qua thôi hay định ở đây lâu dài?
Đỗ Phục Uy lại thở dài, có chút mơ màng đáp:
- Ta không biết. Vấn đề ở chỗ cái gọi là tình bạn chi giao giữa ta và Phụ Công Hựu. Hắn và Ma Môn yêu đạo Tả Du Tiên chiếm cứ Đan Dương, tự tung tự tác, lại cự tuyệt đối thoại với ta. Ài! Cha con Lý gia thủy chung cũng đối đãi ta không tệ, ta thật muốn ở lại đây hưởng chút phúc thanh nhàn, nhưng lại không đành lòng trơ mắt ra nhìn lão Phụ trầm luân. Trải qua bao gian khổ lão mới cắt đứt được quan hệ với Ma Môn, nhưng giờ thì lại rơi vào tay chúng, quả là xuẩn ngốc không chịu nổi.
Lão nâng chén, lấy trà thay rượu uống cạn.
Từ Tử Lăng lại rót thêm trà cho lão. Cơm rau chay tịnh thơm tho đã được mang tới, Từ Tử Lăng bất chợt nhớ tới Sư Phi Huyên. Nếu có thể cùng nàng dùng bữa trong quán cơm chay này thì tình cảnh sẽ như thế nào?
Đỗ Phục Uy lộ vẻ cơ cảnh, nhìn qua một lượt những thực khách trong phòng, đoạn hỏi:
- Tử Lăng đến Trường An để làm gì vậy?
Từ Tử Lăng trầm giọng hỏi lại:
- Hài nhi có thể hỏi cha nuôi một vấn đề được không? Giữa hai người Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành, người hy vọng ai sẽ kế thừa vị trí quân chủ của Đường thất?
Hai mắt Đỗ Phục Uy lấp loáng tinh quang, cười lạnh đáp:
- Đỗ Phục Uy ta từ Hoài Nam khởi nghiệp, Nam chinh Bắc phạt chưa từng nếm mùi thất bại. Sự nghiệp của ta là đoạt được trên lưng ngựa. Ngươi cho rằng ta sẽ tôn trọng người nào?
Từ Tử Lăng vui mừng nói:
- Thế thì được rồi! Lần này hài nhi tới Trường An là để đối phó với Trì Sanh Xuân vì rất nhiều khả năng hắn là trưởng tử của Ba Lăng bang Hương Quý, là huynh trưởng của Hương Ngọc Sơn. Chúng con và Hương gia không những có tư cừu, mà còn hận đến thấu xương hành vi bắt cóc buôn người của bọn chúng.
Đỗ Phục Uy nhíu mày hỏi:
- Muốn đối phó Trì Sanh Xuân không hề dễ dàng. Nhưng với thân thủ hiện tại của Tử Lăng, lấy ‘hữu tâm đối vô tâm’ thì việc lấy cái mạng chó của hắn chẳng phải dễ như trở bàn tay sao.
Từ Tử Lăng ghé sát tai lão than:
- Vấn đề là bọn hài nhi muốn từ Trì Sanh Xuân bức Hương Quý phải ra mặt, vì thế không thể không dùng mưu kế thủ đoạn.
Tiếp đó, gã giải thích một lượt. Đối với ‘người cha hờ’ này, Từ Tử Lăng tuyệt đối tin tưởng. Đến bản thân gã cũng không thật rõ tại sao mình lại có tâm tình đó.
Đỗ Phục Uy nghe xong bật cười:
- Kế hoạch của Tử Lăng quả là tuyệt diệu, ta thật khó mà phán đoán xem kế đó có thực hiện được không. Ta đã từng nghe qua tên tiểu tử Tư Đồ Phúc Vinh đó. Cứ như ta nghe được thì hắn là kẻ ‘đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành’, lại chưa nghe nói hắn là người háo sắc. Hơn nữa, ‘mãnh hổ không bằng địa đầu trùng’, nếu như hắn vì tránh họa mà tới Trường An thì làm sao dám đồng thời đắc tội với cả Duẫn Tổ Văn lẫn Lý Nguyên Cát? Trừ khi hắn đã chán sống rồi.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ đúng là gừng càng già càng cay, bản thân gã lại chưa từng nghĩ thấu đáo như vậy. Gã bèn ứng tiếng:
- Giả sử nếu bản thân Hồ Tiểu Tiên nhìn trúng Tư Đồ Phúc Vinh thì tình hình có khác không?
Đỗ Phục Uy ngạc nhiên hỏi:
- Việc đó làm sao có thể phát sinh được?
Từ Tử Lăng lại đem chuyện gã bàn với Hồ Tiểu Tiên kể lại, rồi nói:
- Hiện giờ, thứ mà Tư Đồ Phúc Vinh thiếu chính là một hòn núi để hắn dựa vào. Hòn núi này phải vững đến mức làm Trì Sanh Xuân không dám dùng thủ đoạn khác đối phó với hắn, chỉ còn cách tranh cường trên bàn đổ bác.
Đỗ Phục Uy hiểu ra, trầm ngâm một lát rồi nói:
- Việc này ta phải về suy nghĩ cho cẩn thận đã. Làm sao có thể tìm được ngươi?
Từ Tử Lăng nói địa điểm Đa Tình Oa của Hầu Hy Bạch cho lão biết rồi chia tay ai về nhà nấy.
---oOo---
Khi Từ Tử Lăng trở về, Hầu Hy Bạch vẫn đang say sưa vẽ bức Bách Mỹ Đồ. Thấy Từ Tử Lăng trở về, hắn vui vẻ nói:
- Tối nay chúng ta trực tiếp đến Thượng Lâm Uyển tìm Kỷ Thiến, bất kể là nàng bận rộn thế nào cũng mặc. Nếu biết là ta tìm, Kỷ Thiến sẽ tìm cách gặp ta. Khi đó thì Từ Tử Lăng có thể trực tiếp hỏi nàng.
Từ Tử Lăng ngồi xuống bên cạnh hắn, nhíu mày hỏi:
- Phía Âm Hiển Hạc có tin tức gì không?
Hầu Hy Bạch hạ bút lông xuống, lùi ra rồi ngồi xuống ghế cạnh gã, lắc đầu đáp:
- Hắn vẫn chưa đến Trường An. Không ai nhìn thấy người nào bộ dạng như vậy.
Tâm trạng Từ Tử Lăng chùng xuống, thuận miệng hỏi:
- Ngươi rời khỏi giường lúc nào?
Hầu Hy Bạch chán nản nói:
- Ta căn bản không thể ngủ nổi, nên chỉ có thể thay lão ca ngươi ra ngoài bôn tẩu làm việc. Ta thăm dò về Trì Sanh Xuân qua một nhân vật bang hội có thể tin được ở Trường An, được biết người này nhiều khả năng là người của Hương gia vì trước khi Lý Uyên nhập quan không ai biết hắn. Cụ thể, Trì Sanh Xuân là nhân vật đột nhiên mới nổi lên, kinh doanh Lục Phúc đổ quán dưới sự bảo trợ của Lý Nguyên Cát. Không ai biết hoàn cảnh xuất thân của họ Trì, chỉ biết tài sản của hắn rất hùng hậu. Trước tiên, tên này dùng xảo thủ đoạt lấy Lục Phúc đổ quán từ người chủ cũ, rồi trong vài năm ngắn ngủi đã biến nó thành một đại đổ quán lớn, có thể phân cao thấp với Minh Đường Oa.
Tiếp đó, hắn lại than:
- Không phải ta muốn dội cho ngươi một gáo nước lạnh, nhưng vị bằng hữu bang hội đó nói Trì Sanh Xuân tính tình đa nghi, vô cùng cơ cảnh, lại càng biết rõ hơn ai hết đạo lý không tham lợi nhỏ trước mắt. Nếu theo đúng như kế hoạch của ngươi, đóng giả thành Tư Đồ Phúc Vinh, đánh trống mở cờ đến phân cao thấp cùng với hắn trên chiếu bạc để tranh ái nữ của Đại Tiên Hồ Phật, hắn không nghi ngờ mới là lạ. Hương gia đã làm nhiều việc xấu nên tất sẽ có lòng phòng bị hơn bất kỳ ai khác. Tiểu đệ cho rằng kế của huynh sẽ không thực hiện được.
Từ Tử Lăng chuyển đề tài, thản nhiên nói:
- Dường như ngươi rất phong quang ở Trường An.
Hầu Hy Bạch vui vẻ đáp:
- Ta quen biết rất nhiều người ở đây. Trên tới hoàng cung, dưới tới xóm chợ ta đều có biện pháp. Ài! Ta đang lo lắng cho ngươi mà!
Từ Tử Lăng cười nhẹ:
- Không dám giấu lão ca ngươi, ta và Khấu Trọng đều xuất thân là những tên ăn cắp vặt. Khi gặp người nào mang theo nhiều tiền, hoặc người cứ lấy tay giữ túi tiền đi đường thì bọn ta sẽ chọn phương pháp ‘dương đông kích tây’. Ví dụ như một người giả vờ húc phải hắn, làm phân tâm hắn, người kia sẽ thi triển thuật không không diệu thủ. Bất kể là kẻ đó giấu túi tiền kỹ thế nào, bọn ta chỉ rạch con dao nhỏ một phát là có thể tìm ra minh châu, bách phát bách trúng, chưa từng thất bại.
Hầu Hy Bạch hơi ngạc nhiên, mày kiếm khẽ cau lại hỏi:. 𝗡ha𝐧h 𝘮à khô𝐧g có q𝘂ả𝐧g cáo, chờ gì 𝘵ì𝘮 𝐧gay ﹎ 𝘵𝗿ù𝘮𝘵𝗿𝘂yệ 𝐧.v𝐧 ﹎
- Phương pháp ‘dương đông kích tây’ đó làm sao áp dụng đối với Trì Sanh Xuân được?
Từ Tử Lăng đáp:
- Vẫn chưa nghĩ ổn thoả, nhưng tin tình báo của Hy Bạch huynh vô cùng hữu dụng, làm ta càng thêm nắm chắc tình hình. Chúng ta chỉ cần biến tính đa nghi của Trì Sanh Xuân thành sơ hở để động thủ, hoặc có thể trở thành cạm bẫy để hắn sa vào. Bởi vì nếu có người khẳng khái đem cả gia tài lớn đến cho hắn thì hắn há dễ bỏ qua sao.
Hầu Hy Bạch động dung nói:
- Ngươi chỉ nói thế là ta thấy sự tình tuyệt không phải không thể làm được nữa. Chúng ta cần suy nghĩ cho kỹ. Hà hà! Đến Thượng Lâm Uyển làm hai chén Hoàng Thang được không? Khi ta ở thanh lâu thì lúc nào linh cảm cũng dạt dào như suối chảy.
Từ Tử Lăng cười:
- Người đi là ngươi. Ta còn muốn ngươi tìm cách lừa Kỷ Thiến đến Minh Đường Oa để nàng bất ngờ đụng đầu với ta trong lốt gã Ung Tần râu ria đầy mặt.
Hầu Hy Bạch cười khổ:
- Việc đó không thể. Ngươi dường như không biết cho đến tối nay, Kỷ Thiến vẫn là danh kỹ thanh lâu danh tiếng nhất, là khách ruột của Minh Đường oa. Lại thêm vị tỷ tỷ này tính tình rất thích làm loạn, lúc vui vẻ có thể vô cùng nhu thuận, nhưng tuỳ lúc có thể đạp ngươi ra khỏi Minh Đường oa. Việc đó đã từng xảy ra với ta một lần. Hà hà! Hiện giờ, nam nhân ở Trường An đều lấy việc từng bị nàng ta đạp ra khỏi Minh Đường Oa là vinh hạnh vì ít nhất nó cũng cho thấy kẻ đó đã có thể làm nàng tức giận. Nhưng tiểu đệ thì cho rằng đó là điều sỉ nhục.
Trong lòng Từ Tử Lăng hiện lên đôi mắt xinh đẹp, trong sáng nhưng lại biến hoá đa đoan của Kỷ Thiến. Gã thầm nghĩ nếu không có việc nàng cầu xin mình lần trước ở Trường An, chỉ sợ mình cũng sẽ bị đối đãi giống như Hầu Hy Bạch nói. Trong lòng gã chợt nảy ra một ý, liền hỏi:
- Ngươi có biết quan hệ của nàng ta với Trì Sanh Xuân là kiểu gì không?
Hầu Hy Bạch đáp:
- Trì Sanh Xuân làm sao dám dây với Kỷ Thiến, vì Lý Nguyên Cát là một trong số không ít những kẻ xưng thần dưới bóng quần hồng của mỹ nhân này.
Từ Tử Lăng ngạc nhiên:
- Với uy thế, quyền lực của Lý Nguyên Cát, muốn có Kỷ Thiến chẳng phải dễ như trở bàn tay sao?
Hầu Hy Bạch đáp:
- Làm sao đơn giản thế được? Tình huống của Kỷ Thiến có chỗ giống Thượng Tú Phương. Ở Trường An, khắp thôn cùng ngõ hẻm không ai là không biết nàng. Kể cả Lý Uyên cũng tuyệt không cho phép Lý Nguyên Cát chiếm đoạt Kỷ Thiến để tránh những chuyện đồn thổi có hại tới Lý gia. Huống chi Lý Nguyên Cát cần nhất là lo giữ gìn hình tượng và danh dự bản thân. Chưa hết, nhiều cận thần của Lý Uyên lại có quan hệ tốt với Kỷ Thiến nên Lý Nguyên Cát chỉ còn cách khổ tâm tìm cách tranh đoạt nàng với tư cách là một thần tử dưới bóng quần hồng. Những nỗi yêu, hận, khổ, sướng trong đó lại càng động lòng phi thường.
Vừa nói, mặt hắn lại lộ vẻ mê say.
Từ Tử Lăng bỗng nhớ tới một chuyện, hỏi:
- Chẳng phải là Lý Nguyên Cát và Thanh Thanh phu nhân ở Phong Nhã các quan hệ rất tốt sao?
Hầu Hi Bạch đáp:
- Thanh Thanh phu nhân chỉ là một trong số những nữ nhân của Lý Nguyên Cát mà thôi. Tên tiểu tử này vốn phong lưu, thích nhất là dập liễu vùi hoa khắp chốn.
Hắn vỗ vai Từ Tử Lăng hỏi tiếp:
- Được rồi! Có muốn đến Thượng Lâm Uyển thử vận khí không?
Từ Tử Lăng lắc đầu:
- Ta đến thanh lâu thì chỉ gặp vận xui thôi. Quan trọng hơn là ta không thể chủ động đi tìm Kỷ Thiến, chỉ còn cách để nàng gặp ta. May là việc này tuyệt không gấp gì. Tối nay ta muốn ngủ một giấc thật ngon, dưỡng thần cho đầy đủ, ngày mai mới nghĩ tới chuyện này. Ngươi có biết là kinh doanh cầm đồ là môn học vấn cao thâm thế nào không? Nghiên cứu môn học vấn đó đã làm ta mệt đến kiệt sức rồi. Tốt nhất là ngươi cứ ngoan ngoan tiếp tục ở đó vẽ tiếp Bách Mỹ Đồ, vẽ mệt rồi thì lên giường mà ngủ, quên tâm ý khó lường của Thạch sư phụ của ngươi đi. Tối qua ngươi đã không hề ngủ nghê gì. Hãy nghe lời ta đi!
Hầu Hy Bạch chán nản đáp:
- Còn cần phải ngươi đề tỉnh ta ư. Hiện giờ, chỉ có vẽ hoặc đến thanh lâu mới có thể làm ta quên hết tất cả. Đó có thể là chỗ phân biệt giữa người và cầm thú! Cầm thú chỉ phấn đấu vì sinh tồn, còn chúng ta lại biết ký thác tình cảm vào phong nguyệt, quên sự uy hiếp đối với sinh tồn. Đó gọi là trốn tránh.
Từ Tử Lăng sâu xa nói:
- Ngủ cũng là một cách trốn tránh, vì thế nên cầm thú cũng có biện pháp mượn giấc ngủ để trốn tránh hiện thực.
Hầu Hy Bạch hứng thú nói:
- Vậy thì chỗ khác nhau lớn nhất giữa người và cầm thú là gì?
Từ Tử Lăng tập trung suy nghĩ một lát rồi đáp:
- Ta nghĩ chỗ khác biệt lớn nhất là con người sẽ suy nghĩ về sự tồn tại của bản thân mình, ví dụ như chúng ta tại sao lại tồn tại? Bản thân sự tồn tại có ý nghĩa và mục đích gì? Trong cõi U minh phải chăng có người chủ tể? Mỗi một người phải chăng chỉ là một con rối do mệnh vận giật dây điều khiển? Sinh từ đâu? Tử về đâu? Giữa sinh và tử rốt cuộc là chuyện gì?
Hầu Hy Bạch nghe đến ngây người.
Từ Tử Lăng đột nhiên nhớ tới kẻ thích nói chuyện sinh tử là Phục Nan Đà. Nếu không phải được lão khai mở thì chỉ sợ gã không thể suy nghĩ thấu triệt về giấc mộng nhân sinh đến như vậy, cũng làm gã càng hiểu rõ tại sao Sư Phi Huyên lại muốn rời bỏ trần thế, tu hành thiên đạo như thế. Đó chính là vì muốn tìm hiểu đối với sự tồn tại của bản thân mình.
Gã lại nhớ tới Thạch Thanh Tuyền. Nàng thì lại vì một nguyên nhân hoàn toàn khác, do nhìn thông hiểu thấu hiện thực tàn khốc và ân oán trên thế gian này nên mới chọn phương thức sinh hoạt lánh thế ẩn cư.
Bản thân Từ Tử Lăng gã lại bất hạnh bị lôi cuốn vào dòng xoáy lớn của phàm trần, khó có thể thoát thân được.
Gã không khỏi thầm thở dài một tiếng.
Hầu Hy Bạch gật đầu:
- Lời Tử Lăng như mộ cổ thần chung, làm người tỉnh giấc triệt để. Ta giờ chỉ muốn say một trận bất tỉnh nhân sự, quên hết những thống khổ trong lòng.
Trong lòng Từ Tử Lăng bừng lên nỗi xúc động mãnh liệt muốn đi gặp Thạch Thanh Tuyền. Bỗng nhiên, lúc này gã cảm thấy mình hiểu nàng hơn bất kỳ lúc nào trước đây. Nhưng Hầu Hy Bạch trước mắt cũng là một người mà gã phải quan tâm, nghĩ vậy bèn nói:
- Hy Bạch huynh sao không đem nỗi thống khổ trong lòng nói ra? Như thế sẽ tốt hơn.
Đôi mắt anh tuấn của Hầu Hy Bạch đỏ lên, sau khi liếc Từ Tử Lăng một cái liền cúi đầu cười khổ:
- Ta do một tay Thạch sư phụ dưỡng dục thành tài, nếu nói không hề có chút cảm tình gì với ông ta thì chỉ là gạt ngươi. Có lúc sư phụ đối với ta rất tốt. Ài! Món nợ này giữa ta và ông ấy biết tính thế nào đây? Hiện giờ, ta chỉ muốn đối mặt với Thạch sư phụ để làm cho rõ ràng. Tối qua ta một mình đến thanh lâu chính là muốn người tìm đến ta, muốn giết muốn mổ cứ tuỳ ý lão nhân gia, còn hơn là cứ như lạc trong sương mù như bây giờ, chẳng có gì rõ ràng cả. Chết không phải là việc đáng sợ như thế chứ?
Từ Tử Lăng cuối cùng cũng hiểu tâm ý thực sự của Hầu Hy Bạch đối với Thạch Chi Hiên. Trong lòng gã thầm kêu nguy hiểm, vì vị cao thủ Ma Môn này không còn là người có tính cách phân liệt như trước nữa. Trong tình thế nào đó mà lão cho là cần thiết thì Thạch Chi Hiên sẽ tuyệt không lưu tình mà xử quyết, thanh lý ‘sản phẩm’ này.
Gã trầm giọng:
- Chẳng phải ngươi từng nói theo như quy củ sư môn truyền lại và chú thệ mà Thạch Chi Hiên đã lập khi ngươi mười tám tuổi, là nếu năm ngươi hai mươi tám tuổi mà không đủ tư cách trở thành Hoa Gián phái đời thứ mười hai thì mới giết ngươi sao? Ngươi hiện giờ mới hai mươi bảy tuổi mà! Còn có thời gian một năm nữa.
Hầu Hy Bạch chán nản nói:
- Hai mươi tám tuổi chỉ là hạn kỳ do ông ta lập ra. Ta tuỳ lúc có thể yêu cầu cử hành sớm hơn. Ta thật muốn biết sau khi trở thành oan hồn bị ông ta giết chết thì Thạch sư phụ có thương tâm hối hận không. Ài! Quy củ tông pháp của Hoa Gián phái đã được nhồi nhét từ khi ta còn nhỏ, giờ đã thành tư tưởng thâm căn cố đế rồi. Vì thế ta không muốn để Tử Lăng nhúng tay vào việc này, chỉ bằng vào sức mình mà vượt qua cửa ải khó khăn đó.
Từ Tử Lăng nhíu mày nói:
- Tên tiểu tử ngươi bây giờ chẳng có đấu chí gì cả. Lúc thì nói thúc thủ mặc cho người ta xử trí, lúc khác thì lại nói muốn đấu tranh vượt quan ải khó khăn, đều là những biểu hiện tiêu cực. Thật khiến người ta lo lắng cho ngươi!
Hầu Hy Bạch phục hồi vẻ tiêu sái tự nhiên, cười nói:
- Cái này gọi là tâm tình mâu thuẫn. Nếu có thể bất tử thì ai muốn nhất mạng ô hô vào đúng quãng đời đẹp nhất đây? Ít nhất thì phải chờ ta hoàn thành Bách Mỹ Đồ của cung đình nhà Đường này rồi hãy nói. Hà hà!
Từ Tử Lăng đỡ lời:
- Theo ta thấy thì Thạch sư phụ của ngươi trừ khi bất đắc dĩ, còn nếu không sẽ không tự tay làm thịt ngươi đâu.
Hầu Hy Bạch ngây người hỏi:
- Tử Lăng nói thế có căn cứ gì không?
Từ Tử Lăng trầm ngâm:
- Con người không phải là cây cỏ, làm sao có thể vô tình được. Cho dù người tâm can sắt đá như Thạch Chi Hiên thì cũng vì đã hại chết Bích Tú Tâm mà phải trải qua mười lăm năm đầy thống khổ và mâu thuẫn. Nếu không thì thiên hạ này có thể đã có cục diện khác rồi. Hiện giờ, Thạch Chi Hiên đã tỉnh lại từ trong giấc mộng dài, không những không dám gặp tử huyệt của lão là Thạch Thanh Tuyền, mà cũng không muốn tự tay xử quyết đồ đệ do một tay mình dưỡng dục ra. Vì thế, ta đoán lão sẽ lợi dụng Dương Hư Ngạn để đối phó ngươi.
Hầu Hy Bạch tinh thần phấn khởi nói:
- Nếu thế thì sẽ là chuyện hoàn toàn khác. Kiểu gì ta cũng không thể để Dương Hư Ngạn sính cường được.
Từ Tử Lăng thấy đã chấn khởi được đấu chí của hắn, trong lòng cảm thấy được an ủi. Gã bèn tiếp:
- Thạch sư phụ của ngươi chỉ có hai truyền nhân. Nếu người chết là Dương Hư Ngạn thì lão không có lý do gì mà huỷ diệt đi truyền nhân duy nhất còn lại. Nếu không thì Hoa Gián và Bổ Thiên hai phái sẽ không còn người kế thừa. Cũng có thể tưởng tượng là Thạch sư phụ của ngươi sẽ toàn lực giúp đỡ cho Dương Hư Ngạn trở thành người chiến thắng. Nếu ngươi không phấn chấn lên thì sẽ phải nuốt hận dưới Ảnh Tử kiếm của Dương tiểu tử đó.
Hầu Hy Bạch lạnh lùng nói:
- Ta làm sao lại để Dương Hư Ngạn dễ dàng chiếm tiện nghi thế được? May là được Tử Lăng cảnh tỉnh. Hà hà! Giờ ta có thể yên tâm mà ngủ rồi!
---oOo---
Sau khi Lý Thế Dân giành thắng lợi đẹp mắt ở Bách Bích thì trong thiên hạ, người có đủ thực lực làm đối thủ của hắn chỉ còn lại ba tập đoàn quân sự lớn, bao gồm Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức và Tiêu Tiễn. Khấu Trọng chưa đủ lông đủ cánh, tạm thời không đáng nói đến. Tống phiệt ở Lĩnh Nam xa xôi, cắt đất xưng bá thì thừa sức, nhưng nếu bằng vào sức của mình họ, lại thêm người phương Nam không chịu được giá lạnh phương Bắc thì cũng chỉ còn cách đứng nhìn mà than thở ‘tiên trường mạc cập’**.
Thất bại Bách Bích thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới Tống Kim Cương. Không những làm thanh thế Lưu Vũ Châu từ mạnh chuyển sang yếu, còn làm Đột Quyết không dám khinh cử vọng động trước khi họ liên kết được các tộc nhân bên ngoài Tái Ngoại. Không có sự giúp đỡ của người Đột Quyết, một lực lượng cũng phụ thuộc vào họ là Lương Sư Đô cũng chỉ còn cách án binh bất động, dùng thái độ "đứng từ xa xem lửa cháy" để theo dõi cuộc chiến tâm điểm của trường tranh bá thiên hạ là ở Lạc Dương.
Trong ba tập đoàn quân sự lớn thì tình thế của Tiêu Tiễn bất lợi nhất. Mấu chốt là việc Đỗ Phục Uy hàng nhà Đường, không những làm Tiêu Tiễn kinh hãi, mà còn làm lão không thể động đậy gì được. Việc đó cũng làm bọn Chu Xán, Lý Tử Thông, Trầm Pháp Hưng không còn cách nào khác, bất đắc dĩ phải tụ thủ yên lặng xem diễn biến.
Lâm Sĩ Hoành bị kẹp giữa hai đại kình địch là Tiêu Tiễn và Tống phiệt nên khó có thể làm gì được.
Trong cục diện ngày càng rõ ràng đó, thiên hạ trở thành cuộc tranh đấu giữa ba phía Lý phiệt, Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức. Hy vọng duy nhất của Khấu Trọng là hợp sức Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức lại, đánh tan thần thoại bất bại của Lý Thế Dân.
Qua một đêm toàn lực đi đường, Khấu Trọng tới Lạc Dương vào lúc bình minh. Binh lính thủ thành tất cả đều nhận ra gã, lập tức phi báo cho Vương Thế Sung.
Người đến đón gã là Vương Huyền Thứ, con thứ của Vương Thế Sung, là người mà gã có chút hảo cảm. Hai người gặp lại đều vô cùng cao hứng.
Trong sự vây quanh hộ vệ của đám thân binh, Khấu, Vương chầm chậm thả ngựa đi vào Hoàng cung.
Khấu Trọng hỏi:
- Phía Lý Thế Dân có động tĩnh gì không?
Vương Huyền Thứ lộ thần sắc nặng nề, trầm giọng đáp:
- Theo tin tức mà chúng ta nhận được thì trong mấy ngày tới, Lý Thế Dân sẽ tự thân dẫn đại quân xuất quan tiến tới. Bọn ta đã chuẩn bị chu đáo cả rồi, còn muốn đánh phủ đầu hắn. Ài! Quả nhiên không ngoài dự liệu của Thiếu Soái năm đó, Lý Thế Dân học được bài học từ Lý Mật không thể cấp công lâu dài Lạc Dương, vì thế nên hắn chọn sách lược tiến binh chậm chạp, thanh trừ các cứ điểm vòng ngoài rồi cô lập chúng ta.
Khấu Trọng khoan khoái đảo mắt nhìn quanh cảnh phồn vinh như cũ của Lạc Dương, ngạc nhiên hỏi:
- Đại quân Lý Thế Dân vẫn còn ở tận Quan Trung, ngươi làm sao mà biết hắn lựa chọn sách lược nào?
Vương Huyền Thứ đáp:
- Vì sau cuộc chiến Bách Bích, Lý gia trước sau đã phái ra bốn đại tướng tập kết binh lực bốn phía chúng ta. Cụ thể là Sử Vạn Bảo đến đóng ở Long Môn, chặn đứng đường cứu viện phía Nam của chúng ta. Lưu Đức Uy dẫn quân tới Thái Hành, chắc sẽ đánh chiếm Hà Nội ở phía Đông, đường lên Bắc của chúng ta sẽ bị khoá chặt. Vương Quân Khuếch lại hau háu nhìn Lạc Khẩu như hổ rình mồi. Một tướng khác là Hoàng Quân Hán dẫn binh tới Mạnh Tân, một khi vượt qua Đại Hà thì Hồi Lạc đương nhiên sẽ khó giữ.
Khấu Trọng thầm nghĩ đó đúng là cái mà người ta gọi là “thượng binh phạt mưu”***. Lý Thế Dân không phí một binh một tốt, chỉ bằng sự điều động binh mã, lập tức tạo thành áp lực cực lớn đối với Vương Thế Sung. Trong tình hình đó, Lý Thế Dân nếu muốn khuyên các tướng lĩnh dưới cờ Vương Thế Sung, làm họ trở cờ quy phục thật dễ như nước chảy vào sông.
Khấu Trọng mười phần tin tưởng nói:
- Lạc Dương nằm ở nơi các con sông giao nhau nên nếu muốn thực sự cô lập Lạc Dương thì không hề dễ dàng. Năm trước, vì ta muốn thuyết phục lệnh tôn nên ngôn từ đương nhiên là có chút phóng đại lên. Ngươi không cần lo lắng, kể cả nếu Lý Thế Dân lập tức phóng ngựa tới đây, chỉ cần chúng ta giữ vững được phòng tuyến Yển Sư, Hổ Lao. Nếu Lý tiểu tử vây thành thì đại quân Đậu Kiến Đức sẽ đến chi viện, khẳng định có thể đánh cho hắn tơi bời hoa lá, có thể chạy được về Quan Trung không cũng một nghi vấn.
Vương Huyền Thứ lộ vẻ xấu hổ, thấp giọng nói:
- Phụ hoàng không chịu nghe lời khuyên của ta, vi phạm hiệp nghị với Đậu Kiến Đức, hôm qua đã ngồi lên đế vị rồi.
Khấu Trọng biến sắc thốt:
- Cái gì?
Đoàn người chậm chậm tiến vào Hoàng cung.
-------------
Chú thích:
* Mộ cổ thần chung: Đây là thành ngữ có nguồn gốc Phật giáo. Theo quy củ Phật giáo thì chùa chiền đánh chuông sớm trống tối – mộ cổ thần chung. Ý là nói về lời nói khiến người ta cảnh tỉnh giác ngộ.
** Tiên trường mạc cập: (鞭长莫及): Nguyên ý là roi ngựa tuy dài nhưng không thể đánh dạ dày ngựa được. Ý nói như xa xôi quá nên lực lượng không với được tới. Trong chương này ý nói Tống phiệt dù có mạnh nhưng vì ở phương Nam xa xôi nên khó có thể tranh hùng với các tập đoàn quân sự lớn ở Trung Nguyên là Lý phiệt, Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức, Tiêu Tiễn.
*** Thượng binh phạt mưu: thượng sách của việc dùng binh là lấy mưu lược để thủ thắng.
(