Đại Tranh Chi Thế

Chương 175: Phản kích




- Bệ hạ, chúng thần đều xuất phát từ công tâm, cầu xin bệ hạ lấy việc nước làm trọng, tiếp thu ý kiến của chúng thần. Bây giờ bệ hạ vẫn chưa bình tĩnh lại, chúng thần xin phép lui ra, lát sau lại đến xin chỉ thị của bệ hạ.
Chử Sư Phổ làm liều nói một hơi xong, quay đầu nháy mắt với đám người Tề Báo, bọn Tề Báo không biết dụng ý hắn là gì, bèn hành lễ xong lục đục lui ra, ra đến hành lang bên ngoài, Tề Báo liền lên tiếng hỏi:
- Chử đại phu, ông kêu tất cả chúng ta ra đây là có dụng ý gì?
Chử Sử Phố trả lời:
- Quốc quân mới biết tin dữ, tâm thần chưa ổn định lại, giờ đây thà chết không tuân theo, chúng ta sao có cách gì ép ngài nghe theo được? Chi bằng để ngài bình tâm suy nghĩ một lát lợi hại trong chuyện này, lúc đó nói không chừng ngài sẽ hồi tâm chuyển ý.
Nói đến đây Chử Sư Phố lè lưỡi liếm đôi môi béo mập của hắn, tiếp lời:
- Vừa rồi có người thông báo, Di Tử Hạ đến thăm, e là vì quốc quân mà đến.
Tề Báo cười mỉa:
- Di Tử Hạ? bây giờ các đại thần trong triều ai mà không biết quốc quân đang trong phủ của ông, nhưng ai cũng giả câm giả điếc, không một ai dám lấy trứng chọi đá. Tên Di Tử Hạ này dám ngang nhiên đến đây, hừ, lão phu đã xem thường hắn rồi, tên nhóc này xem ra có tình có nghĩa hơn đám đại thần vô dụng kia.
Bắc Cung Hỉ chen vào:
- Vậy thì chưa chắc, chỉ sợ tên Di Tử Hạ ỷ mình đã từng giúp đỡ Khánh Kỵ, cũng là gián tiếp giúp đỡ chúng ta, nghĩ là chúng ta cũng không làm khó hắn, nên mới giả đò chạy tới đóng vai trung thần nghĩa sĩ kiếm chút danh tiếng thôi.
Chử Sư Phố gật gù:
- Quốc quân luôn sủng ái tên Di Tử Hạ này, theo ta thấy, chi bằng chúng ta cho hắn vào gặp quốc quân, lời chúng ta nói có thể quốc quân không nghe lọt tai, nhưng nói ra từ miệng tên Tử Hạ này lại khác, nếu gặp được hắn, nói không chừng quốc quân lưu luyến vinh hoa phú quý chốn nhân gian, khi đó sẽ không kiên quyết chống đối chúng ta nữa.
Công Tử Triều khẽ thay đổi sắc mặt:
- Chử đại phu nói có lí lắm, Di Tử Hạ có giao tình tốt với Khánh Kỵ, Khánh Kỵ và chúng ta là đồng mưu, chắc tên Tử Hạ này đến đây không có ác ý với chúng ta, hay là để Tử Triều đi gặp hắn, thăm dò coi ý hắn thế nào, nếu hắn chỉ muốn vào gặp quốc quân để thể hiện trách nhiệm thôi, lúc đó chúng ta sẽ nhờ hắn chuyển lời, bảo hắn làm thuyết khách giùm chúng ta, ý các đại nhân thế nào?
Tề Báo suy nghĩ giây lát, gật đầu đồng ý:
- Cũng được, vậy chúng ta qua đại sảnh bên cạnh chờ tin, để Tử Triều đi dò ý Di Tử Hạ đã rồi mới tính tiếp.
Di Tử Hạ gặp mặt Công Tử Triều, mặt đỏ tía tai ấp a ấp úng nói ra ý định muốn vào gặp quốc quân, hắn tuy cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng thần sắc vẫn rất hồi hợp, nhưng vì quan hệ của hắn và Vệ hầu vốn đã đặc biệt, nên có những điều khó nói trắng ra, Công Tử Triều chỉ nghĩ là hắn đang mắc cỡ, cũng không để ý lắm thái độ của hắn.
Công Tử Triều nói ra ý định nhờ cậy Di Tử Hạ chuyển lời thuyết phục Vệ hầu. Nói chuyện với Tử Hạ, Công Tử triều không e dè gì cả, đem những lời nếu quốc quân không đồng ý xuôi theo, sẽ chọn một người khác trong gia tộc Cơ thị thay thế ngôi vua nói cả ra. Thực ra đám người Tề Báo vẫn chưa đủ lực lượng làm được chuyện đó, những lời này chỉ là hù dọa Di Tử Hạ mà thôi, Di Tử Hạ làm sao phân biệt được thật giả, sợ đến nỗi mặt mày trắng bệch, vội vàng luôn miệng nhận lời cố gắng thuyết phục quốc quân.
Công Tử Triều thấy đạt được mục đích, bèn dẫn Di Tử Hạ đi gặp Vệ hầu, cặp đôi đồng tính này vừa gặp đã ôm nhau khóc to, còn kể lể tâm tình ra sao thì người ngoài không ai biết. Chỉ là sau khi Di Tử Hạ rời khỏi, thái độ của Vệ hầu Cơ Nguyên lập tức thay đổi, một mình hắn ở trong phòng nửa ngày trời không thấy động tĩnh gì, đám Chử Sư Phố mượn cớ hỏi thăm mấy lần cũng chỉ thấy hắn nằm im nhìn lên trần suy nghĩ gì đó, ngay cả có người đi vào cũng không nhận ra.
Chử Sư Phố đem hành vi khác lạ của Vệ hầu nói với bọn Tề Báo, bọn Tề Báo nghe xong đều cảm thấy sự việc tràn trề hy vọng, đợi đến quá trưa, bốn người lại xin vào yết kiến, lặp lại lời cũ, Vệ hầu Cơ Nguyên rơi nước mắt một hồi, cuối cùng gật đầu đồng ý, bốn người mừng rơn, lập tức chuẩn bị mọi việc đưa Vệ hầu Cơ Nguyên hồi cung.
Hôm sau, Vệ hầu Cơ Nguyên được bốn người Tề Báo cung kính đưa về hoàng cung, sau đó lập tức hạ chiếu chỉ, công bố thiên hạ mười tám tội lớn đáng phải chết của Công Mạnh Trập, trong chiếu chỉ nêu rõ các đại trung thần có công dẹp loạn là Tề Báo, Bắc Cung Hỉ, Công Tử Triều, Chử Sư Phố, còn về Khánh Kỵ của Ngải thành lại tuyệt nhiên không nhắc tới.
Vệ hầu triệu tập quần thần, bàn bạc công tác sắp xếp việc triều chính sau khi Công Mạnh Trập bị giết chết, còn vấn đề ban thưởng cho các công thần đứng đầu là Tề Báo nữa. Các đại thần trong triều có ai mà không biết chuyện bọn Tề Báo giam lỏng Vệ hầu, đuổi giết Công Mạnh Trập chứ? Chỉ là nghe quốc quân ban chiếu chỉ như thế, họ cũng chỉ còn cách giả câm giả điếc, đồng thanh tán thành.
Tề Báo vì muốn ra vẻ là một trung thần diệt trừ phản loạn, đã bỏ lệnh giới nghiêm trong thành, thương lái khắp nơi lại được tự do buôn bán, dân chúng được khôi phục sinh hoạt như trước đây trong thành Đế Khâu. Cái chết của Công Mạnh Trập như cơn động đất trong triều đình, nhưng đối với dân chúng lại chẳng ai quan tâm, khắp Đế Khâu như hồi phục vẻ thanh bình thường ngày, còn trong triều sóng gió lại sắp nổi lên.
Sau khi Công Mạnh Trập chết xuất hiện khoảng trống quyền lực cần trám vào, theo lẽ thường thì sẽ do bốn người bọn Tề Báo chia nhau quyền lực, nhưng phân chia thế nào giờ lại trở thành đề tài bàn tán giữa các đại thần trong triều. Vệ hầu công bố quyết định thỏa thuận ngầm với bọn Tề Báo trên triều đình xong, Tề Báo cứ nghĩ mọi người không ai dám dị nghị, ai ngời các đại thần chức cao quyền trọng thuộc phe Công Tử Kinh, Công Thúc Phát lại đứng ra bàn cãi sôi nổi về quyết định ban thưởng.
Đám đại thần này không phải phủ nhận công lao bọn Tề Báo, mà chỉ là cãi nhau công lao của ai lớn hơn, ai nên được thưởng chức quan to hơn, được chia nhiều đất hơn mà thôi. Bọn quan lại ủng hộ khác nhau, có người đứng về phía Tề Báo, có người đứng về phía Công Tử Triều, ai nấy cãi nhau đỏ mặt tía tai, nước bọt phun phì phì cả lên.
Bọn Tề Báo đang đóng vai trung thần nghĩa sĩ, tất nhiên không thể thấy người khác có chút ý kiến thì cậy quyền trấn áp, hơn nữa đám đại thần này đâu có chống đối gì, bọn Tề Báo cũng muốn nhân cơ hội này xem xem ai đứng về phía mình nên đều mặc kệ, cứ dung túng cho đám đại thần ủng hộ mình đi cãi nhau với phe khác. Hai ngày sau, bọn Tề Báo đã mất hết kiên nhẫn, đêm đó vào hoàng hôn chợt cổng thành Đế Khâu rộng mở, đột nhiên có mấy ngàn người ngựa xông vào thành, tin tức lập tức được truyền đến phủ bọn Tề Báo, mấy người thất kinh hồn vía, vội mặc giáp đeo gươm, triệu tập thân tín phòng hờ bất trắc.
Tướng trấn giữ thành Nam Trần Long là thân tín của Công Mạnh, Công Mạnh từ sau khi Công Mạnh Trập chết luôn cung kính bọn Tề Báo, ra vẻ ngoan ngoãn phục tùng, lần này trên triều lại là người ra sức tán thành phong thưởng cho Tề Báo nhiều nhất, nên các cung vệ, thành vệ khắp nơi đều bị bọn Tề Báo đưa thân tín của mình vào giữ chức quan trọng, chỉ có tướng trấn giữ thành Nam là Trần Long, vì là thân tín của Công Mạnh, Tề Báo muốn ban ơn cho Công Mạnh lôi kéo hắn về phe mình nên chưa thay thân tín của hắn đi, ai ngờ chính tên Trần Long giờ lại mở cửa cho mấy ngàn người ngựa ùa vào thành.
Nghe tin, bọn Tề Báo lo sợ mình sẽ bị như Công Mạnh Trập, lập tức triệu tập người ngựa bày binh bố trận, nhưng mặc cho chúng cầm binh khí ngồi chờ đến sáng, cũng không thấy ai đến tấn công, mấy tên lính phái đi dò la tin tức về bẩm báo lại, đám người ngựa này là gia tướng của đại phu Công Thúc Bạt và con trai Công Thúc Tuất, còn của Cừ Viện đại phu nữa.
Bọn Tề Báo dẫn quân đột nhiên tấn công phủ Công Mạnh Trập, chỉ một số thương lái thấy xảy ra chiến sự đã nhanh chân trốn khỏi thành, do đó tin tức bị tiết lộ ra ngoài. Công Thúc Bạt và Cừ Viện chính là nghe được tin tức Đế Khâu có binh biến từ những thương nhân này, vội triệu tập người ngựa tiến vào thành hộ giá, đợi sau khi vào thành, nghe nói là quốc quân đã hạ lệnh giết Công Mạnh Trập, vì đã khuya không chỗ nghỉ chân nên cứ ở tạm xung quanh phủ Công Mạnh, đợi ngày mai vào triều yết kiến Vệ hầu tính sau.
Tề Báo nghe vậy thở phào nhẹ nhõm, hồi đó giao thông khó khăn, tin tức qua lại rất mất thời gian, xảy ra những chuyện nhầm lẫn này cũng là bình thường, nhưng nghĩ lại cảm thấy với thái độ phục tùng của bọn Công Mạnh, Trần Long mấy hôm nay, không lí nào lại tự ý mở cửa thả mấy ngàn người ngựa vào thành, sau khi vào thành lại không báo một tiếng với hắn, sự tình thật giả thế nào, quả là nghi vấn trùng trùng.
Tề Báo càng nghĩ càng thấy bất an, vội bàn bạc với Công Tử Triều và Bắc Cung Hỉ, ai cũng không đoán ra được ý định của đám người Công Thúc Bạt. May mà cung vệ giờ đây do Công Tử Triều nắm giữ, sáng ngày mai bọn Công Thúc Bạt, Cừ Viện vào cung không được mang theo quân lính, khi đó bọn Tề Báo nắm giữ phần thắng, nên thấy cũng không có gì đáng phải e sợ.
Đợi khi mặt trời lên cao, bọn Tề Báo vào cung kiến giá, tất cả đều mặc áo giáp bên trong, ngoài mới khoát áo bào, lại lén giấu binh khí trong người, được mấy trăm vệ sĩ hộ tống vào cung. Đến trước cổng hoàng cung, thấy các đại thần tất cả đều mang theo các gia tướng dũng mãnh, bên ngoài cung người ngựa chen chúc, cờ bay rợp trời, cứ như cảnh mười năm trước nước Tấn tiến đánh nước Vệ quốc, quốc quân đích thân dẫn quân xuất chinh vậy, cảnh tượng khá là náo nhiệt.
Bọn Tề Báo và Công Thúc Bạt, Cừ Viện là chỗ quen biết cũ, lúc trước khi Công Mạnh Trập còn nắm quyền, cả bọn còn hay uống rượu với nhau, thầm rủa Công Mạnh Trập lộng quyền, giờ đây gặp mặt, lại là ai nấy mang lòng riêng, Tề Báo và Bắc Cung Hỉ nháy mắt ra hiệu với nhau, cẩn thận tiến lên phía trước, còn Công Tử Triều lén chuồn ra phía sau sắp xếp binh lính phòng ngừa bất trắc.
Công Thúc Bạt đã ngoài sáu mươi, khuôn mặt vuông vức, trán nhô cao, hai mắt sáng loáng, thân hình to cao, oai phong bệ vệ, hắn đeo thanh kiếm to gấp hai lần người thường, khi bước đi hùng dũng mang dáng vẻ một đại tướng quân. Cừ Viện trẻ tuổi hơn, khuôn mặt thanh tao, thân hình cao ráo, ra vẻ quân tử nhu nhược, cũng đeo một thanh kiếm ngang lưng.
Lúc bấy giờ được phép đeo kiếm trước mặt vua, nhưng thanh kiếm phải là vật bất ly thân của người đó. Phần lớn đại thần khi yết kiến Vệ hầu đều không mang kiếm theo, hôm nay không ai bảo ai lại hầu hết đeo kiếm vào chầu, một số ít đại thần trung lập thấy cảnh này tim đập thình thịch, không biết hôm nay sẽ xảy ra chuyện xấu gì đây.
Công Thúc Bạt là cháu của Vệ Hiến Công, thuộc dòng dõi hoàng tộc, địa vị cao quý, bọn Tề Báo tươi cười bước tới hành lễ, Công Thúc Bạt mỉm cười đáp lại, không ngớt lời khen ngợi bọn họ có công dẹp yên phản loạn, con trai hắn Công Thúc Tuất đứng kế bên lại ngạo nghễ không thèm lên tiếng, có vẻ không coi ai ra gì. Bọn Tề Báo quan sát tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, không phát hiện có gì bất thường.
Một lúc sau, Công Tử Triều lo liệu xong mọi việc quay lại, hắn ho nhẹ một tiếng, khẽ gật đầu với bọn Tề Báo, rồi mới tiến tới hành lễ với hai cha con Công Thúc Bạt và Cừ Viện. Tề Báo biết đã sắp xếp đâu vào đó, cảm thấy an tâm, lúc này mới cung kính tươi cười mời Công Thúc Bạt và Cừ Viện:
- Bạt công, Bá Ngọc huynh, quốc quân đã thượng triều, xin mời vào cung.
- Ha ha, Tề Báo à, ngài giờ đây đã là đại công thần của Vệ quốc, sao lại khiêm tốn như thế, nào nào, ngài và lão phu cùng sánh bước vào triều.
Công Thúc Bạt cười to, đưa tay nắm lấy cổ tay Tề Báo, hướng về phía cổng hoàng cung bước tới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.