Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo
Beta: Earl Panda
.
.*****
Chú Ba rốt cuộc cũng tỉnh lại, tôi nôn
nóng chẳng đợi được, gặng ép ổng nói ra toàn bộ sự việc, trong lòng ngây thơ cho rằng mình càng ngày càng tới gần chân tướng rồi. Thế nhưng,
không ngờ lời tự thuật của chú Ba lại phải bắt đầu kể từ câu chuyện của
năm mươi năm trước, câu chuyện được ghi chép lại trong cuốn bút ký của
ông tôi.
Hiện giờ, tôi không mang theo bên mình
cuốn bút ký của ông, nhưng nội dung bên trong tôi vẫn nhớ cực kỳ rõ
ràng. Chuyện đã xảy ra vào cái đêm của năm mươi năm trước ấy, quỷ quái
dị thường, nhưng đến đoạn cuối, ông tôi lại không ghi những chuyện đã
xảy ra sau khi ông trúng độc mà ngất đi, bởi vậy, chúng tôi cũng chẳng
biết tí gì. Giờ nhớ lại những câu chữ trong cuốn bút ký, tôi vẫn thấy
trong lòng dấy lên một cảm giác hoang mang khó hiểu.
Tuy nhiên, vừa nghe chú Ba nói vậy, tôi
bỗng cảm thấy không tin cho lắm, bởi vì ông tôi vốn luôn luôn giữ chuyện này kín như bưng. Trước lúc qua đời, mặc kệ mấy đứa con cháu chúng tôi
có vặn hỏi đến thế nào, ông vẫn không hề hé răng nửa lời. Quan hệ giữa
chú Ba với ông từ lâu đã không tốt, tôi tin là ông lại càng chẳng nói
cho chú nghe đâu.
Vì vậy, chú vừa nói xong tôi liền đốp lại luôn: “Mẹ kiếp chú đừng có hòng bịp tôi. Năm mươi năm trước ông nội còn đang mặc quần thủng đít, mồm ông ngậm chặt như thế, làm thế nào mà chú
biết được? Chú đừng hòng chém đại ra mấy câu chuyện có vẻ nguy hiểm ra
lừa tôi nữa, tôi tuyệt đối sẽ không mắc lỡm đâu.”
Chú Ba nghe xong, phật ý đáp lại: “Không
kể cho mày thì mày cứ quýnh lên, mà nói ra thì mày lại không tin, làm
sao mà chú lại không thể biết được? Mày không tin thì thôi, chú đỡ phải
kể, chú còn đang không muốn nói đây này.”
Tôi nhác thấy ổng kiểu này hẳn là muốn
được thể nuốt lời, lập tức nói: “Thôi thôi, cháu tin rồi. Cháu chỉ kêu
ca có một tí thôi mà, chú mau nói tiếp đi.”
Chú Ba ném toẹt một cú nguýt vào mặt tôi, ngẫm nghĩ chán rồi mới nói tiếp.
Tôi nghe một hồi thì thấy mình đúng là đã hiểu lầm chú. Thế nhưng, sự việc lại phát triển thành như thế, tôi thật sự không thể ngờ được. (Chuyện chú Ba kể tương đối phức tạp, nếu viết
lại toàn bộ, e rằng phải mất cả một quyển sách, cho nên ở đây tôi chỉ
lựa chọn lược lại vài phần tương đối quan trọng ở trong đó.)
Nguyên nhân xảy ra chính là từ quyển bút ký kia, song quá trình xảy ra lại rất phức tạp.
Trước khi truyền đến tay tôi, quyển bút
ký vẫn nằm lẫn lộn trong rương đồ lặt vặt trên gác xép căn nhà cũ ở quê. Mãi đến khi tôi biết đọc biết viết, một lần, trong lúc lục lọi đống đồ
cũ thì vô tình nhìn thấy, nó mới lọt vào tay tôi, mà trước đó cả ba tôi
lẫn chú Ba hồi còn trẻ cũng đều đã từng đọc cuốn bút ký này rồi.
Lần đầu tiên chú Ba nhìn thấy quyển bút
ký này là lúc nào, chính chú cũng chẳng còn nhớ rõ, chỉ biết rằng, khi
đó chú đã ra ngoài làm ăn được một thời gian, ít nhiều cũng có chút kiến thức, những truyền thuyết hiếm lạ cổ quái cũng đã được nghe không ít
khi tiếp xúc với lớp đàn anh cha chú. Chú biết có một câu nói vẫn lưu
truyền trong kho mánh lới của đám thổ phu tử ở Trường Sa: “Đất ngậm máu, thây mang vàng”, cho nên, vừa thấy cuốn bút ký, lại nghĩ đến việc trước giờ mình chưa từng mò được thứ gì đặc biệt để thể hiện bản lĩnh, chú
liền lập tức bị thứ được ghi chép trong quyển bút ký này hấp dẫn.
Lúc đó chú đang tuổi thanh xuân phơi
phới, tính tình quá khích lại dễ bị kích động, sau nhiều lần đọc những
ghi chép trong quyển bút ký thì, như một lẽ đương nhiên, chú nảy ra ý
định quay trở về Phiêu Tử Lĩnh một chuyến xem thử.
Đương nhiên, chú không phải muốn đến tìm
hiểu xem ông nội năm đó đã gặp phải chuyện gì, chỉ đơn giản là muốn cầu
tài mà thôi. Cổ mộ có mọc chân ra mà chạy được đâu, cho dù có thêm bao
nhiêu năm đi nữa, chắc hẳn nó vẫn còn ở nguyên chỗ đó. Hơn nữa, hồi mới
Giải phóng, chốn thâm sơn cùng cốc này còn có thổ phỉ hoành hành, chả có mấy ai vào đấy làm gì. Chú tin trong cổ mộ ắt hẳn phải có thứ đồ gì
ngon ngon còn sót lại.
Cách nghĩ này so với thời nay thì có thể
cảm thấy khó hiểu, chứ suy theo năng lực và kiến thức của chú Ba tại
thời điểm đó, thì cũng là chuyện tương đối bình thường. Theo lời chú nói thì đám người đồng trang lứa thời bấy giờ ai ai cũng đều như thế cả,
vừa mới chân ướt chân ráo vào nghề, cái ham muốn mò được đồ tốt để vang
danh thiên hạ nó mãnh liệt vô cùng.
Tuy nhiên, Phiêu Tử Lĩnh chỉ là một cái
tên lóng để gọi vùng đất kia hồi ông tôi còn bé mà thôi. Kiểu tên gọi
này có thể dùng để chỉ một gò đất nhỏ, cũng có thể để chỉ cả một quả
núi, hoặc thậm chí nguyên một khu rừng rậm nguyên sinh ở cái chỗ nào
không biết luôn, cho nên chỉ dựa vào một cái địa danh như vậy để đi tìm
ngôi mộ cổ kia, thì chả thực tế chút nào.
Vậy thì, phải làm thế nào để có thể định
vị được chính xác vị trí của nơi đó đây? Chú Ba bỏ thời gian ra suy nghĩ rất lâu nhưng vẫn chẳng lần ra được tý gì, cho đến tận lúc trước khi đi Tây Sa một năm, rốt cuộc mới có được chút manh mối.
Năm ấy, chú về quê cũ của ông nội ở
Trường Sa. Quê nhà trên miền núi, chú đi đường đèo suốt bốn ngày mới tới được cái thôn làng hẻo lánh ở tít trong vùng khỉ ho cò gáy kia, ở lại
dăm bữa nghe ngóng tin tức về vị trí của Phiêu Tử Lĩnh từ miệng dân bản
xứ. Mặc dù chuyến đi ấy không gặt hái được tin tức trực tiếp về vị trí,
nhưng lại thu hoạch được rất nhiều thông tin về tình hình đất đai ở nơi
đó.
Sau khi trở về, chú nghiên cứu lại lần
nữa những ghi chép trong bút ký, sự việc liền sáng tỏ. Dựa vào nội dung
cụ thể trong cuốn bút ký, cùng với việc nhớ lại những mẩu chuyện mà chú
hồi bé đã nghe lỏm được từ ông nội, lại cộng thêm một số thông tin dò la được từ trong thôn làng kia, chú đã bắt đầu lờ mờ đoán ra, ngôi mộ cổ
này có lẽ nằm ở gần Trại Quỷ trên núi Mãng Sơn.
Trong quyển bút ký có đề cập đến một
chuyện, đó là khi cụ cố và ông nội tôi trong lúc vội vã băng qua khu
rừng rậm, bọn họ đều bị một loại rắn có tên là “Thiết đầu xà” cắn phải.
Loại rắn này thường cuộn mình dưới những bụi cỏ, rất khó phát hiện. Thời bấy giờ, phạm vi chúng tác quái rất rộng, về sau phong trào vận động
diệt rắn phát triển, một lần ra quân đã đánh cho loại rắn này suýt nữa
tuyệt chủng luôn. Dĩ nhiên đó là chuyện về sau.
Đám thổ phu tử thời đó đều là tự sinh tự
diệt hết, bị rắn độc cắn phải rồi, thường thường chỉ hút nọc độc ra, đắp một ít thuốc lá, nhai mấy miếng thuốc quê, chứ làm gì có cách nào chạy
chữa tử tế đâu. Xử lý xong xuôi, nếu vài canh giờ sau mà người bị rắn
cắn không có phản ứng trúng độc thì tức là bình yên vô sự; còn nếu ngược lại, thì nói chung là vô phương cứu vãn rồi, chỉ có nước chấp nhận số
phận thôi.
Lúc ấy, con rắn cắn phải hai người là
loại rắn nhỏ, miệng vết thương không sâu nên ông cũng chẳng để ý, sau
khi xử lý đơn giản cũng không có cảm giác gì khác thường, vì vậy không
nói hai lời liền ngậm miệng chạy tiếp. Chẳng ngờ, chạy được hai dặm
đường, ông tôi đột nhiên ngã sấp xuống, bất tỉnh nhân sự.
Bọn họ dừng lại quan sát kỹ, chỉ thấy ông tôi da dẻ xanh mét, lên cơ co giật, rõ ràng là nọc rắn đã phát tác. Sau đó cụ cố tôi phải chạy gấp suốt hai dặm đường đèo, tìm đến chỗ người
dân tộc miền núi, mới dùng lá thuốc cứu về được một mạng cho ông.
Mấy người nhà ông tôi vì thế phải ở lại
nơi đó nghỉ ngơi hai ngày. Mà căn cứ vào cái thác nước ngày ấy ông tôi
miêu tả, có thể khẳng định chỗ bọn họ nghỉ lại chính là là Trại Quỷ.
Đến tận ngày thứ tư sau vụ rắn cắn, bọn
họ mới đến được cái nơi gọi là Phiêu Tử Lĩnh kia. Nơi đó là một thung
lũng bằng phẳng trong khe núi, bốn bề núi dựng, cây cỏ um tùm rậm rạp
phát triển đột biến, đặc biệt là có rất nhiều những thân dây leo nghìn
tuổi già nua. Trong thung duy chỉ có một vùng trũng hình lòng chảo tối
mịt là không có bất cứ loại thực vật nào, để tơ hơ ra một khoảnh đất trơ trọi màu đỏ gắt như máu. Ngôi cổ mộ kia nằm ngay phía dưới thung lũng
này.
Mỉa mai một điều là giống rắn từng cắn
ông nội tôi kia giờ đây đã trở thành loài động vật có nguy cơ tuyệt
chủng. Một con rắn trưởng thành có giá hơn trăm vạn, vượt xa cả giá của
một món minh khí bình thường.
Cứ thế, hy vọng tìm được Phiêu Tử Lĩnh
liền tăng lên rất nhiều, dù rằng rừng rậm nguyên sinh trong núi Mãng Sơn tại thời điểm đó có diện tích bát ngát mênh mông, khác xa so với khu
rừng vùng Trại Quỷ với thác nước ở trung tâm của hiện tại. Nhưng theo
suy đoán thì đặc điểm địa hình vẫn còn nhiều điểm tương đồng, cho nên
cũng không quá khó để tìm kiếm.
Chú Ba thu xếp hành trang, lại lên đường
lần thứ hai. Chú đã quen với việc đi sớm về khuya một mình, bởi chú tuổi đời còn quá trẻ, đám lão luyện không muốn chú nhập bọn đi chung, còn
những kẻ đồng trang lứa luận về bản lĩnh lại chẳng có ai bì được với
chú.
Tuy nhiên, cho tới khi chú trải qua trăm
đắng nghìn cay, băng qua rừng rậm Mãng Sơn ngày ấy gần như chẳng có bóng người, thì đập thẳng vào mắt là cảnh tượng mà có nằm mơ chú cũng không
hề nghĩ tới…