Đạo Mộ Bút Ký

Chương 49: Lạc đường




Editor: EarlPanda
—-
Tui bị ảo giác viết nhầm Ngô Tà nặng 60kg mà ko thím nào đọc nhắc tui sửa sai à? (¬_¬) Các thím quên đồng chí Ngô cao to đẹp trai cao những 1m82 sao, nặng 60 ký có mà con cá mắm à (¬_¬)1 cân Trung Quốc = 1/2 kg . .***** Gió ở đây không còn dữ dội như vừa rồi nữa. Gió cuồn cuộn khắp bốn phía, phía trước chắc chắn là có thứ gì đó chắn gió lại, nhưng còn hai người vừa chạy cùng tôi thì đi đâu cả rồi? Tôi chạy đâu có nhanh, thế mà cũng tụt lại phía sau được ư? Hay là bị đá bay táng trúng, ngã mẹ nó luôn ở đằng sau rồi?
Tôi giơ cao chiếc đèn mỏ chiếu khắp xung quanh mà vẫn không thấy bất cứ một bóng người nào, tôi không khỏi có chút hối hận khi nãy quá tập trung về một hướng mà không chú ý đến tình hình xung quanh mình. Có điều, đi lại trong gió lớn như thế này, thực ra xung quanh cũng chẳng có gì để chú ý, tiếng gió thổi quá lớn nên chẳng nghe thấy được gì, mà tất cả tinh thần và thể lực đểu phải dồn hết cả vào mục tiêu trước mắt và thăng bằng cơ thể.
Nhoáng cái đã bị bỏ lại một mình, trong một chớp mắt tôi vẫn còn cảm thấy được một nỗi sợ hãi dâng lên, nhưng rất nhanh đã bị tôi xua tan mất. Tôi nghỉ ngơi một chút, hổn hển hít thở mấy hơi, sau đó tiếp tục đi về phía trước. Bây giờ tôi không thể quay lại tìm bọn họ được nữa, tôi đã mất cảm giác về phương hướng rồi, nếu quay lại sẽ chẳng biết đi đến đâu nữa, vì vậy biện pháp tốt nhất là đi về phía trước.
Tôi vứt bớt một ba lô trang bị đi, thứ này thật sự là nặng quá đi mất. Đồ nghề thám hiểm của người nước ngoài cá nhân hóa lắm, có lần tôi còn thấy có người mang theo một cái khung ảnh vợ của mình to như cái khiên, hay một quyển sách cỡ cái tablet vậy. Tôi lười vác giùm bọn họ lắm rồi, bèn trang bị nhẹ nhàng rồi tiếp tục chạy về phía ngọn đèn nọ.
Thế nhưng dù tôi có chạy đến cỡ nào ngọn đèn kia vẫn cứ ở xa tít mù tắp, cứ như thể tôi chẳng đến gần thêm được tí gì. Tôi thở hồng hộc. nghĩ muốn bỏ cuộc rồi, nhưng vẫn thấy không cam lòng. Lại chạy tiếp, chạy mãi, ngọn đèn phía trước liền hoa hết cả lên.
Ngay khi tôi sắp mất đi tri giác mà té nhào xuống đất thì bỗng nhiên, có người nào đó chợt kéo tôi lại. Tôi đã kiệt sức rồi, bọn họ kéo một cái tôi liền khuỵu xuống đất. Ngẩng đầu nhìn, qua một lớp kính chắn gió, tôi nhận ra đôi mắt của hai người kia. Một người là Muộn Du Bình, người còn lại là tên Kính Râm, kính chắn gió của tên này cũng màu đen nốt. Hai người kia vội vàng kéo tôi đi sang một hướng khác.
Tôi giãy khỏi bọn họ, chỉ vào phía trước, muốn nói rằng ở đó có nơi tránh gió.
Nhưng khi tôi vừa nhìn lại liền ngây ra, phía trước không thấy gì cả, ngọn đèn lúc nọ đã biến mất, ở đó chỉ có bóng tối mịt mùng, ngay cả cái bóng khổng lồ kia cũng không thấy đâu nữa.
Muộn Du Bình và Kính Râm không thèm để ý đến tôi, một mạch kéo lê tôi đi. Lúc bấy giờ tôi nhìn thấy khẩu súng tín hiệu trong tay tên Kính Râm. Hai người này khỏe khủng khiếp, tôi nặng gần chín mươi cân mà cũng bị bọn họ xách đi thoăn thoắt. Rất nhanh, tôi dần tỉnh lại, bắt đầu đạp chân lên mặt đất, ý rằng tôi có thể tự chạy được.
Bọn họ thả tôi ra, tôi lập tức hối hận ngay. Hai người kia chạy quá nhanh, muốn đuổi theo phải dồn hết cả hơi sức mà chạy. Tôi cắn răng chạy như điên, chạy một mạch, chạy đủ hai mươi phút, trước mắt tôi cuối cùng chỉ còn lại hai cái bóng của hai người nọ. Tôi hoảng hốt, biết bọn tôi đã chạy đến bờ sông rồi. Trèo lên được một đồi đất, hai bóng người phía trước đã không thấy tăm hơi.
Tôi gào toáng lên chờ tôi với, dưới chân lại đột nhiên vấp một cái, ngã lộn tùng phèo xuống dưới sườn dốc. Tôi vùng vẫy đứng lên, nhổ hết bùn đất trong mồm ra, nhìn khắp bốn phía xung quanh. Thì ra bên dưới sườn dốc này là một con rãnh sâu, trong rãnh toàn là người, tất cả đều co lại trong rãnh để tránh cơn cuồng phong. Thấy tôi ngã xuống, cả đám bèn ngẩng đầu nhìn tôi.
Chúng tôi co người lại dưới đáy rãnh, cát bụi cuồn cuộn lướt qua trên đầu chúng tôi. Hoang mạc Gobi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đặc biệt là ở những nơi từng có con sông chảy qua. Hai bên bờ sông có rất nhiều những con rạch nhỏ ngập nước mỗi khi thủy triều lên, những vết sẹo trên bề mặt hoang mạc này không quá sâu nhưng cũng phải cỡ hai, ba mét, thế là đã đủ cho chúng tôi tránh gió rồi.
Tôi đã sức cùng lực kiệt, có mấy người chạy đến đưa tôi xuống đáy con rạch. Hóa ra ở chếch bên trong con rạch này còn có một cái ao trũng rất lớn, có lẽ ở đây từng có một cây hồ dương lớn, cây hồ dương này sau khi bị đổ, bộ rễ của nó gãy lìa tạo thành một cái hố, lâu dần bị nước xối vào bào mòn nên mới hình thành cái ao trũng này. Thân cây hồ dương đã bị chôn vùi dưới đáy con rạch, chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ nhô lên. Tất cả mọi người đều lui vào trong ao trũng này, còn đốt một bếp lò không khói để sưởi ấm, bên trong không có một chút gió nào.
Tôi bị người ta kéo vào trong. Ao trũng rất nông, cũng không cao lắm, ở bên trong đã chật chội lắm rồi, bọn họ co vào nhường cho tôi một chỗ, lại có một người khác đưa nước cho tôi. Nơi này là góc chết gió không thổi đến được, cho nên nói gì cũng có thể nghe thấy, thế nhưng tai tôi vẫn còn chưa thích ứng được, nhất thời không nghe thấy nổi bọn họ đang nói cái gì.
Uống mấy ngụm nước xong tôi mới cảm thấy khá hơn. Tôi tháo kính chắn gió ra, không khỏi bùi ngùi: xứ Trung Hoa này thiếu gì nơi tốt đẹp, thế đếch nào hết lần này đến lần khác tôi cứ đâm đầu vào những nơi như thế này?
Có điều, gió như vậy ở Sài Đạt Mộc chưa được tính là hiếm, cũng chưa phải mùa gió đáng sợ nhất ở đây. Trước đây tôi từng xem qua một số phim tài liệu về khảo sát địa chất ở bồn địa Sài Đạt Mộc, lúc đó đội khảo sát đang dựng lều thì gặp phải gió mùa, kết quả cả đám người đều bị thổi tung lên trời như mấy con diều, đồ đạc trong nháy mắt liền bị thổi bay ra xa cả chục mét. Chỉ có điều tôi cảm thấy rất kỳ lạ, vì sao Định Chủ Trác Mã lại không cảnh báo chúng tôi về điều này? Gió mùa trên hoang mạc Gobi rất rõ ràng, đừng nói là một bà già, chỉ cần là người sống ở đây một khoảng thời gian là có thể tự mò ra được quy luật của gió rồi.
Vả lại, chẳng biết gió này bao giờ mới chịu ngừng. Bình thường nghe người trên hoang mạc nói, ở nơi như thế này một năm chỉ có hai mùa gió, mỗi mùa phải đến nửa năm, một khi gió đã nổi là sẽ thổi không ngừng. Nếu cứ kéo dài như vậy, chúng tôi coi như xong đời.
Muộn Du Bình và Kính Râm chẳng mấy chốc lại đi ngoài, hẳn là đi tìm những người khác. Những người ở đây rõ ràng đều đã khiếp sợ vô cùng, chẳng có mấy ai nói chuyện, tất cả đều co rúm người lại một chỗ. Tôi thầm cảm thấy tức cười, nghĩ bụng còn tưởng bọn họ cũng giống như Indiana Jones chứ, hóa ra cũng chẳng ăn thua gì. Có điều tôi liền nhận ra chân của mình cũng không ngừng run rẩy, không thể đứng lên nổi.
Người đưa nước cho tôi uống hỏi tôi có sao không, có bị bầm tím chỗ nào không? Tôi lắc đầu đáp tôi không sao.
Thực ra, ký ức của tôi về một chuyến mạo hiểm trong bão tuyết trên núi Trường Bạch kia hẵng còn mới mẻ, như bây giờ là đã hơn hồi đó rồi, cuối cùng cũng có thể xem như là được nghỉ ngơi thư thái một chút, chí ít chúng tôi còn có chỗ ẩn náu, cũng không phải lo bị chết cóng.
Sau khi nghỉ ngơi một lúc, tôi mới có thể quan sát khắp mọi người trong ao trũng này một lượt, lại không thấy A Ninh đâu. Ba người Định Chủ Trác Mã, cô con dâu và Trát Tây ở tít bên trong cùng của cái ao trũng, Ô Lão Tứ cũng ở đây, nhân số không nhiều lắm, xem ra đa số mọi người vẫn còn ở bên ngoài, cũng không thấy anh chàng Caucasus đâu.
Đội ngũ này nhân số nhiều lắm, tôi thầm nghĩ, bọn A Ninh chắc hẳn vẫn đang ở bên ngoài tìm kiếm. Nhiều người đến vậy, cho dù bọn Muộn Du Bình có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể lo hết được. Cũng may đây còn chưa phải ở trong sa mạc, nếu không, chỉ e là mấy người bọn tôi đều chết chắc rồi.
Ba giờ sau, gió mới chậm lại một chút, mới đầu bọn Muộn Du Bình thỉnh thoảng còn có thể đưa được vài người trở về, về sau bọn họ cũng kiệt sức, không ra ngoài nữa. Tất cả chúng tôi chui vào bên trong, nằm mê man, mãi cho đến khi sắc trời tối sụp xuống thật, bấy giờ mới quả thực là tối đen như mực. Tiếng gió thổi bên ngoài như tiếng ác quỷ gầm thét, mới đầu còn khiến người ta khó chịu, về sau thì chỉ cảm thấy buồn ngủ.
Tôi đã chuẩn bị sẵn việc gác đêm, cũng không có gì đáng ngạc nhiên, thực ra có nhiều người đã ngủ từ lâu. Có người mạo hiểm xông ra ngoài gió cát, lấy ít thức ăn trong các ba lô hành lý xếp chất đống ở bên ngoài. Chúng tôi phân chia thức ăn, ăn qua loa một ít, tôi liền ngả mình xuống cát vàng mà ngủ thiếp đi.
Không biết ngủ được bao lâu, khi tỉnh lại thì gió đã nhỏ đi nhiều. Đây là một dấu hiệu tốt. Tôi thấy đa số mọi người vẫn còn đang ngủ, Trát Tây ngồi trên chỗ cửa chui vào ao trũng, có lẽ là đang gác đêm. Ở đây không an ổn cho lắm, trên đỉnh đầu chúng tôi không phải là đá, mà là đất bùn khô nứt cùng cát đá, cho nên thỉnh thoảng lại có cát từ phía trên lọt xuống. Lúc tôi ngủ đã ăn cả một miệng toàn cát, cảm giác rất khó chịu, cho nên tôi phun cát phì phì vừa đi ra đến bên cạnh Trát Tây.
Tôi không có ý định tìm Trát Tây để nói chuyện phiếm. Trát Tây không phải loại người dễ sống chung, có lẽ cậu ta có tâm lý đề phòng với chúng tôi, mà tôi thì không phải cái loại người rảnh háng đi đem mặt nóng úp vào mông lạnh làm gì, cho nên cậu ta có thái độ mấy tôi cũng chẳng để tâm. Tôi đi tới bên cạnh cậu ta, chỉ là vì muốn hít mấy hớp khí trong lành, đổi chỗ ngủ.
Có điều, khi tôi vừa đến chỗ đó, chợt nghe bên ngoài có tiếng động, sau đó thấy ở ngoài có ánh sáng đèn mỏ, hình như có người nào ở ngoài.
Tôi lấy làm lạ, hỏi Trát Tây có chuyện gì thế? Trát Tây đưa cho tôi một điếu thuốc lá[1], nói A Ninh đã về, gió đã nhẹ bớt, bọn họ gọi người ra ngoài tìm những người khác, tiện thể xem xe cộ thế nào.
Tôi nghĩ đến chiếc xe bị cát lún, trong lòng cũng có chút lo lắng. Bão cát lớn đến vậy, không biết mấy chiếc xe này còn có thể chạy được không nữa. Hơn nữa, tôi khá là lo cho anh chàng người Caucasus nọ, không biết anh đã về chưa. Thế là tôi bèn đeo kính chắn gió lên, khoác áo choàng, đi ra ngoài xem, định đi hỏi thăm tình hình một chút.
Vừa đi ra ngoài, tôi liền thở phào một cái. Gió ở bên ngoài còn nhẹ hơn so với trong tưởng tượng của tôi, xem ra gió đầu đã qua rồi, trong không khí không còn nhiều cát bụi nữa. Tôi kéo áo choàng xuống, hít mấy hơi đầy lồng ngực cái bầu không khí mát rượi nơi hoang mạc, sau đó đi về phía có ánh đèn mỏ.
Đó là hướng phía lòng sông. Tôi đi xuống đó, đến bên mấy người bọn họ.
Bọn họ đang kiểm tra một chiếc xe. Chiếc xe này đã ngập trong hố cát, chỉ còn chừa lại cái mũi xe. A Ninh tay cầm bộ đàm, sốt ruột điều chỉnh tần số.
Tôi hỏi bọn họ: “Sao rồi?”
Một người lắc đầu, chỉ nói một câu: “Thê ly tử tán.”
Tôi ù ù cạc cạc, không hiểu anh này nói vậy là có ý gì cho lắm, vì vậy bèn nhìn về phía A Ninh.
Cô ta nhìn tôi, cười rất miễn cường, đi tới giải thích: “Vừa rồi Định Chủ Trác Mã nói, rất có thể gió sẽ lại nổi lên lần nữa, chúng ta phải mau chóng tìm một nơi có thể tránh gió tốt. Có điều, xe của chúng ta đều bị cát lún cả, có mấy chiếc chắn chắn là hỏng rồi, những chiếc xe khác chỉ sợ cũng không thể khởi động được, cần phải sửa lại.” Cô ta dừng lại một chút, “Phiền toái nhất chính là, có bốn người không tìm thấy được. Có lẽ khi nãy nổi gió họ bị lạc đường, chúng tôi vừa đi một vòng tìm mà không thấy.”
Tôi hỏi mấy người đó gồm những ai, A Ninh nói đó là anh chàng người Caucasus kia và ba người còn lại tôi không quen biết.
Khi anh chàng người Caucasus mất tích là ở cùng với tôi, tôi liền chỉ hướng cho bọn họ, hỏi bọn họ đã tìm ở vùng đó chưa. A Ninh bèn gật đầu, nói đã tìm khắp các vùng xung quanh rồi, những người này chắc chắn còn đi xa hơn cô ta nghĩ.
Tôi thở dài, an ủi cô ta mấy câu, bảo cô đừng lo lắng. Những người này đều có GPS, hơn nữa, gió lớn như vậy, chắc chắn không thể đi xa được. Bây giờ vẫn còn có gió, tầm nhìn không quá rõ ràng, đợi đến rạng sáng lại tìm thì tiện hơn.
Cô ta cắn môi gật đầu nhưng vẻ mặt không thay đổi gì, làm tôi cảm thấy có chút không ổn. Tôi cũng không biết gì về hoang mạc Gobi, bây giờ không biết sắp xảy ra chuyện gì nữa, cho nên không còn cách nào khác ngoài im miệng lại.
Chúng tôi gắng sức mở cửa hai chiếc xe, lấy hết trang bị bên trong ra, sau đó bọn họ còn định đi tìm thêm một chiếc xe nữa, tôi chỉ biết chạy theo sau.
Lúc này tôi phát hiện ra xe bị lún xuống ở giữa lòng sông, dường như không phải do cát lún thường nhắc đến trong tiểu thuyết, mà là mặt đất ở dưới đáy lòng sông kia bị sụt xuống, cả xe bị rơi xuống dưới, cho nên mới không bị ngập quá nóc xe. Có người nói với tôi, đó là do lớp vỏ muối bị vỡ vụn. Nhiều nơi ở bên dưới hoang mạc này có rất nhiều lớp vỏ muối[2]. Nơi này vốn là lòng sông, trước kia khi sông vẫn còn nước, đáy sông vô cùng phức tạp, có một lượng lớn các chất tích tụ ở dưới. Khi khô hạn, vỏ muối kết tinh để lại rất nhiều khe hở, cho nên, ở nơi lòng sông này có những vùng có kết cấu như một miếng pho-mát, không chịu được sức ép. Như vậy là chúng tôi đã đỗ xe ở sai chỗ rồi.
Tôi lấy làm lạ, nói: “Nhưng suốt dọc đường chúng ta đều đi trên lòng sông này, đâu có xảy ra chuyện gì?”
Người kia đáp: “Đó là bởi vì con đường sông trước đó chúng ta đi đã khô cạn từ rất lâu rất lâu về trước rồi, còn đường sông ngay dưới chân chúng ta đây cùng lắm mới chỉ khô cạn được khoảng nửa năm. Cậu có thấy ở đây gần như không có một cọng cỏ hay một bụi cây nào không?”
Tôi giật mình nhìn xung quanh, quả là vậy, bốn phía đều trơ trụi, ngay cả một cây saxaul[3] cũng không mọc nổi.
Người kia nói với tôi: “Bây giờ chúng ta hẳn là đang đi về phía thượng du con sông này. Ở đầu nguồn con sông này chắc chắn phải có một ngọn núi cao, nếu sông không bị đổi dòng thì ở gần con sông này nhất định sẽ có thành cổ hoặc di tích gì đó, như vậy có nghĩa là bà lão người Tạng kia cũng không phải chỉ đường bậy bạ gì. Lúc đầu tôi còn tưởng bà già này là kẻ lừa đảo cơ đấy.”
Tôi nhìn anh ta chỉ tay về phía thượng du con sông, trên hoang mạc bằng phẳng dường như quả thật có một điểm gì đó. Nhớ đến bóng đen khổng lồ giữa cơn gió lớn nọ, tôi vẫn có cảm giác đó không phải là ảo giác của tôi.
Đến nửa đêm, chúng tôi tìm thấy được toàn bộ xe của mình, sau đó chất hết hành lý lên xe. Bình minh lên, mọi người lần lượt tỉnh giấc, A Ninh bắt đầu phân chia các công việc: người thì sửa xe, người thì đi tìm những người khác.
Tôi cùng với mấy người đi tìm xe tối hôm trước thì đi kiếm chút gì đó ăn, sau đó chui vào túi ngủ ngủ bù. Chúng tôi mệt mỏi rã rời, ngủ một lần là ngủ đến tận khi mặt trời ngả về tây.
Khi tỉnh lại, gió đã hoàn toàn ngừng hẳn. Không còn cát bay nữa, hiệu suất làm việc của mọi người lại càng tăng cao: có mấy chiếc xe đã được sửa xong, chỉ còn chờ xuất phát; các loại đồ dùng trang bị đã được sắp xếp lại, cất ở trong xe.
A Ninh đã không ngủ một ngày một đêm, đến giờ vẫn đang không ngừng nghe bộ đàm. Muộn Du Bình và tên Kính Râm kia cũng không có ở đây, đi hỏi thăm thì được biết, hai người họ vẫn đang ở bên ngoài đi tìm bốn người bị mất tích.
Tôi nghe xong liền cảm thấy lo lắng. Đã một ngày một đêm rồi, vậy mà vẫn không tìm được bốn người nọ, chẳng phải bọn họ có GPS đấy sao? Hay lẽ nào lại đúng như lời Trát Tây nói, thứ này không thể dùng được trong hoang mạc?
Tôi lấy từ trong ba lô ra một ít lương khô, vừa ăn vừa đến chỗ A Ninh hỏi tình hình cụ thể.
A Ninh cau mày, hai vành mắt đều đã thâm sì, trông có vẻ rất tiều tụy, tôi hỏi cô cô cũng chẳng có tâm tư đâu mà trả lời tôi, vẫn liên tục nói chuyện qua bộ đàm với người đang đi tìm ở bên ngoài. Bọn họ nói chuyện bằng tiếng Anh, tôi nghe loáng thoáng cũng biết đó không phải là tin tốt gì.
Tôi hỏi cô ta có cần tôi ra ngoài đi tìm nữa không, cô ta lắc đầu, nói rằng không cần đâu, cô đã cử ba nhóm người ra ngoài tìm, đã đi đến lần thứ ba rồi, tôi có đi cũng chỉ vô dụng. Rồi cô ta lại bảo tôi đi thu dọn ít đồ, bọn Trát Tây đã tìm thấy một tòa thành ma ở cách đây khoảng hai mươi kilomet phía trước, một lúc nữa chúng tôi sẽ đi đến đó nghỉ ngơi, kẻo buổi tối trời sẽ nổi gió.
Tôi thấy cô ta đã vò đầu bứt tai lắm rồi, cũng không muốn làm phiền thêm nữa, bèn đi ra chỗ nhóm người đang sửa xe, giúp bọn họ lấy dụng cụ.
Khoảng nửa tiếng sau, Trát Tây từ phía lòng sông phía xa xa trở về, nói với chúng tôi rằng trời sắp nổi gió rồi, đường chân trời phía trước đã nổi cát bụi mù mịt, chúng ta phải mau đi thôi, nếu không công sức sửa chữa xe cộ nãy giờ sẽ đổ sông đổ bể mất.
Chúng tôi lập tức chuẩn bị, rất nhanh đã chuẩn bị xong. Bởi vì thiếu xe, cho nên những xe nào chưa sửa xong thì được kéo đi ở đằng sau. Tôi ngồi cùng xe với mấy người Tạng, lên đường đi về phía nơi mặt trời khuất núi phía xa xa.
Đi giữa hoang mạc Gobi mênh mông này khoảng chừng hai mươi phút, nơi mặt trời lặn phía trước dần xuất hiện những bóng hình núi đá bị phong hóa của dạng địa hình Yardang[4], từng ngọn núi đá nhô lên trên mặt đất bằng. Từ trong bộ đàm vang lên tiếng của Trát Tây chỉ hướng đi cho chúng tôi, chẳng mấy chốc, một “tòa thành” to lớn liền xuất hiện trước tầm mắt.
Đó chính là nơi tránh gió mà Trát Tây đã chọn, chúng tôi bèn đi thẳng đến đó. Khi đến gần, ngước nhìn lên mới thấy, hóa ra đó là một ngọn núi đá hình dáng giống như một cái bánh bao, đằng sau nó là cả một khoảng lớn lố nhố đầy những tảng đá núi bị phong hóa của địa hình Yardang, trông như những pháo đài phòng thủ của một tòa thành vậy.
Tòa thành ma này còn có tên là phong thành, do ở đây rất nhiều những tảng đá lớn ở đây bị gió bào mòn, tạo thành một dạng địa hình vô cùng đặc biệt: trải dài trong cả một khu vực lớn rải rác những mỏm núi đá hình thù kỳ lạ, dễ khiến người ta liên tưởng đến những chuyện ma quỷ; hơn nữa, do sự phân bố của các mỏm núi đá nên khi gió thổi qua sẽ vang lên những tiếng động nghe như tiếng gào khóc thảm thiết, vì vậy nó mới được gọi là tòa thành ma. Dạng địa hình này rất phổ biến trên các hoang mạc. Trước đây tôi từng đi tham quan ở Tân Cương cho nên lần này thấy vậy cũng không lấy gì làm kỳ lạ.
Chúng tôi dừng chân bên dưới một mỏm núi đá bằng phẳn ở bên ngoài “tòa thành”. Trát Tây nhảy xuống trước rồi gọi to, chúng tôi bắt đầu xuống xe lục tục hạ trại. Hai tiếng sau, quả nhiên trời bắt đầu nổi gió, chẳng mấy chốc cát bụi mù mịt che kín cả bầu trời. Giống như hôm qua, gió thổi mãi đến tận nửa đêm mới dần dần dịu lại.
Gió quá lớn, ma quỷ trong thành gào khóc thảm thiết, chẳng ai có thể ngủ nổi. Gió nhỏ dần, mọi người mới dần dần thiếp đi. Có hai người do ban ngày đã ngủ nên giờ phải gác đêm, hai người này cảm thấy rất hứng thú với những ma quỷ trong tòa thành kia, thấy tôi và Trát Tây vẫn chưa ngủ bèn đi ra ngoài chụp ảnh. Trát Tây nhắc nhở bọn họ phải cẩn thận một chút, đừng đi vào bên trong, rất dễ lạc đường.
Tôi buổi sáng đã ngủ đủ, bây giờ hẵng còn tỉnh như sáo. A Ninh đang vắt óc suy nghĩ cách tìm người vào ngày hôm sau, tay vẫn cầm khư khư cái bộ đàm. Xem ra, nếu không tìm được mấy người kia thì A Ninh sẽ không chịu đi nghỉ ngơi.
Tôi đi đến khuyên cô đi ngủ một lúc, còn chưa nói được mấy câu, bỗng có tiếng người ở bên ngoài kêu to: “Bác sĩ! Bác sĩ!”
Bác sĩ của đội A Ninh là một ông béo mập, lúc này ông ta cũng không ngủ mà đang đọc sách, nghe thấy tiếng người gọi liền ngồi dậy. Chúng tôi cũng nhìn về phía tiếng gọi, liền nghe bên đó có tiếng gọi: “Mau tới đây! Tìm được A K rồi!”
A K là một trong bốn người mất tích. Chúng tôi vừa nghe liền giật cả mình, vội vã chạy tới bên đó. Chúng tôi nhìn thấy ở đó có hai người đi chụp ảnh tòa thành ma lúc nãy, đang đứng trên một gò đất vẫy tay với chúng tôi. Chạy đến nhìn xem, chỉ thấy trên gò đất này có một cái hố rất to, trong hố có người đang nằm. Đó chính là A K.
Bác sĩ hồng hộc chạy đến, nhảy xuống hố, sờ soạng một lúc rồi kêu to: “Còn sống.”
Có mấy người luống cuống nhảy xuống hố khiêng người bị nạn lên. Bác sĩ kêu bọn họ khiêng anh ta vào trong lều.
Cảnh tượng rất hỗn loạn. Trát Tây cõng người nọ chạy về lều, tôi bị đẩy sang một bên. Nhìn cái hố kia một lúc, rồi lại nhìn về hướng chúng tôi đi tới đây, nghĩ bụng trời ạ, sao người này lại có thể ngã lộn cổ ở đây, nơi này cách nơi chúng tôi đỗ xe hôm qua những hơn hai mươi cây số, chưa kể lúc đó còn bị ngược gió nữa. Chẳng lẽ anh ta đi ngược gió mà tới đây sao?
Quay trở lại căn lều y tế, do được bác sĩ cấp cứu kịp thời, chẳng mấy chốc mà anh A K nọ đã được cứu về. Bác sĩ thở phào nhẹ nhõm, nói rằng anh ta chỉ bị kiệt sức mà té xỉu thôi. Bác sĩ châm cứu cho anh một cái, anh liền tỉnh lại.
Sau khi anh tỉnh lại, chúng tôi bèn hỏi anh đã gặp phải chuyện gì. Anh ta đáp, anh cũng chẳng biết có chuyện gì xảy ra nữa, anh cứ đi miết, đi mãi một hồi lâu, liền thấy trước mặt có một cái bóng, anh tưởng rằng ở đó có núi đá bèn đi thẳng về phía đó, cuối cùng đi mãi đi mãi, chẳng biết đi được bao lâu, liền bị ngã xuống hố. Nói rồi anh ta hỏi: “Ôi, thế Lão Cao với hai người khác đã về được chưa?”
Lão Cao chính là anh chàng người Caucasus nọ. Tôi nghe anh ta nói về cái bóng liền âm thầm giật mình, định nhờ anh ta kể lại chi tiết. Thế nhưng A Ninh vừa nghe anh ta hỏi về Lão Cao lập tức hỏi lại anh vì sao lại hỏi như thế, có phải anh đã gặp bọn họ rồi không.
Anh ta đáp: “Lúc đó bọn họ ở ngay phía trước tôi, tôi gọi thế nào họ cũng không quay đầu lại. Nghĩ lại thì chắc là do đi ngược gió nên bọn họ không nghe thấy, sau đó tôi bị ngã rồi ngất đi. Sao thế, bọn họ chưa về à?”
A Ninh kinh ngạc nói: “Ý anh là trước khi anh ngất đi vẫn còn nhìn thấy bọn họ?”
A K gật đầu. A Ninh quay đầu, nói với tôi: “Anh nghe thấy không? Nơi tìm thấy Lão K là bên ngoài tòa thành ma, phía trước chính là thành ma, như vậy, chắc hẳn bọn họ đã vào thành rồi! Chẳng trách chúng ta tìm mãi cũng không tìm thấy họ.”
Đôi mắt cô lập tức sáng bừng lên, vỗ tay ý bảo chúng tôi đi ra ngoài. Chúng tôi ra khỏi lều y tế, bàn bạc một hồi, A Ninh khăng khăng muốn đi vào trong thành ma tìm kiếm.
Không biết những người này đã xảy ra chuyện gì, đi ngược gió suốt hơn hai mươi cây số, Lão K thì bị té xỉu ở bên ngoài, người ở trong thành có lẽ cũng đã sức cùng lực kiệt rồi, phải mau chóng tìm được bọn họ, như vậy chúng tôi mới an tâm hơn được.
Tôi hào hứng gật đầu đồng ý. Chúng tôi lập tức sắp xếp đội ngũ, có nhiều người giờ vẫn đang ngủ thì không đánh thức họ dậy, chỉ có ba người gồm ông bác sĩ, tôi và A Ninh đi vào trước xem xét một vòng. Những người còn lại thì để chừng hai tiếng nữa hẵng gọi họ dậy cùng vào.
Nói xong, chúng tôi liền đi chuẩn bị ngay. Khi vừa mới xách ba lô lên, Trát Tây bỗng đi tới, nói: “Chờ một chút, bà tôi nói, các anh không được vào đó.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.