Đạo Mộ Bút Ký

Chương 32: Đại viện Dao gia




Edit: Earl Panda
*****
Mèo Dao với nhà Hán xưa nay ở thế không đội trời chung, chia nhau ra mà sống, rất khắt khe với huyết thống và sự riêng tư của mình, đặc biệt là khu vực phía Nam, vốn là nơi xảy ra nhiều xung đột giữa các dân tộc thiểu số nhất từ xưa đến nay. Thời cổ đại có cuộc chiến loạn Tam Miêu(*), hồi trước Giải Phóng vẫn còn cổng thôn của người Hẹ. Hồi đó chỉ vì một cái giếng nước, một con kênh con rạch ở giữa hai tộc Hán Mèo, thậm chí giữa hai bản làng người Dao, đều có thể biến thành một trận giết chóc thảm liệt vô cùng, trực tiếp thúc đẩy cho sự ra đời của cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc.
(*) Thời vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, bộ lạc Hoa Hạ cùng liên minh bộ lạc Mèo Man tranh đoạt vùng Trung Nguyên, chiến tranh liên tục hơn mười năm, cuối cùng Hoa Hạ chiếm ưu thế, từ đó dung hợp Mèo Man cả về văn hóa lẫn huyết thống. Mèo Man là một thuật ngữ, nghĩa rộng để chỉ liên minh bộ lạc Mèo Man – một cộng đồng người rất thịnh vượng phát triển vào thời đó, nghĩa hẹp để chỉ một nhánh nhỏ của cộng đồng người này đã xảy ra chiến tranh với Nghiêu Thuấn Vũ. Khu vực sinh sống của họ ở khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Phàn Dương, ranh giới phía Bắc ở chân núi phía nam của Phục Ngưu sơn, bao gồm toàn bộ khu vực bồn địa Nam Dương.
Có thể nói, trong quá khứ, giữa các dân tộc tồn tại những mối hiềm nghi và ngăn cách, xung đột như nước với lửa, cho nên Hán Dao ở cùng nhau hoàn toàn là chuyện không thể xảy ra. Dù người Dao có chịu cho người Hán định cư trong bản làng của mình đi nữa, người Hán cũng chỉ được phép ở trong nhà người Dao thôi, chắc chắn không lý nào Vua Dao lại cho phép người Hán xây dựng thứ lầu gác to lớn diễu võ giương oai cỡ này ở trong làng của người Dao.
Tôi hoàn toàn không tài nào hiểu được, đây quả thực cứ như thể phát hiện một trái dưa hấu trong ruộng cao lương vậy!
Từ từ lặn xuống, lẳng lặng nhìn tòa lầu cổ này, lại phát hiện thêm nhiều điểm kỳ quặc hơn nữa: tòa lầu cổ kiểu Hán này hoàn toàn bị bao bọc bên trong những ngôi nhà sàn xếp chồng chất lên nhau, hơn nữa, màu sắc mái ngóc trên đỉnh lầu cũng giống nhau y đúc, cứ như thể những ngôi nhà sàn này cố ý bảo vệ tòa lầu gác bên trong vậy. Thoạt nhìn từ bên ngoài thì không thể phát hiện được tòa lầu cổ ở bên trong.
Xem quy mô tòa lầu tháp kiểu Hán thì quái lạ cực kỳ, cấu trúc tòa nhà có dạng hình chữ “khẩu” (口), ở trung tâm chữ “khẩu” này là giếng trời, bốn phía là ba tầng lầu gác có mái hiên, bệ đỡ và tường bao toàn bộ đều tu tạc từ đá tảng, ai học kiến trúc liếc mắt một cái là nhìn ra, đây chính là phong cách của những tòa đại trạch của danh gia vọng tộc tọa lạc dọc các con phố ở phương Nam thời Minh Thanh. Thông thường, danh gia vọng tộc địa phương xây dựng sân viện của dòng họ, thường khá sâu, phía sau còn có nhiều tòa nhà và sân vườn hơn nữa, còn tường bao đá tảng thật lớn là dùng để phòng chống bọn giặc cướp, loại công trình kiến trúc chắc chắn như thế này có thể bảo vệ cho cuộc sống tự bế của hàng trăm con người ở bên trong.
Nói cách khác, tòa lầu cổ này có lẽ chỉ là mặt tiền của một tòa đại trạch tĩnh mịch nào đó, cổng đối diện với chính giữa con đường, bên ngoài có tường cao bao quanh toàn bộ khu nhà, bốn phía có cửa lớn, cửa nhỏ, tường bình phong, lại có một số cửa con để hạ nhân ra vào, lại có một số cửa mở ra mặt đường có lẽ để làm cửa hàng cửa hiệu. Bước vào cổng chính, thấy đường hành lang gấp khúc thông ra phía sau tòa nhà. Ví dụ điển hình là “hồ thanh ngư thảng”(**) ở Hàng Châu.
(**) chả hiểu sao… không thấy ở Hàng Châu có cái địa danh nào như thế…
Nhưng mà ở đây chỉ có duy nhất một tòa lầu như vậy, hình như toàn bộ bộ phận phía sau bị đứt gay mất, toàn bộ đại trạch cổ chỉ còn một cái đầu.
Tôi chậm rãi bơi vòng quanh một vòng, quả thực là thế, phía sau là con đường lát đá xanh, bốn phía là nhà sàn của người Dao, không còn bất kỳ toàn kiến trúc nào kiểu Hán nữa, thật không thể tưởng tượng nổi.
Cảnh tượng tương tự không phải chưa từng gặp qua. Sau Giải Phóng, một số tòa đại trạch được phân cho người nghèo, một tòa lầu ở được đến mười hộ gia đình, con đường thông ra sân sau bị bịt kín, vốn cùng thuộc một tòa trạch viện, cuối cùng lại biến thành nhiều căn nhà nhỏ độc lập như vậy. Nhưng tình huống ở đây lại hoàn toàn khác.
Tôi đọc nhiều sách đến thế, có ấn tượng rất sâu với kiến trúc cổ điển Trung Hoa, trong đầu liền hiện lên vô số khái niệm, nhưng vẫn không tìm được cái gì có khả năng giải thích được cảnh tượng trước mắt tôi đây. Người ngoài nghề có thể sẽ nghĩ đúng là chuyện bé xé ra to, nhưng với tôi mà nói, lại như cục nghẹn ở cổ họng, mẹ kiếp cái nhà này rốt cục là ai xây? Vì sao lại xây thành cái dạng này?
Ánh đèn xanh âm u đến từ bên trong tòa lầu cổ kiểu Hán này, khi tôi vừa tới nơi thì tắt phụt, chẳng lẽ “người” bên trong tòa nhà này phát hiện ra vị khách không mời là tôi đây? Hay kẻ đó muốn nói cho tôi biết, đây chính là đích đến của tôi? Thậm chí tôi còn nghĩ, đây là một tòa nhà kiểu Hán, hồn ma trong đó chắc cũng là người Hán, biết đâu người ta còn nể tình đồng bào mà tha cho tôi một mạng.
Bất kể thế nào, tôi vẫn phải vào trong tòa lầu cổ này tìm hiểu đến tận cùng, mối nghi hoặc vô tận thậm chí còn khiến tôi bớt sợ hãi nữa.
Nổi lên phía trên giếng trời, phía dưới cứ như một miệng giếng khổng lồ sâu hoắm tối thui, bật đèn pin sáng tối đa, chiếu xuống xem thử, lại không nhìn thấy thứ gì có thể phát sáng, cũng không có đồ đạc linh tinh gì.
Tôi không để mình có thời gian mà hoảng loạn và tưởng tượng linh tinh nữa, cố gắng lấy lại bình tĩnh, lộn người lại, đầu hướng xuống dưới, tay chân khua khoắng, lặn xuống dưới giếng trời.
Không gian thu hẹp lại, ánh sáng bừng lên, tôi nhanh chóng điều chỉnh cường độ ánh sáng để mắt có thể thích ứng, xong xuôi, người đã đáp xuống dưới đáy giếng trời trong tòa lầu.
Cảm giác lại có chút khác biệt, khắp xung quanh toàn những hạt gì màu trắng trôi bồng bềnh, do tôi lặn xuống khuấy dòng nước nên chúng nổi hết lên, bên dưới quả thực toàn bàn ghế bằng đá cùng chất lắng đọng. Soi đèn pin chiếu xung quanh, bốn góc giếng trời đều có các cây cột lớn, ở trung tâm hai bên có hai cây cột, tổng cộng mười hai cây, kế tiếp là đường hành lang gỗ đá thông vào bên trong, đi đến cuối gặp một gian nhà, song cửa sổ khắc hoa đã mục nát, bị phủ một lớp màu trắng, trông cũ kỹ hoang toàn vô cùng.
Cửa gỗ song gỗ mục nát đến sụp hết cả, nhưng thật là một kỳ tích, kết cấu của gian nhà vẫn tương đối hoàn chỉnh, có lẽ năm xưa được xây bằng vật liệu gỗ thượng đẳng.
Tiếp tục soi đèn, bốn mặt tường đều có cửa, phía trước thông đến cổng sau của tiền đường, phía sau thông đến sân giữa, hai bên thông đến hai bên chái nhà. Trên các cây cột trước cửa có treo câu đối, chất gỗ để khắc câu đối không tốt bằng cây cột, đã móp méo và mọc đầy nấm bên trên. Trong đó có hai câu đối bị rữa nát đến nỗi rơi mất một nửa, chỉ có câu đối ở cửa thông ra cổng sau tiền đường là còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh.
Khua chân vịt, tôi lau qua hai câu đối ở cửa thông ra tiền đường, đó là hai câu như thế này:
“Yến Nhiên đã tạc, cất cao khúc khải hoàn,
Khúc Phụ còn nhớ, khẽ ngâm nga vần thơ.”(giải thích bên dưới)
Đây là câu đối rất thông thường, nhưng kết hợp ý nghĩa hai câu lại, xem ra chủ nhân tòa lầu này có quân công gì đó. Chủ nhân tòa lầu này từng phục vụ trong quân ngũ ư? Hơn nữa, xem quy mô thì phải là sĩ quan hẳn hoi.
Cổng sau của tiền đường đã sụp thành một đống bùn nát, khung cửa sổ vỡ ra thành mấy cái lỗ to tướng, vừa chạm tay vào liền nát thành bột mịn, cuồn cuộn bốc lên trong nước như sương khói, cứ như thể có thể tiêu tan thành mây khói bất cứ lúc nào vậy. Nhét đèn pin vào trong khe hở mà chiếu, bên trong bừa bộn vô cùng, toàn là xà nhà gỗ sụp xuống và một số đồ đạc không hình dung nổi là cái gì, có thể thấy mức độ hư hại ở bên trong hết sức nặng nề.
Lờ mờ thấy ở giữa có một bình phong, đó là một mặt tường dựng đứng ở ngay giữa phòng. Trong phong thủy, khí xông vào từ cửa trước, không thể để nó cứ thế xông ra ngoài thẳng qua cửa sau, ở giữa phải có một bức bình phong ngăn cách, gọi là đi đường vòng, khiến khí không đi quá nhanh mà nấn ná trong nhà một vòng. Còn có cách nói khác, làm vậy khiến cửa sau từ hướng Nam Bắc đổi thành hướng Đông Tây, càng thuận lợi cho tài vị.
Điều này thật ra rất có lý, ngộ nhỡ anh đang tiến hành âm mưu gì mà bị phát hiện, trốn không kịp, ít ra cũng có bức bình phong, có không gian để chạy lòng vòng một phen. Thậm chí lỡ có cướp xông vào nhà, ít nhiều cũng có chỗ mà nấp một chút.
Tôi rón rén bơi vào trong. Sở dĩ phải vào tiền đường trước, bởi vì câu đối nọ khiến tôi nhớ đến một sự kiện… Tiền đường của các thế gia vọng tộc ở Quảng Tây, Quảng Đông đa phần đều có lầu gác treo hoành phi và linh vị. Hoành phi treo ở đó tất nhiên phải có liên quan đến thân phận của chủ nhà, cho nên tôi quyết định đi xem trước, tìm đầu mối.
Tiến vào bên trong, vừa liếc nhìn, liền choáng váng.
Vừa chiếu đèn xem xung quanh, phát hiện toàn bộ trong tiền đường đã hư hỏng hết cả, sàn gỗ đều sụp hết, ngẩng lên nhìn cũng không thấy trần nhà đâu, trực tiếp thấy luôn gác mái cao nhất, chỉ có vài bộ phận bằng đá và một số xà nhà lớn là chưa mục rữa. Một lượng lớn đồ đạc linh tinh rơi xuống đất, đổ vỡ lộn xộn. Toàn bộ không gian bên trong gian nhà này trông như cứ mấy ngôi nhà cũ bị đem đi giải tỏa, chỉ còn thừa lại chút khung kết cấu vậy, hoặc trông như một giàn giáo thật lớn.
Tôi bơi lơ lửng, chiếu đèn pin lên gác trần trên bình phong, cơ bản tất cả đều nát vụn chả còn gì, phía trên chỉ còn một bức hoành phi, cũng hư hại rất nặng. Tôi bơi tới, cẩn thận chùi sạch chất bẩn bám trên hoành phi đi, màu sắc bên dưới đã bạc hết sạch, chỉ còn lại đường nét màu vàng đất gờ lên, lờ mờ đọc ra bốn chữ:Phàn thiên tử bao.
Chả hiểu là ý gì, nhưng lạc khoản lại khiến tôi phải giật mình nheo mắt một cái: là… Trương gia lâu chủ. Phía dưới là ngày tháng năm và ấn ký.
Loại hoành phi này có thể là do người khác tặng, nếu người khác không tặng, chủ nhân lại vốn là một vị đại Nho hoặc văn nhân nhã sĩ nào đó, có thể chủ nhân sẽ tự tay viết. Trong bản làng của người Dao này, chuyện có người Dao biết viết chữ Hán là không có khả năng cho lắm, huống hồ lại còn viết chữ bằng bút lông đẹp đến thế. Đây là chữ sấu Kim thể cực đẹp, tôi làm bản rập nhiều năm, có thể nhìn ra được bút pháp của người này cực kỳ điêu luyện. Vị Trương gia lâu chủ này, rất có thể là chủ nhân của tòa lầu cổ này.
“Trương gia lâu chủ…” Tôi thầm lẩm bẩm, “Trương gia?”
Trương Khởi Linh, Trương Trương Trương Trương, lẽ nào là trùng hợp ư?
Trong đầu tôi hồi tưởng lại tất cả mọi thứ trước khi mọi việc xảy ra, ở đây tìm được rất nhiều đầu mối, mà hình như mọi đầu mối đều có một mối liên quan mập mập mờ mờ nào đó với Muộn Du Bình, chẳng lẽ hắn thật sự có liên quan?
Có lý! Kẻ trâu bò làm việc trâu bò, tòa lầu tháp kỳ quái này, phải chăng chính là nhà cũ của Muộn Du Bình? Còn vị Trương gia lâu chủ này là lão tổ tông của hắn? Ngẫm lại thì cũng có khả năng lắm chứ.
Vị Trương gia lâu chủ này xây một đại trạch lớn như thế ở trong núi, chứng tỏ của cải dồi dào, lại khéo tay viết thư pháo, nội dung câu đối cũng văn nghệ văn gừng cực kỳ, thấy thế nào cũng cùng trường phái với cái loại Nho Thương như Hồ Tuyết Nham, kiểu người như vậy, cớ sao lại chạy đến một bản làng người Dao xa xôi, xây dựng một tòa lầu cổ quái như thế? Vì bị người hãm hại bèn chạy đến đây ẩn cư, hay còn mưu đồ gì khác?
Tôi bỗng dưng có chút hưng phấn, nghĩ trong tòa lầu cổ này chắc chắn đã xảy ra sự kiện gì lớn rồi, nếu quả thực có liên quan đến Muộn Du Bình, chuyến này vào đây cũng đáng giá. Đáng tiếc đến đây thì không còn gì đáng xem nữa, bên trong tiền đường có lẽ vẫn còn bừa bộn nhiều sách vở, đến giờ chắc chắn đã nát thành cám hết rồi, nếu có nhiều văn tự hơn thì tốt quá. Xem ra chỉ có thể xem từng gian nhà một, tìm hết tất cả các manh mối.
.
——
Hai câu đối: “Dĩ lặc Yến Nhiên cao tấu khải/ Do tư Khúc Phụ đề ngâm thi”.
“Yến Nhiên dĩ lặc”, điển cố này xuất phát từ tướng quân Đậu Hiếnthời Hán. Năm xưa Đậu Hiến truy kích quân Hung Nô đến tận núi Yến Nhiên, bèn tạc bia đá ghi công. “Do tư Khúc Phụ”, Khúc Phụ thời cổ thuộc nước Lỗ. Tây Chu Vũ vương phạt Trụ diệt Thương, phong đất Yểm xưa cho người em ruột là Chu Công Đán, lập quốc gọi là “Lỗ”.
Dịch nôm cả hai câu này là: Tuy rằng đã đánh bại man di, ca vang khúc khải hoàn, nhưng vừa nhớ đến cố hương Khúc Phụ, không khỏi khẽ ngâm câu thơ nhớ quê.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.