Déjà Vu

Chương 6:




Edit: Sà.
Beta: Khía.
__________
Rốt cuộc cũng có một ngày, chính phủ đầu hàng bắt đầu điều tra tất cả người Do Thái ở nước Pháp thất thủ.
Lúc này Faber mới biết, hóa ra William Prak có đôi mắt xanh thẳm, nụ cười sáng sủa kia lại là người Do Thái.
Bởi vì mối quan hệ hợp tác lâu dài của bọn họ, Faber cũng bị điều tra, nhưng may mắn là có Đốc học làm chứng, chứng minh rằng quan hệ của họ đã sớm tan vỡ, hơn nữa y còn từng bị Prak xúc phạm, cuối cùng mới được tính là hữu kinh vô hiểm* vượt qua cửa ải khó khăn này.
*Hữu kinh vô hiểm: gặp chuyện khó khăn nhưng không bị gì nguy hiểm.
Faber từ chối tất cả chức vị ở nước Pháp đã đầu hàng, đóng cửa ở nhà dốc lòng sáng tác quyển khái quát lịch sử kia, tin tức tốt duy nhất trong thời gian chiến tranh liên miên chính là một nửa của quyển khái quát lịch sử sẽ được xuất bản ở nước Pháp và nước Đức vào cuối mùa thu năm 1943.
Ngày nhận được bản mẫu của quyển sách, Faber tự giam mình trong thư phòng, uống hết ba chai rượu Brandi.
Trên quyển sách được làm bằng bìa cứng chắc chắn và đẹp đẽ, một cái tên nằm lẻ loi.
“Lucian Faber.”
Điều này làm cho quyển sách trở nên kỳ quái, ngoài phông chữ “Lời nói đầu” ra thì bên dưới trống rỗng, trang thứ hai lập tức nhảy đến phần tóm tắt quyển sách, đến phần thần thánh La Mã thì quyển sách kết thúc, cách phân chia như vậy biểu thị phải còn ít nhất hai bộ nữa mới có thể nói rõ ràng chủ đề này.
Nhưng ý tưởng đặc biệt cùng với tài hoa kinh người đã không cần nói trước cũng khiến ai biết rõ, thư từ của độc giả từ khắp các ngõ ngách trên thế giới bay đến như bông tuyết, mong chờ Faber sớm ngày xuất bản hai bộ còn lại.
Faber đã từng tưởng tượng vô số những cảnh tượng khi nhận được bản mẫu của sách, nhưng không hề có một loại cảm giác không biết phải làm sao, lo âu cùng đau lòng như thế này. Y đã từng lén lút hỏi dò nhiều người về tung tích của Prak, nhưng hầu hết kết quả đều là không biết. Căn cứ vào những hiểu biết về Prak của y, tên nhóc già đầu nhiệt huyết này chắc đang ở nơi nào đó trên chiến trường, chiến đấu vì nhân tính và tự do.
Nhưng hắn đã không còn trẻ nữa, cuộc chiến tranh 14 năm trước, hắn là một thiếu niên 16 tuổi, mà hôm nay hắn đã là một người đàn ông trung niên, thế mà lại đi liều chết với mấy tên máy chiến đấu Đảng Quốc Xã hung ác tàn bạo…
Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng cũng thật chậm, vừa nhanh làm cho lòng người sợ hãi đồng thời chậm cũng để cho người ta gặm nhấm nỗi sợ.
Thời điểm nước Pháp khôi phục trở lại, Faber đến đầu đường Lyon, khắp nơi đều là đám người say sưa rượu chè, mọi người cười nhảy. Faber đứng trong đám người đang qua lại nhìn xung quanh, hy vọng có thể nhìn thấy đôi mắt tự do như trời xanh, con ngươi sâu sắc như biển khơi, đáng tiếc mỗi người trong đám người đều giống như hắn, nhưng họ không phải là hắn.
Có người vỗ vào bả vai của y, Faber quay đầu, phát hiện đó là Pirenne. Sau khi Faber ở ẩn, cũng đã ba bốn năm y chưa gặp lại chủ nhiệm của học viện, ông già nua suy yếu hơn nhiều so với trí nhớ của y.
“Faber, cậu vẫn khỏe chứ?” Pirenne ân cần nhìn y.
Faber cười nhạt: “Tôi rất tốt, cảm ơn đã quan tâm.”
“Rốt cuộc cũng tự do…” Pirenne hít sâu một hơi: “Mấy năm qua giống như là một cơn ác mộng vậy, thằng Đức đáng chết.”
Faber thờ ơ nghe ông than thở, đột nhiên nhìn thấy ở quảng trường cách đó không xa, vài cô gái đang xếp hàng đi lên đài cao, có người đang cạo đầu cho các cô.
“Đó là cái gì? Bọn họ đang làm gì vậy?”
Pirenne quét mắt nhìn: “Những người đàn bà kia đã từng quan hệ hoặc có mối liên lạc với bọn quân nhân thuộc Đức Quốc Xã, bây giờ hình như họ đang trừng phạt mấy cô gái đó.”
“Thật không công bằng.” Faber mỉa mai: “Ai cũng biết mấy năm trước đây cuộc sống của mọi người đều khốn khó, những cô gái này cũng chỉ muốn đổi lấy chút thức ăn mà không còn cách nào khác.”
Không biết nghĩ đến cái gì, Faber mím môi thành một đường thẳng: “Cha cùng với các anh em của những cô gái đó đầu hàng, bây giờ vẫn bình yên vô sự, các cô lại trở thành vật hy sinh cho sự tức giận của công chúng, tôi thật là yêu nước Pháp đấy.”
Pirenne mệt mỏi nhún vai: “Cũng không hoàn toàn, chúng ta là nước chiến thắng, không phải có tướng de Gaulle* lãnh đạo tổ chức Pháp quốc Tự do* bãi bỏ vận động sao?”
“Pháp quốc Tự do…” Faber đột nhiên cười: “Đúng vậy, luôn có vài người Pháp dám đứng lên chiến đấu.”
“Đúng rồi, cậu có nghe nói chưa?” Pirenne lại gần y: “Tôi nghe nói vào sáng sớm ngày nước Pháp thất thủ, Prak đã tham gia tổ chức Pháp quốc Tự do.”
Faber gật đầu: “Tôi đã nghe về tin này, có điều dựa theo tính cách của cậu ấy, không phải điều này rất dễ hiểu sao?”
“Hy vọng cậu ấy vẫn ổn.” Pirenne nói xong thì phất phất tay với y, hòa nhập vào đám người thân thích vui mừng thêm lần nữa.
Faber ngẩng đầu vô ích nhìn trời, xoay người đi về phía nhà thờ.
Cho tới bây giờ y không phải là một người sùng đạo, nhưng vì bạn của mình, y không ngại phủ phục trước mặt một vị thần hư ảo chỉ để cầu xin.

*Tướng de Gaulle: Charles de Gaulle hay Charles André Joseph Marie de Gaulle (22 tháng 11 năm 1890 – 9 tháng 11 năm 1970) là chính khách nổi tiếng của Pháp. Ông xuất thân là một quân nhân trong Quân đội Pháp. Năm 1940, khi chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, ông đã vượt biên sang London, lãnh đạo tổ chức “Pháp quốc Tự do”, thành lập chính phủ Pháp lưu vong, ra lời kêu gọi người Pháp tiếp tục kháng chiến chống sự chiếm đóng của Quân đội phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1958, ông thành lập nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp và giữ chức Tổng thống từ năm 1959 đến năm 1969.
*Pháp quốc Tự do: là một tổ chức chính trị lưu vong người Pháp chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã đối với Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai, được thành lập tại Luân Đôn (Anh) bởi tướng de Gaulle sau khi phát lời kêu gọi ngày 18 tháng 6 năm 1940. Tổ chức này cũng tập hợp các binh sĩ quân lực Pháp tham gia Lực lượng Pháp quốc Tự do tiếp tục chống lại phe Trục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.