Điệu Sáo Mê Hồn

Chương 6: Muôn dặm giang sơn cá cuộc hơn thua




Quái nhân đột nhiên hai mắt tròn xoe sáng loáng, nhìn hau háu vào mặt Thượng Quan Kỳ nói lớn:
– Đây là một cuộc ăn thua khủng khiếp, hai bên cùng đem những việc to lớn vô kể vào cuộc. Ôi! Thật là một việc động trời, cuộc ăn thua thật là hiếm có trên đời.
Mấy câu nói dường như sét đánh ngang tai, khiến cho Thượng Quan Kỳ ngây người ra mà nghe. Hồi lâu chàng mới hỏi:
– Những cuộc đấu võ trong chốn giang hồ rất nhiều, bất quá liên can đến một hoặc nhiều người bỏ mạng mà thôi. Còn cuộc ăn thua này làm gì mà kinh thiên động địa khiên cho vãn sinh không thể nào hiểu được?
Quái nhân đưa tay mở cánh cửa sổ bên mình rồi nói:
– Trước kia khi lão phu chưa tàn phế hai chân, lê gót khắp hai miền Đông, Bắc sông Đại Giang cho đến chân trời góc biển đã từng chứng kiến biết bao nhiêu trận đấu. Đó là những chuyện tầm thường chẳng có chi là lạ. Cuộc đấu này lạ Ở chỗ hai bên cùng nhau đem những thứ kinh người để cuộc. Trời ơi! Nếu họ đủ sức thực hành sự hứa hẹn với nhau thì hậu quả không biết đâu mà lường.
Thượng Quan Kỳ hỏi:
– Hai bên họ đem gì ra cuộc?
Quái nhân lại nhìn ra phương trời xa đáp:
– Một bên đem cả chủng tộc ra làm nô lệ suốt đời, liên quan đến nhân dân mấy tỉnh vùng Tây Tạng. Còn một bên thì giao kết nếu bị thua thì tất cả võ lâm cao thủ Trung Nguyên đều phế nghệ đi ẩn náu, xin chấp tay dâng muôn dặm giang sơn cẩm tú.
Thượng Quan Kỳ run sợ hỏi:
– Sao? Sao? Chẳng lẽ cuộc ăn thua này có cả đức đương kim Hoàng đế hay sao?
Quái nhân lắc đầu đáp:
– Không phải!
Thượng Quan Kỳ lại hỏi:
– Nếu chẳng phải là Đức Hoàng thượng mà người thua chịu dâng cả giang sơn cẩm tú thì chẳng hóa ra là một trò đùa, vậy mà đám sư tăng Tây Tạng lại chịu tin ư?
Quái nhân trầm ngâm một lát rồi đáp:
– Vừa rồi lão phu chỉ nghe được có thế thôi. Việc này bắt nguồn từ năm năm trước đây. Bọn họ đã có cuộc ăn thua với nhau ở trên Tàng Kinh lầu này. Tiếc rằng ngày đó ta không được nhìn thấy rõ tướng mạo người đứng ra đặt cuộc...
Lão trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
– Ta nên nhớ rằng những nơi ngoài biên ải, bọn man di cũng không thiếu chi các bậc kỳ tài, tỷ như Thành Cát Tư Hãn ruổi ngựa vào Trung Nguyên mở mang bờ cởi, võ công thời bấy giờ thật là hưng thịnh vô tiền khoáng hậu. Người anh hùng áo vải Chu Nguyên Chương quật khởi, sáng lập nên nhà Đại Minh, cơ nghiệp hơn trăm năm. Trong những chủng tộc ở ngoài biên ải thì hai tộc Hồi và Tạng nhân tài nhiều hơn cả. Họ thường có âm mưu chiếm đoạt Trung Nguyên. Mượn sức các nhân vật võ lâm, âu cũng là sách lược của họ.
Lão từ từ đưa mắt nhìn Thượng Quan Kỳ rồi nói:
– Nhưng những tay cao thủ phe Mật Tông rất ít, chắc họ không chịu để người lợi dụng. Ta chưa hiểu rõ ngọn ngành trong vụ này. Nhưng chỉ trong một vài ngày nữa, họ đến đây thì ta sẽ hiểu rõ đầu đuôi.
Lão thở dài thườn thượt rồi lại nói:
– Nhưng dù có nghe được những điều bí ẩn bên trong, ta cũng không thể dính tay vào, phải vì dân đen của đức Hoàng thượng mà hết lòng bảo hộ.
Nói rồi nét mặt lão rất buồn thảm, như vẻ chán đời của người anh hùng mạt lộ.
Thượng Quan Kỳ đột nhiên cảm thấy quái nhân này không phải là một dị nhân lạnh lùng, trái lại lão lại là người lo lắng cho dân tộc và tổ quốc, một người nghĩa hiệp đầy nhiệt huyết. Chàng thấy vẻ mặt lão ưu tư thê thảm, bất giác sinh lòng đồng tình với lão, liền nói:
– Tiền bối võ công trác tuyệt, chính mắt vãn bối đã nhìn thấy, dù có cụt mất hai chân tưởng cũng không có gì trở ngại cho lắm. Giả tỷ bọn họ có âm mưu gây hiểm họa cho quốc gia, tại hạ xin hết lòng góp sức với tiền bối.
Rồi chàng nhớ ra rằng với võ công kém cỏi của mình thì làm gì giúp sức được, nên dừng một lúc chàng lại nói luôn:
– Vãn bối cũng tự biết rằng võ công của mình chẳng đi đến đâu thì khó lòng mà giúp đỡ tiền bối. Nhưng dù chỉ là một kẻ dắt ngựa cầm cương cũng xin đem toàn lực ra ứng phó, dù có tan xương nát thịt cũng không ân hận.
Quái nhân ngửa mặt lên suy nghĩ một lát rồi nói:
– Chờ tới khi đó rồi hãy bàn... Tỷ dụ mà sức bọn ta có thể làm được việc gì thì cũng nên vì lê dân mà gắng sức hết lòng.
Lão trầm ngâm một lúc rồi đột nhiên lạnh lùng nói:
– Bất luận gặp được việc gì, nếu ta chưa động thủ thì ngươi không được ra tay.
Thượng Quan Kỳ thấy lão vẻ mặt đang vui vẻ, đột nhiên biến thành lạnh lùng, trơ như gỗ thì lòng chàng đổi hướng:
“Lão này tuy không có tâm địa độc ác, nhưng lại hỷ nộ, ái ố thất thường, khiến cho người ta cảm thấy khó chịu”.
Trong lúc chàng đang suy nghĩ, bỗng nghe tiếng quái nhân nói nhỏ:
– Ngươi mau đóng cánh cửa kia lại, sắp có người đến nữa đó.
Thượng Quan Kỳ đã có kinh nghiệm lần trước, biết lão vô cùng linh mẫn, không thể nào lầm được, liền vội đóng cửa lại, đứng núp ở phía dưới trông ra ngoài. Trong khoảng thời gian uống cạn tuần trà, thấy có hai bóng người xuất hiện trên nóc nhà đối diện.
Hai người đều mặc võ trang, lưng đeo binh khí. Vừa nhìn thấy đã biết ngay không phải là người ngoài biên cương hoang dã.
Hai người này so với hai Tạng Tăng lúc trước khác nhau xa, dường như họ mượn vật gì để ẩn thân, đến lúc lên đến nóc nhà rồi mới lộ tung tích.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
“Xét cho cùng người Trung Nguyên so với người ngoài biên cương còn gian trá hơn nhiều”.
Đang nghĩ liên miên, chợt thấy hai người trên nóc nhà chia ra hai ngã tả hữu đi về phía Tàng Kinh lầu. Hai người này kiểu đi cũng khác người Tây Tạng. Mượn nóc nhà làm chổ ẩn thân mà tiến. Lúc ẩn lúc hiện không biết đâu mà chừng.
Thượng Quan Kỳ đang chú ý theo bóng hai người, bỗng trên nóc nhà bên tả có bóng người thấp thoáng. Rồi chàng biết rõ hai người đang đứng trên đó.
Thấy vậy Thượng Quan Kỳ hồi hộp nghĩ thầm:
“Mé tả có người thì tự nhiên mé hữu cũng có người”. Chàng vội co người lại ẩn dưới cửa sổ rồi nằm sát xuống sàn, bò lại chổ cửa sổ mé tả nhìn ra ngoài. Quả nhiên thấy trên nóc nhà bên phải cũng có hai đại hán mặc võ trang, lưng đeo binh khí đứng đó.
Một gã chỉ tay lên gác thượng nói:
– Trên nóc tòa “Tàng Kinh lầu” còn có tầng gác thượng nhỏ xíu rất kín đáo, không để ý thì không nhìn thấy. Và chỗ đó là nơi cao nhất toàn thể khu vực chùa này. Ẩn mình ở đó có thể nhìn thấy khắp nơi trong chùa này, mà người ngoài nếu không lên nóc chùa thì không nhìn thấy căn gác đó được.
Thượng Quan Kỳ cả kinh nghĩ thầm:
“Giả tỷ mà bọn họ vào đây lục soát căn gác này thì rắc rối vô cùng”. Bỗng nghe tiếng người khác nói:
– Chúng ta hãy vào gác trước xem cũng được chứ sao.
Thế rồi y vẫy tay luôn, gọi đồng bọn đến “Tàng Kinh lầu để hội họp.
Thượng Quan Kỳ tự nhủ:
“Hỏng rồi! Cái gác nhỏ xíu không đầy một trượng này nếu bọn họ lên lục soát thì không có lấy một chỗ để ẩn thân. Làm sao đây?”.
Chàng quay đầu nhìn quái nhân, thấy vẻ mặt lão vẫn bình tĩnh, dường như không có chuyện gì xảy ra.
Bỗng trên mái nhà có tiếng bước chân.
Thượng Quan Kỳ từng theo sư phụ bôn tẩu giang hồ đã lâu nên rất thính tai.
Chàng biết rõ các người này đang đứng trên nóc gác ngay cửa sổ. Chàng vội thụt đầu vào núp dưới thành cửa, ngấm ngầm vận khí để đề phòng. Chàng lẩm bẩm:
– Kiểu này không đánh nhau không xong rồi. Bọn họ đã đến bên ngoài gác, xem chừng thế nào họ cũng vào trong gác dòm ngó. Họ chỉ cần mở cửa sổ ra một cái là nhìn thấy ngay hai người mình.
Còn đang suy nghĩ, bỗng bên ngoài cửa vang lên tiếng cười khanh khách rồi có tiếng nói:
– Các vị Ở ngoài coi chừng, để tôi vào trong gác trước xem sao!
Thượng Quan Kỳ đứng thẳng người lên nép vào sau cửa sồ nghĩ thầm:
“Người vào chỉ đẩy cửa một cái theo thế “Sấm nổ không kịp bưng tai” là lập tức túm được mình ngay”.
Chàng đang hoang mang, bỗng thấy huyệt “Khúc trì” bên tay phải dường như có cái gì đụng vào, tuy không đau đớn, nhưng cũng thấy khuỷu tay đau buốt.
Chàng quay đầu nhìn lại thấy quái nhân nét mặt đột nhiên cực kỳ đại biến, trông lợt lạt hẳn đi. Lão ngồi ép hẳn vào góc tường. Nếu lão không giơ tay lên thì không trông thấy lão nữa. Thượng Quan Kỳ hồi hộp lo sợ. Chàng đưa mắt nhìn quái nhân thì vẻ mặt lão đã qua cơn hoang mang, trấn tĩnh lại rồi. Chàng biết rằng lão có kế hoạch lui địch, nên vội vàng chạy lại núp sau người lão.
Quái nhân khẽ giơ tay lên, tấm áo trong người lão mặc bỗng nhiên có một luồng khí vô hình thổi phùng ra trùm lên người Thượng Quan Kỳ, mấy đường nẹp áo như đóng dinh xuống sàn gác, chỉ khâu sứt ra mấy chỗ để cho không khí lọt vào, còn bốn phía chung quanh rất kín, ánh sáng cũng không lọt vào được.
Thượng Quan Kỳ nép vào vạt áo sau của quái nhân mà tuyệt , không thấy chật hẹp, duỗi chân duỗi tay, trở mình thật dễ dàng.
Bỗng nghe đánh “binh” một cái rồi trong gác một tia sáng lóe lên. Thượng Quan Kỳ ghé mắt vào những chỗ áo sứt chỉ nhìn trộm ra ngoài, bỗng thấy một người đập gẫy cánh cửa sổ chui vào.
Người này chừng bốn mươi tuổi, mày rậm mắt tròn, tướng mạo cực kỳ hung hăng, nhưng hình tượng quái nhân phải làm cho sợ hãi. Y giật mình một cái rồi mới tiến vào căn gác.
Thượng Quan Kỳ lại thấy thấp thoáng sau bóng gã đại hán tuổi độ tứ tuần có ba người tiến vào. Bọn chúng bước lại bên mình quái nhân, bỗng nghe tiếng đại hán bước vào trước nói:
– Này Trương huynh! Xem pho tượng này là tượng gì? Phật chẳng ra Phật, La Hán chẳng ra La Hán, giống như pho tượng Linh quan ngoài miếu Thành Hoàng nhưng tại sao không cưỡi hổ, tay không cầm roi? Tiểu đệ đã được đi xem nhiều chùa miếu mà chưa thấy pho tượng nào giống như pho tượng này.
Lúc này bốn người vào gác đều đứng bên quái nhân. Thượng Quan Kỳ không có cách nào để nhìn rõ mặt ba người kia. Bỗng thấy tiếng một người khác chẫm rãi nói:
– Pho tượng này có điều quái lạ, không phải tượng gỗ mà cũng không phải tượng bằng đất.
Thượng quan Kỳ núp trong vạt áo dài của quái nhân nghe nói kinh hãi vô cùng, nghĩ thầm:
“bọn này đều là bôn tẩu giang hồ lâu năm. Quái nhân giả làm tượng thần, tượng Phật e rằng khó che được những cắp mắt thấy nhiều hiểu rộng.
Vạn nhất mà có người khám phá ra hạ thủ đột kích, tuy võ công lão cực kỳ thâm hậu, nhưng trong lúc thảng thốt không kịp đề phòng, e khó lòng giữ cho khỏi bị thương! Chàng lo sợ bất thần sẽ đẩy quái nhân. Nhưng vừa để tay vào người lão thì thấy chẳng khác gì gỗ đá. Chàng kinh hãi nghĩ thầm:
“Nội công gã này thiên hạ vô song”.
Bỗng nghe thấy tiếng cười một tràng dài và tiếng người thô lổ nói:
– Pho tượng này khắc bằng gỗ đàn đây mà!
Có tiếng người khác đáp lại:
– Không phải! Không phải! Gỗ đàn thì phải có mùi thơm chứ.
Người nói trước cãi:
– Chả bằng gổ đàn thì bằng xương thịt à? Ngươi sờ tay mà xem, chỉ trừ bằng gỗ đàn ra, tượng này phải làm bằng đất nung hay bằng đá.
Thượng Quan Kỳ lại một phen bở vía, bất giác lấy tay sờ mình quái nhân, quả đúng như sờ vào gỗ đá, chẳng những cứng rắn mà còn thấy mát rượi.
Lại thấy một âm thanh nho nhỏ lên tiếng:
– Thôi đừng cãi nhau nữa. Tượng gỗ cũng được mà tượng đất cũng được, hay hơn nữa tượng bằng xương bằng thịt thì cũng là pho tượng, đại khái cũng thế thôi.
Người nói chậm rãi lại tiếp bằng một giọng trịnh trọng:
– Ngô huynh được người ta gọi là “Trí đa tinh”, bất luận việc gì mà Ngô huynh làm chúng tôi cũng bội phục nhưng phen này tiểu đệ không đồng ý với Ngô huynh.
Người nói nhỏ nhẹ hỏi:
– Lục huynh đã xem qua căn gác này chưa? Bụi bặm quét sạch lại còn có hạt đào, tôi dám chắc nơi đây đã có người vào trước, đúng không?
Gã họ Lục nói:
– Phải rồi! Về nhận xét này Ngô huynh có ý kiến gì?
Thượng Quan Kỳ hồn vía lên mây, than thầm:
“Hỏng bét rồi! Nếu vì mình đánh rơi hạt đào mà họ khám phá ra được, biết rõ thần tượng là người hóa trang thì việc trọng đại này do chính mình gây ra”. Nghĩ vậy nên thấy hối hận về việc bất cẩn của mình.
Bỗng thấy gã họ Ngô cười lạt rồi nhỏ nhỏ nói tiếp:
– Lửa đom đóm mà muốn tranh sáng với ánh dương quang sao được. Ta nhận xét trong căn gác này không những có người mà không chỉ có mặt một người.
Thượng Quan Kỳ nghe nói lạnh gáy, nên chủ ý phòng bị.
Người đó cười lạt rồi nói tiếp:
– Những người ẩn thân trong gác này đã bỏ đi từ lâu. Vừa rồi anh em có để ý trên nóc điện không? Hẳn đã có lưu lại nhiều vết tích, đủ chứng tỏ rằng trước khi ta đến đã có người vào đây rồi, vết chân to nhỏ không đều, chứng minh không phải chỉ có một người đến mà thôi. Nếu tại hạ đoán không lầm đó là mấy nhà sư Tây Tạng, họ đến đây trước để điều tra nơi này. Còn một điều nữa là chính một người trong phái lục lâm của chúng ta dẫn đường cho họ, vì những nhà sư Tây Tạng phần nhiều đều thân thể cao lớn nên vết chân của họ to. Thời gian họ Ở lại trong căn gác này không phải chỉ trong chốc lát. Họ lấy đào ra ăn và bỏ hạt lại.
Thượng Quan Kỳ nằm sau quái nhân khen thầm:
“Trí lực người này quả có chỗ đặc biệt, mà họ đoán có sai chút ít thành ra hỏng cả đại sự”.
– Nghe Ngô huynh nói, tiểu đệ như người trong tối bước ra ánh sáng. Cái tên “Trí đa tinh” quả nhiên danh bất hư truyền. Bọn họ đã tranh tiên chúng ta ở điểm này, e rằng có âm mưu gì chăng?
– Tiểu đệ tưởng chúng ta phải mau mau quay về báo cho Tiểu Bá Tử biết để kịp đối phó.
Hồi lâu không thấy có tiếng người nói lớn đáp lại. Đột nhiên có tiếng mắng:
– Không ngờ mấy lão sư tăng béo ỵ mà cũng quỉ kế ra trò.
Thượng Quan Kỳ nghe tiếng bốn người cười nói mỗi lúc một xa, thì biết rằng họ đã ra khỏi gác này. Chàng chờ thêm một lát nữa, chắc chắn những người kia không trở lại, bấy giờ mới toan mở vạt áo quái nhân ngồi dậy. Ngờ đâu chàng sờ vào áo mà chẳng khác chi sờ vào tường đồng vách sắt, không tài nào vén lên được.
Chàng kinh hãi vô cùng, ngẩn người ra nghĩ thầm:
“Lão này có thể đem nội công truyền ra tới vạt áo cho cứng chắc là một điều mà mình chưa từng nghe thấy”. Tuy nhiên vì tính hiếu thắng bị kích động, chàng vận động khí lực vào cánh tay phải đẩy mạnh một cái, thì thấy một sức mạnh văng trở lại mạnh mẽ vô cùng khiến cho người chàng bị hất đi, hất lại mấy cái mà nẹp áo vẫn dính chặt xuống sàn gác, không nhúc nhích tí nào. Bất giác trong lòng chàng đâm ra kinh hãi.
Giữa lúc ấy chàng nghe tiếng quái nhân khẻ bảo:
– Hai tay giữ lấy trước ngực, hai chân để vào lòng đỉnh đầu gục xuống trước ngực thế là ngũ tâm. Lắng lòng xuống không nghĩ vẫn vơ đó là ngũ tâm hướng thiện. Kềm hãm ngũ hành, vận động cho chân khí chạy vào các kinh. Đó là phép luyện công của tâm pháp thượng thừa.
Thượng Quan Kỳ lẩm nhẩm một hồi rồi hỏi:
– Vãn sinh ngu muội không biết ngũ hành là gì?
Chàng lại nghe thấy giọng quái nhân trầm trầm:
– Hồn bên đông là hành mộc, Phách bên tây là hành kim. Thần phía nam là hành hỏa, Tinh phía bắc là hành thủy. Ý ở giữa là hành thổ. Hồn, Phách, Thần, Tinh, Ý là ngủ hành. Tập hợp được ngũ hành thì có thể hóa được “Tam hoa” lên trên hết.
Thượng Quan Kỳ nhắm mắt lại một lượt hồi lâu rồi hỏi:
– Tam hoa là gì?
Quái nhân đáp:
– Tinh hóa ra khí, khí hóa thân, thân quay về chỗ hư không.
Thượng Quan Kỳ thầm nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:
– Vãn sinh ngu muội chỉ hiểu được một hai phần.
Quái nhân nói:
– Đó là những điều rất nhiệm mầu, rất bí hiểm; hiểu được một hai phần cũng thừa dùng cho suốt đời người.
Lão ngừng một lát rồi đáp:
– Ngươi ngồi xếp bằng nhắm mắt lại để tâm niệm trong lòng.
Thượng Quan Kỳ tuân theo lời dạy bảo, điều hòa chân khí chiếu theo phương pháp của quái nhân. Thường ngày chàng thấy chân khí lưu thông trong các kinh mạch mà lúc này dường như bị sức gì cản trở khiến cho huyết chạy trong người rất chậm chạp.
Trên ngực như có vật gì nặng đè lên. Lục phủ ngũ tạng xao xuyến tựa hồ như bị rung động dời khỏi nguyên vị. Trong khoảnh khắc mồ hôi ra ướt đẫm áo quần, trong người rất khó chịu.
Thượng Quan Kỳ vốn tính cương nghị, càng đau đớn khó chịu bao nhiêu, càng không khuất phục. Chàng chỉ cắn răng ráng sức chịu đựng.
Thượng Quan Kỳ bâng khuâng, mình đã phải chịu cực khổ bao lâu, bỗng thấy chân khí khắp người từ từ theo một đường kinh mạch khác trước mà đi. Sức đè trên ngực cũng đã bớt nhiều. Huyết lưu thông thấy dễ dàng. Trong lòng thư thái rất nhiều và cũng không thấy mõi mệt gì nữa rồi ngũ thiếp đi.
Khi chàng tỉnh dậy thì trời đã hoàng hôn, chàng thấy quái nhân vẫn ngồi tựa cửa. Lão thấy chàng tỉnh giấc mỉm cười nói:
– Trong chốn hoang sơn này chỉ có trái cây và thịt cầm thú để ăn cho đỡ đói.
Ngươi ăn ngủ cốc đã lâu ngày, ta e rằng ngươi không quen dùng đến thứ đồ rừng này.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Vãn sinh thường theo ân sư ra vào những nơi thâm sơn cùng cốc, ban đêm thường ngủ ở trong rừng, thường lấy trái cây ăn cho đỡ đói. Lão tiền bối bất tất phải quan tâm.
Quái nhân cười nói:
– Thế càng hay, ta khỏi phải lo nghĩ về điều này.
Đột nhiên lão để ống tiêu lên môi mà thổi.
Tiếng tiêu lại dập dìu nổi lên giữa rừng sâu, âm ba vọng tới những nơi rùng núi xa xăm.
Thượng Quan Kỳ ngồi tĩnh tọa một bên, chàng nghe tiếng tiêu lúc này rất nhỏ bé, không hợp khúc điệu cung thương, dường như kêu gọi tên người.
Một lúc sau, lão thu ống tiêu quay lại cười nói:
– Người đời giả dối nhiều quá, kết bạn với người không bằng chơi với dã thú còn yên tâm hơn.
Thượng Quan Kỳ chợt nhớ ra lão đã dùng ống tiêu gọi con trăn lớn về lúc trước, liền hỏi:
– Phải chăng tiền bối lúc trước đã gọi con trăn đến?
Quái nhân đáp:
– Những giống điểu, thú, trăn, hổ ở trong rừng núi vùng lân cận đây phần lớn đều đã quen ta, nhưng số kết bạn cùng ta thì chưa được mấy. Trước nay mình ta ở căn gác này vô cùng tịch mịch nên thường thường dùng tiếng tiêu kêu gọi chúng lại căn gác để tâm sự.
Thượng Quan Kỳ ngó ra một lúc rồi hỏi:
– Sao? Tiền bối gọi chúng đến tâm sự thật ư?
Quái nhân cả cười:
– Đúng thế! Đúng thế!
Thượng Quan Kỳ hỏi tiếp:
– Giữa người và thú nói không hiểu nhau. Không lẽ tiền bối nói được tiếng thú?
Quái nhân đáp:
– Đêm nay sáng trăng, nếu bọn họ không đến đây ăn thua, ta sẽ gọi những hổ, trăn, vượn, chim bạn bè với ta vô đây hết cho ngươi xem.
Lão ngừng một chút rồi lại nói:
– Tuy những giống vật này hình dạng khó coi, nhưng chúng đều thật thà, không có mưu cơ lừa dối ta. Chúng giận lên chỉ nhe răng, giơ vuốt, nhìn qua đã biết trong lòng chúng không khoái lạc. So với loài người miệng thơn thớt mà trong lòng dối trá thì thà rằng cho bọn cầm thú đội mũ mặc áo vào hay hơn.
Thượng Quan Kỳ nghĩ thầm:
“Không biết lão này đã gặp những việc gì thương tâm quá đáng mà chán ghét người như thế?”.
Chàng đang nghĩ ngợi chợt nghe tiếng hổ gầm, quái nhân ra chiều hoan hỉ nói:
– A ha! Chú Đại hoàng đã về đây rồi! Nửa năm trước đây không biết chú đi đâu, bao nhiêu lần thổi tiêu mời chú đến mà không thấy chú lại.
Những câu nói này tựa hồ nói với Thượng Quan Kỳ mà cũng là nói cho mình nghe. Thượng Quan Kỳ cảm thấy rằng mình không hỏi gì đến thì không tiện, mà hỏi xen vào lại cũng không nên. Chàng nghĩ ngợi hồi lâu rồi mới hỏi:
– Phải chăng Đại hoàng là tên một con hổ lớn?
Quái nhân nhìn Thượng Quan Kỳ toan trả lời thì chợt nghe trên không có một tiếng kêu rất to, một con chim khổng lồ cụp cánh lại đậu xuống bên ngoài cửa sổ.
Thượng Quan Kỳ nhìn ra, con chim đang đậu trên nóc nhà cao đến hơn hai thước, cả kinh tự hỏi:
“Chim gì mà lớn vậy?”.
Quái nhân đưa tay ra vẫy, cười nói:
– Bằng huynh! Đã lâu không được gặp.
Con chim khổng lồ thò đầu vào, mỏ cứng như thanh kiếm, mắt sáng như sao, đứng vào trước ngực quái nhân trông ra chiều thân mật lắm.
Thượng Quan Kỳ thấy con chim này có vẻ anh hùng khí khái hiên ngang, chàng chưa từng thấy giống chim này bao giờ, liền hỏi:
– Con chim này thần tình như vậy, trên đời hiếm có, nghe người ta nói nó là chim đại bàng thì phải?
Quái nhân mỉm cười đáp:
– Phải rồi! Phải rồi! Nó không ở núi này. Ba năm về trước nó đến đây kết bạn với ta. Không ngờ cách biệt đã ba năm, hôm nay lại về đây thăm ta. Xem thế thì tính tình của điểu thú còn hơn cả loài người.
Thượng Quan Kỳ động tính hiếu kỳ, từ từ đưa tay lên sờ vào mình con chim khổng lồ, thấy lông bóng bẩy chẳng khác gì sờ vào ngọc quí. Bất giác chàng lắc mạnh mình chim, quái nhân ôm đầu nó vào lòng hớn hở.
Đột nhiên tiếng hổ gầm lên như phá tan bầu không khí im lặng. Một con hổ lớn lông vàng vằn đen nhảy qua nóc nhà vào đến gần.
Thượng Quan Kỳ thấy con hổ quá lớn, bất giác sợ hãi lẩm bẩm:
“Con hổ này to thật, ít có con nào to bằng”.
Chàng đang nghĩ ngợi, bỗng thấy đại bàng vỗ cánh một cái, bay vụt lại con hổ. Cánh nó quạt mạnh quá khiến người không mở mắt ra được. Bên tai nghe tiếng quái nhân gọi vang lên:
– Bằng huynh! Bằng huynh! Chú Đại hoàng này cũng là bạn ta đó.
Giống điểu thú tuy có khiếu thông linh, nhưng chưa hiểu được tiếng người, chỉ nghe thấy tiếng Đại bàng kêu, hổ rống điếc tai, gió thổi ào ào làm cho mái ngói rớt xuống.
Thượng Quan Kỳ giương mắt nhìn thấy đại bàng và lão hổ đang đấu nhau.
Đại bàng xòe hai cánh ra rộng đến chín thước. Lúc nó xoay chuyển, từng cơn gió nổi lên ầm ầm từ trên không quạt xuống.
Con hổ lớn ngẩng đầu lên, mắt mở trừng trừng như muốn nhảy lên vồ chim đại bàng. Miệng gầm lên những tiếng giận dữ, vang dội cả một vùng. Đột nhiên chim đại bàng xếp cánh lại, đâm xuống nhanh như chớp. Con hổ lớn nhảy một cái đã ra xa ngoài mấy trượng.
Nó chạy tới một nóc nhà khác để tránh chim bằng đánh tới.
Đại bàng đánh không trúng, tức mình kêu lên một tiếng thật dài, cụp cánh lại nhanh như tên bay đánh xuống.
Hổ quay mình lại chồm lên, há miệng to bằng cái chậu, nhảy lên toan cắn chim bằng.
Quái nhân lớn tiếng gọi liên thanh, nhưng cả hai con chim bằng và hổ lớn làm như không nghe tiếng. Mỗi lần hai con đánh nhau một miếng thì bàng kêu, hổ gầm. Đại bàng lại xòe cán tung lên không trung cao ngất tầng mây, còn lão hổ nhảy xuống đất, bốn chân vừa chấm đất lại nhảy vọt lên nóc nhà.
Thượng Quan Kỳ định thần đứng xem, thấy trên lưng lão hổ bị nát một chỗ, máu tươi chảy ra. Giữa lúc hổ há miệng, chim bằng cũng đánh xuống nên hổ bị thương.
Quái nhân gọi mãi thấy bằng và hổ không hiểu tiếng người liền đưa tiêu lên thổi.
Tiếng tiêu dìu dặt nổi lên một khúc vui vẻ mà dường như vẻ ôn hòa có lẫn tiếng gọi.
Quả nhiên tiếng tiêu vừa nổi lên, chim bằng và lão hổ không đánh nhau nữa.
Chim đại bàng vỗ cánh bay vào trước cửa sổ, lão hổ cũng đồng thời rống lên một tiếng dài, nhảy đến đứng trước cửa sổ.
Quái nhân đột nhiên ngừng thổi tiêu lại, giơ hai tay ra, tay trái vỗ nhẹ vào chim đại bàng, tay phải xoa đầu hổ, nói:
– Bằng huynh không ngại xa ngàn dậm, chú Đại hoàng cũng hết nghĩa địa chủ. Cả hai đều là bạn tốt, đừng đánh nhau nữa.
Đại bàng rung đôi cánh kêu lên một cái. Lão hổ cũng gật đầu gầm gừ khe khẽ.
Quái nhân cười ha hả quay đầu lại nhìn Thượng Quan Kỳ nói:
– Ngươi xem các bạn điểu thú của ta có phải hơn người không?
Thượng Quan Kỳ do dự một lúc rồi nói:
– Điều đó cũng không thể nhất định hẳn. Điểu thú tuy có linh khiếu nhưng lại không có năng khiếu phân biết hay dỡ, nếu bị người...
Bỗng thấy đại bàng rụt đầu lại chui ra ngoài cửa sổ. Lão hổ cũng lùi lại mấy bước.
Quái nhân thấy đại bàng và lão hổ như vậy thì rất là hoan hỉ. Đến lúc thấy đại bàng và lão hổ đột nhiên lui ra thì mới sinh nghi, lão lắng tai nghe một lúc rồi nói nhỏ với Thượng Quan Kỳ:
– Lại có người đến!
Vừa nói xong, chợt thấy có một điểm đỏ thấp thoáng đứng trên nóc nhà trước mặt.
Hồng y thiếu nữ xuất hiện! Đại bàng, lão hổ đều nhìn vào Hồng y thiếu nữ, dường như để coi chừng hành động của nàng và tựa hồ đợi mệnh lệnh của quái nhân.
Thượng Quan Kỳ định thần nhìn ra thấy nàng nhan sắc tuyệt vời, khăn đỏ buộc mái tóc bỏ xõa sau vai, tay áo xuống đến khuỷu tay để lộ đôi cánh tay trắng như ngó sen, mười đầu ngón tay như thân bút. Trừ có hai ngón tay cái để không, còn lại đều đeo nhẫn vàng lóng lánh. Trên cổ trắng muốt đeo một chuỗi hình như hạt châu, hạt nào cũng đen và lóng lánh. Quần chùng xuống đầu gối để lộ cặp đùi sáng bóng, chân vận đôi giày da hưu. Mặt ngọc môi son, nhan sắc thêm phần kiều diễm.
Cứ xem cách ăn mặc của nàng cũng đủ biết là người Trung Nguyên.
Nàng thoạt trông thấy chim bằng và lão hổ thì hơi giật mình, nhưng chỉ thoáng một cái nàng đã thu lại được vẻ bình tĩnh, thong thả đi về phía “Tàng Kinh Lâu”.
Quái nhân hai mắt dán vào Hồng y thiếu nữ, dường như lão cũng có điều gì nghĩ ngợi nhưng tuyệt không nói câu nào. Hồng y thiếu nữ đi ra đến đầu nóc nhà rồi không do dự chút nào, nhảy vọt tới buông mình xuống nóc lầu.
Thượng Quan Kỳ thấy khinh công của nàng khi nhảy xuống cực kỳ mềm mại thì trong lòng rất khâm phục, nghĩ thầm:
“Mới nhìn thân pháp của nàng cũng dư biết khinh công nàng hơn mình rất nhiều”.
Bỗng thấy lão hổ ngồi trước cửa sổ khẽ kêu lên một tiếng, nhảy một cái như sao đổi ngôi.
Hồng y thiếu nữ dường như đã có đề phòng. Hổ vừa nhảy đến nơi thì nàng cũng đã nhảy vọt lên không cao đến hơn hai trượng. Mình còn đang lơ lửng nàng đã chuyển thân đến một cửa sổ khác.
Con hổ vồ không trúng, tức giận nhảy xổ theo nàng.
Hồng y thiếu nữ cử động nhanh hơn nhiều. Tấm thân mềm mại loáng một cái đã nhảy vào trong nhà.
Thượng Quan Kỳ hốt hoảng vận động chân khí đứng lên, nhảy ra cản đường.
Thiếu nữ quát lên:
– Đứng lại!
Hồng y thiếu nữ né mình sang bên, tránh chỗ cửa sổ, đứng tựa lưng vào vách. Mắt nàng sáng như sao nhìn Thượng Quan Kỳ, chưa mở miệng nói câu gì, nét mặt vẫn giữ vẻ bình tĩnh cũng không ra chiều phẩn nộ. Vẻ bình tĩnh của nàng khiến cho Thượng Quan Kỳ phải ngạc nhiên. Trước cục diện khẩn trương đầy vẻ thần bí, Thượng Quan Kỳ không biết xử trí ra sao, nhìn nàng trân trân một lúc rồi hỏi:
– Nàng có hiểu tiếng Hán không?
Hồng y nữ đưa mắt nhìn căn gác một lượt rồi mới đáp lại ra ngoài câu hỏi:
– Trong căn gác này chỉ có hai người thôi chứ?
Không những nàng nói được tiếng Hán, mà giọng nói lại thanh tao uyển chuyển, câu nói trôi chảy thông thuận, không có chỗ nào ngượng nghịu.
Thượng Quan Kỳ chưa kịp đáp lại thì quái nhân đã chống tay xuống sàn nhảy lại.
Trong lúc thân mình rơi xuống, lão chuyển mình giáp lưng vào cửa sổ chận đường ra, rồi lạnh lùng hỏi nàng:
– Có phải ngươi là đệ tử của phái Mật Tông?
Hồng y nữ thản nhiên cười đáp:
– Phái Mật Tông ít khi thu nhận nữ đệ tử. Ta tuy ở biên cương đến đây nhưng không phải là đệ tử phái Mật Tông.
Quái nhân cười lạt nói:
– Bất luận ngươi là đệ tử phái Mật Tông hay ở biên cương đến đây, nhưng ngươi có tham dự vào cuộc đấu võ này hay không?
Lão ngừng một lát, rồi nhìn thẳng vào mặt thiếu nữ nói tiếp:
– Ngươi đã vào căn gác này thì đừng hòng yên lành mà ra.
Hồng y nữ mỉm cười nói:
– Đến ca ca ta còn không giữ nỗi được ta. Việc gì đến ngươi mà ngươi giữ ta.
Câu nàng nói chẳng khác gì trẻ con, khiến cho Thượng Quan Kỳ bất giác phải bật cười. Chàng nói:
– Đã đành chúng ta không can thiệp vào việc của ngươi nhưng ngươi lại chui vào nơi bí mật của chúng tạ..
Hồng y nữ lại đưa mắt lạnh lùng nhìn chàng nói:
– Bọn người Hán các ngươi “nam nữ thụ thụ bất thân”. Ngươi làm gì mà cứ tìm cơ hội để nói chuyện với ta?
Mấy câu nói của nàng tuy rất buồn cười nhưng vẻ mặt rất trang nghiêm.
Thượng Quan Kỳ nơm nớp lùi lại hai bước. Chàng tự hỏi:
“Chẳng lẽ tại ta chú ý đến nhan sắc của nàng chăng?”. Hồng y nữ thấy chàng nhảy lùi lại thì nghênh ngang đắc ý nói:
– Ở chỗ ta, chỉ trừ là người trong họ, còn kẻ nào mạo phạm đến ta là lập tức bị xử tử.
Nàng dừng lại một lát rồi tựa hồ rồi biết câu nói mình chưa hết ý, bèn nói tiếp:
– Nhưng tháng này tới đêm trăng tròn là lể tiết A Lạp Chân Thân, bọn họ có thể tùy ý mời ta nhảy múa.
Quái nhân đột nhiên giơ chưởng lên lạnh lùng nói:
– Lão phu mười mấy năm nay chưa giết ai, hôm nay bất đắc dĩ mà phải phạm sát giới.
Hồng y nữ tuyệt không lộ vẽ gì sợ hải, mỉm cười hỏi:
– Ngươi dám giết ta ư?
Rồi nàng bước ra gần cửa sổ. Quái nhân lạnh lùng nói:
– Ngươi bảo ta không dám?
Nhưng lão thấy mặt nàng tươi như đóa hoa phù dung, không khỏi giật mình nghĩ thầm :
“Con bé này tuy ăn mặc có vẻ khác lạ, nhưng vẻ mặt lại rất tự nhiên.
Ả tin chắc rằng ta không giết ả nên không phòng bị gì cả”. Trong lúc đột ngột, lão không có chú ý. Chưởng đã giơ lên rồi đánh ra không được, thu về cũng không tiện.
Khi nàng đến gần cửa sổ, lão mới quát lớn:
– Đứng lại!
Bỗng thấy chim bằng cùng lão hổ cùng kêu lên, một cầm một thú đứng chắn trước cửa sổ.
Hồng y nữ hỏi:
– Ngươi định giết ta chăng?
Lão quái nhân trầm ngâm một lúc rồi đáp:
– Ta chỉ cần ngươi đừng đem việc bí mật ở đây tiết lộ với ai thì ta sẽ để mi ra khỏi căn gác này.
Hồng y nữ đột nhiên vẻ mặt rất là kỳ dị. Mắt nàng không ngớt hết nhìn Thượng Quan Kỳ lại nhìn quái nhân, dường như trong lòng nàng đang bận suy nghĩ một việc gì rất nan giải. Lúc sau nàng lạnh lùng nói:
– Các ngươi không muốn ta đem việc này tố cáo với ai thì chắc là cừu địch với ca ca ta!
Quái nhân lạnh lùng nói:
– Nếu ta là kẻ địch các ngươi thì có lý nào lại cho ngươi ra khỏi nơi này một cách dễ dàng với điều kiện là ngươi không đem điều bí mật tiết lộ cùng ai. Chúng ta không thù ai và cũng không giúp đỡ cho ai. Nhưng nếu nàng đem chuyện ở đây mà nói với kẻ khác thì lời hứa của lão phu nhất định không thế nữa.
Hồng y nữ suy nghĩ một lát rồi nói:
– Được rồi! Ta nói sao đúng vậy. Chỉ có bọn người Hán các ngươi là giảo quyệt.
Nói lời rồi lại ăn lời được ngay.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Bọn ta là nhân sỉ ở Trung Nguyên, lời nói đáng giá ngàn vàng, quyết không thay đổi. Chỉ có bọn người ở biên cương là lời nói không nhất định.
Hồng y nữ hơi biến sắc, nhìn chằm chặp Thượng Quan Kỳ lạnh lùng nói:
– Ngươi là hạng người gì mà chỉ muốn lời qua tiếng lại với ta. Sao mà không biết hổ?
Thượng Quan Kỳ bị nàng mắng tức giận run lên, mặt đỏ như gấc, không có cách nào biện bạch được tức quá thở lên hồng hộc, quay mặt sang nơi khác.
Hồng y nữ nhìn quái nhân mỉm cười nhắc lại:
– Được rồi! Đã hứa với nhau như thế là xong, ta không tiết lộ bí mật trong căn gác này của các ngươi. Nhưng giả tỷ mà bị người khác phát giác ra thì đừng có trách ta.
Nói xong vịn tay vào cửa sổ chui ra ngoài. Bàn chân nhỏ nhắn đặt lên thanh cửa sổ nhảy một cái, người đã bắn sang nóc nhà trước mặt.
Quái nhân nhìn theo bóng nàng bay đi tựa con gió, thấp thoáng mấy lần đã không thấy đâu nữa. Quái nhân khen thầm và nghĩ bụng:
“Cô gái này tuy ở Tây Tạng đến nhưng xem ra võ công nàng không phải là của phái Mật Tông”. Thượng Quan Kỳ bị cô gái mắng cho một chập mặt vẫn còn đỏ bừng, lẳng lặng không nói gì từ từ ngồi xuống.
Quái nhân lại quay ra cùng đại bàng, lão hổ thân mật một lúc nữa rồi quay lại hỏi Thượng Quan Kỳ:
– Tại sao ngươi có dáng không vui?
Hai người tuy tình thật là thầy trò nhưng bề ngoài lại không nhận tiếng sư đồ.
Thượng Quan Kỳ chưa hề gọi lão một tiếng “sư phụ” nào mà lão quái nhân cũng không hề gọi Thượng Quan Kỳ hai tiếng “đồ nhi”. Cho nên lúc nói chuyện với nhau không giữ cấp bậc, có lúc như bạn hữu, có lúc chỉ giữ như người lớn tuổi và kẻ ít tuổi mà thôi.
Thượng Quan Kỳ nghiêng mình đáp cộc lốc mà không vào câu hỏi:
– Chưa!
Quái nhân cười khanh khách nói:
– Ngươi bị Hồng y cô nương mắng cho nên bây giờ giận lắm phải không?
Thượng Quan Kỳ bị lão nói toạc tâm sự mình ra chàng không có lý gì phủ nhận, chỉ mỉm cười.
Quái nhân nói:
– Dù bị cô bé đó mắng cho mấy câu cũng chẳng can gì. Chúng ta đường đường một đấng nam tử, bậc trượng phu không lẽ lại đi cãi vã với một người con gái.
Nói đến đây mặt lão đột nhiên biến sắc, ra vẻ cực kỳ nghiêm trọng, thở dài một tiếng rồi hỏi Thượng Quan Kỳ:
– Ngươi xem cô gái này độ bao nhiêu tuổi?
Thượng Quan Kỳ nói:
– Vãn sinh chưa nhìn kỹ ả, mới trông qua thì ả ước chừng mười bảy, mười tám tuổi.
Quái nhân nói:
– Đại nhi năm nay cũng mười bảy tuổi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.